banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Điểm mặt kẻ thù:

Từ Đặng Tiểu Bình-Polpot trong chiến tranh biên giới Tây Nam VN

Đến Tập Cận Bình-Hun Sen trong xung đột ngày nay

Trần Trung Đạo

Giống như bài trước, bài viết này tập trung vào các mối quan tâm về an ninh quốc gia, liên minh khu vực và quốc tế.
Theo nhiều nguồn tin, năm 2017 một hiệp ước bí mật giữa Hun Sen và Tập đã được ký kết, qua đó, TC có quyền sử dụng căn cứ Ream Naval Base trong ba chục năm. Hun Sen từ chối yêu cầu của Mỹ được vào xem tận mắt căn cứ cho dù đây là căn cứ do Mỹ giúp xây dựng. Trong những năm 2010,  Ream Naval Base là trung tâm huấn luyện liên hợp Mỹ-Cambodia trong chương trình Cooperation Afloat Readiness and Training (CARAT) program.

Các chính quyền Mỹ trong thập niên này cố gắng thuyết phục Cambodia duy trì vị trí “độc lập” nhưng đều thất bại. Lý do đơn giản là đi với Mỹ Hun Sen không có nhiều lợi lộc cho cá nhân ông ta và cho Cambodia. TC không chỉ viện trợ kinh tế mà còn giúp duy trì chế độ Hun Sen, một chế độ độc tài do CSVN dựng lên và bảo vệ bằng xương máu suốt mười năm đầu.
Tại Hội Nghị về Tương Lai Á Châu 2021 (The Future of Asia 2021) Hun Sen phát biểu: “Tôi không dựa vào Trung Quốc thì tôi dựa vào ai? Nếu tôi không nhờ Trung Quốc thì tôi nhờ ai?" (NIKKEI Asia Tokyo May 20, 2021)
Đầu tháng hai năm nay 2023, trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh, Hun Sen được Tập Cận Bình cam kết bảo vệ tương lai chính trị của y qua câu tuyên bố : Trung Quốc kiên quyết ủng hộ Campuchia bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, kiên quyết ủng hộ Campuchia trong việc thúc đẩy đều đặn các chương trình nghị sự chính trị lớn trong nước và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời kiên quyết phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia.” (AP trích theo Xinhua News Agency)

Trong các lý thuyết tranh chấp chính trị thời hiện đại, “bao vây đối thủ” vẫn là chiến lược được đặt lên hàng đầu và được áp dụng phổ biến nhất.
Cuộc chiến vùng biên giới Tây Nam Việt Nam đã chấm dứt 44 năm nhưng các biến động đang diễn ra cho thấy chính sách “bao vây Việt Nam” vẫn không thay đổi dù lãnh đạo TC là Đặng Tiểu Bình hay Tập Cận Bình.
Nhưng trước khi nhận diện rõ kẻ thù hiện nay, hãy cùng điểm mặt kẻ thù quá khứ dù cả hai cũng chỉ là một.
Quora là một website chuyên đưa ra những câu hỏi và những câu trả lời lý thú về mọi vấn đề. Một câu hỏi được đặt ra:”Liệu thế giới có nợ Việt Nam một lời xin lỗi vì Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm để cứu Campuchia khỏi Khmer Đỏ trong khi bị Liên Hợp Quốc lên án và cấm vận bất công?”
Một số người cho là “có” và một số trả lời “không” tùy theo họ là ai và đứng từ góc nhìn nào.
Trong quan điểm của người viết, chẳng ai nợ ai lời cám ơn hay xin lỗi nào. Trong thời điểm 1978, khi chung quanh chỉ toàn là kẻ thù và vòng vây mỗi ngày thêm chặt, CSVN thật không có chọn lựa nào khác hơn. Việc CSVN xâm lăng Campuchia không liên quan gì đến mục đích nhân đạo cứu người như bộ máy tuyên truyền CS rêu rao. Chính trị là chính trị. Lịch sử thế giới để lại vô số bài học chính trị và đạo đức không phải bao giờ cũng thuận chiều nhau.  

