Chữ nghĩa làng văn

tháng 02.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tiếng Việt trong sáng
“Khủng”, từ trong nước, được "bộ phận" giới trẻ và giới báo chí dùng. Từ cũ là "kinh khủng" hay " khủng khiếp" (dịch từ "awful" / "awfully" trong tiếng Anh).
Bây giờ, người ta cắt gọn lại cho nó…"khủng" hơn.
Thí dụ: nói về một món hàng, một thiết bị công nghệ "tối tân", "mới ra lò" chẳng hạn, toà báo có thể chạy tít : "Microsoft vừa tung ra thị trường một thiết bị “khủng".
Hoặc, thậm chí, tít chạy trong một bản tin xã hội hay giải trí : "Mười mỹ nhân sở hữu vòng một “khủng’ nhất thế giới", hay : "Những người đẹp có vòng ba ‘khủng’ nhất hành tinh" (!!!).
(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Chữ Việt cổ
mọ : cụ già
(Phạm Xuân Độ)

Thơ mới
Nguyễn Đức Tùng: Nhân cách của nhà thơ biểu hiện qua phong cách, giọng điệu. Phong trào Thơ Mới và văn học trước 1945 như Tự lực Văn đoàn, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, cùng thời với anh, đã ảnh hưởng đến phong cách của anh ra sao?
Dương Tường: Tôi sinh năm 1932. Như thế là tôi sống qua thời kỳ Thơ Mới, tất nhiên là thế hệ của tôi, bạn bè tôi đều thấm đẫm tinh thần của thời kì vàng son rực rỡ đó. Nhưng ảnh hưởng của họ đối với tôi thì không đơn giản. Ví dụ như vào thời đó nhiều người thích thơ Xuân Diệu nhưng tôi lại không. Thời đó tôi thường nói đùa với bạn bè rằng ông Lamartine ngủ với ông Verlaine thì đẻ ra Xuân Diệu.
Nguyễn Đức Tùng: Ý anh nói là Xuân Diệu không có gì mới cả.
Dương Tường: Đúng thế. Ông ấy chính là hậu duệ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà Lamartine và Verlaine là tiêu biểu, chứ đối với tôi vào thời đó thì không có gì mới cả.
(Phụ đính: Dương Tường là nhà thơ, dịch giả. Nguyễn Đức Tùng là nhà phê bình thơ thuộc thế hệ trẻ. Cả hai đều ở trong nước)
(Nguyễn Đức Tùng - Viết không khác người ta thì đừng viết)

Lác
Lác : thưa thớt, một vài
(mưa lác đác)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Văn hóa người Việt xưa
Thời Hậu Lê 1663, S. Baron người Hòa Lan lai Bắc kỳ sinh ở Thăng Long viết về Đàng Ngoài đề cập đến sử ký, địa dư, văn hóa dân tộc, phong tục, chính sự và y học nước ta qua một quyển sách giới thiệu Đàng Ngoài cho người Anh đọc có tên A Description of the Kinhdom of Tonkin (Thăng Long – Kẻ Chợ).
S. Baron nhận xét người Việt ở thế kỷ 17 như sau:
“Người Việt tầm vóc nhỏ bé, tính tình nhu hòa, hiền hậu, không nóng nẩy nhưng hèn yếu. Ưa ganh tị, ưa khoác lác, hay mê tín dị đoan, lại ở bẩn.
Hiếu học chẳng phải ham hiểu biết mà vì muốn đạt mục đích ra làm quan. Không ưa đi đây đi đó mà cũng không tin lời những người xuất dương thấy rộng nhìn xa. Tự cao tự đại cứ cho người Việt Nam mình là nhất.
Nghệ nhân tài giỏi không phải là không có nhưng bị vùi dập.
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

4 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Hỏi :
- Con lợn khác con heo ở chỗ nào?
Đáp :
- Con heo ăn bắp còn con lợn ăn... ngô!
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)

Tiếng Tầu dễ mà khó
Vu nghĩa là đi qua. Qui là về, là con rùa.
Vu quy là con gái về nhà chồng, không là con rùa về nhà chồng.
Vì chữ “qui” viết bằng bộ “chỉ” như trong chữ vu qui đây có nghĩa là…vợ bị chồng bỏ. Tuy nhiên, nếu như chữ “qui” là con rùa viết với bộ “sước” có nghĩa là…chồng để cho vợ bán dâm.
(Việttide)

