TRUNG TÂM PHẬT GIÁO LUY LÂU

Trần Khánh

Nghe tên lạ lạ, quê quê, linh linh từ ngàn xưa, ngày nay là quê hương quan họ Bắc Ninh. Vậy mà hồi Tam Quốc bên Tàu ở thế kỷ thứ 2,3 đã là trung tâm Phật giáo Giao Châu. Tam Quốc là ba nước của Tàu ở thế chân vạc: Bắc Ngụy ở phương bắc, Tào Tháo tiếm quyền vua Hán như chúa Trịnh phò Lê vậy; Tây Thục, chúa là Lưu Bị được Khổng Minh phò ở Tứ Xuyên lấy Thành Đô làm thủ phủ; và Đông Ngô do Ngô Tôn Quyền làm chúa được Chu Du phò, kinh đô là Kiến Nghiệp, Nam Kinh bây giờ, thuở đó nước ta thuộc Giao Châu, Đông Ngô.

Luy Lâu là nơi sanh ra và lớn lên, ăn học của thầy Tăng Hội, một thiền sư làm rạng danh đạo Phật ta và Tàu. Cha của thầy là người Khương Cư (Sogdiane), bắc Ấn, mẹ thầy là người Việt quê hương Bắc Ninh. Cha mẹ qua đời lúc thầy mười tuổi, được chùa nhận nuôi làm chú tiểu. Sa di Tăng Hội được học kinh Phật bằng tiếng Phạn đồng thời cũng học tiếng Hán, nói chung thầy cũng thông Nho, Lão.
Tại Luy Lâu, thầy lập đạo tràng, huấn luyện đồ chúng và phiên dịch kinh điển. Trung tâm hành đạo ở chùa Thiên Ứng còn gọi là chùa Dâu vì nằm bên bờ sông Dâu hay chùa Pháp Vân. Luy Lâu thuộc phủ Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Chùa được dựng gần nha môn của Thái thú Sĩ Nhiếp, là nơi tụ tập đông đảo người Giao Châu, dưới sự hướng dẫn của thầy Tăng Hội cho tới triều nhà Lý nước ta đã độc lập. Đặc biệt có hai cư sĩ từ kinh đô Lạc Dương chạy sang lánh nạn tên Trần Huệ và Bì Nghiệp là đệ tử tại gia của thầy An Thế Cao, thầy người An Tức (Parthian), bắc Ấn Độ.
Thuở đó, nhà Hán không cho phép người Hán được xuất gia làm tăng sĩ. Chỉ có ở Giao Châu mới có tăng đoàn. Ngoài một số ít tăng sĩ người Ấn Độ, hai vị cư sĩ này mang theo một số kinh điển của thiền sư An Thế Cao. Thầy Tăng Hội lập ra ban nghiên cứu dịch thuật, chú giải kinh điển tại trung tâm này. Kinh "An bang Thủ ý" được dịch thuật, thầy Tăng Hội chú giải, viết tựa, ngoài ra còn nhiều kinh khác được dịch tại Giao Châu.
Thiền phái Tăng Hội vững mạnh tồn tại đến thời Lý (hơn 700 năm), đến đời Trần (hơn 1000 năm) mới nhập vào cùng các phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và nhất là thiền phái Trúc Lâm của vua Trần Nhân Tôn.
Có thể nói tác phẩm đầu tiên viết bằng chữ Hán về kinh Phật, tăng sĩ Giao Châu học hỏi kinh điển bằng chữ Phạn và chữ Hán. Thầy Tăng Hội là mẫu người lý tưởng cho giới xuất gia thời đó vì thầy thông cả Thích, Lão, Nho và khoa học, dịch học, địa lý, thiên văn, tứ thư, ngũ kinh.
Tăng sĩ Giao Châu thọ trì 250 giới theo thập tụng của Nhất Thiết Hữu bộ (sarvastivadin), tất cả đều thực tập theo truyền thống Đại thừa và tất cả đều phải ăn chay. Lúc đó chưa có tỳ khưu ni (nữ).
