Thấy người lại nghĩ đến ta

Trần Thúy Phương

Tháng năm, ngày dài ấm áp. Đáp máy bay xuống phi trường Dulles lúc 10 giờ đêm, tôi và chị Thơ may mắn được cô chủ nhà trọ ra đón tận nơi. Hai chị em từ New Zealand, sau nhiều lần tính toán rồi đình hoãn, cuối cùng cũng đã thực hiện được chuyến “dế mèn phiêu lưu ký” sang đất Mỹ.  Chị em tôi đã viếng vài tiểu bang miền tây, và Washington DC là trạm dừng chân cuối cùng…
Buổi sáng đầu tiên ở đây, sau khi dặn dò chỗ đón metro, đón xe bus, cô chủ nhà đưa chúng tôi tới một chỗ gần nhất, là Arlington National Cemetery.  Ở đây có mộ của gia đình Kenedy, và là nghĩa trang quân đội của tướng lãnh cũng như binh sĩ Mỹ đã hy sinh trong tất cả mọi chiến trường ở tất cả các quốc gia mà họ đã tham chiến.

Cảm động nhất là khi tôi đứng trước mộ của người chiến sĩ vô danh, nằm trên đồi cao nhìn xuống toàn cảnh Washington DC.  Trên mộ có khắc hàng chữ  Here rests in honoured glory an Amrican soldier known but to God. Nơi này lúc nào cũng có một người lính mặc lễ phục chỉnh tề, cầm súng canh gác 24 giờ mỗi ngày, đủ bảy ngày mỗi tuần.  Người lính ấy bước đi 21 bước, ngừng 21 giây, rồi quay đầu trở lại, đổi súng qua vai bên kia, ngừng 21 giây, bước 21 bước, rồi lại ngừng 21 giây… Cứ thế, người lính ấy đi qua đi lại canh gác nơi yên nghỉ của người chiến sĩ vô danh (21 là tổng số cấp bậc ranking trong quân đội).
Quanh năm ngày tháng, xuân hạ thu đông, lúc nào cũng có một người lính nghiêm trang canh gác như thế.  Một phiên gác thường là một giờ. Từ tháng ba cho đến tháng chín thì mỗi 30 phút lại thay người gác. Tôi may mắn được chứng kiến nghi thức thay phiên gác… Cảnh tượng rất hùng tráng, để lại trong lòng tôi và chị Thơ bao cảm xúc…

Mấy ngày sau đã biết đường rành hơn, biết nhận định các tuyến đường xe lửa và xe bus rõ hơn, hai chị em đi được khá nhiều chỗ.  Ngoài The White House ra, thì nơi nào cũng là nơi để ghi ơn, để tưởng nhớ - memorial - Washington Memorial, Lincoln Memorial, World War II Memorial, Vietnam War Memorial, và đặc biệt là Pentagon Memorial.  
Ở Pentagon có một khu vực tưởng niệm 184 người đã chết ngày 9/11.  Mỗi nạn nhân có một tấm “bench” khắc tên, bên dưới là một hồ nước nhỏ.  Những người mất ở trong Pentagon thì tấm “bench” đó hướng về Pentagon.  Những người mất trên chuyến bay AA77 thì “bench” của họ ngửng mặt nhìn bầu trời, hướng chiếc máy bay đâm xuống.  Người ta chọn cây myrtle để trồng ở đây, tôi không biết có lý do gì đặc biệt chăng…
Tôi ngẫm nghĩ, tại sao mình toàn đi thăm người chết? Hôm ở California, tôi đã đến Bia Mộ Thuyền Nhân ở nghĩa trang Westminster. Tôi đã tìm thấy tên người anh lớn nhất của mình - bị mất tích trên đường vượt biển 40 năm trước - khắc ở đó. Nơi nào cũng để lại những nỗi buồn sâu lắng.