Bàn về Chiến Tranh Biên Giới 1979 mà không nhắc đến vai trò của Pol Pot là một thiếu sót. Y chính là que diêm đã đốt lên lò lửa dọc biên giới Tây Nam 1975-1978 và dẫn tới Chiến Tranh Biên Giới Việt-Trung 1979.
Pol Pot là một bí danh của Saloth Sar được giữ kín đến nỗi thế giới biết nhiều đến năm 1979, nhưng với CSVN và TCSQ, Pol Pot không phải là người ngoài.
Không giống như Hitler với tư tưởng Quốc Xã hoàn toàn mới với Anh, Pháp, Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước Châu Âu trước 1930, Pol Pot là người “vừa là đồng chí vừa là anh em” của cả hai giới lãnh đạo CSVN và CSTQ trong một thời gian dài. Cả ba cùng uống chung, tắm chung trong cùng một dòng nước chủ nghĩa Lenin Stalin và tư tưởng Mao Trạch Đông từ khi các đảng CS Á Châu này thành lập.

Mới đây TC lần nữa mượn tay hàng xóm Cambodia để bao vây và cô lập Việt Nam như họ đã từng làm sau năm 1975.
Cùng một mục tiêu nhưng khác về phương tiện. Vào năm 1978, phương tiện là vũ khí nhưng lần này tài chánh sẽ là phương tiện chính.
Năm 1978, các quốc gia hội viên ASEAN ủng hộ quan điểm Đặng Tiểu Bình vì họ không muốn thấy một “Cu Ba phương đông”. Năm 2012, ngoại trừ Philippines, các quốc gia như Thái, Miến, Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Singapore đã nghiêng về phía TC qua thái độ không muốn can thiệp vào xung đột biển Đông.
Lý do rất dễ hiểu. Nhìn vào cán cân ngoại thương cũng như vốn đầu tư của TC vào các nước ASEAN sẽ biết ngay họ làm như thế phát xuất từ lý do kinh tế và nỗi lo sợ TC trừng phạt. Kể từ khi Thỏa hiệp Mậu dịch Công bằng Trung Quốc-ASEAN (The China-ASEAN Fair Trade Agreement) được ký kết năm 2010, các công ty TC đổ tiền như nước vào ASEAN và hiện nay là thành viên thương mại lớn nhất trong vùng.

Tham vọng khống chế ASEAN không phải là mới mà đã bắt đầu từ chuyến viếng thăm của Đặng Tiểu Bình đến các nước ASEAN từ năm 1978.
Việc họ Đặng chọn Thái Lan như chặng đầu tiên chỉ vì vừa muốn ve vãn đồng minh thân cận Mỹ ở Đông Nam Á và cũng muốn dùng đất Thái để tiếp tục yểm trợ vũ khí cho Pol Pot. Tại mỗi chặng trên chuyến viếng thăm, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh Việt Nam, một “Cu Ba phương đông” như một đe dọa cho hòa bình và ổn định trong vùng Đông Nam Á. Trong số các lãnh tụ ASEAN thời đó chỉ có Lý Quang Diệu là người hiểu được tâm địa của họ Đặng. Đặng Tiểu Bình ngạc nhiên khi nghe Lý Quang Diệu phát biểu rằng các quốc gia Đông Nam Á lo ngại TC nhiều hơn là lo ngại Việt Nam. Dù bất đồng một số điểm Đặng và Lý rất thán phục nhau về khả năng lãnh đạo, tính thực tế và biết nhìn xa về tương lai đất nước họ và thế giới.
Điều kiện kinh tế chính trị năm ngày nay khác với điều kiện kinh tế chính trị năm 1979 nhưng đều bất lợi cho CSVN và cũng do bàn tay lông lá của TC vận dụng từ bên trong.

Chủ trương của TC là khống chế Việt Nam, giữ Việt Nam trong vòng khốn đốn, lạc hậu, nghèo nàn, ăn không ngon và ngủ không yên như thời TC xúi dục Khmer Đỏ quậy phá vùng biên giới Tây-Nam Việt Nam.
Lãnh đạo TC vừa phải hành xử như một trong những cường quốc kinh tế nhưng cùng lúc không che giấu tham vọng thống trị biển Đông bằng mọi phương tiện. Và nếu phải chọn một đối tượng để dằn mặt bằng bất cứ hình thức nào, các nước nhỏ trong vùng, không có đối tượng nào khác hơn là Việt Nam.