Các thầy còn quấn y tăng già, chưa có áo tràng (ba trăm năm sau, mới xuất hiện vào đầu đời Đường bên Tàu), có nghĩa là chiếc y tăng già xuất hiện ở Giao Châu trước. Khi sang Ngô, thầy Tăng Hội cũng đắp y tăng màu vàng. Trong kinh cũng đọc tam quy ngũ giới và tán tụng tam bảo bằng tiếng Sanskrit.
Sau đó thầy Tăng Hội được chúa nước Ngô nghe tiếng mời sang. Thầy đến kinh đô Kiến Nghiệp vào năm 247, tại đây thầy dựng nên trung tâm hoằng pháp Kiến Sơ, tổ chức giới đàn và độ người xuất gia. Đây là lần đầu tiên ở Trung Quốc người bản xứ được phép xuất gia để thành sa môn. Thể thức truyền giáo của thầy là tam sư thất chứng. Có nghĩa là có ba vị sư là hoà thượng, yết ma và giáo thọ. Thất chứng là bảy vị chứng minh (khoảng 1950, chức vụ yết ma, giáo thọ còn nghe thấy ở Việt Nam, bây giờ yết ma, giáo thọ đâu mất, thay bằng thượng tọa, đại đức chăng?).

Chùa Kiến Sơ do vua Tôn Quyền nước Ngô yểm trợ xây dựng làm cơ sở hoằng pháp cho thầy Tăng Hội, chùa tên là Phật Đà Lý, đây là ngôi chùa đầu tiên ở đất Giang Nam, kế bên chùa Kiến Sơ còn dựng nên ngọn tháp gọi là tháp A Dục để thờ xá lợi Phật. Thiền sư Huê Hạo trong Cao tăng truyện nói: "Từ đây đạo Phật được hưng thịnh ở miền Giang Tả, tức là miền từ sông Dương Tử trở xuống. Sau chùa Kiến Sơ, còn nhiều ngôi chùa khác được dựng lên. Cho đến khi con Tôn Quyền là Tôn Hạo lên ngôi, đạo Phật bị đàn áp, vì Tôn Hạo nghe lời một số quần thần cho là đạo Phật là tà đạo du nhập từ ngoại quốc. Hầu hết các chùa bị phá vỡ, chỉ còn chùa Kiến Sơ họ không dám đụng vì sự uy tín rất lớn, phải đổi tên là chùa Thiên Tử (chùa của vua)".
Vua sai Trương Dục một nhà trí thức thông thạo Lão, Nho đến cật vấn thầy Tăng Hội, cố dồn thầy vào chỗ bí. Trong cuộc biện luận có nhiều nhà tai mắt của giới trí thức kinh đô, từ sáng cho tới tối thầy Tăng Hội không nao núng, ứng đối một cách dễ dàng, Trương Dục không thể bắt bẻ được. Tôn Hạo nhận những lời tâu của Trương Dục như sau: "Người này rất sáng suốt, rất tài ba, thần không đủ sức đương đầu. Xin bệ hạ xem xét và định liệu". Vua Ngô gửi xe song mã tới chùa mời thầy Tăng Hội vào cung. Sau khi được đối đáp và nghe thầy thuyết pháp, vua cũng phải tuân phục. Sau đó nhà vua hiểu được Phật pháp do thầy thuyết giảng, nhà vua xin được quy y thọ năm giới với thầy. Vua cho trùng tu rộng thêm chùa Kiến Sơ và cho phép tái thiết lại những ngôi chùa đã bị phá hoại.
Chùa Kiến Sơ tiếp tục đóng vai trò hoằng dương Phật pháp qua các triều đại Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, và tùy theo triều đại tên chùa được đổi thành Trường Khánh Tự, Phụng Hiền Tự, Thiên Hỷ Tự, Đại Báo Ân Tự. Cho đến đời Minh chùa vẫn được coi là trung tâm Phật pháp quan trọng ở miền Giang Nam. Cuối cùng cũng theo luật "vô thường" của Phật pháp, chùa đã bị hủy diệt trong nạn binh lửa trong loạn Thái Bình Thiên quốc, hiện nay chỉ còn lại di tích.
Và người đã lập ra chùa đầu tiên đó cũng chẳng còn, nhưng chỉ còn nhân cách hình dạng qua một bài do một nhà trí thức Tôn Xưng trong hoàng gia Đông Ngô đề lên tranh tượng của thầy:
Lặng lẽ, một mình,
Đó là khí chất
Tâm không bận bịu
Tình không vướng mắc
Đêm đen soi đường
Lay người thức giấc
Vượt cao, đi xa
Thoát ngoài cõi tục.
