Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 05.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Văn miếu, văn chỉ
Nơi thờ phụng Khổng Tử thường gọi là văn miếu (ở huyện) và văn chỉ (ở tổng).
Riêng tại kinh đô được gọi là Quốc tử giám vì là trường dậy học cho vương tôn công tử.
(Nguyễn Ngọc Phách – Chữ Nho & đời sống mới)

Phố Kỳ Lừa
pho ky lua
Phố Kỳ Lừa
Đứng trước các di tích đã được truyền tụng lâu nay, tôi (Trần Công Nhung) chợt thắc mắc: “Đồng Đăngphố Kỳ Lừa,…”
Thực tế Đồng Đăng là một huyện lỵ sát biên giới phía Bắc, xa Lạng Sơn trên 10km, cách Ải Nam Quan chừng 3km. Phố Kỳ Lừa nằm ngay thị xã Lạng Sơn, bên kia sông Kỳ Cùng.
Như thế câu ca dao trên đúng chăng? Có người cho biết chợ Lạng Sơn có cái cầu nhỏ gọi là cầu Kỳ Lừa. Có thể mấy câu trên có từ thuở Lạng Sơn và Đồng Đăng là một?
quan dong dang
Đồng Đăng
(Trần Công Nhung – Về thăm Lạng Sơn)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cờ bạc là bác thằng...ăn trộm.

Ải quan
Quỷ Môn Quan là một địa điểm hiểm trở, nhỏ hẹp trong Ải Chi Lăng. Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Quỷ Môn Quan, Quỷ Môn Quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”.
(Nguồn: Vương Sinh)

Tiếng Việt, dễ mà khó
Con số còn thay đổi được, huống gì những từ khác. Như từ "không", chẳng hạn. Phủ định điều gì, người ta có thể nói "không", mà cũng có thể nói "hông", nói "khổng", nói "hổng".
Xuất hiện trong câu nghi vấn, chữ "không" ấy có thể có thêm một biến âm khác là "hôn": "nghe hôn?".
Chưa hết. Một số âm vị trong cụm "nghe hôn" ấy bị nuốt đi; "nghe hôn" biến thành "nghen", rồi đến lượt nó, "nghen" lại biến thành "nghén" hay bị rút gọn lần nữa, thành "nhen", rồi "hen", rồi "hén", rồi "nhe", v..v...
(Nguyễn Hưng Quốc - e-cadao.com)

Câu đối dân gian
Ba nhà sư ngồi ở chính điện tụng kinh gõ mõ. Bỗng thấy bốn cô thôn nữ đội gạo lên chùa, bèn bỏ cả kinh kệ mà ỡn ờ trêu ghẹo:
Tứ nữ đồng hành, tung hoành bát khẩu
Tức thì một trong bốn cô đối đáp:
Tam nam đồng tọa, thượng hạ lục đầu

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nhưng buổi sáng này…
Tôi chẳng nhớ lúc ấy tâm trạng mình ra sao, đạp xe trên những con đường qua thị trấn. Tới nhà ga, quẹo vào. Quẹo xe, liền nhớ một câu thơ Viên Linh: À xe ta quẹo lối này. Vào nhà ga, tức thời nhớ hai câu thơ Bùi Giáng: Môi cười ở cuối sân ga / Phố là cố quận nay là tiễn nhau. Thi ca thần diệu thật, tôi vừa nhớ tới Bùi Giáng thì tôi nghe tiếng hét, ông Bùi Giáng kêu tên tôi: Dã quỳ đại ca! Ông Bùi Giáng xách bị tới nhà ga Thủ Đức. Ông Bùi Giáng lúc nào cũng mang theo cái bị, nó là cái bao tải bẩn thỉu, tôi chưa từng hỏi ông đựng những gì trong đó, ông cũng chưa từng tiết lộ mình đựng những gì trong đó. Có một lần tôi biết trong cái bao tải có chó con, không biết là mấy con, nghe tiếng chúng kêu, rên ầm ỹ. Tôi hỏi ông, có mấy con trong cái bao, ông nói quên chưa đếm, cũng may sau đó ông không trút ra để đếm.
Lần này ông Bùi Giáng tiết lộ: “Có một bao thuốc lá Điện Biên trong bị đây, đại ca cùng trẫm gạ bán lại cho hàng thuốc lá nào đó, lấy tiền uống rượu.”
Ông Bùi Giáng đi bộ, vai mang cái bị. Tôi cũng đi bộ, tay dắt cái xe đạp, nó cũ kỹ xộc xệch, không chở đôi được. Chúng tôi đi mời chào gạ bán bao thuốc lá Điện Biên cùng khắp dọc đường từ Thủ Đức về Bình Triệu chẳng ai mua. Ông Bùi Giáng bảo: “Đại ca chớ buồn, mà phải vui. Không ai mua thuốc lá Điện Biên, vì đây là thuốc lá Việt cộng, dân chúng tẩy chay thuốc lá Việt cộng.” Ông Bùi Giáng cùng ngồi xuống với tôi, trên lề đường, phía ngoài nhà ga Bình Triệu, chắc hẳn đôi chân ông cũng rã mỏi như đôi chân tôi. Ấy tuy nhiên, sau lưng hai người là một nhà ga, cuối sân ga có nụ cười.
(Buổi sáng Thị Ngạn Am - Nguyễn Đạt)

