30 năm sau ...

Nguyễn thị Cỏ May
                


Thu là mùa riêng của thi nhơn hay còn của Cách mạng? Mùa Thu 1989, nhơn dân Cộng Hòa Dân chủ Đức đứng lên viết lịch sử dân tộc. Không nhờ bên ngoài. Bằng cách nhơn dân Đức biểu tình ở Bá linh, ở Leipzig, ở Dresde giựt sập Nhà nước-đảng của đảng xã hội thống nhứt, kéo theo công an chánh trị, truyền thông của đảng.

Trong những ngày đầu sau khi bức tường sụp đổ, đại bộ phận dân chúng từng chống chế độ độc tài đều mong muốn, không phải nước Đức thống nhứt, mà một nước Đức Cộng hòa Dân chủ (RDA) thật sự Dân chủ. Thật vậy, kết quả điều tra của tờ báo lớn Spiegel ngày 17/12/1989, cho thấy có 71% dân chúng Đông Đức trả lời. Riêng một mục sư tham dự cuộc biểu tình vĩ đại ở công trường Alexander, Bá linh, ngày 4/11/1989, phát biểu
"Chúng tôi cùng người Đức, chúng tôi có một trách nhiệm trước lịch sử, đó là chỉ ra một chủ nghĩa xã hội thật sự có thể có". Lời phát biểu của ông diễn tả khá trung thực tâm trạng của đa số dân chúng Đông Đức lúc bấy giờ.
Tháng mười năm sau, 2 nước Đức thống nhứt. Cộng hòa Dân chủ Đức thống nhứt vào Cộng hòa Liên bang Đức. Thực tế đất liền đất, Bá linh là Thủ đô của nước Đức thống nhứt. Chung một nền kinh tế thị trường. Nhưng lòng người lại không là một.

Không riêng gì Đông Đức cũ, mà nhiều nước khác trong khối COMECON, sau ngày cộng sản sụp đổ, liền gia nhập khối Âu châu (Liên hiệp-UE), ngày nay muốn tách ra, trở về lại với chính mình. Một hiện tượng hiển nhiên sau khi bức tường không còn chia đôi Bá linh, chia đôi thế giới.

Trước lễ đài kỷ niệm trong nhà thờ Hòa giải, nơi đây trước kia bị cộng sản Đông Đức phá hủy, Bà Thủ tướng Merkel kêu gọi Âu châu hãy cùng nhau bảo vệ những giá trị nền tảng như “dân chủ và tự do”, chống lại những chống đối ngày càng gia tăng. Đó là những giá trị nền tảng làm nên Âu châu, như tự do, dân chủ, bình đẳng, Nhà nước pháp trị và bảo vệ nhơn quyền. Phải luôn luôn bảo vệ vì không phải tự nhiên những giá trị ấy tồn tại và được tôn trọng.
Bà nói thêm “Trong tương lai, phải cùng nhau dấn thân bảo vệ những giá trị của Âu châu, trong lúc mô hình dân chủ tự do ngày càng bị xét lại, ở khắp nơi trên thế giới, và cũng bị xét lại ngay cả ở Âu châu này nữa. Một số nước Âu châu như Hung-gary hoặc Ba-lan, tuy trong những năm 1980, đứng đầu chống cộng sản, ngày nay bị Âu châu lên án là không tôn trọng nghiêm chỉnh những qui tắc của chế độ Nhà nước pháp trị".

Ở khắp nơi, người ta ghi nhận chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang manh nha và dân chủ tự do bị chống đối và phê phán. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeir, trong bài diễn văn kỷ niệm 30 năm Bức Tường sụp đổ, không quên lời ghi ơn các nước Ba-lan, Hung-gary, Tiệp và Slovaquie, trước Tổng thống của bốn nước trên khán đài, đó là 4 nước trước kia trước kia đã tiên phong chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho bức tường sụp đổ, và tất cả những người đã góp sức cùng xô ngã Bức Tường hôm 9 tháng 11/1989.
Ông nhắc lại những người cách mạng ôn hòa Đông Đức, cũng như vị cụu lãnh đạo liên-xô cũ Mikhail Gorbatchev đã can đảm từng bước tiến hành chánh sách hòa hoãn để sau cùng kết thúc chế độ cộng sản độc tài.
Ông cũng mô tả vai trò của Huê kỳ lúc bấy giờ là cánh tay đắc lực của Tây Đức đã đóng góp làm cho nền tảng Bức Tường suy yếu.
"Người dân Đức chúng tôi nợ rất nhiều ở nước Mỹ. Tôi mong rằng trong tương lai, hai nước Mỹ và Đức là đối tác cùng tương kính, cùng tôn trọng dân chủ và tự do, cùng chống lại sự ích kỷ quốc gia".

Cộng sản thanh toán cộng sản
Lịch sử ghi rõ Bức Tường Bá linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989 nhưng thật ra, từ mùa xuân, Hung-gary đã mở cửa biên giới qua Áo. Vài hôm sau, có những chuyến xe lửa đặc biệt chạy thẳng qua Tây Đức. Như vậy, ngay từ mùa xuân đã không còn Bức Tường chia hai Bá linh, chia hai nước Đức và thế giới. Khi Đông Đức làm lễ kỷ niệm 40 năm Cộng hòa Dân chủ Đức, hàng trăm ngàn người dân xuống đường biểu tình, thách thức Chủ tịch nước Honecker, kêu gọi Gorbatchev giúp họ giải phóng Đông Đức. Trong lúc đó, tại Diển đàn Comecon, Tổng Bí thư cuối cùng của đảng cộng sản Ba lan kề tai hỏi nhỏ ông Gorbatchev rằng ông có thấy thế là “hết” rồi hay không ?

