Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 03.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tạp ghi sau 40 năm
Chiều 30-4. Tôi đi một mình ra doanh trại Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Trên đường vài ba chiếc tăng T54 cháy rụi nằm bổ ngửa. La liệt quần áo lính vứt ngổn ngang. Tôi đến sát cổng quân trường, mấy người bộ đội áo quần xanh lụng thụng dép râu, mình còn cài lá ngụy trang, răng mặt vàng lườm… bắt tôi đứng lại, không được đến sát cổng vì đoàn phim đang quay. Tôi nhìn theo hướng tay chỉ và thấy một đoàn khóa sinh tân binh từ trong trung tâm đi ra. Tất cả đều phải đứng lại trước các máy quay phim, khi được lệnh từ phía sau máy thì từng người cúi xuống lột hết giày và quần áo lính, chỉ mặc độc mỗi quần lót. Những đoàn lính bộ đội đứng cười cợt khoái chí, một số ít thay vì cười cợt sảng khoái thì quay sang nói chuyện với những người dân hai bên đường. Có những câu hỏi và trả lời khắc mãi trong lòng tôi mà sau này nhiều người lấy đó làm giai thoại.
Với tôi, ngay lúc bấy giờ, tôi không thể cười được. Có cô hỏi:
– Sao anh trẻ thế?
– Trẻ gì nữa. Mười sáu mà còn trẻ.
Cô đang cầm que kem, hỏi anh bộ đội:
– Anh thích ăn cà-rem không?
– Không?
– Thế Hà Nội có cà-rem không?
– Có. Khối gì. Còn phơi để dành nữa.
– Hà Nội có Tivi không?
– Khối gì. Tivi chạy đầy đường.
(Phạm Văn Thành)
Tác giả không ở Hố Nai nữa mà đang ở…Paris.
xem…bộ đội nuôi cá trong bồn cầu
ở tiết mục: Ngày thứ 2 - Ban Mê Thuột thất thủ ngày 11-3-1975.

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.
Như đôi lúc vui đùa với chữ để chỉ một cảnh sinh hoạt bình thường của một gia đình làm nghề chài lưới:
Cha chài mẹ lưới con câu
Chàng rễ đóng đáy con dâu ngồi nò

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ăn đi: Không có nghĩa là vừa ăn vừa đi mà chỉ nhắc là ăn mau.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

Làng
Từ nãy giờ, chúng tôi chỉ nói đến những tiếng Việt gốc, do hay không do tiếng Tàu mà ra.
Nhưng nếu nó không do tiếng Tàu mà ra thì tự nhiên nó thành hình, hay do ngôn ngữ nào khác? Về điểm đó, chúng tôi chưa kịp học cho tới nơi, những công trình ngôn ngữ học của người Pháp cho rằng tiếng Việt có họ hàng với tiếng Thái cũng chưa chứng minh được gì. Nhưng tiết lộ sau đây có thể làm quí vị ngẩn ngơ suy nghĩ. Là danh từ làng của ta là tiếng Mã Lai đấy. Người Mã Lai đọc là T'Làng.
(Bình Nguyên lộc - Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tóc thề em để ngang vai.
Anh mà đụng tới bụp liền đó nghe.

5 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Chúng tôi bắt đầu hỏi ông về những cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà ông đã đọc được lúc còn là một đứa bé lớn lên ở vùng châu thổ sống Cửu Long giữa hai trận thế chiến. Ông nói: "Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương phong nguyệt truyện của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một câu chuyện tình xảy ra ở miền Nam, chẳng có gì là dâm ô cả. Cuốn tiểu thuyết kế tiếp tôi đọc được là cuốn Chăng Cà Mum [1] của Nguyễn Chánh Sắt. Đây là câu chuyện về một cô gái Việt Nam sống gần biên giới Miên, bị bắt cóc đưa sang Miên một thời gian khá lâu trước khi được quay trở về Việt Nam, Cuốn tiểu thuyết này chưa được xuất bản nhưng đã được quảng bá rộng rãi trên tờ quảng cáo của một tiệm thuốc Bắc. Tiểu thuyết gia kế tiếp mà tôi đọc là Hồ Biểu Chánh. Có thể tôi cũng đã đọc một số tác giả khác ngoài Lê Hoằng Mưu và Nguyễn Chánh Sắt nhưng họ không nổi tiếng mấy và tôi cũng không nhớ được. Nếu tôi biết trước những gì ông bà định hỏi hôm nay thì tôi sẽ ghi lại những chi tiết này đầy đủ hơn."
(Nhớ lần thăm Bình Nguyên Lộc - Phan Việt Thủy)

