Print

Tác giả & Tác phẩm

15 tháng 11.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Dẫn nhập: Với cái nhìn chủ quan của người biên soạn, tuyển tập 300 tác giả và tác phẩm đơn thuần chỉ là công việc góp nhặt sỏi đá những tác phẩm tiêu biểu một thời của những tác giả tiền chiến, hậu chiến, trước hay sau 75 của hai miền Nam Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, già hoặc trẻ, cũ hoặc mới. Tác giả và tác phẩm được góp mặt mỗi tuần theo thứ tự họ hoặc tên qua mẫu tự A, B, C… Xin thành thực cám ơn những tác giả có mặt trong tuyển tập nhưng vì trở ngại thông tin, chúng tôi đã không thể xin phép quý vị trước khi đăng tải.
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Phạm Thị Hoài (II)

Tiểu sử:
Sinh năm 1960 tại Hải Dương
Ngụ cư tại Berlin, Germany.

pham thi hoai

Tác phẩm:
Tác phẩm dịch: Thẩm phán và đao phủ (F. Dürrenmatt, 1986)
Chiếc chìa khoá (J. Tanazaki, 1989)
Thư gửi một nhà thơ trẻ (R.M. Rilke, 1997)
Tác phẩm biên soạn: Trần Dần: Ghi 1954-1960 (2001)

Mục lục:
Ám thị
Đọc “vision impaired” bản dịch “ám thị” của Phạm Thị Hoài – Chu Việt
Ở nơi nào, tôi cũng tìm được ra cõi riêng – Cổ Ngư
Thực đơn chủ nhật
Phạm Thị Hoài, Thiên sứ - Thụy Khuê
Phạm Thị Hoài: trí tuệ và cú pháp làm nên đặc điểm – Trần Vũ