Trong cuộc chiến Việt Miên năm 1979, phía CSVN chiếm nhiều ưu thế về cả phương tiện chiến tranh lẫn kinh nghiệm chiến trường. Hai ưu thế đó không còn nữa. Suốt 37 năm, giới lãnh đạo đảng CSVN chỉ lo củng cố vai trò cai trị, tham nhũng, tập trung lực lượng an ninh vào việc trấn áp những người yêu nước mà bỏ qua một thế giới đang không ngừng thay đổi, đi lên và những lãnh đạo Cambodia gốc Kmer Đỏ đang mỗi ngày được hiện đại hóa về mọi mặt.

Nói đến Khmer Đỏ không thể không nhắc vai trò của TC trong xung đột Việt Nam Cambodia. Pol Pot và đảng CS Cambodia là thủ phạm trực tiếp nhưng Đặng Tiểu Bình và đảng CSTQ cũng đã đóng vai trò quan trọng dẫn tới nạn diệt chủng Cambodia. Chính Hun Sen xác nhận điều này trong luận án của y: “Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc ủng hộ cuộc diệt chủng của Polpot đối với nhân dân Cambodia cũng như việc Polpot xâm lược Việt Nam”.
Quan hệ giữa Pol Pot và TC bắt nguồn rất sớm và trở nên chặt chẽ về mặt lý luận sau khi Pol Pot bí mật viếng thăm TC vào năm 1965. Y ở lại TC nhiều tháng và làm việc với Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Tổng bí thư đảng CSTQ.
Pol Pot được Mao Trạch Đông chỉ dẫn nhiều điểm về lý luận cách mạng và chiến tranh nhân dân. Mao thậm chí còn tặng người học trò ngoan Pol Pot này ba chục cuốn sách của Marx, Engels, Lenin và Stalin. Dòng máu hung bạo, ác độc trong người của Pol Pot được nhuộm đỏ bằng chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa dân tộc cực đoan Cambodia. Quan điểm “cách mạng liên tục” của Mao ảnh hưởng Pol Pot rất nhiều trong việc hoạch định các chiến lược tấn công chế độ Lon Nol thân Mỹ.
Pol Pot trở lại TC và tham khảo với Đặng Tiểu Bình từ 28 tháng Chín đến 22 tháng 10, 1977.
Đây là lần đầu tiên báo chí quốc tế chính thức biết Saloth Sar và Pol Pot chỉ là một người. Họ Đặng rất vui khi được Pol Pot chia sẻ quan điểm triệt để chống CSVN của y. TC viện trợ cho Cambodia hàng trăm xe tăng, đại pháo và nhiều máy bay chiến đấu để chuẩn bị cho các trận đánh lớn có thể xảy ra. Trong giai đoạn này, TC là đồng minh duy nhất của Khmer Đỏ.
Pol Pot chủ trương chỉ cần một người Cambodia diệt được ba chục người Việt, dân Cambodia sẽ tiêu diệt toàn bộ dân tộc Việt Nam.
Các cuộc đột kích vào đảo Thổ Châu, Phú Quốc, nhiều địa phương thuộc các tỉnh An Giang, Tây Ninh, đốt phát làng mạc, giết người, bắt cóc, bịt mắt thả sông của Khmer Đỏ trong giai đoạn 1977-1978 phát xuất từ chủ trương này.
Các trận đột kích liên tục của quân đội Pol Pot gây thiệt hại nặng cho dân Việt sống vùng biên giới đã dẫn đến cuộc phản tấn công của CSVN vào nội địa Cambodia trong những ngày cuối năm 1978, đánh bật tập đoàn Pol Pot vào rừng và ngày 8 tháng Giêng 1979 thiết lập chế độ thân CSVN Heng Samrin với Hun Sen là Bộ trưởng Ngoại Giao.
Về mặt chiến lược, việc CSVN đánh sập chế độ Pol Pot là đúng nhưng vì không có một đồng minh nào ngoại trừ khối Liên Xô xa xôi, bị TC, Mỹ, ASEAN liên kết nhau cô lập nên CSVN đã rơi vào vũng lầy Cambodia suốt mười năm.

