Tác giả & Tác phẩm

01 tháng 06.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Nguyễn Xuân Hoàng (IV)

Mục lục
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng – Nguyễn và Bạn hữu
Ngày tháng cũ – Bùi Bích Hà
Nửa đường – Phùng Nguyễn
Một cái gì rất Nguyễn Xuân Hoàng: Sổ tay - Trần Doãn Nho
Nguyễn Xuân Hoàng cho tôi…– Xuân Vũ
Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn lững thững trong đời – Nguyễn Văn Sâm

Phụ đính:
Bài viết mới nhất của Nguyễn Xuân Hoàng
Đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng – Phạm Phú Minh
Những bước đi trần gian/những nhịp đập thời gian – Bùi Vĩnh Phúc
Đốm lửa, cơn gió và khoé nhìn của Nguyễn Xuân Hoàng – Trịnh Thanh Thủy
Anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi - Quỳnh Thi
Không phải lúc nào cũng có sự quên lãng – T-Van
Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc tử sinh – Ngô Thế Vinh
TELECOM – Trần Thị NgH

_____________

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng

Nguyễn và Bạn hữu

Nguyễn Xuân Hoàng là nhà văn đương thời nổi tiếng, được người đọc yêu mến. Ông sinh ngày 7 tháng 7 năm 1940 tại Nha Trang (Khánh Hòa). Thời niên thiếu, ông học ở trường Võ Tánh (Nha Trang), trường Pétrus Ký (Sài Gòn).
Nguyễn Xuân Hoàng tốt nghiệp đại học Sư phạm Đà Lạt, khoa Triết (1958-1961), rồi giảng dạy môn Triết tại trường trung học Ngô Quyền ở Biên Hoà (1961-1962), tại trường Pétrus Ký Sài Gòn (1962-1975). Ngoài ra, ông còn làm Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn (1972-1974).
Năm 1985, ông đến Hoa Kỳ và định cư tại San Jose.
Năm 1986-1997, ông làm Tổng Thư ký báo Người Việt Daily News (California).
Năm 1989- 1994, ông là Tổng Thư ký tạp chí Thế kỷ 21 (California) thuộc công ty Người Việt.
Năm 1994, ông làm trong ban chủ biên tạp chí Văn Học. Tháng 9 năm 1996, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Văn, Tổng thư ký cho báo Việt Mercury trực thuộc nhật báo San Jose Mercury News của Hoa Kỳ từ tháng 11 năm 1998 đến tháng 11 năm 2005.
Ngoài ra, ông cũng từng là giảng viên (lecturer) giảng dạy môn Văn học Việt Nam đương đại tại Đại học California-Berkeley.
Hiện Nguyễn Xuân Hoàng đang định cư tại San Jose, Bắc California.
Tác phẩm của Nguyễn Xuân Hoàng đã xuất bản:
Tập truyện ngắn
- Mù sương (1966)
- Sinh nhật (1968)

nguyen xuan hoang
Truyện dài
- Bụi và rác (1996)
- Khu rừng hực lửa (1972)
- Kẻ tà đạo (1973)
- Người đi trên mây (1987)
- Sa mạc (1989)
Các thể loại khác
- Ý nghĩ trên cỏ (tiểu luận, 1971)
- Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu (tùy bút, 1974)
- Căn nhà ngói đỏ (tạp ghi, 1989)
Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản, đó là: Lửa (truyện dài), Ai cũng cần phải có một bà mẹ (tùy bút), Sổ tay văn học... (Theo Wikipedia) Hiện Nguyễn Xuân Hoàng đang phải điều trị bệnh. Báo Trẻ xin ân cần gởi đến bạn lời cầu chúc bình phục.

___________

Ngày tháng cũ

Bùi Bích Hà

Mặc dầu ngay từ trước Tết năm Ất Mão 1975, không khí đón Xuân Sài gòn đã có chút gì bồn chồn, gượng gạo, nhưng thời sự chỉ thực sự bốc cháy khi tin tức tái phối trí vùng II chiến thuật được truyền thông loan tải rộng rãi. Tình hình chính trị và quân sự biến chuyển rất nhanh, với tốc độ băng tan dưới mặt trời. Sáng 30 tháng tư, gần trưa, lệnh kêu gọi quân nhân các cấp và các binh chủng buông súng được đích thân Tổng thống Dương văn Minh phát đi trên làn sóng của đài phát thanh quốc gia. Sài gòn nhốn nháo mấy ngày qua như một thân thể cường tráng bị bóp cổ chết đứng. Thỉnh thoảng đâu đó có tiếng súng lẻ tẻ, hoặc của một người lính nào đó bắn phát cuối cùng trước khi giã từ vũ khí, hoặc của một quân nhân phẫn uất tự xử mình vì không chấp nhận số phận.
Sáng sớm mùng một tháng năm, công chức các cơ quan chính quyền VNCH gồm cả giáo chức các cấp được lệnh trình diện tại nhiệm sở. Tôi đi giữa những núi rác không lồ qua một đêm sở vệ sinh không làm việc. Quân phục, giầy saut, khẩu phần lương thực cá nhân, vứt bừa bãi giữa đường. Những giây đạn đồng sáng choang treo trên các quân xa bỏ không ven bờ lề các phố Hai Bà Trưng, Hiền Vương, Duy Tân. Tôi trình diện với Ủy ban quân quản tiếp thu trường trung học đệ nhị cấp Nguyễn Trãi ở trước mặt kho năm bên quận Tư, là nơi tôi dạy học được 8 năm. Sau khi làm một số thủ tục khai báo, tất cả thầy cô giáo và nhân viên hành chánh được cho về nhà chờ lệnh mới.
Chúng tôi phải học tập cải tạo tập trung 8 ngày ở một số địa điểm được chỉ định do sự điều động của sở giáo dục thành phố trước khi được trở về trường tiếp tục công việc giảng dạy với danh xưng mới là “giáo viên.” Khoảng chừng nửa năm sau, đầu niên khóa mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, giáo viên cấp ba được chỉ thị phải theo một lớp học cấp thành, kéo dài 4 tuần lễ về chủ nghĩa Mác xít.
Lớp học tổ chức vào buổi tối, tại một ngôi biệt thự lầu mà chủ nhân đã di tản. Không còn một vết tích gì về những đồ đạc trang trí nội thất trước đây trong ngôi nhà sang trọng nay được trưng dụng làm lớp học với ít bàn ghế tạp nhạp, cọc cạch, thu lượm ở đâu về. Chính là ở đây tôi gặp anh Nguyễn Xuân Hoàng lần đầu rồi mất dấu anh cho đến khi gặp lại nhau trong tòa soạn nhật báo Người Việt trên đường Moran, thành phố Westminster, quận Cam, hơn mười năm sau.

Lớp học chỉ có chừng ba mươi giáo viên các trường đệ nhị cấp vùng nội thành, có hay không có tuyển chọn và nếu có tuyển chọn thì trên những tiêu chuẩn nào, chúng tôi hoàn toàn không biết, cứ nhận được lệnh là phải thi hành. Buổi học đầu tiên, NXH tới trễ. Chiếc lambretta của anh dựng nghiêng trên cái lối đi xi măng rồi anh sà vào chỗ tôi ngồi ở ngay cuối lớp. Sẵn giấy trắng cho học viên trên bàn, anh rút chiếc bút nguyên tử vẽ nguệch ngoạc những hình kỷ hà rồi chắc là tiện tay, anh viết lên giấy mấy chữ Tôi là Nguyễn Xuân Hoàng.Tôi ghi nhớ tên anh và nhờ cái tên, biết anh dạy ở Petrus Ký nhưng tuyệt nhiên không biết anh là nhà văn tên tuổi của Sàigòn trước khi miền Nam Việt Nam đổi chủ. Lý do giản dị là thời đó, hàng ngày tôi chỉ làm công việc của một cô giáo và của một bà nội trợ chăm lo con cái, nhà cửa và bếp núc, hoàn toàn không có sinh hoạt văn chương.
Được chừng hơn tuần lễ tối nào anh cũng tới lớp trễ, sà vào đúng một chỗ ngồi ở bàn cuối phòng ngay gần cửa ra vào, gật đầu chào tôi với nụ cười mà không cười của anh rồi cúi xuống tờ giấy hý hoáy vẽ linh tinh một lúc là chuồn êm. Tôi không biết người cán bộ quản giáo có lưu ý đến chàng học viên ơ thờ này hay không nhưng có vẻ như anh đến và đi mà không gây chú ý cho ai cả ngoại trừ tôi ngồi gần anh do sự tình cờ ban đầu. Giao tình chỉ từng ấy thôi, thời gian còn lại của khóa học, tôi không thấy anh và chiếc xe Lambretta của anh dựng nghiêng như chực đổ ngoài sân nữa. Anh tới và đi cùng một cách: thoắt biến, thoắt hiện, không một tiếng động.

Ít lâu sau, trước khi chương trình học Mác-Lê do thành ủy tổ chức kết thúc, tôi được tin anh cùng gia đình vượt biên từ một tỉnh cực nam nhưng không thoát, bị bắt. Mùi hoa hoàng lan trong vườn ngôi biệt thự vắng chủ bỗng nhiên thoảng nỗi buồn của những gặp gỡ và chia tay bị gió cuốn đi. Tôi đi qua đường Tự Do cũ, thấy gian hàng tơ lụa mượt mà, lộng lẫy, trước đó không bao lâu thấp thoáng bóng chị Vy, hiền thê của anh và cũng là chủ nhân của tiệm, nay cửa khóa then cài im ỉm, ngậm ngùi biết rằng tin đồn là sự thật.
Đến đây, tôi không còn nhận được tin tức gì về anh nữa. Nhiều năm sau, trải qua nhiều biến cố nhọc nhằn, tôi và gia đình lên đường đi định cư ở Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của anh ruột tôi sinh sống tại quận Riverside, cách Little Sàigòn khoảng 40 dặm về hướng Đông. Vì nhu cầu hội nhập và sự thuận tiện riêng, chỉ hơn một tháng sau khi đại gia đình mẹ, con, anh, em và các cháu đoàn tụ, tôi cùng tiểu gia đình chuyển về quận Cam. Trong một lần tới tòa soạn báo Người Việt trên đường Moran, thị xã Westminster, nhằm chuyển lời của chị Mai Hương, bạn rất thân của tôi, nhờ hỏi thăm thi sĩ Hoàng Anh Tuấn, tôi bất ngờ gặp lại anh, anh Trần Đình Quân và qua hai anh, được quen biết thêm nhiều anh chị em khác đang làm việc cho tờ báo.
Tha hương ngộ cố tri, gặp người cũ, xưa chỉ biết nay thành quen, xưa chỉ quen nay thành thân. Nhân lúc quán cà phê Hải Âu (?) của Hoàng Khởi Phong sang cho chủ mới, Người Việt hẹn gặp gỡ nhau một buổi tối ở đây có cả thi sĩ Hoàng Anh Tuấn từ San Jose về. Thêm một lần nữa, tôi lại tình cờ ngồi bên cạnh Nguyễn Xuân Hoàng quanh cái bàn nhỏ chỉ có thức uống chứ không có thức ăn. Giờ đây, chúng tôi chuyện trò, nói cười thoải mái và tôi nhận ra anh Nguyễn Xuân Hoàng không bao giờ nói to hay cười to.

Anh không khác mấy so với hơn một thập niên trước. Vẫn dáng đi hơi nghiêng về một bên, bước như không chạm đất, Vẫn mái tóc cắt ngắn và cao, đôi mắt có ánh nhìn chậm, tha thiết và lặng lẽ. Sau này gặp anh thường hơn, tôi nhận thấy ngay cả những khi bạn bè tranh luận một đề tài gây nhiều mâu thuẫn, cần đưa ra lập luận của mình, anh vẫn có sự chừng mực để không bao giờ cất cao giọng. Sự khẳng định của anh dù cương quyết đến đâu cũng luôn đi kèm với cái nhìn ngại ngần, ngụ ý Tôi có làm bạn phiền lòng không? Xin lỗi nhé!
Thời gian tôi phụ trách trang Phụ Nữ trên tờ Người Việt, anh là Tổng thư ký tòa sọan. Lúc đó chưa có máy điện toán, mỗi tuần lễ vào chiều thứ năm, tôi đến tòa soạn giao bài. Đi qua chỗ anh ngồi, tôi hay dừng lại trao đổi vài mẩu chuyện thời sự hoặc tin tức về bạn bè xa gần, bây giờ hồi tưởng lại, không thấy kỷ niệm nào nổi bật, có nghĩa là nói chuyện với anh không bao giờ “găng” cả. Anh có cách thoát khỏi những hoàn cảnh tế nhị trước khi để chúng trở thành khó xử. Tôi không biết đây là triết lý xử thế bỏ của chạy lấy người của anh hay do bản tính anh không muốn gây thương tích cho người và cho mình. Bây giờ mỗi khi nghĩ về anh, tôi hình dung ra một hành khách đáp xe buýt trên một tuyến đuờng đông khách, dù đứng hay ngồi, anh cố thu nhỏ mình để bớt va chạm.
Khoảng đầu những năm 90, tờ nguyệt san Tin Điện bên Tây Đức nhờ tôi làm chủ bút. Tôi cầu cứu anh giữ giùm phần tin tức và lay out. Tuần lễ trước khi đến hẹn gởi báo đi, có những hôm chúng tôi phải làm việc đến tận nửa đêm. Hai cháu Ốc Tiêu và Tina ngày đó còn bé, chốc chốc Tina lại chạy đến chỗ bố, vin cổ anh xuống và hôn lên má anh. Tôi còn nhớ mãi khuôn mặt trái soan trắng hồng, đôi môi chúm chím đỏ như một nụ hoa đào của cháu nhìn thấy qua vai anh khi anh nghiêng xuống với cháu.
Sau này, nhiều lúc nhớ lại kỷ niệm làm tờ Tin Điện với anh, nhớ lại cảnh anh tỷ mỷ cắt dán những mẩu tin để lay out, cẩn thận dùng thước đo từng milimét cho đúng với đòi hỏi quái đản của ông Chủ nhiệm bên Tây Đức, tôi chợt nghiệm ra có lẽ khi đó anh chỉ muốn giúp một người bạn có thêm chút phương tiện tài chánh để nuôi con hơn là vì chính nhu cầu của anh. Ngày nay, tôi càng thấm ngấm tấm lòng của anh hơn không phải chỉ vì sự giúp đỡ của anh như nói trên mà vì sự tế nhị về phía anh đã không một giây phút nào khiến tôi cảm thấy áy náy vì mang ơn.

Mười lăm năm trôi qua từ khi anh và gia đình dọn lên bắc Cali vì một công việc mới rất tốt cho anh với công ty San Jose Mercury News. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc nhưng không thường xuyên. Những dịp anh về lại quận Cam, thời giờ ít ỏi, công việc bề bộn, những cái hẹn không ăn khớp và chúng tôi ít gặp lại nhau. Một buổi tối khoảng tháng ba năm nay, Trần Mộng Tú từ Seattle xuống quận Cam. Chúng tôi đang ngồi ở nhà Thùy Hạnh thì anh ghé qua. Trông anh hơi gầy đi, mái tóc trắng như mây nhưng anh vẫn giữ dáng vẻ trẻ trung mọi khi, quần jeans, áo sơ mi không cài khuy cổ. Anh ngồi trên cái ghế nhỏ, yên lặng như thường lệ, thỉnh thoảng nhẹ nhàng trả lời một câu hỏi. Nhìn anh giống như một mảnh puzzle lạc loài không khít vào đâu cả.
Đầu tháng bẩy, anh gọi điện thọai báo tin sẽ về dự sinh hoạt kỷ niệm 80 năm Tự Lực Văn Đoàn và 50 năm ngày giỗ Nhất Linh do Diễn Đàn Thế Kỷ thực hiện và theo lời mời của anh Phạm Phú Minh. Trong lúc tôi và Trần Mộng Tú đinh ninh sẽ có dịp gặp lại anh như đã hẹn thì anh Phạm Phú Minh báo tin không lành: NXH không về được vì kết quả khám nghiệm chứng đau lưng của anh cho biết anh bị ung thư và bác sĩ quyết định gởi anh đi làm xạ trị ngay.
Tôi á khẩu. Trong nước mắt lòa nhòa, bỗng dưng chập chờn thấy lại khung cảnh một lần nào đó gặp anh bên giường bệnh Nguyễn Mộng Giác. Họ vẫn nói chuyện thời sự văn chương với nhau nhưng câu chuyện chỉ để khỏa lấp những điều buồn bã không thể nói của một tình bạn đang chia cùng nhau nhưng viên thuốc đắng của đời người. Những viên thuốc mà lớp đường bọc ngoài đã từng ngày tan dần vị ngọt trên đầu lưỡi, không trừ một ai.
Chị Trùng Dương và tôi lên Milpitas thăm anh đầu tháng tám. Anh nói: “Mình chết thì OK, chỉ muốn đừng đau đớn.” Anh không ăn được và cũng không muốn ăn. Anh ngủ là do thuốc. Thỉnh thoảng anh theo chị Vy ra tòa soạn, dù không viết lách gì nữa nhưng sinh hoạt của tòa báo tiếp hơi thở cho anh.

Trên đường về lại quận Cam, có lúc chị Trùng Dương nói với tôi: “Cái không may của Hoàng là chọn học Triết. Đã vậy, còn dấn thân vào văn chương.” Tôi cũng đồng ý với chị. Hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống và đi tìm cái mới hay sự thay đổi trong sáng tạo không bao giờ êm ái, càng không bao giờ dễ. Khi bỏ dở tập trường thiên Người Đi Trên Mây, thậm chí đốt luôn bản thảo cuốn II, phải chăng anh không còn lối thoát nào cho những đam mê bị bào mòn trong “cuộc chơi mệt mỏi và tuyệt vọng” (chữ của Đào Trung Đạo) mà định mệnh đã xô anh vào hay do anh chủ tâm chọn lựa?
Cảm ơn tình bạn anh cho tôi, như cánh diều bay êm ả trên những tầng mây khi tụ khi tan, khi gần khi xa, như có như không, một tình bạn chân thật, giản dị, để có khi nào nhớ về, ký ức sẽ gọi dậy trong tôi mùi hoa hoàng lan huyền ảo vẫn dịu dàng thơm những tháng ngày tăm tối nhất của một Sàigòn vừa bị xóa tên.
Garden Grove, tháng 9/2013.

____________

Nửa đường

Phùng Nguyễn

Điểm hẹn nằm phía bên kia đường. Đó là tiệm café Starbucks duy nhất của trạm nghỉ chân Buttonwillow, một thị trấn bụi bặm nằm dọc xa lộ xuyên bang số 5. Chuyến xe đò Hoàng khởi hành từ San Jose vào buổi sáng sớm sẽ dừng lại ở đây và người khách tóc trắng tên Hoàng chỉ cần bước xuống và băng qua đường là đến nơi. Theo dự tính, mày đến trước và chờ ông ở đó. Trên thực tế thì ngược lại, ông đã có mặt trong quán café khi mày đến nơi.
Nụ cười mở ra một vùng ánh sáng trên khuôn mặt ông khi mày hướng về phía chiếc bàn tròn nhỏ ở một góc quán.
“Anh đến lâu chưa?”
“Chỉ mới vài phút. Uống gì anh gọi luôn?”
Mày đi theo ông đến quầy. Ông sẽ trả tiền café, như một thỏa thuận ngầm. Trong những năm sau này, ông luôn giành trả tiền café khi chỉ có hai người với nhau. Không hiểu vì sao, và mày không bao giờ hỏi.
Trên đường trở lại cái bàn tròn nhỏ ở góc quán, ông hỏi:
“Có cần phải đi ngay không ?”
“Không, ” mày trả lời. “Đâu có gì gấp đâu anh!”
Ông tóc trắng ra dấu chấp thuận phát biểu của mày qua cái gật đầu. Quả thực không có gì để phải gấp gáp. Chút nữa đây, mày sẽ đi cùng ông đến quận Cam, khoảng 150 dặm về phía Nam. Ở đó một người nằm, không chờ đợi bất cứ một ai, không cần đến bất cứ điều gì. Nhưng ông tóc trắng và mày vẫn cứ phải đến để còn có thể gặp ông ấy thêm một lần nữa trước khi ông thành tro thành bụi.
Hai hôm trước mày gọi phone ông tóc trắng.
“Anh Hoàng, mình đi chung xe xuống dự đám tang anh Giác cho vui.”
Câu này tất nhiên không ổn, “đám tang” và “vui” hiếm khi nằm chung trong một câu. Cũng may mà mày chỉ nói ra chứ không viết xuống.
“Đi làm sao?”
“Dễ lắm, anh leo lên xe đò Hoàng ở SJ, leo xuống ở B, em mang xe ra đón, rồi mình đi tiếp đoạn đường còn lại.”
Anh Hoàng, tức ông tóc trắng, có vẻ thích kiểu sắp đặt này, “OK, vậy đi.”
*
“Có gì lạ không?” Anh Hoàng hỏi khi xe chạy được một quãng.
“Không… eh… có. Mới đọc một gã tên Junot Diaz .”
“?”
“Truyện tình, ‘Cẩm nang tình yêu cho gã lừa tình’.”(1)
“Đọc được không?”
Mày không trả lời thẳng vào câu hỏi. Truyện về một gã Dominican hoang đàng lãng phí sáu năm trời để chữa bệnh thất tình! Tất nhiên tác giả và hầu hết độc giả của hắn ta sẽ cho rằng mày khắc nghiệt. Biết làm sao được, mày biết có người bỏ ra nửa phần đời chỉ để gìn giữ một mối tình!
“Trong truyện này, Junot Diaz dùng ngôi số hai để kể chuyện.”
Mày biết mày cũng muốn thử kiểu viết này khi có dịp. Mày không nói ra nhưng hình như anh nghe được.
“Kỹ thuật mới thì tốt thôi. Nhưng viết truyện ngắn thì phải biết dừng đúng lúc.”
Câu này khiến mày chột dạ. Anh Hoàng đã từng nói với mày như thế nhiều năm về trước khi mày đưa anh xem một truyện ngắn vừa viết xong. Đúng như cái tựa, đó là chuyện thần tiên, nghĩa là ở hồi kết cuộc những điều tốt đẹp phải xảy ra đúng như ý tác giả muốn cho… chính hắn. Anh Hoàng, vào lúc đó tóc mới lưa thưa vài sợi bạc, bảo mày nên cho truyện chấm dứt lúc nhân vật nữ lên máy bay về lại nhà. “Để độc giả có cơ hội thử tìm lấy đoạn kết cho chính mình.” Tất nhiên là mày không chịu, mày không thể để độc giả làm hỏng giấc mơ của mình. Cho nên nhân vật nam phải leo lên máy bay đến tận nơi “nàng” ở, lôi cả nhà “nàng” ra ngồi đó để lên lớp họ về mãnh lực ái tình. Tất nhiên là họ khóc ròng vì hối hận. Không lâu sau đó, đến phiên mày hối hận! Đoạn kết mày viết xuống đã không hề xảy ra, và điều này chỉ khiến cho nhân vật của truyện càng trở nên ngốc ngếch hơn.
*
Mày gặp anh Hoàng lần đầu tiên tại nhà của người quá cố, anh Giác, vào một trong những ngày cuối cùng của năm 1994. Hai người này quen biết nhau đã lâu và có nhiều điểm tương đồng. Họ dạy học, viết văn, làm báo văn chương. Cũng may là những điều tương tự giữa họ chấm dứt ở đó, nếu không thì sẽ chán phèo, cho mày. Người ta không nên có hai người bạn, ngay cả bạn vong niên, giống hệt nhau. Đó là một hoang phí không thể tha thứ.
Thực khó để hình dung hai nhân vật tài hoa này là chủ tiệm… phở. Tuy nhiên, thử cho là như vậy đi. Khoan hãy đề cập đến khả năng nấu nướng, nêm nếm của họ, mày chỉ muốn nhìn qua cái thực đơn. Thực đơn của một tiệm phở thuần túy chỉ nên liệt kê các món phở [na ná/khang khác nhau], cùng lắm thì thêm món chả giò và không nên có thêm gì khác. Đó là phở Giác, biên khảo, phê bình, tiểu luận, bút ký, thơ, truyện ngắn, truyện dài,… trường thiên! Tác giả, tác phẩm, trong nước, ngoài nước, trước 75, sau 75, đủ để no say mỗi lần gặp gỡ. Khó mà gọi lầm món ăn, quanh quẩn một chút đâu đó rồi cũng phải trở lại với những món này. Phở Hoàng ư? Thực đơn của “tiệm” này có đủ những món phở Giác có, cộng thêm khá nhiều những món không tìm thấy ở phở Giác. Tuy chúng không phải là phở, nhưng không phải là không ngon. Chẳng phải mày vẫn luôn cảm thấy thoải mái hơn với phở Hoàng hay sao? Mày có thể nói hoặc nghe nói về bất cứ điều gì khác hơn là văn chương trong suốt buổi café. Vậy mà cũng chính là mày đã đôi lần băn khoăn về chuyện có khi cái bóng của Nguyễn-Xuân-Hoàng-ngoài-văn-chương đã phần nào làm khuất lấp cái văn-chương-Nguyễn-Xuân-Hoàng.
*
Lúc này xe đang bò lên con dốc ngoằn ngoèo bắt đầu từ một nơi có tên là Grapevine. Câu chuyện giữa anh Hoàng và mày bây giờ hướng về anh Giác. Đây là điều tất nhiên, anh ấy là đích đến của chuyến đi.
“Giác như vậy là yên ổn rồi.” Anh lên tiếng.
Hai người bạn này gọi nhau bằng tên và xưng tôi. Hoàng và tôi, Giác và tôi. Còn “yên ổn?” Ngàn thu yên giấc hay là yên thân, không còn bị quấy phá?
“Anh sẽ nói vài điều về anh ấy chứ?”
“Có lẽ sẽ viết xuống.”
“Về cái ‘thôi kệ‘ của Giác.” Anh tiếp.
“Đây là quan niệm sống, hoặc hẹp hơn, phản ứng, của anh hay của anh ấy?”
“Của chúng tôi, có lẽ!”
Mày đang nghĩ đến truyện “Ở quán café Starbucks” mới đây của anh Hoàng. Nỗi hồ nghi lớn hơn, sâu hơn, và đậm đặc. Điều gì đã xoi mòn niềm tin vào tình người của người đàn ông tóc trắng này? Ông sẽ không nói ra trừ phi điều này thực sự cần thiết. Nếu phải như thế, có lẽ câu chuyện sẽ được kể lại bằng những phương tiện và cách thế thích hợp, mày nghĩ như vậy.
*
Quãng đường còn lại ngắn dần, và bây giờ thì anh Hoàng và mày đang ở trên xa lộ 405. Xa lộ này có một lối đi dành riêng cho các xe chứa hai người trở lên, gọi là carpool lane. Mày đã có thể đưa xe vào lối đi ưu tiên này để có cơ hội đến nơi hẹn sớm hơn. Ở đó có anh Giác, nằm “yên ổn,” không chờ đợi anh Hoàng, không chờ đợi mày, không chờ đợi bất cứ ai.
Chiếc xe tiếp tục lăn bánh một cách chậm chạp trên xa lộ 405. Mày vẫn chưa đưa xe vào carpool lane. Không có phản ứng gì đặc biệt từ anh Hoàng. Liệu anh có gấp đến nơi? Mày nghĩ là không!
29.08.2013