Ông Gorbatchev, hơn ai hết, đã biết từ lúc Hung-gary mở cửa. Ông đã không có ý nghĩ phải cúu cộng sản vì ông biết rõ cộng sản đã chết từ lâu rồi, nhưng ông muốn cúu nước Nga để không bị chết chùm theo cộng sản và khối liên-xô.
Từ tháng 11 năm 1985, ông Gorbatchev đã lên tiếng cảnh cáo các nhà lãnh đạo “chế độ dân chủ nhơn dân” là không thể trông cậy vào Liên-xô nữa để tiếp tục nắm quyền mà phải mở cửa, đối thơại, cải tổ, làm theo những đìều mà ông đang làm ở Mạc-tư–khoa.

Tiếp thu được thông điệp của Gorbatchev nên Ba-lan, Hung-gary và Tiệp-khắc đứng lên làm cách mạng dẹp bỏ cộng sản trước, tiếp theo là Đông Đức. Chỉ có hai người là Honecker, Chủ tịch Đông Đức và Ceaușescu, Chủ tịch Roumanie, ngoan cố không hưởng ứng mà còn mong đợi ông Gorbatchev sẽ bị hạ bệ nên kẻ sống luu đài, người bị cách mạng dân chủ xử tử vì tội, tới giờ chót, ra lệnh quân đội dùng bạo lực đẹp cách mạng.
Hình ảnh ngày 9 tháng 11 năm 1989, dân chúng biểu tình, vui mừng là sức mạnh đã mai táng bảy thập niên cộng sản ngự trị nhưng thật ra chính cộng sản tự tiêu diệt đúng hơn vì cộng sản không thể sống được như lịch sử đã nói.
Nói cách khác cộng sản chỉ là một dấu ngoặc (parenthèse) thảm hại và chỉ cần đóng dấu ngoặc lại thì đời sống xã hội trở lại bình thường trong một Âu châu không biên giới và một Tây Âu không xung đột.

30 năm sau…
Sau chiến tranh, thế giới sống trong cảnh đối mặt nhau giữa Đông và Tây theo cái lô-gíc nhị phân. Bên này chống bên kia. Dân chủ tự do chống độc tài toàn trị. Tây phương chống cộng sản. Sau khi Bức Tường sụp đổ và Liên-xô tan rã, Tây phương nghĩ rằng thế giới từ nay chỉ có một với nền văn minh phổ quát theo mô hình nền văn minh Tây phương.

Nga và các nước trong khối liên-xô cũ được mời khám phá cái hay, cái đẹp của nên dân chủ tự do, đồng thời áp dụng chủ thuyết kinh tế tự do, gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (Otan) mà trước kia, Tây Âu cam kết với Gorbatchev là không mở rộng Hiệp ước này qua phía Đông. Lợi dụng khối cộng sản sụp đổ, Tây Âu có ý muốn bao vây luôn Nga, áp lực Nga và các nước anh em xhcn cũ áp dụng chủ thuyết kinh tế của bà Thatcher là giảm chi tiêu công cộng, tư hữu hóa toàn bộ, thả nội giá cả, cải tổ luật xã hội theo chuẩn mực Anh. Thế là các chức sắc cũ cộng sản ở khắp nơi đua nhau chụp giựt cơ hội trở thành những nhà tài phiệt mới.

Nhiều nước Âu châu phản ứng, dưới nhiều hình thức mà giới cầm quyền ở một số nước gọi đó là “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”, là “chủ nghĩa dân túy”,..Poutine nắm quyền chủ trương phục hồi địa vị cường quốc nước Nga, còn thêm tham vọng muốn dựng lại khối liên-xô, vẻ vang thời vang bóng của Staline tuy ông nói “Ngày nay, lập lại cộng sản là người không có cái đầu, nhưng quên hẳn cộng sản là người không có con tim” .

Năm 2014, Viktor Orban của Hung-gary tố cáo tham vọng của phía Tây Âu, lên án giáo điều và ý hệ của Tây Âu, mà quay lại với mô hình toàn trị theo kiểu Singapour, Tàu hay Nga.
Hưởng ứng hiện tượng này không chỉ riêng có các nước cộng sản cũ, mà cả nước dân chủ tự do như Ý và nhiều phong trào hay chánh đảng chiềm được số phiếu cao trong các cuộc bầu cử như ở Hòa lan, Áo, Pháp, .Đức, …

Vậy Bức Tường Bá linh sụp đổ, 70 năm cộng sản cai trị tiêu vong, ngày nay, đó có phải là thất bại của cách mạng Dân chủ Tự do trước làn sóng dân tộc cực đoan, dân túy chiếm chánh quyền ở nhiều nước Âu châu và cả Á châu hay không ?
Theo nhà bình luận Sylvie Kauffmann trên nhựt báo Le Monde thì không phải. Cuộc cách mạng mùa Thu năm 1989 không phải là một thất bại, mà cũng không phải là lịch sử kết thúc như học giả Francis Fukuyama viết.

Đó phải chăng là một khởi đầu mới của lịch sử ?
Việt nam cũng có “cách mạng mùa Thu”, cũng có cướp chánh quyền, cũng có tuyên ngôn độc lập nhưng hoàn toàn không đưa đất nước đến Dân chủ Tự do. Trái lại, đó là khởi đầu cho mười triệu người Việt nam tử vong trong 2 cuộc chiến tàn khóc do Hồ Chí Minh khởi xướng vì tham vọng cá nhơn để ngày nay dân chúng bị nô lệ dưới chế độ cộng sản cai trị, Việt nam bị đảng và Nhà nước cộng sản Hà nội bán đáu giá cho Tàu.
Ở Nga và Đông Âu, cộng sản giết cộng sản, chớ không vì một sức mạnh nào từ bên ngoài tới can thiệp. Vậy Việt nam cũng sẽ là trường hợp thứ hai ? Hay ở Việt nam, chính dân chúng phải tự mình đứng lên làm lịch sử dân tộc ?

