banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Giáo Sư Đàm Trung Pháp (BA, MS, PhD) chuyên về ngữ học (linguistics) và phương pháp huấn luyện ESL (ESL instruction methodology) đã dạy đại học hơn 40 năm tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Nay về hưu, ông hiện là Chủ biên cho Tập San Việt Học <viethocjournal.com> của Viện Việt Học tại Little Saigon, Nam California từ năm 2018. 
Quá trình phục vụ giáo dục theo thứ tự thời gian của Giáo sư Đàm Trung Pháp:
• 1971 đến 1975 – Giám đốc Trung tâm Sinh ngữ và Giảng sư ngữ học Anh, Đại Học Sư Phạm Saigon.
• 1976 đến 1980 – Lecturer, Department of English, San Antonio College, Texas.
• 1981 đến 1997 – Director, Department of World languages, Dallas Independent School District, Texas.
• 1998 đến 2003 – Associate professor of linguistics, Texas Woman’s University.
• 2004 đến 2012 – Professor of linguistics, Texas Woman’s University.
Tác phẩm giáo khoa đại học do Giáo sư Đàm Trung Pháp soạn thảo hoặc chủ biên: 
• 1981 – A Contrastive Approach for Teaching English to Indochinese Students (Intercultural Research Association, San Antonio, Texas).
• 2006 – Cultural and Linguistic Issues for English Learners (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2007 – Intercultural Understanding (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2008 – Current Issues and Best Practices in ESL Education (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2009 – Understanding the English Language Learner (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2010 – Teaching English Learners: An International Perspective (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2011 – Linguistic and Cultural Considerations for English Learners (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).                


         