Đời Hán bên Tàu có ba trung tâm Phật giáo: Lạc Dương, Bành Thành và Luy Lâu (thời này đến thế kỷ thứ 1 sau Thiên chúa, nước ta lệ thuộc nhà Hán). Theo Hậu Hán thư ghi chép những gì xảy ra thời nhà Hán (họ không ghi gì ở Giao Chỉ, vì Giao Chỉ quá xa, lại ngôn ngữ và văn hóa cũng khác), trung tâm Luy Lâu đã có năm trăm người đã xuất gia. Còn ở miền bắc Tàu, chính quyền cấm người bản xứ không được xuất gia nên chưa có giáo đoàn, còn trung tâm Lạc Dương chỉ có vài thầy, đều là người Ấn Độ. Tại sao vậy? Vì từ Ấn Độ qua Tàu đi đường bộ tuy gần hơn đường biển nhưng nguy hiểm lắm (đọc chuyện Tây Du Ký thì biết). Nên thầy Tăng Hội từ Luy Lâu qua Nam Kinh thời Đông Ngô đưa đạo Phật tới Bành Thành rồi sau đó mới tới kinh đô chánh ở Lạc Dương, Trường An. Từ Luy Lâu Bắc Ninh đến Bành Thành có thể đi bằng đường thủy hay đường bộ cũng được. Thầy Tăng Hội đi đường bộ tới Quảng Tây, đến Quảng Đông rồi lên hướng bắc tới Bành Thành. Tại sao bây giờ mới biết? Vì ông cha ta ảnh hưởng văn hóa Tàu, cái gì hay họ giành giựt hết, đọc kinh sách họ muốn nói gì cũng nghe. Dù có được đọc qua sách lời trung thực cũng không tin, nói ra bị cho là bài bác. Đến nỗi báo Tàu, người ta không dám "chùi đít" cho là chữ thánh hiền, chữ viết kinh sách.
Phần trên ghi lại Phật giáo lan toả từ Luy Lâu hướng về bắc (nước Tàu). Phần sau nói về một nhánh Bồ đề day về phía nam (Việt Nam).

Có thể nói Phật giáo đã hiện diện ở Bắc Ninh vào thế kỷ thứ 1, mãi cho tới thế kỷ thứ 3 mới bành trướng. Là quê hương của dòng họ Lý ở Cổ Pháp huyện Từ Sơn, Lý Công Uẩn theo đạo Phật được sư Vạn Hạnh phò trợ lên ngôi vua thay nhà Lê sau khi vua Ngọa Triều mất hai ngày vào tháng 10 năm 1009. Sau một năm Lý Thái Tổ cho dời đô từ Hoa Lư, Ninh Bình tới Thăng Long. Nhà vua quan tâm đến đạo pháp nên hạ lệnh cho các nơi, chỗ nào có chùa hư sập đều phải sửa lại. Và cấp "độ điệp" cho sư tăng, độ điệp hình thức như một văn bằng cho người xuất gia tu hành. Tha thuế ba năm cho người nghèo đói, mồ côi, già yếu, góa chồng…
Đến đời Lý Thái Tông vẫn giữ mối đạo, đặc biệt cho xây ngôi chùa một cột Diên Hựu vào tháng 10 năm 1049 cho tới ngày nay vẫn còn. Tháng 3 năm 1031 vua xuống chiếu xuất tiền cho xây dựng 950 ngôi chùa trong cả nước, cho thợ tạc 1000 pho tượng Phật, làm bảo phướng hơn một vạn chiếc. Tháng 10 năm 1041 xuất 7560 cân đồng để đúc tượng Phật, một quả chuông đặt trên núi Tiên Du Bắc Ninh. Và dùng 600 cân đồng để đúc chuông chùa Trùng Quang cũng ở Tiên Du.
Thời Lý Nhân Tông cho xây một ngôi chùa coi là lớn nhứt trong lịch sử thời đó tên là chùa Dạm, Quế Võ, Bắc Ninh, nay chỉ còn là dấu tích rộng đến 8000 m².