Phụ đính :
Tặng tác giả những nhân vật xưng em
Thuế biển - Trong cơn mưa

_______________

Ám thị

Buổi đầu tôi mặc hai lượt quần, ba lớp áo. Chồng tôi bảo, thày tẩm quất nào phải ông thày võ chọc ngón tay thủng tường mà mình che chắn khiếp đảm như thế. Thày lại đeo kính xẩm, không nói trước có khi lẫn lộn đàn ông với đàn bà. Nhưng tôi nghĩ, áo xống đâu chỉ để che thân mình và che mắt ai, trong quan tài người ta cũng mặc thật chu đáo. Lần đầu để tay người lạ chạm vào, có giữ ý có lành. Ðàn ông không phải ai cũng tân tiến như chồng tôi, mà những người mù tôi biết đều có vẻ không theo thời, như thể họ sống riêng ra một cõi xa xôi nào đó. Cõi ấy mặt trời không mọc và lặn. Tôi e không cẩn thận dễ thất thố với người tàn tật. Sờ thấy cái nịt ngực với đủ quần áo trong ngoài dày dặn, chắc thày sẽ hiểu rằng tôi coi thày như người lành. Ðôi bên sẽ tin cậy nhau hơn, dẫu sao không riêng tôi lần đầu mà thày cũng chưa từng tẩm quất đàn bà. Chiếu tẩm quất là chỗ đàn bà không vào. Chồng tôi vất vả lắm mới mời được thày, than rằng thời thế gì mà nhờ ai đánh vợ còn dễ hơn thuê người đấm lưng vợ. Ðến chỗ nào người ta cũng tưởng anh sinh chuyện, nên đuổi khéo, bảo chưa mở hàng, sợ xui. Thày quất này nghe anh ngỏ lời xong, cho một hồi: "Ông mua cho bà nhà vài cái máy chẳng hơn ư? Máy rung, máy xoắn, máy giác, máy đập, máy ủ chân, máy chườm bụng, máy cù nách, máy chiếu tia hồng ngoại, máy giời thời này cũng có. Mấy cái que gãi lưng với cái cái cục vừa đấm vừa xoa bằng nhựa Trung Quốc, ông cứ ới hàng bán rong một tiếng là có cả tá, dùng cả đời không mòn. Chúng tôi đây chỉ có hai bàn tay suông, đáng gì mà vẽ chuyện."
Chồng tôi lấy làm thú vị cái giọng chao chát ấy, khẩn khoản nài, thày chua thêm một đoạn nữa: "Ông chê đồ giả thì dẫn bà nhà đi khách sạn. Trong ấy toàn người thật việc thật, vui lắm. Vào mát xoa mát da, ra tắm hơi ấm thịt, lại lịch sự nhẹ nhàng. Chúng tôi đây có mỗi món vặn cổ bẻ lưng, khí man rợ, không hợp với đàn bà."
Chồng tôi nghe vậy càng thích. Anh vốn có duyên với những kẻ khác đời, nghe tiếng ai ngông là lặn lội đến mời về thù tạc bằng được. Một dạo nhà tôi tấp nập khách nghệ sĩ, sau chồng tôi kết luận là họ chỉ ra vẻ lập dị, chứ muốn được đời tán thưởng thì sao đành khác đời. Vả lại nhiều vị làm nghệ sĩ suông thì xù xì, đặt vào đâu cũng không vừa, nhưng tác phẩm cứ trình ra là tròn khuôn, thần thái gồ ghề biến đi đâu hết cả, anh thật không biết nên tiếp tục xử sự với các vị ấy như thế nào. Năm ngoái anh tiếc mãi một vị không nghệ sĩ, nghe nói ông viên chức cũ thời Pháp ấy theo cái chủ nghĩa tự đặt là chủ nghĩa cảm ơn xin lỗi, tuyên ngôn rằng mình là người cuối cùng biết nói hai từ sắp tuyệt chủng ấy, nên lưỡi còn ngọ nguậy thì không nói gì hơn hai từ này. Chồng tôi tới quá muộn, lưỡi ông ấy đã cứng, may là còn tìm được xác ở bãi rác ngoại ô, đành đem về nghĩa trang Văn Ðiển chôn như mọi người. Cả năm nay anh than buồn cho thiên hạ, buồn cho mình. Ðám trẻ có liều mà không ngông. Ðám già thì xa đời chứ chẳng khác đời. Thày quất này tuổi còn non mà nói giọng thâm thuý chững chạc, rõ ra kẻ không xu thời. Chồng tôi trổ hết duyên, rủ được thày đi uống mấy chén rượu tăm nơi một chủ rượu cũng có tiếng khinh bạc, không bao giờ thèm tiếp khách vãng lai. Cuối cùng thày bảo nể lắm nên nhận lời, nhưng xưa nay chưa từng tẩm quất đàn bà, phục vụ có gì sai sót xin ông Giáo rộng lượng.
Ban đầu chồng tôi cho vợ nằm trên sập, ý là để thày đứng cạnh cho tiện tầm tay. Nhưng thày bảo: "Chúng tôi chỉ quen ngồi chiếu. Nghe nói ở viện y học dân tộc có khoa xoa bóp, thày thuốc mặc bờ lu trắng thì đứng, bệnh nhân nằm. Chúng tôi đây là tẩm quất dân dã, xin cứ xuề xoà cho đúng kiểu." Chồng tôi vội trải chiếu, đáp rằng thày nói hợp ý anh lắm, đây là chỗ thân mật, không phải nơi công cộng, là cái thú thoải mái chứ đâu phải cái bắt buộc chỉnh chu gì, xin thày cứ tự nhiên cho. Thày ngồi vào chiếu. Tôi xuống nằm. Chồng tôi bảo: "Phía đầu ở bên trái, phía chân bên phải thày đấy ạ." Anh cũng đã dọn nhà thật kỹ. Nhà tôi thường ngổn ngang, bàn ghế kê rất trắc trở, quà tặng lặt vặt của khách văn nghệ một thuở và đồ lạ mắt do chồng tôi sưu tầm bày đầy, cây cảnh và sách vở không chừa chỗ nào. Ông thày này không khua gậy, không có chó dắt, không có trẻ đưa, như bắt xung quanh tránh mình chứ mình không tránh.
Tôi nằm nghiêm. Sấp, ngửa, nghiêng, nằm thế nào cũng thấy gò bó, như cả đời chưa nằm bao giờ. Nằm sấp thì mông thừa, đùi càng khép mông càng nổi gò. Mà mở đùi e hớ. Nằm nghiêng càng lộ. Nằm ngửa thì tênh hênh. Thày ấn tay vào là tôi gồng lên. Cả người tôi là một khối cảnh giác sưng sỉa. Thày bảo: "Bà nhà không được thoải mái lắm." Chồng tôi dồn hỏi: "Sao lại không thoải mái? Thoải mái là thế nào?" Thày đáp: "Hồi nhỏ bị người lớn nọc ra đánh, chúng tôi cũng nằm như thế này." Chồng tôi cười lớn. Anh bình luận hồi lâu về cái lẽ thấm thía của tình thương trong roi vọt, rồi bảo: "Vì thế tôi mê món tẩm quất dân tộc. Nó là món đấm món véo, món thượng cẳng chân hạ cẳng tay, vào đến đâu nhớ đến đấy, không phải cái thứ mát-xa mát-xôi thời bây giờ. Tôi chúa ghét những thứ thoang thoảng cảnh vẻ, quý tộc rởm, lãng mạn rởm, văn minh rởm! Xin thày cứ tẩn mạnh cho."
Chồng mê gì tôi thích nấy, ghét gì tôi chê cùng, từ ngày đầu làm vợ đã thế thì cứ tiếp tục thế đến ngày chót. Tôi cho làm vợ là thân phải trao, phận phải gửi cả, đâu giữ chỗ nào cho riêng ý mình. Chồng tôi lại cho thế là thụ động, đem cái kết quả của nghĩa vụ làm điểm xuất phát. Vậy sửa rằng, sở dĩ trao thân gửi phận vì chung một lòng. Tôi không thấy đi từ tình lòng hay từ nghĩa phận cuối cùng có gì khác. Nhưng sửa cũng thế mà chồng được vừa ý. Thì sửa là hơn.
Thày đáp: "Chúng tôi cũng thích tẩn mạnh. Khách được đấm cho ra tấm ra món đỡ tiếc tiền. Nhưng hôm nay xin làm biếu không hai bàn tay, hai bàn chân, là thứ râu ria không đáng kể gì. Ông Giáo thấy vô hại thì lần sau chúng tôi xin ra đòn hẳn." Chồng tôi đồng ý, nhưng giao hẹn: "Thày giữ kẽ buổi đầu thôi nhé! Từ lần sau ta phải bỏ hết các thủ tục khách sáo. Tẩm quất mà rào trước đón sau thì còn ra cái gì!"
Mỗi bàn tay tôi không đầy hai chục phân vuông thày làm hết mười lăm phút. Tôi để ý nhất động tác vê các ngón, tỉ mỉ từng li. Sau trọn nửa tiếng đồng hồ chồng tôi đùa: "Thày quen tay nhà tôi hơn tôi rồi đấy". Thày đáp: "Ông Giáo nói đúng. Người ta thuộc mặt nhau là thường, thuộc giọng nhau cũng còn là thường, thuộc đến mùi nhau đã hiếm hơn, thuộc tiếng chân nhau là hiếm lắm. Nhưng hiếm nhất là thuộc tay nhau. Xưa không có lệ bắt tay cầm tay, không ai biết tay ai đã đành. Nay đưa tay xoành xoạch cũng chẳng hơn gì. Ngay những người suốt ngày xoa tay xin xỏ, những người suốt đời chụm tay cầu cúng, tay này cũng còn không biết tay kia thế nào..." Chồng tôi ngắt lời: "Thày nói thế chắc phải biết tay thiên hạ lắm!" Thày đáp: "Không dám! Chúng tôi chỉ biết lưng thiên hạ thôi. Ðàn ông đi tẩm quất quan trọng mỗi cái lưng, ai hơi đâu vẽ chuyện nắn tay. Mỗi tay khách bẻ cho kêu mười cái, có thành tích răng rắc là các vị hài lòng rồi. Kêu mười cái hết mười giây đồng hồ. Lắm vị tay chỉ kêu cùng lắm được chín cái, là chín giây, cũng bằng một cái bắt tay khách sáo thôi, ông Giáo ạ."
Chồng tôi bảo, anh cũng thích nghe cái thành tích răng rắc ấy, xem nó thế nào. Thày bèn đặt ngửa một bàn tay tôi trong lòng tay thày, khum lại. Ngón cái tay thày dạo một đường như bấm phím nhạc trên mỗi mấu giữa hai đốt đầu bốn ngón tay tôi. Bốn tiếng gọn gàng vang lên. Ngón cái tay thày dịch nhanh lên lưng đốt cuối bốn ngón tay tôi. Bốn tiếng nữa, trầm hơn tiếng trước. Bây giờ ngón cái và ngón trỏ tay thày gập gọn ngón cái tay tôi, thêm một tiếng trầm. Tiếng thứ mười vang lên ở đâu đó sâu dưới rễ ngón cái. Tay bên kia cũng kêu đủ mười nốt. Chồng tôi khen. Thày bảo: "Chẳng qua là cái mẹo vặt, ai khéo là làm được, ông Giáo nên tập cho biết cái ấy không cao siêu gì."
Ðến lượt chân, chồng tôi có vẻ xúc động. Lúc thày miết dài trên mu, lách qua từng kẽ ngón, lăn chiếc mắt cá, rồi đặt trọn bàn chân tôi cũng không đầy hai mươi phân vuông lên tay này, tay kia trùm xuống, như ủ một con chim thật nhỏ xinh yếu ớt, anh bỗng nhìn vợ. Tôi nhoẻn cười. Mỗi khi không chắc chồng nghĩ gì tôi đều nhoẻn cười. Tay thày vòng ấm cổ chân tôi. Tay thày băm, gõ, đập miên man lòng bàn chân tôi. Tay thày cù phơn phớt. Tôi nhột, tôi động từ gót động lên. Chồng tôi thốt ra: "Thày bảo tẩm quất là món man rợ phải không?"
"Vâng." Thày rút mạnh, cổ chân tôi kêu khục một tiếng. "Hay ông Giáo gọi nó là món bình dân cho tiện." Lại rút mạnh. Cổ chân bên kia lại kêu khục. Hai bàn chân tôi không lìa khỏi cẳng. Chúng chỉ nhẹ như hai chiếc lá rủ mềm khoan khoái và lười biếng, chúng chỉ muốn mãi mãi nằm đó, để được ủ nữa, cù nữa, chiều chuộng nữa. Chúng hư mất rồi.
"Vâng, chúng tôi không cốt nói cho ra vẻ đâu. Chẳng qua là những món lịch sự hiện đại tràn lan quá, dễ tìm, dễ dùng quá, thay đổi nhanh quá, khiến người sâu xa như ông Giáo phải bất mãn, quay sang đề cao những thứ mộc mạc cổ truyền. Chúng tôi phải nói trước để ông Giáo khỏi thất vọng. Món tẩm quất này nếu không cổ lỗ rị mọ thì người tối tăm như chúng tôi sao làm được. Có cơ sở gì đâu. Cứ lỗ mỗ học mót trong thiên hạ, cái hay cái dở như nhau cả. Chúng tôi chả biết cái gì đáng vứt, cái gì có giá trị thật, cứ à uôm dùng tuốt cho được việc. Người ngoài thấy u u minh minh lại xếp luôn vào hạng huyền diệu. Thật là vẽ chân cho rắn. Châm cứu bấm huyệt may ra có chút văn minh tinh tế, chứ xoa xoa đập đập thì bọn đười ươi cũng không thua gì. Chẳng qua là cái nghề kiếm sống. Chúng tôi vốn mê nghề khác, nhưng trời đã bắt như thế này thì đành chịu trời..."
Chồng tôi không biết nên đáp thế nào. Khách ngông đến nhà tôi có khi ăn nói dở khôn dở dại, nhưng ông thày này lắt léo, cả buổi nói toàn giọng ngấm ngầm giễu cợt. Chẳng hiểu muốn thân hay muốn sơ? Chẳng hiểu trọng hay khinh người? Thật thà hay vòng vo thử thách? Riêng ngón nghề thì rõ ràng, nên chồng tôi nhất định đòi thuê xích lô đưa thày về, để hôm sau lại rước bằng được. Anh không nói ra hẳn, nhưng tôi biết ông thày khó hiểu này sẽ còn làm khách quý trong nhà tôi lâu dài.
Buổi thứ hai chồng tôi hồi hộp còn hơn vợ. Thày chưa đến, anh đã giục tôi ra nằm. Tôi nằm sấp, nhắm mắt, nghĩ linh tinh. Thày tẩm quất không bao giờ biết mặt tôi. Thày tẩm quất có đôi tay lúc ấm lúc mát rượi. Thày tẩm quất có giọng mỉa đời. Không khéo hôm trước mỉa ngầm chồng tôi. Khinh tôi cũng nên. Nhưng sao mà vuốt chân tôi thành thật thế. Mấy cô thợ sửa móng chiều chân khách lắm cũng không bằng. Từ hôm qua tôi biết mình có hai bàn chân, để xúc động, để vòi, để hư, để nghĩ. Ừ, hai bàn chân làm lụng vất vả nhất cơ thể, mỗi ngày tôi chải tóc mấy bận mà chẳng buồn chải chân. Mỗi đêm chồng tôi tìm ngực vợ bao lần mà chân để suông. Ðêm qua anh bỗng hôn chân tôi ướt lịm, điên khùng hơn hôn môi, khiến vợ chồng lại lạ nhau như mới cưới. Tôi cảm động phát khóc. Trên đời chắc không nhiều người vợ được chồng mút chân. Hôm nay anh bảo tôi mặc một bộ đồ lụa. Thế là đủ kín đáo, đàn ông đi tẩm quất chỉ đánh cái quần đùi. Anh đâu thuê thày về tận nhà xoa bóp mấy lớp mo nang em khư khư khoác vào người. Là da thịt em, anh yêu, anh chiều. Là em, anh thương, anh không dắt em vào những cái sướng ở đời thì tự em chả bao giờ dám sướng. Vả lại, giữ gìn quá hoá ra gán cho người ta có ý trộm. Vợ anh đâu như mấy cô thiếu nữ, đi thì dính hai đầu gối vào nhau, ngồi thì đùi quấn như thắt nút. Khép quá khác nào thách người ta xông vào.
Bộ đồ lụa khiến tôi mềm mại, hay lúc tay thày đặt xuống tôi bỗng thấy thân thuộc? Tôi cũng quen tay thày rồi sao? Ðầu tiên là những vòng xoa nhè nhẹ, dịch dần từ hai bả vai, theo lưng, trườn sang hai bên lườn, xuống hai bờ mông. Tôi lại nhoẻn cười với chồng. Thày bảo: "Lưng tạm được, vai với mông mất nhiều công đấy ạ." Chồng tôi không hiểu. Thày giải thích: "Hai buổi là chúng tôi làm cái lưng này nhuyễn, không có vấn đề gì. Vai với cả vùng cổ sượng lắm, phải cả tuần mới ổn. Nhưng hông có vẻ hơi lệch. Chúng tôi chưa dám chắc. Nếu lệch thật thì chúng tôi xin chịu. Ông Giáo phải tìm thày thuốc, chứ thày quất không ăn thua." Chồng tôi khẩn khoản xin thày xem kỹ lại hông vợ. Thày một mực bảo khả năng mình hạn chế. Trong khi hai bên nói qua nói lại, chồng tôi đặt tay lên mông tôi bên này mà nắn, thày nắn bên kia, cái giữ kẽ của hôm trước quả là đã bỏ đi như giao hẹn. Cuối cùng chồng tôi đành chấp nhận ý thày, anh còn khen thày thật khiêm tốn, không như mấy ông lang trọc, có mỗi lá cao đen đen bẩn bẩn mà hô rằng chữa bách bệnh. Anh cũng tự khen mình nhìn người không lầm.
Cả buổi thày vừa làm vừa thong thả giới thiệu cho chồng tôi từng ngón nghề. Cái này là đấm, nông thôi, lỏng thôi, như vừa thả xuống đã nhấc lên, lực từ cổ tay rơi ra, không từ cánh tay dồn lại. Ðấm phải vui tai mới là đấm hay. Ðã bảo tẩm quất là món dân dã ồn ào. Dân mình thích đông, thích ồn. Phạt nhau đày ra chỗ tĩnh mịch vắng vẻ khiếp hơn ra pháp trường. Pháp trường còn có súng nổ, người la hét. Cái này là vỗ, tay khum như mui rùa, như đùm không khí mà đập xuống. Cũng phải nghe bồm bộp mới sướng. Cái này là chặt, xát, miết, véo, day, phát, bóp, ấn, lăn, vê, cọ, kẹp..., nghe rặt tra tấn, đã bảo tẩm quất không phải nghệ thuật vuốt ve. Cái này là bắt chuột. Dọc sống lưng, chỗ này, chỗ này, mỗi bên có một con chuột lẩn kỹ lắm, lùa cho nó nổi lên mà chạy mới là giỏi. Cái này là kiến bò. Thoang thoảng đầu ngón tay, nhưng khách phải sởn gai ốc mới là đạt. Nhưng lắm vị khách lưng to như cái phản, kiến bò không ăn thua, phải vục ngập móng mà cào như dế đào may ra họ mới có cảm giác. Hạng người ấy càng bị giẫm đạp nhừ tử càng biết ơn. Bây giờ đến cò lội, ngón tay làm chân cò chớ lội rầm rập. Gọi là cò mổ cũng được, mổ nhát một, sao cho thong thả, nhẩn nha. Rào rào như đánh máy thuê là khách tưởng đang vào cao điểm. Thế là hỏng. Cao điểm phải là đoạn đau đớn nhất, đau xong lịm đi vài giây là đến cực sướng, sướng dã man. Bây giờ đến đoạn rắn vắt ngang. Ðã bảo tẩm quất là món rị mọ. Toàn côn trùng, rắn rết, chuột bọ, tuy mộc mạc thật thà hơn long ly quy phượng, nhưng mới nghe chắc cũng chối tai. Rắn vắt chẳng qua là cuốn da. Người ta có năm chỗ để cuốn, hai khuỷu tay, hai đầu gối, với lưng. Cuốn đẹp thì da chỗ này đuổi da chỗ kia như sóng. Ðây, bây giờ mới đến cao điểm, gọi đơn giản là nhổ. Nhổ từ chỗ này xuống, kết thúc ở mút xương cùng.
Thày chuyển tư thế nhanh đến mức tôi không kịp hoảng hốt. Bây giờ thày lom khom trên tôi, tay lần theo sống lưng từ ngang eo xuống, rút mạnh. Sống lưng tôi lần lượt kêu đánh khục, mỗi tiếng kêu lại dịch một đốt xuống dưới. Tôi run thầm. Một tiếng nữa, một tiếng nữa, một tiếng nữa, là đến cái nốt ruồi ấy. Ăn ở với nhau mấy tháng trời chồng tôi mới biết đến nó, cái nốt ruồi thật khuất, chỗ xương cùng, cái nốt ruồi của riêng hai vợ chồng, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mỗi lần âu yếm cái chút xíu thiêng liêng ấy chồng tôi lại bảo, người xưa nguyện ước với nhau vin vào núi, sông, có khi lấy cả trời đất ra mà làm chứng, đều là những thứ của chung thiên hạ. Của chung dùng mãi cũng mòn, mình bây giờ thề bồi chỉ trông vào cái nốt ruồi bí mật này thôi. Xưa là núi Thái Sơn hùng vĩ, nay là một hạt đậu nhỏ nhoi ẩn giữa hai bờ mông vợ. Nhưng bây giờ chồng tôi như bị thôi miên, bây giờ thày có cưỡi lên vợ chắc anh cũng bằng lòng, cái này chắc gọi là cưỡi trâu nhổ mạ. Thày cưỡi lên tôi thật. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy thợ tẩm quất ngồi ngay trên mông khách ở vỉa hè mà hành nghề như vậy. Thì ra theo bài bản chứ không tự tiện. Chồng tôi hay giễu thói đài các rởm của thiên hạ, nhưng anh đâu phải người bỗ bã, chắc anh không để tôi phải qua đủ bài bản, gác đùi lên vai thày như khách ở vỉa hè. Nhưng hai người đàn ông chỉ chăm chú vào công việc, người này vẫn giảng giải chu đáo, người kia vẫn nghe như nuốt từng lời. Cả năm rồi chồng tôi không có ai để chịu nghe như vậy. Tôi lịm đi khi cái hạt đậu làm tin ấy lọt giữa bốn ngón tay thày và tiếng khục cuối cùng vang lên. Lúc giữa đêm choàng tỉnh thấy chồng trên lưng, dịu dàng, đắm đuối, điên khùng, chú kiến khổng lồ, chàng cò, gã rắn. Như thế là tôi lo không đâu cho một chút nốt ruồi.
Hôm tôi bỏ áo ngoài, chỉ giữ một cái yếm, chồng tôi nảy ra ý dùng nến thay đèn điện. Ðể vợ thấy kín đáo, chứ với ông thày tội nghiệp thì đèn giời cũng bằng thừa. Quả như vậy. Thày điềm nhiên cầm lưng tôi để trần, chăm sóc cũng tỉ mỉ như mọi lần, bóp vai nắn gáy tận tình. Phần tôi khoan khoái thấm thía hơn và phần chồng tôi ngắm không chán ánh nến loang lãng mạn trên những đường cong mịn màng của vợ. Nhiều hôm sau chồng tôi lại bảo bỏ yếm, vì cái dây vòng trên cổ và cái nút thắt ngang lưng hơi vướng, tay thày đang thoải mái bỗng vấp những chỗ ấy, mất hay. Vả lại lưng tôi bây giờ đã nhuyễn, vùng vai cũng sắp mượt, riêng bụng và ngực chưa hề qua tay thày. Chồng tôi sợ nếu không nhắc chắc thày bỏ qua, nên nhất định đòi thày giới thiệu những ngón tẩm quất nửa người phía trước. Thày nhất định thoái thác. Chồng tôi nói dỗi: "Hoá ra thày cũng kiêng kị lắm thứ như mọi người. Hay thày coi thường tôi?" Thày đáp: "Không dám ạ! Ông Giáo là người đi riêng một lối trong thiên hạ, có sợ ai coi thường! Còn chúng tôi, đã thế này thì phiền toái vào đâu mà ngại, chẳng qua là không có kinh nghiệm tẩm quất đàn bà, chỉ sợ mang tiếng làm vụng." Chồng tôi khích: "Ơ hay! Ðàn bà với đàn ông không là người cả sao? Thày mà còn phân biệt đối xử thì ai bình đẳng cho? Tôi tưởng anh em mình không nói cũng nhất trí từ lâu rồi mới phải!" Anh thúc quá, thày đành giao hẹn: "Chúng tôi có nhỡ tay là ông Giáo chịu trách nhiệm đấy nhé!" Tay thày nhỡ sao được. Tay ấy vê ngón tay tôi, vuốt mu bàn chân tôi, không quên một ly; tay ấy chẳng bao giờ chạm cái nốt ruồi, lần nào cũng quây gọn nó rồi lại thả nó, như vừa đánh vây vừa nhử; tay ấy nhổ tóc tôi tí tách, mỗi bụi tóc đủ hai mươi chín chiếc vừa bằng tuổi tôi; tay ấy kéo tai tôi ròn tan, bảy mươi tám chỗ kêu trên người tôi chẳng lầm chỗ nào; tay ấy mỗi lần trườn ngang nách tôi đều dừng tuyệt khéo sát chân triền ngực. Mắt người mù là ở tay. Tay ấy mười con mắt. Bây giờ tay ấy ôm ngang eo tôi, lùa trên bụng tôi, toả xuống ngang hông, chập chờn, thăm dò. Rồi quả quyết chườm quanh rốn. Rồi xoa, mỗi vòng một rộng, tay này đuổi tay kia, một quành xuống bụng dưới và một lội qua vùng ngực. Rồi ngọt ngào miết dọc những dẻ xương sườn. Rồi miết đi miết lại từ cổ xuống ức, lách giữa hai bầu ngực. Chồng tôi thấy chúng khít e vướng, nên khẽ nhón hai chỏm, rẽ ra cho rộng chỗ. Rồi tôi chẳng biết tay ai là tay ai nữa.
Một hôm nào đó chồng tôi lại bảo bỏ quần ngoài, để thày chỉ cho rõ những dấu hiệu lệch xương hông. Bệnh này không chữa thì nhẹ là đau lưng, nặng có thể gây rối loạn kinh nguyệt, thậm chí bế kinh, anh tìm sách đọc, biết như vậy. Bây giờ bệnh tôi đã chắc chắn, lệch xương hông trái phối hợp với căng khớp hông phải. Chồng tôi khẳng định vợ có đủ các triệu chứng, đặc biệt là khảnh ăn, táo bón, dễ cảm cúm và khó ngủ. Thày không dám chữa thì anh tự chữa cho vợ. Nhưng thày phải cố vấn. Phải thao tác mẫu cho anh luyện theo. Thày do dự: "Ông Giáo là người đọc sách, làm gì cũng có sách đỡ, thành hay bại đều dẫn lý thuyết ra viện được cả. Chúng tôi làm theo kinh nghiệm suông, thành hay bại là chuyện ăn may, thật không dám lấn sân khoa học đâu ạ. Chúng tôi xin kiếu." Chồng tôi đã quen co kéo với thày. Ông thày này tuy lấp lửng phức tạp, nhưng cuối cùng bao giờ anh cũng thuyết phục được. Anh thầm giễu cái lối vòng vo tam quốc, ra vẻ nhún để làm cao ấy là rách việc, là nệ rởm tinh thần ứng xử Á đông, nhưng cũng thú thấy mình bắt vở được thày và cầm chắc phần thắng. Lần này anh thẳng thừng đáp: "Thày mà an phận làm thợ tẩm quất đầu đường chắc tôi không vời đến. Cái khổ của anh em mình là lắm tham vọng mà cứ giấu giếm, khinh thiên hạ tầm thường mà lại sợ thiên hạ chê cười. Có mỗi việc chỉnh cái xương hông mà đã nhụt chí, đến lúc phải nắn trời thì làm thế nào!" Thày phản đối: "Ấy chết! Nắn trời thì ông Giáo phải tìm người khác." Chồng tôi túm ngay lấy câu ấy: "Nhưng chỉnh xương hông thì thày giúp tôi!" Thày gật. Hai người đàn ông thực ra đã thuộc nhau lắm. Họ đối đáp vì họ thích nghe nhau, càng đoán trước được nhau càng khoái trá.
Thày làm mẫu, chồng tôi theo. Anh vụng hơn nhiều. Thày ấn hai đầu gối mềm gọn xuống lưng tôi. Ðến lượt anh thì hai đầu gối như hai đầu chày giã giò. Thày xát đùi tôi bên này xong từ lâu, đùi bên kia gác trên vai chồng tôi đã tê mà anh còn dùng dằng chưa dứt. Dứt làm sao được. Anh đã nhất định bảo tôi mặc chiếc quần lót thêu lồng tên vợ chồng. Ðường thêu nổi, thày lần theo chắc đánh vần được. Thày bày toàn những động tác khó. Bóp dây chằng bẹn và cơ xương chậu. Xoay khớp xương hông. Chồng tôi nắm rất nhanh những gì có vẻ phức tạp. Anh còn tự đưa ra những đề nghị nghe rặt khoa học về mấu chuyển lớn, toạ cột, ngấn mông, khớp háng, bắp thịt xương cùng. Nhưng giản dị như bẻ lưng, anh không tập nổi. Anh ghì eo, cắn gáy và cào cấu ngực vợ mãi mà lưng vợ không kêu, đành mời thày ra hướng dẫn lại. Thày ngồi chắc chắn phía sau, đỡ tôi bằng hai đầu gối, cằm tì nhẹ trên gáy tôi, tay vòng qua nách ra trước, ôm quanh hai vai, khoá lại. Thày thúc nhẹ. Lưng tôi kêu rất đẹp. Tôi uốn người ra sau như cánh cung, chân chơi vơi không chạm chiếu, đầu ngả xuống ngực thày. Thày nghiêng xuống, má ấp má tôi một thoáng, miệng kề miệng tôi trong tích tắc. Tay nhẹ nhàng buông vai, hứng lấy hai bầu ngực. Ngực tôi từ cương dễ sợ, hai núm vểnh lên thật đáng xấu hổ. Nhưng thày bảo: "Cái trò tẩm quất này bỗ bã lắm, có gì sơ suất xin ông Giáo rộng lượng." Rồi bình tĩnh day thật đều, thật tròn, thật chậm. Tôi từ từ ngã hẳn vào lòng thày, nghe tim thày đập bình thản. Thày tẩm quất có hình dung ra tôi không? Hay chỉ sờ thấy đàn bà là cái bị thịt lồi lõm nhiều hơn đàn ông? Có mến tôi chút nào không mà tim vô tình thế? Chiều chồng tôi hay chiều tôi? Hơn một tháng chồng tôi chăm chỉ dọn nhà, trải chiếu, đốt trầm, thắp nến. Mỗi cuộc tẩm quất đã thành một nghi lễ say đắm. Tôi tắm, xức nước hoa, xong là thày đến, đúng tám giờ. Tám giờ, trời tháng mười đã tối lắm. Ba người quấn vào nhau trong ánh nến. Chồng tôi như con nghiện, bao nhiêu cũng không vừa.
Bây giờ chiếc quần lót thêu lồng tên hai vợ chồng anh cũng thấy vướng. Em mọi chỗ đều tự do sung sướng, sao chỗ này thiệt thòi? Một nhúm vải trên người nào đủ để hơn hay thiệt, tôi thật không rõ. Nhưng cởi mà chồng vừa ý, thì cởi là hơn. Tôi lại nhắm mắt nằm trong lòng thày như mọi lần, bỗng tay thày đang day sững lại. Hình như thày thoáng giật mình. Thoáng buông. Hay nửa buông nửa còn muốn giữ? Tôi nín thở. Hay thày ngại ngực tôi đa tình quá? Chẳng lẽ hôm nay nó hư đốn hơn mọi ngày? Hay thày chợt quên đang ngồi chiếu tẩm quất? Chiếu tẩm quất là chỗ tra tấn. Giần cho xác thịt tôi ngắc ngoải rồi bỏ. Tàn nhẫn. Man rợ. Hay là tinh vi? Nhưng thày sững lại lâu quá. Tôi mở mắt, thấy chồng lù lù giữa hai đùi vợ.
Thày đẩy tôi ra hay tôi vùng dậy? Hay chồng tôi giằng lấy vợ? Nhanh quá và điên rồ quá, tôi nào rõ, biết nói sao cho chồng an lòng? Anh chột dạ rằng, thày biết gì, nghe gì, đánh hơi thấy gì? Hay nhìn thấy gì mà bỗng đổi thái độ? Sao đang tẩm quất vợ anh bỗng dừng? Sao thoáng ngoảnh mặt lúc anh yêu vợ? Anh yêu vợ ý tứ lắm, lúc cực thả cũng khẽ khàng như không, lẽ nào chẳng thấy chẳng nghe chẳng sờ mà thày chạnh lòng. Bỏ đi như tự ái. Bỏ đi khi nến chưa tàn, không một lời nhắn lại.
Hôm sau chồng tôi không thắp nến. Trời đã tối hẳn. Anh bảo, nếu thật ở cõi nhật thực thì tối mịt chính là đèn giời. Xem thày quất này chỉ tinh đời hay tinh cả mắt.
Tôi nằm trong bóng đêm yên ổn mà vừa thương chồng vừa ái ngại cho thày. Nếu đêm đen thật là cõi của thày, mãi mãi đen ngòm, mãi mãi vô vọng, thì chồng tôi khỏi khổ sở. Khỏi rà lại từng động tác của thày, động tác nào cũng làm anh nhức nhối. Hình như thày tránh hơi khéo quá cái nốt ruồi? Hình như thày ấn xương mu kỹ lưỡng lắm. Hình như thày thuộc vợ anh từ trên xuống dưới hơn anh. Khỏi soát từng lời anh đã háo hức nghe và rung động. Hình như một hôm nào đó thày ví von, "da chỗ này đuổi da chỗ kia như sóng". Sóng là thứ không nhìn chẳng tả được như vậy. Lại bảo "tay khum như mui rùa", thày đã bao giờ thấy rùa? Thấy kiến? Thấy cò? Thấy rắn? Thấy long ly quy phượng? Nhưng lại bảo "trời đã bắt thế này thì đành chịu trời". Là trời bắt thế nào? Rồi bảo "tối tăm như chúng tôi". "Tối tăm" chứ không "mù loà", thằng cha tinh quái này chọn từ xảo quyệt lắm. Úp úp mở mở. Nửa thật nửa hợm. Chẳng bẻ hắn vào đâu được. Hắn không dâm đãng mà "bỗ bã". Hắn không bóp vú vợ anh mà "nhỡ tay". Mỗi ngày hắn "sơ suất" đè lên mông vợ anh, giạng đùi vợ anh ra vài lượt. Lại còn cái xương hông lệch! Hắn nhìn thủng vợ anh từng milimét rồi còn giả đò "chưa dám chắc". Bây giờ tố hắn đánh hoả mù có khác nào giơ cái mặt mình ngu ra giữa thiên hạ. Hỏi là người ta cười sằng sặc, bảo mười thằng đeo kính xẩm làm nghề quất, nghề bói, nghề hát rong, nghề ăn xin, thì chín thằng mù rởm. Mù thật thường làm nghề lương thiện, vót tăm, đan rổ, bóc lạc, tỉa hành. Chẳng ai biết thằng cha như anh tả là thằng cha nào. Tên tuổi không có. Tính nết khó chịu như thế may ra có gã vẽ truyền thần hết thời đi lang thang nói giọng trên đời. Thằng cha láu cá có lần nói bóng gió rằng hắn vốn mê nghề gì khác thì phải. Nghề vẽ truyền thần chắc? Nghề săm soi tận mắt từng milimét! Bây giờ anh há miệng mắc quai. Chơi dân dã thì dân dã liếm mặt như thế đấy. Chuộng đòn dân tộc cổ truyền một chút là dân tộc cổ truyền rờ hồn. Hắn mù đểu thì anh mù quáng thật. Lòng mình có bao nhiêu và xác thịt vợ có bao nhiêu phơi ra cả. Bây giờ lấy bóng tối mà bọc lại. Tắt đèn kẻ sáng ắt mù hơn kẻ mù.
Tám giờ thày không tới. Chín giờ cũng không tới. Bóng tối căng thẳng. Chồng tôi im lìm. Nhà tôi hôm nay không dọn, bàn ghế lại kê rất trắc trở, vấp là ngã vào đám chai lọ bày sẵn trên sàn. Tôi nằm bồn chồn như thuở nhỏ rình ma trong đêm. Lần này tôi sẽ không ngủ quên. Tháng mười một trời còn lâu mới sáng. Chín mù rởm kệ chín, cốt ở người thứ mười mù chân chính. Sao chồng tôi ưa tin ở thiểu số sáng suốt bỗng nản lòng sớm thế vì số đông? Ðêm còn dài lắm và tôi còn đủ kiên nhẫn tin vào một cặp mắt xứng đáng tàn tật. Cầu cho thày mù. Mù trong sáng, tinh tường, kiêu hãnh. Mù mà dễ cho thày và đỡ phiền ai thì hãy mù hết lòng. Mù toét. Mù đặc. Mù hẳn. Mù vô vọng. Mù như khoét mắt bỏ đi. Mù cho chồng tôi ghi ơn tri kỉ. Mù làm khách quý trong nhà tôi mãi mãi. Mù từ hôm nay cũng chưa muộn. Tôi sẽ dẫn tay thày đến những chỗ cần tới. Tôi thuộc lắm đường đi lối lại. Tôi chờ chiều chuộng đã chín nẫu. Sao thày không ung dung bước qua bóng tối đến đây như bao ngày cho tôi rơi vào lòng?
Ròng rã bao nhiêu chờ đợi, tôi không đếm nổi. Không đếm những cú đấm cú véo và chà đạp, những vết bầm tím, máu me, sưng húp, rách nát, mỗi lần chồng tôi nọc vợ ra tẩm quất. Khi không chỗ nào trên cái bị thịt méo mó là tôi còn lành lặn, anh chẳng đụng tới nữa. Rồi cũng bỏ đi, không nhắn lại lời nào, như thày tẩm quất.