Nguyễn thị Cỏ May

https://www.nguoinam.com/


 

Bá linh tổ chức kỷ niệm năm thứ 30

Bức Tường sụp đổ


Nguyễn thị Cỏ May
              


10/11/1989 - Người Tây Bá Linh đang giúp người Đông Bá Linh leo qua bức tường ngăn cách


Để làm lễ kỷ niệm, xí nghiệp TimeRide đã nghĩ ra cách tổ chức cuộc lễ phải rất đặc biệt là chương trình hoạt náo ba chiều, với 600 tòa nhà và 2000 chiếc xe của Bá linh 1989, tức xe Trabant, được tái tạo.
Tham dự lễ chỉ cần leo lên một chiếc xe Bus ảo và cặp kiếng 3D để ngược dòng thời gian, đi dạo đường phố Đông Bá linh trước khi Bức Tường sụp đổ. Du khách sẽ tham quan một thành phố trong thực tế không còn nữa. Chương trình du lịch ảo sẽ trải dài trên lộ trình 2,38 km bắt đầu ở Checkpoint Charlie. Đây là một địa điểm lịch sử dành cho du khách ngoại quốc với những cửa hàng bày bán kỷ vật như mảnh vụn của Bức Tường, hình cảnh sát Đông Đức, trang phục quân đội thời cộng sản, tiệm cà phê và nhứt là tấm bảng ghi «Bạn rời khỏi khu vực Mỹ».

Nhưng thực tế, hiện đang có cả triệu người chờ dự lễ kỷ niệm 30 năm Bức Tường sụp đổ vào thứ bảy 9 tháng 11 này. Có hơn 200 chương trình với màn nhạc kịch qui mô lớn tại cổng Brandebourg vào tối 9/11 tưởng niệm đêm lịch sử. Để đánh dấu tầm quan trọng lễ kỷ niiệm 30 năm, cửa hàng lớn bực nhứt Bá linh KaDeWe (Kaufhaus der Westens, 60 000m2, 7 từng), đại diện bộ mặt Bá linh sang trọng, đã có một ý kiến rất đơn giản nhưng rất hay. Ban Giám đốc đặt cho nhơn viên mỗi người 1 câu hỏi «Anh, chị làm gì hôm 9/11/1989?». Câu trả lời dán lên mặt cửa kiếng với hình ảnh ngày 9 lịch sử để thay thế cho trang trí Noel năm nay.

Trong những ngày đầu sau khi Bức Tường sụp đổ, dân Đông-Bá linh đua nhau tới cửa hàng KaDeWe. Họ không mua gì hết. Chỉ muốn nhìn xem, ngửi, cảm nhận, trầm trồ...  Không ai dám rờ tới một món nào cả. Những thứ mà trước giờ họ chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy trên TV Tây Đức.

Hôm nay, ngày kỷ niệm, dân chúng đi dạo trên đường phố, dừng lại trước cửa hàng, đọc những lời ghi lại của nhơn viên KaDeWe vừa hồi tưởng như mới ngày nào, vừa trao đổi kỷ niệm với nhau đầy thân tình.

Để kỷ niệm 30 năm ngày Bức Tường sụp đổ có ý nghĩa hơn, nhà KaDeWe lấy một quyết định thật đẹp: đổi tên gọi KaDeWe trở thành KaDeBe – Kaufhaus Der Berliner.          

Cộng đồng người Việt Âu châu kêu gọi nhau từ mấy hôm nay
cùng tới Bá linh tham dự biểu tình kỷ niệm 30 năm ngày Bức Tường sụp đổ.


Ngày này 30 năm trước
Sau thế chiến, nước Đức thất trận và đổ nát. Đức và Bá-linh bị các nước thắng trận chia cắt. Phần bị Nga chiếm lập tức đặt dưới gọng kềm búa liềm. Hình ảnh lãnh tụ Staline được treo lên khắp nơi. Những cuộc diễn hành tôn sùng lãnh tụ bắt đầu. Trong lúc đó, phía bên Tây Đức và Tây Bá-linh đường phố tráng lệ, dân chúng sanh sống sung túc và tự do.
Dân chúng 2 bên Đông và Tây còn qua lại được. Ai ở bên Đông muốn di chuyển qua phía Tây sanh sống cứ mua vé xe cho một chuyến đi không trở lại. Tinh hình dễ chịu này chỉ kéo dài đến ngày 13–8–1961 thì bức tường được dựng lên chia đôi Bá-linh để ngăn cản làn sóng người phía bên Đông không chạy được qua phía Tây nữa vì đến lúc phía Đông gần như không còn người có khả năng làm việc. Các bác sĩ, y tá, kỹ sư, thợ chuyên môn, tài xế… lần lượt ra đi. Bộ Công an đã phải điều động nhân viên an ninh đi làm tài xế xe Bus, xe Điện.
           


Bức tường Bá-linh chia đôi Bá-linh, mà còn mang ý nghĩa chia đôi thế giới.


Dân chúng Bá-linh bàng hoàng. Người ta lấy drap nối lại bám vào tuột xuống từ cửa sổ trên lầu cao. Kẻ leo qua đầu tường vượt thoát. Có nhóm sinh viên đào đường hầm xuyên qua Đông Bá-linh để giải cứu thân nhân. Những cách vượt thoát đơn giản này chỉ tồn tại được ít lâu vì hệ thống kiểm soát của cộng sản ngày càng tinh vi và chặt chẽ. Cửa sổ trên lầu cao đều bị bít kín bằng tường gạch.
Cảnh vô cùng cảm động là một ông già đứng xơ rơ một mình nhìn qua bên kia bức tường, nơi con cháu vừa thoát được nhưng không làm sao thấy được người thân, ông bèn lấy cái nón nỉ của ông đang đội, máng lên đầu cây gậy đưa lên thật cao để mong con cháu mình ở bên kia có thể trông thấy cái nón mà biết ông đang đứng ở đây sung sướng.
        