Hun Sen, một Pol Pot mới của TC trong thời đại toàn cầu hóa
Hun Sen là ai?
Hun Sen, sinh năm 1952 và là một trong những lãnh đạo quốc gia lâu nhất thế giới, cũng chẳng phải là người xa lạ. Y nguyên là Trung đoàn phó của một đơn vị Khmer Đỏ đào thoát theo Việt Nam và đóng vai Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Heng Samrin. Lý lịch của y cũng giống như các lãnh đạo CS thay đổi tùy theo thời thế. Một số nghiên cứu cho rằng y tham gia Khmer Đỏ khá sớm, khoảng 1967, nhưng Hun Sen phủ nhận và tự khai y chỉ gia nhập vào năm 1970 đáp lời kêu gọi của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Giống như nhiều lãnh đạo Cambodia có quá khứ Khmer Đỏ khác, Hun Sen cố tình che giấu lý lịch của mình càng nhiều càng tốt.
Luật sư Brad Adams, Giám đốc Khu vực Á châu của Human Rights Watch, nhận xét Hun Sen là một kẻ có bản chất độc tài thô bạo không khác gì các nhà độc tài trong cùng “câu lạc bộ 10 ngàn”, ám chỉ một nhóm gồm những nhà độc tài thông qua bạo động, kiểm soát an ninh, dựa vào sự yểm trợ từ nước ngoài để kéo dài quyền lực cai trị trên 10 ngàn ngày. Sau sự sụp đổ của hàng loạt các nhà độc tài tại Tunisia, Egypt, Libya và Yemen, Hun Sen là một trong số rất ít hội viên của “câu lạc bộ 10 ngàn” còn nắm được quyền hành.

Tên danh dự đầy đủ của Hun Sen là Samdech Akeak Moha Sena Padei Techo Hun Sen còn dài hơn cả tên danh dự của nhà độc tài khát máu nhất Congo là Mobutu Sese Seko Nkuku Ngbendu wa Za Banga. Mới đây khi được hỏi liệu y có lo ngại sẽ bị lật đổ như các nhà độc tài Tunisia, Egypt, Libya, máu Khmer Đỏ trong người sục sôi lên và Hun Sen trả lời: “Tôi chẳng những làm suy yếu đối phương mà còn tận diệt chúng… Nếu kẻ nào nghĩ mình đủ mạnh để biểu tình, tôi sẽ đánh gục bọn chó đó và nhốt chúng vào trong cũi”.
Hun Sen không chỉ đe dọa thôi nhưng trong quá khứ y đã trấn áp đối lập một cách thô bạo nhiều lần.
Trong năm 1991, khi các đại diện Liên Hiệp Quốc vào Cambodia tổ chức tuyển cử, Hun Sen đã ra lịnh cho an ninh dưới quyền tàn sát trên 100 đảng viên của một đảng đối lập ngay trước mắt của phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Một lần khác, vào năm 1997, Hun Sen ra lịnh cho cận vệ tấn công bằng lựu đạn vào một buổi họp của lãnh tụ đối lập Sam Rainsy làm 16 người chết và hơn 150 người bị thương. Cũng trong năm 1997, lo ngại bị thất cử, Hun Sen tổ chức đảo chánh chống lại đảng Hoàng gia mà y đã liên minh. Hàng trăm người bị bắt và bị giết. Các nhân viên Liên Hiệp Quốc khi đào xác lên đã khám phá phần lớn đã bị bắn vào đầu trong lúc đang bị còng tay và bị bịt mắt. Những hình ảnh đó gợi lại cảnh tượng kinh hoàng của thời Pol Pot.
Nhiều người cho rằng Hun Sen mới ngã về phía TC mới đây. Điều đó không đúng. Khuynh hướng thân TC của Hun Sen bắt đầu sau cuộc đảo chánh đẫm máu năm 1997. Cuộc đảo chánh đã làm y mất uy tín trong các lãnh đạo các quốc gia dân chủ Tây phương. Nhiều quốc gia đã ngưng viện trợ cho chính phủ Hun Sen hay tiếp tục viện trợ nhưng đưa ra các điều kiện phải tôn trọng nhân quyền.