Sông Thương
Sông Thương – Một con sông ở bên Tàu (có thể là sông Tương ở Động Đình Hồ?). Khi bị trích ở Thương giang, Đỗ Phủ có câu thơ rằng “Nhất ngọa Thương giang kinh tuế vản”.
Ở Bắc kỳ gần biên giới Tàu, cũng có một con sông tên gọi là sông Thương chảy vào sông Thái Bình. Nghĩa là nằm đau liệt ở Thương giang, năm cùng tháng tận rồi mà chưa về nhà.
Và ca dao ta có câu:
Ai lên xứ Lạng cùng anh
….
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương
Hàm ý mộng ở Lạng Sơn, mơ tưởng đi đò sông Thương về với người thân.
(Phan Mạnh Danh – Thập ngũ san)

Ải quan
Pha Lũy hay Bắc ải là tên ải Nam Quan do người Việt gọi, ở thị trấn Đồng Đăng, phía bắc tỉnh Lạng Sơn. Người Trung Hoa vẫn gọi là trấn Nam Quan. Năm 1953, Mao Trạch Đông đổi là “Mục Nam Quan” và sau này có tên là “Hữu Nghị Quan” hay “Cửa Khẩu Hữu Nghị” (Vị trí cây số 0 ngày nay lùi sâu vào nội địa Việt Nam, khác với vị trí cũ). Ải Pha Lũy là nơi phòng ngự biên cương, chống sự xâm nhập của giặc Hán từ phương bắc.
(Nguồn: Vương Sinh)

Địa danh miền Bắc trong văn học sử
Phú Thọ
Phú Thọ được coi là vùng đất tổ cội nguồn của Việt Nam. Tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nước nên nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu, tức xung quanh thành phố Việt Trì ngày nay.
Thời An Dương Vương, Phú Thọ thuộc Mê Linh, Phong Châu.
Thời nhà Lý, nhà Trần, quận, huyện thời Bắc thuộc được thay thế bằng các đạo (lộ, trấn, xứ, tỉnh), dưới đạo là các phủ, châu, huyện. Phú Thọ thuộc lộ Tam Giang.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), đổi tất cả các trấn trong nước là tỉnh: Tỉnh Phú Thọ.
Khi đó tỉnh Phú Thọ gồm có 2 phủ lớn là Đoan Hùng và Lâm Thao. Phú Thọ có 3 con sông lớn chảy qua: sông Hồng, đoạn từ Lao Cai đến Việt Trì được gọi là sông Thao, sông Lô và sông Đà, chúng hợp lại với nhau ở thành phố Việt Trì.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Ðã có rất nhiều giai thoại, huyền thoại về ông; vô số được thế gian tô bồi sau này, khó minh xác thực hư. Xin lai rai vài chuyện tiêu biểu.
Chuyện thứ nhất. Xưa kia ở Quảng Nam, quê chúng tôi, người ta kể rằng khi còn trẻ Bùi Giáng đã có vợ. Vợ sớm qua đời. Hôm tẩm liệm, ông nhờ người hàng xóm làm thịt 21 con gà. Ông thành tâm bỏ thịt con gà còn sống vào quan tài tẩm liệm người vợ thân yêu. Họ hàng thấy quái. Bèn can ngăn. Ông bảo: “Vợ tôi ưa ăn thịt gà, nay có thể lên thiên đường hoặc xuống địa phủ chi đó, thịt gà đâu ăn”.
Câu chuyện trên là hoàn toàn khó tin. Bịa đặt, phao tin đồn nhảm, gia đình người ta kiện cho. Nhưng cái tuyệt hảo ở đây là người đời đã rất đỗi yêu ông, giai thoại trên như một phóng họa phần nào những quái ảnh kỳ tâm nơi một Bùi Giáng lắm điều xem ra bất khả tư nghị.
(Bùi Giáng, những giai thoại tiêu biểu – Cung Tích Biền)