Ông vua cuối cùng của nhà Lý là Lý Huệ Tôn sau khi nhường ngôi cho công chúa Lý Phật Kim (Chiêu Hoàng), ông xuất gia tu ở chùa Chân Giáo có pháp danh là Huệ Quang Đại sư.
Qua thời nhà Trần, tinh thần Phật giáo càng mạnh mẽ hơn vì phải ba lần chiến đấu để đuổi giặc Nguyên Mông, từ vua, quan, dân đều một lòng một dạ với ý chí cao cả. Ba vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, nhất là vua Trần Nhân Tông được gọi là "Trúc Lâm Sư tổ Điều ngự Giác hoàng". Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam khác biệt với thiền của Ấn Độ và Trung Quốc. Tư tưởng chủ đạo là gắn bó chặt chẽ với đời sống, tình cảm suy nghĩ của nhân  dân, có cuộc sống đầy tình thương theo đạo lý, để trang bị khi cần thì phát huy đến cao độ để chiến thắng kẻ xâm lược hung hãn mạnh hơn nhiều lần.
Có một điều thú vị là vua, quan, dân thời này đều theo đạo Phật. Theo giáo lý nhà Phật có những điều răn dạy cực kỳ quan trọng thì không tuân thủ. Kinh sách dạy phải biết nhẫn nhục thì không chịu nhẫn nhục mà trái lại nổi dậy ầm ầm và chống trả dữ dội, cấm sát sinh thì lại đồng lòng sát thác, quyết chí xâm vào cánh tay hai chữ "sát thác". Sát cho tới khi sạch bóng quân xâm lược mới thôi.

Có một nhân vật vô cùng vĩ đại được vua, quan, dân kính nể, được vua Trần tin dùng lại là thầy của vua Trần Nhân Tôn, tổ sư thiền phái Trúc Lâm là Tuệ Trung Thuợng Sĩ Trần Tung mà người đời sau khi nhắc đến đều ái ngại vì chỉ sợ người ta tu theo kiểu Tuệ Trung thì còn dữ hơn người Hồi giáo "thánh chiến". Tu Phật mà chủ trương không ngồi thiền định, không gõ mõ tụng kinh, không nhất thiết phải theo kinh Phật.
Thanh Văn ngồi thiền ta không ngồi
Bồ Tát nói pháp ta nói thực.
Các nhà nghiên cứu theo phương pháp cổ truyền nghĩa là theo sách vở thư tích thì hiểu sao thấu kiểu thiền Đại Việt, chất thiền Việt Nam, có lẽ trên hành tinh này không nơi nào có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam ta, có tới 90% dân số theo Phật mà sống, tu tập, hành động chẳng giống giáo lý đạo Phật Trung Hoa, Nhật Bản ngay cả nguyên thủy ở Ấn Độ. Nghĩ kỹ ra có dân tộc nào theo Phật giáo mà phải đánh giặc, giết giặc hết đời nọ đến đời kia suốt cả mấy ngàn năm.

Đây cũng xin nhắc hành trạng Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291). Ông có tên là Trần Tung, con trưởng của An Sinh vương Trần Liễu, anh của Hưng Đạo vương và Hoàng hậu Thiên Cảm vợ của vua Trần Thánh Tông và mẹ của vua Trần Nhân Tông. Ông có tước phong là Hưng Ninh vương. Đây không dài dòng nhắc lại các biến loạn trong hoàng tộc nhà Trần, ông thấy cuộc đời phiền não quá, vô thường nên sớm nghiên cứu Phật pháp với các thiền sư tài đức như Tiêu Dao, Viên Chứng, Đại Đăng, Nhất Tông…
Trong thời kỳ chống giặc Nguyên Mông ông là tướng lãnh có tài, mấy lần đến trại giặc dùng kế trá hàng để hoãn binh chờ thời cơ… và cầm quân cản bước tiến của giặc, sau lại phản công chặn các đường giặc rút quân. Dùng mưu lược, biện thuyết binh pháp cao, địch quân không lường được.