Nếu người Anh "ngao ngán" cú pháp Việt

thì người Việt "chào thua" cú pháp Anh

Đàm Trung Pháp



TẠI SAO “NGAO NGÁN”?
“I” và “YOU” nằm khá cao trong danh sách 100 chữ được dùng thường xuyên nhất trong Anh ngữ. Là đại từ xưng hô cho ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai số ít trong tiếng Anh, chúng giản dị bao nhiêu trong cách sử dụng thì hai đại từ xưng hô (personal pronouns) tương đương trong tiếng Việt phức tạp bấy nhiêu. Nói cách khác, người Việt học cách dùng “I” và “YOU” dễ như chơi, nhưng người Anh thì có nhiều vấn đề khi học cách dùng “TÔI” và “ANH” – đến nỗi có người đã ngao ngán mà than lên rằng “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam!”
Vấn đề này cũng dễ hiểu thôi.
Thực vậy tiếng Anh chỉ có những đại từ xưng hô ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai (cả số ít lẫn số nhiều) căn bản sau đây quá dễ sử dụng, “like a piece of cake” ấy mà: [Ngôi thứ nhất số ít = I] – [Ngôi thứ nhất số nhiều = WE] – [Ngôi thứ hai số ít = YOU] – [Ngôi thứ hai số nhiều = YOU]. Thế nghĩa là từ ông vua cho đến một người hành khất đều tự xưng mình là “I,” và từ ông tổng thống Mỹ cho đến con chó của ngài đều được gọi là “YOU” trong một cơ hội giao lưu mà chẳng ai phiền lòng ai cả. Bình đẳng đến thế là tuyệt vời trong xã hội rồi, phải không ạ?
Trong khi đó, có lẽ không một ngôn ngữ nào khác có thể so với Việt ngữ về bản chất đa dạng, đa năng của đại từ xưng hô ngôi thứ nhất số ít. Trong khi đa số ngôn ngữ chỉ sử dụng một dạng cho ngôi này, như JE trong Pháp ngữ, I trong Anh ngữ, ICH trong Đức ngữ, và WO (我) trong Hoa ngữ quan thoại, thì Việt ngữ có cả một kho tàng xưng hô cho ngôi thứ nhất số ít ngoài đại từ TÔI thông thường, như giải thích dưới đây:
Mỗi dạng khác nhau của đại từ TÔI nói lên được mối liên hệ đặc biệt giữa người nói và người nghe. Con cái chẳng bao giờ dám xưng TÔI với cha mẹ, cũng như học trò chẳng hề xưng TÔI với thầy và cô giáo. TAO và TỚ chỉ có thể thay thế cho TÔI giữa các bạn bè thân nhất; đại từ TAO cũng xuất hiện đều đều trong các cuộc chửi bới. Các đại từ xưng hô TÔI, TAO, TỚ có hình dạng số nhiều là CHÚNG TÔI, CHÚNG TAO, CHÚNG TỚ. Tất cả các danh từ diễn tả mối liên hệ họ hàng như BỐ, MẸ, CHÚ, BÁC, CÔ, CẬU, ÔNG NỘI, BÀ NGOẠI … đều có thể được dùng làm đại từ xưng hô ngôi thứ nhất. Và một nét rất đặc thù của tiếng Việt là tên người đang nói có thể được dùng làm đại từ xưng hô thay cho TÔI như trong câu nói nũng nịu của một cô Lan xinh đẹp nào đó với người bạn trai tốt số mới được quen nàng: “LAN muốn rủ anh đi Vũng Tàu tắm biển với LAN cuối tuần này, anh chịu không? Có người mới cho LAN một bộ bikini đẹp lắm!”
Ngày xưa, các hoàng đế tự xưng mình là TRẪM khi tiếp xúc với thần dân, và thần dân cung kính gọi họ là BỆ HẠ. Ngày nay một số người Việt “tồn cổ” đôi khi cũng khiêm tốn xưng mình một cách ngộ nghĩnh là TẠI HẠ, BỈ NH N, MỖ TÔI trong văn viết.
Cũng giống như trường hợp ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai của đại từ xưng hô trong tiếng Việt đa diện, đa năng hơn hẳn nhiều ngôn ngữ khác. Mỗi dạng của ngôi này nói lên được mối liên hệ đặc biệt giữa người nói và người nghe. MÀY/CHÚNG MÀY chỉ dùng giữa bạn bè hoặc trong các cuộc chửi lộn. Ngoài những đại từ xưng hô thông thường như ANH/CÁC ANH, EM/CÁC EM, ÔNG/CÁC ÔNG, BÀ/CÁC BÀ, CỤ/CÁC CỤ, những danh từ diễn tả mối liên hệ họ hàng (BÁC, CHÚ), những tước vị (BÁC SĨ, THIẾU ÚY), cũng như tên người (LAN, TUẤN) đều có thể dùng làm đại từ xưng hô ngôi hai.
Nhưng phải nói chức năng tuyệt diệu “độc nhất vô nhị” của đại từ xưng hô MÌNH – cho cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai số ít – có lẽ đã từng làm không ít người nước ngoài vừa hoảng hốt vừa ngạc nhiên. Nó có thể vừa ỡm ờ vừa tình tứ hết sức, như trong câu hỏi: “MÌNH ơi, MÌNH có biết là MÌNH nghĩ đến MÌNH cả ngày hôm nay không, hả MÌNH?” và câu trả lời: “MÌNH có biết MÌNH nghĩ đến MÌNH chứ, vì MÌNH nhảy mũi hoài à! Bao giờ MÌNH lại được gặp MÌNH đây?”
Áp dụng những quy ước ngôn ngữ xã hội (sociolinguistic conventions) nêu trên trong Việt ngữ, ta có thể hiểu sự khác biệt quá lớn trong cách dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai (số ít) trong tiếng Anh và tiếng Việt như thế nào. Sự khác biệt này có thể được thấy rõ qua phương trình với “vế Anh ngữ” (rất nhẹ ký) và “vế Việt ngữ” (rất nặng ký) dưới đây:
You and I = Anh và tôi / Mày và tao / Ông và cháu / Anh và em / Em và anh / Thầy và con / Giáo sư và em / Thiếu úy và tôi / Đại nhân và tại hạ / Trẫm và hạ thần / Mình và mình / Lan và Tuấn / và còn nhiều nhiều nữa.