Cái gia gia là… gì (1)
Hai câu 5 và 6 trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan vẫn được các nhà nghiên cứu và các nhà biên soạn ghi là:
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Xin khẳng định ngay rằng nếu viết là “gia gia” thì “cái gia gia” sẽ là một cấu trúc hoàn toàn vô nghĩa. Vì rằng ba tiếng cuối của câu 5 và 6 trong bài thơ tạo thành hai ngữ từ chỉ hai giống chim, chứ hai tiếng cuối viết thành “quốc quốc” và “gia gia”không phải là những từ tượng thanh (onomatopoeia). Về hai giống chim, như ai nấy đều có thể biết một cách tự nhiên: con trong câu 5 thì đau lòng vì nhớ nước, còn con trong câu 6 thì mỏi miệng vì thương nhà. Vậy thì con trong câu 6 là con gì?
Thưa đó là con đa đa vì những lý do sau đây:
Ngữ âm học đã cho phép khẳng định rằng giữa phương ngữ miền Bắc, miền Nam hoặc Bắc Trung bộ thì cái đĩa ở miền Bắc là cái dĩa ở trong Nam; còn cây da ở trong Nam thì miền Bắc lại gọi là cây đa. Đặc biệt, cái bánh đa ở ngoài Bắc đã từng được gọi là bánh da ở trong Nam. Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị “ Bánh da : Bánh tráng.” Trong Phương ngữ Bình Trị Thiên có rất nhiều dẫn chứng giữa Đ và D như: đa đẻ ~ da dẻ, đà ~ dà, đạ đày ~ dạ dày, đám ~ dám, đao ~ (con) dao, đày ~ dày, v.v..
(An Chi - Cái gia gia chẳng là… cái gì cả!)

Dón
Dón : nói ít
(nói dón: nói ít lời)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Phố Chả Cá
Trước được gọi là Phố Hàng Sơn, ban đầu là một ngõ hẹp; trước năm 1910 chỉ là một lối đi vừa một chiếc xe tay, bên cạnh đầu ngõ lại là một cái cống nhỏ choán cả lối ra vào. Bên trong ngõ có độ dăm bảy ngôi nhà đều chuyên nghề buôn sơn sống đưa từ mạn Phú Thọ về. Sau khi thành đường phố, con đường đó được đặt tên là phố Hàng Sơn, song vẫn bị xếp vào loại phố xép vì chỉ dài một trăm tám mươi mét.
Lý do phố Hàng Sơn được đổi tên là Phố Chả Cá là do có người họ Đoàn (gia đình bà Trưởng Mền, con là Cả Hy) làm món chả cá. Cho đến nay vẫn ngôi nhà cổ thấp hẹp ấy, vẫn chiếc cầu thang gỗ thấp ngược ấy. Trước đây trên gác có sập gụ tủ chè. Các cụ thường ngồi ăn trên sập.

Câu đối viếng Tú Xương
Kìa ai chín suối xương không nát
Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn

(Nguyễn Khuyến)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Những cuốn sách giáo khoa và lịch sử văn học - như của Dương Quảng Hàm và của Vũ Ngọc Phan - đều do những người ở miền Bắc viết. Những cuốn sách này cho rằng những tiểu thuyết đầu tiên ra đời ở miền Bắc, đó là cuốn Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925) và Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật (1925). Mặc dù còn tuỳ thuộc vào cách hiểu thế nào là 'tiểu thuyết', công việc nghiên cứu của chúng tôi, ngược lại, đã chứng minh là những cuốn tiểu thuyết đầu tiên đã được viết ở miền Nam, và có lẽ Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt hay Trần Chánh Chiếu xứng đáng hơn Hoàng Ngọc Phách hay Nguyễn Trọng Thuật trong danh hiệu cây bút viết tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam. Tôi e rằng thành kiến địa phương đã dự phần vào việc thẩm định nên tôi muốn Bình Nguyên Lộc xác nhận sự nghi ngờ của tôi. Sau đó tôi nhận ra là tôi đã quá bồng bột khi chấp nhận một cách giải thích phiến diện cho một hoàn cảnh phức tạp. Bình Nguyên Lộc cho biết mặc dù một số người miền Bắc có thái độ tương tự người Trung Hoa, những kẻ tin rằng họ sống ở 'trung quốc' (Middle Kingdom) và chỉ có bọn man di mới sống ở phía Nam, có một số lý do khác cắt nghĩa tại sao các nhà phê bình miền Bắc không đề cập đến tác phẩm của các cây bút phía Nam.
Ông nói: "Các học giả miền Bắc như Dương Quảng Hàm đã không nhắc nhở đến các nhà tiểu thuyết miền Nam vì họ không đọc được tác phẩm của những người này chứ không phải vì họ không thích người miền Nam. Tác phẩm của người miền Nam không được bày bán ở Hà Nội cho nên họ không biết chút gì về những tác phẩm đầu tiên đã được sáng tác ở miền Nam."
(Nhớ lần thăm Bình Nguyên Lộc - Phan Việt Thủy)