Sau đó, ông được cử làm tiết độ sứ trông coi Lộ Hồng Lô thuộc trấn Hải Dương, vừa là vựa lúa, vừa là đất án ngữ, ngăn chặn các cuộc tấn công từ biển Đông. Hải Dương là trấn quan trọng nhất trong bốn trấn để bảo vệ kinh đô: Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam. Vậy cho thấy khả năng Tuệ Trung Thượng Sĩ trấn thủ ải địa đầu quan trọng thì biết triều đình trọng dụng ông thế nào. Khi đuổi giặc xong, vua Trần Nhân Tông lên núi Yên Tử tu, là để dòm ngó tình hình về mặt bắc…
Thượng Sĩ là bậc tôn quý muốn gì mà không được nhưng không ham danh lợi, sống thanh tịnh, an dưỡng tu hành ở Dưỡng Tịnh am, hoằng dương Phật pháp sống một cách tự tại, hoà lẫn thế tục, hết lòng dìu dắt những người muốn tu hành theo đạo Phật, không phân biệt sang hèn, chưa phụ ai hết.
Đọc "Thượng Sĩ hành trạng" của Trần Nhân Tông ở đoạn đối đáp của Thượng Sĩ với người em gái của ông là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu thật là sinh động. Ngày kia, Thái hậu làm tiệc lớn đãi người, người dự tiệc gắp thịt cứ ăn. Thái hậu lấy làm lạ hỏi rằng: "Anh tu thiền mà ăn thịt thành Phật sao được?" Thượng Sĩ cười đáp:  "Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần thành Phật, Phật cũng chẳng cần thành anh. Cô chẳng nghe các bậc cổ đức nói: 'Văn thù là văn thù, giải thoát là giải thoát' đó sao?". Đoạn văn trên cho thấy Tuệ Trung đã không giữ giới răn cữ, ăn thịt hay ăn cỏ chỉ là lẽ sống của muôn loài, không có chuyện họa phúc ở đây. Theo quy luật tự nhiên thì "Xuân về hoa cỏ sinh". Không có một lực lượng siêu nhiên nào có thể ban phúc hay giáng họa khi ta sống hợp với quy luật.
Ăn thịt và ăn cỏ
Tùy theo từng loại đó
Xuân về hoa cỏ sinh
Họa phúc nào đâu có.
Dòng thiền Phật giáo cùng đi theo các vua Trần cho tới chu kỳ nào đó, ách nước nạn dân, lơ là mối đạo, hay theo tư tưởng Nho gia của Khổng Tử dùng sắt máu để trị dân, vua là Thiên tử (con Trời) nói gì phải tuân theo: "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung" (Vua xử quan chết thì quan phải chết, quan không chết thì không trung), "Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu" (Cha bắt con chết con phải chết, con không chết thì không có hiếu). Đạo trung hiếu của Khổng Tử là như vậy. Gặp tên vua như Lê Long Đĩnh (Ngọa Triều) thì người dân nghĩ sao, gặp những người cha hư thân mất nết muốn làm gì con cũng được hay sao? Có những thời kỳ đạo Phật gần như bị tiêu diệt ngay trên xứ sở Phật hồi thế kỷ 13 bị quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua. Sở dĩ có Phật ra đời là vì Ấn Độ giáo, Bà La Môn… có nhiều giai cấp nhất là coi đàn bà rẻ rúng. Nho giáo cũng thế, là đạo của vua chúa, nói ra đạo đức, hiếu thảo mà coi đàn bà là một thứ đồ chơi, cho tới bây giờ ở bên Tàu vẫn còn giết con gái từ trong bụng mẹ rất nhiều. Trong sách Luận ngữ của Khổng Tử viết: "Chỉ có hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán". Khổng giáo chỉ là phương cách để trị dân.
Ngày 27/12/2014 đã khánh thành viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội, có một lãnh đạo Tàu tên Du Chính Thanh tham dự. Các học giả trong nước tỏ vẻ quan tâm, nghi ngờ đến một âm mưu gì đó.
Còn Lão Tử chủ trương vô vi, yếm thế. Đạo Phật được làm trung dung, biết từ bi, bác ái, biết làm phải gặp phải, làm ác sẽ gặp họa, cứu người được người cứu. Lấy luật nhân quả, luân hồi nên được người dân theo nhiều.
