Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 03.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tạp ghi sau 40 năm
Sau khi Bắc quân chiếm thành phố Ban Mê Thuột, nhiều chuyện thật khôi hài, nhưng lại rất thật đã xày ra trên thành phố này. Không hiểu sau này, em út tôi lớn lên, đọc lại những điều tôi viết ở đây có tin hay không, vì bây giờ là năm 1975, chỉ còn 25 năm nữa là hết thế kỷ thứ 20.

cnlv 
Tù binh tại Ban Mê Thuột

Một số dân thành phố chạy thoát khỏi thị xã, bộ đội chiếm dụng những căn nhà này. Ban Mê Thuột tuy là một thành phố nhỏ so với các thành phố khác nhưng nhà cửa được xây dựng trong khoảng thập niên 60, với lối kiến trúc tân thời như nhà tắm, nhà bếp, phòng khách rất tiện nghi và khang trang.
Một ngày, có 2 bộ đôi chiếm dụng 1 căn nhà trên đường Hai Bà Trưng, ra chợ mua 2 con cá lóc (do bạn hàng từ quận Lạc Thiện mang ra chợ Ban Mê Thuột bán) đem về thả trong hầm cầu (toilet bowl). Ngày hôm sau, cá biến mất, 2 bộ đội kết tội những nhà lân cận ăn trộm cá của cách mạng, hàng xóm hết cả hồn vía.
- Ai đã vào nhà ăn trộm cá, phải thành thật khai để được khoan hồng.
Hàng xóm sợ quá đành đứng chịu trận để cho cán bộ thóa mạ, mãi một lúc khá lâu, có cụ H. đã ngoài 60 tuổi, lấy hết can đảm để hỏi cán bộ:
- Thưa cán bộ nhốt cá ở đâu mà bị mất trộm?
- Đây, vào đây tao chỉ cho, cán bộ cách mạng không bao giờ nói láo
Cụ H. vào nhà mới hay cán bộ đã nhốt cá ở…Cán bộ lại còn khen, nước trong thùng này mát lắm. Cụ dở khóc dở cười và gỉai thích cho cán bộ cái công dụng của…cái bồn đi cầu.
(Nguyễn Định - Ban Mê Thuột những ngày đầu)

Áo sường sám
Cái áo trường sam là áo vạt dài, tức áo dài của người Hoa đọc theo âm Hoa. Hán giọng Quảng Đông là sường sám.
Các tiệm may hiện nay không hiểu bèn cải biên thành sườn xám, có lẽ định gán cho nó một ý nghĩa…cái sườn màu xám chăng?
(Cao Tự Thanh)

Viết và nói tiếng Việt
Giáo sư Cao Xuân Hạo là nhà ngữ học ở Hà Nội đã viết nhiều bài về tình trạng “viết và nói tiếng Việt”. Tiếng Việt và tiếng "Hán-Việt" bị sử dụng sai nghĩa, sai ngữ pháp như:
Ðảo và ốc đảo - Ðảo là một khoảng đất đá nhô lên giữa một vùng nước rộng lớn hơn (sông, hồ hoặc biển), còn ốc đảo là một khoảng có cây và nước ở giữa sa mạc. Hai từ hoàn toàn khác nhau về cả nghĩa cụ thể lẫn hàm ý, nhưng rất nhiều người thường dùng ốc đảo với nghĩa là đảo.
Sưu tầm - sưu tập: Sưu tầm là tìm kiếm, thu thập và tập hợp lại một cách có hệ thống. Các bộ sưu tập là kết quả của công việc đó. Cách nói đúng là: “Nhà sưu tầm và bộ sưu tập” thí dụ: Nhà sưu tầm X nổi tiếng với những bộ sưu tập quý hiếm.
Nhưng gần đây, trên sách báo gọi là nhà sưu tập như thể chữ nhà sưu tầm chưa bao giờ tồn tại vậy.