Ai là tác giả ca dao?
Thống kê về ca dao cho biết:
Tình yêu             5880 bài                 47,1%
Nhà nông             698 bài                   5,6%
Vợ chồng                61 bài                   0,5%
Vua quan                71 bài                   0,6%
Giàu nghèo             76 bài                   0,6%
Tín ngưỡng             87 bài                   0,7%
Như vậy tình tự là thể tài chính của ca dao, chứ không phải là chuyện cày.Như thế ca dao không phải để phản ảnh đời sống của nhà nông. Muốn làm thơ tình tự (sau này là ca dao) phải trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý với nhân sinh quan, xã hội quan (đôi khi có cả vũ trụ quan) thì “còn ai trồng khoai đất này”, không ai ngòai những hàn nho.
Những hàn nho không thành đạt, làm thày đồ, làm thày thuộc và đôi khi phải cày cấy nữa. Hàng ngày chen vai thích cánh với dân tình. Họ chính là những người đóng góp vào nền văn chương truyền khẩu qua ca dao.
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Ca dao lơ mơ lỗ mỗ
Chuối khoe chuối hãy còn trinh
Chuối ở một mình sao chuối có con?

Chuyện chữ nghĩa
Thời cụ Nguyễn Du thế kỷ 18 và 19, về thịt chó cụ viết trong bài Hành lạc từ như sau:
Tội gì ngàn năm lo
Có chó cứ làm thịt
Có rượu cứ nghiêng bầu
Được thua trên đời chưa dễ biết
(bản dịch của cụ Lê Thước)
Sát bên nước ta là ông Tầu cũng nhậu thịt chó. Chứng cớ chữ “nhiên” là nhúm lửa gồm 3 chữ ghép lại: Chữ nhục là thịt, chữ khuyển là chó nằm ở trên chữ hỏa là lửa.
Riêng chữ hành lạc ngày xưa của cụ Nguyễn Du khác với chữ…hành lạc ngày nay.
Lạ cực kỳ...! Thôi nhá!
(Trà Lũ – Lá thư Canada)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền Cái trâm
Tục này chỉ là một thứ bí truyền do người mẹ thủ thỉ "tâm sự" ngầm với con gái vào buổi trước khi về nhà chồng. Thời trước, cô dâu quấn khăn nhiễu trên đầu, có đính mấy chiếc kim trên khăn là đủ hiểu rồi. Vì có những trường hợp mẹ mất sớm hoặc đám cưới xa quê vắng mẹ, nên nhiều bà mẹ thời nay không biết để truyền tiếp cho con gái.
Hoặc mẹ vợ đưa cho con rể nhưng bà chỉ đưa 7 chiếc kim.
Xuất xứ của tục này là đề phòng tai biến "phạm phòng".
"Phạm phòng"là gì? Nói thô tục là chết ngay trên bụng vợ khi quan hệ vợ chồng. Ca dao tục ngữ có câu "nhất phạm phòng, nhì lòng lợn" có nghĩa là:
Được ăn lòng lợn ngon miệng, dẫu…chết cũng…sướng.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Tôi chưa đến 13 tuổi nhai ngốn ngấu Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng trên sân thượng giữa trưa nắng ngun ngút, cố mường tượng ra cô giáo Hoàng với đồi thông Ðà Lạt trong ngôi nhà gỗ thông thơm phức với tên nam sinh tên Minh sớm biết hút thuốc, có bật lửa zippo và gan dạ tán tỉnh cô giáo. Tôi ngốn ngấu Tháng Giêng Ðưa Ðám của Nhã Ca, kinh ngạc khám phá tiểu thuyết có sức chở mang gấp mười lần tivi số lượng hình ảnh Tết Mậu Thân ngoài Huế. Trưa nắng thiêu đốt. Tiếng động chiến xa T-54 ầm ĩ từ Gò Vấp đổ xuống Phú Nhuận băng lên đại lộ Hai Bà Trưng không át nổi âm thanh của 16 vỏ chai bia mỗi ngày Túy Hồng quắp rổ đi đổi cho Thanh Nam lúc còn sống trong building Cửu Long và diễn ra trong tiểu thuyết Tôi Nhìn Tôi Trên Vách. Không át nổi tiếng nhạc xập xình mỗi buổi tối cô ca ve đi làm luôn có một người đàn ông chờ sẵn, đem đến một gói Salem xanh biếc trong Thủy và T6 của Thế Phong... Tôi khám phá xã hội miền Nam ngay trong ngày xã hội đó bị xích sắt T-54 nghiến nát dưới lòng đường. Tôi chưa kịp đọc Dương Nghiễm Mậu. Tôi chỉ kịp trông thấy ông bị vất lên xe ba gác chở ra lề đường. Nhưng cũng chỉ một hai tháng sau lề đường bị truy quét tàn dư Mỹ Ngụy và ông biến mất.
Dương Nghiễm Mậu hiện ra trở lại buổi trưa Lê Văn Sỹ. Ông yên lặng quan sát tôi với Nhiên. Chúng tôi, những độc giả thiếu nhi của miền Nam cũ, cũng đột ngột hiện ra trước mắt ông. Cũng đành... dường như ông muốn nói vậy. Tôi cũng quan sát ông, quan sát cái tủ sách trống trơn của một nhà văn miền Nam. Tôi ngắm ông với cảm giác kỳ quặc là ông hãy còn trong tủ kính bị khóa, giống như ông đang là cuốn sách câm chưa được phép mở ra cho tôi xem.
Nhưng Dương Nghiễm Mậu vẫn ở đó, trong sâu thẳm của một miền Nam ngã đạn.
(Sàigòn, ngày lạ mặt - Trần Vũ)