____________

Một cái gì rất Nguyễn Xuân Hoàng: Sổ tay

Trần Doãn Nho

“Đừng để tờ Văn chết!” Mai Thảo nói với Nguyễn Xuân Hoàng như thế.
Văn sống lại. Một đời sống khác.
Nguyễn Xuân Hoàng (NXH) nhận Văn từ Mai Thảo vào giữa năm 1996. Một trong những yêu cầu của Mai Thảo là giữ nguyên mục Sổ Tay vốn do Mai Thảo viết từ ngày ông tái bản Văn ở hải ngoại. Lúc đầu, NXH không đồng ý, muốn đổi thành Ghi Chép, nhưng chiều ý của Mai Thảo, bốn số tiếp theo 160, 161, 162 và 163 cho các tháng Chín, Mười, Mười Một và Mười Hai, 1996 do NXH làm chủ biên vẫn có mục Sổ Tay. Nhưng rồi với sự giúp sức và đóng góp nhiệt tình từ bạn bè và văn hữu, đầu năm Đinh Sửu (1997), Văn đổi sang bộ mới, được đánh từ số 1, số Xuân Đinh Sửu: Văn của Mai Thảo trở thành Văn của Nguyễn Xuân Hoàng. Và khác với ý định ban đầu, NXH vẫn duy trì “Sổ Tay”. “Đó là lúc tôi đã tìm một cách viết sổ tay của tôi”, anh cho biết. (Văn tháng 8/2004). Và Sổ Tay NXH đã đi song hành với Văn từ lúc đó cho đến ngày tự ý đình bản.
Lúc này đây, trong khi nghĩ đến NXH, đang ở cách tôi những ba múi giờ, không thể trực tiếp đến thăm anh được, tôi tìm gặp anh qua Văn. Những Văn, cuốn dày cuốn mỏng, có cuốn một tháng có cuốn ghép đôi hai tháng, đẹp nhất là hình bìa. Mỗi bìa là một tấm tranh, toàn là tranh có hạng. Cầm những Văn trên tay, tôi nhìn thấy công lao của một NXH đối với văn học. Tất cả, từ bìa đến “ruột”, tạo thành một thứ “chỉnh thể thẩm mỹ”, một chỉnh thể mà thấp thoáng đàng sau là cá tính của người chủ biên, theo cách nói của Nguyễn HưngQuốc[i]. Và với Sổ Tay, cá tính người chủ biên càng hiện rõ nét hơn, đầy đặn hơn. Qua Sổ Tay, NXH xuất hiện như một chân dung tươi, sống, đa dạng. Sổ Tay viết về người, về vật, về sự, về những chuyện linh tinh, lỉnh kỉnh. Viết ngay. Viết liền. Viết y như thể chúng như thế, ở đây, lúc này. Không thể khác. Đọc Sổ Tay như đọc lại cả một quảng đường, thậm chí cả một giai đoạn văn học, tìm lại được những khuôn mặt tưởng chừng như không còn hiện hữu, tìm lại những cảm giác tưởng chừng đã biến mất, tìm lại những ý nghĩ tưởng chừng như tan loãng trong thời gian.
Sổ Tay tràn đầy thao thức. Thao thức người. Thao thức chữ.

Sổ Tay trước hết là sự kiện: xã hội, văn học, chính trị, bóng đá, thời tiết, ra mắt sách, tác phẩm mới, tác giả mới, phim mới…Lan man. Tản mác. Rời rạc. Nhưng đầy hơi thở, đầy hiện thực: gặp bạn bè ở Paris, ở Houston, ở Sài Gòn, lụt ở miền Trung năm 1999, ra mắt sách người này ngưòi nọ, những người bạn đến thăm, nhũng người bạn đau, những người bạn qua đời, những chuyến đi, Đức Đạt Lai Lạt Ma ở quận Cam, những tác phẩm vừa xuất bản, cảm giác về những ngày mưa, ngày nắng, ngày tuyết, về giải bóng đá thế giới, về chuyến đi của Clinton sang Tàu, vân vân…

Sổ Tay là những hồi ức sống động.
Một buổi tối, trong căn phòng hẹp nằm sau “ngõ hẻm” Song Long, chủ nhà Mai Thảo tiếp Thụy Khuê, Bùi Bảo Trúc, vợ chồng nhà báo Đỗ Ngọc Yến vợ chồng luật sư Đỗ Xuân Hòa, Khánh Trường…Nhà có ba chiếc ghế. Khách ngồi bệt xuống sàn, xung quanh là những cuốn sách, những chai rượu. Mọi người nói đủ thứ chuyện: cuộc sống, văn chương, thời sự, ….nhưng tuyệt nhiên không ai nói về sức khỏe của Mai Thảo và Khánh Trường. Từ gần một năm nay, cả hai nhà văn này không khỏe. Khánh Trường luôn cười nói, lạc quan hơn một người có sức khỏe bình thường. Thế nhưng, người ta biết ông đang bị sa sút về thể lý. Trong một tháng, hơn ba lần Khánh Trường vào bệnh viện. Có đôi lúc, tiếng nói ông thấp xuống, không còn cái “ồn ào sang sảng” mỗi khi trêu ghẹo bạn bè. Rõ ràng là Khánh Trường không muốn nói và cũng không muốn nghe ai nói về tình trạng sức khỏe của mình. Còn Mai Thảo, chuyện di chuyển của ông đã bắt đầu khó khăn. Ăn rất ít. Chỉ những giọt rượu là những thang thuốc bổ còn giữ được ông ở lại với chúng ta. (Văn tháng 7/1997)

Sổ Tay là chuyện đời sống nhưng là một thứ đời sống đẫm mùi văn chương. Bên dưới những mảnh vụn, những chi tiết bề bộn đan xen nhau đâu đó luôn ẩn dấu những kẽ nước ngầm, âm thầm chảy len lỏi qua những con chữ, những con chữ thản nhiên, đôi khi vô cùng thản nhiên.
Có tiếng gõ cửa. Cái nút chuông có trên vách sao họ không bấm mà lại gõ? Tôi bước ra. Một người đàn ông da đen cao lớn, mặc bộ suit màu đen, đeo kính trắng, mũ đen rộng vành, cầm trên tay một xấp giấy, đứng trước mặt tôi. Ông tự giới thiệu là Thomas Donahey, người của Thượng Đế. Ông nói thế giới đầy tội lỗi, đã đến lúc mọi người trên trái đất này phải sám hối. Tội ác như một nồi nước đang sôi sùng sục, và cầu nguyện là rút những thanh củi đang cháy ra khỏi bếp. Tôi nói với ông là tôi chưa bao giờ phạm tội, tại sao tôi phải cầu nguyện? Ông lấy một tờ giấy màu xanh trong xấp giấy đưa cho tôi. “Đây là những lời kinh sám hối. Ông đọc sẽ rõ. Ông nói ông chưa bao giờ phạm tội à? Thật sao? Trong suốt đời ông, ông chưa bao giờ phạm tội thật à?” “Thật chứ!” tôi nói. Ông Thomas nhìn tôi, tay ông vẫn chìa tờ giấy màu xanh về phía tôi. Đầu ông hơi nghiêng, gọng kính trụt thấp dưới sóng mũi, mắt ông to, nhưng tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Tôi không muốn cầm tờ giấy nhưng thật là bất lịch sự nếu cứ để ông giữ nguyên tư thế đó. Tôi đành đưa tay ra. Ông Thomas tiếp, trên thế gian này không một ai, không trừ một ai – ông nhấn mạnh – mà không phạm tội. Sinh ra đời đã là phạm tội. Làm người đã là phạm tội.
Lúc đó hình như gió thổi mạnh hơn và bầu trời xuống thấp mịt mù mây đen cùng với những giọt mưa lạnh buốt tạt vào mặt chúng tôi. Tôi đẩy rộng cửa, mời ông vào nhà. Ông khoát tay, kẹp xấp giấy vào nách, bật chiếc dù đeo ở cánh tay lên. “Cám ơn. Tôi còn nhiều nhà phải đi. Tôi sẽ trở lại với ông một vài ngày sau, nếu ông còn muốn nói chuyện với tôi.” Ông kẹp gọng dù vào cổ, chìa tay cho tôi bắt. Tôi nắm bàn tay to bè của ông, những ngón tay dài mập màu nâu nhưng lòng bàn tay nhạt màu cà phê sữa. Ông bước đi, lưng thẳng, giương chiếc dù lên cao, nhìn về đằng trước. Bỗng nhiên tôi thấy ông giật mình đứng sững lại. Vô tình, ông đã giẫm lên cây ớt trước nhà vừa bị trận gió thổi ngã xuống. Cả một cành ớt chín đỏ nát dưới chân ông.
“Xin lỗi! Xin lỗi!” Ông quay lại nhìn tôi trước khi tiếp tục rảo bước. (Văn tháng 1 &2/2006)

Sổ Tay là những nhận xét cô đọng về người, về văn.
Cái chết của một người bạn: “Tối thứ hai 24 tháng Năm, Phạm Phú Minh từ quận Cam gọi lên San Jose cho biết Lê Đình Điểu đã từ giã bạn bè ra đi. Giờ đó tôi vẫn còn ngồi trong tòa soạn. Đồng hồ chỉ 10 giờ hơn. (…) Điểu là người không hút xách, không rượu chè, không bài bạc, anh sống ngăn nắp và đàng hoàng. Sống ngăn nắp và đàng hoàng là một điều rất khó trong đời sống của chúng ta.” (Văn tháng 6/1999)
Chuyến đi của đức Đạt Lai Lạt Ma ở quận Cam: “Sự đơn giản chinh phục người ta dễ hơn là sự bác học. Và bất cứ ngôn ngữ nào bắt được hơi thở của đời sống đều dễ mở cánh cửa của trái tim ta hơn. Tuy nhiên, đừng hiểu sự đơn giản với điều thông tục.” (Văn tháng 7/1997)
Chữ nghĩa Nguyễn Văn Sâm: “Nguyễn Văn Sâm đã nhìn Sài Gòn từ cái phía trái của nó. Bóng tối và sự khốn khó. Sài Gòn của mồ hôi và nước mắt. (…) Nguyễn Văn Sâm là người kể chuyện hơi rề rà nhưng có duyên.”(Văn tháng 4/2000)
Một nhà thơ đã mất: “Cao Đông Khánh là một hiện tượng trong thi ca Việt Nam. Chữ nghĩa trong tác phẩm ông cũ một cách rất mới, nồng nàn và sôi nổi, say sưa và mê sảng. Ông có đôi mắt của một vị thần lưu linh, và có lối đọc thơ của một người đồng thiếp.” (Văn tháng 7/1997)
Một cây bút nữ, Dương Như Nguyện: “Một lối đi gai góc mà kiêu hãnh. Cô viết như người đi trong rừng với chiếc dù dự dạ hội, cô Tây phương hóa trong một thân xác rặt Á châu.” (Văn, tháng 1/2001)
Một nhà văn tên Nguyễn Xuân Hoàng trong những ngày tuyệt vọng: “Tôi là một thứ người vô gia cư trong chữ nghĩa – khác nào một homeless trong một thành phố của một nước Mỹ giàu có (…) Đầu óc tôi trống rỗng. Trái tim tôi nguội lạnh. Tôi đi tìm hoài tìm mãi, tìm khắp nơi mà chẳng thấy hơi ấm ở đâu. Sao tôi chỉ thấy lòng tôi đầy tro than! Tôi cần một ngọn lửa.” (Văn tháng 8/2004)
Tôi cần một ngọn lửa! Câu nói đơn giản này trong Sổ Tay được Huỳnh Hữu Ủy đưa vào trang đầu của một cuốn sách vừa xuất bản của anh (trước một câu khác của Honoré de Balzac).[ii]
Sổ Tay là những dòng bút ký cô đọng.
Về thăm lại quê sau hàng chục năm xa vắng, anh nhìn thấy Nha Trang là “Một thành phố gập ghềnh. (…)Thành phố có bộ mặt cau có.” (Văn tháng 11/2001). Còn Sài Gòn thì “Sài Gòn ngày xưa đã bị xóa hết. Xóa hết những con đường, hàng cây. Xóa hết hơi thở của những trận mưa đầu mùa. Xóa màu nắng. Xóa bóng mây. Xóa trí nhớ của ai.” (Văn tháng 12/2001)
Viết về Giáng Sinh và Tết là những dòng tùy bút mặn mà, đầy cảm xúc và loáng thoáng mùi vị … La Nausée:
“Sáng hôm nay, trời xanh, nắng vàng, nhưng sao mà lạnh buốt. Thành phố tôi đang sống bắt đầu vào đông. Thang lũng đầy sương mù và buốt giá, đầu tôi như đóng băng. Trí nhớ tôi lẫn lộn giữa quê nhà và xứ người, giữa một hiện tại lạnh lẽo và một quá khứ buồn bã. (…) tôi đáng chán đời, tôi thấy cuộc sống này không có gì đáng sống nữa, tôi chỉ muốn chết nhưng tôi là một tên hèn nhát, nên mỗi buổi sáng thức dậy, tôi vẫn nhìn thấy tôi trong gương, một khuôn mặt xa lạ đang nhìn ngó chính mình. Tôi đó sao? Tôi sẽ phải làm gì sáng nay? Tôi sẽ nói câu gì với người đồng nghiệp? Tôi sẽ uống ly cà phê ở quán quen, nhưng tôi sẽ ăn cái gì? Sẽ làm gì khi trở về vào mỗi buổi tối?” (Văn Xuân Giáp Thân/2004)
Trong khi đưa tin một giọng ca nổi tiếng người Pháp, Juliette Gréco, trở lại sân khấu sau một thời gian dài vắng bóng,anh nhớ về một bài hát và một giọng ca trong một thời nào đã xa, rất xa: “Tôi nhớ khoảng thời gian đó, Nửa Đêm Ngoài Phố có vẻ như là ca khúc được viết riêng cho một tiếng hát: Thanh Thúy. Đó là một tiếng hát ẻo lả, mềm nhão, ray rứt, nức nở, rụng rời. Tiếng hát như tiếng nấc nghẹn ngào mà chán chường, tuyệt vọng và đầu hàng số mệnh. Đó là một tiếng hát có thể gắn vào những tĩnh từ tiêu cực và chúng tôi đã rống lên để nửa đêm ngoài phố trở thành những lời ca ngợi cuộc sống, là những tiếng cười của tuổi trẻ.”(Văn tháng 9/1999)
Cũng thật bất ngờ, qua Sổ Tay, tôi giật mình khi đọc lại (đúng ra là đọc lần đầu, vì trước đây quên … đọc) một nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc khi trò chuyện với NXH về nguyên nhân tại sao nền văn học Việt Nam (trong nước) vẫn chậm, còn chậm và cứ chậm:
“Vì mình có một nhược điểm rất lớn, đó là lớp người cầm bút trẻ hiện nay trong nước không được chuẩn bị một nền văn hóa cơ bản. Họ thiếu một cái base, nên họ không thể có những bước đột phá, không thể đi xa được.” Ông nhắc đến trường hợp của nhà thơ Bùi Giáng, và ông cho rằng tài năng của Bùi Giáng rất khác với các tài năng phía Bắc, bởi vì ngoài tài năng trời cho ra Bùi Giáng còn có một nền tảng triết học căn bản. Ông cũng nhắc đến trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Tường, mà theo ông, “mặc dù tài năng không có gì ghê gớm lắm đâu” [chữ của Nguyên Ngọc], nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn hơn một số anh em được đào tạo phía Bắc vì anh Tường có một nền tảng triết học.” Có lẽ ông muốn nói đến kiến thức cơ bản triết học của người cầm bút.
“Nền giáo dục Việt Nam phía Bắc suốt mấy mươi năm nay hoàn toàn không dạy triết học. Ngay cả môn chủ nghĩa Mác-Lê Nin, cũng không được dạy như một hệ thống triết học. Người ta chỉ dạy chính trị thôi.” Và ông tiếp, như thế thì văn học khó mà có được những đột phá mới, mặc dù cũng không thể đoán trước được những trường hợp bất ngờ. Như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp và sau đó là Bảo Ninh. Tuy nhiên, vẫn theo ông, cho dù có những bất ngờ như trường hợp Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh đi nữa thì vẫn có một quy luật, nếu thiếu cái căn bản văn hóa làm nền tảng ấy, thiếu cái kiến thức (triết học) của một người cầm bút, tài năng chưa đủ để đưa ngòi bút kia đi xa hơn.” (Văn tháng 6&7/2003)

Nhận định của Nguyên Ngọc cực kỳ hữu lý!
Sổ Tay cũng là nơi của bạn bè văn nghệ, bạn cũ bạn mới bạn trong nước bạn ngoài nước bạn quen lâu bạn mới quen. Bạn, chao ôi là bạn. Ở đâu cũng có bạn, đi tới đâu cũng bạn. Đầy ắp bạn. Bạn, tự nó cũng là một thứ văn chương. Cái thế giới bạn bè của NXH cũng là thế giới của văn chương. Anh gặp bạn anh sống bạn anh uống bạn anh viết bạn…
Nếu tôi đoán không lầm thì hầu hết những khuôn mặt viết lách mới cũ gần xa đều được Sổ Tay nhắc đến, cách này hay cách khác. Những câu chuyện xoay quanh bạn bè đôi khi không là văn chương, chưa là văn chương. Nhưng hãy tưởng tượng, nếu không có bạn bè, thì văn chương (tôi tự hỏi) sẽ nằm … ở đâu!?
Xin dẫn lại một vài trích đoạn trong Sổ Tay (Văn tháng 1/2002) có tựa đề Mưa ở Berkeley:
(…)
“Cider nóng của em đây!” Huy đặt hai ly nước xuống mặt bàn.
“Cám ơn anh.” Mía kéo người đàn ông về phía mình, hôn lên những ngón tay anh, sau đó chị ấp hai bàn tay vào ly nước như muốn lấy hơi ấm. Chị uống từng ngụm nhỏ. Mắt chị không rời Huy. Và chị nói chậm rãi: “Huy là một điều hay của tôi.” Chị lại nắm bàn tay người đàn ông, tiếp: “Và cũng là điều suy nghĩ của tôi. Nếu không gặp Huy có lẽ tôi đã bỏ xứ này để về lại dưới kia từ lâu rồi.”
“Vậy sao?” Tôi nhìn người phụ nữ, rồi nhìn người đàn ông. Tôi muốn biết cái gì đã gắn họ lại với nhau. Cả hai đều không còn trẻ. Mặc dù, rõ ràng là chị trẻ hơn anh rất nhiều. Trên khuôn mặt mỗi người tôi đọc thấy một nỗi khắc khoải. Những nếp nhăn ở đuôi mắt của chị, những vết hằn trên trán của anh. Dù vậy tôi thấy trong sự chăm sóc của cả hai toát ra một đam mê, một thứ tình yêu cuồng tín.
“Xin lỗi ông, thế ông làm gì ở đây?”
“Tôi hả? Tôi không phải dân ở đây.” Tôi không muốn nói việc làm của tôi. “Tôi ở San Jose. Tôi lên đây có chút việc.”
“Anh Huy?” Chị quay sang người đàn ông. “Chân em lạnh quá!” Chị đặt cả hai chân lên đùi anh.
Người đàn ông cúi xuống. Anh bóp chân chị, vụng về kéo từng ngón, khôn mặt ánh lên một vẻ say mê kỳ lạ. Đột nhiên tôi nhìn thấy chiếc vớ màu xanh sẫm của chị tuột ra rơi xuống, và Huy nâng bàn chân trần của chị lên, hà hơn giữa những kẻ chân, và tôi có cảm tưởng như anh cắn ngón chân út và hôn cổ chân chị.
“Huy! Trời ơi!” Chị kêu lên giọng thảng thốt.
Có gì đâu!” Tôi nói. “Cô đã thấy đỡ lạnh chưa?”
“Đỡ lắm rồi. cám ơn ông.” Và chị nói với người đàn ông. “Anh bóp mạnh chân em, mạnh nữa đi!” Chị chồm người qua mặt bàn hôn người đàn ông. Họ hôn nhau say đắm tưởng như trái đất này chỉ có hai người. Tôi nghĩ tình yêu của họ chắc phải là mãnh liệt lắm mới khiến cho họ không nhìn thấy trời đất gì chung quanh. Những người khách trong quán vẫn đọc sách, báo, vẫn viết, vẫn cười nói, chuyện trò quanh ly cà phê. Người chủ quán đang nghe điện thoại, đứng bên cạnh anh ta, sau quầy là một thanh niên chải tóc ngược kiểu mồng gà, hai cánh tay xâm hình chằng chịt, cạnh bàn chúng tôi là hai cô gái tóc vàng châu đầu vào một trang sách cười khúc khích.”
Một người khách vừa bước vào, đứng giữa cửa, đang xếp dù rủ nước bám trên vải…Ông ta lớ ngớ nhìn quanh phòng. Mưa đã giữ khách lại. Vẫn không còn một bàn nào trống.
Tôi thấy mình thừa thãi.
Bên ngoài, chiều đã xuống. Mùa này ngày ngắn đêm dài. Và trời đang mưa…
Tôi hớp thêm một ngụm cà phê, đứng dậy.
“Chào cô Mía, chào ông. Có lẽ tôi phải về.”
“Về? Ông về đâu?” Người đàn ông hỏi.
“Về Milpitas.”
“Mưa lớn lắm. Sao ông không ngồi thêm một chút. Trời này lái xe nguy hiểm!” Cô Mía nói. “Chúng tôi cũng sắp chia tay rồi.”
“Chia tay? Thế hai người không cùng về chung à?” Tôi ngạc nhiên.
“Không, tôi phải trở lại San Fran. Huy thì về Palo Alto. Tại sao ông nghĩ là chúng tôi phải về chung?” Cô Mía nói.
“Tôi tưởng vậy thôi.”
“Chắc là ông nghĩ rằng khi người ta yêu nhau là phải ở chung dưới một mái nhà? Chúng tôi mỗi người đều có một nơi để trở về.” Chị nói với một giọng đều đều và buồn. Có vẻ như chị cũng không muốn tin vào điều mình nói nữa. Tôi không nghĩ là chị đang nói với tôi.
(…)
Tôi mặc áo khoác, cầm tờ báo, quyết định.
“Xin chào!” Tôi đưa tay về phía người đàn bà. Cô Mía bắt tay tôi và nói: “So long my friend, don’t say goodbye…”
Tôi nghe tiếng chị nói như hát. “So long my friend, don’t say goodbye…” Đúng là câu tôi vừa đọc thấy lúc nãy. Tôi lớ ngớ nhìn chị, và tôi bắt gặp nụ cười của người đàn ông:
“Tôi biết tại sao ông lúng túng! Ông đọc được câu đó trong phòng vệ sinh phải không?”
“Phải. tại sao ông biết?”
“Tại vì tôi cũng đã đọc được câu đó.”
“Bộ ông và cô đây quen thuộc cái quán này lắm sao?”
“Chúng tôi vẫn thường hẹn nhau ở đây. Cái bàn này gần như dành cho chúng tôi. Nói đùa đấy, tôi làm sao đủ tiền mua cái bàn này.”
“Nhưng tôi nhớ không lầm, sau cái câu cô Mía vừa đọc còn mấy câu nữa mà. Chẳng lẽ ông cũng thuộc?”
“Không, tôi thì không. Nhưng cô Mía thuộc đấy. Mía, em đọc cho ông bạn chúng ta nghe bài này đi. Bài gì mà em bảo là của ban Ataris đó!”
“Đó là một ca khúc của bọn trẻ ở đây có tên là Hello & Goodbye. Ông có muốn nghe tôi đọc không?”
“…”
“So long my friend, don’t say goodbye.
Just give me one last kiss beneath this glowing sky
We’ll go walking through the park
And hang out in the rain…”