______________

Đọc “vision impaired” bản dịch

truyện ngắn “ám thị” của Phạm Thị Hoài

Chu Việt

Tôi vốn thích đọc những truyện ngắn của nhà văn Phạm Thị Hoài, trong số đó có “Ám thị” mà tôi cho là đặc sắc. Tìm trong damau.org, tôi thấy có bản dịch “Vision Impaired” trong tuyển tập gồm 10 truyện ngắn lấy nhan đề của truyện ngắn “Thực đơn Chủ nhật” (Sunday Menu) do dịch giả Tôn thất Quỳnh-Du (TTQD) bên Úc chuyển ngữ. Sách được xuất bản bởi Pandanus Books, Canberra, năm 2006, bìa in đẹp. Tôi bèn mua và đọc bản dịch vì tò mò muốn biết bản tiếng Anh có chuyển tải được cái hay của “Ám Thị” mà tôi đã đọc từ lâu không.
Tôi không phải là “nhà” [văn hay phê bình] gì cả, chỉ có một thời là dịch giả nghiệp dư có đôi chút kiến thức và tư duy nên không dám mạo muội “điểm” hay “phê” gì hết. Vốn ngoại ngữ của tôi cũng hạn chế trong phạm vi tiếng Pháp và tiếng Anh-[Mỹ] mà thôi. Cho nên vừa đọc vừa so sánh và suy nghĩ, nghĩ sao tôi viết vậy theo sự hiểu biết và cảm quan của tôi.
Một chi tiết sơ khởi nhưng quan trọng phải nói ngay là nhan đề “Ám thị” có thể hiểu hai cách. Một là tác giả muốn nói nhãn thị bị “ám” nghĩa là đen tối. Nếu vậy, đó là một từ sáng tác. Cho nên TTQD dịch là Vision impaired có nghĩa là mắt mờ hay mù, ám chỉ ông thày tẩm quất mắt sáng nhưng đeo kính dâm để đánh lừa thiên hạ. “Ám thị” như vậy thuộc phạm trù giác quan nhưng nghĩa này tìm không thấy trong các từ điển và không được nhắc tới lần thứ hai trong truyện. Hai là hiểu từ ám thị với nghĩa tâm lý. Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh: “(Tâm) Dùng cách âm thầm mà chỉ thị để khiến người ta bất giác mà phải theo mình.” Từ điển Tiếng Việt (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà nội, 1988): “1 Tỏ cho biết một cách kín đáo, gián tiếp. 2 Dùng tác động tâm lý làm cho người khác tiếp nhận một cách thụ động những ý nghĩ, ý định của mình.” Với nghĩa này, “ám thị” thuộc phạm trù tâm lý và tóm gọn được ý nghĩa chủ đạo của đầu đuôi câu chuyện, Tuy nhiên, tác giả và dịch giả hoàn toàn có tự do lựa chọn một trong hai nghĩa, và độc giả muốn hiểu theo cách nào cũng được. Nhân vật trung tâm trong truyện dĩ nhiên là người vợ, người đàn bà hơ hớ 29 cái xuân thì, cái “tôi” thụ động kể chuyện, kẻ chủ động dàn dựng bài bản kín đáo và dùng tác động tâm lý là người chồng, và thày tẩm quất với khả năng đối đáp nước đôi đầy hậu ý và rành tâm lý là kẻ thừa hành. Theo tôi, tất cả ba nhân vật trong truyện đều là những kẻ bị ám thị và ám thị lẫn nhau.
Một điều khác tôi muốn bày tỏ ở đây là văn chương Phạm Thị Hoài rất khó dịch cho sát và hay. Nó đa nghĩa và đa tầng, như Thụy Khuê đã có lần nói. Nó có tính trào lộng, châm biếm, thậm chí cay độc (cynical) và không ước lệ chút nào (đọc “Thiên Sứ”, một tác phẩm hậu hiện đại đích thị). Bút pháp Phạm Thị Hoài sắc bén, gọn, chính xác và đầy trí tuệ. Người dịch văn cô không dễ dàng gì chuyển tải những đặc thù đó. TTQD đã làm một công việc vất vả và khó khăn, rất đáng khen và tưởng thưởng, nhưng theo tôi, một độc giả người Mỹ gốc Việt (người Bắc), bản dịch hãy còn nhiều bất cập. Vấn đề là sự khác biệt về cách hiểu tiếng Việt và tiếng Anh và sự trải nghiệm văn hóa nền tảng của hai ngôn ngữ đó.
“Ám thị” là một truyện dục tình (erotic) kể chuyện một người chồng mắc tính khổ dâm (masochism) cố ý mời một ông thày tẩm quất ngày ngày đến nhà đấm bóp và mát xa cho vợ trong hơn một tháng. Người chồng đạo diễn cho vợ đóng một vở kịch thoát y (strip-tease) từng bước, từng bước lột quần áo vợ từ chỗ áo quần nhiều lớp cho đến khi hoàn toàn trần truồng. Màn đầu là màn nằm sấp để ông thầy tận tình đấm bóp, màn sau là màn tênh hênh nằm ngửa cho ông thầy tùy ý mát xa toàn thân từ ngực đến hạ bộ. Kết quả làm cho chính người chồng và người vợ hứng tình (aroused) đi đến chỗ đẩy ông thầy ra để làm tình với nhau. Người vợ hiển nhiên cũng mắc tính khổ dâm và chỉ được cực sướng sau khi thân xác bị hành hạ bầm dập.
Kết cuộc là cả hai người đều bỏ đi: thày tẳm quất sau khi thấy mình bị lợi dụng vì nhìn thấy cảnh làm tình, và người chồng thì cảm thấy mình bất lực vì đóng vai bạo dâm (sadist) không kết quả.
Phần lớn những bất cập của bản dịch là hiểu sai nghĩa, bỏ sót, dư thừa, dùng từ không chính xác. Trong bài này tôi làm công việc người làm vườn dọn cỏ và chỉ chú ý đến những gì nổi bật cần phải nói. Lý do là tôi trân trọng lời văn mô tả thông tục, chính xác với ý châm biếm nhẹ nhàng của Phạm Thị Hoài.
Ngoài ra tôi không có ý chỉ trích, chê bai người dịch hay tỏ ra vẻ hiểu biết hơn người. Đây hoàn toàn là chủ quan – thông thái cũng như ngu dốt – của người viết.
1. Không chính xác.
- three layers of clothes above and two layers below (nguyên tác: hai lượt quần, ba lớp áo): Clothes có nghĩa cả quần lẫn áo. “Áo” là áo cánh hay sơ-mi, đơn giản là shirt hay blouse, “quần” là pants. Việc gì mà phải thêm above and below cho rắc rối?
- master of martial arts (số nhiều). Martial arts nghĩa rất rộng, bao gồm thập ban võ nghệ, “Thầy võ” dịch là kung fu master không gọn sao?
- a penny a dozen (Anh-Mỹ nói là a dime a dozen): hơi khiên cưỡng, chỉ có nghĩa rẻ tiền vì ê hề, làm sao dịch thoát được “ông cứ ới hàng bán rong một tiếng là có cả tá”? ( đề nghị: you just holler at any street vendor and you’ve got dozens of them)
- Tam quat: dùng chữ gốc mà không chú thích, Tây sao hiểu, mặc dầu đọc dần dà cũng đoán biết. Ngày nay dùng từ shiatzu thay cho tẩm quất là rất phổ biến.
- Acerbic nghĩa là chua chát. ‘Chao chát’ thì khác, nó nghĩa là tráo trở, không thật thà. Devious thì đúng hơn.
- crack your back. Có thể thay bằng break your back, chính xác hơn.
- artistic guests là khách có vẻ nghệ thuật. Nên thay bằng guest artists để dịch “khách nghệ sĩ”.
- thorny and unique không thể dùng để dịch “xù xì, đặt vào đâu cũng không vừa” vì đi hơi xa văn bản. Không lý giải dài dòng, tôi sẽ dịch là “rugged types who belonged nowhere” cho sát nghĩa hơn.
- sense of abrasive individualism nghĩa đen là “ý hướng cá nhân chủ nghĩa thích gây gổ”, khôngthích hợp với “thần thái gồ ghề”. Thần thái tức dáng vẻ bề ngoài. Tôi sẽ dịch là “rough appearance”.
- machines dùng để dịch máy ở đây thì hơi lố, đáng lẽ chỉ là devices (vibrator, belly massager, infrared emitter v.v.)
- Perfunctory handshake: perfunctory là chiếu lệ; “bắt tay khách sáo” nên dịch là formal handshake.
- Thích nghe cái thành tích răng rắc ấy dịch là ten cracking sounds không chuyển tải được cái ý châm biếm bằng “that cracking performance”, nhái lại cái “thành tích răng rắc” mà ông thày khoe ở trên (nhưng bỏ sót, không dịch)
- My husband said: “And you said that tam quat was barbaric”. Nguyên văn: “Chồng tôi thốt ra: ‘Thày bảo tẩm quất là món man rợ phải không?’” Chính xác hơn nhưng hơi nặng nề: My husband blurted out: “You said that tam quat was barbaric stuff, didn’t you?”
2. Hiểu sai nghĩa
- lots of front but not much flair sai nghĩa “có liều mà không ngông” (they are reckless, yet not hotheaded).
- should also feel at ease (nên cảm thấy thoải mái).không đồng nghĩa với please make yourself at home hay please take it easy (xin thày cứ tự nhiên cho).
- marginal extremities có quá lời không để dịch “thứ râu ria” (fringes)?
- If you practice at it you’d master it in no time, Mr Teacher. Trật ý với câu “ông Giáo nên tập cho biết cái ấy không cao siêu gì.”
Đề nghị: Mr Teacher, you should practice it to see it’s no big deal.
- I like whatever my husband likes (chồng tôi mê gì tôi thích nấy). Thay vi lập lại “like”, có thể nói; I like whatever fascinates my husband.
- Bản dịch: His thumb moved smoothly along the knuckes of my hand as though they were the ivory keys of a piano.
Nguyên văn: “Ngón cái tay thầy dạo một đường như bấm phím nhạc trên mỗi mấu giữa hai đốt đầu bốn ngón tay tôi”
Nhận định: “Phím nhạc” không nhất thiết là phím đàn piano. Và “bốn ngón tay’ dịch ra “of my hand” không chính xác.
Đề nghị: “His thumb slid its way along the upper knuckes of my four fingers as though they were the frets of a stringed instrument (or guitar)
- My husband smiled at me. Nguyên văn: “anh bỗng nhìn vợ.” (Đề nghị: He suddenly looked at me)
- all day long. Nguyên văn: “cả buổi.” (đề nghị: all session long)
- That’s sufficient. Khó hiểu. Nguyên văn: “Thế là đủ kín đáo” (đề nghị: That’s discreet enough)
- your layers of sartorial resistance. Có vẻ hơi hàn lâm, vả lại không đúng. Nguyên văn: “mấy lớp mo nang em khư khư khoác vào người”. Đề nghị: the layers of body shield you insisted on wearing.
- if it’s a curved spine. Đang nói tới hông lệch (misaligned sides) lại xoay ra cột sống cong. Nếu là nguyên nhân thì phải nói rõ (if it’s caused by…).
- who were equipped with only cheap sticky medicated patches but claimed to be able to treat all kinds of illness. Nguyên văn: “có mỗi lá cao đen đen bẩn bẩn mà hô rằng chữa bách bệnh.” Câu dịch trên lòng thòng mà không đúng ý. Có thể dịch: unlike quacks who boasted to cure all illnesses with just an unclean, blackish medicated patch.
- We would like to retreat (chúng tôi xin kiếu) nghe cứng ngắc. Sao không nói: Leave us out of this.
- Useless Asian style of discourse (dịch: “nệ rởm tinh thần ứng xử Á đông”). Sai. Phải hiểu là: false scruples of the Asian behavior.
- propositions. Nặng nề, nên thay bằng suggestions thì hơn. (tiếng Việt là: những đề nghị).
- The master gave an involuntary start. (hình như thày thoáng giật mình). Sai. Đúng ra là: Instantly, the master seemed startled.
- mishandled (your wife’s breasts) không phải là “lỡ tay”. Đề nghị: mauled …by accident.
- Darkness descended and enveloped both of us. Đây là sáng tác hiền lành, không phải dịch ý châm biếm của người vợ: “Bây giờ lấy bóng tối mà bọc lại.”
Đề nghị: And now you tried to cover them all with darkness?
3. Bỏ sót, tránh không dịch
- “những người suốt đời chụm tay cầu cúng, tay này cũng còn không biết tay kia thế nào…”
- cây cảnh và sách vở không chừa chỗ nào.
- có thành tích răng rắc
- Vâng, chúng tôi không cốt nói cho ra vẻ đâu.
- Chúng tôi phải nói trước để ông Giáo khỏi thất vọng.
- cổ lỗ, rị mọ, à uôm.
- vất vả nhất cơ thể.
- sướng dã man.
- Bóp dây chằng bẹn (một mệnh đề quan trọng vì sát cạnh cái ‘lá đa’)
- mấu chuyển lớn, tọa cột, ngấn mông, khớp háng, bắp thịt xương cùng. (dịch qua loa
bằng collapsed discs, arthritic hips and exercises of the pelvic floor không những thiếu sót mà
còn không đúng.
- đành mời thày ra hướng dẫn lại.
- dễ sợ
- Giần cho xác thịt tôi ngắc ngoải rồi bỏ.
- long ly quy phượng.
- sằng sặc, giả đò.
- Chuộng đòn dân tộc cổ truyền một chút là dân tộc cổ truyền rờ hồn.
- Chờ chiều chuộng.
4. Dư thừa, dài dòng
- quite savage and beastly. Chữ Beastly là dư. (tiếng Việt là: khí man rợ)
- Everything under the sun is available these days là vẽ chân cho rắn. (Đây chỉ là sự khai triển thêm một ý còn dở dang với “a penny a dozen”, nhưng nghe nhàm chán.)
- public arena. Arena đã bao hàmpublic rồi. Arena thường có nghĩa đấu trường. Dùng public place là đủ.
- If we hide behind these qualifications and hedges. Câu này quá dài dòng văn tự chỉ để dịch lời nói dân dã “rào trước đón sau”. Đề nghị: hedge your bets.
- Give her the real experience, you must not pull your punches: quá dài dòng chỉ để dịch “Xin thày cứ tẩn mạnh cho”? “Tẩn” là một từ thông tục ở miền Bắc. Dùng câu thông tục “Please sock it to her real hard.” cho gọn và sát.
- and so weightless. Thừa, không cần thiết, so light là đủ
- spoiled rotten (two feet). Rotten dùng lần thứ nhì hơi lố. (Tiếng Việt là: để xúc động, để vòi, để hư, để nghĩ)
- Boastful quacks. Dùng quacks ở đây cho “lang trọc”** là đúng và đủ, boastful là thừa. Có lẽ dịch giả TTQD không hiểu nghĩa “lang trọc.”
- realigning the affairs of the world. Thừa thãi. Tiếng Việt là: “đến lúc phải nắn trời thì làm thế nào?” Dịch “realigning the stars of fate”, thế là đủ và hay.
- like the back of his hand. Đây là cao hứng viết văn chứ không dịch cụm từ “hơn anh”. (đề nghị toàn câu:Didn’t he get to know my body, from head to toes, better than you did?)
- Mấy chữ “nghề” trong câu: “Hỏi là người ta…” không cần thiết phải dịch bằng động tính từ hiện tại (present participle) vì không có động từ to busk và dài dòng. Có thể chuyển thành: “earn their living as…buskers, beggars…,etc.”
Toàn bản dịch ngoài những chỗ cần thiết, đều dùng thì quá khứ (past tense). Dĩ nhiên là chuyện kể đã qua nhưng theo tôi không nhất thiết phải dùng past tense vì chuyện kể không xẩy ra ở một thời điểm cụ thể nào để quy chiếu, thí dụ cách đây vài tháng, mùa thu năm nay, v.v. Hãy nghe nhân vật “tôi” kể chuyện: Buổi đầu…, ban đầu…, Buổi thứ hai…, Hôm nay…, Hôm tôi bỏ áo ngoài…, Một hôm nào đó… Hơn một tháng…, Hôm sau…”, toàn là những đoạn của một câu chuyện đang xẩy ra trong hiện tại chứ không đã diễn ra trong quá khứ. TTQD dùng “thì” lẫn lộn nên có vài chỗ sai (ví dụ has been/had been) hoặc gây nên hiểu lầm. Theo ý tôi, có thể dùng toàn thì hiện tại (present tense) trừ một chỗ nói đến “năm ngoái” để cho câu chuyện sống động hơn, hấp dẫn người đọc hơn. Hãy đọc lại nguyên văn bản tiếng Việt thì rõ. Tuy nhiên văn phạm tiếng Việt khác tiếng Anh và vấn đề dùng present tense để kể chuyện vẫn là vấn đề còn tranh cãi trong văn giới Mỹ.
Về đại thể, có thể nói đây là một bản dịch dễ đọc, nhưng dễ hiểu sai, có phần dài dòng và hơi nặng nề. Văn phong có tính hàn lâm hơn là thông tục, dân dã, thanh thoát như trong truyện. Việc chuyển, ngắt câu tuy nhịp nhàng nhưng không đạt được sự tinh tế và khéo léo của văn bản gốc. Ông Tôn Thất Quỳnh Du học Anh ngữ tại Úc và ở Úc lâu năm tuy có thỉnh thoảng đi đi về về Việt nam. Có lẽ ông thông hiểu tiếng Anh hơn tiếng Việt, nhất là tiếng Việt dân dã miền Bắc. Ông lại là người Huế chạm trán với ngôn ngữ thuần gốc Hà nội, nên chưa đạt được sự tinh vi và cảm khái được cái hồn của nó, nhất là ngôn ngữ văn chương Phạm Thị Hoài.
Dịch thuật dĩ nhiên đòi hỏi phải thông hiểu cả hai ngôn ngữ, gốc (source) và mục tiêu (target). Thú thật, tôi không hiểu ý tác giả ở đây khi dùng từ “lang trọc”. Trọc chỉ có nghĩa là trọc đầu, không thể là gì khác. Tôi đoán đây là một trường hợp thói quen sử dụng. Thế hệ tôi biết rằng khoảng thập niên 40-50 ở Hà-nội, trên tàu điện thường hay có người lên quảng cáo “thuốc ho bà lang trọc”, có khi nói khôi hài: “bà lang có đạo trọc đầu.” Có thể từ “lang trọc” được phổ biến cho những thế hệ sau với nghĩa là “lang băm”, “lang vườn” vì quả thật thuốc ho của “bà lang trọc” này không công hiệu như lời quảng cáo.