9/5/1961 - Dân Tây Bá Linh mang mấy đứa bé ra cho ông bà bên Đông Bá Linh xem mặt


Cách nay 30 năm, ngày 9–11–1989, bức tường lịch sử Bá-linh sụp đổ. Biến cố này đối với nhiều người có ý nghĩa kết thúc thế kỷ XX. Trước đó chừng một tháng, Đông Đức vẫn còn là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa vững chắc, ông Honecker là con người quyết tâm bảo vệ chế độ đến cùng. Cũng biến cố này, với một số người khác, lại mang ý nghĩa «Lịch sử chấm dứt». Thực tế địa lý chánh trị thế giới thay đổi. Thảm họa chiến tranh sẽ không còn nữa vì chế độ cộng sản không còn. Trong suốt 70 năm, cộng sản đã đưa một phần thế giới đi theo một hướng với những dấu ấn đẫm máu và nước mắt đau thương mà lại không mở ra được một tương lai cho thế giới xã hội chủ nghĩa. Nó phải tự đào thải theo qui luật lịch sử.

Bức tường từ khi dựng lên đến khi sụp đổ tiêu biểu cho một Âu châu chia hai, và một thế giới chia hai, mở ra cuộc xung đột giữa hai khối, thảm cảnh của nước Đức bại trận. Mà Bá-linh lại nhắc nhở cho thế giới hai nền độc tài thay phiên ngự trị Âu châu: độc tài quốc xã và độc tài cộng sản!
Cảnh bức tường Bá-linh sụp đổ quả thật là cảnh tưng bừng của một ngày Hội lớn của dân tộc Đức. Các cô gái hỏi người cảnh sát Đông đức đứng gác ở cổng vừa được mở ra:
«Các anh có vui mừng không ? Chắc vui mừng lắm, mặc dầu các anh không để lộ vẻ vui mừng?».
Trông cảnh sát Đông Đức lúc bấy giờ chỉ là người làm phận sự, không thấy vẻ mặt đằng đằng sát khí như công an phải có. Phải chăng vì họ có học nên có văn hóa, tuy cũng là cộng sản? Mà chính thái độ này đã tránh cho người dân Đức những xung đột thù hằn khi đất nước thống nhứt trong một thời gian quá ngắn.

Giống hiếm cần bảo vệ
Nay nhìn lại 30 năm trước, nhiều người nhận xét năm 1989 quả thật là một năm tan rã. Tháng 2, quân Nga rút khỏi A-phú-hản báo hiệu một sự thoái trào toàn diện của Đế quốc Sô-viết.

Tại Ba-lan, Tướng Jaruzelski thả ông Lech Wałęsa và bãi bỏ tình trạng thiết quân lực, cho phép tổ chức một Bàn Tròn Đại Đoàn kết dân tộc thật sự gồm có Đại diện Chánh phủ, Giáo hội và đối lập. Bàn Tròn dẫn đến sự thỏa thuận tổ chức bầu cử Quốc Hội đa nguyên mà kết quả là nhà trí thức công giáo Tadeusz Mazowiecki làm Thủ tướng. Chánh phủ mới chỉ gồm có 3 đảng viên cộng sản. Cuối năm, ông Lech Wałęsa đắc cử Tổng thống Ba-lan. Từ nay, không còn cộng sản trên đất nước này. Ba-lan ra khỏi khối Varsovie và Comecon, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của chánh đảng. Phải nói Ba-lan là vệ tinh đầu tiên của Liên-sô vứt bỏ sự giám hộ Liên-sô để thật sự trở thành quốc gia độc lập.

Trong đêm 9 rạng 10 tháng 11/1989, khi Bức Tường Bá-linh sụp đổ, tại Mạc-tư-khoa có một cuộc họp khẩn quan trọng. Cánh quân nhân yêu cầu can thiệp bằng võ lực để tái lập an ninh trật tự cho Đông Đức. Điều này có thể làm được và thành công bởi ở Đông Đức có 400.000 quân Nga đồn trú. Nhưng ông Gorbachev từ chối.
Đến đây, Mạc-tư-khoa đã mất Đông Đức, Ba-lan, Hung-gia-lợi. Tiếp theo là Tiệp, Lỗ-ma-ni và 3 nước Lituanie, l’Estonie, Lettonie tuyên bố độc lập. Đế quốc của Staline dùng bạo lực thiết lập từ sau Thế chiến bắt đầu sụp đổ. Qua năm 1991, Bun-gari và Nam-tư phân tán.

Làm Perestroika, ông Gorbachev nghĩ có thể áp dụng lý thuyết «xã hội chủ nghĩa dân chủ và nhân bản» để chinh phục Tây âu bằng cách xây dựng cho Âu châu một Ngôi Nhà Chung trong đó sẽ sống chung hài hòa những người «cộng sản cải tiến với những người xã hội dân chủ». Nhưng khi Ủy ban Trung ương đảng biểu quyết chấm dứt vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản và Sô-viết đưa ra dự án luật cho tổ chức bầu cử Tổng bí thư bằng phổ thông đầu phiếu thì giấc mơ hiền hòa của ông Gorbatchev đã không còn thì giờ để thực hiện. Ông Boris Yeltsin lên nắm quyền, nhân danh nước Nga, Biélorussie và Ukraine, ban hành một văn kiện có giá trị với luật pháp quốc tế và thực tế địa lý chánh trị để khai tử vĩnh viễn Liên-sô.

Ngày 25 tháng 12, ông Gorbatchev từ nhiệm. Ông nhìn nhận lúc ông nắm Chánh quyền, Liên-sô suy yếu. Tại đây, mọi thứ đều có và phong phú: đất đai, khoáng sản, và cả trí tuệ dân tộc thiên phú. Tuy nhiên, dân chúng sống cơ cực hơn các nước mở mang, chậm tiến hơn, chỉ vì xã hội ngột ngạt do sự quản lý theo ý thức hệ xã hội chủ nghĩa «hồng hơn chuyên» và gánh nặng quân sự. Phải thay đổi tận gốc.
Rất tiếc Ngôi Nhà Âu châu chung của ông Gorbatchev không ra đời nhưng Bức tường Bá-linh sụp đổ đã mở rộng Âu châu từ 12 nước ngày nay trở thành 27 nước.
Ngay sau khi cộng sản Liên-sô và Đông âu lần lượt sụp đổ trọn vẹn, báo chí Pháp phỏng vấn cựu nữ tài tử điện ảnh của Pháp, Bà Brigitte Bardot, nay làm Chủ tịch Hội Bảo vệ súc vật:

- Bà nghĩ sao về biến cố cộng sản sụp đổ ?
- Ngày nay, còn sót lại vài đảng cộng sản lẻ loi. Chúng ta phải thấy đó là giống quí hiếm đang trên đà bị diệt chủng nên cần phải bảo vệ cẩn thận.