TẠI SAO “CHÀO THUA”?
“We will have been running exactly for an hour by the time we get home” là thí dụ của một câu Anh ngữ khó lòng chuyển sang Việt ngữ sao cho vừa đúng nghĩa vừa thuận tai. Chẳng lẽ dịch động từ của nó ở thời future perfect progressive một cách ngô nghê thành “Chúng tôi sẽ đã đang chạy (?) được đúng một tiếng đồng hồ khi về đến nhà”? Vì động từ “chạy” không thể đi với nhóm phụ từ “sẽ đã đang”, chúng ta phải “biến cú” (paraphrase) cho rõ ý nghĩa câu đó thành “Tính ra khi chúng tôi (sẽ) về đến nhà thì chúng tôi đã liên tục chạy được một tiếng đồng hồ rồi”.
Quả thực, so với tiếng Việt thì cách sử dụng động từ tiếng Anh rắc rối hơn nhiều. Sự  khác biệt này là lý do tại sao học viên người Việt chúng ta thường  phạm nhiều lỗi với cách sử dụng các “tenses” (thời) trong tiếng Anh. Có thể nói trong lãnh vực này, tiếng Việt giản dị bao nhiêu thì tiếng Anh phức tạp bấy nhiêu. Trong khi tiếng Việt chỉ cần 3 function particles (tiểu từ chức năng) “đang, đã, sẽ” để “chia” tất cả các động từ cho ba ý niệm “hiện tại, quá khứ, tương lai” thì tiếng Anh có 12 tenses với cách dùng khác nhau để “conjugate” các verbs! Chúng được “chia” căn cứ vào ý niệm “xảy ra khi nào” (present, past, future) và ý niệm “xảy ra kiểu nào” (simple, progressive, perfect, perfect progressive).
Nếu 3 ý niệm “xảy ra khi nào” dễ cho người Việt hiểu và sử dụng, thì 4 ý niệm “xảy ra kiểu nào” thật cầu kỳ, phiền toái, khó dùng, và khó giải thích những chức năng đặc thù của chúng! Cái tense đòi hỏi sự kết hợp cùng một lúc 3 ý niệm future + perfect + progressive – rất ít khi dùng đến – là một điều kỳ dị khó hiểu của Anh ngữ, như trong thí dụ mở đầu của câu chuyện ngữ học này.                                                        