Tây Hồ - Hồ Tây

cnlv
Hồ Tây - 1878

Trong dân gian, hồ được gọi là hồ Trâu Vàng và còn có nhiều tên khác nữa là như Đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, hồ Lãng Bạc, Đoài Hồ, hồ Dâm Đàm. Dâm Đàm (đầm mù sương - khói sương mờ mịt tạo nên cảnh trời, đất, nước kỳ lạ). Theo tài liệu của ông Bùi Văn Nguyên trong Cảnh trí Hồ Tây xuất bản năm 1978" thì tên Dâm Đàm còn được sử dụng đến năm 1573 (đời nhà Trần, nhà Lý). Khi vua Lê Thế Tông lên ngôi, vì tránh gọi hồ là Dâm Đàm, là tên húy của vua là Duy Đàm, nên gọi là Tây Hồ.
Năm 1832, Minh Mạng thứ 12 đổi tên Thăng Long là Hà Nội và Tây Hồ là Hồ Tây.

Don
Don : không lớn, không nhỏ
(người ngợm don don)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nghệ Thuật số 1 ra ngày 1 tháng 10,1965, Bình-nguyên Lộc gửi cho truyện ngắn Con Nai Vàng, đăng hai kỳ báo mới hết. Tới số 5 anh đưa cho truyện ngắn khác, Bệnh Thành Phố. Quen biết nhau từ hồi anh có mặt trên các tờ Nhân Loại của các nhà văn miền Nam, tòa soạn ở Bến Chương Dương, và quanh các nhật báo thời ấy, song từ nhật báo tới tuần báo, không khí môi trường lại khác. Một bên ào ào, một bên thong thả. Từ tòa soạn ở đường Phạm Ngũ Lão tới tư gia tác giả Ký Thác, Ðò Dọc, ở bên kia đường Trần Hưng Ðạo, chỉ khoảng mười phút. Còn nhớ, nhà anh ở trong một con ngõ, lối đi phẳng phiu, tương đối rộng, khác hẳn những con ngõ ngoằn ngoèo khu Phan Ðình Phùng, hay Nancy. Anh thường đi bộ từ nhà tới các tòa báo ở đường Phạm Ngũ Lão: Văn, Kịch Ảnh, Màn Ảnh, Phổ Thông, Thời Nay, Sài Gòn Mới, Nghệ Thuật, Khởi Hành,... Góc Phạm Ngũ Lão-Ðề Thám-Bùi Viện là “Ngã Tư Quốc Tế,” nơi đặt tổng hành dinh của một nhà phát hành báo. Căn phòng “con nai đồng bằng” ngồi viết chật ních sách vở, không phải trên kệ sách, mà xếp chồng chất trên các mặt bàn mặt ghế. Anh thường mặc pajama màu nhạt, hay màu xanh thật nhạt. Lúc ra mở cửa tiếp khách, nụ cười đã sẵn sàng, tay phải luôn luôn cầm một cái bút nguyên tử. Anh đang viết dở một cái gì đó. Còn bài cho bạn, anh hẹn tới lấy, thì đã xong rồi, ở góc xấp bài đóng ghim cẩn thận. Phòng anh không được sáng lắm, lại càng không sáng vì những tấm song sắt mỏng che các mặt kính, như nếu kính có vỡ, người ngoài cũng không thể xâm phạm tới bên trong. Ðó là những hình ảnh giờ này nhớ lại, sự thực có thể là khác hơn.
(Bình Nguyên Lộc qua trí nhớ - Viên Linh)

Chữ và nghĩa
Gọi là rau má nhưng chẳng liên quan gì đến..má hay mẹ gì cả?
Trái sầu riêng ăn vô chẳng thấy sầu riêng,…sầu chung gì cả!
Trái khổ qua ăn đắng sao không kêu là…khổ quá?
Bưởi “Năm roi” ăn rất ngọt cớ chi kêu là…năm roi?
Trái…vú sữa, cây…dái ngựa thì xin miễn bàn!
(Lê Anh Tuấn – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Cảm nhận của một người Hà Nội về người Sài Gòn
Người Sài Gòn có món nhậu, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, có tiền cũng nhậu, hết tiền càng phải nhậu. Giầu thì uống rượu Tây, bình dân thì Ken, Sài Gòn đỏ, Tiger (chỉ dành cho những ông già tầm 60 - bữa nào kể cho nghe), nghèo thì ngọc dương, chuối hột và vài trái xoài.