Câu nói của Bà Brigitte Bardot đã đi vào kinh điển của cộng sản.

Vài nuối tiếc
Ngày nay, ở Đông Đức, Đông Bá-linh, ở Cracovie, Varsovie của Ba-lan, thỉnh thoảng người ta thấy xuất hiện đây đó vài người, với dáng điệu như hoài niệm về thời xã hội chủ nghĩa. Họ hút thuốc lá phe xã hội chủ nghĩa cũ, tìm mua bàn ghế thời Staline, tổ chức bảo tàng viện hay khách sạn để nhắc nhở lại thời Honecker hoặc Brezhnev. Những người này muốn sống lại cái thời của trước khi bức tường Bá-linh sụp đổ. Họ tổ chức những cuộc du lịch vào những bộ lạc những người mồ côi của Staline, tức những khu phố hẻo lánh còn ít nhiều người còn mơ về thời bao cấp mà họ có tiêu chuẩn để hưởng thụ, khỏi phải lao động.

Khi nói về những người mang nặng não trạng hoài niệm này, người ta thường nhắc lại một nhân vật như điển hình. Ngày nay, tại Bảo tàng viện Checkpoint Charlie dành trưng bày hình ảnh về bức tường và những người hi sanh vì đi tìm tự do lúc ấy có trưng hình ảnh anh công an Đông Đức tên Konrad Schumann. Anh ta đã đi vào lịch sử.
Năm 1961, đúng vào lúc bức tường dựng lên chia đôi Bá-linh, Konrad nhảy qua rào kẻm gai, đầu đội mũ Nga, tới được phía Tây Bá-linh. Suốt 15 ngày liền, người ta công kênh anh lên như một anh hùng của tự do. Sau đó, người ta quên mất anh. Konrad không thể hội nhập xã hội tự do với nghề làm công an cộng sản. Tây bá-linh giàu có nhưng không phải là thành phố dành đãi ngộ Konrad. Chỉ ít lâu sau, Konrad say rượu, sống lây lất đầu đường xó chợ. Anh tiếc đã sai lầm vội chạy theo những người anh em bên Tây bá-linh mà nay họ là những con người thờ ơ lãnh đạm. Konrad là mẫu người điển hình đầu tiên của Đông Đức hoài niệm về thời xã hội chủ nghĩa.

Ngày nay, tại Checkpoint Charlie là một trong ba điểm qua lại Đông-Tây lúc bấy giờ, người ta hằng ngày đang chơi lại trò chơi chiến tranh lạnh. Vẫn còn ít người dân Đông Đức bất mãn vì thất bại trong đời sống tự do. Họ tỏ ra rất cuồng tín về cộng sản như một thái độ phục hận.
     


15/8/1961 - Lính biên phòng Đông Đức Konrad Schumann vượt rào qua Tây Bá Linh


Thành tích của chủ nghĩa xã hội hiện thực
Cách nay hơn nửa thế kỷ, khi Liên-sô phóng lên quỹ đạo phi thuyền Spounik, Đông Đức đồng thời loan báo cho thế giới biết phát minh mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực: chiếc xe du lịch Trabant !

Trong những tuần lễ kỷ niệm 30 năm Bức tường Bá-linh sụp đổ, nhiều Salons sẽ tổ chức trưng bày chiếc Trabant. Ngày nay Âu châu có tới 150 Câu-lạc-bộ những nhà sưu tập của hiếm quí, xe Trabant của Đông Đức củ, mà riêng Đức có tới 120 Salons. Những Văn phòng du lịch giới thiệu nhiều chương trình du ngoạn trong Thành phô Bá-linh, Dresde, Leipzig của Đông Đức cũ bằng xe Trabant. Chiếc Trabant ngày nay trở thành của quí hiếm cần được bảo vệ kỹ mà có lẽ chính những người phát minh ra nó trước kia chưa kịp mơ màng tới. Ở Pháp hiện có 400 người còn giữ 430 chiếc Trabant được chăm sóc kỹ lưỡng như những nữ trang quí giá.
Trabant thuộc loại xe 2 thì, 500 cc, khi chạy nhả khói xanh, ăn 5,5l xăng /100km. Tốc lực tối đa là 90km/giờ. Vì sắt thép ưu tiên dành cho kỹ nghệ võ khí để trang bị cho các nước xã hội chủ nghĩa giữ hòa bình thế giới, sườn xe Trabant làm bằng một thứ hỗn hợp gỗ và nhựa, nhưng vẫn ô nhiễm khi tiêu hủy. Việc tu bổ rất đơn giản, chỉ cần thường xuyên rà lại đinh ốc kẻo nó sút ra không biết vì máy nổ làm nó bị long.

Đừng quên Trabant vẫn là giấc mơ vĩ đại của nhân dân thợ thuyền xã hội chủ nghĩa. Sau khi có hồ sơ tốt, tức đầy đủ và hợp lệ, nộp đăng ký xin mua thì phải đợi ít nhứt 12 năm. Giá chiếc Trabant bằng 2 năm lương trung bình của một công nhân thợ thuyền.
Trong lúc đó, giấc mơ của người thợ hãng xe hơi Tây Đức là cuối đời, tức lúc hưu trí, có được cái nhà và chiếc Mercedes  loại 500, để đi chơi vì còn đủ sức khỏe. Giấc mơ này thường trở thành hiện thực.


xe Trabant của Đông Đức


Trong ngày Lễ kỷ niệm 20 năm Bức tường Bá-linh sụp đổ, trên đường phố, nhiều người có dịp nghe người dân Đông Đức của 3 thế hệ nói về nước Đức hôm qua và ngày nay.