Tôi nhớ mới tháng trước, khi mà người Việt khắp nơi bận bịu chuẩn bị cho các sinh hoạt tưởng niệm ngày 30 tháng tư, thì tại “quê hương thứ hai” của tôi, người người cũng bận rộn sửa soạn cho ngày lễ ANZAC Day. Chính xác hơn, ngày 25 tháng tư là National Day of Remembrance ở Úc và New Zealand.  ANZAC là các chữ viết tắt của Australian and New Zealand Army Corps-- Quân Đội Úc và Tân Tây Lan. Họ  đã chiến đấu cạnh quân đội đồng minh tại Gallipoli, chống lại đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ thời đệ nhất thế chiến, mà kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh bại đội quân của Úc-Tân Tây Lan và đồng minh.
Cũng mới tháng trước, tôi được dịp xem lại một phim phóng sự của Andrew Denton.  Andrew Denton đã từng theo hàng chục ngàn người dân Úc đến Gallilopi vào dịp kỷ niệm lễ ANZAC năm 2006. Ông đi để tìm câu trả lời cho câu hỏi, “Tại sao nơi quân Úc thua trận, nơi hàng chục ngàn binh sĩ Úc bỏ mình hồi đệ nhất thế chiến, lại có thể thu hút sự chú ý và gây nên niềm tự hào nơi người dân Úc như vậy?”  
Trong cuốn phim tài liệu đó, Andrew Anton đã nói chuyện với thân nhân của ba cặp anh em từng tham chiến, có người trở về được, có người gửi xác trên đất Thổ.  Tại sao gần một thế kỷ sau, con cháu những người đã nằm xuống tại Gallipoli lại muốn đến đấy? Họ tìm kiếm gì? Họ cảm nghĩ thế nào khi nhìn  hàng hàng lớp lớp những nấm mộ trắng trên các ngọn đồi xanh mướt uốn lượn nơi vùng đất này, nơi đã thấm máu của cả đội quân ANZAC?
Có người lần đầu tiên đến đây để tìm mộ người chú của mình.  Có nhóm học sinh trung học đến đặt vòng hoa trên mộ người ông của bạn học mình.  Em này thay mặt gia đình thực hiện lời nguyện đã truyền từ đời cha mẹ đến đời em, là “Nếu người ra đi không trở về được, thì sẽ có ngày người sống sót đến đặt vòng hoa tưởng niệm trên mộ người chiến sĩ”…
Andrew Denton cũng tiếp xúc với một số người Thổ Nhĩ Kỳ, con cháu của những người từng ở bên kia chiến tuyến đối đầu với đội quân ANZAC.  Dù dân Thổ hay dân Úc, dù già hay trẻ, thì những câu trả lời, cách nhìn sự việc, cũng như lời dẫn giải của Andrew Denton… tất cả đều toát lên tinh thần hòa hiếu bao trùm cả vùng đất máu lửa năm xưa.  Có phải chăng người dân Thổ Nhĩ Kỳ thấm nhuần lời dạy của vị lãnh đạo mà họ yêu kính và tôn sùng là “Người Cha của dân tộc Thổ” - Mustafa Kemal?

Còn ai đanh thép hơn Mustafa Kemal khi ông ra lệnh cho quân Thổ, “Ta không ra lệnh cho các ngươi chiến đấu, ta ra lệnh cho các ngươi chết! Thời gian chúng ta chết đủ để cho các vị chỉ huy và các đội quân khác tiến lên chiếm vị trí của mình.  I don’t order you to fight, I order you to die. In the time it takes us to die, other troops and commanders can come and take our places”.  Người dân Thổ đã chiến đấu bất chấp phải hy sinh mạng sống, và họ đã chiến thắng đội quân ANZAC.

Nhưng cũng chính Mustafa Kemal, năm 1934, đã viết những lời tưởng niệm các tử sĩ trong đội quân ANZAC như sau:
Hỡi những người anh hùng đã đổ máu và bỏ mình nơi đây, các bạn nay đang nằm trong lòng đất của một quốc gia bằng  hữu, vậy hãy yên nghỉ.  Đối với chúng tôi, nay không có sự phân biệt nào giữa những người mang tên Johnnies và những người mang tên Mehmets, nơi họ nằm bên nhau trong đất nước chúng tôi.  Hỡi các bà mẹ đã gởi những đứa con của mình đến những đất nước xa xôi, xin hãy lau những giọt lệ.  Xin hãy biết rằng con cái các bà đang nằm giữa lòng đất nước chúng tôi trong bình an vĩnh cửu. Vì họ đã mất đi mạng sống trên đất này, thì nay họ cũng đã trở thành con cái chúng tôi.
Those heroes who shed their blood and lost their lives… You are now lying in the soil of a friendly country. Therefore rest in peace. There is no difference between the Johnnies and the Mehmets to us where they lie side by side here in this country of ours…  You, the mothers who sent their sons from far away countries, wipe away your tears. Your sons are now lying in our bosom and are in peace. After having lost their lives on this land, they have become our sons as well.
Những lời cao cả này đã được khắc tại đài tưởng niệm Kemal Ataturk Memorial ở Canberra, ở Tarakina Bay, Wellington, Tân Tây Lan, và ở đài tưởng niệm Gallipoli Memorial mà người Thổ đã dựng lên năm 1934.