Phong kiến
"Phong kiến" viết tắt của “phong tước kiến địa”.
"Phong tước" là vua ban quan tước cho mỗi người một tước hiệu như công, hầu, bá, tử, nam.
"Kiến địa" là vua ban đất cho lãnh chúa mỗi người một vùng. Lãnh chúa tự cai trị lãnh thổ của minh, lập quân đội và thu thuế riêng
Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu Châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi.
Ở nước ta không có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu). Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.
(Triệu Thanh tạp chí)

Đất lề quê thói
Thề
Hai người nợ nần nhau rủ nhau tới đền thiêng để thề. Khi thề ngừời ta cắt cổ một con gà và thề rằng nếu gian dối sẽ bị thánh vật…như con gà bị cắt cổ vậy.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Viên Linh: Ông viết văn như thế nào? Một ngày ông viết được bao nhiêu trang? Ông có đọc lại những gì ông viết ra không?
Bình Nguyên Lộc: Tôi đoán rằng quí báo muốn thỏa mãn tánh tò mò của bạn đọc vì những cái tật lạ của mỗi nhà văn chăng? Tôi không có tật lạ nào hết, chỉ thắc mắc một chứng bịnh mà thôi, là không thể viết ra chữ trên loại giấy nào khác hơn là giấy học trò. Tôi mắc bịnh này sau năm 1953 mà tôi bắt đầu làm nghề thư ký tòa soạn. Tới phút chót, các ông thợ báo tin rằng thiếu nửa cột chữ 8, không tít. Là lối 500 tiếng, lại phải biết mình nên cung cấp cho thợ bao nhiêu trang bản thảo của mình. Giấy tập học trò giúp tôi biết rằng tôi phải đưa hai trang bản thảo. Như vậy trong một phút đồng hồ, tôi đủ thì giờ phân bố ý tứ cho 2 trang đó và viết được ngay, kẻo thợ họ không nghe cho mình. Tôi thấy loại giấy đó có lợi quá, nên dùng nó để cung cấp tiểu thuyết cho các báo đăng hàng ngày, họ đăng không giống nhau, có báo đăng ba trang, có báo đăng ba trang rưỡi, có báo đăng bốn trang chữ viết của tôi. Chỉ dùng giấy tập tôi mới cung cấp được, không thiếu cũng không dư. Làm như vậy suốt 16 năm trời thì nó thành thói.
Xin thú thật không có thì giờ đọc lại. Nhưng nếu có thì giờ đọc thì chắc mỗi ngày không viết tới 5 trang được, bởi hễ đọc lại thì muốn sửa chữa, sửa chữa rồi, đọc lại nữa, và cứ như vậy hoài thì biết bao giờ mới có bài. Ðôi khi sửa chữa mãi hóa ra dở hơn lần phóng bút ban đầu.
(Bình Nguyên Lộc qua trí nhớ - Viên Linh)

Ðục long cán gãy còn mong nỗi gì
Khi viết tập “Vũ Trung Tùy Bút”, về việc chúa Trịnh ham mê hưởng lạc, bày cảnh vui chơi làm khổ dân với nhiều sai dịch, Phạm Ðình Hổ đã cho là có sự bất tường. Cho nên hết đời Trịnh Sâm, các con ông là Trịnh Khải và Trịnh Cán vì tranh quyền đã gây rối loạn ở kinh thành. Trịnh Cán (con Tuyên phi Ðặng Thị Huệ) mới được lập lên, với sự hỗ trợ của Quận Huy, chưa được hai tháng, thì bị anh là Trịnh Khải trừ diệt. Và các chúa Trịnh từ đó về sau cũng vì lý do nữ họa mà mất nghiệp: “Sự này chỉ tại Bà Chè, cho Chúa mất nước cho Nghè làng xiêu”.
Về hai anh em họ Trịnh tương tàn, dân gian đã cố lời bàn tán:
Ðục cùn thì giữ lấy tông
Ðục long cán gãy còn mong nỗi gì
“Tông” ám chỉ tước hiệu của Trịnh Cán (Tông Ðô Vương). “Ðục long cán gãy” là nghiệp chúa của Trịnh Cán không tồn tại bao lâu.
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)