Một bà hơn 70 tuổi nhớ lại «Tôi không sợ Stasi (Mât vụ Đông Đức) vì tôi không nói chuyện chánh trị. Được tiêu chuẩn mua sắm Noel, tôi thường phải sắp hàng hằng giờ để mua được vài trái cam tươi. Chuối rất hiếm vì sản phẩm ngoại.  Bà cười: "ngày nay, tôi ăn mỗi ngày một trái chuối. Để trả thù!".

Một bà khác lối 50 tuổi: «Không có gì phải lo ngại công an khi người ta không cần có chánh kiến khác hơn đường lối đảng. Mọi người đều được tự do. Tự do đi du lịch qua các nước Liên-sô, Nam-tư. Chỉ không được phép qua Tây âu mà thôi. Tôi là giáo sư Đại học dạy sinh ngữ serbe-croate. Việc học và chọn môn học phải được hướng dẫn. Đậu được Tú Tài và vào Đại Học, phải là Đoàn viên. Làm giáo sư, dĩ nhiên phải là đảng viên».

Con gái của bà đang là sinh viên nghe mẹ kể chuyện nước Đức trước đây 20 năm, lắc đầu cười: «Không thể tưởng tượng được. Chuyện như vậy mà có thể có thật!".

Tại thành phố Leipzig, Mục sư Tin lành Martin Weskott, sau ngày 9/11/89, trông thấy sách vở của chế độ cũ bị vứt tung tóe ra đường, lấy làm đau lòng cho chữ nghĩa nên ông bèn nhờ người lấy đem về chất đầy ga-ra, rồi đầy cả trong nhà. Cả triệu cuốn, đủ loại. Ngày nay, ông nổi tiếng là người sưu tầm sách Đông Đức. Nhiều người muốn tìm những thông tin về Đông Đức cũ phải tới ông tìm mua. Tiền bán được, ông đem cho nhà thờ.

Nước Đức thống nhứt được 30 năm, nhưng ngày nay, đây đó vẫn còn một bức tường khác, vô hình ngăn cách Đông-Tây ở người dân bình thường. Nhiều gia đình dời chổ ở vì người láng giềng mới quá xa lạ, không quan hệ được. Hoặc vì giá nhà tăng vọt cao và nhanh. Người Tây Đức đổ lỗi cho đồng bào gốc Đông Đức không chịu làm việc, không chịu thích nghi. Người Đông Đức cũ thì cho rằng người Tây Đức ích kỷ, đóng kín và kiêu ngạo.
Dư luận chung cho rằng Đông Đức cũ không phát triển, không có tương lai. Nhưng thực tế, Chánh phủ Liên Bang Đức đã bỏ ra 1300 tỉ euros để nâng xã hội Đông Đức lên. Hố ngăn cách giữa Đông và Tây đang nhỏ dần. Các Viện nghiên cứu quả quyết đến năm 2019, Đông Đức sẽ phát triển mạnh về các nghành kỷ thuật cao khi hạ tầng cơ sở hiện đang xây dựng xong.

Bức tường Bá Linh sụp đổ xảy ra như một bất ngờ quá lớn đối với mọi người vì trước đó chỉ ít ngày, cả thế giới không ai nghĩ tới. Chủ tịch Đông Đức Honecker, lúc dân chúng biểu tình, ồ ạt kéo qua Tây Đức, vẫn không nghĩ chế độ của ông sẽ sụp đổ, ông không phản ứng mà chờ phản ứng của Liên Xô như trước đây. Đến lúc tình hình quá khẩn trương, ông ra lệnh cho liên lạc cầu cứu Liên Xô thì mới được biết Liên Xô không can thiệp đưa xe tăng qua giải tán biểu tình nữa. Thế là không còn Đông Đức! Ông Honecker bị công lý dân chủ xét xử về những tội chống nhân loại.
Lý thuyết cho rằng một khi cộng sản dùng bạo lực và dối trá cướp chánh quyền và giữ chánh quyền (lý thuyết của Lênin) thì chế độ cộng sản sẽ đời đời bền vững vì không bao giờ có thể bị sụp đổ. Lý thuyết này ngày nay không còn giá trị nữa.

Ngày khai diễn Lễ kỷ niệm 20 năm Bức Tường sụp đổ, dân chúng Đức và nhiều nước Âu châu có mặt tại chỗ đều hân hoan, trong lúc ấy có lối ngàn người Đức biểu tình phản đối Lễ, với khẩu hiệu
«Lịch sử không chấm dứt»  hoặc «Cực lực chống lại những chiêu bài tự do», «Đả đảo thứ tự do giả hiệu».

Cảnh sát giữ trật tự để cho những người cực tả này biểu tình. Không biết năm nay, họ có biểu tình nữa không ?
Ngày thứ hai 9/11, các mạng điện tử của Đức, của các Hội thân hữu Đức-Tàu, truyền đi chương trình buổi lễ kỷ niệm 20 năm Bức tường Bá-linh sụp đổ bị Tàu bắc-kinh ngăn chặn không cho phổ biến trong nước Tàu. Dân chúng Tàu không thể theo dõi. Những người làm các mạng điện tử ấy phản đối nhà cầm quyền Bắc-kinh.
Riêng Viêt nam, không biết lúc đó Hà nội, qua Tòa Đại sứ tại Bá-linh, có theo dõi, và để dân chúng cùng theo dõi lễ kỷ niệm 20 năm Bức tường Bá-linh sụp đổ cùng với cả thế giới hay không ? Nếu không, Hà nội đã để lỡ mất cơ hội quí báu mà không biết chia sẻ cái vui mừng chân thật của cộng đồng thế giới.

Năm nay, Bắc kinh và Hà nội cũng lại đóng cửa ngăn cấm hình ảnh buổi lễ kỷ niệm 30 năm Bức Tường sụp đổ nữa hay sẽ cho phổ biến ?    