Người đàn ông ôm hôn cô, vội vã như sợ cô biến mất:
“Đùng anh!” Mía nói. “Đã đến giờ rồi, em phải về thôi.” Chị đứng dậy, choàng qua vai anh, kéo đầu anh xuống, hôn anh và thì thầm trong tai anh, rồi chị cầm tay người đàn ông lên hôn và ngậm trong miệng rất lâu một ngón tay của anh. Người đàn ông nói:
“Còn sớm mà! Mía có biết là anh cần em đến chừng nào không?”
Anh rút bàn tay ra, ôm siết người đàn bà.
“Còn mấy hôm nữa là tết rồi. Từ giờ tới đó, em sẽ không gặp anh được đâu!” Chị lấy hai tay đập đập lên ngực anh. Tôi thấy mắt chị có ngấn nước. Và chị quày quả bước ra cửa. Không nhìn anh. Không nhìn bất cứ ai.
NXH kể chuyện điềm nhiên, dửng dưng. Như chính bản thân cuộc sống. Chẳng có gì to tát. Chẳng có gì ghê gớm. Cứ thế, cứ thế…Nhưng không chỉ như thế. NXH viết tiếp:
Những dòng chữ trên thật ra chỉ là cái cách kể lại một câu chuyện trong một chiều mưa ở thành phố Berkeley. Và hình ảnh buồn rầu của khuôn mặt người đàn ông khi anh ôm người phụ nửa trong tay, khi bóp bóp bàn chân cô, khi cúi hôn những ngón chân khẳng khiu xanh xao của cô giữa một quán cà phê đông người, và cảnh chia tay kỳ lạ của họ cứ bám theo tôi mãi về tận nhà.(….)Tôi vẫn nghĩ đôi khi hư cấu không bắt kịp hiện thực. Hiện thực có lúc còn vượt quá cả sức tưởng tượng của con người nữa là đàng khác ….
Với tôi, Mưa ở Berkeley không chỉ là một ghi chép mà là một truyện (thật) ngắn. Một truyện (thật) ngắn hay.
*
Các bạn ạ, nhớ Nguyễn Xuân Hoàng, cách hay nhất là tìm đọc lại Sổ Tay. Ở đó, ta luôn bắt gặp một NXH rất người, rất thân, rất bạn bè, rất văn chương. Một nhân vật luôn luôn có mặt ở đâu đó, thân tình và ấm áp, một kẻ rất như mọi người nhưng lại rất không giống bất cứ ai.
Đó là một thế giới riêng riêng chung chung lạ lạ quen quen …. Vào đó, nhấp một cốc rượu đỏ, đọc lại và biết đâu, bạn có thể tìm thấy lại chính bạn trên những dòng chữ mà NXH viết ra ở một lúc nào đó (không chừng, bạn đã quên bẵng mất rồi). Và cảm thấy cái quỹ thời gian (mà NXH đã đề cập đến đâu đó, đôi lần, trong Sổ Tay) chưa cạn, không cạn.
Vẫn còn đầy!
(26/8/2013)

[i] Nguyễn Hưng Quốc, Vài ý nghĩ thoáng về báo văn học, trong tập “Sống với chữ”, nxb Văn Mới, California, 2004, tr. 131-141
[ii] Huỳnh Hữu Ủy, Mấy chân dung văn nghệ hiện đại, nxb Văn Mới, California 2013

