Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 12.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tửu lạc vong bần
“Vong” là “quên”. Câu này nghĩa là uống rượu quên nghèo.
Cũng như câu “Lạc đạo vong bần” nghĩa là vui đạo quên nghèo.
Người Tầu cũng có câu tương tự của Lý Bạch: ‘Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu – Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu”.
(Duy Lý – báo Tự do)

Giai thoại làng văn
Hoài Thanh con người sinh ra để đọc thơ, bình thơ, có lần nói với tôi: Có một bữa, ông Hoài Thanh nằm trên giường, có vẻ mệt. Bỗng ông nói với con: “Cha mà không có anh Lành (Tố Hữu) thì Bùi Công Trừng nó giết cha rồi!”.
Té ra là thế! Cái chuyện vị nghệ thuật, vị nhân sinh có chết ai đâu mà những ông cộng sản làm to chuyện thế, và thù dai thế! Người ta đã đi theo kháng chiến bao năm rồi mà vẫn không tha (cho mãi đến kỳ tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996), họ cũng không tặng cho Hoài Thanh, trong khi sẵn sàng tặng cho Hà Xuân Trường, Hồ Tôn Trinh, tuy sự nghiệp của hai vị này có đáng gì đâu so với Hoài Thanh.
Tôi cứ nghĩ mãi, không hiểu sao, đối với trí thức, các ông cộng sản lại hẹp hòi và ngu xuẩn đến thế. Anh Từ Sơn còn cho biết, hồi Hoài Thanh phụ trách tuần báo Văn nghệ. Có một số báo, trang đầu in ảnh Trường Chinh, ảnh bị cái tít in quá đậm ở mặt sau làm mờ đi. Trường Chinh gọi Hoài Thanh đến nói: “Anh in ảnh tôi như thế này à?”. Hoài Thanh sợ quá, cứ đi lang thang ngoài đường, vô cùng hoang mang. Cái án vị nghệ thuật trở thành cái án chính trị, vẫn như lưỡi gươm lơ lửng treo trên đầu.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Về một chữ “bù”
Cung Trầm Tưởng gắn bó với 5 bài thơ đã phổ nhạc, đó là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Ðây, Khoác Kín và Chưa Bao Giờ Buồn Thế. Trong năm bản nhạc thơ ấy, "Kiếp sau" ít nổi tiếng hơn cả, nhưng lại là bài hay nhất, nó đã đạt tới đỉnh nghệ cao thuật nhưng ít ai đề cập. Bài thơ rất ngắn, làm năm 1956 ở Sàigòn. Ðã hơn bốn mươi năm. Không một vết nhăn.:
Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ,
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
(…)

Trò chuyện về thơ tức là chuyện trò với chữ - vấn đề ngữ sự - nói như Cung Trầm Tưởng. Trước hết là chữ bù. Bù em. Trong chữ bù chỉ thấy cho, chỉ "lấp đầy". Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú -nói như Mallarmé - khác lạ, không giống ai: Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao. Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.
(Thế nhưng chừ “bù” đây không rõ nghĩa trong tự điển, nếu có thì bù là cây bầu, cây bí hay là thiếu, là không đủ - Thụy Khuê.
Thế nhưng “bù” đây là tiếng gọi vợ chồng thân mật với nhau)
(Cổ dao trong thơ Cung Trầm Tưởng - Thuỵ Khuê)