Rồi dòng Phật giáo theo nhau từ Thăng Long đến Thuận Quảng, Huế trước khi đến Sài Gòn của chín đời chúa Nguyễn tạo thêm một đất nước dài và rộng với phần đất Chiêm Thành và Chân Lạp.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng theo lệnh vua Lê qua lời tâu của Trịnh Kiểm đi trấn nhậm biên cương cùng nhóm tòng dong nghĩa dõng Tống Sơn, bầu đoàn thê tử lên thuyền xuôi Nam, đổ bộ lên Cửa Việt, dựng dinh cơ ở Ái Tử Quảng Trị.
Đất Thuận Quảng chịu ảnh hưởng văn hóa Champa, người dân theo đạo Phật. Chúa Nguyễn Hoàng được gọi là chúa Tiên ra đi mang theo một đức tin đạo Phật, chí mưu đồ đại sự nên chiêu hiền đãi sĩ biết thu phục nhân tâm nên lòng người cảm phục quy về một mối. Năm 1570, vua Lê giao thêm chức trấn thủ Quảng Nam.
Lấy đạo Phật làm gốc từ bi, bác ái, đoàn kết Chiêm -Việt, nên ông sửa sang và dựng thêm chùa. Năm 1602 sửa chùa Sùng Hóa ở Phú Vang, dựng chùa Long Hưng ở Duy Xuyên. Năm 1607 dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, năm 1609 dựng chùa Kính Thiên ở Quảng Bình. Quan trọng hơn hết là chúa Tiên xây chùa Thiên Mụ ở Huế. Có truyền thuyết cho rằng một hôm Chúa đi xem hình thể núi sông thấy giữa cánh đồng An Khê (Hương Trà) nổi lên một gò cao có dáng đầu rồng soi bóng nước. Chúa hỏi, người địa phương kể rằng gò này rất thiêng, có một bà lão áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò dạy rằng sẽ có một vị chân chúa đến dựng nghiệp nơi đây để tụ khí thiêng cho bền long mạch. Nói xong bà lão biến mất. Cho nên gò có tên là Thiên Mụ (Bà Trời). Chúa nghĩ chắc chân chúa là mình nên cho dựng chùa trên đó có tên là Thiên Mụ.
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên trước khi thay cha đã làm trấn thủ hơn 10 năm ở Quảng Nam. Chúa cho dựng chùa Long Hưng, Bửu Châu và đóng góp nhiều công đức cho Phật giáo nên được dân chúng tôn xưng là chúa Sãi, Phật chủ. Chúa Sãi chủ trương thân thiện với Chiêm Thành, Chân Lạp là đồng đạo tôn sùng Phật giáo. Năm 1620 Chúa gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chettha II, mối lương duyên làm bàn đạp để mở mang đất Nam Kỳ. Năm 1631 Chúa gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Pô Romê để giữ hoà hiếu giữa hai nước Chiêm - Việt.
Đến đời chúa thứ 6 là Nguyễn Phúc Chu, tôn xưng là Quốc Chúa hay Minh Vương, tài kiêm văn võ, lên ngôi lúc 16 tuổi, cho miễn thuế ruộng phân nửa, không tiêu pha phung phí, bớt hình ngục. Quốc Chúa hâm mộ đạo Phật có pháp hiệu là Thiên Túng Đạo nhân hay Hưng Long Cư sĩ. Năm 1695, chúa cho trùng tu chùa Thiền Lâm phủ Dương Xuân từ cái am, ba gian trở thành phương trượng năm gian, 32 cột, bốn mặt có hành lang, thu nhận hàng trăm tăng sĩ đã mở giới đàn tại đây có trên 1400 tăng ni và hơn 3000 giới tử. Chúa Nguyễn Phúc Chu quy y tam bảo và thọ Bồ tát giới với Đại sư Thạch Liêm, chúa theo lời dạy của Thạch Liêm về sự "trai giới" của bậc vua chúa khác người thường, không những chỉ giữ sạch thân, khẩu, ý mà phải làm sao cho đất nước yên ổn, dân được ấm no hạnh phúc. Nhà sư đề nghị chúa thực hiện trai giới bằng cách trả tự do cho những người bị giam cầm oan ức, chẩn cấp cho người nghèo khó, bãi bỏ luật lệ nghiêm khắc, dễ dãi cho kẻ buôn gánh bán bưng và thợ thuyền. Chúa Minh Vương có sắc chỉ khai sanh thành phố Sài Gòn vào năm 1698 sau khi tiến chiếm vùng Prey- Kor, Bà Rịa, Biên Hoà do lời cầu cứu của Chân Lạp. Chinh phục vùng đất cuối cùng của Chiêm Thành là Phan Rang, Phan Rí vào năm 1693 kết thúc vĩnh viễn cuộc tranh hùng Chiêm - Việt kéo dài 15 thế kỷ. Năm 1708, Mạc Cửu lãnh chúa vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc dâng toàn vùng đất cho chúa. Năm 1710, chúa Minh Vương cho đúc quả đại hồng chung nặng 3285 ký đặt tại chùa Thiên Mụ với lời ghi "Mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, chúng sanh trong pháp giới đều thành đại viên chủng trí".   