_______________

Nguyễn Xuân Hoàng cho tôi…

Xuân Vũ

Rất thú vị đọc Nguyễn-Xuân Hoàng, cái thú vị của một người thợ lặn đáy biển được mùa ngọc trai, cái thú vị của một người xem trận đấu của hai đội bóng nhà nghề tranh đoạt giải thưởng. Tôi là người mê bóng đá nhất thế gian. Khi đọc Nguyễn-Xuân Hoàng nửa chừng tôi nghỉ xả hơi để xem đội Tây Ban Nha đấu với đội Hungari để đi Ý dự giải quốc tế 1990, tôi nghĩ như vậy. Hàng tiền đạo đội Tây Ban Nha như một bầy mãnh hổ. Những làn bóng cắt ngắn rất chẹt, rất gắn bó và rất thần tốc đã tung lưới Hungari hai lần trong hiệp đầu.
Văn của Nguyễn-Xuân Hoàng cũng vậy. Ngắn, gắn bó và cuồn cuộn bắp thịt. Nguyễn-Xuân Hoàng viết rất ít câu dài. Chương cũng ngắn, gọn gãy. Chương trước mang thai, báo hiệu đẻ chương sau. Đọc xong một chương thấy như leo một đoạn trường sơn gai góc. Khó khăn nhưng vẫn hăm hở leo tiếp chặng tới. Văn của Nguyễn-Xuân Hoàng mới lạ, đầy sức lực và suy nghĩ. Chữ của Nguyễn-Xuân Hoàng không cầu kỳ nhưng nặng vì dùng rất kỹ và đúng.
Văn chương hay, theo tôi là một văn chương lôi cuốn bằng nghệ thuật. Tôi đọc một lúc ba cuốn sách và một truyện rời của Nguyễn-Xuân Hoàng. Với mục đích học hỏi một nhà văn. Với tôi, nghệ thuật là công việc khó khăn hơn bất cứ công việc gì. Người nghệ sĩ, do đó, với tôi là người khó có trên đời. Có những nhà nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ một cách dường như trời cho. Viết một cuốn sách, làm vài ba bài thơ, bài hát rồi thôi, không thấy xuất hiện nữa, ấy vậy mà đó là những tác phẩm bất hủ. Ngược lại, có những người làm rất nhiều mà không đạt. Trong lúc đó có những người đạt được bằng công lao khó nhọc qua những cố gắng phi thường và những năm tháng không ngừng nghỉ lao động nghệ thuật.
Nguyễn-Xuân Hoàng, qua những quyển sách kể trên, cho ta thấy loại nghệ sĩ nằm trong trường hợp sau cùng này. “Nghệ sĩ phải làm việc như một người Thợ”, như Picasso nói… “khác hơn thì đó là buôn lậu.” Pavlenko, một nhà văn cổ điển Nga cũng dậy vậy. Hai câu trên đây luôn luôn là thánh ngôn trong tôi.
Đọc Nguyễn-Xuân Hoàng, tôi học được rất nhiều về bố cục về nhân vật, về chi tiết, về chữ. Tôi thử nêu lên một số điều tôi thu thập được, thử xem. Một là để luyện thêm ngòi bút cuả mình, hai là để giúp các bạn trẻ (nếu có thể) đã có nhiều sách in ra, yêu cầu tôi “đừng ngần ngại góp cho ý kiến”. Điều này, cố nhiên tôi sẽ làm khi điều kiện cho phép. Nhưng tôi nghĩ là trong nghề văn này không ai có khả năng chỉ vẽ cho người khác mà không học ở chính những người khác đó, hoặc ít, hoặc nhiều. Trong văn học, người viết nên mãi mãi làm học trò là hay nhất.
Với hai mục đích kể trên, tôi viết bài này.
Phải nói trước nhất, một điều tôi thích nói nhất, sau khi đọc một quyển sách là nói nó hay – hay – dở. Tôi rất ghét cái thói quen của văn học Hànội mà tôi không bao giờ nhiễm, là nói chung chung, làm cho người viết truyện không biết truyện của mình là loại gỉ, hay-hay-dở? Họ thường nói sách tốt, đáng khuyến khích. Sách nào mà chẳng tốt. Sách, – từ viết cho đến in ra là một việc tốt rồi. Người viết nổi một cuốn sách để in ra là phải tốt rồi. Nhất là ở Hànội, in được một quyển sách phải sói đầu vì phải chui lọt 5, 7 tầng cửa tò vò, phải chạy vài ba cái cổng hậu….
Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, là hai quyển sách hay.
Trong Căn Nhà Ngói Đỏ có ba truyện hay cả ba.
Truyện Nghĩa Địa Của Người Sống là một truyện hay.
Vì sao tôi nói nó hay? Là vì tôi đọc hết trơn, không bỏ dở, không nhảy cũng không đọc lướt. Tôi mê truyện Tàu kịch liệt. Bây giờ vẫn còn mê. Tại sao mê?
Năm 1962-63 chi đó, khi từ Hànội về Miền Nam tôi có mở lớp dạy viết mẫu chuyện cho cán bộ báo chí MTGPMN. Không có bài vở gì cả mà cũng không biết phải bắt đầu bằng cái gì. Tôi bèn đem truyện Tam Quốc ra để dạy. Và bấy giờ tôi mới “tổng kết” được rằng sở dĩ người ta mê Tam Quốc hay những truyện Tàu khác là vì những nhân vật của nó: Quan Công, Trương Phi, Tào Tháo…..
Nhân vật là tác giả, nếu văn là người. Thì nhân vật lại là người (hiểu theo nghĩa tác giả) hơn. Nguyễn-Xuân Hoàng cho ta nhiều sinh hoạt qua một mãnh của xã hội Việt Nam. Đọc Nguyễn-Xuân Hoàng tôi thấy được Sàigòn mà tôi không thấy trước kia và tôi còn thấy lại Hanôi mà tôi từng thấy hằng ngày trong 10 năm. Đọc Nguyễn-Xuân Hoàng tôi thấy người Việt mình, những người mà tôi gặp bất cứ ở nơi nào trong chiến tranh, ngày nay vẫn còn mang vết thương chiến tranh trên da thịt, trong tim – và “vừa đi vừa liếm vết thương mình”.
Pouchkine, nhà thơ cổ điển số một của Nga, sau khi đọc Những Linh Hồn Chết của Gogol đã phải kêu lên: “Nước Nga ta bây giờ buồn đến thế sao?” Đó là câu phê bình trung thực nhất, toàn vẹn nhất và sâu sắc nhất, theo tôi, không một nhà phê bình nào viết về Gogol vượt qua nổi. Mặc dù đó chỉ là một lời than, không có tính chất của một câu phê bình.
Tôi không bắt chước Pouchkine, Nguyễn-Xuân Hoàng cũng không phải là Gogol, nhưng tôi cũng thấy rất buồn khi đọc hết sách của Nguyễn-Xuân Hoàng. “Buồn quá buồn!” Phải không, những bạn đã đọc Nguyễn-Xuân Hoàng? Một cái buồn thấm thía, day dứt, mênh mông, một thứ buồn chết được: cái buồn đất nước nát tan, cái buồn đất nước chông chênh rồi cái buồn mất nước! Chỉ có thế mà ông Pouchkine đã kêu om lên rồi.
Ông Gogol và ông Pouchkine ơi, cái buồn của các ông có ăn thua mẹ gì đối với cái buồn của chúng tôi ngày nay. Cái buồn của các ông là cái buồn của một bầy linh hồn chết được “đi trên mây” của quê hương mình, còn cái buồn của chúng tôi là cái buồn của những người sống mà đi trên đất KHÔNG PHẢI quê hương mình, đi trên SA MẠC NGAY GIỮA CUỘC ĐỜI nhộn nhịp tưng bừng, trong lúc đó thì đồng bào mình, đang còn sống mà đã phải vào nghĩa địa, NGHĨA ĐỊA CỦA NHỮNG NGƯỜI SỐNG lại chính là quê hương mình, làm dân lưu vong ngay trên tổ quốc mình.
Nhân vật của Nguyễn-Xuân Hoàng rất sống. Đọc xong, trong vài chục ông, anh, chị, cô, tôi còn nhớ được đến cả chục. Đó là một thành công. “Phải không?” Tôi cũng bị Nguyễn-Xuân Hoàng “lây” cho cái tiếng “phải không” có rất nhiều trong Sa Mạc này. Một thứ câu hỏi vừa “hỏi” lại vừa “xác nhận” (interrogative và affirmative) cùng một lúc.
Phải không cũng có nghĩa là “Vâng, chính thế!” Nhân vật ông Phan đã bắt tôi phải giật mình khi “tôi bắt tay ông” hai lần, cái “bàn tay mập và mềm, mấy ngón tay ú nhão”. Chốc sau (trang sau) thì cũng bàn tay đó nhưng nó “rịn mồ hôi, làm tôi ghê sợ. Tôi muốn rút tay ra, nhưng…” Đó là nét tả vẻ ngoài lẫn trong lòng một bàn tay.
Từ đó trở đi, mỗi lần tôi “gặp” ông Phan thì tôi cứ nghe bàn tay tôi rờn rợn như còn dính mồ hôi của bàn tay mập mềm đó – cái bàn tay “mân mê những chân tóc trắng như đang lựa đếm những suy nghĩ trong đầu”… cũng là cái bàn tay thường bắt tay người này người khác mà “Ít ai đoán được ông Phan sẽ làm gì sau cái bắt tay thân mật và nồng nhiệt của ông”…..
Theo tôi mấy nét đó đủ làm cho con người có tên Phan trở thành nhân vật rồi. Cũng như nhân vật Lương Nhuận Phát, chủ hãng phim Lulafilm: “Có thể nói về bất cứ nhà văn nào trên thế giới, nhưng điều đặc biệt là ông chưa bao giờ đọc một tác phẩm nào của họ. Cũng có thể ông chỉ đọc phớt qua hoặc nghe người phụ tá tóm lược cốt truyện và thêm thắt lời phê phán. Điều đặc biệt nữa là ông lôi kéo được hầu hết nhà văn lưu vong…” Ông Phát có tướng một “nhà giàu vất vả”. Ông Phát xuất hiện giữa đám văn nghệ sĩ – có cả một cô đào xinê ở Hồng Kông mới sang – với “cái lọ màu trứng gà ung” và kể một cái lý lịch dài dòng về nó không kém cái lý lịch của đám công an VC đòi hỏi ở mỗi người dân dưới chế độ xã nghĩa bây giờ. Cái lọ này chính là DA THỊT của ông chủ hãng Lulafilm như cái bàn tay của ông Phan trên kia, Cả hai ông Phan và Phát đều có cái tên mang chữ Ph. Như trong “Phốt pháp, phập phều”. “Tôi tên là Phát mà!” Phát tài, phát tướng.
Những nhân vật chính khác của Nguyễn-Xuân Hoàng: Thăng, Uyên, Quỳnh trong Người Đi Trên Mây; như Kha, Kim, Ron trong Sa Mạc; như bố, mẹ, anh chị (Thảo) trong Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự đều đậm và sắc nét, khi đọc qua khó quên. Một anh giáo sư Triết học “bơ vơ” như người đi trên mây giữa mặt đất, một anh làm báo viết văn bất thường bỏ cả sở làm và hơn nữa, bỏ một người đàn bà đẹp mà nhiều người thèm khát.
Cái anh giáo sư Triết Tây kia có một cái quê hương bấp bênh giữa những cuộn chì gai và tiếng còi giới nghiêm kia, một người đàn ông “ba mươi ba” tuổi đầu hai con, vợ bỏ hay bỏ vợ (thì cũng thế trong trường hợp này), được một cô gái đài các yêu và một người khác – cũng là con gái – yêu, mà lại từ chối trước người con gái đài các và “lắc lư” trước người con gái kia, – một người nếu muốn làm Phò Mã thì sẽ được làm Phò Mã chắc chắn – một con người sống trong một thực tế như vậy mà vẫn cứ sống không thực tế, có thực hay không? Cái con người ấy nếu đốt đuốc mà tìm ở Sàigòn thì sẽ không gặp, vì nó sẽ không có thật. Ấy vậy mà trong văn chương nó thực vô cùng, nó có thật, Có thật với tên (Thăng), với tuổi (33), với chức nghiệp (nghề bán cháo phổi), với các thứ tình (tình yêu, tình yêu nước, tình phụ tử, tình mẫu tử, tình bẳng hữu) và với những hành động bình thường như mọi người bình thường khác.
Tôi bị cái anh “Tôi” này lôi cuốn đi theo cuộc sống anh ta với những nỗi vui buồn giận ghét và phập phồng lo sợ cho anh ta, và thở phào khi anh ta thoát bẫy, cái bẫy mà khi một người “khi đã bị sụp thì khó mà ngóc dậy được.”
Nhân vật Đặng Hồng Kha, người viết báo, viết văn trong Sa Mạc cũng lại là một người “đi trên mây” nhưng lại cũng rất thực. Ở đâu bên Cali hay một nơi nào có đông người Việt tị nạn, nếu ai có muốn tìm một ông Kha “bất thưòng, mất trí” như vậy chắc sẽ không được như ý bởi vì làm gì có một cái con ngợm như thế trên một mảnh đất bon chen và coi vật chất là lẽ sống này? Nhưng cũng như cái ông giáo sư đi trên mây kia, ông Kha này là một con người rất “thực”, vì nó sống, nó có cả một cuộc đời. Nó thực vì tất cả mọi người tị nạn ta đều ít nhiều có phần của nó trong mình và vì có một dĩ vãng giống nhau: chiến tranh; một tình trạng giống nhau: lưu đày biệt xứ; có một tình cảm giống nhau: nỗi sầu ly quốc.
Nguyễn-Xuân Hoàng đã làm hơn cái người ta tưởng. Dựng một cái không ra cái có và làm người ta – tôi – say mê nó.
Tôi đọc xong mấy quyển sách của Nguyễn-Xuân Hoàng, tôi gọi phone, nói ngay: “Sách hay lắm. Tôi đọc hết rồi!” Và nói tiếp luôn “tôi sẽ viết một bài”. Tôi còn cao hứng nói luôn: “Văn học nghệ thuật tự nó chính là một sự cường điệu rồi. Phải không?” Nhà văn nào không cường điệu? Tại sao một hiệp sĩ đấu kiếm bị thương, sắp chết, còn ôm vết thương ca 6 câu rất mùi, rất ăn đờn? Có chuyện như thế xảy ra trên cuộc đời tự cổ chí kim này không? Chắc là không rồi. Nhưng tại sao khi xem cái màn ấy trên sân khấu hay ở video khán giả vẫn mê tít và vỗ tay bể rạp?
Bệnh tưởng của Balzac là một sự bịa đặt hoàn toàn. Nhân vật hoàng thân Mitchkine trong Thằng Ngốc (Nguyễn Tuân dịch là Chàng Ngốc) là một người không có. Việc ném tiền vào lò lửa của Philippona và anh chàng Vania bò mọp xuống giật ra cũng là chuyện bịa đặt. Những Linh Hồn Chết cũng là một chuyện hoàn toàn bịa. Thế nhưng nó sống vô cùng, hơn thế, nó còn bất hủ. Và còn nhiều tác phẩm khác, cũng thế nữa. Viết đến đây, tôi nhớ tác giả Bước Đường Cùng, bậc thầy của truyện Việt Nam. Ông nói với tôi khi tôi hỏi “làm thế nào cụ viết nhanh như thế được?” ông đáp ngay một cách hóm hỉnh: “Truyện là một sự bịa đặt y như thật. Trong nghề viết, anh nào bịa giỏi anh ấy ăn.” Câu đó, với tôi, thành chân lý bất di bất dịch. Đúng vậy, anh nào bịa giỏi anh ấy ăn.
Thế nhưng ở miền Bắc trước đây và ở Việt Nam ngày nay, mặc dù là nơi sinh sản ra những bậc thiên tài trong văn chương lại không cho những lời như thế là vàng ngọc, mà họ bắt nhà văn làm ngược lại: “Anh nào lập trường vững, anh đó ăn.” Chẳng trách gì văn chương miền Bắc trước đây đã bị văn chương Sài gòn tràn ngập. Còn bây giờ, càng tràn ngập hơn.
Truyện của Nguyễn-Xuân Hoảng có rất nhiều cái hay mà không biết tôi có nói hết ra được trong bài này không?
Nhân vật, dù là rất phụ, cũng rất có nét làm cho người đọc nhớ lâu. Một trong những cái hay của một truyện hay là khi đọc xong người đọc nhớ “người”. Nhớ người tức là nhớ cá tính của người đó. Do đó kéo dây theo việc nhớ cốt chuyện. Việc độc giả nhớ người ít hay nhiều đánh dấu thành công của tác giả. Bởi vì chuyện này chuyện nọ chỉ là hành động của nhân vật mà thôi. Có phải người ta thường nói: “Cái ông đó tánh rất Trương Phi.” – hoặc – “Thôi đừng có tin cái thằng Tào Tháo đó!” trước khi người ta kể chuyện về Trương Phi và Tào Tháo? Trương Phi: nóng nảy. Tào Tháo: gian xảo.
Cái cô Uyên đài các khác với Quỳnh CAL không những về dáng dấp và khác hẳn tâm tính. Và tình cảm đối với giáo sư Thăng cũng khác Quỳnh.
Uyên thì yêu nhưng nén giấu kỹ, đến phút chót mới “tuyên chiến” công khai và lý luận về tình yêu như nhà triết học. Một nét độc đáo khác của Uyên: uống bia như nước ngọt.
Còn Quỳnh thì say đắm ông thầy giáo một cách nồng nhiệt nhưng dằn vặt ghen hờn. “Em chỉ muốn có với anh một đứa con rồi thôi, em không cần anh nữa! Em muốn sống với anh mà không cần hôn thú!
Uyên thì nhỏ nhắn, trán bướng bỉnh. Quỳnh thì khoẻ mạnh và có núm đồng tiền. Uyên có hàm răng nhỏ và trắng, còn Quỳnh thì có cái răng khểnh….
Nhân vật chính của Sa Mạc là Kha và Kim. Kha thì như đã nói ở trên kia, còn Kim là một học sinh trung học bụi đời vì bị ảnh hưởng đời sống tự do của Mỹ, đi ở chung với bồ Mỹ có con, bỏ con đi làm người mẫu, ham danh vọng và tiền nhưng cuối cùng vẫn không đạt được nguyện vọng. Cô định làm minh tinh, đã bị ông chủ hãng phim Lulafilm “mua” với một giá nào đó nhưng rồi vai trò mà cô ước mong lại bị ông chủ giao cho một cô đào Hồng Kông. So với Uyên và Quỳnh thì Kim còn lãng mạn kỳ tình hơn một mức. Kim gan cóc tiá dám mời một ông “viết văn làm báo” – là thứ chuá lãng mạn – đến chia phòng với mình. Để làm gì? Có lẽ để cái ông này giao cho, hoặc đề nghị ông chủ hãng phim giao cho vai chính của kịch bản. Nhưng Kim chỉ nhận lấy một kết quả độc nhất là “ông ta đến rồi đi, đi rồi lại đến và lại đi” và Kim đều dửng dưng lạnh lẽo trước những đi đó của Kha.
Nguyễn-Xuân Hoàng định nói gì qua truyện này?
“Mất nước rồi, ta không còn gì cả.” Phải không? (Ông Kha có người đẹp trong tay. Bỏ! Có job đủ sống. Bỏ luôn!). Tuy tác giả không nói trắng ra như thế, nhưng đọc xong quyển sách, tôi hiểu như thế.
Mất nước đủ làm cho ta điên rồi. Trong lịch sử có nhiều dân tộc mất nước như dân miền Nam ta không? Có giống dã man nào tự khoe là giải phóng nhân dân mà khi nó tới nhân dân chạy thấy mẹ hay không? Có dân tộc nào bị đồng minh phản bội trói tay cho kẻ thù giết hay không? Mất hết, bỏ hết, đi, chết, tới hay không tới cũng mặc. Đi!
Bấy nhiêu đó không đủ làm cho ta điên hay sao? Mỗi một người chúng ta hoặc đã điên hoặc chưa điên hoặc đang điên mà không biết đó thôi.
Một anh Kha nếu không có trên mặt đất thì nó vẫn có trong chúng ta ít, nhiều hay trọn vẹn, một anh Kha còn mãnh liệt hơn cả chúng ta tưởng, chính ngay trong mỗi chúng ta cơ. Cô ngưởi mẫu tên là Kim và cái job ở toà báo chỉ là hai mệnh đề phụ để tác giả làm bật cái mệnh đề chính kia mà thôi! Mất nước rồi, lòng ta, loài người và cả thế giới này là SA MẠC.
Cách đây chừng 30 năm (trời đất!) tôi có đọc một tiểu thuyết viết bằng tiếng Pháp của một nhà văn Hungari, Joland Fordes, tên là La Rue Du Chat Qui Pêche (Con Đường Mèo Câu Cá) nói về gia đình một người Hung tị nạn ở Pháp cư ngụ trên con đường này. Quyển tiểu thuyết đã được giải Quốc tế về Tiểu thuyết (Prix International du Roman). Quyển sách mỏng thôi. Sự việc mô tả trong sách cũng bình thường, chỉ có nỗi ai hoài nhớ đất tổ Quê Cha là trượng nhất. Ngoài ra thì họ cũng có công việc làm, kiếm sống được. Có những đoạn mô tả những thanh niên lưu vong lúc rảnh rỗi không làm gì ngồi ở Quán cà phê thi nhau nhắc lại tên những con đường và những bến tàu điện cùng là đặc điểm của nó, hoặc là ăn cuộc với nhau đánh bật những chiếc thìa cho rơi vào ly cà phê đã uống cạn.
Hôm nay, ngày 3 tháng 11, năm 1989, tại nước Mỹ, tôi, một người tị nạn ngồi viết một bài về nhân vật-nhà văn Đặng Hồng Kha tị nạn, trong lúc sau lưng tôi, trên TV, dân Đông Đức đang ào ào bỏ nước ra đi, trong vòng 10 ngày qua, như tin cho biết, có đến 33 ngàn dân từ phía Đông “đi” sang Tây của nước họ bằng ô tô, mô tô, xe bus, xe ca đủ thứ xe, trừ xe đạp (đang chờ thuê với gía hời ở anh em Hànội) KHÔNG CẦN GIẤY PHÉP và sang đến nơi họ thành công dân của nước Đức ngay.
Xin hỏi: Có dân nào tị nạn thảm khốc, đăng đẳng 15 năm, không ngừng một ngày nào và liều thân một sống mười chết, bị đuổi bắn, bị hải tặc, đến bờ rồi bị đẩy trở ra khơi, lên trại ở 8 năm liền chờ người nhận, không ai nhận, và cuối cùng bị “hồi hương”, và khi về đến quê hương thì bị đưa đi mất tích như dân Việt Nam không? Có chuyến đi của dân tộc nào mà trẻ thơ lọt lòng trên thuyền sắp đắm giữa trùng dương hoặc thuyền dạt vào hoang đảo người phải ăn thịt người để sống. Có chuyến đi của dân tộc nào ghe sắp đắm mà bị từ chối vớt lên tàu không?
Dân tộc Việt Nam, chỉ có dân tộc Việt Nam thôi. Cổ kim lịch sử chỉ có dân tộc Việt Nam đi tị nạn trong hãi hùng nhất. Và như thế đó.
Dân Hung, dân Đức đi tị nạn dễ dàng, khoẻ ru. Riêng dân Đức thì tị nạn chẳng qua là một sự đổi chỗ ở xa xa một tí.
Vậy mà đối với dân vượt biển Việt Nam hiện giờ người ta còn đang mưu toan lắm điều ác độc… Như thế chưa đủ làm cho cái nhà văn nhà báo tên Kha kia điên ư?
Đó là chưa kể những chuỗi ngày lao tù trải qua hàng chục trại, sự tan nát gia đình, sự mất mát bè bạn, một cuộc động đất kinh hoàng, một trận cướp lạnh gáy…v.v… Những biến cố đó đủ làm cho một người bình thường trở thành một người có “trái tim nguội lạnh từ bao giờ, trái tim hình như đã chai lì và tha thiết một cách lãnh cảm với những gì thân yêu nhất, một con người thấy: tình bạn đã nhạt mà tình yêu còn nhạt nhẽo hơn; một con người “đi đến cơ quan mà tưởng mình đã về nhà”; một con người có một quan niệm sống “hiểu chi cho mệt, sống không cần hiểu khoẻ hơn là sống mà lúc nào cũng cố gắng hiểu”; một con người vừa yêu một người đàn bà như điên “lại nói như đồng thiếp: “Em chỉ là hiện tại của tôi thôi”; một con người “bị ám ảnh có người luôn luôn rình theo mình”…Tuy nhiên, cái con người ấy vẫn “còn thèm báo Việt Nam, bởi vì nhờ nó tôi biết mình vẫn luôn luôn còn là người Việt Nam”… Cái con người ấy trong mơ vẫn còn “nghe vang động tiếng trống dồn dập của một buổi lễ ở quê nhà ngày nào”.
Nếu như Kha quên được chính mình để sống một cuộc đời khác như Ron thì có lẽ Kha sẽ hạnh phúc hơn. Đằng này Kha không thể quên được, từ hang động Nhatrang đến cây bã đậu quân trường Quang Trung, từ Yvette đến quán nhậu, từ Point des Blâgeurs đến cô gái di cư Trại Hầm, từ các trại tù trong đó có một người tử tội mà Kha lén cho thuốc hút đến ông chủ ghe vượt biên cho Kha một ân huệ bất ngờ. Một trong những niềm vui của con người là “vọng cổ” nghĩa là nhớ lại thời xưa của mình, nhưng “vọng cổ” đối với người Việt tị nạn ta trở thành đau khổ. Dù có trở nên triệu phú hay là kẻ ăn phút-tem ở xứ người, tất cả đều giống nhau trên điểm đau khổ này. Do đó ít nhiều giống Kha.
Tại sao nhiều tướng lãnh tự vận trong lúc có phương tiện vượt thoát? Tại sao nhiều người đã đến đất hứa, hái ra tiền rồi mà vẫn tỉnh táo bắn súng vào đầu? Tôi rời Sài gòn ba tuần lễ trước khi Sài gòn chết. Gia đình tôi là những người đầu tiên được bốc lên tàu lớn ở Phú Quốc. Khi tàu “ăn khách” xong, nhổ neo, một vạn người ồ khóc vang lên. Tôi lặng câm không một giọt nước mắt, rồi sang Mỹ bằng máy bay. Sau một tháng không làm gì cả, tự nhiên tôi phát đau, Sponsor cho tôi vô nhà thương. Năm ông bác sĩ tìm bệnh, từ chiếu quang tuyến X, thử máu, lấy xương mõ ác để soi kiến hiển vi, thử đờm tìm vi trùng lao, cho uống thuốc sốt rét v.v… 17 ngày liền các ông đều tuyên bố: Không tìm thấy nguyên nhân! Đúng 20 ngày họ cho tôi về nhà. Rồi tôi khoẻ lại. Họ kết luận: Tâm bệnh. Tôi chưa thành người “mất trí” như Kha, nhưng tôi rất gần với Kha. Tôi hiểu Kha. Do đó, tôi cho một con người Việt Nam như KHA là rất THỰC.
Truyện của Nguyễn-Xuân Hoàng viết rất chặt chẽ và nhiều kịch tính. Cái kịch tính thường làm ngạc nhiên người đọc có rất nhiều. Ví dụ chuyện Preed Chomanan con trai tên hải tặc cưới cô gái Việt nam, nạn nhân của bố chú rễ. Chỉ sau một cái chấm xuống dòng, – đầu chú rễ bị cắt lìa khỏi cổ. Chính cô gái đã gọi cảnh sát đến bắt mình. Chuyện David Gliatto, chuyện Nguyễn Quốc Hùng với một con dao thuỷ thủ đã khử mấy tên VC, chuyện Ngô Văn Phước bắt cóc “tôi” và ơn đền nghĩa trả, chuyện anh tôi trả thù cho chị Thảo, chuyện “tôi” bỏ bữa tiệc sinh nhật cô Uyên để đi với Quỳnh giữa sự ngơ ngác của Uyên v.v….
Ngoài cái kịch tính bằng hành động đó ra, còn cái kịch tính trong những ý nghĩ và đối thoại giữa các nhân vật mà tôi bắt gặp hầu như thường xuyên, cái mà tôi gọi là bắp thịt trong câu văn của Nguyễn-Xuân Hoàng.
Hãy đọc một đoạn đối thoại giữa Kim và Kha:
- Anh đi đâu suốt tuần nay?
- Chiều nào ở toà báo ra tôi cũng về ngay mà!
- Rồi anh đi với mấy ông bạn nhậu phải không?
- Tại sao tôi phải ở nhà khi không có Kim?
- Mà tại sao có Kim anh mới ở nhà?
- Ít nhất tôi cũng phải biết là tôi ở đâu, với ai chớ?
- Nhưng anh đâu có cần Kim?
- Ngu!
- Ôm Kim đi!
(Xin chú ý 5 cái dấu hỏi đi liền.)
Yêu nhau một đêm kỳ thú, đến sáng “nhìn rõ thân thể của nhau” rồi:
-Tại sao mình không lấy nhau?
-Tại sao mình phải lấy nhau?
-Người ta không thể sống mãi với nhau như tôi và Kim mà không phải là của nhau.
-Như vậy bây giờ chúng ta chưa phải là của nhau sao?
-Bây giờ chúng ta là của nhau? Và ngày mai thì sao?
-Ngày mai. Kim thích nói chuyện bữa nay.
-Như vậy là tôi cổ hủ lắm sao?
-Anh không cổ hủ nhưng anh không hiểu đời sống Mỹ.
-Phải hiểu đời sống Mỹ sao cho đúng?
-Má Kim nói mày phải lấy chồng đàng hoàng để có một nơi nương tựa. Tại sao người đàn bà phải nương tựa vào đàn ông?
-Sống không phải nương tựa vào nhau sao?
-Phải, sống là nương tựa vào nhau, chứ đâu phải chỉ có người đàn ông mới là tấm vách để cho người đàn bà tựa vào mới đứng được?
- Nhưng còn con cái thì sao?
Xin chú ý: 12 cái dấu hỏi đi liền một lúc và cũng ngần ấy dấu hỏi theo sau trong đối thoại. Kế tiếp những dấu hỏi chứng tỏ sự xung khắc dữ dội choảng giũa hai luồng ý nghĩ về một vấn đề: “tình yêu” của một người làm báo viết văn và một người đàn bà làm mẫu muốn vươn lên địa vị đào hát bóng bằng kịch bản của ông nhà văn này.
Và đây nữa:
-Hôm nay anh làm sao vậy?
-Tôi tự hỏi là tôi có yêu Kim không?
-Anh nên tự hỏi là Kim có yêu anh không?
-Ừ, câu đó tôi tự hỏi rồi, từ hôm đầu gặp Kim kia.
-Mà anh đã có câu trả lời chưa?
-Hình như chưa.
-Thì anh cứ nói là chưa đi cho nó tiện. Phải không?
Cái ông Kha này lại cũng là một sự tiếp nối hoặc biến thể, hoặc hậu duệ của ông giáo sư Thăng kia. Cả hai đều “đi trên mây”. Loại người này có không ít trong bất cứ xã hội nào.
Chuyến xe đêm” của Pautovski (bố của Sonia Pautovski lưu vong?) cho ta một chàng. Cửa hạnh phúc mở chờ đón ta thế mà ta lại quay lưng đi. (Vì cái gì khác không rõ. Còn cái cửa hạnh phúc thì quá rõ: người đàn bà yêu chàng). Lermontov cũng cho ta một chàng tưong tự trong Công chúa Mary: “Chàng nhất định yêu Vera và suýt chết trong một cuộc đấu súng vì nàng, trong khi công chúa Mary yêu chàng thì chàng lại dửng dưng.” Truyện này Liên Xô đã làm thành phim chiếu ở Hànội, bị bể rạp và bị cấm luôn vì sợ nó làm cho thanh niên Hanội “đi trên mây”…
Xin đọc vài đoạn nữa để ta cùng đi trên mây cho nó khoẻ chút chơi. Rồi hãy trở về làm báo viết văn cũng không muộn phải không ông Kha, ông Thăng, ông Hoàng?
-Anh có thoải mái không?
-Không!
-Anh đã tìm kiếm được chưa?
-Tìm kiếm gì?
-Hạnh phúc!
-Có hạnh phúc thật sao?
-Có chứ. Hạnh phúc có thật!
-Em đã gặp nó chưa?
-Đã!
-Theo em thì tôi đã gặp nó chưa?
-Sao chưa! Anh đã gặp nhưng anh có nhìn thấy nó đâu!
-Cái gì? Ở đâu?
-Em. Ở đây!
Nguyễn-Xuân Hoàng chan chát như trong kịch. Nó luôn luôn làm bật lên cái ý mà một đoạn văn không phải là đối thoại không làm bật lên được. Do đó đối thoại của Nguyễn-Xuân Hoàng là loại văn nhất thiết phải có chứ không “khả hữu khả vô”.
Xin mời bạn đọc chương cuối Người Đi Trên Mây… Hay thật hay. Tôi thích lắm!
Về sự gân guốc của câu văn thì có nhiều. Ở truyện nào cũng có nhiều. Sự diễn đạt ý tứ của Nguyễn-Xuân Hoàng như một đường gây luộc dừa xứ Bến Tre của tôi, do đó, khi nó kéo qua da thì nghe nhám, buốt hoặc trầy xước da, nó không trơn chuồi láng mướt như giây điện kéo qua da thì chỉ nghe êm ái, trơn tuột, nhờn nhợt.
-Người của anh thơ hơn thơ của anh.
-Tôi bỏ Việt Nam vào cái tuổi chưa kịp xây những chấn song để giam giữ kỷ niệm.
-Người ta nói không có cánh cửa nào của chính quyền còn đưọc coi là kiên cố dưới sức gõ của bàn tay ông Lý.
-Sắc đẹp là đồng hành của dối trá và phản bội.
-Làm thế nào tôi có thể đốt hết cánh đồng cỏ hoang của thời gian đăng đẳng này, v.v.. và v.v…
-Ngọn lửa TÁP, gió lạnh ĐUỔI, nhà cửa xe cộ NUỐT hết, CẮN một hớp rượu, rượu SAY tao…
-(cùng ngồi trên một chiếc ghế, nhưng) bà Phan thì CHÌM còn cô Quỳnh thì TRẦM MÌNH,…
Đọc mấy câu ở trên, ta thấy sức lao động của người viết. Và cây cọ của hoạ sĩ trường phái tả chân.
-Đẹp trai một cách HUNG BẠO, sắc như DAO cau, mây trắng XỐP, ..
-MIẾT những ngón tay trên trán, gió MIỆT MÀI,….
Nguyễn-Xuân Hoàng đã đi quá lên một bước của một nét tả cụ thể, “CỤ THỂ TỐI ĐA” như Leon Tolstoi dạy.
Ngoài ra Nguyễn-Xuân Hoàng cũng là hoạ sĩ siêu thực hay ấn tượng chăng?
Mắt mũi này là tôi ư? Tôi có cái mặt như vậy ư?”
Trong lúc yêu Quỳnh mà lại nghe hai chân tay tôi trĩu xuống và Uyên đu đưa trên đó. Tôi nghe mưa rơi ào ạt, tôi chạm tay lên đồi núi và khe suối… và mây và mưa – một cõi đá vàng đã hết, v.v…
-Đêm chôn chúng tôi trong chiếc quan tài hạnh phúc.
-Cuộc chiến tranh không lối thoát luôn luôn chen vào giữa hai làn môi chúng tôi.
-Tôi kéo các thứ triết học xuống mặt đường Dalat.
-Kha thấy mình thình lình ngã xuống một vực sâu thăm thẳm, tay chân quờ quạng không biết bám vào đâu… kỳ lạ thay càng thấy hun hút hơn. v.v…
Và… trên tất cả các nét siêu thực ấn tượng đó là “chân dung” người đi trên mây.
Đọc Nguyễn-Xuân Hoàng tôi còn có cái thú vị khác nữa là trong một truyện chứa đựng nhiều chuyện – hoặc nhiều truyện nén chặc vào có một truyện. Ba truyện trong Căn Nhà Ngói Đỏ rất khác nhau. Đây là tôi muốn nói cái CÁCH chứ không phải nói cái CỐT. Bạn thử đọc xem. Như có một phân thân của tác giả. Tự truyện của một người vô tích sự, nếu tác giả muốn thì có thể viết thành một tiểu thuyết bao trùm cả một quãng dài chiến tranh Việt Nam, trong đó là sự tan nát của một gia đình Việt nam. Một truyện dài mà viết có 27 trang 3 dòng chữ. Thấy cả cái bộ mặt chiến tranh. Có đoạn đáng lẽ viết thành một chương, Nguyễn-Xuân Hoàng đi có dăm hàng. Khoảng giấy trắng còn “sót” lại dưới ba dòng cuối cùng như một cái biển làm tôi rơi tỏm xuống đó, chới với. Tôi không dự tưởng nó kết thúc ở cái chữ “đó”. Vậy mà nó kết thúc ở cái chữ đó.
Nguyễn-Xuân Hoàng lạ thật! Cũng như khi tôi “đụng” vào cái đầu anh chàng con trai tên hải tặc, tôi dội ngửa vì nó cách cái phòng tân hôn có một cái chấm xuống dòng. Tôi vội vả lật cái bìa sau sách coi mặt cái ông Đặng Hồng Kha-Nguyễn-Xuân Hoàng xem nó ra mần răng mà “mần” một cú ác như vậy?
Truyện Barbara cũng là một truyện hay. Nếu chỉ đọc một truyện này thôi cũng biết đây là một cây bút đầy bản lĩnh. Truyện viết rất lạ. Tôi chưa từng đọc một truyện như thế ở một nhà văn Việt nam nào. Không đầu không đuôi, một thứ truyện không có truyện, có cả tuỳ bút hồi ký lẫn lộn nhau như một cái cốc mixed drink tuyệt diệu.
Ở đoạn trên tôi đã viết hoặc là tôi đã gọi điện cho Nguyễn-Xuân Hoàng, nói: “Anh viết hay lắm!. Văn mới lắm. Mới.” – Khi đọc vừa xong, tôi có cái cảm giác đó, bây giờ đọc lại thấy nó mới ở chỗ cách diễn đạt triết học. Nói theo kiểu nôm na của tôi là: Nếu tôi chưa ngó cái mái tóc bồng cặp môi son nên hơi ngại, nhưng ngó vài lần thì quen rồi thích.
“Đêm chôn chúng tôi trong quan tài hạnh phúc.”
“Tình yêu không phải là hiến dâng mà là chiếm đoạt…” (Sa Mạc)
“Tình yêu là một hình phạt. Nó bắt hai người hành hạ nhau.” (Sa Mạc)
Barbara, nơi trú ngụ sau cùng của anh là em, nhưng sau khi anh bay qua đại lộ kinh hoàng của một cuộc chiến tàn bạo, con thuyền trú ngụ ấy đã nhổ neo.”
Có một nơi chứa đầy mâu thuẩn, đó là trái tim ta.”
Tôi rất thích những câu như vậy. Cũng như tôi rất thích Barbara. Một truyện không có chuyện gì cả, thế mà Nguyễn-Xuân Hoàng viết thành truyện, mà là truyện hay, đọc rất rung động. Nghe xốn xang, ngậm ngùi, thương, nhớ và sụt sùi cho ai, cho mình…. Khi chiếc xe màu xanh chạy vụt qua, cán nát quả cà chua trên mặt đường, anh cảm thấy hạnh phúc mình cũng đa tan nát, dập vỡ. Trái cà đó đâu phải là trái cà, đó là trái tim Barbara!
Philippona, trong L’Idiot đã nói: “Tôi lấy Rogogine là để tự cho mình một hình phạt. Tôi chết mòn với anh ta!” Phải không?
Vài năm trước, tình cờ tôi có đọc trên báo một nhà văn khen đại ý một nhà văn nổi danh rằng ông ta đã đem một nhân tố mới vào văn Việt Nam bằng cách kể lại một câu: “Từ bên ngoài bước vào phòng, một người đội mũ phớt…” Ý nói là cách đặt câu động từ trước chủ từ. Văn chương ta sẽ tiếp thu mọi cái mới của văn học thế giới. Tôi chưa đọc hết những nhà văn đương thời nên không dám quả quyết một điều gì tổng quát nhưng có thể thấy Nguyễn-Xuân Hoàng đã đem sự mới mẻ vào văn chưong hiện nay.
Căn Nhà Ngói Đỏ được kể một mạch cho một mình mình nghe. Cũng là một chuyện không có chuyện, nhưng lại do một Nguyễn-Xuân Hoàng giản dị kể, không phải Nguyễn-Xuân Hoàng tân kỳ trong Barbara. Nguyễn-Xuân Hoàng bao giờ cũng có những tình tiết rất thú vị. Ở đây có chú bé chơi trò gắn điếu thuốc vào con mồng thả cho nó bay trong đêm tối, cũng chú bé ấy câu được một ngón tay và một chiếc nhẫn vàng. Nguyễn-Xuân Hoàng định nói cho ta điều gì với căn nhà ngói đỏ này? Sự gắn bó với quê nhà? Hay gì hơn nữa, khác nữa? Một sự nghèo đói dưới mái nhà đỏ? Đỏ có nghĩa là nghèo đói?
Nếu một truyện ngắn nói rõ được một vấn đề gì được gọi là một truyện ngắn hay thì một truyện ngắn – như truyện này – không nói rõ vấn đề gì cả, cũng vẫn là một truyện hay, bởi vì văn học không nhất thiết phải chứng minh như hình học, nó nói cái đó mà không nói cái đó, ngưởi đọc tự tìm lấy cái đó, và “cái đó” của hai người đọc chẳng bao giờ giống nhau. Văn học không bao giờ có tác động giống nhau trong hai người, ngay cả trong một người ở hai lần đọc khác nhau. Không có cái gì, bất cứ cái gì, “chung” được cả ngoại trừ cái “chung” giả của “cộng” sản.
Truyện Nghĩa Địa Của Người Sống hàm ba truyện. Hai truyện khác trong cái nghĩa địa đó là: “Anh công an bắt cặp tình nhân cởi truồng đi giữa phố” và một anh công an khác chận xe cặp vợ chồng vì “ông có vẻ ngụy quá”. Hai chi tiết này đủ để viết hai truyện ngắn khác. Cũng hay như truyện nghĩa địa kia, hoặc truyện nghĩa địa kia chia làm ba chương mà cái ý nghĩa địa vẫn không bị loãng. Trong Sa Mạc, có cái kịch bản phim của ông Kha. Kịch bản này nếu lấy riêng ra viết thành truyện thì cũng hay lắm chứ? Viết rồi đưa cho báo mình in có lẽ tốt hơn bán cho ông chủ Lulafilm chưa biết ngày nào phim ra mắt khán giả. Phải không? Còn như cái chi tiết của anh thanh niên được ông bố Lê Dương nuôi rồi khi ông này ra lệnh cho anh ta đốt ruộng mía trong đó có dân lành chui trốn, anh ta đã bắn vào đầu bố nuôi – nếu không phải là truyện ngắn thì là cái gì?
Còn đây nữa, một người nông dân hiền lành vô lính nghĩa quân bị ăn chặn tiền lương bèn bỏ đi theo cộng sản trong chiến khu, rồi trở về hồi chánh, bị bắt đưa ra toà án binh có phải chăng là quyển tiểu thuyết “thời đại bi tráng, phức tạp và oái ăm” của chúng ta?
Nếu bạn đọc Nguyễn-Xuân Hoàng để tìm “những nhân vật yêu nhau dữ dội và nguyền rũa nhau không tiếc lời”, để tìm những nhân vật “rất ít tình ái và nhiều tình dục, lãng mạn có phần lép vế trước xác thịt, một vài nhân vật tự vận vì không lấy được nhau, một vài nhân vật lấy được nhau nhưng bắt đầu chán nản và cả hai cùng ngoại tình,… một linh mục, một tín đồ, một cô giáo, một nam sinh, một mối tình tay ba, v.v… – thì bạn đọc sẽ hoàn toàn thất vọng. Cũng như, ngược lại, đối với nhiều người khác nếu họ tìm thấy những cái nói trên ở Nguyễn-Xuân Hoàng thì chắc họ sẽ thất vọng hoàn toàn. Vì: Nguyễn-Xuân Hoàng là nhà tiểu thuyết cho tôi những ý tưởng triết học dầy đặc trên các trang sách và những nét điêu khắc nội tâm chứ không làm phóng sự. Cố nhiên là – cũng như mọi nhà văn – Nguyễn-Xuân Hoàng có chỗ MẠNH và cũng có chỗ YẾU. Nhưng tôi thấy không cần phải mách to mách nhỏ gì cho Nguyễn-Xuân Hoàng cả. Bởi vì, đến như Achilles cũng còn có chỗ yếu nữa là người phàm. Bởi vì hoa hậu cũng còn có người chê xấu nữa là….
Viết đến đây tôi sực nhớ các bạn tôi ở quê nhà. Tôi biết những nhà văn rất tài, nhưng họ không viết được! Họ không viết được cái họ ôm ấp, quyết viết. Họ phải lao lách, tránh né. “Nếu lỡ có viết một câu ‘trung’ phải biết giật mình viết một câu ‘nịnh’!” (¡) Nghe nó còn thê thảm hơn cả người đàn ông đến thăm con đang ở với người đàn bà trước đây là vợ của mình. Rõ không? Trả lời!
Ở miền Bắc trước kia và ở Việt Nam ngày nay, không có truyện hay mà chỉ có truyện tốt, bởi vì người viết, khi ngồi viết, phải cài vào tim mình cái búa đóng đinh như một thứ trứng dái đồng hồ cổ lổ làm cho cái máy đồng hồ bị trĩu xuống, giây thiều không bung được đúng mức, thành thử cây kim chỉ giờ không chậm thì sớm, không bao giờ đúng. Mười năm trước tôi có đọc một bài của Vũ Đức Phúc, phụ tá của Hoài Thanh, kêu gọi nhà văn Việt Nam hãy viết theo Phương Tây. Nghĩa là thương bạn – những người Việt Nam – hơn nữa những nhà văn – lưu vong ngay trên quê hương mình! Trời ơi, dân Việt Nam, văn chương Việt Nam xã nghĩa, nát và cùn đến thế sao? Chỉ viết theo kiểu suy nghĩ của Ai-ma-tốp trong “Chuyện Thảo Nguyên” thì cũng bị coi là “có vấn đề” rồi nữa là cóp Phương Tây. Trong truyện có câu: “Đứng trước họng súng kẻ thù, tôi rất hiên ngang, nhưng đứng trước sai lầm của tôi, tôi lại đầu hàng.”
Tôi đã đi trên mây với Nguyễn-Xuân Hoàng, tôi đã qua Sa Mạc, sống ở căn nhà ngói đỏ, viếng nghĩa địa người sống cùng Nguyễn-Xuân Hoàng. Tôi cũng đã yêu Quỳnh, Uyên, Kim, Yvette, ông chệt bán sách xôn, tôi cũng đã bắt tay ông Phan, và nghe ông chủ Lulafilm kể chuyện cái hủ Tà lên[?], tôi vẫn nhớ Ron, cái anh đi BMW mà lại mượn một xín của thằng bạn nghèo kiết xác, tôi thích Vinh bị ra toà vì một câu văn: “Dẹp được Mặt Trận Saigon, quân lực ta sẽ thắng ở Cao nguyên””, tôi vẫn thương “ba tôi” “rượu say tao”, và hiểu đó là một ông già thất chí, không phải say rượu, vẫn đau buốt khi thấy pho tượng bà mẹ đau khổ trong bóng hoàng hôn câm…
Và gì nữa. Còn gì nữa…. Còn nhiều! Cuộc sống ngồn ngộn, phập phồng rung động của một cái nhân gian trải ra trên mây, dưới sa mạc, trong nghĩa địa, toàn là những nơi khó sống quá! Vậy mà ta phải sống, phải đi, phải rơi vào một cái Thục Đạo Nan rồi vẫn phải bằng một cách nào đó, sống.
Mệt quá! Thôi ta hãy đi tới đường Lê Lợi ăn bánh mì khuya và đi uống bia cho nó khoẻ! “Tìm hiểu thêm làm gì cho nó mệt.” Để rồi còn tiếp tục làm rồng trong cuộc Vạn Lý Vân Trình, làm lạc đà đi qua Sahara, hoặc là… ai biết được. Phải không? Hay là mình mở TV coi biểu tình bên Đông Đức? Riêng tôi chắc là phải coi tiếp trận bóng Tây Ban Nha-Hungari! Hungari đã thắng Anh 6-1 tại Anh, nhưng họ đã mất đến 6 cầu thủ quốc tế hồi Nga xâm lăng 56, lớp bị treo cổ, lớp lưu vong./.
Hoa Kỳ tháng 11/89