Họ lo sợ
vì họ đang bị ám ảnh sự sụp đổ.
Vì bất ngờ không thể lo liệu trước được.

08/11/2019
Nguyễn thị Cỏ May

https://www.nguoinam.com/

 


 

Pháp lệnh HCM 67 và

nguồn gốc mất nước ngày nay

Nguyễn thị Cỏ May

Điều 78NĐM 99:  Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹnlãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.”

*

Một phiên Tòa án nhân dân tại Hà nội năm 1960 xét xử «bọn gián điệp, phản cách mạng phá hoại hiện hành: Nguyễn Hữu Đang và Thụy An», …Phiên Tòa này nổi tiếng vì những người bị xử là những nhà báo và văn nghệ sĩ, trí thức. Riêng nữ sĩ Thụy An, trong tù, để phản kháng bản án 15 năm tù, đưa tay tự móc bỏ một con mắt, bà chỉ cần một con cũng đủ nhìn thấy cái đảng cộng sản của Hồ Chí Minh, đã làm cho đảng cộng sản hoảng sợ, vẫn không dám nhắc tới chuyện nhà văn Thụy An.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đang, chủ nhiệm Nhân Văn và Giai Phẩm, bị 15 năm tù, 5 năm quản chế, nhưng mãi tới năm 1992 ông mới được trở về Hà Nội, được trợ cấp để sống. Khi ra tù, ông ở nhờ trong một cái mái lá bên hông một trường học trong làng quê. Để sống, ông đi lượm bao thuốc lá đem đổi với trẻ con lấy cóc, nhái, rắn rít... để ăn. Ông đào một cái hố ngay bên ngoài để phòng khi sắp chết, lăn ra đó nằm yên nghỉ. Ông là người hưởng ứng cách mạng nhiệt tình, được Hồ Chí Minh ủy nhiệm đứng ra tổ chức lễ đài cho ngày tuyên bố Việt Nam Độc lập 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội.
 
Ngày nay, sau 59 năm, ở Việt Nam vẫn có những phiên Tòa án, cũng nhân dân, cũng tuyên bố những bản án với tội danh tương tợ. Bà Nga bị Tòa án Hà Nam phạt 9 năm tù ở và 5 năm quản chế vì tội «xuyên tạc đường lối chính sách của đảng và Nhà nước, tuyên truyền những luận điệu phản động, nhằm mục đích chống Nhà nước xhcn» trên facebook, youtube, trả lời các đài phát thanh ngoại quốc…
Cùng tội danh «phản động, chống Nhà nước xhcn…», nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An, bị công an bắt nhốt, đưa ra Tòa xét xử, nhưng phiên Tòa dời lại. Thật tình thì ông Tĩnh chỉ dạy học trò âm nhạc của ông hát bài hát rất bình thường «Trả lại cho dân» trong đó có những lời như «Trả lại đây cho nhân dân tôi, quyền tự do, quyền con người, quyền được nhìn được nghe, được nói...", mà những quyền này đã từng được Hồ Chí Minh khẳng định «Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (hcm toàn tập 2010) .
"Những tội danh như «phản động, chống Tổ quốc, chống Nhà nước nhân dân…» nay vẫn không thay đổi vì do pháp lệnh căn bản của Hồ Chí Minh năm 67 qui định, tuy ngày nay, những phiên Tòa có thay đổi về hình thức cho dễ coi hơn, ra vẻ văn minh hơn nhưng thực chất, vẫn gồm toàn đảng viên cộng sản, bản án vẫn tiền chế. Vì đó là chơn lý xhcn nên không bao giờ thay đổi!
 
Từ Pháp lệnh Hồ Chí Minh 67 tới Hình luật ngày nay
Hồ Chí Minh ban hành Pháp lệnh vì chế độ không có Luật. Chế độ đảng trị. Phạm văn Đồng, có lần trả lời tại sao ta không có trường Luật «Có trường Luật, dạy Luật và học Luật, thì làm sao cai trị cho được?». Ông nói rất đúng và rất rõ cho thấy ông là người có học và có hiểu biết. Hiểu biết bản chất của chế độ. Sau 75, ở Sài Gòn, có người đề nghị cho mở lại trường Luật, Lê Duẩn phản đối «Ta có chế độ «phê» và «tự phê» không phải hơn luật của bọn tư sản hay sao?». Đúng là câu trả lời của một tên du đãng, dốt nát, chỉ biết cầm mã tấu.
Việt Nam ngày nay đã có luật vì phải quan hệ với thế giới văn minh nhưng vẫn giữ chế độ Pháp quyền vì Pháp quyền là thứ vũ khí, là sức mạnh cho phép nhà cầm quyền khủng bố dân chúng một cách chánh thức, một cách công khai. Hơn nữa, Pháp quyền chỉ nhằm bảo vệ đảng cộng sản cầm quyền, không nhằm bênh vực quyền lợi của người dân. Chủ nghĩa Lê-nin mà công sản đang theo hoàn toàn không nói tới quyền (droit/right) của người dân, chỉ nói người cầm quyền biết áp dụng triệt để bạo lực thì chánh quyền không bị mất. Nó khác với chế độ Pháp trị là chế độ cai trị bằng luật pháp. Nhà nước không được đứng trên luật pháp vì trong chế độ Pháp trị, Công lý pháp lý với Công lý lý tưởng là một!  
«Pháp lệnh» của Hồ Chí Minh từ 1967 di hại cho tới ngày nay vì nội dung được chuyển qua thành những Điều luật 78, 79, 88 của Bộ Hình luậthiện hành được nhà cầm quyền xhcn ở Việt nam dùng xử phạt những thanh niên yêu nước, lương thiện, chống Tàu xâm lược Việt Nam, cướp đất, cướp biển Việt Nam, những người đòi Dân chủ, Nhơn quyền như đòi đảng cộng sản tôn trọngcác quyền tự do căn bản …
Bản Pháp lệnh HCM 67 đó đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua, và do Trường Chinh ký ngày 30/10/1967 trước khi trình lên chủ tịch nước. Hồ Chí Minh ký và ban hành ngày 10/11/1967 để áp dụng «Trừng trị các tội phản cách mạng» (Nguyễn thị Từ Huy, Tội phản cách mạng, HCM, VOA).  
Ngày nay, Pháp lệnh của Hồ Chí Minh không còn hiệu lực, bởi nó đã được thay thề bằng các điều luật của Bộ luật Hình sự Việt Nam, do Nông Đức Mạnh ký và ban hành năm 1999 đang có hiệu lực.
 