Chữ nghĩa làng…nhậu
Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tại thị
Rượu nhập vào người như chó điên ngoài chợ.
(Cẩu cuồng là cái đèn, đây là đèn sáng ngoài chợ. Còn chữ “cẩu cuồng” là con chó có 2 móc chéo nằm ngang như 2 cái xương)

Tửu sử ngoại truyện
Thế kỷ 14, người Nhật mượn bến Vân Đồn làm ngõ thông thương qua đất Đại Việt để mang về tơ lụa, đồ gốm. Thời đó họ chưa biết làm đồ gốm. Bát uống trà của trà đạo sau này chính là đồ gốm Chu Đậu trước kia. Trà cụ đầu tiên do thiền sư Raku Zengoro, thời lãnh chúa Ashikara mang về cho thiền viện Kasuga có dáng bát trà đời Lý, được gọi là An Nam Yaki của làng Chu Đậu thời Lê Mạc và được trưng bày ở bảo tàng viện Tokyo và Nagoyga.
Vương Hồng Sển trong Khảo cổ về đồ sứ men lam Huế viết: Người Việt uống chè xanh, chè vối bằng bát. Lại nữa bát trà mang hình thái bình bát của các tăng sư ta, nên ảnh hưởng đến chén tống (temmonlu) của người Nhật sau này.
Cũng theo Vương Hồng Sển:
Chén Tống trước để uống trà, sau để uống rượu.
(Nguồn: Vương Hồng Sển)

Sách giáo khoa
Tôi cho rằng dạy văn thì phải đúng là dạy văn, chương trình văn học thì phải đúng là chương trình văn học. Vẫn quan tâm tới vấn đề tư tưởng, nhưng phải có phẩm chất văn học thật sự. Vẫn tuyển lựa nhiều tác giả, nhưng tập trung vào chín ông nhà văn. Chín vị này được tuyển nhiều hơn những tác giả khác, có bài khái quát riêng về tác giả. Đó là: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nam Cao.
Tất nhiên không phải chỉ có chín ông này là lớn hơn cả, cũng phải cân nhắc nhiều mặt: có miền Nam, miền Bắc; có giai đoạn lịch sử này, giai đoạn lịch sử kia; tiêu biểu cho những trường phái văn học nhất định. Tinh thần đổi mới của chương trình này là: dạy văn phải đúng là dạy văn, lịch sử văn học phải đúng là lịch sử văn học, chứ không phải dạy lịch sử chính trị, lịch sử xã hội
(Nguyễn Đăng Mạnh - Dạy văn thì phải đúng là dạy văn)