Đôi mách
Đôi mách : nói xấu, đưa chuyện
(ngồi lê đôi mách
Người hỏi đôi mách giả mặt thật hay)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

“Nõn nường'' hay ''nõn nà''?
Rất nhiều từ điển hiện nay đã giải thích nghĩa của từ "nõn nường" tương đương với "nõn nà"
Nhưng bản chất của "nõn-nường" (cũng nói "nõ-nường") là gì?
Tục truyền rằng ở làng La (Hà Đông), vào ngày rã đám, dân làng tổ chức một ngày rước rất long trọng rồi đến một giờ nhất định tắt đèn đi để cho ông già, bà cả và thanh niên, thiếu nữ thả cửa sờ soạng nhau. Hồi gần đây, những làng như Miếu Trò (Phú Thọ) và Di Hậu (Hưng Hóa) giữ tục “rước cái nõn nường” trong những ngày tết cũng là nằm ở trong tinh thần khuyến khích đoàn kết, cầu nguyện cho sinh sản tăng gia, phồn thịnh.
Nõn là bộ phận sinh dục của đàn ông, nường là bộ phận sinh dục của đàn bà.
Trong cuộc lễ, dân làng để nõn và nường làm bằng gỗ lên kiệu rước, có nam đồng quan và nữ đồng quan đi giật lùi trước kiệu vừa đi vừa hát “Ba mươi sáu cái nõn nường; Cái để đầu giường, cái để đầu tay.” Cuối cùng, các vị chủ tế tung nõn nường lên trên trời, trai gái đổ xô ra cưởp, gái mà được cái nõn, trai mà được cái nường thì may mắn vô cùng và nếu có sự gì trục trặc hay không tổ chức được buổi rước vì nguyên nhân gì đó thì cả làng lo sợ vì có nhiều phần chắc chắn là năm ấy không may mắn.

Đờ
Đờ : sờ mó
(đờ tay đến)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn
Chợ búa: chợ búa đều chỉ nơi họp chợ mua bán nhưng ngày trước có phân biệt nghĩa.
Chợ là nơi có lều quán, họp theo phiên (có chợ họp mỗi tháng 6 phiên hoặc 12 phiên).
Búa thường họp trên một đám đất rộng, không có lều quán, không có phiên liếp che.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mõ
Đặt tay vào chỗ thường quen đặt
Quen đặt hầu như nghiện mỗi ngày
Quen đặt mà lòng không ngớt sóng
Đặt tay mỗi bận mỗi chơi vơi

Chữ Hán
Chữ Hán, chữ Nho hay chữ Tàu là một. Nước Tàu gồm năm giống dân Hán, Mãn, Mông, Tạng và Hồi hợp thành.
Riêng giống Hán mạnh và thông minh đã đồng hóa bốn sắc dân kia và dùng thứ chữ của họ làm quốc tự Triều đại nhà Hán (202 TTL – 220 STL) là triều đại huy hoàng , do đó người Tầu rất tự hào và họ xưng là “Hán tộc”, chữ viết gọi là “chữ Hán”.
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Hội Nõ Nường
Ở miếu Trò Trám gần Đền Hùng, Phú Thọ thờ vật sinh linh thực khíLễ hội nõ nường
Dân làng ngợi ca cái hèm: to và dài như cái giằng xay. Nường rộng và sâu như cối xay lúa. Ngày 12 tháng giêng âm lịch Lễ hội nõ nường trai gái đối đáp nhau tại miếu thờ:
Gặp đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần
Chàng đố thì thiếp thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay
......
Ước gì em hóa ra trâu
Anh hóa ra chạc xỏ nhau cả ngày
Ước gì em hóa lưỡi cày
Anh hóa thành bắp lắp ngay bây giờ
Đó là biểu tượng của ngày lễ hội nõ nường, không còn quan niệm “dâm” và “tục” nữa.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Tục ngữ: Không phải những lời thô tục mà những lời hay ý đẹp.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