Giống như Pol Pot trước đây, Hun Sen không còn đường nào khác ngoài việc đi tìm sự ủng hộ từ phía TC. Dĩ nhiên giới lãnh đạo TC nắm bắt cơ hội ngàn vàng này. Từ năm 1997 đến năm 2005, TC cung cấp cho chính quyền Hun Sen 600 triệu dollar qua đầu tư, viện trợ không hoàn lại, hủy bỏ nợ đến thời hạn trả.
Từ năm 2000, hàng loạt lãnh đạo cao cấp CSTQ lần lượt viếng thăm Cambodia. Tổng bí thư Giang Trạch Dân thăm Cambodia năm 2000, cựu Thủ tướng Lý Bằng thăm Cambodia năm 2001, Thủ tướng Chu Dung Cơ thăm Cambodia năm 2002.
Đáp lại, trong cùng thời gian, Hun Sen đã thăm viếng TC tất cả 6 lần. Hun Sen từng tuyên bố “Trung Quốc nói ít làm nhiều” vì viện trợ của TC không đặt ra các điều kiện nhân quyền trong khi nhân quyền lại là tiền đề thảo luận với các nước dân chủ. Trong bang giao quốc tế, chế độ Hun Sen nhiệt tình ủng hộ các chính sách của TC qua việc ngăn cấm các viên chức trong chính quyền y thăm viếng Đài Loan, ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc”, y còn họa theo TC khi lên tiếng kết án Mỹ trong vụ máy bay Mỹ ném bom lầm xuống tòa đại sứ TC tại Belgrade năm 1999.
Trong lãnh vực quân sự, TC lần nữa đóng vai trò yểm trợ tích cực như đã từng làm đối với chế độ Pol Pot. Từ sau cuộc đảo chánh của Hun Sen năm 1997, TC đã gởi các trang bị quân sự cho cánh Hun Sen, xây dựng các doanh trại quân đội, sửa chữa phi trường Kampong Chhnang, hàng năm đưa 40 sĩ quan trong quân đội Cambodia sang TC huấn luyện.
Nhiều người Việt phê bình Hun Sen và lãnh đạo hai nước láng giềng hữu nghị thân thiết Cambodia và Lào, có lịch sử gắn bó từ thời đảng CS Đông Dương, đã bí mật bắt tay TC.
Thật ra, không có chỗ cho các yếu tố đạo đức, ơn nghĩa trong bàn cờ chính trị. Hơn ai hết Hun Sen biết chính bản thân y trước đây khi được đặt vào chức Bộ trưởng Ngoại giao ở tuổi 27 cũng chỉ là con cờ chính trị của CSVN mà thôi. Thời thế đã đổi thay và con người thay đổi theo thời thế là chuyện bình thường.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Cambodia nên giữ vai trò độc lập trong xung đột Việt Trung để nhận được sự ủng hộ từ cả hai bên nhưng đó chỉ là lý thuyết, lịch sử và thực tế kinh tế chính trị cho thấy, Cambodia phải chọn TC và chia tay với CSVN.
Đi với CSVN, Hun Sen không được gì trong khi đi với TC Hun Sen có lợi cho cả cá nhân lẫn đất nước của y. Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với Cambodia và Bangladesh về sản phẩm tiêu dùng loại rẻ tiền nói chi là chuyện tranh đua với TC để viện trợ cho Cambodia.
Đối với nội bộ Cambodia, càng đóng vai trò độc lập với Việt Nam bao nhiêu, Hun Sen, người vẫn còn bị phe đối lập tại Cambodia tố cáo là bù nhìn Việt Nam, sẽ càng được sự ủng hộ của nhân dân Cambodia bấy nhiêu.