______________

Ở nơi nào, tôi cũng tìm ra được cõi riêng

Cổ Ngư

Sài Gòn, ngày 03.04.2005
Gửi chị Hoài,
Trước ngày về Sài Gòn làm việc, chị có đề nghị tôi viết cho talawas một bài về cảm nghĩ cuả một insider, trở thành outsider suốt mười lăm năm, nay lại có dịp hoà nhập vào cuộc sống ở Việt Nam trong vòng vài tháng, nhập vai một insider «biến dị» để mà nghe-nhìn-ngửi-nếm-sờ và... nhận định!
Tôi đã đợi đúng năm tháng để đặt bút viết những dòng này. Một bài thơ có thể ra đời với cảm nhận bất chợt đón bắt được, có khi chỉ trong một sát na cuộc sống. Một bài viết với ít nhiều nhận xét, dù ngắn gọn, cũng đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định, vưà đủ để những sôi nổi tạm lắng xuống, những «đối kháng» cũ-mới, đông-tây, lạ-quen... bị bào mòn, nhưng cũng không quá lâu để trở nên hoàn toàn quen thuộc với môi trường mới, đánh mất đi khả năng phê phán, đánh giá.
Khởi đi từ ý nghĩ «trở về»: về nước, về quê, về nhà, nhưng thật ra, tôi có cảm tưởng mình đang thực hiện một hành trình ngược lại: khám phá Việt Nam. Lần đầu tiên tôi đi xuyên qua các tỉnh miền tây Nam bộ, nhìn tận mắt dòng Cưủ Long. Lần đầu tiên tôi bước chân trên đường phố Hà Nội, thấy ở mỗi góc phố một mẩu lịch sử hơn ngàn năm. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là Phú Quốc, Phan Thiết, Hạ Long. Quyển sách điạ lý thuộc nằm lòng từ tấm bé vẫn còn nhiều khoảng trống cần được minh hoạ. Con người Việt Nam tôi gặp trên những nơi đã đi qua không hoàn toàn giống những người Sài Gòn mà tôi vẫn có thói quen tiếp xúc, từ khi khôn lớn cho đến tận gần đây, trong cộng đồng người Việt sống quanh Paris. Và cũng không hoàn toàn khác: họ cùng suy nghĩ và nói bằng tiếng Việt, duy trì nhiều tập tục, tính, thói chung, đặc trưng, ăn nước mắm, phở, chả giò, chè ngọt. Thế thì so sánh, phân tích và tổng hợp cái gì bây giờ?
Có lẽ tôi phải «khoanh vùng», chọn Sài Gòn và Paris. Sài Gòn là nơi tôi chào đời và sống ở đó gần suốt hai mươi lăm năm. Thêm Paris với hơn mười lăm năm hội nhập, tôi đứng vững trên hai chân mình ở độ tuổi bốn mươi. Tại Paris, tôi nói tiếng Việt với vợ con trong giờ cơm tối, với bạn bè người thân ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ. Tôi viết thư và gõ lóc cóc tiếng Việt trên bàn phím computer trước khi đi ngủ. Tôi nhớ về Sài Gòn, không còn vì chính thành phố hay những cư dân cuả nó nưã, mà vì tuổi thơ và tuổi mới lớn cuả tôi đã trôi qua ở đó, với những kỷ niệm đẹp và không đẹp lắm. Lý do khiến tôi ngày một thờ ơ với Sài Gòn? Cũng dễ hiểu: bố mẹ và các em tôi đều sống quanh Paris, đại gia đình nội ngoại tản mát khắp nơi trên thế giới, bạn bè thân cũng lần lượt ra đi, căn nhà xưa không còn, trường lớp hoàn toàn biến đổi. Chẳng còn gì đủ sức niú kéo, khiến tôi luyến tiếc Sài Gòn. Có còn chăng, có lẽ chính vì nó đại diện cho Việt Nam, đất nước mà tôi luôn hãnh diện được là con dân. Trong khi đó, ở Paris, tôi dần nối kết được những mối quan hệ mới, chân tình, bền đậm với người Việt, người Pháp và cả người cuả nhiều quốc gia, dân tộc khác đến sinh sống ở đây. Tôi suy nghĩ và hành động gần giống một người bản xứ khi làm việc, ít nhất là tám tiếng trong một ngày, quen với cà-phê máy, xe điện ngầm, với khuôn mặt cuả người bình luận tin tức trên truyền hình buổi tối, với fromage, bánh mì và rượu chát. Sau mười lăm năm, nhịp sống sinh học cuả tôi tuần tự xoay vòng theo khí hậu bốn muà thay đổi, đều đặn giây-phút-giờ-ngày-tuần-tháng-năm trong một không gian yên bình, êm ả. Một trật tự chuẩn mực, cứ thế mà tiến hành nhịp nhàng, thoải mái.
Ðùng một cái, tôi được gửi về Sài Gòn công tác trong vòng vài tháng. Nói là bất ngờ cũng đúng, vì việc này không nằm trong những điều, mục dự trù sẽ thực hiện năm nay. Nói là đã chuẩn bị trước cũng không sai, khi tôi vẫn luôn bày tỏ nguyện vọng mong muốn được làm việc ngay trên xứ sở cuả mình.
Rời Paris, tôi rơi ngay vào một Sài Gòn hỗn độn, ồn ào, mù mịt bụi và khói xe. Sài Gòn đầu thế kỷ XXI vắng bóng xe đạp, những con đường im ắng nhất trước kia bây giờ ngập người và hàng quán. Không còn phải là Sài Gòn trong tâm tưởng cuả tôi nưã. Tiếng nói, tiếng xe máy, tiếng còi inh ỏi ngày đêm không ngưng nghỉ. Hai tháng đầu tiên sống ở Sài Gòn, tôi có cảm tưởng mình trẻ lại, như vừa bừng thức sau một giấc ngủ muà đông dài hàng chục năm. Ðiện thoại di động réo liên tục. Tôi hối hả sống cho cùng nhịp với thành phố, chen, lấn, đôi khi đè lên nhau để tìm chút dưỡng khí. Tôi nói tiếng Việt 24/24 (ngay cả trong những giấc mơ), thêm vào vốn liếng cuả mình các từ ngữ chưa được ghi vào tự điển tiếng Việt. Tôi họp hành, bàn bạc công việc với đồng nghiệp bằng tiếng Việt, pha lẫn tiếng Anh chuyên môn và tiếng Pháp nghiệp vụ. Tôi có thể, với một cú phone, chạy vèo đến quán nước tay bắt mặt mừng, tán dóc mười lăm phút, nưả tiếng đồng hồ rồi lại vèo về làm việc cuả mình. Hay chỉ cần mua vé trước nửa giờ mở màn, khi đi nghe nhạc cuối tuần ở các tụ điểm, lại chọn được chỗ gần sân khấu đến nỗi thấy rõ cả lông măng trên cánh tay ca sĩ. Tôi đã ngồi xuống với một vài thằng bạn thân còn sót lại, thấy mười mấy năm trôi qua không thực sự để lại quá nhiều khoảng cách, và chúng nhanh chóng được lấp đầy, như bọn tôi chỉ mới tạm biệt nhau có mấy ngày, nay lại tìm ra dịp bù khú. Tôi cũng đã ngồi xuống tán gẫu với những người bạn văn mới quen, biết tiếng, biết tài nhau đã nhiều, bây giờ mới có dịp gặp gỡ. Sài Gòn cho tôi cái cảm giác mọi khoảng cách đều không đáng kể. Tất cả đều ngắn, gần, thân mật, dễ tiếp cận.
Hai tháng sau, tôi bắt đầu thấy mình già đi, muốn rút tìm nơi yên tĩnh, khi những hân hoan cuồng nhiệt ban đầu dần trở nên thưà thãi, đôi khi bão hoà và thặng dư. Tôi thèm một khoảng không gian thật rộng, thật xanh, thật yên, với tiếng chim hót loáng thoáng bên tai, thèm hít căng lồng ngực mùi nắng, mùi đất, mùi cây cỏ. Tôi thèm được xem những cuốn phim hay, dù đó thuộc dòng phim thương mại hay dòng phim tác giả, thèm cả không khí đặc biệt cuả lề đường quanh các rạp ciné buổi tối ở khu Opéra, Montparnasse, Gobelins hay Saint Michel. Một ly cà-phê sưã đá uống trên đường Nguyễn Huệ buổi trưa tháng tư hay một tách café crème nhâm nhi khi nhìn đại lộ Champs-Elysées chăng đèn kết hoa muà Giáng Sinh, dù không quá nhiều khác biệt, nhưng vẫn gợi những cảm hứng riêng. Còn cảnh bia bọt tràn lan cuả Sài Gòn mỗi chiều thì không biết phải so sánh với hình ảnh nào cuả Paris, vì hàng ngày, sau giờ tan sở, thì siêu thị và những cưả hàng sách, băng điã nhạc, phim, văn hoá phẩm là những nơi được dân Paris chiếu cố tận tình nhất. Người Sài Gòn sống ngoài đường, giao dịch thương lượng ngoài đường, gặp gỡ hò hẹn ngoài đường, ăn nhậu ngoài đường nhiều gấp đôi, gấp ba người Paris, chắc chắn là như vậy. Nhưng người Paris có số lần đi xem phim, xem kịch, tiểu phẩm và nghe nhạc trong năm gấp chín hoặc mười lần người Sài Gòn, tôi nghĩ, nhiều phần đúng. Cũng có lẽ vì vậy mà tôi càng lúc càng đâm nhớ và thèm Paris, khi bước vào những ngày cuối tháng thứ tư sống và làm việc ở Sài Gòn.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không muốn nhắc lại những thành tựu cũng như hạn chế cuả Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, đã được các phương tiện thông tin trong và ngoài nước: báo giấy, báo mạng, truyền thanh, truyền hình... liên tục đề cập đến, cũng như chẳng thích thú gì khi sao chép lại những tấm bưu ảnh cuả Paris hay những đoạn phim tài liệu quay ở rừng Boulogne, ở những đoạn đường vành đai hay trong các góc khuất hầm métro và trưng ra cho mọi người cùng xem. Ở đây, tôi chỉ muốn xin chấm dứt bằng một lời cảm ơn đến Paris và Sài Gòn, một nơi đã cho tôi sự bình an cuả tâm hồn, một nơi đã tặng tôi tình người thật ấm áp. Và ở nơi nào, tôi cũng tìm ra được cõi riêng cuả mình, để trở về, yên ổn khép cưả.