______________

Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn lững thững trong đời

Nguyễn Văn Sâm

Chúng tôi quen nhau khi cả hai cùng dạy môn Triết ở năm cuối Trung học tại trường Petrus Ký Sàigòn cuối thập niên 1960. Ngoài giờ dạy, Hoàng ít xuất hiện ở trường, anh bận bịu lo chuyện bài vở cho tờ tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng ở đường Phạm Ngũ Lão, anh dạy tư nhiều nơi. Tôi rảnh rang hơn vì ngoài giờ dạy chẳng làm gì khác hơn là lo cho xong cái Cao học mà cha Thanh Lãng luôn hối thúc phải hoàn thành. Thỉnh thoảng lái xe vô trường, ghé phòng Giáo sư kiếm người đánh cờ tướng, tôi gặp Hoàng loáng thoáng giữa những giờ đổi lớp. Chúng tôi chào nhau, thân thiện nhưng không thân thiết.
Rồi cả lứa chúng tôi cùng đi thụ huấn quân sự chín tuần ở Quang Trung dành cho Giáo chức cấp 3, khóa 6/68 DBTĐ. Nơi đây tôi có dịp gặp Hoàng thường xuyên hơn, cũng chỉ mầy tao chuyện quân trường mà chẳng nói gì đến văn chương chữ nghĩa. Hoàng có nhiều bạn, anh có vẻ được đồng nghiệp nể trọng và thích kết thân dầu anh ít nói. Tướng cao, ốm, đẹp trai, tóc dày bồng bềnh, anh có dáng của một nghệ sĩ với nét mặt lúc nào cũng như đăm chiêu lo lắng, có khi ngồi bên nhau cả bọn chục đứa, tôi ít nghe Hoàng nói, vậy mà sao bạn bè vẫn thích. Có lẽ từ thái độ tự tin của anh trong lời nói, trong cử chỉ vung tay hay cả trong thái độ dứt khoát đứng dậy trước, bước ra khỏi sự ồn ào của nhóm.
Sau thời gian thụ huấn quân sự, chúng tôi gần gũi nhau hơn. Thỉnh thoảng có ghé nhà Hoàng rút canh xì phé còm giữa những đồng nghiệp cùng lứa tuổi. Vài lần bạn bè rủ rê vào quán La Pagode, để nghe những nhà văn thời thượng lúc đó bàn tán chuyện văn chương Tây phương hay tình hình văn học Sàigòn. Tôi nghe mà không thấm về văn chương đương thời vì còn mải mê với chuyện văn chương Nam Bộ 1945-1954, nên chuyện bàn luận ở đây chỉ vào tai này lọt qua tai kia. Công việc viết lách của Hoàng và các bạn văn buổi đó tôi đón nhận trong lơ đãng, hờ hững hờ…
Chúng tôi ít liên lạc từ khi tôi đổi đi trường khác. Sau đó bạn bè tứ tán lao đao. Trong thời xa cách đó, thỉnh thoảng tôi theo Đặng Phùng Quân đến La Pagode, thấy Hoàng đã ngồi đó với nhiều người, chỉ trao đổi bâng quơ “mầy lúc nầy khỏe không, thầy đồ Nho?” Tôi được gọi là Đồ Nho để phân biệt với các bạn văn trong nhóm của Hoàng là Đồ Tây như Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Quốc Trụ, Hoàng Ngọc Biên, và có thể thêm Nguyễn Đình Toàn. Những nhà văn đương làm mưa làm gió trên văn đàn Sàigòn lúc đó với phong cách văn chương mới theo kiểu viết của nouveaux romans hay anti roman. Họ viết với nhiều đoạn phân tích nội tâm thiệt tỉ mỉ, câu văn phá cách, không cần theo văn phạm thường, nhân vật đi vào chiều sâu tâm hồn, những sinh hoạt, hành vi của nhân vật chỉ là thứ yếu.
Tôi xa lạ với loại văn chương này, nói rõ hơn là tôi không thấu đáo nó nên không mấy thích khi thưởng thức, nói gì đến sáng tác kiểu đó. Và tôi đứng ngoài việc sáng tác văn nghệ, chỉ quan sát bạn bè mình vẫy vùng với bút mực. Hoàng ở trong nhóm đó trong một chừng mực nhứt định. Anh được sự chú ý của người đọc dầu viết ít, được coi là một tác giả thông minh, có chiều sâu tư tưởng.
Thời cuộc đẩy chúng tôi đi xa hơn vào dòng xoáy đảo điên của đất nước, tôi qua Mỹ và Hoàng cũng lững thững sau đó vài năm, định cư ở miền Đông với gia đình, tôi gởi thơ chia vui với bạn và mách ở nước người viết như Hoàng nên đến vùng Sàigòn Nhỏ của CA, nơi đó anh sẽ có dịp phát triển tài năng bằng viết lách hay làm việc liên quan xa gần đến báo chí. Và bạn tôi đã về làm việc suốt thời gian dài cho công ty Người Việt, một thời gian mà sau nầy tôi nghĩ là uổng phí đối với một nhà văn vì phải bận bịu những chuyện chuyên môn ngoài văn chương. Thời gian này Hoàng chẳng in được bao nhiêu quyển. Tâm sự với tôi, Hoàng cũng tỏ ra là tiếc mình bỏ lỡ đi những tháng ngày đáng lẽ nên viết vì còn nhiều sức sáng tạo. Bây giờ thì hết rồi. Tao muốn buông thả hết mọi chuyện, kể cả đời sống này.
Câu nói như tiếng thở dài, tôi nghe mà thương bạn quá. Tôi không hiểu tại sao bạn mình lại thả dốc nhanh đến như vậy? Tôi hỏi gặng “Chán đời à?” “Không, tao vẫn vậy, vẫn sống và làm việc của đời, nhưng không coi trọng cái đời của mình, chẳng quí nó nữa”. Anh hờ hững nhấn mạnh. Nếu bây giờ ngã ra chết liền, tao vẫn không có gì phàn nàn, không tiếc rằng đã bỏ cuộc đời quá sớm. Đời sống có những cái kỳ hoặc của nó. Giải quyết cách nào cũng làm cho mình đau lòng vì không bao giờ mình vừa ý.” Hình như Hoàng triết lý ngay cả trong đời sống thường nhật. Và rất nhạy cảm. Tôi nhìn dáng đi của anh, lững thững, nhận ra ngay được trong đám đông với cái áo thung và quần Jean xanh muôn thuở. Nhìn mái tóc bạc trắng của bạn gần đây, bạc như những nhà hiền triết nhưng vẫn còn bồng bềnh như một nghệ sĩ, dáng gầy gò hơn trong chiếc ghế rộng thinh, tôi cảm giác Hoàng cô đơn ngay với chính mình!
Trong một truyện ngắn mới đây, truyện Vô Đề, in trong tập “Quê Hương Vụn Vỡ” tôi đã lấy hình ảnh và những phát biểu của Hoàng, nhào nặn với hình ảnh một nhà văn khác để tạo nên nhân vật Ngữ. Thế giới chung quanh cung cấp cho ta muôn ngàn hình ảnh, nhà văn nào dùng nó nên cám ơn đời và cám ơn nhân vật cụ thể đã cho ta chi tiết đó.
Trong số năm mươi truyện ngắn của tôi chỉ có một truyện viết cách nay hơn hai mươi năm tôi có lời đề tặng ba người bạn mình là Đặng Phùng Quân, Viên Linh, Nguyễn Xuân Hoàng. Những người bạn văn thân thiết cho tôi tấm gương đã đi hết đời mình với văn chương. Với sự chân thành tha thiết, không lợi dụng văn chương, coi nó là phương tiện áo cơm, buông thả.
Truyện của Hoàng khó đọc, ta không thể nuốt trơn tru một mạch như những tác phẩm lem nhem, làm bội thực người đọc. Các nhân vật tiêu biểu trong ngòi viết của anh cũng khó mà nhận dạng được ở ngoài đời. Đó là những con người lững thững như tác giả của nó, đứng trong đời nhưng bất cần đời, giải quyết những vấn đề coi như thiệt là quan trọng nhưng với cử chỉ hững hờ, như bất cần…
Tác phẩm văn chương lúc nào cũng nằm một trong hai đối cực: loại khó nuốt và loại dễ tiêu. Loại dễ tiêu thường xuyên được đương thời nhắc đến, luôn luôn là đa số, kể về độc giả lẫn số lượng in ấn.
Nhưng loại khó nuốt bao lâu nay được giới nghiên cứu coi chính nó là tác nhân của sự tiến bộ văn hóa của dân tộc.
Bạn tôi là cây viết loại đó. Viết với thái độ nghiêm chỉnh thận trọng, nhưng với tâm trạng lững thững, như anh đã lững thững trong cõi đời…

* * *

Phụ đính:

nguyen xuan hoang

Bài viết mới nhất của Nguyễn Xuân Hoàng:

Tự Lực Văn Đoàn thêm một lần lỡ hẹn!

Tôi chào đời trong thời chiến. Những tiếng súng đầu tiên trong cuộc chiến Việt Nam đã dứt tôi ra khỏi vòng tay mẹ khi tôi vừa mới lên 5. Và những tiếng súng ấy theo đuổi tôi từ làng quê này sang thôn xóm khác, đẩy cậu bé ra khỏi gia đình rồi chuyền từ tay bà mẹ nông dân này đến tay người lính cầm súng kia... Tôi là đứa bé chăn bò luôn luôn đói, là đứa con nuôi của người lính Lê Dương luôn ngồi giữa súng đạn, là đứa em nhỏ của những người lính bên giao thông hào, ngày nào cũng nhìn thấy người chết nằm kề bên. Cho đến ngày gặp lại mẹ, tôi được ôm sách đến trường. Tôi đi học giống như chạy giặc. Đúng hơn, như một người đói lâu ngày được ăn. Nhai nuốt vội vàng, nhiều khi không kịp tiêu, chữ thì có, nghĩa thì không. Phải học nhảy lớp cho kịp tuổi. Nhưng, tôi thích đời lính hơn đời thường. Và khi chưa kịp đến tuổi đi lính, tôi đã phải lén mẹ làm giấy thế vì khai sinh tăng thêm tuổi để hy vọng được đi lính. Mẹ tôi đã kịp thời bắt tôi trở lại nhà trường, bắt tôi phải đi học trước khi tôi muốn trở thành người lính chuyên nghiệp. “Lính chuyên nghiệp hả? Nhà có hai đứa con trai, anh hai mày đi lính là đủ rồi!”
Tôi là đứa học trò kém môn Văn. Tôi chỉ thích môn Toán. Những con số đến với tôi dễ hơn là con chữ! Và như thế tôi lớn lên. Và khi tôi bắt đầu biết đọc biết viết, biết chữ và nghĩa, tôi khám phá ra mình chỉ thích đọc những gì thuộc về hiện tại hơn là quá khứ. Tôi không thích Kim Dung vào cái thời mà sách vở Kim Dung tràn ngập cả Sài Gòn, Việt Nam. Không chỉ không thích mà còn cả không đọc. Tôi chỉ đọc những gì người ta viết về cái thời tôi đang sống! Tôi không mê Hồ Biểu Chánh, tôi chỉ thích Sơn Nam. Những tác giả mà tôi đọc đôi khi là những người tôi từng có dịp ngồi với họ bên ly cà phê buổi sáng. Từng có lúc tranh cãi với họ trong bữa rượu hồi chiều. Họ khác tôi, nhưng họ nói với tôi cùng một thứ ngôn ngữ. Tôi biết mình chật hẹp, nhưng không biết cách nào đi ra khỏi con hẻm đó! Tôi muốn biết người cùng thời đại của mình sống như thế nào, nghĩ như thế nào, họ giải quyết đời sống họ ra sao trước một biến cố mà tôi có lần phải đối diện?
Tôi chưa bao giờ đọc như một nhà biên khảo. Tôi đã khám phá ra trong cái đọc của tôi có quá nhiều thiếu sót. Những thiếu sót ấy cần phải được bù đắp.
Tôi muốn nói trường hợp tác phẩm và tác giả trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tôi nhớ tựa những cuốn sách tôi tưởng mình đã đọc: Hồn Bướm Mơ Tiên. Đời Mưa Gió. Lạnh Lùng... tôi nhớ tên những tác giả tôi tưởng mình đã biết: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo. những tác phẩm lớn của những nhà văn lớn trong văn học Việt Nam. Trong một thư gửi bạn bè, nhà văn Phạm Phú Minh cho biết trong hai ngày 06 và 07 Tháng Bảy này tại Hội trường báo Người Việt Quận Cam sẽ có cuộc triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn. Và trong hơn một tháng nay nằm trên giường bệnh, tôi nghĩ mình sẽ có dịp bổ sung những khiếm khuyết ấy.
Tôi phải xuống Quận Cam, tôi hứa với Phạm Phú Minh - trưởng ban tổ chức Hội Thảo và Triển lãm về Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hoá, Ngày Nay - như thế, bởi vì ngoài chuyện sẽ gặp lại bạn bè từ lâu không gặp - mà không biết còn có dịp nào gặp nữa không? - còn là dịp hiểu thêm về những tác giả mà tôi đã đọc thiếu chiều sâu. Sẽ thấy được hai tạp chí Phong Hoá, Ngày Nay, sẽ nhìn chiếc áo dài Le Mur, sẽ nghe những bài nhạc đầu tiên của Việt Nam trên Ngày Nay, sẽ ít nhất xem được vở kịch trong sự hình thành của phong trào kịch mới Việt Nam, cả tranh bìa, hí họa, minh họa của báo Phong Hoá, Ngày Nay thuở đó…
Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn: Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam.
Ông Kawaguchi Kenichi, Giáo sư Danh dự Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, nói về Tự Lực Văn Đoàn và Văn học Cận Đại Việt Nam. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, Giáo sư Đại học Victoria, Melbourne, Australia: đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn. Đó là chưa kể được nghe Đỗ Quý Toàn, Trần Huy Bích, Trần Doãn Nho, Trần Mộng Tú, Đặng Thơ Thơ, Ngự Thuyết cung cấp cho tôi những cái nhìn khác về Tự Lực Văn Đoàn mà tôi thiếu sót.
Tôi đã lỡ một cái hẹn mà tôi mong ước.

______________

Đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng

Phạm Phú Minh

nguyen xuan hoangnguyen xuan hoang

Để chuẩn bị cho cuộc hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn vào tháng Bảy 2013 vừa rồi, tôi đã mời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng tham dự ban điều khiển các buổi hội thảo, và anh đã nhận lời, khoảng nửa năm trước. Tôi rất yên tâm, vì ban điều hành gồm Bùi Bích Hà, Đỗ Quý Toàn và Nguyễn Xuân Hoàng thì coi như là “mạnh”; đề tài nào, tình huống nào những nhà cầm bút lão luyện này cũng có thể lèo lái xuôi chèo mát mái được.
Thế nhưng hai tuần trước ngày hội thảo thì Hoàng gọi cho tôi từ San Jose, giọng yếu ớt, cho biết không thể xuống quận Cam tham dự hội thảo được, vì lâm trọng bệnh một cách bất ngờ. Vé máy bay đã mua nay đã phải trả lại, chứng đau lưng tưởng là thông thường hóa ra có nguyên do trầm trọng từ cột sống, và đang chuẩn bị một chương trình chữa chạy dài ngày trong nhà thương. Hoàng tỏ ý tiếc bỏ lỡ một chương trình hội thảo quan trọng và hứa hẹn nhiều hào hứng. Tôi vội trấn an Hoàng là đừng lo gì về cuộc hội thảo, mà hãy lo chữa bệnh, sức khỏe của bạn là cái quan trọng nhất hiện nay. Tuy vậy trong lòng tôi dấy lên một nỗi tiếc nuối và lo lắng về chỗ trống do Hoàng vừa để lại trên bàn chủ tọa đã phác họa, vì Hoàng là một người điều khiển các chương trình hội thảo văn học đầy kinh nghiệm và kiến thức. Cách đây sáu năm, vào năm 2007, khi tổ chức hội thảo về văn học Việt Nam hải ngoại cũng tại Little Saigon, tôi cũng đã mời Hoàng vào ban điều khiển chương trình, và buổi hội thảo đã diễn ra rất tốt đẹp. Hoàng tiếp nhận nội dung thuyết trình nhanh và chính xác, tóm tắt ngắn gọn và thông minh để khán giả nắm vấn đề, từ đó lèo lái cuộc thảo luận lịch sự và xây dựng.
Nghe Hoàng đau, nhóm anh em báo Người Việt nóng lòng muốn đi thăm. Chuyến đi đã được thực hiện ngày thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013, chúng tôi sáu người từ quận Cam đi San Jose lúc 6 giờ sáng, phải đi sớm vì còn phải lái xe về trong ngày. Rất thường gặp nhau, nhiều người trong nhóm vì công việc còn gặp nhau hàng ngày, nhưng khi ngồi trên một chiếc xe lái đi xa thì câu chuyện của chúng tôi tự nhiên đổi khác, toàn những đề tài ra khỏi công việc hàng ngày của tòa báo. Nhiều lúc nói về Nguyễn Xuân Hoàng, về các kỷ niệm thời gian 11 năm Hoàng làm Tổng thư ký tòa soạn Người Việt, và quãng sáu năm làm Tổng thư ký tạp chí Thế Kỷ 21. Đinh Quang Anh Thái bỗng lên tiếng hỏi: “Ra hải ngoại, anh Hoàng đã xuất bản thêm được các tác phẩm nào nhỉ?” Một câu có vẻ dễ, nhưng không ai trả lời được đầy đủ, người thì nói Căn Nhà Ngói Đỏ, kẻ nói Người Đi Trên Mây, riêng tôi thêm được Bụi và Rác vì nhớ có một bài điểm sách rất hay của Trần Hồng Châu trên Thế Kỷ 21 về tác phẩm này.
Đến San Jose khoảng hơn 12 giờ trưa chúng tôi ghé ăn tại tiệm phở có tên là “90 độ” giữa một khu thương xá đông đúc ở đây. Các khu thương xá của người Việt Nam tại San Jose khang trang hơn Little Saigon ở quận Cam nhiều. Ở “thủ đô tị nạn” Nam Cali của người Việt chẳng có tiệm phở nào có quy mô như Phở 90 độ, từ nhà cao cửa rộng, lối trang trí tân tiến sáng sủa, đến cách tiếp đãi nhanh chóng lịch sự một cách chuyên nghiệp và thực khách đông đảo như thời điểm trưa thứ bảy chúng tôi tới nơi. Ngoài những tô phở truyền thống, bạn có thể gọi phở đuôi bò, phở bê thui v.v… nghe rất mới lạ. Nói chung Phở 90 độ thuộc loại ngon, có điều chúng tôi không hiểu vì sao nó có tên gọi như thế. Như một bảo đảm cho sự nóng sốt nơi các tô phở của nó chăng? Nếu như vậy thì “độ” ở đây là độ C chứ không phải độ F.
Chúng tôi có hẹn một vài người bạn tại San Jose đến cùng ăn trưa để Đỗ Quý Toàn ký tặng cuốn sách Đứng Vững Ngàn Năm mới xuất bản. Đây là một công trình khảo sát một cách công phu và khoa học các yếu tố giúp dân tộc Việt Nam đứng vững không bị Hán hóa dù đã trải qua một ngàn năm bị Tàu đô hộ. Trao tặng cuốn sách này giữa một hiệu ăn gìn giữ đúng truyền thống ăn uống của người Việt Nam dù đang trôi giạt nơi góc bể chân trời, thì cũng ý nghĩa lắm.
Ăn xong tất cả lên xe trực chỉ thành phố Milpitas là nơi gia đình Hoàng đang cư ngụ.
Chỉ độ 20 phút là tới. Vy, vợ Hoàng, đón mọi người vào phòng khách và nói vừa đủ nghe là đang có một nhóm bà con đang thăm Hoàng tại phòng ngủ, nhưng cũng cho biết là Hoàng có thể ra phòng khách nói chuyện được. Vy mô tả qua về bệnh tình của Hoàng, bị ung thư cột sống, hiện ba đốt cuối của xương sống đang bị hủy hoại. Tình hình khó khăn. Ai cũng hình dung được là khó khăn đến mức nào. Bệnh viện Stanford đã chế tạo riêng cho Hoàng một dụng cụ để mang quanh bụng nhằm giữ cho lưng được thẳng trong tình trạng những đốt xương sống quá yếu không giữ vững thăng bằng cho thân thể được nữa. Nhưng Hoàng lười đeo nó vào người mà vẫn đi lại được, chứng tỏ các đốt xương sống vẫn còn tự chống đỡ được.
nguyen xuan hoang

Nguyễn Xuân Hoàng và Đỗ Quý Toàn

Từ buồng ngủ Hoàng xuất hiện như một tiên ông, tóc dài trắng xóa, người gầy, mặt trắng, đôi mắt mở to vẫn linh hoạt, chống gậy bước đi rất chậm có Vy đỡ bên cạnh. Nhìn một lượt các bạn đến thăm từ xa, Hoàng tỏ ra cảm động. Từ giã báo Người Việt đã gần hai thập niên để đi làm tờ Mercury tiếng Việt tại San Jose, bây giờ nhìn lại anh em cũ thì vẫn bấy nhiêu người, trừ Phạm Phú Thiện Giao thuộc thế hệ trẻ mới vào sau, và đã vắng đi Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến… San Jose với quận Cam thì có xa xôi gì, anh em vẫn có dịp lên xuống gặp nhau luôn, nhưng buổi gặp gỡ hôm nay bỗng mang một không khí khác hẳn, khi Phan Huy Đạt trao cho Vy món quà của anh em Người Việt, khi Đỗ Quý Toàn ký tặng Hoàng cuốn Đứng Vững Ngàn Năm, và những lời hỏi han ân cần khác hẳn bình thường của mỗi người. Thì đúng rồi, đây là đi thăm người bệnh chứ đâu phải gặp nhau ở Cà phê Factory hay một cuộc hội thảo nào. Thế nhưng không khí hình thức chóng qua đi, nhường chỗ cho những trao đổi quen thân lệ thường. Con người văn học, con người báo chí giữa chủ và khách trở về rất nhanh, với những câu hỏi, câu nói đùa làm vang lên tiếng cười khiến căn phòng khách trở nên ấm cúng. Và vẻ mặt của Hoàng cũng linh động hẳn.
Tôi nhắc lại câu hỏi trên xe của Đinh Quang Anh Thái. Hoàng ngửng mặt nhìn trần nhà nhẩm tính, sau 75 truyện dài có Người Đi Trên Mây, Sa Mạc; truyện ngắn và tùy bút thì có Căn Nhà Ngói Đỏ; Bụi và Rác cũng là truyện dài, coi như là Người Đi Trên Mây 2…
Tôi hỏi tiếp: “Năm 1993, từ tháng Tư cho đến tháng 12, tạp chí Thế Kỷ 21 có đăng một loạt bài chín kỳ có tên gọi là ‘Một hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ’, ký tên hai người: Võ Phiến và Nguyễn Xuân Hoàng. Các bài đều dưới hình thức đàm thoại. Vậy cách thức hình thành của loạt bài này như thế nào?”
Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này là vì gần đây tôi tìm những bài cũ có giá trị của Thế Kỷ 21 để đăng lại trên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, và đã đăng gần trọn loạt bài này. Hai nhà văn này đã nhìn ra lắm cái hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ, ví dụ sự tương quan giữa sách và người, ngày nay con người không còn chịu nhiều ảnh hưởng của sách như các thế kỷ trước, mà chịu ảnh hưởng của tin tức, của TV, của đời sống xã hội nhiều hơn. Rồi đề tài sách và nhà, rồi cuộc sống vội vàng v.v… Câu chuyện đối thoại nào cũng hấp dẫn, cũng thấu tình đạt lý. Và một hôm tôi bỗng nhận ra điều này: dù là dưới dạng đàm thoại, văn phong tất cả các bài này là của Võ Phiến, vậy cuộc chuyện trò đã diễn ra như thế nào giữa hai nhà văn? Tôi định đến thăm nhà văn Võ Phiến để hỏi vấn đề này, nhưng sực nhớ ra từ mấy năm nay trí nhớ của nhà văn lão thành này đã lãng đãng lắm, chắc là khó có được câu trả lời chính xác. Và định bụng hỏi Nguyễn Xuân Hoàng. May quá trong chuyến đi thăm Hoàng lần này, cái trí nhớ cũng đã bắt đầu lãng đãng của tôi lại nhớ ra chuyện này, và tôi vội vàng đem ra hỏi Hoàng. Chứ lỡ không còn dịp để hỏi nữa thì làm sao? Thì tôi lại ân hận như đã lỡ dịp hỏi nhiều điều tôi cần biết, với Lê Trọng Nguyễn, với Đỗ Ngọc Yến, với Phạm Duy… May quá, Hoàng đã trả lời một cách rõ ràng.
“Hồi đó ông Võ Phiến và tôi có trao đổi với nhau về tình hình văn nghệ, tình hình viết lách. Và nhận ra mình đang ở trong một thời đại có quá nhiều đổi thay. Chúng tôi quyết định sẽ quan sát về các đổi thay ấy, trao đổi cùng nhau, rồi ông Võ Phiến sẽ là người chấp bút viết lại các trao đổi của chúng tôi. Trong thực tế, chúng tôi không có mấy dịp chuyện trò trực tiếp, mà tôi viết xuống các ý tưởng hay quan sát của tôi về một vấn đề nào đấy rồi gửi cho ông Võ Phiến, từ đó ông nghiên cứu thêm và viết nên một bài đàm thoại.”
Tôi nói: “Đó là những bài đọc rất thú vị, chắc hẳn nhà văn Võ Phiến đã thêm thắt ý tình, tạo ra những câu trao đổi thật là duyên dáng và dí dỏm giữa hai người…”
“Đó là cái tài của ông ấy,” Hoàng cười nói.
Như vậy, lần này tôi đã giải được một thắc mắc của chính tôi, và tôi ghi lại đây để tặng cho những ai có cùng thắc mắc như tôi. Tên các tác phẩm đã xuất bản thì có thể tìm biết dễ dàng ở nhiều nguồn, nhưng những vấn đề chìm sâu trong việc sáng tác như thế này, không hỏi thì không thể biết được.
Cuộc đối thoại dù có phần hào hứng nhưng chúng tôi cũng nhận ra vẻ mệt mỏi của Hoàng sau gần một giờ trò chuyện. Đôi chân của bạn bắt đầu run run, giọng nói trở nên nhẹ nhàng, đó là cách nói của một người bắt đầu cảm thấy mệt nhọc nhưng cố giấu sự mệt nhọc.
Nhớ lại dặm về còn xa mà bóng chiều xem chừng đã ngã, chúng tôi đứng dậy từ giã Hoàng và Vy. Trả lại ngôi nhà vắng vẻ chỉ có hai người như phần đông chúng tôi hiện nay: con cái đã ở riêng cả, vào ra lại chỉ có hai người.
Rồi sẽ đến lúc chỉ còn một. Và đến một lúc nữa, sẽ không còn ai cả.
15 tháng 8, 2013