Giờ đây, ta thử đem so sánh vài điều của Pháp lệnh Hồ Chí Minh 67 với các Điều luật của Bộ Hình luật Nông Đức Mạnh 1999 để thấy những điều luật này có phải là sản phẩm như con đẻ của Hồ hay không ?  
Điều 1 Pháp lệnh HCM 67:
“Tội phản cách mạng là tội chống lại Tổ quốc, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, phá hoại công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phá hoại quốc phòng, phá hoại sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà».  
Nội dung Điều 1 này được viết lại thành  điều 78 của Bộ Hình luật Nông Đức Mạnh 1999:
Điều 78NĐM 99: Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
 
Ở Điều 1 Pháp lệnh HCM 67, Hồ Chí Minh đã định nghĩa «Tội phản cách mạng» và đồng nhứt tội danh này với «Tội chống lại Tổ quốc, chống lại chánh quyền dân chủ nhân dân, phá hoại công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội…» làm một. Không thấy ông định nghĩa thế nào là «chống». Cách viết mơ hồ, dụng ý bỏ ngõ để công an dễ suy diễn và tùy tiện áp dụng. Còn cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ là một chủ thuyết chánh trị, một phương tiện, thì làm sao có thể đồng hóa với Tổ quốc được  Phải chăng theo cách suy nghĩ quái đản này mà đảng cộng sản ở Việt Nam đã từng nói, như một thứ pháp lệnh, «yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước, là yêu Tổ quốc»? Hay nói rõ hơn «Tổ quốc xã hội chủ nghĩa»? Việt Nam từ lúc bị điều kiện hóa đó mà đã trở thành một «Bộ phận của Quốc tế xhcn» hay «Một Bộ phận của Quốc tế cộng sản». Chính họa mất nước đã thật sự bắt đầu từ đây. Từ cách hiểu tổ quốc này. Và những người Việt Nam bày tỏ lòng yêu nước Việt Nam, bảo vệ đất nước thoát ra khỏi cái cnxh, đều bị Tòa án xử phạt bằng điều luật 78 này. Hồ Chí Minh có ác ôn không?
 
Điều 4 Pháp lệnh HCM 67: Tội âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân
«Kẻ nào thành lập hoặc tham gia tổ chức phản cách mạng nhằm thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị, kinh tế và xã hội đã được Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định thì bị xử phạt như sau:
a) Bọn chủ mưu, cầm đầu, xúi giục, bọn hoạt động đắc lực thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình.
b) Bọn tham gia thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì kẻ phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm».
 
Điều 4 này chính là điều 79 trong Bộ luật Hình sự Nông Đức Mạnh 99. Mời đọc lại :
 
Điều 79 NĐM 99: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
«Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.
 
Dưới thời Hồ Chí Minh, chánh quyền được gọi là “chánh quyền dân chủ nhân dân”. Qua thời Nông Đức Mạnh, “dân chủ” đã biến mất, chỉ còn “chánh quyền nhân dân”.
Nhưng «nhân dân», mà nhân dân nào? Người bị công an nhân dân khủng bố, ăn cướp tài sản, bị Tòa án nhân dân xử phạt tù…. họ có phải là nhân dân không? Hay họ chỉ là người Việt Nam? Thật ra, phải hiểu «nhân dân» thứ này không phải là ai hết, mà đó là một thứ Thần linh, vô hình, đầy quyền lực, chỉ xuất hiện khi làm thổ phỉ, khi khủng bố dân chúng lương thiện.
 
Điều 15 Pháo lệnh HCM 67: Tội tuyên truyền phản cách mạng
«Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà phạm tội như sau:
1. Tuyên truyền, cổ động chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa.
2. Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, phao đồn tin nhảm, gây hoang mang trong nhân dân.
3. Tuyên truyền cho chính sách nô dịch và cho văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc.
4. Viết, in, lưu hành, cất giấu sách, báo, phim, tranh, ảnh hoặc mọi tài liệu khác có nội dung và mục đích phản cách mạng.
thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm».
 
Điều 15 Pháp lệnh HCM 67 này đã ứng đúng vào Điều 88 Luật Nông Đức Mạnh 99 :
Điều 88: Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm”.
 
Tới đây, tưởng chúng ta đã thấy rõ Pháp lệnh “Trừng trị tội phản cách mạng” của Hồ Chí Minh 67 chính là nguồn gốc của mọi khủng bố, đàn áp sắt máu những người yêu nước lương thiện chống lại chánh sách độc tài đảng trị, chống lại nạn đảng và Nhà nước cộng sản ăn cướp. Và quan trọng hơn hết, mang tính sanh tử cho toàn dân Việt Nam, xin nhắc lại, đó còn là nguồn gốc mất nước cho giặc Tàu cộng ngày nay mà đảng và nhà nước cộng sản Hà nội đang không làm gì khác hơn là chờ tới ngày giờ để hợp thức hóa.
 
Tránh được thảm nạn mất nước, cúu được nước, chỉ có cách là toàn dân ý thức được quốc nạn, cùng mạnh dạn đứng lên giành lại quyền làm chủ đất nước của chính mình, dứt khơát vứt đi cái chủ nghĩa xã hội.  
Đừng mất thì giờ mong đợi một cường quốc nào khác hơn.

25/10/2019  
Nguyễn thị Cỏ May

https://www.nguoinam.com/

 

 

Đăng ngày 19 tháng 11.2019