Dõi
Dõi : đi theo
(dõi đến kinh đô)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Tục rước sinh thực khí
Làng Đông Kỵ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có nhiều tục lệ lạ đời trong đó, tục rước sinh thực khí được xem là quan trọng nhất. Làng nầy cũng thờ hai vị Thành hoàng, một nam, một nữ. Trong ngày chánh lễ, thoạt tiên là tế hai vị Thành hoàng (hai dâm thần) sau đó là lễ rước long trọng. Người dẫn đầu trong buổi rước là vị tiên chỉ, cầm trên tay hai hình sinh thực khí, một của nam và một của nữ, được cách điệu hoá. Dân chúng đi theo sau, vừa đó vừa hát. Tiếng trống đại hướng dẫn; mỗi khi có tiếng trống gióng lên thì vị dẫn đầu là xỏ hai sinh thực khí với nhau, hình ảnh của sự giao hợp. Sau khi lễ xong thì việc đốt hai sinh thực khí bắt đầu, dân trong làng chia nhau những tro của sinh thực khí, nhất là những gia đình hiếm muộn con cái.
Tro nầy cũng mang ý nghĩa phồn thực mùa màng. Nông dân lấy tro rắc trên thửa ruộng của mình và hy vọng năm tới mùa màng sẽ kết quả tốt đẹp. Tục thờ và rước sinh thực khí còn được tổ chức tại nhiều làng khác miền Bắc. Chẳng hạn như tại hai làng Khúc Lạc và Dị Nậu trong địa phận của tỉnh Phú Thọ. Mỗi năm, trong lễ tế, họ rước đến 36 hình biểu trưng sinh thực khí, 18 hình sinh thực khí đàn ông và 18 hình sinh thực khí đàn bà. 36 sinh thực khí nầy được gọi tên là "nõn nường" (do chữ "nọ nàng" đọc trại ra. Những sinh thực khí đó sau khi rước xong cũng được đốt thành tro, chia cho dân trong làng, dân trong làng thì cho là việc cần thiết nếu muốn cho trong năm đó được phát triển mọi mặt.
(Hội tết làng Xưa – Khuyết danh)

Cổ Ngư
Đời Lê Thần Tông (1619 – 1643 ), năm 1920 dân hai làng Yên Phụ và Yên Quang đắp đập Cổ Ngự như con đường chắn ngang Hồ Tây, ngăn hồ nhỏ là hồ Trúc Bạch.
Cổ là vững bền, ngự là ngăn, chống giữ vững. Sau này có tên là đường “Cổ Ngư” vì dân chúng cho là đắp đê để chắn cá.
Lại có thuyết cho là vì con đường lại giống như…”cổ ngựa” nên dân tình gọi trại là…Cổ Ngư.

Chuyện bút nghiên
Một ông chữ nghĩa bề bề trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý. Ấy vậy mà không biết con cua con nào là con cái, con nào là con đực? Bèn hỏi vợ.
Vợ lật con cua lên bình văn luận phú: “Cứ nhìn cái yếm con cua là biết liền. Cái yếm nào có mũi nhọn như cái bút lông là con cua cái. Cái yếm nào hình tròn tòn, bè bè như cái nghiên mực là con cua đực”.
Ông chồng lầu bầu trong bụng: “Bu nó chứ, con đực mà cũng có…yếm.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tóc thề em xoã ngang vai.
Anh mà đụng tới bạt tai bây giờ.