______________

Thực đơn chủ nhật

Chủ nhật tôi đến thăm bà ngoại trên căn gác không cửa sổ chỉ có một lỗ thông hơi bằng viên gạch đục ra phía trên bàn thờ ông ngoại cho ông ngoại được chút khí trời. Những đám mây bên ngoài trôi qua chỗ ấy như trong tivi. Bà ngoại nằm trên hai tấm ván ghép vào nhau kê bằng kinh Phật và rương hòm bé xíu cùng với chai lọ guốc dép bình vôi những quyển sổ những quả cam mốc meo một chiếc bô sứ và một chiếc bô nhựa. Bà nằm đồ sộ trên toàn gia sản nhìn mây trôi. Một nén hương cho ông ngoại mỗi tuần tôi thắp trong chiếc hộp diêm kín mít này cũng đủ để bà cháu nhìn nhau qua khói mù mịt.
Tôi bảo tuần vừa rồi thứ hai có gà kim hoa ngọc thụ, thứ ba phượng hoàng hoài thai, thứ thư long tu, thứ năm bào ngư hoàng sa, thứ sáu cua thiên phù dung, thứ bảy bạch điểu quy sào, hôm nay chủ nhật thì vịt hải sâm vạn thọ. Mỗi chủ nhật tôi thay một thực đơn. Như thế trước khi dùng hai mảnh ván vào việc khác bà ngoại được yên tâm là sự nghiệp nấu bếp nhà quan của bà không uổng. Mẹ tôi làm cấp dưỡng mậu dịch bây giờ mở quán cơm xích lô, mỗi chủ nhật đưa tôi hai tờ năm nghìn bảo: "Hôm nay cho mày nghỉ, về đi du lịch với bà." Bà cháu đi ngược một đời người, đi mãi, bà cứ dẫn tôi đến trước mâm cơm sơn son đậy lồng bàn bằng sa thì dừng lại. Về phần mình tôi cũng tỏ ra xứng đáng bằng những món ăn chẳng biết nội dung ra sao chỉ thấy tên kêu như Viện Hàn Lâm Hán Việt. Rồi tôi rón rén đặt hai tờ năm nghìn lộ phí lên bàn thờ cho ông ngoại có chút bồi dưỡng, tôi nghĩ biếu xén người chết lịch sự hơn biếu người đang sống. Và để bà ở lại ngồi thịt vào những cọng giá đầu thế kỷ.
Cơm xích lô nhà tôi mùa nóng nhiều canh, mùa lạnh nhiều mỡ, món chủ đạo quanh năm là dưa chua và đậu rán, thay đổi thì có khó, thịt kho, tôm kho, trứng tráng, rau xào. Mẹ tôi có bao nhiêu kinh nghiệm của cửa hàng ăn uống mậu dịch đều dùng được, canh nấu một nồi pha thành ba, nước mắm một lít chế thành năm, trứng đánh điêu hoa phồng như gối giường cưới, ba miếng thịt bày rầm rộ như tế thần. Hồi mới mở quán tôi nghĩ nhà mình hai chục năm kinh hãi nghệ thuật của mẹ, bây giờ lại đem trưng ra ngoài đường cho thiên hạ thưởng thức thì dơ. Mẹ tôi dặn: "Nhỡ bà hỏi thì bảo nhà mở đặc sản." Mùng Hai Tết năm ngoái mẹ nấu mọc đông sai tôi mang cho bà dùng. Lúc bà lật bát thật may mọi thứ cũng thành hình khum khum trên đĩa, bình thường những món đông của mẹ nhão như bùn vầy trong đã muốn ngất. Tôi mừng cho mẹ nhưng khấp khởi đợi mãi không thấy bà dùng nên xin phép về. Bà dặn: "Mang về bảo mẹ lấy vải màn lọc nước bì đi đã, tiêu thì rang sớt thôi, hai đảo bắc ra ngay, nấm cắt chân thật sát, mình chính thế này là định đầu độc bà già hay sao." Trên đường về tôi ném đĩa mọc xuống Hồ Hoàn Kiếm. Mẹ hỏi tôi bảo bà khen ngon để bà và mẹ xích lại gần nhau, cơm xích lô bày mâm sơn son là thành tốt một trường phái.
Nhưng tôi đã lo không lâu. Mẹ tôi tự biết mình chẳng phải là nàng dâu đáng giá nhất của trăm họ nên không làm cao. Phương châm của mẹ là vì nhân dân quên mình, hai trăm cũng bán, suất sang nhất là nghìn rưởi, nên khách đông bàn ghế không đủ phải tràn ra phố đứng ăn rào rào, ở ngoài nhìn vào thấy đũa vung tíu tít chấm chấm mút mút rất vui mắt. Việc ở quán do hai mẹ con và anh Thái là cháu họ đằng bố tôi nhà ở Bưởi đảm nhiệm. Anh Thái làm những việc nặng như phun nước, bê nồi, đổ rác, nhóm lò, rửa bát và giữ trật tự vì khách nhà tôi không thuộc loại ăn uống rón rén như sợ hạt cơm đau, ba chén rượu vài củ lạc và một bìa đậu là đủ cho họ sinh ra những sự không ai lường trước được. Mọi việc anh Thái đều lười, chỉ chăm giữ trật tự, chỗ nào hơi động tĩnh một tí là vác con dao dùng để bổ củi xông ra đứng tấn, mẹ tôi lựa lời can thì dỗi, xuống bếp tè vào nồi nước rau. Mẹ tôi sợ cho anh thôi việc có khi còn nguy hiểm hơn nên gắng nhịn, thỉnh thoảng lại dúi cho vài nghìn bảo anh đi hát karaoke vì nếu để anh xả tâm hồn ở quán thì bắn nước bọt vào mặt khách mất lịch sự. Anh chỉ hát bài "Chiều thu buồn." Tôi bảo bà ngoại là tiệm đặc sản của nhà thuê hẳn một vệ sĩ đã du học ở Nhật. Karaoketoschibaajinomototoyotahondayamahasanyomitschuschubiohaiotokyo. Bà ngoại bảo nghe còn hay hơn mẹc xì lù bố cu. Bà đổ cho thằng Tây tội hủ hoá khẩu vị nước mình. Tôi phải rất cẩn thận để không hở ra những món rôti, phá-xí, cùng là bơ sữa xúc xích dăm bông để lòng yêu nước dậy mùi mắm tôm hành tỏi của bà không bị khuấy đảo. Tội của mẹ còn nặng hơn thằng Tây. Là tội tàn phá. Tôi đoán bà sẽ mang chiếc bô sứ Trung Quốc mỏng tang có hình những cô tiên xuống mồ để giữ gìn nền văn minh phương đông còn chiếc bô nhựa để lại cho lũ chúng tôi con cái cháu chắt của một thời đại lai căng dung tục từ việc ẩm thực đến đại tiểu tiện nói theo chữ của Viện Hàn Lâm Hán Việt.
Những việc còn lại hai mẹ con chia nhau. Đi chợ thì mẹ mặc cả tôi xách làn, nấu nướng mẹ pha chế tôi thực hiện, đúng mười rưỡi hàng ngày mẹ ngự sau quầy còn tôi lo chạy bàn hầu khách và phụ rửa bát cho anh Thái. Khi nào khách đông quá tôi cũng được xới cơm và gắp rau, mẹ độc quyền những món nhiều prôtít vì sợ tôi còn trẻ nhiều sĩ diện gắp quá tay cho khách thì nhà sạt nghiệp. Thực ra những miếng thịt mẹ thái không miếng nào có thể nhỉnh hơn miếng nào, cá và đậu cũng có cỡ chuẩn, tôm nhộng đong sẵn bằng một gạt chén uống trà, mẹ bảo đấy là phần cứng vì ở đó không được mủi lòng, còn phần mềm là cơm, rau, canh, và nước chấm thì thỉnh thoảng cũng có thể linh động để khách hàng được thật sự là thượng đế. Tôi đoán anh Thái đã tiết lộ thông tin nội bộ này cho đám xe thồ ở Bưởi. Mỗi lần vào quán họ gọi toàn cơm rau ăn với cá khô mang sẵn và liên tục xin thêm nước chấm thật nhiều chanh ớt rồi còn chê ít mì chính. Mẹ thấy thế đổ sẵng vào mỗi bát nước chấm một muôi mì chính rồi bảo tôi, nghề nào cũng có một nỗi đau riêng, quên đi mà sống con ạ. Tôi sợ đám xe thồ làng Bưởi bị đầu độc nên lén chan thêm cho họ mấy muỗng nước rau muống đánh dấm, ở nhà mỗi lần tôi nghẹn nấc đau bụng cảm cúm mẹ đều bảo uống nước rau đi là hết.
Nếu mọi sự cứ diễn ra bình thường như vậy tôi không có gì phải phàn nàn. Tôi không mơ mặc váy chẽn để đánh mông kiều diễm tiến đến những bàn phủ khăn dâng món khai vị là bảng thực đơn bằng ba thứ tiếng. Mấy cô tre trẻ như tôi làm ở những chỗ ấy thì lộ vẻ hãnh diện, môi ướt như được hôn cả ngày. Tôi cũng muốn biết thế nào là được hôn. Ở quán cơm xích lô ngoài phận đàn bà của hai mẹ con còn lại toàn đàn ông dữ dằn, tôi được phát vào mông cũng nhiều nhưng những cái hôn dường như bướm, đậu cả vào những hoa khác mất rồi. Anh Thái cũng là đàn ông, một đàn ông tục tĩu hung hăng và hay hờn, lúc quá trớn sục vào bếp luồn trướng sống vào cổ áo tôi để xem tôi cuống quýt cởi áo cứu trứng. Thế thôi. Ở quán cơm này đặc biệt vui sống thì khó, nhưng cũng không buồn, nhiều lúc tôi còn cảm thấy mình có tình ruột thịt với những người đang ăn rào rào kia như thể họ đã chung mâm với tôi từ tấm bé, ngon thì không nhưng no hoàn toàn. Vả lại họ đều là những người bôn ba gánh vác việc của thiên hạ, không ai nhàn ngay cả trong bữa cơm, tôi được lây cảm giác sống gấp rút mê man như lên đồng. Nhiều người trong họ thực ra trong rất mất cảm tình, ngồi chồm hổm trên ghế như đi cầu tiêu và xỉa răng như quét chợ, những câu chửi đời phun ra giữa hai lần và soàn soạt nghe thối không chịu được, nhưng mẹ bảo, khách đã là thượng đế thì thế chứ bĩnh ra đây mình cũng phải nuốt, quên đi mà vui sống con ơi. Tôi phải nhận là nhân sinh quan nguyên mậu dịch viên chỏng lỏn phũ phàng của mẹ bây giờ đã đầy hài hước và tình người.
Ngày ở đây trôi điên khùng hơn mây trong tivi ở nhà bà ngoại, từ mười rưỡi trở đi không có phút nào để nghĩ linh tinh, chỉ buổi sáng ngồi nấu bếp tôi mới vẩn vơ lẩm nhẩm những thực đơn chủ nhật để nhìn vào xoong chải không bị rùng mình. Tôi biết rõ nồi canh hôm nay là nồi canh hôm qua ngụy trang bằng hành tươi và nồi canh hôm qua là nồi canh hôm kia, còn trong xoong thịt đang vui vè sình sịch màu cánh rán kia là hai cân mốt ế chợ chiều, ruồi và cứt ruồi bám như đậu đen vừng đen. Nhưng khách nhà tôi sống gấp vào ngày quá, thức ăn không ở lâu trong miệng cuống cuồng chạy thẳng xuống dưới, chẳng ai có thời gian nhằn ra canh hôm qua canh hôm nay. Phần tôi lẩm nhẩm một lúc giò hoa ám nguyệt, chả cá ngọc lan đình, canh bạch tuyết, gà tần hải sâm ... cũng qua cơn rùng mình. Tôi chẳng biết hải sâm là gì, nhưng nghe rất bổ. Hễ bổ là ngon, bà và mẹ đều nhất trí như vậy. Thế thôi. Tôi không khó khăn như bà không xuề xoà như mẹ. Bếp đầu thế kỷ bếp cuối thế kỷ của mẹ và bà ngoài ra đều nhất trí ở mục đánh lừa người ăn. Cái ruột cá của bà thì nống thành râu rồng. Miếng chả của mẹ thì toàn bột và bột. Bà cho người ta no bằng tai và mắt. Mẹ cho người ta no bằng độn cứng dạ dày. Cả hai đều hết lòng kính trọng prôtít. Đến lượt mình ở thế kỷ hai mốt không khéo tôi kết hợp cả hai nghệ thuật lừa mị, cho bà mẹ thành bất tử trong một trường phái có thể đặt tên là "Việt Nam bếp núc tân cổ giao duyên," tôi sẽ tẩm quất cả tai mắt lẫn dạ dày và cộng thêm lòng sĩ diện của khách, rút cục thì cái đáng ngại là sĩ diện của khách chứ không phải sĩ diện của tôi. Và sẽ viết một cuốn sách dạy dỗ nhiều điều bổ ích hơn tất cả những sách nấu ăn tôi đã học mỗi chủ nhật ở thư viện Hà Nội trước khi đến báo cáo thực đơn trong tuần với bà ngoại.
Cơm xích lô nhà tôi đang hưng thịnh, nghệ thuật của mẹ đang ở đỉnh cao và tôi đọc vừa hết sách nấu ăn của thư viện Hà Nội thì công an đi chiến dịch "Sạch đẹp thành phố" ào qua khuân hết lên đồn, tôi từ trong bếp chạy ra thấy mẹ lăn lộn trên những mảnh bát vỡ trong vũng canh cua xanh xanh xám xám, gạch cua bết vào tóc mẹ như cườm. Lúc ấy còn sớm chưa có khách ăn. Anh Thái cầm vòi cao su lần lượt nhằm vào từng món ngổn ngang trên mặt đất xả như rửa xe máy, mỗi xả một "Ông thì sạch này!", mỗi xả một "Ông thì đẹp này!". Cả quãng phố thành nồi canh thập cẩm lênh láng, mẹ tôi thấy thế thì nhỏm dậy cười rũ rượi, cườm gạch cua dính trong tóc rung rinh rung rinh.
Hôm ấy không có việc nên tôi về thăm bà. Bà ngoại lấy tôi làm lịch, than rằng bà mới chợp mắt một lúc mà đã hết tuần. Thực ra đây là một ngày thứ tư. Tôi không đính chính để bà được thọ hơn nên lại mang thực đơn chủ nhật ra báo cáo. Tuần vừa rồi có bạch hạc hầu cờ, gà chi lan, vịt viên tuyết hoa... Bình thường sau mỗi món ăn bà chỉ "ừ", tôi đoán bà cũng chẳng biết đấy là món gì, sách tôi đọc trong thư viện Hà Nội toàn loại mới soạn sau này, tác giả phần lớn là người trong nam, họ ăn uống hiện đại nghĩa là cho nấm, dăm bông và ngò vào mọi món. Trong quyển "Việt Nam phong tục" tôi thấy ông Phan Kế Bính cũng là người đầu thế kỷ viết rằng việc ăn uống của ta sơn hào hải vị chẳng thiếu thức gì, chỉ hiềm cách nấu nướng thì còn vụng lắm, thợ nấu ăn chẳng qua là mấy tay người nhà đầy tớ theo tục mà làm thế nào cho ăn được thì thôi chứ không ai học nấu ăn cao siêu gì. Mẹ cũng bảo: "Ôi dào tao chém to kho mặn, còn bà thì í à cũng đến ba món xào dăm món nấu, vây cá vịt hầm là hết." Cho nên mỗi chủ nhật nghe bà "ừ" tôi được mừng, nửa phần là xoá bớt tội cho mẹ, nửa phần là thực đơn tôi soạn thế là không chỉ ngon cho riêng mình. Trong cái hộp diêm kín mít khói và mây tranh nhau trôi qua lỗ thông hơi này một miếng ngon tôi nhặt ở đâu mang đến cũng đủ để bà cháu mềm môi cả tuần. Có thể những cố gắng Hán Việt của tôi bây giờ làm cho đầu thế kỷ của bà oanh liệt hơn thực tế. Có thể đầu thế kỷ của bà làm thiên niên kỷ sắp tới của tôi nhố nhăng hơn tự nó. Tôi không lục vấn, không buồn, chỉ thỉnh thoảng hơi lúng túng vì mỗi người gắn với mỗi thời tự nhiên như tranh gắn vào khung, phần tôi chưa biết gắn vào đâu, cứ vất vả đi vào khung này đi ra khung kia mãi không được ổn định. Thế thôi. Tôi không khó khăn như bà không xuề xoà như mẹ.
Lúc kể đến món hải sâm hấp chim không thấy bà "ừ", tôi nhìn mặt bà thấy nụ cười là lạ nên chột dạ, sợ bà hỏi hải sâm là cái gì thì có lẽ cả bà lẫn cháu đều khó nói năng. Nhưng bà không hỏi, chỉ cười mãi, rồi nói rất dịu dàng: "Con hải sâm, con đột đột ấy khi ăn lấy nước cua đồng mà ngâm...". Tôi nhẹ người, trong mâm cơm sơn son đây lồng bàn sa đen của bà thế là cũng có ít nhất con hải sâm. Nhưng bây giờ tôi vẫn không biết con đột đột là con gì. Đợt mãi không thấy bà dạy thêm, tôi cúi nhìn mặt bà một lúc rồi co cẳng chạy ra ngoài. Đến Hồ Hoàn Kiếm tôi sực nhớ là quên cài cửa nên quay lại. Bà ngoại vẫn nằm đồ sộ trên toàn gia sản nhìn mây trôi. Tôi lưỡng lự rồi xin phép bà vào vuốt mắt. Bây giờ bà có thể chợp mắt một lúc là hết thế kỷ nhưng điều đó chẳng quan trọng, hôm nay là chủ nhật, ngày mai là chủ nhật, ngày kia cũng là chủ nhật, đấy mới là điều quan trọng. Tôi lấy hết sức khẽ nhấc một đầu ván rút ra được quyển kinh Phật để vào tay bà. Bà nằm hơi cập kênh nhưng không sao, kinh Phật bây giờ chuyển sang chống phần hồn. Hồn bà cũng đồ sộ. Tôi đốt một lúc không biết bao nhiêu nén hương cho bà được thơm rồi cài cửa ra về. Ở quán, anh Thái ngồi một mình hát bài "Chiều thu buồn". Mẹ tôi chắc đã lên đồn mời thuốc ba số. Hai đứa không biết làm gì, tự nhiên đi cả vào bếp. Anh Thái luồn nhiều trứng vào cổ áo tôi. Tôi để anh giúp tôi hứng trứng suốt một chiều buồn. Sau này nhất định tôi sẽ lấy chồng. Những lúc tan hoang như thế này có chút đàn ông bên cạnh nếu được hôn nữa thì ngày cũng trôi qua.
Nhiều ngày trôi qua. Ngày nào tôi cũng đến thăm bà ngoại buổi sáng, buổi chiều về chơi trứng với anh Thái. Sách nấu ăn cạn rồi, bây giờ tôi lấy dần những tờ năm nghìn lịch sự trên bàn thờ ông ngoại đi mua đặc sản về trình bà. Đặc sản thật. Mỗi hôm một món. Tôi vào những tiệm có mấy cô trẻ trẻ như tôi mặc váy chẽn. Tiệm nào cũng na ná nhau, gồm hai ba chục món cố định đặt tên bằng ba thứ tiếng chứ không phong phú và Hán Việt như thực đơn chủ nhật của tôi. Tôi khắc phục bằng cách thêm nấm, dăm bông, và ngò vào mỗi món. Thưa bà hôm nay có kim kê hoàn lạc thủy. Hôm nay có xuân hoa ngũ sắc. Hôm nay có cơm bát bửu lá sen. Bà luôn vừa lòng, người già im lặng thế kia là vừa lòng, nên xong phần chính thống tôi cũng đánh bạo bình luận ngoài lề. Theo tôi thì người ta nhúng tay can thiệp thật lộ liễu vào đồ ăn, nhìn sự chăm sóc cho màu hồng của cà rốt nổi bật cạnh màu dưa chuột xanh và những miếng phồng tôm tênh hênh cưỡng xoè một vành hoa trắng ngậy tôi thấy lõa lồ quá. Theo tôi rút rỗng một con vịt để ngồi vào đó một con gà, trong con gà lại là con bồ câu, và tất cả chín nhừ trong một quả dưa khổng lồ là một cái gì điên đảo đã sáo mòn. Theo tôi âu yếm với đồ ăn không phải là mơn man khắc khắc tỉa tỉa trên những quả cà chua rất vô tích sự, không phải là nhồi thịt vào những cọng giá, còn những kinh nghiệm mậu dịch của mẹ tôi thì khỏi cần trích dẫn, đấy là hành hung. Là tàn phá. Âu yếm với đồ ăn khác xa thần phục prôtít. Khác xa những cái tên kêu quá thể. Tình yêu trong miếng ăn đòi rất nhiều sự nguyên vẹn dịu dàng của cả đôi bên.
Theo tôi... Tôi không có gì mà theo. Tất cả lí thuyết hăng hái của tôi dựa trên suất cơm xích lô đùm vào trang sách nấu ăn của thư viện Hà Nội đặt trong chiếc mâm sơn son. Thế thôi. Thậm chí tôi không biết con đột đột là con gì. Nhưng bà ngoại không thể nhìn tôi ngượng. Khói mù mịt quá và ruồi bu như mưa đen. Mỗi lần mở cửa tôi nép sang bên cho một trận mưa đen thốc ra, cuốn theo một chút của bà và chút lễ mọn của tôi. Tôi thắp thật nhiều hương, đặt thêm một đĩa xuống sàn đã la liệt sơn hào hải vị rồi ngồi xuống báo cáo thực đơn. Tôi không thấy rõ bà, hôm nay dường như bà thêm đồ sộ trương phình, xé quần áo chật mà bung ra, ngày mai dường như sắp tiêu tán, ruồi và kiến sắp khiêng bà đi vào cuộc du lịch xuôi ngược một kiếp người. Dường như bà ngả sang màu Phật, áo phin nõn trắng bây giờ thành nâu. Dường như nụ cười của bà nở phồng một đóa hoa tím.
Tôi tiêu đến tờ năm nghìn cuối cùng trên bàn thờ thì sàn nhà cũng không còn chỗ để dọn thêm một đặc sản. Bà ngoại nằm nghiêng trên sàn. Mặt hướng ra cửa chờ tôi, miệng kề bát vây cá, một dòng rùng rợn từ bát nấu dâng lên hay từ miệng bà xuôi xuống bát nấu. Tôi cố trấn tĩnh, xin bà lại về chỗ cũ ngoảnh mặt xem mây trôi qua ông ngoại thì hơn, tiệc nằm thế này lộn xộn quá. Nhưng hai tấm ván cập kênh đã ụp xuống toàn gia sản của bà. Những cô tiên nhẹ như bông trên chiếc bô sứ Trung Quốc nằm quằn quại ngổn ngang. Tôi nhắm mắt lại. Lúc mở mắt ra tôi thấy triệu triệu con ròi bận rộn.
Tôi co cẳng chạy ra ngoài. Chạy thẳng vào bếp tìm anh Thái không thấy anh Thái. Chỉ có trứng vỡ chưa ai dọn, chiều hôm qua chúng tôi chơi hăng quá trứng rơi nhớp khắp ngường. Mẹ tôi đã được dịp cho hẳn anh Thái về làng Bưởi, có lẽ sắp tới anh đi xe thồ. Tôi bảo mẹ bà thèm món mọc đông. Tôi sẽ nấu để mẹ mang cho bà dùng. Để bà và mẹ xích lại gần nhau. Cỗ ma tôi dọn xong rồi, còn một món chót xin mẹ tự tay dâng bà với sự chứng kiến của ông ngoại. Vả lại mẹ biết phải làm gì với hai tấm ván. Tôi lấy vải màn lọc nước bì, nấm cắt chân thật sát, tiêu thì rang sớt... Mẹ đi thăm bà, tôi không biết làm gì, ngồi hát bài hát nghe lỏm của anh Thái. Tôi hát nhảy cóc từ câu này sang câu kia linh tinh. Những lúc vắng vẻ như thế này hát đi hát lại một bài chỉ thuộc lõm bõm thì ngày cũng trôi qua.
Tuần sau chiến dịch sạch đẹp thủ đô lắng đi, cơm xích lô nhà tôi lại mở.

_____________

Phạm Thị Hoài, thiên sứ

Thụy Khuê

Tập nói, bé Hon chỉ biết một câu duy nhất, "thơm nào". Nó chìa đôi môi bé xíu, hồng hồng, thỏ thẻ "thơm nào". Nhưng mọi người còn nhiều việc cần hơn những cái hôn. Mẹ gắt lên: "Ra chỗ khác, thơm với tho gì, không kịp mở mắt ra đây này."
Bố cáu: "Thôi, thôi, đủ rồi, ướt nhèm cả mặt người ta."
Anh cả quát: "Cút!"
Bé Hon lẫm chẫm, lủi thủi bước đi, bé Hon đi ngủ, rồi bé Hon ngủ luôn một giấc thiên thu, không bao giờ dậy nữa. Nó đã vĩnh viễn ra đi, vì ở đây người ta không thích hôn, người ta không thiết hôn, người ta không thèm hôn.
Thiên Sứ là sự chết yểu của tình yêu trong bối cảnh xã hội vội vã chạy theo đồng tiền, với những ngụy trang của con người trong cử chỉ, trong ngôn ngữ, đến lợm giọng.
Phạm Thị Hoài vừa tàn nhẫn vừa dịu dàng, vừa ngỗ ngược vừa dễ yêu, vừa táo bạo vừa kín đáo, sống sượng, cụt ngủn mà ngây thơ trong sạch như mộtThiên Sứ lỡ sa xuống trần, rơi vào mảnh đất Việt Nam, lạc vào thế giới người lớn chỉ biết"uy tín và danh dự", những danh từ quá trừu tượng mà bé Hon không thể hiểu, không cần hiểu, chỉ cần hôn.