Khọn
Khọn : con khỉ
(con khọn)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Tàn tre đan kín không gian, che khuất ánh sáng mặt trời chói chang bên trên, khiến khu rừng trở nên âm u, hoang vắng lạ lùng. Tiếng gà rừng xao xác… Vũ dừng lại lắng tai nghe ngóng. Dường như có tiếng lao xao vọng lại từ bên kia bờ suối, thì loáng thoáng nghe trong gió thoảng tiếng nói vọng đến: "Tụi mày biết không? Lúc tao ở Không Quân..." Giọng nói quen thuộc lắm.
Người đàn ông gầy guộc, làn da sạm đen, hai má hóp lại và khi cười để lộ hàm răng có những chiếc răng cửa bị gẫy. Chung quanh anh, lố nhố những người tù quần áo vá chằng, vá đụp đang kẻ đứng, người ngồi nghe anh nói chuyện. Chiếc điếu cầy lỏng chỏng trên nền đất. Trong trại tù thì chiếc điếu cầy là hình ảnh quen thuộc lúc nào cũng đi sát với cải tạo như vũ khí bên mình, chẳng thế mà có nhiều anh ví von là đeo Bazôka đó sao? Tiếng nói khiến Vũ nhớ đến một người bạn thân của một thời xa xưa: Dương Hùng Cường, tức Dê Húc Càn, nhà văn KQ, tác giả của Buồn Vui Phi Trường, Vĩnh Biệt Phượng... Vũ mạnh dạn bước về phía những người cải tạo đang quây quần nói chuyện. Người đàn ông ngồi bật dậy như giây lò so, gọi:
- Vũ Uyên Giang! Mày phải không? Lại đây.
- Sao "ông" thay đổi nhiều quá vậy? Ở Trại nào ?
- Mẹ kiếp! Mày thì có hơn gì tao ? Cũng thay đổi như bất cứ thằng tù nào. Vào đây mà mày không thay đổi, cứ phây phây mập mạp là làm hỏng kế hoạch của đảng và nhà nước mất. Tao ở T.11, L.2. Còn mày? Cường hỏi. Anh vẫn giữ lối nói ồn ào, dí dỏm ấy.
- T.5, L.1
- Mày có gặp thằng nào "phe ta" không? Tao chẳng gặp thằng nào cả.
Vũ đáp:
- Có. Thằng Trần Ngọc Tự, Phí Ích Bành, Nguyễn Đức Quang, Dương Kiền, Dương Cự…
(Kỷ niệm trong tù với Dương Hùng Cường - Vũ Uyên Giang)
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Bánh su sê
Trong lễ cưới có nhiều lễ vật, nhưng không thể thiếu bánh "su sê", nguyên xưa là bánh "phu thê", một số địa phương nói chệch thành bánh "su sê".
Bánh su sê làm bằng bột đường trắng, dừa, đậu xanh và các thứ hương ngũ vị, nặn hình tròn, bọc bằng hai khuôn hình vuông úp lại với nhau vừa khít, khuôn làm bằng lá dừa, lá cau hoặc lá dứa, vỏ để nguyên không luộc để giữ màu xanh thắm.
Sở dĩ gọi là bánh phu thê (chồng vợ) vì đó là biểu tượng của đôi vợ chồng phận đẹp duyên ưa: vuông tròn, trong trắng mềm dẻo, ngọt ngào, thơm tho, xanh thắm, đồng thời cũng là biểu tượng của đất trời (trời tròn, đất vuông) có âm dương ngũ hành: Ruột trắng, nhân vàng, hai vỏ xanh úp lại buộc bằng sợi dây hồng.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Theo tự điển tiếng Viêt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm):
Lả lướt : dáng đi mệt nhọc

Văn hóa thể hiện qua tiếng nói
Khi chiếm được tòan bộ miền Bắc năm 54, người ta chủ trương dùng tiếng Việt thay tiếng Hán. Nhưng vô lý là họ lại ghép một chữ Hán vào một chữ Việt đồng nghĩa chỉ với mục đích biến tiếng đơn thành tiếng đôi. Như:
- In ấn, vụ việc ..v..v..
Với mục đích biến tiếng đơn thành tiếng đôi, họ lại ghép hai chữ “lễ”“hội” thành một, thành vô nghĩa. Vì lễ có tính cách thờ phượng, cúng bái. Trong khi hội là hội hè, đình đám vui chơi.
Vì vậy không thể ghép chung “Lễ hội” làm một để không phân biệt cái nào là lễ và cái nào là hội
(Mặc Giao – Văn hóa Việt)

Hương quan
Trong Kiều có câu “Giấc hương quan luống lần mơ canh dài”.
Hương quan – Hương: làng. Quan: cổng.
Ngày xưa mỗi làng làm một cái cổng trước cổng làng để canh trộm, cướp. Hương quan dùng để chỉ quan hoài quê nhà.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Ngày 9 tháng 3, khi tôi xách cái bị lát nông dân từ Phan Rang về Saigon thăm nhà, công an Cộng sản đã rình sẵn từ bao giờ, còng tay cái rụp. Tại sở công an thành phố, trước là trụ sở Nha Cảnh sát đô thành, đường Trần Hưng Đạo, khi cánh cửa sắt nặng nề của phòng giam mở ra, tôi nghe nhiều tiếng cười. Một giọng nói vui vẻ vang lên: “A, Anh Đồng đen đây rồi. Đi đâu giờ này mới chịu mò tới. Nhờ anh tí, bắt anh em chờ mãi.” Vẫn in hệt lối nói quen thuộc trong làng báo miền Nam, thường dành cho anh em tới trễ trong một buổi họp mặt thân mật. Chỉ khác chút xíu: cuộc họp mặt lần này đông đảo chưa từng thấy, mà lại là họp mặt trong nhà tù Cộng sản.
Phòng giam vuông vắn mỗi bề khoảng 5 thước, lố nhố năm sáu chục hình người, gần như nêm cứng, chen chân muốn không lọt: “Lại đây nè, cha nội. Xớ rớ chi vậy.”
Giọng nói quen thuộc lại vang lên. Một anh chàng thấp lùn phe phẩy quạt giấy, mặt mũi vêu vao, đang ngoác miệng ra cười, vẫy vẫy về phía tôi. Tôi nhận ra anh bạn phóng viên Anh Quân. Bên cạnh là anh Doãn Quốc Sỹ, anh Đằng Giao, anh Trần Dạ Từ … Phòng giam nêm chặt kiểu cá mòi đóng hộp, dưới mái tôn nóng điên người, tất cả đều cởi trần, mồ hôi nhễ nhại. Tôi chào tất cả và nói: “Đông đảo phe ta cả, vui quá há.”
Đáp lời tôi, anh Doãn Quốc Sỹ cười hiền lành:
“Vui thật ông ạ. Còn Khô Vinh đại sư nữa kìa.”
Tôi nhìn theo mắt anh Sỹ hướng về một góc phòng. Trên bệ cao cầu tiêu chung trong góc, tôi nhận ra còn có thêm anh Nguyễn Mạnh Côn. Khô Vinh đại sư là tên một nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung. Anh em gán cho anh Côn biệt danh này trúng quá vì anh vốn gầy gò, người nhỏ thó, xương xẩu giống hệt một nhà tu khổ hạnh. Ngồi trần trụi trên cầu tiêu, Khô Vinh đại sư nhìn tôi cười cười, ra dấu chào.
(Ở tù với bạn hữu - Hồ Văn Đồng)