Nói lái
Nói lái là để “chơi chữ”, người nói lái dùng cách hoán chuyển chữ, nguyên âm, dấu và những từ ngươi ta muốn nói lái, như một số địa danh miền Nam:
Chợ Thủ Đức năm canh thức đủ
Hay:
Gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi
Hoặc giả như:
Gái Gò Công vừa gồng vừa co
(Nguyễn Hữu Phước – Nói lái)

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Dưới đời chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu, con chúa Tiên Nguyễn Hoàng

cnlv   Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Đường đi qua vùng Hồ Xá – Quảng Trị (tức truông nhà Hồ) thường có bọn cướp ẩn núp, cướp bóc kẻ qua đường. Năm 1722, Chúa sai ông Nguyễn Khoa Ðăng, làm Nội Tán, đi đánh dẹp bọn cướp đó. Người dân ca tụng việc ấy, qua câu ca dao quen thuộc:
Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm
Phá Tam Giang ở huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên, nơi có 3 sông lớn của Huế (sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương) chảy về rồi đổ ra cửa biển Thuận An. Phá này nhiều sóng lớn, thuyền bè qua lại khó khăn, về sau cạn đi.
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)

Khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
Uống bia
Hà nội: Bia hơi, lạc rang, 9 giờ phắn.
Sài Gòn: Chai lạnh, đá to, nồi lẩu, nửa khuya dzìa.

Đất lề quê thói
Đánh bạc
Trước khi đi đánh bạc ra ngõ gặp…đàn bà chửa là…hên.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Nõ và nường
cnlvTín ngưỡng phồn thực và tục thờ sinh thực khí là hình thái tín ngưỡng cổ xưa văn hóa dân tộc. Đó là lễ hội Trò Trám (Nõ và Nường) ở Tứ Xã (Lâm Thao), ở xã Hà Lộc, Phú Hộ (Phù Ninh), xã Hà Thạch (thị xã Phú Thọ). Hay “Hội ôm” ở An Đạo (Phù Ninh), Thanh Uyên (Tam Nông), Dữu Lâu (TP Việt Trì).
Thờ sinh thực khí hay thờ “Nõ”, “Nường” cũng là hình thức tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp được thấy khá phổ biến ở Phú Thọ mà “Nõ” biểu hiện tính dương được làm bằng gỗ - thường là gỗ mít và sơn đỏ, “Nường” biểu hiện tính âm thường được làm bằng mo cau và được vẽ bằng vôi và mực tàu “y như thật”. Nhân dân thường gọi là “Cua mò cò gỗ”, cả cặp gọi là kén.
Thờ “Nõ”, “Nường” là nghi lễ thiêng liêng của làng xã được gọi là “lễ mật” cử hành trong miếu vào nửa đêm, chỉ có chủ tế, ông từ và một vài cặp trai gái hành lễ. Trai cầm “Nõ”, gái cầm “Nường” đứng hai bên bàn thờ, chủ tế điều khiển cho trai gái chọc nõ vào nhau và hát “cái sự làm sao? Cái sự làm vậy! Cái sự thế nào? Cái sự thế này!”. Cũng có nơi chỉ có ông từ và chủ tế thực hiện mà không có trai gái tham gia. Thờ Nõ Nường có thể coi là biểu hiện của tục thờ Linga - Yoni phổ biến ở Nam Á và Đông Nam Á mà nguồn gốc có thể coi là Ấn Độ.

Dở dói
Dở dói: biểu lộ
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Cái gia gia là…gì (2)
Chính vì mối quan hệ này giữa Đ và D nên chúng tôi mới chủ trương viết da da (chứ không phải “gia gia”) để ghi tên con đa đa. Nhưng với chúng tôi thì chữ của Bà Huyện Thanh Quan không phải “da da” mà hẳn là đa đa.
Và hai câu thơ đang xét trong bài Qua Đèo Ngang là:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái đa đa.
Tiếng Nguồn ở Quảng Bình, một ngôn ngữ cùng gốc (Việt-Mường) với tiếng Việt (Kinh), cũng gọi giống chim này là đa đa. Đây là một bằng chứng chắc chắn để phủ nhận hai tiếng/chữ “da da”. Đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là không riêng gì Bà Huyện, mà cả ông bà ta ngày xưa nữa, tuy không biết chữ quốc ngữ, cũng không học “ngôn ngữ học”, nhưng vẫn có cách để phân biệt d- với gi-, d- với r-, ch- với tr-, v.v., trong khi sáng tạo chữ Nôm. Đó là ngôn ngữ học “tự nhiên nhi nhiên”của họ.
Điểm thứ ba là con cuốc cuốc và cáiđa đa, theo cách hiểu và cách ghi của chúng tôi, cũng rất “đối chọi” theo đúng luật thơ Đường chứ đâu phải là không. Và tuy Bà Huyện “chơi chữ” nhưng bà không bóp méo từ ngữ: cái đa đa là cái đa đa, chứ dứt khoát không thể thành “cái da da”, càng không thể là “cái gia gia”.
(An Chi - Cái gia gia chẳng là… cái gì cả!)