______________

Nguyễn Xuân Hoàng: Những bước đi trần gian
những nhịp đập thời gian

Bùi Vĩnh Phúc

nguyen xuan hoangNguyễn Xuân Hoàng đang đồng hành cùng bệnh tật và những cơn đau. (Sarcoma, cái tên quái quỷ đó. Cái tên quái quỷ đang vật lộn với người bạn của ta, và ngươi có vẻ như đang nắm chắc phần thắng!). Cuộc đời của mỗi người và của mọi người, nhìn ở một góc cạnh nào đó, đều là những cuộc đồng hành như thế. Những cơn đau và những thử thách. Chúng như những con dấu đóng xuống tấm thông hành của con người. Con người, như một hữu-thể-tại-thế/một hữu-sinh-tại-thế (Dasein/Être-au-monde), bước vào đời như bước xuống tầu. Để ra khơi lớn. Để đón lấy gió bão và mưa sa quất đập trên mặt mày và thân xác nó. Nếu là một con người quả cảm, hắn sẽ vươn ngực chống đỡ. Và bắt tay với định mệnh mình. Mà không phải những gió bão và mưa sa ấy chỉ quật đập trên mặt mày và thân xác ta, chúng còn dồn dập thổi những hơi dài buốt lạnh trong tâm hồn. Lúc ấy, những sức mạnh tâm linh trong con người sẽ bùng dậy, như một tấm áo tơi giúp hắn che chắn phần nào những gió rét và mưa giông. Và có những con người, lúc ấy, đã dùng văn và thơ, những sức mạnh mà Trời Đất trao ban cho hắn, để đứng vững trước cuộc vây khổn của đời. Tôi lại nhớ đến Phùng Quán: Có những phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy. Câu thơ ấy có thể khúc khuỷu, sần sùi, già nua, nứt nẻ, và đen bóng mầu thời gian, nhưng nó vẫn là một câu thơ nâng ta đứng dậy.
Văn chương, hình như thế, đã ra đời trong những hoàn cảnh khốn khó ấy. Đối với nhiều người.
Nhưng cuộc đời của một con người không phải chỉ được trình hiện qua những niềm đau và những thử thách. Nó còn reo vang rực rỡ những cơn vui, còn thiết tha những hạnh ngộ, và còn ấm áp những ngọn lửa cháy nóng bập bùng.
Tôi đã gặp Nguyễn Xuân Hoàng, như thế, trong mấy chục năm qua. Chúng tôi đã có trong tay mình những niềm vui của những gặp gỡ ấy. Ở một mức độ nào đó, chúng tôi đã chia cho nhau một phần cuộc đời mình. Trong những bước đi văn chương. Trong những sẻ chia, gắn bó về đất nước, về con người, về tự do, về hiện hữu. Và về cái chết. Cái chết của những người bạn, ở gần hay ở xa. Cái chết của những thói quen trong đời, khi con người bị bứt ra khỏi những gốc rễ cũ với những rêu phong ẩm mốc xanh rì nhưng đầy quen thuộc và ấm áp. Cái chết của những cách nghĩ cũ, vốn, trước đó, đã trở thành đường nếp thân mật. Cái chết của những mắt nhìn theo lối mòn, chỉ vạch ra trước mắt người một không gian giới hạn. Và đã xỉn mầu.
Viết là một cách thế đi tới, đi theo ngọn bút, hay đi theo những dòng chữ cứ mỗi lúc mỗi kéo trang-giấy-ảo-một-ánh-sáng-trắng trên màn hình computer xuống thấp, xuống thấp mãi, rồi sang trang. Cứ thế, từ trang này sang trang khác. Viết là đi tới. Như con người là một hữu thể được phóng về phía trước (être-jeté). Là một hữu thể luôn "mang nợ" (être-en-faute/être-en-dette), nhưng chính vì thế hắn có trách nhiệm. Với những người chung quanh.
Và với chính mình.
Viết, đối với không ít nhà văn, ở một giác độ nào đó, cũng là một cách thế để trả nợ. Một món nợ mà, chính hắn, với con tim và ý thức sáng suốt, tự ôm nhận vào lòng.
Nhưng viết cũng là một phương cách để trở về. Để lục lọi trong trí nhớ thật (và cả ảo nữa) của chính mình những hình ảnh cũ, những bóng dáng cũ. Những con đường lầy lội của quê nhà và những lá vàng đã lả tả rụng xuống trên vai tuổi trẻ. Nguyễn Xuân Hoàng là một người thiết tha với quá khứ, với những kỷ niệm của những ngày giông bão cũ. Mà ai trong những người cầm bút, ở những giai đọan nào đó của cuộc đời, lại đã không từng như thế? Viết là tái hiện một hiện thực đã mờ đã mất. Thoạt đầu, những cảm xúc dấy lên, một vài đường nét hiện ra. Nhưng đó chưa phải là "hiện thực". Những cái đó chỉ là "khứ thực" thôi. Nhưng càng viết, cái thực tại của quá khứ kia càng dần dần hiện rõ. Và nó nhập vào làm một với cái thời điểm hiện tại của nhà văn, người đang viết, đang sống (trở lại) cái thời gian của mình. Và tất cả trở thành một thứ thời gian đồng hiện, nhòe lẫn vào nhau, tan biến vào nhau. Biến tấu qua nhau. Đó là thế giới của một nhà văn.
Viết cũng là hư cấu. Hư cấu cuộc đời. Hư cấu chính mình. Nhưng hư cấu của văn chương có cái sự thật, cái giá trị của riêng nó mà cuộc đời kia không thể tự mang mình ra so sánh. Cuộc đời trong tác phẩm văn chương là một thứ kính vạn hoa. Muôn mầu. Nó không đơn sắc. Còn cuộc đời thực ở ngoài kia? Nó lại là một dạng hư cấu khác. Một dạng hư cấu phi văn chương.
Nguyễn Xuân Hoàng luôn sống với nỗi hoài nhớ. Và ông đã nhớ lại nhiều chuyện trong những bước chân của sự sống mình.
Tôi đã viết về Nguyễn Xuân Hoàng với cái nhớ và cái sống ấy, từ năm 1995, nghĩa là đã gần 20 năm qua. Rồi tôi cũng đã viết về ông tương đối gần đây, mới chỉ hơn hai năm trước. Viết về những suy nghĩ trong đầu của một nhà văn, những suy nghĩ như những mạch điện chớp sáng không ngơi nghỉ trong "chiếc hộp đen" kín bưng kia. Viết về "Sổ Tay" của ông. Viết về cái chết, về một "hữu thể hướng về cái chết" (être-vers-la-mort/être-pour-la-mort). Tất cả chúng ta, chia sẻ những đường nét, những dấu chỉ liên hệ đến con người, đều là những "hữu thể hướng tử" như thế, trên mặt bản thể.
Tôi sẽ ghi lại ở dưới đây, trước hết, những suy nghĩ, những điều tôi đã viết về Nguyễn Xuân Hoàng, con người hồi tưởng. Về nỗi nhớ nhà. Về cơn mơ tưởng trở về với "quê quán", với những "cố quận trùng điệp" của ông.
Và, sau đó, về những tia lửa bắn sáng trong "chiếc hộp đen" kia của nhà văn.

______________

Đốm lửa, cơn gió và khoé nhìn

của Nguyễn Xuân Hoàng

Trịnh Thanh Thủy

Từ một cuộc điện đàm giọng anh Hoàng chập chùng, nhẹ và mỏng như mây, tôi đang nói chuyện với “Người đi trên mây” có mái tóc bồng trải cụm rừng trắng ra vũ trụ. Tôi nhắc nhở đến những sáng tác của anh, có lẽ tôi gợi anh trôi về lãng đãng đại dương ký ức. Những dòng chữ trong cuốn Văn, sổ tay mùa hè năm 2001 được lần lượt lật ra trước mắt tôi. Anh viết về những nhặt nhạnh quanh cuộc sống, của mình, của người, bạn thân cũ, nhận xét, tư duy và quan niệm sống. Sắc bén, nhân hậu, sáng suốt và thấm đẫm nhiều tư tưởng triết lý nhân sinh là những đặc thù trong dòng suy tưởng của anh. Anh đã viết “Tôi là một người nhà quê. Cái thứ người tưởng là thành phố mà trời ơi sao nó cải lương đồng bóng [nói như thế là đã xâm phạm cải lương rồi!]…. Tôi càng không phải và không bao giờ là một nhà trí thức…. Tôi có học đôi ba chữ để đọc để viết. Mẹ tôi không học chữ nhiều. Cha tôi chỉ học ở đời sống. Tôi học được lòng nhân của mẹ. Tôi cũng học được cái triết lý của cha: không có gì lớn mà không bị một cái lớn vượt qua, không có gì đẹp mà không bị cái đẹp khác lấn át. Cái mình biết bao giờ cũng rất nhỏ. Cái mình tưởng là chân lý, đôi khi chỉ là một hạt bụi thôi… Hiền lành không bao giờ đồng nghĩa với sự ngu dốt. Làm thinh không phải là không biết nói. Bất bạo động không phải là không có khả năng tấn công. Tôi biết thế nào là một đứa trẻ bụi đời. Tôi từng là một đứa trẻ như thế.”
Mỗi con người sinh ra với một nhân sinh quan khác nhau, tiêu cực, tích cực, yếm thế hay nhập thế. Người lạc quan luôn nghĩ về mặt tốt của mọi việc, giữ cách nhìn lạc quan; người bi quan lại luôn nghĩ về mặt xấu của mọi việc, giữ cách nhìn bi quan. Nguyễn Xuân Hoàng thường trang trải những nhận xét về cuộc đời, con người và vũ trụ trong phần lớn những ghi chép, tùy bút hay tác phẩm của anh. Có lẽ anh mượn tiếng nói của nhân vật “Ông B.” để phản ánh phần nào những bực bội, áp lực đời sống dấy lên đập vào anh.
Tôi đang có những ngày tháng không vui. Những ngày tháng mà bỗng dưng giữa đám bạn bè ai cũng nhìn tôi như một con quái vật mang hình dáng người. Một con quái vật trở mặt, thoắt một cái từ mặt người thành mặt thú, thoắt một cái từ cái dáng vẻ lương hảo thành tay lưu manh xảo quyệt, thoắt một cái từ sự thanh tao trở nên thô lỗ cục cằn… Con quái vật có đủ mọi thứ bề ngoài của một con người bình thường, nhưng khi nó há miệng ra cho người ta thấy những chiếc răng nanh nhọn hoắc đầy máu me của mình. Con quái vật có những ngón tay cầm bút nhưng khi nhìn kỹ đó chỉ là móng vuốt của một thứ Dracula đang bấu vào cổ người. Tôi vốn không tin có Dracula trong đời sống này. Chẳng qua đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Thật ra bây giờ tôi mới biết tôi đã có một ý nghĩ sai. Thế giới chúng ta quả thật có ma quỷ, có hồ ly, có Dracula. Dracula sống trà trộn giữa chúng ta. Chúng nói cười đi đứng sinh hoạt như chúng ta. Chúng luôn luôn than van thiếu thốn nghèo túng mặc dù chúng không hề túng thiếu. Chúng thích vơ vét, bốc hốt, thích dí mũi vào đời sống người khác may ra moi móc chút đời tư để kể lại bằng giọng hả hê. Chúng giống như con dòi ngúc ngoắc từ một đống phân. Chúng đóng vai một tên có chút kiến thức nhưng là một thứ kiến thức ăn đong cóp nhặt từ những trang báo, những cuốn sách chưa kịp tiêu. Những con quỷ Dracula không thể sống nếu không hút máu của người khác. Nhưng nó sẽ không hút được máu ai nếu trước hết nó không làm cho người khác tin nó là một con người tử tế. Người ta cứ tưởng nó mềm như một miếng bông gòn, nhưng thực ra nó là một cục chì, đất sét. Nó là một con vật thông minh chứa đầy nọc độc.(Trích “Ở quán cà phê Starbucks”-NXH)
Tôi thuộc một thế hệ của người đọc sau 1975 nên ít có cơ hội đọc các tác phẩm của anh được in trước đó. Mới được đọc anh gần đây(phần lớn những bài được dán lên trang mạng Da Màu), nên góc nhìn khuyết đi một nửa. Tôi có dịp đi sâu vào thế giới văn chương và tuỳ bút đằm thắm hương vị triết học của anh. Thấp thoáng đâu đó trong những tác phẩm, không cốt chuyện, những băn khoăn, kể lể, trăn trở dưới dạng tự sự nhân vật không đặt tên. Đó có phải là những mảnh triết lý sống tiềm ẩn trong con người anh không?
Tuổi trẻ của y đâu? Cái tuổi trẻ rồ dại đã cột chặt động cơ phản lực vào đời sống y, cái tuổi trẻ như con ngựa bất kham lồng lộn hất y tung lên ngã xuống. Y là chiếc chong chóng xoay mãi xoay mãi không ngừng. Điều buồn thảm là y không hề thấy chóng mặt. Y tỉnh táo trong sự quay cuồng và mệt mỏi trong sự bất động…. Y tham lam nhưng lòng tràn đầy bao dung……. Phải. Chính ở đỉnh chóp đỉnh của đời sống đó y đụng phải cái tận cùng của đáy huyệt, cùng lúc với vinh quang y khám phá nỗi nhục nhằn. Ánh sáng ấy chói chang quá làm y mù lòa….Ta khác nào con bò già ngồi gậm nhấm nhai lại ngọn cỏ quá khứ, những ngọn cỏ vốn đã úa héo và nghiền nát. Trên đầu ta là bóng tối của trời đất và trong ta chỉ là vết tích của một thời đã qua. Y tưởng nước mắt có thể chảy giàn giụa trên mặt mũi y. Dưng không, như thế thôi. Nhưng chẳng có gì hết. Những giọt nước mắt ấy cũng không còn nữa trong đời y. Phải có cái gì để khêu gợi y trở lại thời trẻ tuổi. Tế bào trên đời sống y đã chết cứng dày cộm để có thể có được một cảm giác. Y đã quá già để nhớ lại tuổi thanh xuân…..Ta đã quá bạc nhược để làm anh hùng thêm một lần nữa. Y là một thứ hoa lục bình đang trôi lênh đênh dưới gậm cầu quên lãng.(Trích Quá khứ một lần nữa-NXH).
Hay,
“Thói quen, tôi coi đời sống như một chuỗi những thói quen, những thói quen tốt và xấu đan kết vào nhau chằng chịt (….) Thói quen làm ta dửng dưng hết mọi sự vật, trí tưỡng tượng khô cằn và cảm xúc cũng trở nên chai cứng” (trang 61). “Đời sống bị bủa vây bởi những đều đặn nhàm chán, niềm tin cũng đã tàn rữa” (trang 64).(Trích Sinh Nhật-NXH)
Trong cái nhân sinh quan tích cực thời trai trẻ, anh đã bước xuống đời, nhập thế, phả hết năng lực mình vào đời sống, lồng lộn như con ngựa bất kham, đi làm, đi dạy. Gót ngựa hồng chùng lại, mắt bị miếng che giáo dục, đạo đức bắt con ngựa phải đi thẳng một đường. Cương đã kìm, nhịp phải lỏng, anh lững thững qua các triền xanh đời sống như một gã lãng tử nhàn du. Đôi khi, tôi trộm nghĩ, đằng sau những trầm lắng khuôn phép của một nhà mô phạm ấy, thế nào anh chẳng có những lúc sôi nổi, lãng mạn, day dứt, bão tố trùng trùng? Tuy nhiên có lẽ các vai trò làm thầy, làm chồng, làm cha, làm chủ bút đã kềm gót phóng của một con ngựa rừng dại lại để nó chỉ còn gõ được những vết móng nhẹ nhàng thư thái trên mây. Trò chơi văn chương đưa anh vào một sân chơi mới với nhiều bè bạn và những cuộc hành trình bất tận của ngòi viết. Làm chủ bút một tờ tạp chí văn học là tờ “Văn” cho anh cơ hội đọc nhiều hơn bao giờ hết. Khi nói chuyện với anh, tôi hay hỏi những kỷ niệm anh có với những bạn bè thời anh còn điều hành “Văn”. Có thể tàng thức anh nắm giữ một kho tàng vô tận về những huyền thoại, kỷ niệm, những mẩu chuyện vui buồn của các văn nghệ sĩ trong các thập niên trước và sau 75 nhưng với một cá tính khiêm tốn, điềm đạm, chừng mực, anh ít tiết lộ điều gì.
……Sau những phút thăm hỏi bệnh tình, tôi muốn tìm những lời quan tâm an ủi sâu xa nói cho anh nghe nhưng bản tính vụng về làm tôi ngắc ngứ rồi chuyển qua chuyện văn chương.
Tôi hỏi anh về phân đoạn anh viết trong Sổ tay mùa hè 2001, về cuốn “Lấp lánh sao trời” của Thích Nữ Trí Hải và những cảm nhận sâu xa khi đọc xong, vì nó trả lời được những câu hỏi của anh đã đi tìm về hạnh phúc và đời sống. “Anh không nhớ rõ Thủy ơi”. Anh bảo, anh vừa xong thủ tục Chemo lần đầu mà không thấy đau. Sarcoma và những cơn đau gầm lên như tiếng vỗ miên man đánh vào thính giác, xô ngã con người. Sinh, lão, bệnh, tử gom lại phiêu hốt quật vào không gian, dội xuống cõi người, nổ bùng khắp chốn một tiếng hải triều âm“khổ”.
Có lẽ đốm lửa trong bài thứ 27: Sống Chết và Thời gian bỗngrực sáng trong tâm thức và anh không còn cảm thấy đau nữa. Thượng đế ác hay công bằng khi người tạo ra những cơn đau và những dục lạc song song? Anh loay hoay lý giải, anh nhận thức qua bài viết của Ni Sư Trí Hải, cuộc đời như đốm lửa chợt loé, chợt tắt. Biết được cái ngắn ngủi của đời sống và việc tận dụng để có sự vẹn toàn hạnh phúc. Xem nhẹ cái ta, trấn áp sự ham muốn, vật dục.
Trong cơn bão tố hồng thủy đời anh đang phải chống đỡ này, tôi cầu mong anh được an lành, vững tay chèo chống, tràn đầy năng lực để vượt qua.
Nhớ điều này nha anh Hoàng, như anh đã viết năm nào…
“Sau cái chết là gì? Là không gì hết. Có chăng là những ngọn gió. Ngọn gió thổi những lời bay đi. Ngọn gió thổi trả những lời trở lại.”

______________

Anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi

Quỳnh Thi

Tôi chỉ được biết tin nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng lâm trọng bệnh, khi vào trang website Damàu những tuần lễ trước, khi tờ tạp chí trên mạng này làm số đặc biệt về anh. Vì đã lâu sự liên lạc giữa tôi và anh gián đoạn, không còn meo miếc qua lại. Có lẽ vì tờ tạp chí Văn đã đình bản không còn hoạt động nên việc trao đổi thư từ đứt quãng. Vả lại hai người ở xa nhau. Người thì bên Bắc Cali kẻ ở mãi tận Houston, nghìn trùng xa hun hút. Tuy trước đây đã có lần anh mail cho tôi hẹn: “Quỳnh Thi, bữa nào đi cà phê.” Để rồi chẳng bữa nào còn có dịp. Anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi!
Thời đại con người đã lên mặt trăng từ lâu, lại đang sống trên đất nước Hoa Kỳ văn minh nhất thế giới mà nói xa với gần, thì thật là lạc hậu quá đi thôi. Không ai chấp nhận được.
Nhưng lý do chính có lẽ là do bệnh tật và cái nhìn cuộc đời u ám, nhiều tiêu cực, khiến tôi buồn bã và bi quan, tánh tình vốn đã khó chịu lại càng khó gần gũi hơn . Tôi đâm ra e dè , ngại ngùng không muốn đi đâu xa, hay ít muốn giao tiếp với ai, kể cả con cái, anh em ruột thịt , nếu họ làm trái ý . Những lý do trên làm tôi tự cô lập mình, chung thân làm kẻ đơn độc.
Ngoài việc phải đi ra ngoài làm việc hay có công chuyện gì. Suốt ngày tôi chỉ lẩn thẩn trong vườn, ngồi nhìn trời, ngắm hoa ngắm cảnh hay độc thoại với chính mình. Lúc trời nóng như bây giờ là mùa hè, thì ngồi trong phòng xem tivi, sách báo, lên mạng internet, trong một ngôi biệt thự rộng lớn cô độc. Có người thân ở gần chỗ ở, cũng nghe ngàn dặm xa cách mông mênh . Chán. Lái xe đi chợ mua thực phẩm về nấu cơm ăn. Nếu có la cà ở quán cà phê, thì cũng thường một mình, tìm bàn nào ẩn khuất ít người thấy, ngồi hàng giờ, nghe chừng chán hay đau lưng thì về nhà nằm.
Trước đây mấy năm, ban biên tập của website Đàn Chim Việt bên tiểu bang Cali hay Nhóm Thông Luận do luật sư Nguyễn Gia Kiểng lãnh đạo ở bên Pháp gửi thư mời qua gặp mặt anh em của nhóm, hội thảo, cũng làm biếng không đi.
Tạp chí Damàu lúc mới làm E-book, ban biên tập có nhã ý in tác phẩm. Nhưng thú thực tôi đã mất hết đĩa CD lưu lại, làm biếng đánh máy, nên làm lơ luôn. Cũng là đắc tội!
Hồi Trần Nghi Hoàng còn sống chung với Hoàng Thị Bích Ti ở gần Washington DC, về Houston thăm, cũng hứa lên chơi một chuyến, rồi chẳng bao giờ tới chơi.
Nhiều lần muốn mua vé máy bay sang Nam Cali thăm anh Khế Iêm hay nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Nhung là chỗ thân thiết, khi còn cộng tác làm tờ tạp chí Thơ. Chuẩn bị đâu đó, rồi cuối cùng cũng không đi , tuy trong lòng rất nhớ, rất mong gặp gỡ. Hay sang Boston thăm anh chàng họa sĩ râu xồm Nguyễn Trọng Khôi đã lâu không gặp. Lên Dallas dự buổi ra mắt sách” Bên tách cà phê” của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Cách đây mấy năm anh chị Thiệp sang Houston cùng Phan Xuân Sinh , Trần Nghi Hoàng có ghé nhà tôi chơi . Chị Thiệp thân ái ghé tai nói: “ Khu vườn nhà anh rất đẹp.”Cũng không đi tham dự. Cho đến lúc sau này đã lâu mới hay tin chị Nguyễn Xuân Thiệp đã mất mà không một lời chia buồn. Thật là đắc tội với anh chị.
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến trước đây cũng thân thường liên lạc, từ lâu tôi cũng làm biếng thư từ thăm hỏi. Hay anh Nguyễn Hòa VCV email trách móc .“ Lâu nay vắng bặt chẳng thấy meo miếc gì”! Các anh Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo ở Việt Nam cũng vắng bặt không liên lạc.
Thời gian gần đây khi hay tin trễ anh Nguyễn Hòa-vcv lâm trọng bệnh, phải điều trị trong bệnh viện. Lúc đó mới vội vàng Email thăm hỏi.
Còn chị Thu Thủy, tuổi đã gần sáu mươi hiện vẫn đang học làm luận án Tiến sĩ âm nhạc đã phone tới phone lui cả tháng trước, gọi đi thâu hình cho một chương trình thơ ca của đài Truyền hình, cuối cùng rồi cũng quên , bị chị giận cả mấy tháng trời.
Không đi không phải là thiếu tiền mua vé máy bay hay tiền thuê khách sạn, mà chỉ nghe lòng băn khoăn, ngại ngần bâng khuâng vô cớ, không muốn đi hay liên lạc thế thôi!
Nhiều lần suy nghĩ lại, tôi thấy mình thiếu sót , làm như thế sẽ phai nhạt tình thân , buồn khổ tự dằn vặt mình không ít. Biết làm sao. Thật là đáng trách.
Viết như trên là để tỏ bày lý do tại sao, tôi lại ít liên lạc không chịu gặp gỡ với bạn bè hay với người này người nọ. Kể cả các bạn văn chương đang sống ở Houston.
Tôi gặp nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng lần đầu tiên cách đây khoảng 12 năm, ở nhà Phạm Quang Tân chủ nhiệm tạp chí Văn Hóa Việt Nam, một người bạn làm báo văn học. Anh Tân là người hào sảng, yêu văn học , mấy năm gần đây cứ mỗi dịp xuân về, anh thường tổ chức ăn uống giao lưu mời các văn nghệ sĩ cộng tác và những nhà văn , nhà thơ nổi tiếng xa gần về tham dự. Hôm đó tôi cũng được anh Tân mời tới tham dự tiệc Tân niên.
Ngôi nhà của Tân khá lớn, ở vùng North 45 Houston Texas, gần chợ Hồng Kông 3, cách nhà tôi ở vùng Southwest 1 giờ lái xe. Khi tôi và người bạn gái tới nơi thì mọi người đã tề tựu đông đủ.Số khách tới tham dự dễ đến sáu bảy chục người. Những nhà văn, nhà thơ ở xa đến phần đông tôi chưa được hân hạnh quen biết. Nếu nói đến bút danh của họ thì đã nghe qua nhiều lần hay đã đọc họ trên các tờ tạp chí hay tác phẩm.
Anh Tân mời tôi vào nhà giới thiệu với mọi người đang đứng uống bia và cười nói sảng khoái ở phòng khách, rồi anh dắt tôi tới giới thiệu với một người từ Cali tới đang ngồi nói chuyện với anh Quan Dương, đó là nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi có chút tư lự ngượng ngập vì mình là kẻ hậu bối , đã nghe danh tiếng nhà văn từ hồi ở Việt Nam bây giờ mới có dịp diện kiến. Anh Hoàng đứng dậy bắt tay tôi và nói, Quỳnh Thi cứ tự nhiên đừng khách sáo. Chúng tôi ngồi xuống hỏi thăm về công việc làm ăn, gia đình, viết lách này nọ. . .
Vậy đó, tôi đã được vinh dự làm quen với anh tuy trước đó tôi đã có thơ đăng trên tờ tạp chí Văn, sau này chúng tôi email qua lại thăm hỏi.
Trước đây tôi được biết anh Nguyễn Xuân Hoàng bị bệnh tiểu đường loại 2 như tôi. Nhưng bệnh tiểu đường của anh lúc đó còn nhẹ so với bệnh tình của tôi, anh vẫn viết lách làm việc bình thường và đi lại khắp nơi.
Bỗng nhiên tôi bàng hoàng nghe tin anh nằm bệnh viện, rồi lại bị bệnh ung thư cột sống ở giai đoạn cuối cùng, hiện đang phải xạ trị.
Hay tin sét đánh đó, tôi muốn sang Cali thăm anh nhưng sức khỏe của tôi lúc này cũng tồi tệ, không thể đi được. Nhân tạp chí Damàu có làm số báo đặc biệt về anh. Vậy tôi cũng viết ít dòng ngưỡng mộ thăm hỏi và cầu chúc anh gặp được một phép lạ nào mau bình phục./.