Khi Nguyễn Hoàng tới đất Bình Trị Thiên, tài nguyên không có, nhất là khan hiếm người học vấn, kiếm một ngôi trường dạy chữ Nho cũng khó. Hành trang lập quốc không có gì, chỉ có một bảo vật vô giá là Phật giáo. Chính Phật giáo đã là yếu tố mạnh mẽ quy tụ, đoàn kết nhân tâm là nền tảng chánh trị nhân từ và sáng suốt là sức bật vạn năng đã đưa đám người phiêu bạt, ít học biến thành một tập thể có văn hóa, đạo đức. Phật giáo Việt Nam Đàng Trong buổi đầu dựng nước đã trở thành Quốc giáo đầy hùng khí, không thể coi Phật giáo là một tín ngưỡng thường.
Chẳng phải từ thời Lý Trần dân tộc Việt mới theo đạo Phật, trước đó 5, 6 thế kỷ đã có Lý Bí chống nhà Lương năm 556 đặt tên nước là Vạn Xuân, lên ngôi vua Lý Nam Đế đã xây chùa Khai Quốc (mở nước) đồng thời với điện Vạn Thọ. Rồi hậu Lý dẹp tan Triệu Việt Vương và chống quân xâm lược nhà Tuỳ, lấy danh hiệu màu sắc cửa thiền là Lý Phật Tử (571).
Giao Châu dưới thời nhà Đường ta có 88 ngôi chùa. Nhiều thiền sư đã vượt biển đến Thiên Trúc (Ấn Độ) để hiểu thêm về đạo, thỉnh kinh, và sang tận Trường An giảng kinh cho nhà Đường. Ngoài 88 chùa còn thêm 21 đạo quán để giảng đạo.
Tới triều vua Lê Đại Hành có các thiền sư nổi tiếng:  Khuông Việt, Ngô Chân Lưu, Đỗ Thuận.

Phật giáo ra đời vào thế kỷ thứ 6 trước Thiên Chúa ở vương quốc Kapilavastu miền biên giới Népal. Đạo Phật phản ảnh sự bất bình đối với quyền uy, hà khắc độc đoán của đẳng cấp Bà La Môn. Do sự giao thương với Trung Á (Tây Vực) mà Phật giáo dẫn truyền vào Trung Quốc và nhiều nước ở Đông Nam Á. Từ cuối thế kỷ thứ 2, đạo Phật có mặt trên lãnh thổ Việt Nam có thiền sư Khương Tăng Hội và Mâu Bác.
Trong Thiền uyển tập Anh ngữ lục, thiền sư Đàm Thiên (thế kỷ thứ 6) đã viết: "Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc (Ấn Độ), Phật giáo vào Trung Quốc chưa phổ cập đến miền Giang Đông mà xứ ấy đã xây hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng, dịch được 15 bộ kinh rồi".
Mãi đến thế kỷ thứ 6, 7 và 8, các môn phái thiền tông khác lần lượt từ Trung Quốc sang như Bồ Đề Đạt Ma, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Huệ Khả, Hoàng Nhẫn, Huệ Năng, Vô Ngôn Thông… Các môn phái này tập trung ở Hà Bắc, chùa Pháp Văn hay chùa Kiến Sơ ở Hà Nội. Nói chung cũng là Phật giáo nhưng có năm phái: Tào Động, Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Vân Môn và Pháp Nhân. Mỗi phái có những phép tu khác nhau, rất là phức tạp nhưng nói chung đều dạy từ bi bác ái, bình đẳng, công bằng, chống đối bọn thống trị hà khắc. Người Việt gạn lọc những tinh túy hợp với hoàn cảnh, với bản chất bất khuất theo Phật pháp để cứu quốc và kiến quốc.