Gàn bát sách

cnlv

“Gàn bát sách” thì như với Vũ Hoàng Chương nó như sau:
Mỗi lần đánh tổ tôm, thế nào cụ Nguyễn Khuyến cũng phải ù cho bằng được với quân bài “bát sách”. Dù rằng bài có tốt “kính cố ông cụ”, cụ cũng phá ra để ù.
Vì vậy người đánh bài ai cũng nơm nớp sợ đánh ra quân bát sách vì chỉ sợ cụ Nguyễn Khuyến ù. Bài đang ăn to, không muốn, phá đi để ăn mảnh lấy tiếng thì thật là…gàn.
Từ đấy, dân trong làng tổ tôm gọi cây bài “gàn bát sách” là chỉ…cụ Tam Nguyên.
(Hứa Văn Thiên – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

Khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
Xôi
Hà Nội: Gói lá.
Sài Gòn: Cho vào hộp, hay bịch nylon.

Số XII
Thập niên theo định dạng [thập niên xxxx]. Không nên viết "những năm 40" vì sẽ tạo ra câu hỏi là 1840 hay 1940.
Những năm, thế kỷ... trước Công nguyên theo dạng [xxxx TCN] Theo đúng định nghĩa của Công nguyên, tiếng Việt không dùng cụm từ "sau Công nguyên". Do đó, năm nay là 2011, không phải là 2011 sau Công Nguyên.
Trong bài viết, nên dùng cách viết "một", "hai", "ba",... thay cho "1", "2", "3" trong một câu văn; trừ phi con số có đơn vị đo lường kèm theo sau hoặc nằm trong danh sách, số liệu.
(nguồn Wikipedia)

Chùa Trấn Quốc

cnlv

Từ chùa Trấn Vũ (đền Quán Thánh, hay Quán Sứ) vào đường Cổ Ngư đi lên phía bắc, bên phải là hồ Trúc Bạch, bên trái là hồ Tây.
Đi tiếp một khúc ngắn nữa là đến chùa Trấn Quốc trên hồ Tây phía bên trái. Chùa Trấn Quốc ở hồ Tây nằm trên một hòn đảo nhỏ, có một con đường đất nhỏ rộng trên 2 thước từ bờ hồ dẫn vào chùa. Chùa được xây trên hòn đảo có tên là Kim Ngư lối vào qua một cổng không kiến trúc theo kiểu tam quan. Hai bên là Nhà Tổ và Nhà Bia trong đó có bia của tiến sĩ Phạm Qúy Thích khắc năm 1815 ghi lại việc tu sửa chùa, phía sau chùa có gác chuông và mấy ngôi tháp cổ. Thời vua Lê, chúa Trịnh, đây là nơi vua chúa thường đến ngắm cảnh; chúa Trịnh còn thiết lập hành cung mỗi tháng ra chơi vài ba lần, ngự thuyền rồng dạo chơi trên hồ, nhã nhạc tưng bừng cho đến canh khuya.
(Đền Quán Thánh, hay Quán Sứ với “quán”, vì xưa kia đây là nơi trú ngụ, nghỉ ngơi các sứ thần lân bang tới nước ta)

Khác biệt văn hóa
Rau muống:
HN: ăn cả cọng lẫn lá
SG : ăn cọng bỏ lá

Làng xã quanh Hồ Tây
Cuối đường Cổ Ngư là tới dốc chân đê Nhị Hà, Ô Yên Phụ ở trên cao, phía bên trái là làng Yên Phụ, một làng trồng hoa. Tiếp theo Yên Phụ đi dọc hướng tây bắc là tới Nghi Tàm, xa hơn nữa là Quảng Bá, rồi đến Nhật Tân là đỉnh của Hồ Tây.
Tại đây đi xuôi xuống là con đường dẫn về Nghĩa Đô, Thụy Khuê, trường Bưởi và chùa Quán Thánh là đã đi suốt một vòng quanh hồ Tây, dọc Nghi Tàm, Quảng Bá phía đông có phía tây, người có thể ghé thăm hàng chục di tích chùa chiền, đền miếu, xây cất từ nhiều trăm năm trước, như chùa Kim Liên.

Khác biệt văn hóa
HN: Chè đồng nghĩa với trà.
SG: Chè là chè, trà là trà. Chè là đồ ăn, còn trà là đồ uống.

Những câu sau cùng của Bút Tre
Một người đi với 1 người
Một người đi tới 1 người đi lui
Hai người đi tới đi lui
Một người đi tới người kia lại lùi.
(Nhảy đầm)

(còn tiếp)