______________

Không phải lúc nào cũng có sự quên lãng

T-Van

nguyen xuan hoang

Nào còn gì đâu cầm lấy tay tôi
Nào còn gì đâu cầm lấy hồn tôi
Này đây những lời yêu thương thứ nhất
Chia nhau mỗi người làm vốn sinh nhai
(Nguyễn Xuân Hòang)

1.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trong đỏan văn viết về Nguyễn Tất Nhiên nhân cái chết của nhà thơ tháng 8 năm 1992, đã mở đầu như sau : “Sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày trên trái đất. Ở đâu có con người, ở đó có sự quên lãng. Và, tất nhiên có cả những vòng hoa. . . “.
Ý ông muốn nói đến sự lạnh lẽo của người đời đối với nhà thơ khi còn sống , nhưng khi anh nằm xuống một mình trước sân chùa thì “hoa đã ngập đầy nơi an nghỉ cuối cùng của anh “.
Nhưng dường như với trường hợp của chính ông – nhà văn Nguyễn Xuân Hòang – sự quên lãng ấy đã không xảy ra.
Mới đây, nhà văn đã được chẩn đóan mắc bệnh “ sarcoma cancer “, một lọai khối u ác tính hiếm gặp. Cả tháng nay, ông ra vào bệnh viện Stanford để làm xạ trị. Trong thư gởi cho tôi , mà ông viết giữa giờ nghỉ của những cơn đau , lần đầu tiên tôi cảm được “sự yếu đuối“ ở một con người vốn là “role model“ của tôi từ ngày tôi còn ngồi ghế nhà trường trung học (đệ nhất cấp): Tôi bị bệnh gần 3 tháng nay (nhưng biết bệnh thì mới chỉ khỏang độ 1 tháng). Đau ở sống lưng từng giây từng phút. Uống thuốc giảm đau để ngủ. nhưng thức dậy thì đau lắm. . . Tôi nghĩ chuyện sống chết là thường tình, nhưng sống trong sự đau đớn thể xác từng phút từng giây và chờ chết thì sợ quá . . . “
Nhà văn Nguyễn Xuân Hòang sinh năm 1940. Năm nay ông đã vượt qua ngưỡng cửa cổ lai hy mà không phải ai cũng hưởng được, dù ngày nay tuổi thọ của con người đã tăng lên rất nhiều.

2.
Suốt tuần lễ đầu tiên của tháng 8 năm nay, trong giới những cựu học sinh trường trung học Petrus Ký của Sài Gòn năm xưa, sức khỏe của thầy Nguyễn Xuân Hòang là mối quan tâm chính trong mọi sinh họat thông tin liên lạc. Người ta báo tin cho nhau về mọi diễn tiến sức khỏe của thầy Hòang, về các việc mà các học trò của thầy có thể làm để giúp đỡ, hoặc đơn giản chỉ là để bày tỏ sự quan tâm, sự lo lắng, lòng yêu mến dành cho thầy. Tất nhiên, những quan tâm ấy, trước hết gởi đến ông trong tư cách một người thầy. Nhà văn Nguyễn Xuân Hòang là giáo sư dạy tại trường trung học Petrus Ký Sài Gòn từ năm 1963. Ông phụ trách hai môn : Triết và Kim văn. Năm đệ ngũ, tôi họp lớp Kim văn với thầy Hòang. Năm đệ nhất, tôi lại học triết với thầy Nguyễn văn Sâm, chứ không phải thầy Hòang. Nhưng ấn tượng mà nhà văn Nguyễn Xuân Hòang để lại trong tôi từ thời mới lớn ở ngưỡng cửa bậc trung học đã theo tôi suốt đời, mãi đến hôm nay. Cho nên, tôi không ngạc nhiên khi thấy những học trò sau này của thầy Hòang đã tỏ ra rất gắn bó với ông. Sức hút ở cá nhân ông, ngòai cương vị một thầy giáo dạy Triết nổi tiếng, mà còn ở tư cách một nhà văn lớn của Sài Gòn năm xưa , tư cách , một người chủ biên những tạp chí văn học uy tín nhất từ trong nước ra đến hải ngọai và gần đây nhất là trang Blog của ông trên trang mạng của đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).
Từ ngày rời trường , đi lính, đi tù, rồi đi định cư ờ Mỹ, tôi chưa một lần gặp lại ông, dù là trong đám đông hay chỗ riêng tư. Nhưng tên ông thì tôi vẫn bắt gặp đây đó. Sau này, do một dịp tình cờ từ nhà văn Phạm thị Hòai, người chủ trương trang mạng Talawas, tôi bắt được liên lạc với ông. Cũng từ dịp ấy, ông mới biết mình có một người học trò vẫn hằng dõi theo mọi bước đi của mình.

3.
Dựa trên những hiểu biết và những tin tức mà tôi nhận được, tôi tin chắc rằng nhà văn Nguyễn Xuân Hòang không mang cái nghiệp thật buồn của các nhà văn nhà thơ: sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa.
Các học trò của ông, những bạn bè của ông đã phủ ngập căn nhà của ông vùng bắc Cali những vòng hoa thật đẹp, thật tươi mát của sự quý mến chân thành, lòng kính trọng ngay khi gia đình ông đang nhen nhúm chút tia hy vọng trước những tiến triển khá khả quan của việc điều trị. Ông đang nuôi ý định viết một bài chi tiết trên trang Blog của mình về vị bác sĩ của bệnh viện Stanford đang phụ trách việc điều trị cho ông. Ông tin rằng có một sự ngẫu nhiên thú vị khi vị bác sĩ ấy lại là một cựu binh Mỹ năm xưa, lúc tham chiến ở Việt Nam đã từng trú đóng ở Cầu Bống, Nha Trang, miền đất quê hương nơi ông đã sống qua thời thơ ấu.
Nếu không có những cơn đau thể xác đáng sợ, hẳn nhà văn Nguyễn Xuân Hòang đang sống những ngày thật hạnh phúc, bởi vì ông biết rằng – ngòai những người thân yêu trong gia đình – có rất nhiều những người chung quanh lúc nào cũng yêu thương ông và quan tâm đến ông.
Còn những người bạn đồng nghiệp cầm bút của ông ư? ông biết hơn ai hết, những lời ai điếu của họ chỉ để dành cho người nằm xuống, để ném theo những hòn đất phủ trên nắp quan tài.
Giờ đây, ông mới chỉ mấp mé bên bờ tử sinh, nên những vòng hoa vinh danh một đời hết mình cho văn học, cho nghệ thuật vẫn còn được cất giữ đâu đó trên những trang bản thảo.
Bốn câu thơ ở trên đầu bài ghi chép nhỏ này là của nhà văn Nguyễn Xuân Hòang mà chính ông cũng không nhớ mình viết hồi nào và đăng tải ở đâu. Cách đây mấy năm, tôi đem ra hỏi ông . Ông ngạc nhiên sao em còn nhớ được chúng. Tôi trả lời em nhớ được vì chúng hay quá.
Tôi muốn được sửa mấy chữ cuối để gởi đến ông lời chúc tốt lành của một người học trò nghĩ mình chịu ở ông món nợ chữ nghĩa :
Nào còn gì đâu cầm lấy tay tôi
Nào còn gì đâu cầm lấy hồn tôi
Này đây những lời yêu thương sau cuối
Chia nhau mỗi người làm vốn đi xa.
Ngày 12 tháng 8 năm 2013

_______________

Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc tử sinh

Ngô Thế Vinh

(Thứ Tư, 18 Tháng Sáu-2014)
Gửi Nguyễn Xuân Hoàng cùng với
Chị Trương Gia Vy và Các Cháu

Nếu bảo qua tuổi 70 xưa nay là hiếm, thì Nguyễn-Xuân Hoàng cũng đã bước qua tuổi 74, đó là ý niệm tuổi tác của thế kỷ trước. Sang đến thế kỷ 21, với tiến bộ của y khoa, qua tuổi 80 nay cũng không còn là hiếm. Quen được Nguyễn-Xuân Hoàng trong hoàn cảnh nào thì tôi không nhớ, nhưng đó là một tình bạn khá lâu năm. Khoảng giữa thập niên 1960-1970 Nguyễn-Xuân Hoàng đã cùng với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Nhật Duật và Nguyễn Quốc Trụ chủ trương nhà xuất bản Đêm Trắng.Họ đều ở lứa tuổi trên dưới 30, với sức sáng tác đang sung mãnvới phong cách riêng mỗi người, được coi như là nhóm “Tiểu Thuyết Mới”, với quán La Pagode như một điểm hẹn sinh hoạt. Và tên tuổi mỗi người trong nhóm, sau này đều trở thành nhân dáng những nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn-Xuân Hoàng.
Giữa những năm giông bão của cuộc chiến tranh lúc đó, thỉnh thoảng tôi được đọc và cả quen biết họ trong những giai đoạn và các hoàn cảnh khác nhau, do rất khác về môi trường sinh hoạt và tôi thì cũng ít có thời gian ở Sài Gòn. Ra tới hải ngoại, hai người trong nhóm Đêm Trắng mà tôi còn giữ được mối liên lạc là Nguyễn-Xuân Hoàng và Nguyễn Đình Toàn.
Mấy dòng viết vội và muộn màng này chỉ là những hồi tưởng đứt đoạn để gửi tới một người bạn là Nguyễn-Xuân Hoàng. Xong bậc trung học 1959, khởi đầu Hoàng có ý định học Y khoa, là sinh viên PCB Đại học Khoa học Sài Gòn một năm, thấy ngành học không thích hợp, Hoàng chuyển sang học ban Triết, Đại học Đà Lạt, sau Hoàng Ngọc Biên một năm. Tốt nghiệp 1962, là giáo sư Triết trung học Ngô Quyền ở Biên Hoà một niên khoá và rồi được thuyên chuyển về trường Petrus Ký Sài Gòn cho tới 1975.Nhưng Nguyễn- Xuân Hoàng lại được biết tới nhiều hơn như một nhà văn một nhà báo tên tuổi từ những năm 1970.Hoàng là tổng thư ký tạp chí Văn Sài Gòn từ 1972, tiếp nối Trần Phong Giao, cùng với những tác phẩm đã xuất bản gồm tuyển tập truyện ngắn: Mù Sương, Sinh Nhật; tuỳ bút:Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu; tạp ghi: Ý Nghĩ Trên Cỏ; và hai truyện dài: Khu Rừng Hực Lửa, Kẻ Tà Đạo
Sau 1975, bị kẹt lại và như mọi người, Hoàng cũng trải qua những năm tháng thăng trầm theo vận nước, nhưng rồi cuối cùng 10 năm sau, Hoàng và gia đình cũng tới được đất nước Mỹ 1985. Không còn là nhà giáo,Hoàng sinh hoạt toàn thời gian trong lãnh vực báo chí và văn học: tổng thư ký hai tờ nhật báo Người Việt California (1986-1997) và tạp chí Thế Kỷ21 (1989-1994), trong ban chủ biên tạp chí Văn Học cùng với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, sau đó kiêm thêm chủ bút tạp chí Văn chuyển tay từ nhà văn Mai Thảo 1996. Tưởng cũng nên nói thêm tờ báo Văn này đã khiến vợ chồng Nguyễn Xuân Hoàng mang món nợ không nhỏ với cơ sở in báo Văn, mà mãi lâu mới trang trải hết. Tác phẩm Nguyễn-Xuân Hoàng do anh Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, giám đốc nhà Văn Nghệ xuất bản ở hải ngoại gồm các tập truyện và tuỳ bút:Căn Nhà Ngói Đỏ, và hai truyện dài trong bộ trường thiên ba tập [trilogy]: Người Đi Trên Mây, Bụi và Rác…
Năm 1996, di chuyển theo công việc mới, San Jose thung lũng hoa vàng là chặng định cư cuối cùng củahai vợ chồng Hoàng. Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn sinh hoạt báo chí toàn thời gian, ban đầu với chức vụ tổng thư ký tuần báo Việt Mercury thuộc San Jose Mercury News và sau đó là chủ bút tờ tuần báo Việt Tribune như một“family show” của hai vợ chồng Nguyễn-Xuân Hoàng – Trương Gia Vy cho tới nay. Quen biết thân thiết với vợ chồng Peter Zinoman Nguyệt Cầm, dịch giả Số Đỏ / Dumb Luck của Vũ Trọng Phụng; Hoàng được mời làm lecturer thỉnh giảng cho môn Văn học Việt Nam đương đại tại U C Berkeley.

nguyen xuan hoang

[Hình I: Nguyễn-Xuân Hoàng và Ngô Thế Vinh tại toà soạn
Việt Tribune 2008; photo by Trương Gia Vy]

Nguyễn-Xuân Hoàng rất quảng giao, mặc dù anh luôn than là ít bạn. Cũng vì vậy mà các bạn thân đặt tên cho anh là Nguyễn Đông Hoàng. Và khi biết bạn mình ngã bệnh, đã có rất nhiều học trò cũ và bằng hữu đến thăm và cả viết về Nguyễn-Xuân Hoàng, một số bài đã được Phùng Nguyễn cho phổ biến trên Da Màu trong nhiều tuần lễ, số trang viết ấy đủ cho chiều dày của một cuốn sách.
Từ ngày Trịnh Y Thư báo tin cho biết căn bệnh của Nguyễn-Xuân Hoàng, vậy mà cũng đã gần 12 tháng. Các tin tức về sức khoẻ và bệnh tình của Hoàng tôi được biết hoặc trực tiếp từ Nguyễn-Xuân Hoàng hoặc qua hai người bạn Phùng Nguyễn và Trịnh Y Thư.
Trước đó, cũng khoảng 3 năm, Nguyễn-Xuân Hoàng thường kêu đau lưng, đối với người bệnh ở lứa tuổi ngoài 70 như Hoàng thì một chẩn đoán thông thường của bác sĩ gia đình là đau lưng do “thoái hoá cột sống”. Tới một giai đoạn đau nhiều hơn, bác sĩ cho chụp lại hình quang tuyến cột sống, cũng vẫn với chẩn đoán như trên. Nhưng vì lần này bác sĩ quang tuyến thấy có những đốm trắng như miểng kim loại quanh cột sống nên đã hỏi là Hoàng có bị thương do miểng đạn ngoài chiến trận khi còn ở Việt Nam hay không, Hoàng xác nhận là không.
Tới một giai đoạn mà các thuốc chống viêm giảm đau kể cả opiates cũng không còn mấy hiệu quả thì Hoàng được gửi vào một bệnh viện, để qua một loạt các thử nghiệm và cuối cùng với chẩn đoán là Hoàng bị một căn bệnh khá hiếm:sarcoma ở sống lưng;sarcoma là loại bướu ung thư mô liên kết/ connective tissue như xương, sụn, mô mỡ, bắp thịt, mạch máu…
Có lẽ đây là một chẩn đoán “không sớm” nếu không muốn nói là khá trễ, và cũng từ đây Hoàng được chuyển sang một bệnh viện chuyên khoa thuộc Đại học Stanford. Không được tiếp cận với hồ sơ bệnh lý của Hoàng, nhưng được biết Hoàng cũng đã trải qua các giai đoạn trị liệu như hoá trị / chemotherapy, xạ trị/ radiation therapyvà nhưng hình như Hoàng không còn ở giai đoạn sớm để được điều trị phẫu thuật/surgery. Nguyễn-Xuân Hoàng rất can đảm đi hết “đoạn đường chiến binh” đã đi tới bước cuối cùng của các phương thức điều trị, dĩ nhiên với không ít những chịu đựng do các tác dụng phụ/ side-effects.
Trong suốt thời gian ngã bệnh, và cả mới đây thôi, trong giai đoạn 6 tuần được chuyển sang khu phục hồi của bệnh viện, Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn không ngừng làm việc với laptop và cell phone. Hoàng không chỉ lo cho tờ báo Việt Tribune vẫn ra hàng tuần, báo chí đã như một cái nghiệp và cũng là nguồn sinh kế của gia đình. Cũng trong giai đoạn này, Nguyễn-Xuân Hoàng còn phối hợp với Đinh Quang Anh Thái báo Người Việt trong việc hiệu đính và layout hai cuốn sách: Người Đi Trên Mây[đã đăng hết từng kỳ trên nhật báo Người Việt], Bụi và Rác [đang đăng tới kỳ thứ 100 cũng trên Người Việt]. Cũng từ trong bệnh viện, chính Hoàng là người quyết định chọn bài viết của Nguyên Sa và Phạm Công Thiện, cho phần trích dẫn bìa lưng của hai cuốn sách.

nguyen xuan hoang

[Hình II & III: mẫu bìa 2 cuốn sách xuất bản sau cùng của Nguyễn-Xuân Hoàng]

Khi tìm hình tác giả NXH cho bìa lưng, Hoàng đã chọn tấm hình đang cầm điếu thuốc hút, có lẽ nơi một góc phố nào đó trên “con đường báo chí” Phạm Ngũ Lão khoảng năm 1980,và cũng do “méo mó nghề nghiệp” tôi bảo đùa là đó là một chọn lựa không đúng /potitically incorrect,tạo gương xấu cho đám trẻ sẽ bắt chước hút thuốc để được trở thành nhà văn nổi tiếng như Nguyễn-Xuân Hoàng. Hoàng thì không xem đó là câu nói đùa nên đã trả lời rất nghiêm túc rằng đó là bức hình thời còn trẻ mà Hoàng rất thích, và thời tuổi trẻ ấy ai mà không hút thuốc, và nó cũng rất phù hợp với bối cảnh của cuốn sách. Mặc dầu được Hoàng eMail “mình giao phó hết cho NTVinh quyết định thay NX Hoàng” nhưng thực ra mọi sự đều làm theo ý Nguyễn- Xuân Hoàng. Tôi nhắc nhở Đinh Quang Anh Thái là anh Nguyễn-Xuân Hoàng còn nguyên sự minh mẫn nên mọi chuyện liên quan tới hai cuốn sách nên hỏi thẳng anh Hoàng. Không làm thay những gì người bệnh vẫn còn làm được, đây là cũng là nguyên tắc tôi học được trong ngành y khoa phục hồi; và phương cách cách điều trị occupational therapyhay nhất là làm cho Hoàng luôn luôn bận rộn. Và cả trên giường bệnh Nguyễn-Xuân Hoàng cũng đã vui với sự bận rộn ấy. Hoàng còn cho biết là sau khi đăng hết Bụi và Rác, Hoàng sẽ viết tiếp bộ trường thiên Trilogy, Tome III sẽ có một tên sách rất ngắn gọn một chữ là “Lửa” cảm xúc từ những cơn bão lửa cháy rừng của bang California và rồi cũng sẽ cho đăng tiếp từng kỳ trên nhật báo Người Việt.