Ba mươi hay mười bốn, ba hay bẩy tuổi, bé Hon, bé Hoài, Phạm Thị Hoài hay Phạm Thị Hoài Nam chỉ là một, một kẻ cần yêu, đòi quyền được yêu, được thông cảm, đối chất với những kẻ không biết yêu, không có khả năng yêu.
Bé Hon là hương thơm, là trìu mến, đối chọi với sắt và thép.
Hoài chia loài người ra làm hai loại: Homo A và Homo Z. Homo A là những kẻ biết yêu và Homo Z là những kẻ không biết yêu. Chỉ đơn giản có thế.
Hoài là cơn sốt của tuổi vị thành niên thèm đập phá, khao khát tự do, chống lại xã hội hẹp hòi, tù túng, chống lại giả tạo, hủ lậu và đàn áp tư tưởng.
Bé Hon là mầm sống tự do bị giam trong cũi, trong lồng.
Hoài, vai chính trong Thiên Sứ, nhân vật không chịu lớn, hao hao giống chú lùn trong truyện Cái Trống (Le Tambour) (1959) của Günter Grass, một tác phẩm pha trộn thực tại với hoang tưởng trong bức tranh châm biếm độc địa xã hội Dantzig, dưới chế độ Hitler.
Sự từ chối không chịu lớn của Hoài tương tự như sự không muốn lớn của chú lùn, từ chối những giả trá của người lớn, bằng một thái độ lạnh lùng, bằng sự châm biếm cay độc, bằng cái nhìn hoài nghi, xoi mói vào những nhân vật xung quanh.
Hoài lột trần cuộc sống gia đình, lột trần bộ mặt cha, mẹ, anh, chị và chính mình để tìm ở họ một khía cạnh thực nào đó, ngoài những cử chỉ và ngôn ngữ mà họ đã sử dụng như một cái máy.

Thiên Sứ viết theo lối tiểu thuyết mới, từng đoạn cắt rời, đổi phông, như những khúc đứt của một bức tranh lập thể, khó hiểu, chắp nối những mẩu tư tưởng, những mảnh gương vỡ của cuộc đời, lộn xộn, chất chồng trong đầu. Bối cảnh rời rạc, không có trật tự nhất quán, tác giả không thuật chuyện mà trình bày những ý thức con người trước một thực trạng.

Phạm Thị Hoài là sự thức tỉnh của lương tâm trước những rạn vỡ của xã hội, của tâm linh con người mà chủ yếu là sự triệt tiêu thông cảm.
Paris tháng 8-1991

______________

Phạm Thị Hoài: trí tuệ và cú pháp làm nên đặc điểm

Trần Vũ thực hiện

Sinh 1960 và tốt nghiệp ngành Văn khố tại Đông Đức, Phạm Thị Hoài là một trong những gương mặt chính của Phong trào Văn chương Phản kháng giai đoạn 1986-1989. Sau Thiên Sứ đoạt giải “Tiểu thuyết nước ngoài hay nhất” tại Đức năm 1993 và Thực Đơn Chủ Nhật quay thành phim trên truyền hình Đức, Phạm Thị Hoài thiên về thể tiểu luận mà trí tuệ và cú pháp làm nên đặc điểm. Từ 2001, Phạm Thị Hoài làm chủ biên trang Talawas rồi Pro&Contra, cùng lúc dịch các tác phẩm của Franz Kafka, Bertolt Brecht và Friedrich Dürrenmatt.
Trần Vũ: Từng sống dưới tầng hầm của Viện Sử học Hà Nội nhiều năm tháng, Phạm Thị Hoài thời sinh viên đã đón mùa Xuân dưới nền xi-măng lịch sử này ra sao? Có phải trong căn hầm này Phạm Thị Hoài quan sát và thâu nạp chất liệu cho tiểu thuyết Marie Sến? Những mùa Xuân tự do đầu tiên tại Bá Linh, khám phá Thomas Mann và tiểu thuyết Bác Sĩ Faustus, Phạm Thị Hoài tin như Thomas Mann từng viết: “Chúng tôi là một dân tộc ưa chuộng định mệnh và mang linh hồn thảm khốc mãnh liệt.”? Thomas Mann khi lưu vong tại Hoa Kỳ cũng từng trả lời Dr Joseph Goebbels: “Tôi ở đâu, đó là nước Đức. Tôi mang theo mình nền văn hóa Đức của tôi.”… Còn Phạm Thị Hoài?
Phạm Thị Hoài: Các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam thường là những thành trì tư tưởng bảo thủ. Người ta có thể trú trọn cuộc đời công chức hàn lâm ở đó mà không hề trải qua một biến động nào lớn hơn sự lần hồi lão hóa của chính mình. Tuy vậy, đối với tôi, Viện Sử học thời gian ấy là một cơ quan hào phóng. Nó không đòi hỏi gì ở tôi ngoài việc ngày nào cũng có mặt, còn lại thì gần như tuyệt đối tự do. Thủ trưởng trực tiếp của tôi, ông Dương Trung Quốc, và Viện trưởng, ông Văn Tạo, cũng như chuyên gia cao cấp, ông Hồng Phong, đều không hề phản đối việc tôi ăn biên chế của Viện mà lại ngồi cả ngày ở đó để dịch truyện và viết văn chứ không đóng góp gì vào công cuộc nghiên cứu lịch sử nước nhà. Có lẽ vì lịch sử nước nhà đã được viết xong, đâu vào đấy cả rồi, để những người như tôi đụng vào không có lợi gì, mà bản thân tôi cũng không có một tham vọng nào về hướng đó.
Tôi còn được Viện cấp giấy giới thiệu đi học một khóa Hán-Nôm. Giữa những năm tám mươi học tiếng Tàu là việc bị kiểm soát khắt khe, lớp tôi học gồm toàn các nhà sư và vài người mà tôi nghe các vị nhà chùa rỉ tai là mật vụ. Rồi khi lâm vào cảnh vô gia cư, tôi lại được cấp ngay chỗ ở tạm dưới tầng hầm. Đấy là một tòa biệt thự kiểu Pháp, tầng hầm cũng kiên cố và khá khô ráo, ra vào thì phải lom khom chui qua một khung vuông, mỗi bề chừng tám mươi phân, nhưng bên trong thì người nhỏ bé như tôi có thể đứng thẳng, trần vẫn cách đầu vài phân. Dĩ nhiên là tôi chung sống với tất cả những cư dân thường gặp ở tầng hầm, bây giờ nghĩ lại thì ghê, nhưng quả thật khi đó tôi không thấy bất bình khi phải mời mấy bác chuột sang một góc xa hơn, hay xua các em gián, các em thằn lằn đi chơi chỗ khác. Tuổi trẻ đúng là kì diệu, mùa nào cũng là mùa Xuân, ngày nào mặt trời cũng ghé xuống cả nơi thấp nhất.
Marie Sến là một hommage cho thời gian ấy. Sống ngay tại trụ sở 38 Hàng Chuối của Viện, tôi lại được cái thú là chiều tối thỉnh thoảng ngồi hàng nước góc phố Phạm Đình Hổ xem ông Đỗ Mười mặc pyjama kẻ sọc như quần áo tù ra trước cửa hóng mát và chuyện gẫu với lính gác, lời lẽ thô sơ hơn cả mặt mũi, tăm ngậm miệng, tác phong rất là nhân dân.
Với các tác phẩm của Thomas Mann, phải nói ngay là tôi không thấy gắn bó nhiều lắm. Có thể vì ông ấy là một tác giả bắt buộc, là hiện thân của văn học Đức, như Goethe, và cả hai đều theo đuổi chủ đề nghệ sĩ bán linh hồn cho quỷ, như thể nó cũng là bắt buộc trong văn học Đức. Điều tuyệt đối giống nhau giữa văn chương và tình yêu là cả hai dựa trên sự tự nguyện. Dĩ nhiên chẳng có tình yêu nào là thuần túy, rất nhiều khi cái mà chúng ta tưởng là cảm xúc lãng mạn bay bổng của trái tim thực chất lại là cảm giác sung sướng tột đỉnh trước kết quả mĩ mãn của một phép tính đầy lí trí trên thị trường tình cảm. Nhưng cơ sở vẫn phải là sự lựa chọn tự nguyện. Trong các tác giả của dòng họ văn chương Mann danh tiếng, tôi chỉ tự nguyện đọc Klaus Mann, mà lại đọc đúng vào Mephisto, cũng một tác phẩm về nghệ sĩ bán linh hồn cho quỷ. Một vấn đề nữa của Doktor Faustus là nó ôm rất nhiều câu hỏi lớn của văn hóa, chính trị và lịch sử Đức tính đến khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, vì thế bạn không cần tự đọc một dòng nào trong cuốn tiểu thuyết rất dày, rất khó đọc trọn vẹn này, nhưng vẫn có thể có cảm giác đã biết về nó. Nó được trích dẫn, phân tích, được nhắc đến trong vô số ngữ cảnh.
Tôi không được học hành gì và hoàn toàn không có thiên hướng về âm nhạc, nhưng vẫn cứ tự động biết đến những suy tư, lập thuyết, thậm chí cả những chi tiết nhầm lẫn về âm nhạc rất thú vị trong tác phẩm này. Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết, một nhà soạn nhạc, cuối cùng sẽ sáng tạo một tác phẩm âm nhạc 12 cung, trước khi mất trí. Cả Arnold Schönberg, cha đẻ của lý thuyết âm nhạc này lẫn Theodor Adorno, tác giả của chuyên luận Philosophie der neuen Musik (Triết học của tân nhạc) bàn về hai trường phái sáng tác, Schönberg và Strawinsky, mà Thomas Mann sẽ trích dẫn nguyên văn nhiều đoạn trong Doktor Faustus, cũng như ông, đều lưu vong, là láng giềng của nhau, gặp gỡ nhau trong ngôi biệt thự khang trang của Thomas Mann tại San Remo Drive, California, do hai kiến trúc sư từ Berlin sang tị nạn thiết kết, theo phong cách Bauhaus. Quan hệ phức tạp và đầy xung đột của bộ ba này là đề tài mầu mỡ cho cả truyền thông lẫn giới nghiên cứu.
Chính phần đời lưu vong này của Thomas Mann, người được coi là tiếng nói của nước Đức dân chủ ở hải ngoại, khiến tôi quan tâm đặc biệt, nhất là cuộc tranh luận về “lưu vong tại nội” (innere Emigration), bùng lên ngay sau khi chính quyền Hitler sụp đổ. Một nhà báo Đức, Frank Thiess, chỉ trích Thomas Mann rằng ông đã bỏ rơi đất nước và ngôn ngữ Đức để ung dung tranh đấu từ chốn lưu vong sang trọng đầy ánh nắng bên bờ Thái Bình Dương, ông chẳng biết gì về thực trạng nước Đức dưới chế độ Quốc xã và chẳng đóng góp được điều gì, trong khi chính các nhà văn, nghệ sĩ, trí thức tuy đối lập với chế độ nhưng vẫn bám trụ ở trong nước để thầm lặng tác động và tìm cách thay đổi chế độ, những người “lưu vong tại nội” ấy, lưu vong trên chính quê hương mình hay lưu vong trong tâm tưởng, đối lập với “lưu vong xuất ngoại” (äußere Emigration), mới thực sự là những nhân tố mà một nước Đức mới đang cần. Về phần mình, Thomas Mann nổi giận với những người tự mệnh danh là “lưu vong tại nội” đó, gọi họ là “những kẻ rúc xó lò sưởi của bất hạnh” (Ofenhocker des Unglückes). Nếu quả có một trường phái “lưu vong tại nội” thì đại diện của nó khá thưa thớt và ảnh hưởng của nó còn ít hơn cả thầm lặng. Cuối cùng Thomas Mann đã quyết định không trở về quê hương, mà chọn Zürich, Thụy Sĩ, cho phần đời còn lại. Ông phải ghi nhận là nước Đức đã trở nên lạ lẫm với mình.
Dù có một số tương đồng, nhưng hoàn cảnh hiện tại của các nhà văn viết tiếng Việt tại hải ngoại khác với các nhà văn Đức lưu vong hơn ba phần tư thế kỉ trước. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những khái niệm “quê hương”, “đất nước” đã thay đổi cả về nghĩa và ý nghĩa. Cá nhân tôi thấy dễ sống hơn khi không bị ràng buộc vào một quê hương nào. Nếu phải có Tổ quốc, tôi thích được nhiều Tổ quốc hơn duy nhất chỉ có một. Và chừng nào còn viết tiếng Việt, hiển nhiên là tôi mang theo mình một phần nền văn hóa Việt. Nền văn hóa Việt của tôi, vì đó là tiếng Việt của tôi, kết quả của sự cọ xát thường trực với ngôn ngữ thứ hai mà tôi làm chủ, tiếng Đức.

***
Phụ đính :

 