Khi đứng lặng người trước sự “ghi ơn”, sự “tưởng nhớ”, trước sự kính trọng của người sống dành cho kẻ chết, từ một chiến sĩ vô danh cho đến một bậc công thần, khi nhớ lại ngày ANZAC tưng bừng nơi xứ sở đã bao dung tôi, khi rung cảm với các lời khí khái oai hùng của Mustafa Kemal, luôn luôn đó là những giây phút tôi nhớ về đất nước của mình.  Tôi thương xót biết bao nhiêu những người trai trẻ đã ngã xuống cho những ngày tôi an bình cắp sách đến trường mà các nấm mồ của họ nay cũng đã bị phá nát tan hoang. Tôi bất nhẫn biết bao nhiêu nhìn dân của cả một nửa đất nước Việt bị đày đọa khi buông súng để chấm dứt chiến tranh.  Lòng người ly tán kéo theo sự sụp đổ của cả một nền văn hóa nhân bản, kéo theo sự băng hoại một nền đạo đức đã được củng cố bao đời, và đem đến sự tiêu hủy núi non, sông biển, rừng rú, đồng bằng…
Liệu có một phép lạ nào sẽ xẩy ra để mai đây dân tôi lại tự tin ngẩng mặt nhìn thế giới, để cho con cháu tôi nhắc đến quê hương với lòng quyến luyến tự hào?  

Chị Thơ dõi mắt theo những cánh chim đang bay lượn, nói nhỏ, “Than ôi, người Việt chúng ta đã không có được một Mustafa Kemal sau cuộc chiến!”
               
***

Tuần lễ thứ tư của tháng mười, năm 2019
Tối qua đài truyền hình địa phương--Christchurch—vùng tôi ở, xen lẫn giữa các tin thời sự, tin thị trường chứng khoán, tin thế giới, và tin thời tiết, có một đoạn tin làm tôi chú ý.  Hình ảnh đầu tiên khiến tôi ngừng tay làm việc trong bếp là màu cờ nền vàng có ba sọc đỏ. Rất đông người Việt và ngoại quốc hiện diện. Có vẻ như là một buổi lễ  gì đấy… với quân phục rằn ri và màu mũ beret đỏ.  Lau tay, tôi ra ngồi xuống trước tivi, cho chạy lại đoạn tin—luôn luôn được tự động thâu vào trong hộp của hệ thống truyền hình tại nhà…
Tôi chợt hiểu. Đó là buổi  an táng hài cốt của 81 quân nhân Việt thuộc lực lượng Nhảy Dù đã tử nạn máy bay năm 1965.  Cùng trong tai nạn ấy có bốn quân nhân Mỹ.  Năm 1974, những gì còn sót lại của 85 thân xác ấy đã được thu thập để gởi đến Bangkok. Và thêm một thập niên sau đó nữa, thì các mảnh vụn của những thi thể ấy mới được gởi đến một phòng xét nghiệm tại Hawaii để truy tìm căn cước.  Qua xét nghiệm DNA, người ta xác định được tông tích bốn quân nhân Mỹ, nhưng miền Nam Việt Nam ngày ấy không có hồ sơ của các quân nhân đã ra đi trong chuyến bay kia, vì vậy các hài cốt còn lại đã không bao giờ được xác nhận tên tuổi.
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã hai lần từ chối lời yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, là đem về Việt Nam an táng hài cốt của 81 người lính Việt ấy. Họ trở thành những người “không tổ quốc”. Hai năm trước, khi biết chuyện này, thượng nghị sĩ Jim Webb –cũng là một cựu chiến binh--đã vận động để “những người lính bị quên lãng” ấy có được một lễ an táng  và một chỗ nằm xứng đáng trong lòng đất nước Hoa Kỳ.  Kết quả việc làm cao thượng của thượng nghị sĩ Jim Webb là buổi lễ an táng long trọng và đầy cảm động kia, diễn ra tại thành phố Westminster miền Nam California.  Chiếc quan tài phủ cờ vàng ba sọc đỏ ấy đã được hạ xuống trong lòng đất ở cái nghĩa trang mà 5 tháng trước tôi đã có dịp đến thăm, đến nhìn tên người anh mất tích được khắc tại một tượng đài dựng lên ngay đó.