Thử hỏi, cách đây 2600 năm trước khi Thái tử Tất Đạt Đa, Lý Nhĩ, Khổng Khâu ra đời, ta dựa vào đâu? Ta cũng thờ kính các vị thần: thần sấm sét, thần núi, thần sông…nhất là thờ cúng ông bà tổ tiên để phù hộ con cháu. Trên thế giới này, thời nào cũng vậy, có những xã hội không có khoa học, mỹ thuật, triết lý… nhưng không bao giờ có quốc gia nào vô tôn giáo.
Đạo là gì? Cắt nghĩa bao la nhưng chỉ là con đường bước chân đi là phải rẽ trái, sang phải rồi tiếp tục gặp ngã ba, ngã tư. Đi trúng đường mới đến bến bờ, về nhà được. Muốn đi trúng đường phải có căn cơ, sáng suốt, chứ không thì cứ quanh quẩn mãi…
Đầu thế kỷ thứ 1, người Việt ta dựa vào đâu để hai vị nữ anh kiệt dân tộc đứng lên khởi nghĩa chống Tàu. Lấy tinh thần bất khuất làm chủ đạo, dựng nước lại được bốn năm (39-43), giặc Hán tràn qua, giết người cướp bóc, diệt văn hóa, tàn phá các biểu tượng kỳ vĩ như trống đồng…, các lãnh tụ bị bắt đưa về Tàu hay giết hết, cho tới về sau họ Trưng, họ Chữ…gần như không nghe thấy. Trong khi đó ta không có chữ viết, sách vở hay bia đá để ghi khắc. Nền văn hóa Việt chỉ có truyền khẩu từ đời này qua đời kia và dân tộc tính của giống nòi kiên cường bất khuất, nhẫn nhục chờ thời cơ là đứng lên, nổi dậy mới còn có tên Việt Nam cho tới ngày nay. Trong khi đó, từ phía nam Trường giang (sông Dương Tử), các bộ tộc Bách Việt đều bị đồng hóa hết.

Như vậy, Thiền tông Việt Nam là một tôn giáo không nặng hình thức tôn giáo, có thể nói là môn khoa học về tâm linh, tìm ra chân lý hiện thực của con người để phục vụ cho con người, đem lại bình an, hạnh phúc thật sự cho con người.
Thiền tông Việt Nam còn tạo dựng cho con người có những đức tính căn bản theo truyền thống dân tộc: yêu nước, quả cảm, tự tin, hiếu nghĩa, từ bi bác ái, bình đẳng…và theo phương pháp thiền tông để giữ gìn sức khỏe và trị bịnh…
Vậy Phật giáo Việt Nam nhất là Thiền tông không phải là thuốc phiện mà nó đã đang có tác dụng to lớn trong việc giáo dục con người với đạo đức truyền thống Việt Nam. Nó đã đi sâu vào tận cùng theo sông nước Việt.
Ai ơi hãy ở cho lành
Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau.
    hoặc:
Trách người một trách ta mười
Bởi ta tệ trước nên người tệ sau.
Và có thể nói không ngoa rằng: Mái chùa che chở hồn dân tộc.
Khi đất nước cần đến thì: Cởi áo cà sa khoác chiến bào.
Nhưng chúng ta cũng lưu ý trước đây cho tới bây giờ ở trong nước có những loại thiền "mượn đạo tự chế" cũng làm nhức nhối, đau đầu lắm như: thiền xuất hồn, thiền chuyển luân xa, thiền chuyển tinh hóa khí, thiền chuyển khí hóa thần, thiền thai tức, thiền diện thiêng, thiền du già. Các loại thiền này có vẻ bí hiểm hoang tưởng rất là hấp dẫn để sống lâu và hưởng lạc.
Coi như ngược lại giáo lý nhà Phật!

Trần Khánh

(Trích "Bài học lịch sử ")

 

Đăng ngày 30 tháng 11.2019