Thế hệ Cambodia được CSVN cứu sống năm 1979 đã già và nhiều trong số họ đã chết. Thế hệ trẻ lớn lên chỉ biết đến Việt Nam là kẻ thù truyền thống của dân tộc Khmer.
Trong diễn văn kỷ lục dài trên 5 giờ trước quốc hội vào đầu tháng 8, 2012, Hun Sen cứng rắn cam kết “Thật ra, tuy nhiên, biên giới đường biển giữa Cambodia và Việt Nam vẫn chưa xác định và không một giọt nước nào của nguồn hải lưu đã bị mất về tay Việt Nam”.
Các lãnh tụ đối lập trong quốc hội Cambodia từ nhiều năm nay liên tục tố cáo Việt Nam cướp đoạt đất đai trong đó có cả đảo Phú Quốc và vùng hạ lưu sông Cửu Long nơi có dân Khmer Krom đang sống. Khẩu hiệu chống Việt Nam cướp đất đầy tính khích động nhưng lại rất thu hút cử tri trong các mùa bầu cử. Sự cứng rắn đối với Việt Nam của Hun Sen đáp ứng “nguyện vọng” nhân dân nhằm binh vực tính chính danh của chế độ và tiếp tục là hội viên của “câu lạc bộ 10 ngàn” lâu hơn nữa.
Hun Sen Tham Nhũng
Vi trùng tham nhũng sinh sản rất nhanh trong các chế độ độc tài, nơi quyền lực tập trung trong tay một nhóm nhỏ người nắm quyền cai trị. Tham nhũng là một trong những căn bịnh đang đè nặng lên xã hội Cambodia và gia đình bị tố cáo tham nhũng nhiều nhất là Hun Sen. Mặc dù chỉ làm việc cho chính phủ trong suốt hơn 30 năm, gia đình y có một đời sống sung túc hơn bất cứ người dân Cambodia nào.
Cũng theo lời của luật sư Brad Adams thuộc tổ chức Human Rights Watch, mười năm trước, một viên chức Bộ ngoại giao Mỹ đã tiết lộ cho ông biết tài sản của Hun Sen được ước lượng vào khoảng 500 triệu dollar. Không ai biết chính xác giá trị bất động sản và dự trữ dollar, vàng bạc của Hun Sen và gia đình tại các ngân hàng ngoại quốc hiện nay là bao nhiêu. Phản ứng trước những lời tố cáo tham nhũng, Hun Sen cho báo chí biết y và gia đình chỉ sống bằng đồng lương thủ tướng 1,150 dollar mỗi tháng. Tuy nhiên không một nhà phân tích nào tin vào con số không thể nào đúng với thực tế này.
Không có CSVN, Hun Sen không chỉ mù một mắt mà đã mồ hoang mả lạnh từ lâu rồi, nhưng với bản chất bạo động, háo danh, tham vọng quyền lực sẵn có của người cựu Khmer Đỏ, Hun Sen rất dễ dàng bị TC khích động và mua chuộc.
Lãnh đạo TC thừa tiền bạc và cũng thừa kinh nghiệm làm ăn với các lãnh đạo độc tài. Cả một đám lãnh đạo châu Phi xa xôi và đắt tiền mà TC còn mua chuộc được dễ dàng sá gì một Hun Sen rẻ mạt gần nhà.
Và tất cả những oan nghiệt đó, dùng chữ của Hun Sen trong luận án tiến sĩ chính trị của y, chỉ vì cùng “từ một bào thai” CS. Lịch sử hiện đại của ba nước bị trói chặt bởi sợi xích oan nghiệt CS. Thật vậy, ý thức hệ CS là nguyên nhân sâu xa cho tất cả đau thương thảm khốc mà người dân vô tội trong ba quốc gia Việt, Trung, Cambodia đã chịu đựng. Cách mạng văn hóa ở TC, Cải cách ruộng đất ở Việt Nam, Năm số không (Year Zero) ở Cambodia đều là sản phẩm của hệ tư tưởng Mác Lê Mao.