Những chức năng chính yếu của 12 tenses trong tiếng Anh được tóm lược dưới đây cùng với các thí dụ liên hệ. Con số 12 này là kết quả của bài tính nhân giản dị [3 lúc nào x 4 kiểu nào = 12 thời của động từ].
Xin lưu ý là sentence được đặt bên trong ký hiệu [  ] và clause được đặt bên trong ký hiệu {  }, thí dụ:  [{He had a stroke}{when he was playing tennis.}]
01. Present Simple [We study English] dùng để:
(a) Diễn tả một hành động xảy ra lúc ta đang viết:     
[Lisa is here with us now.]     [What do you want from me this time?]
(b) Diễn tả một thói quen
[They usually spend their vacation in Paris.][Our club meets every third Saturday morning of the month.]
(c) Đề cập đến một sự thực hiển nhiên, lúc nào cũng vậy:
[The sun sets in the west]. [Water boils at 100 degrees Celsius].
(d) Nhắc lại các hành động quá khứ, cố tình để cho chúng có thể hiện lên một cách sống động:
 [“So, you want to know how Jennifer and I met for the first time? Well, it is a beautiful Saturday morning and I am in the library. Suddenly a pretty girl, with blue eyes and freckles on her cheeks, sits down next to me, whispering “good morning” with a friendly smile …”]
(e) Cho verb trong subordinate clause bắt đầu bằng một subordinate conjunction như “when, as soon as, if…” khi main clause dùng verb trong thời future simple: [{We will be ready} {when they arrive.}] Lưu ý câu sau đây sai cú pháp vì verb trong subordinate cũng ở thời future simple: [{We will be ready} {when they will arrive}].
02. Present Progressive [We are studying English] dùng để:
(a) Diễn tả một hành động đang tiếp diễn lúc ta viết:
 [They are dancing cheek-to-cheek now.] [What are you doing at home alone?]
(b)Xác định một hành động tương lai như đã định: 
[Yes, Lisa is playing the piano at the concert tonight.] [I am thrilled that my parents are coming for my graduation next week!]
03. Present Perfect [We have studied English] dùng để: 
(a) Nhấn mạnh một hành động đã hoàn tất trong quá khứ:
 [Yes, we have visited Paris twice before]. [Unless you have lived in Vietnam, you do not know how beautiful it is!]
(b) Diễn tả một hành động đã xảy ra nhưng còn tiếp tục đến hiện tại:
[They have lived in Dallas for 10 years and have no plan to move away].  [We have not seen Jimmy since last Sunday].
04. Present Perfect Progressive [We have been studying English]:
Dùng như Present Perfect, nhưng nhấn mạnh sự liên tục (continuity) của hành động quá khứ đến tận lúc ta viết: [The first speaker for the seminar has been speaking for an hour already, despite his allotted time of only 30 minutes]. [Robert Jones has been courting Lisa Smith since last summer.]
 05. Past Simple [We studied English] dùng để:
(a) Diễn tả một hành động quá khứ không còn liên hệ với hiện tại, thời gian  có thể biết hay không biết: [Our parents went to Japan and had a very wonderful time there]. [The last time we saw Lisa, she looked great!]
(b) Diễn tả một thói quen trong quá khứ: 
 [Jack smoked a lot while serving in the military]. Lưu ý là thành ngữ used to cũng dùng cho chức năng này: [Jack used to smoke a lot while serving in the military].
06. Past Progressive [We were studying English] dùng để:
(a) Diễn tả một hành động kéo dài trong quá khứ:
[Thúy was teaching music for two years in Hanoi before she moved to Saigon.]
(b) Diễn tả một hành động quá khứ đang tiếp diễn khi một hành động quá khứ khác xảy ra: [It was raining when we left home].  
07. Past Perfect [We had studied English] diễn tả:  
Một hành động quá khứ đã xảy ra trước một hành động quá khứ khác (ở thời past simple): [When the we got to the airport a little late, the plane had taken off!] [My cousin wanted to get back all the money that he had lost in gambling.]
08. Past Perfect Progressive [We had been studying English] diễn tả:
Một hành động quá khứ trong lúc đang tiến hành thì một hành động  quá khứ khác (ở thời past simple) xảy ra:
[It had been raining when we started our trip.]
Lưu ý là cách dùng past perfect progessive tương tự như past perfect nêu trên,  
nhưng nhấn mạnh tính chất tiếp diễn của hành động đã xảy ra trước:
[The job offer, which Elizabeth had been expecting, finally came.]
09. Future Simple [We will study English] diễn tả:
Một hành động sẽ xảy ra trong tương lai:
[I will see you tomorrow to finalize our plan for next year, OK?]
Lưu ý là thời này cũng dùng cho verb trong main clause của một complex sentence mà subordinate clause bắt đầu với các subordinate conjunctions “when, before, after, as soon as,” và verb ở thời present simple:
[{We will be happy} {when you graduate from college.}]
[{We will take you back to your office} {if you like.}]
10. Future Progressive [We will be studying English] diễn tả:
Một hành động liên tục trong tương lai:
[I will be waiting for you in the lobby tomorrow morning.]
11. Future Perfect [We will have studied English] diễn tả:
Một hành động sẽ hoàn tất trong tương lai. Khi dùng tense này, ta hướng về tương lai và nhìn  lại một hành động khác sẽ hoàn tất sau đó một thời gian. Thường được dùng với một “time expression” như “by the time,” “for six days,” v.v...
[By the time you read this letter, I will have arrived in Tokyo.]
[We will have been here for exactly three months on July 2.]
12. Future Perfect Progressive [We will have been studying English] diễn tả:
Một hành động hoàn tất đang tiến hành trong tương lai, dùng như future perfect, nhưng nhấn
mạnh sự liên tục của hành động:
[By the time you arrive, we will have been preparing for the party for hours!]
Đọc tới đây người Việt chúng ta có lẽ đã đủ ngắc ngư với cách dùng 12 thời (tenses) của động từ trong Anh ngữ, để mà có quyền kêu toáng lên rằng “Chúng tôi chào thua cú pháp Anh!”

2020
Gs Đàm Trung Pháp

                                                                   

Đăng ngày 26 tháng 05.2020