Tôi  trở lại công việc đang làm nửa chừng trong bếp, lòng ngổn ngang nhiều ý tưởng.  Chị Thơ từ trong phòng đi ra, tôi kể với chị câu chuyện vừa được tóm tắt trong phần tin tức trên tivi. Vốn là một người làm việc lâu năm trong giới truyền thông tại đây, chị Thơ cười, “Biết trước cô rồi, cô nương!” Chị nói, nãy giờ ở trong phòng chị đã xem đầy đủ chi tiết buổi lễ qua “stream live” từ một người bạn sống trong vùng Little Saigon.  Chị hỏi tôi có biết William Gladstone?  Tôi lắc đầu, bào chữa, “Trời, lâu nay cứ chạy đua với cái đồng hồ, với bao công việc, còn nhớ gì biết gì nữa đâu…”  Chị Thơ lại cười, “Ông này người xưa mà em, đâu phải mới mẻ gì…  Ổng chết từ năm 1898 lận.  Dân xứ England mà, được gọi một cách trang trọng đầy đủ là Sir William Ewart Gladstone.  Ổng từng làm Prime Minister of Great Britain thời Queen Victoria… Sau đó tái nhậm chức Thủ Tướng thêm ba lần nữa, chưa kể nhiều chức vụ quan trọng khác…  Nhưng mà cái chị định kể với em là câu nói nổi tiếng của ổng.  Hồi nãy trong buổi lễ, Phan Nhật Nam có trích dẫn câu nói của Sir Gladstone. Chị không nghe rõ được đoạn dịch của ông Nam, nhưng chị biết rõ câu nói này.  Hãy cho tôi xem cách một quốc gia đối xử với các tử sĩ của họ, tôi sẽ đo lường một cách chính xác lòng độ lượng của dân tộc ấy, sự tôn trọng luật pháp của đất nước ấy cũng như sự trung thành với các lý tưởng cao cả. Show me the manner in which a nation cares for its dead and I will measure with mathematical exactness, the tender mercy of its people, their respect for the law of the land and their loyalty to high ideals. Em có nghe tường trình là chính quyền cộng sản Việt Nam hai lần từ chối không nhận hài cốt 81 người lính dù đó không? Trời, bao nhiêu mồ mã không dưng họ đào bới tan nát, thì làm sao lại có chuyện họ mở lòng nhận nắm xương tàn của những kẻ họ gọi là cựu thù?”

Chị Thơ cầm ly nước, xoay tròn trong lòng bàn tay.  Chị lại nói nho nhỏ với vẻ đăm chiêu thường nhật, “Ngẫm lại câu nói của Sir Gladstone đi, xem cách một quốc gia đối xử với người chết đi, mình sẽ thấy lòng độ lượng của dân tộc mình ngày nay như thế nào, mình sẽ thấy sự thượng tôn pháp luật có hay không trên đất nước Việt Nam…  Và còn một lý tưởng cao cả nào nữa chăng để mọi người trung thành với nó?”

Tôi nhìn qua cửa sổ để chỉ thấy màn đêm bên ngoài. Tôi lại nhớ bao “đài tưởng niệm”, bao “bảng tri ân” mình đã thăm viếng, đã chiêm ngưỡng… Một lần nữa, tôi tự nhủ rằng, văn minh của nhân loại luôn luôn dựa trên lòng biết ơn, và lòng biết ơn phải được nuôi dưỡng cũng như kế tục từ đời này qua đời khác.  Đó là một nét đẹp không gì thay thế được và là di sản để phát triển hai chữ “văn minh”.

Trần Thúy Phương
12C2/1975
(ĐHSPSG, ban Việt văn, 1976-1980)

(Trích Đặc san Gia Long Nam California "Thoáng Hương Xưa" - tháng 12.2019)

 

Đăng ngày 12 tháng 12.2019