Chủ nghĩa Cộng Sản đã tàn trên phần lớn trái đất nhưng tại ba nước Việt, Trung, Cambodia bóng ma Cộng Sản vẫn còn ám ảnh thường xuyên trên số phận con người. Ngày nào đảng CS còn cai trị hay có ảnh hưởng lớn, ba nước Việt, Trung, Cambodia lại sẽ đi vòng theo một chu kỳ thù địch, bắt đầu từ chỗ nợ máu xương và chấm dứt ở chỗ thanh toán nhau bằng xương máu.
Lý do, chỉ vì cả ba nhánh sông này đều phát xuất từ một nguồn CS.
Thật vô cùng phi lý khi những đứa bé Cambodia sinh ra ở Nam Vang, đứa bé Việt Nam sinh ra ở Hà Nội hôm nay lại phải gánh chịu oan khiên từ thời đảng CS Đông Dương.

Việt Nam chưa bao giờ bị cô lập hơn hôm nay. Trong giai đoạn xung đột biên giới Việt Miên 1977-1979, ít ra còn có phe Liên Xô ủng hộ, ngày nay một mình trên hoang đảo, chung quanh chẳng còn ai và ảnh hưởng mỗi ngày thêm hẹp.
Trước năm 1975, CSVN đã góp phần nuôi dưỡng tên đồ tể Pol Pot này. Năm 1965, Pol Pot đã từng đi bộ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tham khảo Lê Duẩn về chiến lược chiếm Cambodia. Tháng Bảy năm 1975, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ là hai trong số những quốc khách đầu tiên chính thức viếng thăm nước Cambodia Dân Chủ.
Nhân dân Việt Nam phải chịu đựng từ thảm họa này sang thảm họa khác như một chu kỳ lập đi rồi lập lại nhưng giới lãnh đạo đảng không có một sách lược cụ thể, dứt khoát nào để đưa Việt Nam ra khỏi vòng bế tắc.
Lý do đơn giản chỉ vì việc duy trì quyền lực và quyền lợi của giới lãnh đạo đảng được xem là một ưu tiên hàng đầu, trên cả chủ quyền đất nước và tương lai dân tộc.
Các lý thuyết gia thuộc trường phái Tân Hiện Thực Chính Trị (Political Neo Realism) giải thích một trong những lý do của Thế Chiến Thứ Hai phát xuất từ tình trạng “vô chính phủ” trong cộng đồng thế giới. Giống như sự thất bại của Hội Quốc Liên (League of Nations ) trước đây, sự bế tắc của Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết các xung đột an ninh thế giới đang dẫn thế giới vào tình trạng “vô chính phủ” tương tự.

Với sự phát triển thô bạo của chủ nghĩa bành trướng TC, mục đích đầu tiên của LHQ được ghi trong Hiến Chương  “Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” ngày càng trở nên vô nghĩa. Sự sống còn của mỗi quốc gia tùy thuộc vào vai trò của lãnh đạo để đưa dân tộc mình tìm một đường sống và đi lên trong “tương quan phức tạp” của thời đại.
Trường hợp Việt Nam, một người có ý thức nào cũng biết, bước đầu tiên là bước ra phía ánh sáng của tự do dân chủ.

Trần Trung Đạo
(Viết thêm từ Chính Luận Trần Trung Đạo, 2013)


Tham khảo:
• Extraordinary Chambers in the Courts of Cambodia, the United Nations.
• Frank Dikotter, Mao’s Great Famine, Walker & Company 2010
• Ian Storey, China’s Tightening Relationship with Cambodia, The Jamestown Foundation.
• Behind the Bamboo Curtain: China, Vietnam, and the World beyond Asia, edited by Priscilla Roberts, tr. 260, 393-394, Stanford University Press 2007
• Ezra F. Vogel, Deng Xiaoping and the Transformation of China, Harvard University/Belknap Press 2010, tr. 283.
• Philip Short, Pol Pot: Anatomy of a Nightmare, Macmillan, 2006, tr. 389
• Francis Deron, Several Improper Connections in Matters of Massacre: China, Cambodia, Indonesia, Monde Chinois, 2008.
• Xiaobing Li, China at War: An Encyclopedia, ABC-CLIO LLC, 2012
• Reuter, China admits 320,000 troops fought in Vietnam, May 16 1989
• Daniel Southerland, Uncounted Millions: Mass Death in Mao’s China, Washington Post, July 17, 1994
• Brad Adams, 10,000 Days of Hun Sen, The New York Times, May 31, 2012
• Russell D. Howard, The Chinese People’s Liberation Army: “Short Arms and Slow Legs”, USAF Institute for National Security Studies 1999
• Cambodian Genocide Program, Yale University
• Vũ Cao Đàm, Bài học đáng giá từ Luận án Tiến sĩ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Bauxite Việt Nam, 14-8-2012

https://www.facebook.com/trantrungdao
https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao

 

Đăng ngày 06 tháng 03.2023