Ca dao cổ phong
Cổ phong là thể thơ lâu đời ở Tàu. Khi mượn chữ viết của họ, ta tìm hiểu văn hóa của họ. Thể thơ trong Kinh Thi rất giản dị, nó chỉ là những câu dài bằng nhau được đặt kế tiếp nhau, không đòi hỏi phải có vần. Nhà nho ta dựa theo thể làm thơ chữ Hán, rồi sau đó làm thơ tiếng Việt, sau đấy để có những bài ca dao giản dị như:
Sáng mài cưa
Trưa mài đục
Tối dục cơm
Hoặc giả như:
Con chim sáo sậu
Ăn cơm nhà cậu
Uống nước nhà cô
Đánh vỡ bát ngô
Bà cô phải đền
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Thành ngữ và danh ngôn
Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ...Nay con cháu mai sau đời sau chế tác "lung tung, trống kèn" những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ:
• Có những điều mà 1 ngưòi không biết, 2 người không biết, 3 người, 4 người... cũng không biết thì đơn giản là họ có biết cái quái gì đâu.
• Thà ngu vì thiếu i ốt còn hơn là thiếu i ốt mà vẫn ngu
(Hic! Nó nói cái gì thế).
• Trông mày khôn lắm cơ! Thằng ngu ạ.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
Ba đào 波濤
Soạn giả giải thích: ba = sóng; đào = dậy sóng; và, ba đào = chìm nổi gian truân. Theo chữ Hán, ba 波 là sóng (nghĩa là mặt nước bồng bềnh nhấp nhô), đào 濤 là sóng lớn (danh từ) chứ không phải là dậy sóng (động từ). Ba đào nghĩa là sóng nước, chỉ cảnh chìm nổi lên xuống trong cuộc đời. Ðã soạn từ điển thì phải tra cứu thật cẩn thận rồi mới nên viết ra, vì từ điển là sách tra cứu cho mọi người, góp phần đào tạo con em chúng ta “nên người”.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Sau một loạt ấn bản “từ điển Vũ Chất” bị “tuýt còi” với lỗi ngô nghê, mới đây, lại có thêm một
cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn, với đối tác liên kết là Nhà sách Huy Hoàng.
“niết bàn” là “nát bàn”
(Chính Lê)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Theo các nhà ngữ học thì tiếng Việt là thứ tiếng đứng thứ 12 trên thế giới về số đông người nói là 83 triệu. Tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ ngữ 58 thứ tiếng lớn nhỏ ở nam Á châu, từ tiếng Thái Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Muờng, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm.
Như cụ Nguyễn Gia Thiều cách đây gần 200 năm đã viết:
"Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán"
“đành hanh” là tiếng gốc Chàm, có nghĩa là ganh ghét, ganh tị
(Nguyễn Hy Vọng - sưu tầm & tản mạn)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đánh răng: Không phải là đánh, đập cho răng đau.
Mà là dùng bàn chải và kem làm cho sạch răng.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú, không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Tiếng rao hàng của người Nam bộ
Ai ngủ hôn? = Ai ăn tàu hũ hôn!
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Câu đố
Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo tính quan niệm của hình ảnh/ Có một số hình ảnh lặp đi lặp lại trong một số câu đố khác nhau. Chúng cho thấy việc dùng những hình ảnh này đã phản ánh một sự nhìn nhận, một quan niệm về đối tượng được đề cập. Dưới đây là một số các hình ảnh này:
“Con đánh mẹ, mẹ la làng,
Làng ra, con lại nằm ngang trên đầu”

(Cái dùi và cái mõ)
Hình ảnh “mẹ - con” của vật không phải người hay động vật mà là dụng cụ gồm hai loại bộ phận rời, thì bộ phận lớn là “mẹ”, bộ phận bé là “con”.
(Triều Nguyễn - Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Góp nhặt sỏi đá!
Hỏi: Tui mù tiếng Việt, ngó mấy câu ca dao này tui mù chớt luôn!
Nhờ ông thày bày dùm, tui cám ơn thiệt tình.
- Đồ láu cá láu tôm
- Chó có váy lĩnh
- Chỉ đâm ba chầy củ

Đáp: Để tui…“Ăn đàng sóng nói đàng gió”à nha.
(DatViet.com – Trau giồi tiếng Việt)

Chữ Việt gốc Tầu
Chữ Việt gốc Tầu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại. Như:
Chí quách (còn gọi là xí quách) với chí là heo và quách là xương, chay (kiêng thịt).
Dầu chá quẩy nghĩa là “quỷ chiên dầu”, quỷ đây là vợ chồng Tần Cối (còn gọi là dầu cháo quẩy).
Bò bía là bánh tráng cuốn củ sắn, tôm khô nhỏ, lạp xưởng đậu phọng rang.
Há cảo với há là tôm, cảo là bánh tức bánh tôm..v..v..
Cón là láng. Ta ghép chữ thành lán cón, thật sạch, lán cón.
(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trong Phụ nữ tân văn số 5-1929 có bài thơ tựa đề Sài Gòn của tác giả Hải Khách:
Sài Gòn nguyên thị nhất đô hội
Đủ Tây, Chà, Chệt, Mọi, Cao Mên
Kể chi là đất người quen
Tiêu khiển cũng một đôi phen lếu láo
Vậy người Nam đã gọi người Hoa là “chệt” trước thập niên 30.
(Phan Anh – Chùa Hoa)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 05 tháng 02.2017