nguyen xuan hoang

[Hình IV],
Riêng tôi và các bạn của Hoàng không dấu được niềm vui khi biết bạn mình, giữa những cơn đau hành hạ của bạo bệnh mà vẫn cứ nuôi dưỡng những dự định cùng hướng về tương lai.
Trong suốt gần một năm trời, Nguyễn-Xuân Hoàng ra vào bệnh viện Stanford gần như thường xuyên, khi dài ngày khi ngắn hạn. Niềm đau ung thư là nỗi thống khổ ròng rã nhất của người bệnh Nguyễn-Xuân Hoàng.
Sáng ngày 1 tháng 6, 2014 Nguyễn-Xuân Hoàng từ nhà phone cho tôi, nói một vài câu rất ngắn và rất yếu: “Vinh ơi, mình đau quá và chỉ muốn chết”. Lúc đó, bỗng thoáng hiện trong đầu óc tôi một thuật ngữ y khoaeuthanasia / painless death với Jack Kevorkian, phương pháp giúp người bệnh nan y quá đau đớn được chết yên thấm. Kervorkian được báo chính mệnh danh là Doctor Death thì đã bị kết án tội sát nhân bậc hai / second degree murder, phải ngồi tù 8 năm trước khi được tại ngoại.Physician-assisted suicide cho đến nay vẫn bị coi là phạm pháp. Chọn lựa một cách chết ra sao là do quan niệm và niềm tin của mỗi người. Và rồi tôi cũng chỉ có thể khuyên Hoàng là nên vào lại Stanford để được chăm sóc điều trị giảm đau. Cùng ngày, chiều hôm đó chị Trương Gia Vy đưa Hoàng vào bệnh viện. Khi phone thăm, Hoàng cho biết đã phần nào bớt đau nhưng lúc nào cũng chỉ muốn được về nhà.
Rồi cũng buổi tối hôm đó, qua internet tôi gửi cho Nguyễn-Xuân Hoàng bài điểm sách mới của anh Dohamide về cuốn Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng,từ nhiều năm tôi thì vẫn gửi bài viết cho Việt Tribune của Nguyễn-Xuân Hoàng, và không ngờ rất mau chóng, Hoàng eMail ngay cho tôi:
“Cám ơn Ngô Thế Vinh, mình xin phép Vinh cho đăng trên VOA và Việt Tribune. Việt Tribune thì không có vấn đề gì nhưng bên VOA thì bài chưa đăng ở đâu hay chưa post ở đâu mới được. Vinh cho mình biết trước khi mình gửi cho VOA nhé.” Nxh Sent from my iPhone. Tôi trả lời ngay là bài non-exclusive, đã được Phùng Nguyễn mới post trên Da màu và anh Nguyên Giác Phan Tấn Hải đăng trên Việt Báo. Hoàng hồi âm: “Tiếc quá!Vậy thì mình chỉ có thể đi bài trên Việt Tribune thôi.” NxhSent from my iPhone
Để rồi tôi cũng được biết thêm một điều là trong bấy lâu, không phải chỉ có tờ tuần báo Việt Tribune đều đặn ra hàng tuần, Nguyễn-Xuân Hoàng vẫn còn duy trì cả sinh hoạt Blog’s NXH trên VOA.
Sáng ngày 7 tháng 6, 2014 Hoàng phone cho tôi và Phùng Nguyễn báo tin: toán bác sĩ điều trị Stanford đã gặp chị Vy và các con Hoàng,báo tin cho biết họ đã “give up” không có thể làm thêm gì được nữa và sẽ cho Hoàng xuất viện về nhà. Hoàng nói: “Mình biết sẽ phải như vậy, nhưng Vy thì khóc quá”. Không khóc sao được khi biết người bạn đời của mình đang gian nan trên dốc tử sinh và cạn dần sự sống từng ngày. Và bạn bè ai cũng biết là sức khoẻ của chị Vy bấy lâu cũng không khá gì, bị suy thận mãn tínhESRD / End Stage Renal Disease từ nhiều năm, chị vẫn phải tự làm công việc lọc máu qua màng ruột / peritoneal dialysis tại nhà mỗi đêm thay vì tuần ba lần tới lọc máu tại các trung tâm thận nhân tạo / hemodialysis.
Phan Nhật Nam thì nghĩ rằng tôi chưa được biết tin, nên buổi tối đã khá khuya, Nam phone báo tin cho biết tình trạng ở giai đoạn cuối của Nguyễn-Xuân Hoàng, khi toán bác sĩ ở Stanford quyết định cho xuất viện. Tôi hiểu rằng thay vì chuyển tới khu hospice chăm sóc người bệnh cận tử, Hoàng đã chọn về nhà, sống với gia đình bao giờ cũng dễ chịu hơn.
Sáng ngày 10 tháng 6, 2014 tôi gọi thăm Hoàng qua cell phone, và được biết Hoàng đang trên xe với chị Vy đi vào Stanford. Tôi khựng lại và hỏi Hoàng là họ lại có quyết định điều trị tiếp hay sao, thì Hoàng nói không, chỉ vào bệnh viện cho mấy buổi “xạ trị giảm đau / palliative radiation”. Tôi hiểu rằng đây chỉ là bước “điều trị xoa dịu / palliative treatment” cho người bệnh nan y. Cho dù không thể chữa khỏi nhưng “điều trị xoa dịu” với ứng dụng kỹ thuật cao / high tech, có khả năng giúp người bệnh sống những ngày tháng ngắn ngủi còn lại với phẩm giá, làm sao cho bớt đau đớn và cả phần nào thanh thản cho tới phút lâm chung.
Sáng ngày 12 tháng 6, 2014 phone thăm bạn, Hoàng cho biết sau vòng xạ trị, đã bớt đau và buổi tối thì ngủ được. Như từ bao giờ, tôi vẫn tránh tối đa những câu hỏi về bệnh tình của Hoàng – điều sẽ làm cho người bệnh rất mệt, hai người bạn chỉ lãng đãng nói chuyện văn chương, nói về Nxb Đêm Trắng và nhóm Tiểu Thuyết Mới. Nouveau Roman là một khuynh hướng văn học có khởi đầu từ Pháp vào giữa thập niên 1950’s với các tên tuổi như Alain Roble-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Claude Simon. Theo Nguyễn-Xuân Hoàng, thì ý kiến khởi đầu lập Nxb Đêm Trắng là từ Huỳnh Phan Anh, để chỉ xuất bản các sáng tác của nhóm. Nhóm 6 người ấy đa số xuất thân nhà giáo, trừ Nguyễn Đình Toàn và Nguyễn Quốc Trụ.
Từ 1954, trong vòng 20 năm của Miền Nam, các phong trào văn học được tự do nở rộ. Tự Lực Văn Đoàn tiếp nối với Văn Hoá Ngày Nay của Nhất Linh, Nhóm Sáng Tạo của Mai Thảo Thanh Tâm Tuyền phủ nhận nền văn học tiền chiến với nỗ lực làm mới văn chương, rồi tới nhóm tự nhận là Tiểu Thuyết Mới nhưngtheo Nguyễn-Xuân Hoàng thì Hoàng Ngọc Biên tuy không trong nhóm Đêm Trắng nhưng chính Biên mới thực sự là người khởi đầu nghiên cứu về phong trào Nouveau Roman của Pháp, dịch một số tác phẩm của Alain Roble-Grillet và cũng thể hiện quan niệm tiểu thuyết mới ấy qua tập truyện Đêm Ngủ ở Tỉnhdo Cảo Thơm xuất bản Saigon, 1970. Cũng theo Hoàng Ngọc Biên, thì ngoài danh xưng, những năm trước 1975 thực sự đã không có một phong trào Tiểu Thuyết Mới tại Sài Gòn.
Kỹ thuật y khoa ngày nay thì có thể đã tiến xa, nhưng quan niệm thì không mới; vì từ xa xưa người sinh viên khi mới vào học trường y đã được dậy dỗ đức khiêm cung trong y thuật: "chữa khỏi đôi khi; xoa dịu thường xuyên; và luôn luôn an ủi / La médecine c’est guérir parfois, soulager souvent, consoler toujours."Ambroise Paré, bác sĩ phẫu thuật Pháp thế kỷ 16 đã là người đầu tiên nhắc tới câu nói ấy nhưng nguồn gốc thì có lẽ đã có từ một nền y khoa cổ đại xa xưa hơn rất nhiều. Bản thân người viết, cũng hơn 45 năm đã và đang hành nghề y khoa với những hoàn cảnh khác nhau trong cũng như ngoài nước, với cái chết của mỗi người bệnh, cho dù đã biết trước, thì cảm giác vẫn hụt hẫng như một phần mất mát của cuộc sống.
Sự mất mát ấy càng thấm thía hơn khi đó là chính là mấy người bạn thân của mình. Phải chứng kiến một Nghiêu Đề, người bạn tấm cám với những cơn đau ung thư tuỵ tạng vật vã đến xanh xao; một Cao Xuân Huy Tháng Ba Gẫy Súng can trường ngần ấy cũng đã oằn người vì những cơn đau di căn từ ung thư mắt hành hạ. Nay tới một Nguyễn Xuân Hoàng cũng đang khắc khoải với những trận đau bướng bỉnh và rất quái quỷ như vậy. Cũng để thấy cái bể khổ của sinh lão bệnh tử và nhận ra rằng khả năng y khoa hiện nay còn giới hạn tới dường nào. Bể khổ thì mênh mông, nhìn lại chẳng thấy đâu là bờ. Cảm xúc đọc lại mấy câu thơ của Vô Ngã Phạm Khắc Hàm, không phải Nguyễn-Xuân Hoàng mà chính tôi cũng tìm được nguồn an ủi.
Ta tụng ngàn năm Quán Thế Âm,
Chúng sinh ta khóc nỗi mê lầm
Ngàn năm quỳnh nở trong đêm vắng
Rung động ba ngàn cõi viễn thâm.
… Người thích câu rùa đọc Lạc thư
Vớt con cá nhỏ thấy chân như
Ta nâng trang sách nghìn thu đọng
Trời đất rưng rưng giữa mịt mù
… Từ đấy ngàn năm vách lắng tai
Lời kinh vi diệu thấm linh đài
Tình thương từng giọt rơi trên đá…

Buổi trưa hôm ấy, trong giờ lunch break bên ngoài bệnh viện, tôi và ba bác sĩ khác: một gốc Do Thái, một Trung Đông, một Ấn Độ ăn trường chay, bốn người ngồi chung bàn với nhau, nhân sau cái chết mới mẻ của một đồng nghiệp bị ung thư với những ngày cuối cùng thống khổ ra sao, họ bàn là liệu nếu có thể lựa chọn cho mình một cách chết. Ba khả năng thông thường nhất đưa tới cái chết ở thời đại hiện nay: cơn truỵ tim chết ngay, cơn tai biến mạch máu não có thể đưa tới tàn phế, và căn bệnh ung thư ác tính… và mọi người đã có cùng một chọn lựa cho một cái chết nhanh nhất là bệnh tim. Và rồi cũng trong ngẫu hứng, trưa hôm đó họ đã order các món ăn không thiếu chất mỡ động vật và dĩ nhiên là không theo tiêu chuẩn của dinh dưỡng của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ.
Thực ra không ai có thể chọn lựa một căn bệnh để được chết theo ý mình, ngoại trừ thứ tự do chọn lựa rất bạo động là tự sát cũng thường thấy ở các nhà văn như: Ernest Hemingway Ngư Ông và Biển Cả bằng súng (1961), Yukio Mishima Đền Vàngbằng gươm (1970), Yasunari Kawabata Ngàn Cánh Hạc bằng hơi ngạt (1972),Nhất Linh Đoạn Tuyệt bằng thạch tín (1963), Tam Ích Nghệ Thuật và Nhân Sinh treo cổ (1972)…
Hoàng thì đã và đang sống một cuộc sống tràn đầy, nên tôi cũng hiểu rằng “bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu”, bạn tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho dặm cuối của một chặng đường cheo leo trên con dốc tử sinh. Mark Twain thì bao giờ cũng với một cái nhìn rất nhẹ nhàng về cái chết: “A man who lives fully is prepared to die at any time.”Và rồi ra, đến một lúc nào đó, ở một nơi nào đó chắc Nguyễn-Xuân Hoàngcũng sẽ ngoảnh lại rồi mỉm cười mà nhắnvới bằng hữu rằng:“Tường thuật về cái chết của tôi có phần quá đáng/ The report of my death was an exaggeration.Mark Twain”.
Vẫn cứ chúc Bạn Ta những ngày tháng còn lại an lành.
Long Beach 15/06/2014

_______________

 

TELECOM

Trần Thị NgH

- Anh Hoàng. Em nè!
- A! Em lại là đà ở Bonneuil?
- Mỗi năm đến hè… A hèm, mừng sinh nhật anh.
- Sinh nhật gì, sắp là ngày giỗ của anh rồi.
- Anh sao? Anh khỏe không?
- SARCOMA.
- Là cái gì?
- Là đau ở cột sống, là phải uống thuốc giảm đau, là không ngủ được, là không còn lái xe đi cà-phê, là sắp chết – hiểu chưa? Là có thể anh sắp được chuyển đi Stanford để chemo thay vì xạ trị như hiện nay.
- Hmmm… cái bịnh quái quỷ sao nó ghé qua nhiều người quen của mình thế?
- Em chỉ nói được có vậy?
- Chứ nói sao nữa? Chỉ biết chúc anh … lì đòn. Hay là anh về Việt Nam một thời gian để em có dịp bày tỏ lòng thành. Dĩ nhiên em không thể chữa bệnh, nhưng chăm bệnh thì được. Nói càn vậy thôi. Đừng tin.
- Quỷ sứ! Sao 50 năm trước em không nói những lời tương tự?
- 50 năm trước em học lớp đệ tam, anh có vợ con; 40 năm trước em chín mùi, anh lại có thêm vợ con; 30 năm trước em trung niên có chồng con, anh lưu lạc cùng vợ con; 20 năm trước em thênh thang, anh vẫn đang trong qui trình sản xuất trẻ con; 10 năm trước anh 66 tuổi, 7 con; bố ai dám tỏ tình!
- Em vẫn không thay đổi, ít ra là giọng điệu của em.
- Có chứ! Bây giờ em lạt hơn, dễ ôi thiu khi mềm nếu không để tủ lạnh, dễ gẫy khi giòn nếu rán quá lửa, không còn học thuộc lòng thơ truyện của anh vì không còn thấy hay tí tẹo tèo teo.
- Em giỏi lắm. Anh thấy cái gì em làm cũng đến nơi đến chốn. Chỉ có anh là chẳng ra làm sao.
- Lại tự ti rồi, hay đang gây ảo tưởng cho kẻ nhẹ dạ sính lời tâng bốc? Đến nơi nào, chốn nào? Em chơi cho vui thôi. Cũng tại anh đưa em vào con đường sa ngã. Ngã vào văn chương là một cú rơi tự do, trước sau gì cũng sẽ chạm đáy. Bị lực ly tâm làm sao vươn đến đỉnh? Anh xem Upside Down của Juan Diego Solanas chưa? Có một thế giới ngược với lực ly tâm của riêng nó, nơi từ dưới này anh phải trang bị nam châm toàn thân mới leo được lên trên kia. Úi trời, phải có tình yêu mới làm nổi – như Jim Sturgess liều mạng cùi đi tìm Kirsten Dunst rồi hai người chui vào trong nhau giữa hai thế giới, bay lơ lửng trong gam màu xanh lè y hệt bức Au-dessus de la ville; chắc Solanas chôm ý tưởng của Marc Chagall rồi!
- Em vẫn bị mê hoặc, gần như mê muội bởi bọn làm phim Hollywood. Vẫn nhớ em của thuở ấy.
- Thuở nào?
- Thuở hồng hoang. Thuở em mê Alain Delon, Anthony Perkins, Audrey Hepburn, Pier Angeli. Thuở em viết nhật ký. Thuở em còn ghiền ăn xí muội, ngồi thu lu dưới gầm bàn vừa chép thơ tình tán gái của các đại thi hào, vừa hóng chuyện đàm đạo văn chương giữa anh và chị Chi. Dạo đó không ngày nào anh không ăn cơm nhà em; má thương anh ghê!
- Vì anh tuổi Dần cùng tuổi với ông anh đã chết của em. Vì anh biết nịnh bà già, biết mét má khi bị vợ đánh đòn vì ghen, biết tán chị Chi bằng Alain Robbe Grillet, Nathalie Sarraute, Gunter Grass, Sartre, Beauvois. Vì anh biết dụ trẻ con bằng cách đều đặn đút dưới gầm bàn những tập bán nguyệt san có in hai chữ Kính biếu ở trang bìa; rồi Thềm Hoang, Chim Hót Trong Lồng của Nhật Tiến; sau nâng cấp với Chị Em Hải, Con Đường của Nguyễn Đình Toàn. ĐếnThérèse Desqueroux của Mauriac và Of Mice and Mencủa Steinbeck thì em biết tự mua sách và biết yêu.
- Em sống tội nghiệp quá. Sau kỷ niệm không đẹp với nhà thơ lính, em bay chấp chới, vuột mất ngoài tầm nhìn. Anh chẳng còn thấy em nữa, chỉ nghe thôi.
- Sau kỷ niệm không đẹp, mọi thứ đều đẹp. Em đã có những tháng ngày lãng mạn nhưng hợp vệ sinh với nhà văn này nhà thơ nọ, luôn luôn cảnh giác giữ tư thế ngồi để tránh nhăn lưng áo. Chính anh đã đẩy em vào thế giới sáng tác nơi em không thể không cà-phê phin hoặc trà chanh đường với những văn nhân hàng ngày ngồi chơi xơi nước ở quán Cái Chùa hoặc Givral – khu vực…hmmm…văn hóa nhất của Sài Gòn ngày trước. Kẹt cái là họ đều có vợ, đỡ cái là em không chủ trương làm lẻ làm chẵn để làm chi. Mấy ông kẹ thấy táo hườm hườm thì muốn hái, nhưng đúng ra chỉ là trái cây chín dú.
- Vẫn không quên buổi trưa hai anh em nằm với nhau trong căn phòng 1 giường ở khách sạn Diplomat. Lần ấy thực tình anh chỉ muốn biết táo dú khí đá và chín cây thì khác nhau như thế nào, nhưng anh đã không cắn vì thấy em thực sự còn xanh. Mà hình như em cũng chỉ thích lắt lẻo trên cành thôi.
- À, buổi trưa đó hả? Mình đã giữ vệ sinh chung cho đến lúc nghe mưa ào xuống bên ngoài thì ngồi bật dậy xem đồng hồ rồi trả phòng, men theo hàng hiên tìm quán hủ tíu trên đường Tôn Thất Thiệp. Chỉ có lần đó, một ngày cuối năm, hai anh em mới có dịp nói chuyện nhiều trong cái phòng tránh nắng có máy điều hòa ở nhiệt độ 17. Cũng là lần đầu tiên anh đặt tay lên cái ngực lép của em, phía có trái tim, rồi phát giác ra nó không đập. Màu xanh của táo đi ra từ chỗ có màu đỏ của tim.
- Em đưa cái trí thông minh của em xuống dưới ấy, trái tim chết ngắc là phải rồi. Theo những gì anh biết sau này về em, anh thấy nó ngắc ngứ tùy cơn; có vẻ như em dị ứng với động vật; con nào nhúc nhích thì em đập cho lòi phèo hoặc phun thuốc trừ sâu cho giẫy đành đạch.
- Đã nói là sau kỷ niệm không đẹp ở biển, mọi thứ đều đẹp nhờ em biết vô hiệu hóa bất cứ sinh vật nào ngo ngoe.
- Em lại sống tội nghiệp rồi. Sao em bạc đãi chính mình chi vậy?
- Đâu có! Em an nhiên tự tại mà. Không riêng anh, nhiều người nhìn em như một con bệnh. Bệnh của em, nếu có, nó không làm đau nhức hay chết người như sarcoma. Em lành mạnh và khỏe mạnh hơn anh chứ!
- Có lẽ em nói đúng. Anh đã hậu đãi mình bằng hai cuộc hôn nhân, nhưng thứ này, chậc, có sức tàn phá thật khốc liệt. Anh bị cuốn xiết trong con trốt tình cảm, nghĩa vụ, trách nhiệm, sinh kế, tương quan xã hội. Anh luôn phải đối phó; đến lúc thấm mệt anh nằm xuống nghỉ thì ngóc đầu lên hết nổi. Bây giờ anh đau từng phút từng giây từng cử động. Đêm của anh rất dài. Ngày của anh cũng vậy. Chỉ mới hai tháng nay thôi, nhưng đã dài lắm.
- Em gọi điện để chúc mừng sinh nhật anh, như mọi năm vẫn làm, không ngờ nhận tin xấu. Em thật sự lúng túng không biết hành xử như thế nào trong một trường hợp như vậy.
- Em đã chúc anh lì đòn. Anh không lì thì ai chịu đau giùm anh chứ! Tự nãy giờ em đã giúp anh quên đau, vì mình mải kể chuyện cổ tích. Vì sao khi người ta thất thập nằm chết dí một chỗ thì ký ức tuôn chảy dễ dàng làm dậy lên cơ man là trầm tích. Bấy lâu nay khỏe mạnh sao không có được những lúc như thế này nhỉ?
- Cặn lắng sâu dưới đáy trong khi dòng thủy lưu cứ thoăn thoắt.
- Em còn cuồn cuộn không?
- Á, không. Em lững lờ lâu rồi. Gần như lờ đờ, vì vậy êm ả.
- Bonneuil có nước không?
- Gần chỗ em ở có một cái hồ nhân tạo được đào từ đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Lac de Créteil, 40 ha. Loại ao tù đó mà, không chảy đi đâu được, nhưng có tí hơi nước với gió hiu hiu vào những ngày đẹp trời thì thiên hạ khoái chí đổ xô ra bờ hồ ngồi tàng tàng cũng đủ lãng quên đời.
- Có ví von gì không?
- Không. Chỉ là cái hồ ở gần nhà.
- Chỗ em ở ra sao?
- Vẫn cái ấp em thuê hàng năm. Một căn hộ 30 mét vuông gọn xinh dành cho người độc thân. Mặt trời phía đông phía tây đều hất nắng vào chỗ em đang ngồi đây. Có cái ban-công be bé có thể kê 5, 6 chậu nhỏ để trồng cây xanh. Em đang ươm ngò rí, tía tô, quế và ngò gai. Đã nẩy lún phún rồi.
- Chi vậy? Nghỉ hè xong trả nhà quay về cố quận, bày đặt trồng trọt chi cho mất công?
- Do có tình yêu vô biên đối với thực vật.
- Hừ! Kể ra em có đời sống vương giả đáng thèm.
- Xa xỉ gì bọn rau nhiệt đới? Sao lúc nãy phê là em sống tội nghiệp, bạc đãi bản thân?
- Là ở khía cạnh tình cảm kìa!
- Cái khía đó hồn ai nấy giữ anh ơi! Ăn thua là an toàn lao động. Mà con người ta đâu chỉ sống nhờ một khía.
- Em nói làm anh nhớ con ba khía quá! Hồi đó má cho ăn hoài. Mắm ba khía xé phay trộn với chanh ớt tỏi đường ăn cay chảy nước mắt nhưng cứ xới thêm cơm, đặc biệt ngon với mưa lầm rầm trên mái tôn.
- Giờ sống văn minh ở Mỹ, ở nhà to, lái xe hơi vèo vèo trên đường cao tốc bày đặt nhớ chùm khế ngọt. Má thì qui tiên rồi. Ba khía dạo này ốm nhách không có thịt. Nhà mái tôn đã được sửa lại, có chỗ khang trang cho anh nằm dưỡng bệnh, có cây xanh từ trên xuống dưới từ trước ra sau cho anh ảo giác vườn quê, có cái bàn 50 tuổi vẫn còn ở vị trí cũ cho anh hồi tưởng những buổi đàm đạo văn chương với chị Chi. Nhưng mà thôi, sarcoma không phải là thứ để nhân danh.
- Em thử nhân danh một thứ khác đi!
- Đừng dạy đời em!
- Trước khi đi biển với nhà thơ lính em đã ngồi uống soda chanh với anh ở Givral để hỏi ý kiến; lần đó em rao là nhân danh tình yêu. Sau khi trở về em lại coi chuyến đi như một tai nạn. Anh đã hăm he trước: hạnh phúc như hòn lửa đỏ ngậm trong miệng, dù sao cũng phải bỏng; em đâu có nghe!
- Hay dạy đời vậy nên em mới cảm tác Bài Đức Dục Của Lão Chăn Trâu.
- Mới mười sáu tuổi đã làm thơ mặn như muối, giọng điệu du côn.
- Trời! Anh còn nhớ ư?
- Sẽ đọc cho nghe.
Chàng dạy tôi cười bằng đuôi con mắt
Và khóc bằng hai bàn tay bụm lấy mặt
Như một kẻ khốn cùng
Tôi chỉ gục gặc

Chàng dạy tôi yêu bằng chân không
Và tập đau bằng lục phủ ngũ tạng
Như một kẻ dốt nát
Tôi dạ vâng

Chàng dạy tôi nói bằng sự lặng im
Và lẩn trốn bằng sự phù phiếm
Như một kẻ vô vọng
Tôi ngậm câm

Lời chàng dạy tôi cho đi qua
Như con nước chảy ra biển cả
Chàng bèn đánh đập
Tôi rên la

- Chà, rõ ràng là em lì như trâu mà! Anh chăn em đâu có được. Còn một bài Cách Ngôn em tán anh nữa, nhớ không? Cái gì mà…
Chàng dạy dỗ tôi bằng những lời này
Tôi gục đầu nghe bằng hai lỗ tai
Giọng chàng hàm hồ giọng chàng đay nghiến
Môi chàng nhịp nhàng lưỡi chàng huyên thuyên

Chàng nói và nói chàng nói như hát
Chân chàng cày bừa tay cấy gặt
Môi chàng chích chòe lưỡi chàng chìa vôi
Tôi càng hỗn mang chàng càng gay gắt

Chàng đổ cát xốp cho dã tràng xe
Chàng nhịp chày cùn vồn vã trên đe
Huy chương mề đay chàng máng trước ngực
Tội nghiệp lời chàng tôi bưng tai nghe

Ngồi trong lòng chàng như ngồi giữa trời
Lần vải áo chàng rịn mồ hôi người
Mặn như muối hột tanh như nước biển
Biển thì mênh mông tôi chìm như chơi

- Ha ha! Sau đó thì anh viết Niềm Yên Lặng Của Biển. Mà có yên lặng gì đâu, dạo ấy sao anh ba hoa thế; lại chỉ nói về mình, khoe khoang với em hằng hà sa số chiến lợi phẩm tình ái.
- Ui, mắc cười quá! Mình đã là nguồn cảm hứng của nhau. Vậy sao mình không trở thành đại văn hào nhỉ?
- Có những người làm một bụm rất nhỏ những chuyện lớn, trong khi mình ôm một bụm lớn những chuyện nhỏ.
- Thời khắc này anh ngộ ra như thế cũng còn kịp lúc.
- Kịp cho cái gì? Cái chết hả?
- Không. Cái sự sống. Bằng cách này hay cách khác nó đã được kéo dài để mình kịp có thì giờ mà ngộ ra điều này điều kia.
- Anh còn ngộ ra một điều nữa: có những thứ nằm bên dưới và bên trong của bên trên và bên ngoài.
- Tưởng gì! Em cũng biết cái đó. Vậy nên em chui ngược trở vô để sống với nó.
- Khi nó tống em ra thì em gọi cho anh hả?
- Đâu có! Em tống nó ra.
- Anh lại nghĩ khác: em cứ nhào ra nhào vô theo các cơn bốc đồng của chính em thôi. Anh biết em quá mà! Chỉ khi bò ra khỏi cái hang ở cố quận, em mới đâm ra hào sảng, hiểu ở nhiều nghĩa.
- Ở trong hang thì làm gì có nhu cầu chi tiêu.
- Thảo nào thấy em toàn cảm tác lăng nhăng khi dạo chơi ở ngoài, và chỉ gọi anh khi đã an tọa đâu đó mà không phải căn nhà trong hẻm.
- Biết hết còn gì để nói nữa!
- Nói cho anh nghe về cái hang của em đi.
- Nó rộng hơn cái ấp này 9 lần, tính luôn không gian dành cho thực vật. Ít khi em chui ra khỏi hang trừ phi đi chợ. Hang không có lóng lánh thạch nhũ hay róc rách khe suối nhưng có điện nước đầy đủ, có lò điện lò gas, quạt máy bàn ủi. Đại khái, những tiện nghi tối thiểu, cho nên hang nhân không phải khắc khoải nhớ tiếc ánh sáng văn minh đô thị. Cái hang hùm của anh mới có nhiều chuyện đáng nói chứ!
- Ứ hự, bây giờ anh như cọp mắc thuốc, ngày ngày lại ngâm bài Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ.
Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…

- Lại xạo rồi! Trong cuộc sống vật chất thặng dư, anh chợt
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
.

Trong số mấy triệu khúc ruột ngàn dặm, rất nhiều khúc thành đạt hưởng thụ đã đời xong về thăm quê hương chê dơ chê thúi chê lạc hậu, nhưng lại làm thơ viết văn rên rỉ
Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa
.

Chịu, không hiểu nổi!
- Lại làm bộ rồi! Hiểu chứ sao không hiểu?
- Xạo gặp làm bộ, hèn chi vui quá trời.
- Nè, em gọi cho anh để chúc sinh nhật phải không? Giờ chọc tức cho anh lên huyết áp phải không?
- Không. Hai anh em mình khắc khẩu, gây với nhau nửa thế kỷ nay rồi. Tử tế được một lát thế nào cũng nháng lửa. Thôi, em cúp máy đây. Khi nào ngọa hổ tàng long ở bệnh viện Stanford để làm chemo thì cho em biết để em chọc tiếp. Nhớ đấy, phải lì đòn, bất chấp thập diện mai phục!
- Quỷ sứ!

Bonneuil, 07.2013

Nguồn : DaMau

________________________________________________________