Khác biệt văn hóa
Khen/chê cái gì đó.
Sài Gòn : ngon bà cố luôn.
Hà Nội : ngon cực (kì).

Cái và con
Trong buổi thuyết trình về văn hóa có Hồ Chí Minh chủ tọa. Mở đầu cuộc thuyết trình, Phan Khôi chê tiếng Pháp khó: Cái gì mà “con chữ” thì là đực (le mot) mà “cái giọng” thì lại là cái (la voix).
Rồi cụ đoan quyết: “Tiếng Việt ta giầu, đẹp và chính xác, mà còn rất cụ thể và sinh động như những gì động đậy thì được gọi là “con” như con gà, con ngỗng…con chim. Nhưng gì bất động thì được kêu là “cái” như cái bàn, cái ghế…cái hĩm.
(Lê Đại Lãng – Bút chiến ở miệt dưới)

Phố cũ không còn tên ở Hà Nội
Qua bao biến động từ thời vua Lê chúa Trịnh cho đến nay, đường phố cũ ở Thăng Long - Hà Nội cũng nhiều đổi thay. Nhất là các phố nằm trong chợ Đông Thành xưa, là chợ lớn nhất kinh thành Thăng Long gồm phố: Hàng Gà, Hàng Cót, Bát Sứ, Hàng Đồng, Thuốc Bắc, Hàng Phèn, Hàng Bút, Hàng Vải, Lò Rèn.

cnlv

Ngoài ra những phố không còn tên nữa là: Phố Thuốc Nam (còn có tên là phố Nồi Đất thuốc nam) - Hàng Khóa – Hàng Mụn – Hàng Điếu – Gai Võng và Phố Hàng Mãn (bán mèo)

Khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
Phong cách sống
Người Hà Nội ra ngoài ban ngày, đêm về với u nó.
Người Sài Gòn ban ngày ở với vợ, đêm ra ngoài nhậu với bạn.

Cảm nhận của một người Hà Nội về người Sài Gòn
Người Sài Gòn không nhậu trưa, chỉ có nhậu từ tối, đêm, sáng. Dân nhậu có câu “Tình thương mến thương”, thấy bàn bên cạnh có anh chàng nói chuyện vui, sang cụng cái, bàn bên kia có cô bé dễ thương đi một mình sang cụng một cái. Cụng qua cụng lại một lúc lại sắp vài bàn vào làm một. Zô là zô là zô là zô.
Nhiều người cứ nghĩ rằng nhậu nhẹt ở Sài Gòn là bê tha, người Sài Gòn không thế. Nhậu là chia sẻ, là giải tỏa những gì còn đọng trong ngày, có chút hơi men uống vào cho quên. Sáng dậy lại hòa mình vào cuộc sống và quên đi những chuyện cũ.

Phố Hàng Kèn
Từ thời Lê, khu Kẻ Chợ 36 phố phường tập trung ở quanh phố Hàng Đào. Duy có phố Hàng Kèn tách riêng ở phía nam Hồ Gươm. Phố này có một phường kèn trống bát âm chuyên cung ứng các đám rước thần và đám ma. Còn đòn và người khiêng đòn đám ma thì ở phố Hàng Đàn. Phố Hàng Hòm làm quan tài (sau đổi tên là phố Lò Xũ).
Cuối thế kỷ 19, Pháp lập mấy phố mới: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt... nên những người cho thuê đòn đám ma, rồi phường bát âm đều dọn lên Hàng Lược để tiện cho các gia đình có đám đến thuê.

cnlv
Quán Trung Đồ, tức quán giữa đường, nơi tạm dừng chân của những chiếc xe tang độc mã hay tam mã (260 phố Huế).

Hai phố cổ nhất của Phố Cổ
Tại khu Hà Nội 36 phố phường, có hai phố cũ mang tên Hàng Bừa, Hàng Cuốc vì chuyên sản xuất bán ra các công cụ đó. Từ khi Pháp sang lập thành phố Hà Nội (1888), họ đổi tên chung cho hai phố này là phố Lò Rèn như hiện giờ.

(còn tiếp)