Kiến văn tiểu lục – Lê Qúy Đôn III
“Đạo ngô ác giả thị ngô sư - Đạo ngô mỹ giả thị ngô tặc”
(ai chê ta là thầy ta, ai khen ta là kẻ thù ta)

Địa danh miền Bắc trong văn học sử
Phủ Lý
Dưới thời Lê vào khoảng năm 1624, Thượng thư Nguyễn Khải đã cho chuyển thủ phủ Trấn Sơn Nam từ thôn Tường Lân huyện Duy Tiên phủ Lỵ Nhânđến đóng ở thôn Châu Cầu thuộc tổng Phù Đạm, huyện Kim Bảng, phủ “Lỵ Nhân”, Trấn Sơn Nam Thượng.
Đến năm 1832, vua Minh Mạng năm thứ 12 bỏ “trấn” thành “tỉnh”, phủ “Lỵ Nhân” được đổi là phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội.
Đến tháng 10 năm 1890 (đời vua Thành Thái năm thứ 2) tỉnh Hà Nam được thành lập từ “các huyện của Hà Nội và Nam Định”.
Tên tỉnh Hà Nam ra đời từ chữ Hà của Hà Nộichữ Nam của Nam Định ghép lại và Phủ Lý trở thành tỉnh lỵ của tỉnh.
Thái Bình
Vùng đất tỉnh Thái Bình ngày nay, vào thời Bắc thuộc trước thế kỷ 10, thuộc hương Đa Cương (vùng đất từ sông Luộc ra đến biển) của quận Giao Chỉ. Tới nhà Hậu Lê, thời vua Lê Thánh Tông về sau vùng đất Thái Bình ngày nay thuộc Trấn Sơn Nam.
Đến cuối thời nhà Lê Trung hưng sang đầu nhà Nguyễn, vùng này thuộc Trấn Sơn Nam Hạ. Năm 1832, vua Minh Mạng năm thứ 12 cắt hai phủ Thái Bình, Kiến Xương nhập vào tỉnh Nam Định, nhập phủ Tiên Hưng vào tỉnh Hưng Yên.
Tỉnh Thái Bình được thành lập vào năm thứ hai niên hiệu >Thành Thái (1890), từ hai phủ Kiến Xương và Thái Bình của tỉnh Nam Định và lấy thêm huyện Thần Khê của phủ Tiên Hưng thuộc tỉnh Hưng Yên. Huyện Thần Khê lúc đó được nhập vào phủ Thái Bình, sau đó phủ này được đổi tên thành Thái Ninh. Đến năm 1894, hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà, phần còn lại của phủ Tiên Hưng cũng được nhập về tỉnh Thái Bình từ Hưng Yên, và phủ Tiên Hưng được tái lập trực thuộc tỉnh Thái Bình.
Sau đó, các phủ bị loại bỏ, các huyện có sở lỵ phủ thì đổi theo tên của phủ kiêm quản trước đó: Thanh Quan thành Thái Ninh, Trực Định thành Kiến Xương, Thần Khê thành Tiên Hưng.

Chữ nghĩa làng văn
Những từ có vần “ut” thường diễn tả "sự chuyển động từ không gian này đến không gian khác".
Thí dụ: đút, rút, hút, mút, sút, trút, tụt, vút, cút, v..v...
Nếu chúng ta chịu khó quan sát, tìm hiểu, chúng ta sẽ phát hiện những chữ tuy rất quen thuộc chúng ta sử dụng hàng ngày lại ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng nhưng không kém phần thú vị
(Nguyễn Hưng Quốc - Tiếng Việt dễ mà khó)

(còn tiếp)