Tặng tác giả những nhân vật xưng em


Chỉ có hai mẹ con trong một căn buồng như một ga tàu treo mạo hiểm trên tầng năm. Hành khách toàn đàn ông. Họ là những người quen ra công cộng. Cứ thử quan sát họ, dù ở một nhà vệ sinh thu tiền, hay bu quanh một góc tiểu tiện khoan khoái ấm cúng giữa phố, bao giờ họ cũng khác khi ở gia đình riêng. Nghĩa là giấu chỗ bí tất thủng dưới lòng bàn chân, cân nhắc tuỳ mức độ các động tác và lời nói, và hay chột dạ. Xung quanh có ba hàng xóm ông số 7 của mẹ làm nghề thu tiền điện, bảo đến nhà nào cũng thấy một con đực, và kè kè bên nó một con cái, không rõ có phải của nhau hay không nhưng xem ra cố định. Nhà nào cũng thế khiến ông ta nghẹn ngàọ Em đã thử sang xin muối cả ba hàng xóm, quả có thế thật. Riêng nhà em một kiểụ Mẹ thường bảo, mẹ con mình sống kiểu thời chiến. Không có ông nào đảo ngũ, về ở hẳn với mẹ.
Trong căn buồng - ga tàu treo của hai mẹ con, cái gì cũng chuẩn bị nhổ neo, không yên một chỗ, cái gì cũng phấp phới bay, nhất là bức bình phong vải phin hoa nội địa ngăn giữa nơi tiếp khách của mẹ và góc học tập của em, cái gì cũng mang tinh thần không rõ ngày mai trôi dạt phương nào, trừ những cuốn vé của đám hành khách đàn ông. Chúng là kỷ niệm, nên có quyền chất lù lù thành núi, không ai can thiệp đợc. Kỷ niệm mang hình đầu lọc thuốc lá có hằn rõ vệt răng, vừa cắn vừa ngập kiểu đàn ông, bẹp gí, nồng nồng. Rồi những bức thư, cả xấp chưa trả lời, cả xấp nguyên không bóc, cả xấp bị xé vụn, rồi những mảnh vụn được dấu dưới đáy hộp nào đó. Ðủ kiểu giấy: ông này xé sổ tay, ông kia rình kiếm loại xa xỉ ngoại quốc, ông nữa dùng loại kẻ ô ly, chắc có con đang học lớp dướị Rồi những lọ nước hoa được sản xuất từ những nơi có truyền thống yêu đàn bà đã dùng cạn vẫn xếp hàng góp trên mặt giá. Album ảnh thì đầy những khoảng trống lem nhem như bộ nhớ của thời gian, với dòng chữ và con số chứa toàn bộ điều bí mật đã dập xoá công phu bên dướị Kỷ niệm còn là những vết thủng trên tường bê tông... một đồ đạc treo nặng nghĩa tình nào đó đã xơ tán... Mẹ con sống kiểu thời chiến, kỷ niệm cũng nguỵ trang, vội vội vàng vàng. Có lúc, em muốn châm lửa đốt sạch, giải tán luôn cái nhà ga này, hay tế nhị hơn: dùng chiếc quạt tai voi già nua xua tơi tả đống kỷ niệm không chịu tự động hành quân ấy ra ngoài cửa sổ, cho chúng đậu xuống mái nhà tầng dưới - dưới ấy và dưới ấy nữa, sâu xuống lòng đất, chắc chắn chỗ nào cũng là một con đực và một con cái cố định bên nhau - thành rác rởi ở đó, công khai băng hoại ở đó và thối hoang lên, để mỗi lần nhìn ra cửa sổ, mẹ, người nhạy cảm với hương thơm và cái đẹp, phải rùng mình. Nhưng không. Mẹ, hoặc mở toang cửa sổ, mắt phơn phớt một chút xanh, môi phơn phớt một chút hồng, tóc vừa gội sấy thả bềnh bồng, miệng không ngậm được vì cứ phải cười một mình và hát một mình, còn tâm hồn thì bay trước xuống tận chân cầu thang một, bất chấp phân chó của cả năm tầng, rạo rực chờ, hoặc đóng sập cửa sổ, quyệt lên những chiếc gối trắng tinh các bức màu nước đầy ấn tượng xanh hồng và đen xì chì kẻ mắt made in Japan, rồi vò nhàu chúng, phẫn nộ, tức tưởi như hoạ sĩ không hài lòng với tác phẩm, vò nhàu tóc tai người ngợm và nữ tính bất diệt của mình, và hai tiếng đồng hồ sau, bài thơ "Bầm ơi" em chưa kịp thuộc lòng câu kết mẹ lại mở toang cửa sổ: Quá khứ đã được thanh toán đàng hoàng bằng nước mắt ba màụ Thế thôi, chứ mẹ không rùng mình. Núi kỷ niệm còn đó. Mẹ chẳng sống với nó, lên em thành người cai quản. Trong căn buồng - ga tàu treo của hai mẹ con, em là người kiểm vé.
Diễn biến các mối tình của mẹ, tổng kết một cách khoa học, luôn giống nhau, bao nhiêu sung sướng, bấy nhiêu đau đớn, cho cho nhận nhận, cao trào, thoái trào, cộng trừ xong tóm lại là bằng không, trừ trường hợp người đàn ông mới toanh hiện nay của mẹ, và của em, và dĩ nhiên trừ những khoản thư giãn dễ chịụ Nhưng mẹ, người không hề rùng mình trước triển lãm ký ức mà em có thể tổ chức tế nhị ngoài cửa sổ, trên mái nhà tầng dới, lại rùng mình trước lý lẽ mổ xẻ và khái quát của em. Những nẻo đường của tình cảm, con gái ơi, bất ngờ phấp phỏng lắm. Ðừng soi mói chúng. Chúng biến hoá vô cùng. Hãy để chúng tự dắt con đi, đừng cố gắng kiểm soát, đừng dùng lý trí làm vũ lực cưỡng lạị Mẹ nói thế vì mẹ mang trái tim thiếu nữ mù loà của em. Với em thì đã muộn. Em, vì còn ai nữa đâu trong căn buồng thời chiến, nhận trái tim thiếu phụ mệt mỏi và cạn kiệt cảm xúc của mẹ.
Vậy là, đầu tiên mẹ tò mò, khởi điểm của sung sướng. ông số 7 chẳng hạn gây ấn tượng đáng kể bởi những ngón tay dài màu nâu luôn lơ đãng. ông là một người đàn ông trung niên có đủ thứ mặc cảm. Thông thường, ông ta trốn khỏi mớ mặc cảm đó, bằng cách theo đuổi những ý nghĩ xa xăm. Người trước đó, em nhớ có bàn tay mập mạp, hiếu động, hiện thân của sự vui vẻ. Hắn no đủ và hơi quá vui tính , em nhớ, mẹ đã phàn nàn như vậỵ ông số 7 lơ đãng và phiền muộn. Mẹ đã ngồi ngây ra khi ông đốt thuốc lá như thắp hương. Ðiếu thuốc cứ tự cháy tàn trong lòng chiếc đĩa con đựng chén trà hầu như không được đụng tới, hết điếu này đến điếu khác, những điếu thuốc lá đắt tiền của mẹ, trong khi ông ta lơ đãng hướng nộị Nếu có hút vào, ông ta sẽ ho sặc sụạ Nhưng cứ châm thuốc, để đó, hướng nội cái đã. ông hướng nội, ông hướng ngoại, mẹ chạy vòng quanh, cũng là một thế giới lạc quan.
ông số 7 là một trong những tai hoạ lớn nhất của mẹ. Sau ông ta rất lâu, thỉnh thoảng mẹ vẫn đỏ mặt khi bị em bắt quả tang đang đăm đăm nhìn điếu thuốc mẹ tự tay đốt trong lòng đĩa, với lời cầu nguyện bí ẩn trên môị Một tôn giáo mới ra đờị Em đưa cho mẹ một trong chín cái gạt tàn chính quy nằm rải rác khắp nơi, để bất cứ ở toạ độ nào cũng tiện tầm tay vớị Rồi em xoay lưng lại, cho mẹ áp hết tất cả các xương sống lạc quan của mẹ lên em, tựa vững chắc vào em, vì còn ai nữa đau trong căn buồng thời chiến. Mẹ quả là phi thường. Mẹ luôn biết cách biến các tai hoạ thành điều may mắn. Sau ông số 7 mẹ đã may mắn rút kinh nghiệm là lên tò mò về những điều thiết thực hơn. Thế là mẹ gặp một ông luôn đứng ra tổ chức rất thành công các hội thảo và hội nghị khoa học cho người khác phờ phạc ngồi nghe, còn ông ta, thấu hiểu rằng sự thật nằm trong các cốc bia của những chiến hữu thân thiết, nên chỉ xuất hiện để khai mạc và tổng kết. Sau đó, mẹ quan tâm đến một ông bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ đang chiêu khách cho phòng khám tư nhân. ông này hùng hồn nêu cao nhu cầu đặt lại, chẳng hạn một ngón chân cho ngay ngắn, dù cho người ta phần nhiều xuất hiện dưới mắt nhau trong giày và bí tất. Khi ông ta về, mẹ lập tức ra mắt trong bộ đồ tắm hai mảnh mà mỗi mùa nghỉ mát mẹ đều thầm nghĩ nó đã hết mốt. Em cùng chiếc đèn bàn Liên Xô cổ ngỏng gật gù đi vùng quanh mẹ nhiều lần. Phải khách quan, con gái ạ đừng mẹ hát con khen hay, như thế không tiến bộ được. Mẹ yêu cầy khe khắt.
Không mẹ ơi, cơ thể ba mươi sáu tuổi của mẹ thật tuyệt vời, ông bác sĩ miệng ca ngao đừng hòng hy vọng, em quả quyết thế. ông ta hãy về mà cắt dán mông má và xếp lại ngón chân cho chính vợ ông ta ý. Bà ý rất cần. Mẹ cảm ơn em. Em cùng chiếc đèn cổ ngỏng trở về xem xét lần cuối những chỗ lõm lồi trên bản đồ Việt Nam cho cuộc biểu diễn vẽ theo trí nhớ trong giờ địa lý sáng hôm saụ Câu chuyện bên kia bức bình phong của ông bác sĩ khiến em không thể vượt qua đoạn sần sùi ở bờ biển vĩ độ mười hai mười bạ Sau lưng em, mẹ đang hỏi ý kiến tấm gương Pháp, tài sản duy nhất mẹ yêu thanh tú và đường cong hoàn hảo của bờ vai, những tối là tài sản duy nhất của mẹ, con gái ạ", mẹ thường nói thế, nhưng lòng tin cậy gửi gắm của mẹ tiếp tục chao đảo giữa em và tấm gương. ánh mắt mẹ sáng ngời khi chạy trên đường viền khuôn mặt thanh tú và đường cong hoàn hảo của bờ vai, những tối dần, tần ngần đứng lại và cũng không vượt qua nổi khu vực tương tự như trên tấm bản đồ của em. Sáng hôm sau, bài kiểm tra địa lý của em là nguyên vẹn, mẹ, trong bộ đồ tắm hai mảnh đầy lo âu, hình chữ S. Em đã vẽ đoạn phình ra, sần sùi ở vĩ độ mười hai mười ba thật đàng hoàng, thật âu yếm, để mẹ không cần mặc cảm gì hết, để mẹ đừng tin những tấm gương, dù là gương phẩm chất đã được thử thách của thời xa xưa để lạị Chính vì em, và cho em, chỗ ấy mới sần sùi thế. Nên với em, nó tuyệt đẹp, nó tuyệt đẹp, nó cảm động hơn tất cả những cái bụng mỹ miều của các hoa hậụ Hơn nữa, khi người ta mang một trái tim thiếu nữ luôn đập loạn xạ, thì cái túi thịt bên ngoài nào có ý nghĩa gì. Và nhìn chung, tại sao phải bận rộn đến thế vì riêng cái tấm thân? Tại sao phải quan tâm nhiều đến nó thế, dành cho nó lắm phát mình thế, phụ thuộc cuộc đời vào nó đến thế?
Mẹ suốt đời mang trái tim thiếu nữ của mẹ.
Ngay chiều hôm đó có cuộc gặp mặt trực tiếp giữa nhà trường và phụ huynh phía bên kia bức bình phong phấp phớị "Bây giờ, tôi thật không còn ngạc nhiên về điều gì nữa", thày giáo địa lý vò nát bức chân dung mẹ, phác hoạ bởi thiên tài của em, với dòng ghi chú "mẹ Việt Nam", rồi lại vội vàng mở ra, vuốt phẳng, nhét vào cặp, để còn trình ban giám hiệu và ba chân bốn cẳng chạy thục mạng, khỏi căn buồng - ga tàu treọ Thỉnh thoảng cũng có một hành khách nhầm ga như thế. Chẳng qua, thày chỉ là một người đàn ông nhỏ thó, luôn kinh hoàng trước sự lễ phép giễu cợt của đám học trò phổng phaọ Rồi sự thân ái của đồng nghiệp cũng giễu cợt. Tôn ti trật tự trong gia đình cũng giễu cợt nốt... Mẹ áp lên má em một giọt nước mắt và không bao giờ nhắc tới ông bác sĩ nữạ Một lần mẹ khóc, bộ ngực mẹ như muốn bật tung ra, rơi vào tay bất cứ ai đang ở gần. Bên kia bức bình phong, đã bao nhiêu ông khách phải làm phúc giữ hộ mẹ bộ ngực không chịu ở yên một chỗ ấỵ Em đã nói, trong căn buồng này, chẳng có gì cố định.
Sau tò mò, mẹ chuyển sang khâm phục, hoặc xúc động hoặc cả hai thứ một lúc. Mẹ đã khâm phục đủ thứ. Một ông luôn nói những lời mơ hồ mà mẹ chẳng hiểu gì hết, những mê mệt linh cảm đằng sau đó những điều thiêng liêng to tát. Một ông đi đâu cũng được thiên hạ mời mọc hỏi han, khiến mẹ vô cùng hãnh diện, rồi những ông luôn đúng hẹn, ôi con người mới đáng tin đáng quý làm sao, những ông nhạy cảm lạ lùng, những ông nho nhã, những ông khéo tay, những ông cương cường dũng mãnh, những ông rất đỗi dịu dàng, những ông mực thước thâm thuý, những ông phóng khoáng bao dung, những ông uyên bác thông minh, những ông vô cùng bí hiểm, những ông mộng mơ, những ông quần áo chả có gì mà trông lúc nào cũng thích mắt, những ông giản dị khiêm nhường, những ông cực kỳ lịch duyệt, những ông trẻ thơ, những ông là đá hoa cương , những ông là người thuyền trưởng, những ông giàu óc thực tiễn, những ông yêu súc vật, những ông luôn biết điều, những ông chói lọi tài năng, những ông quên mình cho lý tưởng, những ông chẳng làm ai buồn, những ông không hắt xì hơi trước mặt phụ nữ và trẻ em, những ông là cả một thế giới độc lập ngang tàng, những ông vui vẻ xách làn cho vợ... Các ông ấy, ông nào cũng hơn hẳn những ông còn lại, hơn hẳn và hơn là nẫu ruột này, như thế, hỏi làm sao mẹ nhẹ dạ của em không run lên. Và khi mẹ đã thán phục, thì xin tạo hoá đừng tực ái, đừng khuyên nhủ đấy, đừng bao giờ cũng là người đàn ông duy nhất và cuối cùng trên mặt đất. Mẹ ông ta, một sự bất hạnh không cần gái ạ, đấy là điều dễ chịu nhất. Rồi sẽ đến lúc con biết đánh giá đúng mức sự dễ chịu". Em không còn cơ hội để đánh giá điều gì nữạ Em đã sống trước tơng lai đàn bà của em trong mẹ, đã gửi cả vào mẹ trái tim mười sáu tuổi cường tráng của em, và nhận chân canh giữ ký ức quá tải ái tình của mẹ. ở nước ngoài, em có thể là một bồi phòng tốt, được trả lương cao, em có thể là một bồi phòng câm. Vâng, em có mười sáu, em định nghĩa tốt chứng lãnh cảm.
Mẹ, đã thành chu kỳ, cứ sau dăm ba cuộc thăng trầm lại lớn tiếng ca ngợi sự dễ chịu thuần tuý. Ðó là những khoảng thư giãn ngay trong tình yêu, vì tình yêu trong cuộc đời mẹ không ngày nào được nghỉ. Thỉnh thoảng, mẹ nghỉ ngơi trên mặt hồ, trong một nhà hàng ấm cúng mới phát hiện, hay trong một buồng khách sạn ven đô, với si líp mặc lần đầu, đồ hộp và một người đàn ông thuộc về mẹ một khoảnh khắc nào cũng như mẹ tuyệt đối không thuộc về ông tạ ông ta là cả một khối dễ chịu đồ sộ, với bàn tay nóng ấm mơn man lịch sử, không cuống cuồng, không thúc bách, bàn tay biết nghe lời và biết yêu thương đặc biệt những khu vực giàu linh cảm của mẹ, vĩ độ mười hai mười ba, để mẹ nhắm mắt, quên đi, quên đi cái quá khứ nông nổi lỗi lầm, quên đi đứa con gái vị thành niên mắc chứng lãnh cảm, quên đi, hay đừng sống trước những gì chờ đợi, vì em ơi, những nẻo đường của định mệnh làm sao kiểm soát nổị Em ngốc lắm, em ngu nữa, ông ta bảo mẹ thế, hãy để yên, anh thấy dễ chịụ Mẹ và ông ta, họ không tương tư nhaụ Họ biết ơn nhaụ thế, đối với cuộc đời bị thoá mạ thường trực của mẹ, đã quá nhiều an ủị Khả năng xúc động của mẹ còn khổng lồ hơn khả năng khâm phục. Mẹ cứ rối rít lên như cần ăng ten, bắt đủ thứ sóng ngắn dàị Những làn sóng lượn quanh nhau, đè lên nhau nổ lục bục trong lòng em. Lòng em là cái loa hỏng từ lâụ ông số 7, chẳng hạn, đã đánh gục mẹ bằng sự bất hạnh triền miên của ông ta, một sự bất hạnh không cần đèo theo một nội dung cụ thể, một sự bất hạnh có tính nguyên tắc. ông ta bất hạnh khi ngồi trước mặt mẹ, bên kia bức bình phong, cả hai cùng im lặng thật hồi hộp và sâu sắc, để tránh cho thế giới học trò của em nguy cơ ô nhiễm. ông ta tiếp tục bất hạnh, khi em trang trọng kiếm cớ xuống nhà đổ rác, nhân viên mua ô maị Và tất nhiên, khi ông ta chào mẹ, để về thuê thằng con trai chín tuổi đi học, cứ điểm mười năm trăm, điểm chín bốn trăm, điểm tám ba trăm từ bảy trở xuống không tính, khi ông ta chào mẹ ở chót vót trên tầng năm, để về thực thi nền giáo dục và nghĩa phụ tử kiểu đó, rồi gặp em mọc rễ bên chiếc xô bẩn ở đâu đó bên dưới miệng tê dại vì đắng và chua không mở ra chào ông ta được, thì nỗi bất hạnh của ông nhuộm toàn bộ không gian xung quanh khu cầu thang trong một vầng hào quang đen nhẻm. Sự bất hạnh là cái gì mà quyến rũ thế, em hỏị Mẹ giật cái xô rác trong tay em, ném choang xuống cầu thang: "Nói như thế là sỉ nhục người khác, con không biết à? " Cái xô trống rỗng thoạt đầu lao vun vút xuống, ba bậc một, ngập ngừng dừng ở khoảng chiếu nghỉ chật hẹp và hà tiện, rồi quả quyết tự chỉnh hướng, quay lại, khổ sở leo từng bậc thang và nhẫn nhục đứng trước mẹ, như thầm nói: "Thưa bà, tôi không có sĩ diện". Mẹ ngất. Sau này, ông số 7 cũng nói đại ý, ông ta không có sĩ diện. ông ta là công nhân của một đất nước ở vào thời buổi không có gì đáng sĩ diện hết.
Mẹ vẫn mở lòng ra, xúc động trước tất cả: những ông khát vọng không chịu già đều cùng tuổi tác, những ông lạc lõng giữa các bầy nhòm và tập đoàn, những ông chỉ sống để trả thù các thành công không xứng đáng của kẻ khác, những ông cao dưới một mét sáu mươi, những ông dở dang mọi nhẽ, những ông phải tiết kiệm hai trăm gửi xe, những ông lên gân cho các cuộc giao du quý phái, những ông làm cách nào ly hôn được với vợ, những ông đâm đầu vào bệnh lậu trong tinh thần ngơ ngác, những ông vất vả ngược xuôi thu phát các tư tưởng độc đáo, những ông tuyệt vọng chống trả bi kịch bị lãng quên... và ưu tiên số một là những ông công dân bất hạnh. Hai khả năng của mẹ, khâm phục và xúc động, là hai cánh tay khổng lồ vươn ra ôm trọn thế giới đàn ông, không cho ông nào thoát. Thế, nên khách nhà em thường bắt tay nhau sững sờ. Người đáng kính ngồi kề kẻ đáng thương. ông thành đạt chìa tay cho ông chưa thành đạt và ông không bao giờ thành đạt. Họ khinh trọng nhau ở đâu, chứ ở nhà em, tất cả đều bình đẳng trong vòng ôm khổng lồ, trong gọng kìm của mẹ. Giấc mơ đại đồng của nhân loại được thực hiện phân nửa bởi một phụ nữ nhẹ dạ, lầm lỗi như thế.
Cũng không ông nào thoát cơn say đắm của mẹ. Mẹ luôn phải say đắm một người đàn ông nào đó. Mỗi lần mẹ say đắm, em còn lại một mình, hai đầu gối kẹp chặt trái tim. Nhiều lần như vậy, nó đông cứng lại trong một hình số 8 vẹo vọ. "Mẹ sẽ mua một con chó Nhật, nhé, xinh lắm", mẹ nói thế vào một sáng sớm, khi mẹ rón rén trở về và bắt gặp em ngủ ngồi đằng sau cánh cửa trông ra cầu thang. Mẹ rón rén trở về guốc cầm trên tay, con hươu ba mươi sáu tuổi, cười bối rối bằng màu môi thật, trông cảm động hơn tất cả những cặp môi rực rỡ của các hoa hậụ Ðó là ngoài môi, còn sâu trong cổ họng là những âm thanh bị nén lại theo phép ứng xử, cũng một kiểu tự phụ. Ðáng lẽ chúng ta phải được xổ tung ra, kêu lên, gào lên, rằng mẹ đang hạnh phúc. Nhân loại đại đồng và hạnh phúc. Mẹ rất dễ hạnh phúc. Mẹ có thể tự nguyện hạnh phúc trong phạm vi đường kính một mét tư, quây tròn bởi những mảnh bạt và ni lông chắp nối trong khu vườn nhỏ lạo xạo của hầu hết các quán cà phệ Chủ quán ắt phải là một đàn bà còn giữ nguyên vẻ lam lũ đức hạnh của một đời làm cán bộ nhà nước. Bà ta sẽ sốt sắng, gần như xun xoe tuồn các đĩa hướng dương, thuốc lá điếu lẻ và kẹo cao su vào từng lô ái tình bập bùng kín mít, trong đó có mẹ. Mẹ cũng sẵn sàng hạnh phúc, khi người đàn ông đi cạnh chỉ đi cạnh, chứ không dắt tay mẹ dung dăng để mẹ được tỏ cho phố phường náo nhiệt vô danh biết, mẹ là người đàn bà được che chở. Mẹ hạnh phúc bất chấp cả ba nhà hàng xóm, thỉnh thoảng nghe tiếng chân ngoài cầu thang lại hé cửa, cho một ví dụ về đạo đức. Em thề, hỡi các người, từ nay ta không sang xin muối nữạ Thậm chí câu hỏi bâng quơ nhiều lần của viên cảnh sát khu vực: "thực ra, chị làm nghề gì nhỉ?" cũng không thể ngăn cản mẹ hạnh phúc. Mẹ có hai bằng đại học, bốn ngoại ngữ, ngoài ra còn làm thợ Mẹ là trí thức hạng nặng.
Con chó Nhật chưa kịp đến, ông số 7 đã ra đị ông ta không có điều kiện hành động giống cái xô rác hôm nào, vì các cuộc chia tay của mẹ bao giờ cũng mang tinh thần chiến tranh: người ta phải dũng cảm và quyết liệt bằng mọi giá. Rồi mẹ sẽ có một say đắm số 8, hy vọng rằng không vẹo vọ như con số 8 của em, tất nhiên. Nếu cần, mẹ rút ngắn các giai đoạn tiền say đắm, để nhanh chóng đạt đến cao trào sung sướng hơn. Ðó thuần tuý là vấn đề kỹ thuật. Nhưng kỷ nguyên sau ông số 7 bỗng mang một dấu hiệu nguy hiểm: mẹ cũng bắt đầu lơ đãng Hướng nội, lại còn trơ một mình, nhưng không có thời gian quan sát trái tim lập dị của em, vì còn bận canh chừng ấm điện, tàu ngầm, máy sấy tóc, bếp đun, bàn là, vòi nước, những vật tế cho nội tâm của mẹ. Bất cứ lúc nào, căn buồng ga tầu treo mạo hiểm của hai mẹ con cũng có thể bùng cháy hay thê thảm đắm chìm.
Rồi một chiều mẹ ra mắt em và tấm gương Pháp dưới dạng một cuộc cách mạng: mái tóc từng làm khu cầu thang sặc mùi phân chó phải xao xuyến bây giờ là một mớ xoăn tít, cụt lủn, màu móng tay, móng chân thì nhức nhối với màu môi màu mắt và triệt để hơn cả là bộ quần áo lóng lánh nhũn nhùn, toàn bộ giống như một con ngỗng đang hoang mang giữa mốt trưởng giả và mốt híp pị Thế là mẹ đã trở thành một phạm trù. Càng ngày càng nhiều phạm trù tương tự xuất hiện trên đường em đi học. Em và tấm ưgơng Pháp lần đầu tiên ngầm đa mắt cho nhau: hãy im lặng, không nhất thiết phải tán đồng, nhưng cuộc cách mạng đáng tôn trọng vì tính chất tuyệt vọng của nó. Mẹ đang phồng lên dữ dội, đang lấn chiếm không gian, đang quyết tâm khẳng định một điều gì đó ghê gớm lắm. Như thể ông số 7 và nỗi bất hạnh của công dân của ông ta chưa từng chiếm một chỗ, rồi đuổi không ra nữa, trong lòng mẹ. Như thể mẹ, trí thức hạng nặng, yên tâm lắm trong cuộc yêu khổng lồ nhưng mãi mãi đơn độc vì bị thoá mạ thường trực của mình. Như thể em không nêu tâm gương về sự lãnh đạm, ít nhất cũng với một nửa nhân loạị Mẹ phồng lên trên sự suy nhược của em mà thôị
Mẹ kéo về một ông nói liên tục, như sợ ngài mai đột tử không kịp nói nữạ "ê, này, cô bé" ông ta thò đầu tay qua bức bình phong, nói với em, "Uống một chút chứ! Ðừng có làm bộ mặt khó dễ như bà hiệu trưởng thế. Hừm các người tưởng các người đang ở đâu hả? Anh Cát Lợi chắc? Uống đi cháu, bác xin lỗị Thôi được. Thôi được. Tôi phải đi khỏi đây chắc? Các người mơ màng quá. Cuộc sống của tôi cũng có nhiều ý nghĩa lắm đấỵ Em này, cái công ty của anh đang quét vôi lạị Ra phết. Này cô bé, cô vào lớp chuyên tin đi, chú đảm bảo việc làm. Nhưng dù sao thịt quay ở chợ này cũng khá. anh tưởng đã phải đi xa hơn. Thịt quay là vấn đề không đơn giản. Em này... "ông ta ngoáy liên tục vào bát nước chấm, ra nhà vệ sinh vài lần và dội nước ồ ồ, chắc cũng sợ ngày mai không kịp. Bên kia bức bình phong, ông ta lột tất ở chân mình, tuyên bố rằng trên đời đáng ghét nhất là sự ỡm ờ. Với ông ta, mọi chuyện đều phải rõ rằng, ngay tức khắc. Mẹ may mắn đi đôi tất chỉ lên tới đầu gốị Mẹ thoả hiệp một chân, chân kia vẫn thủ tiết. Tiếng mẹ khe khẽ đề nghị tới một quán cà phê nào đó. ông ta guyết đi: "Vẽ chuyện, con bé nhà em vô cảm". Mẹ đứng phắt dậy, mái đầu xoăn tít ném một đống dấu chấm hỏi rực lửa lên trần nhà. Bên trên là bầu trời bình thường. ông ta chờ đợi hồi lâụ Khi không thấy lời đáp nào từ trên ấy, ông ta cũng đứng phát dậy: "Các người tưởng các người đang ở đâu hả? Anh Cát Lợi chắc? " Vì sao ông ta chỉ hâm mộ mỗi nước Anh? Em bước ra nói: "Mẹ, con đi tìm ông số 7". Trời, ai lại dạy con gái đánh số, mẹ ôm mặt lảo đảọ
Rồi lần đầu tiên trong căn buồng - ga tàu treo của hai mẹ con xuất hiện khách đàn bà. Họ gồm ba người, đến vào các chiều thứ năm như trong thế giới quý tộc. Ðúng năm giờ, ngày đang bước vào thời điểm đực cái bắt đầu quấn lấy nhau, thời điểm ông số 7 nghẹn ngào đi thu tiền điện, những cơn đau nho nhỏ cứ dấy lên khi ông ta khi ngửi mùi da xào chảo lớn, đúng giờ ấy họ tập trung ở nhà em, mít tinh ca ngợi tự dọ Họ thi nhau thơm nức. Họ mở bia nước ngọt lốp bốp. Một lát sau, họ sẽ lần lượt khoả thân. Toàn những con ngựa không có người cưỡi, xác thịt chảy buồn bã như suốị Một mợ vượt quá mọi kích thước, trừ đôi cẳng chân bắt đầu teo lạị Một mợ lép kẹp, má lại phính. Cái Xê - ri này cũng đáng tôn trọng vì nhu cầu phản kháng của nó. Nhưng em đã già nua, kiệt quệ vì ký ức quá tải ái tình của mẹ. Thêm những xác thịt gào thét của các mợ, em ắt phải gục xuống. Mợ to béo với cẳng chân teo đến véo vào đùi em. Các mợ khác vừa cười hi hi khích khích vừa sờ khắp người em. "Xem này, không khéo con bé xơ cứng mất". Họ bảo nhau đem lại cho em mùa xuân. Họ, hội từ thiện không tự bố thí nổi cho mình. Có người nào trong số các mợ ấy không từng bị một ông tàn nhẫn bảo rằng các mợ phồng lên như chiếc chăn bông cũ bật lại cũng hết sức vô ích? Cả mẹ nữa, có bao giờ mẹ giật mình bắt gặp những người đàn ông của mẹ
trộm nhìn em? Những người bạn gái phóng túng của mẹ gửi cho em mười tám mùa xuân, bằng đúng nửa số năm tháng sung sướng và đau đớn của mẹ. Anh chàng mười tám tuổi đứng giữa mẹ và em, người đàn ông mới toanh hiện nay của mẹ, và của em. Sự lạnh lẽo của em đẩy anh ta sang phía mẹ. Nỗi hoảng sợ của mẹ lại trả anh ta về em. Thời chiến hết rồị Bây giờ người ta thanh toán hậu quả. Chẳng còn cách nào khác, mẹ phải chữa bệnh cho con gái mẹ. Liều thuốc là mối tình xót xa bất đắc dĩ nàỵ
12-1990