Chữ Việt cổ
Bi: bia
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.
Chọn những con vật cùng trường nghĩa khác, như bài ca sau đây:
Cóc chết bỏ nhái mồ côi,
Chẫu ngồi chẫu khóc: "Chàng ơi là chàng"
Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả nợ làng ngoé ơi!
Tác giả dân gian tập hợp trong bài ca dao này các con vật cùng loài với cóc: nhái, chẫu chuộc, chầu chàng (chẫu chàng thân và chi mảnh, dài; chẫu chuộc cũng giống như chẫu chàng nhưng lớn hơn); ễnh ương, ngoé là giống nhái bén. "Chàng" trong câu câu ca trên vừa là con vật (chẫu chàng) vừa là đại từ chỉ người trong cặp đại từ nhân xưng cổ: chàng – nàng. Như vậy, bài ca dao vừa chơi chữ bằng cách dùng từ đồng âm, vừa chơi chữ bằng cách dùng các từ cùng trường nghĩa.
(Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)
Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên
Ngạc ngư kia ơi! Mày có hay?
Biển Đông rộng rãi là nơi mày,
Phú Lương đây thuộc về thánh vực,
Lạc lối đâu mà lại đến đây?
Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa,
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy
Xuống nước giao long cũng phải chừa
Thánh thần nối dõi bản triều nay,
Dấy từ hải ấp ngôi trời thay
Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh
Biển lặng sông trong mới có rày
Hùm thiêng ra dấu dân cày cấy,
Nhân vật đều yên đâu ở đấy,
Ta vâng đế mạng bảo cho mày,
Hãy về biển Đông mà vùng vẫy.
(Trần Minh Thương - Thể loại văn tế)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Làm răng: Làm thế nào chứ không phải đi…chữa răng đau.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

Khoa cử (2)
Sang thời tự trị để mở mang việc nước, vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam trường (thi đại khoa gồm ba kỳ) ở nước ta mô phỏng theo Trung Hoa.
Trung Hoa cho thi tú tài và cử nhân riêng. Thời nhà Nguyễn, tú tài và cử nhân thi chung (thi Hương). Người đỗ gọi là cử nhân. Người hỏng thi nhưng điểm cao cho đỗ tú tài. Trung bình cứ một cử nhân có ba tú tài (nhưng không được thi Hội).
Thi Hương trúng ba trường thì gọi là Sinh đồ (Ông đồ - Tú tài).
Đỗ cả bốn trường gọi là Hương cống (Ông cống – Cử nhân)
(Nguyễn Thị Chân Quỳnh – Lối xưa xe ngựa…)

Khong khảy
Khong khảy : thoải mái
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Sự phát triển của tiếng Việt II
Sấm Truyền Ca (1670)
Bên cạnh những tác phẩm, có khi khuyết danh cố ý, đã có những tác phẩm tôn giáo có giá trị văn học viết bằng chữ Nôm như Sấm Truyền Ca (1670) của Lữ Y Ðoan, như Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông (cùng thế kỷ XVII) của Majorica, hoặc viết bằng chữ quốc ngữ như Tuồng Joseph (1888) của Trương Minh Ký, Phi Năng Thi tập của Philippe Phan Văn Minh (1838), khuyết danh có tập Vãn Và Tuồng (1899).
Sấm Truyền Ca nguyên tác bằng chữ Nôm, tác giả là thầy giảng (linh mục) Lữ Y (Louis) Ðoan, được viết vào năm 1670. Hiện nguyên tác đã thất lạc, chỉ còn bản quốc ngữ. Sấm Truyền Ca là một tác phẩm văn học đặc sắc vì phản ảnh một nỗ lực Việt Nam hóa và bình dân hóa Kinh Thánh bằng cách mượn những yếu tố văn hóa Việt Nam và Ðông phương để diễn dịch Kinh Thánh.
Lưu truyền hạn chế trong giới thu hẹp "nhà thờ", tác phẩm chắc đã được sửa đổi nhiều lần vì bản hiện còn dễ khiến người đọc nghĩ đến các truyện Nôm nỗi tiếng của thế kỷ XVIII và XIX. Theo bản chép tay chúng tôi hiện có của Paulus Tạo, người dịch bản Nôm ra quốc ngữ là Simong Phan Văn Cận. Trong lời tựa ghi tại Cái Mơn ngày 8 tháng chạp Tây năm 1820, ông giới thiệu:
"Truyền rằng sách STC là của Thầy Cả Lữ Y Ðoan đặt ra năm 1670, viết bằng chữ Nôm. Thầy cả này đã trở lại đạo hồi nhỏ và đã làm thầy giảng giáp địa phận Ðàng Trong, thầy rất tinh thông chữ nho, thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh. Thầy làm sách này cho hạng văn nho đọc để biết rõ đạo Chúa Giê-su. (...) Sách này của thầy bị nhiều thầy cả Tây dang hồi đó không ưng vì nó lai sách đạo Nho và đạo Phật, nhưng bổn đạo rất ưa và chép lại để đọc (...).
(Nguyễn Vy Khanh - Tiếng Việt một số tác phẩm mới phát hiện)

Từ Hán –Việt được nho hóa
Thốc = trọc lốc, không có tóc.
Thiền = ngồi im lặng để suy tưởng, (Chùa) chiền.
Thoán = choán, choán chỗ, chiếm lấy.
Thống = xốn, xốn xang (đau , khó chịu).

Giai thoại làng văn xóm chữ
Đùa với ông Nghè
Nguyễn Gia Cát người làng Huê Cầu, thuộc Kinh Bắc, sinh năm 1762 đời Hậu Lê. Thời Lê Chiêu Thống, ông đậu Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân. Ông từng được cử đi sứ Tàu.
Từ thủa nhỏ Nguyễn Gia Cát đã nổi tiếng thông minh nhưng cũng rất nghịch ngợm. Một lần có ông Nghè làng bên vinh quy, đường đi phải đi qua làng ông. Ông đang chơi với lũc trẻ liền lấy gạch viết ra đường một chữ MÔN rất to.
Ông Nghè nọ cưỡi ngựa đến trông thấy hỏi:
- Sao em lại viết chữ MÔN to thế?
Gia Cát đáp:
- Quan Nghè không nhớ câu "đồng khai trùng môn" của Tống Thái Tổ sao? Cổng không to thì voi ngựa võng lọng qua thế nào được.
Bị đứa trẻ lý sự, quan Nghè hơi ngượng nhưng bảo ngay:
- Đồng khai trùng môn có nghĩa là mở rộng cửa lớn phải không? Nghe nhé, ta đọc vế đối này, nếu đối được ta thưởng:
“Ngói đỏ lợp nghè lớp trên đè lớp dưới”.
Nghè là cái nhà, cái danh vua ban cho những người đỗ đạt, Nghè còn có nghĩa là tiến sĩ nữa. Qua vế ra ông Nghè này còn tỏ ý: Ta là Nghè, là lớp trên - lớp trên đè lớp dưới.
Gia Cát chẳng cần nghĩ ngợi nhiều đối ngay:
“Đá xanh xây cống hòn dưới nống hòn trên”
Chữ Cống cũng có hai nghĩa như chữ Nghè, vừa là cái cống vừa là Hương cống (dưới Tiến sĩ).
Nhưng cái hóm hỉnh láu lỉnh của Nguyễn Gia Cát là những chữ như "hòn dưới nống hòn trên" có ý nghĩa răn đe: "trên đè dưới" nhưng nếu không có "dưới nống trên" thì cũng sụp.
Quan Nghè đành gật gù khen vế đối hay và thưởng cho một quan tiền. Gia Cát đem tiền ấy chia luôn cho các bạn chơi đánh đáo.

Sai hay đúng?
Trong câu “da chết bọc thây coi cái chết tựa như lông hồng”.
Có sách cho là lông hồng đây là…lông ngựa!
Hồng là ngỗng trời. Xưa, có thể dùng để thông tin tức phương xa, nên nói đến chuyện gửi thư từ thì gọi là hồng tiện, tin hồng.
Nên lông hồng đây là…lông ngỗng.
(Tôn Thất Lương – Xuân mộng)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 05 tháng 12.2016