______________

Thuế biển

Biển xanh là một ở dưới, tôi mặc váy xanh ngụp lặn trong mỗi độ xanh trong môĩ chiều xanh. Mất hút giữa hai thái cực xanh.
Trước đó, tôi chưa bao giờ ra biển.Tôi sợ chết vì nước thì rửa mặt cũng chết được, ngoài ra làm mồi cho cá đỡ thối hơn làm mồi cho giun. Tôi cứ viết mãi những truyện ngắn khát nước về mưa và vòi nước công cộng. Anh treo lên tường những con sóng bạc đầu.Yêu nhau từ Hồ Tây sang hồ Trúc bạch, từ hồ Trúc Bạch lượn về hồ Gươm, từ hồ Gươm vòng qua hồ Thiền Quang, Từ hồ Thiền Quang vọt sang hồ Bảy Mẫu, nước hồ nào cũng cạn lên anh bảo chúng mình phảỉ hôn thật sâu. Tôi hát cùng anh thật sâu trong vòm họng, nhưng bây giờ thì anh no nước, tôi lang thang hoài trên cạn Hà Nội, Huế,Sài Gòn, thành phố nào cũng phơi ròn như bánh đa phơi quá nắng.
Cho nên tôi cũng nhận lời mời di Vũng Tàu. Ông ta đi góp ý cho một vở kịch. Tôi nghĩ kịch cọt chắc sẽ bận, chắc tôi sẽ đựoc ở một mình. Sẽ ngồi nhìn sóng bạc đầu và chờ cá. Từ buổi hai đứa hai nơi mỗi lần đi chợ tôi chăm chú nhìn vào hàng cá biển. Dường như trong con nào cũng có anh.
Chúng tôi khởi hành vào buổi sớm. Lúc lên xe ông ta bảo tôi ngồi sát cho vững, ôm vai hay ôm bụng thì tùy. Tôi chọn vai, chỗ ấy ít dấu vết của thời gian, nếu chọn bụng, bụng sẽ luôn nhắc rằng ông ta hơn bố tôi một tuổi. Tôi nghĩ lòng mình nặng nề nhưng đem đổ xuống đầu một người đáng tuổi bố thì thiếu lễ độ nên gắng bắt chuyện. Tôi bảo đường tốt thật. Ông ta bảo người Mĩ xây mà. Rồi nhân tiện cho biết vợ cũ của ông ta đang ở Mĩ, mỗi tháng gửi về cho ông một trăm, cô bạn gái kém tôi hai tuổi cũng ở Mĩ thì gửi ảnh. Tôi không muốn nghe chuyện nước Mĩ, người tôi yêu đọc tiểu thuyết của Harald Robbins và Daniele Steel biết rõ đàn bà thượng lưu dùng xà lách bữa trưa ở tiệm nào trong thành phố Nữu ước và đàn ông hiện đại nói năng hóm hỉnh vô liêm sỉ ra sao, anh cho là so vói những sách ướt đẫm dục vọng ấy thì truyện ngắn của tôi là gãi đi gãi lại vào tâm hồn khô nẻ. Anh bảo sẽ đón tôi sang làm phu nhân. Tôi sẽ đi máy bay để nhìn Thái Bình Dưng từ trên cao, khỏi sợ chết đuối. Tôi không muốn nghe chuyện nước Mĩ nên chăm chú nhìn vào những cặp đi đưòng, chắc cũng tắm biển. Chỗ nào cũng một gương mặt thiếu nữ âu yếm nép vào chiếc gáy trẻ trung của người trai cầm lái. Tôi thường úp mặt vào đúng chỗ đó để liếm mồ hôi. Anh thường mút tóc tôi. Hôm chia tay anh bảo để anh nuốt tôi vào, chỉ cần ngủ một giấc ngủ là qua biển, khi nào đến nơi anh sẽ mổ bụng kéo tôi ra. Giá được như thế, bây giờ tôi không phaỉ lang thang một mình.
Xế trưa dến Vũng Tàu. Chúng tôi chọn một nhà hàng gần biển, uống bia Vạn Lực với mực xào. Cách đó một bình phong, tập thể nhân viên nhà hàng họp kiểm điểm công tác. Nữ cửa hàng truởng phê bình các đồng chí để chuột gặm khăn trải bàn và khu nhà bếp có bọ gậy. Một con ruồi lao thẳng vào cốc bia của tôi như phi công cảm tử Nhật Bn. Ong ta dùng thìa vớt ra, đổi sang phía mình, rồi nâng cốc ấy về phía biển, bảo rằng ông thích thiên nhiên, thiên nhiên đồng nghĩa với cái đẹp, thằng nghệ sĩ bao giờ cũng hướng tới cái đẹp. Thực ra tôi không biết rõ ông làm nghệ sĩ như thế nào. Tôi chỉ dọc duy nhất bài thơ ông tặng cho tôi, trong đó tóc tôi thì như mây, cặp kính là hai mảnh trăng treo và hàm răng nụ cười thì như ánh chớp. Tôi nghĩ với một bề ngoài đầy vũ trụ tính như vậy tôi có thể đi thi hoa hậu với những Miss của các hành tinh khác. Hơi thở của tôi sẽ là gió, thở mạnh một cái thành bão cuốn phăng người tôi yêu băng qua Thái Bình Dưng, bản thân tôi cũng đâu phải mòn mỏi chờ đợi một tấm vé hàng không đi làm phu nhân nơi đất người.
Ngoài cửa sổ, những ngưòi dân Vũng Tàu sống nhờ bãi biển nổi tiếng này nhìn chúng tôi chờ đợi.Lòng tôi nặng nề nên tôi nhìn trong họ mỗi người một giáo viên nghỉ hưu non. Thà họ xông đến túm cổ chúng tôi để tròng vào đó những chiếc phao đen xì khổng lồ trông đã thấy chết đuối, lột truồng chúng tôi để dí vào những bộ đồ tắm thuê sặc sỡ trông đã thấy bệnh giang mai, thế đỡ nhột. Hoặc thà họ nhún nhường, bẩm ông, bẩm bà, thế đỡ tức. Đằng này, họ rụt rè săn đón, đựoc chấp nhận thì hớn hở suồng sã quên mọi phép tắc, bị từ chối thì ủ ê lạnh lùng khác nào người tình đỏng đảnh bị tổn thương. Dòng họ tôi về phía bố đời đời chỉ theo đuổi hai nghề giáo viên và thầy thuốc, hai nghề cứu giúp ngưòi đời, hai năm trước đã rủ nhau rời bỏ quê hương, một vùng đất mà ông Phan Huy Chú cho rằng " vẻ non sông tốt chung đúc sinh ra nhiều vưong tưóng, khí tinh hoa tụ họp lại này nhiều văn nho", vào vào chính thành phố chỉ nổi tiếng bởi cái "bãi biển đã đánh đĩ " này, nói theo chữ của ông Nguyễn Tuân làm nghề bán kem sinh tố. Tôi biết trút nỗi lòng không đựoc bình thường của mình lên đầu ngưòi ngoài kia là vô lí lắm. Tôi ngồi ăn đặc sản, nghe ông ta ca ngợi thiên nhiên, nữ cửa hàng trưởng tổng kết lại số bát đĩa bóng đèn hao tổn, và ở đâu đó gần đây thôi dòng họ tôi đánh mất dần lòng kiêu hãnh trong những cốc kem trộn linh tinh. Ông ta lại nâng cốc, lại mời tô thưởng thức thiên nhiên. Từ chỗ tôi ngồi nhìn ra, biển cũng giống như biển trên tường của anh, trông không đáng sợ.
Tôi nghĩ từ sáng tới gì mình lầm lì vô cớ nên gượng làm vui, pha trò linh tinh nhạt nhẽo, nhưng lúc xuống bãi tắm thì không thốt nổi câu nào nữa. Biển bây giờ ngay trước mặt, tất cả hồ Hà Nội dềnh lên cũng không đủ cho anh. Nếu đưòng đi nước Mĩ không đẫm nước đẫm dục vọng như thế chắc anh sẽ chết già bên tôi trong một căn hộ tầng tư phải bơm ban đêm lên từng giọt nước. Anh nghĩ rất tốt về nước Mĩ. C một đại dương Thái Bình như thế có thể đưa anh đến đó có thể tắm gội cho anh thành một kiếp mới, thậm chí chỉ cần bay qua đó nhìn xuống một chút là tôi có thể thành phu nhân, chỉ cần đứng dậy thán phục kính sợ một vùng biển Đông tôi đã cho rằng đời mình sắp khác.
Ông ta bảo đi tìm nhà soạn kịch. Nhà soạn kịch là một thợ ảnh đang xếp đùi cho ba cô thiếu nữ trên cát. Vở kịch là mười lăm trang viết tay trên giấy học trò, bàn về lưong tâm của một nữ công nhân dầu khí Vũng Tàu khi người yêu nàng cũng là công nhân nhưng đã tha hoá. Kết cục đôi trai gái chia tay, người nữ một mình ngắm ban mai mới trên biển. Họ ngồi bên nhau sát chân sóng. Ông ta hào phóng ban phát những lời chỉ giáo như sấm. Kết cục như vậy là đựoc, nghệ thuật hiện đại bây giờ không chấp nhận có hậu nữa, đôi ấy chia tay là cần thiết, phi tàn nhẫn một chút nhưng đừng thái quá, chỗ này phải xuống dòng, viết hoa, thế. Tôi nghĩ cuộc góp ý này còn kéo dài vì thỉnh thoảng nhà soạn kịch lại xin lỗi để đứng lên bấm máy, nhiều thiếu nữ ngồi trên cát quá. Tôi bỏ đi dọc bãi. Chui qua những dây phơi đồ tắm thuê, lách qua những chú bé cắp mẹt sấn vào mời mua cua luộc. Bãi biển sang trọng nhất nứoc Việt này giống như một bãi chợ huyện. Ngoài khi dăm ba chiếc thuyền. Có ngưòi chết đuối may ra chợ này mới nhộn nhịp lên. Tôi nhớ lại ông Nguyễn Tuân ở Cửa Đại. Nơi ấy" con nhà chài chưa biết đánh lừa người ta mỗi khi bán mớ tôm mớ cá. Những thiếu phụ goá bụi quấn giải khăn ngang để tang một người thuyền chài chết vì mẻ cá nục ngoài bể sâu mấy con sào nước, những người sưong phụ có cái vẻ đẹp của Thánh Maria đó chưa biết đến việc mãi dâm..." Nơi này hẳn không thừa lưong thiện như thế. Một đám dân chài đang kéo lưới cho khách quan. Tôi cũng trả một ngàn vào ngắm ngưòi ta đánh cá. Lưói kéo lên từng đoạn từng đoạn chậm chạp, tôi có cảm giác rằng công việc này còn cần kiên nhẫn hn nghề văn của tôi. Lúc lưới lên hết, tôi cũng chen chân vào nhìn mẻ cá. Tất cả đuợc chừng một rổ, chia cho hai chục người kéo, mỗi ngưòi nửa cân cá bé hơn hai ngón tay. Chia nhau xong rồi, mỗi đám trẻ ào vào mót. Tôi chân chân nhìn một đúa bé dắc thắng giơ lên chiến lợi phẩm là một chiếc mũ bẩn thỉu sũng nước có dòng chữ trắng GO TO DISNEYLAND. Ngưòi tôi yêu luôn luôn đội mũ, che bớt vầng trán với những nếp nhăn hình dẻ quạt kinh khủng. Một phần ba gương mặt phiá trên ảm đạm cùng cực chuyển dần sang một phần ba gưong mặt ở giữa đã sáng sủa hơn, rồi một phần ba phiá dưói tươi đẹp lạ thường. Tướng thuật bảo thế là phát về hậu vận. Hôn nhau mãi ở Hà Nội không thấy hậu vận, anh bảo để anh đi tìm nó, bắt nó đến trước khi mình già. Hôm chia tay anh đội mũ GO TO DISNEYLAND. Tôi chạy theo thằng bé, dúi cho một ngàn đổi về chiếc mũ. Rồi len lén ném chiếc mũ xuống biển, nó đã trôi từ vịnh Bắc bộ đến đây thì cho nó hãy trôi tiếp, trên bờ này không có DISNEYLAND.
Buổi chiều nhà soạn kịch mời chúng tôi về nhà dùng cơm, có rau sống và đĩa dứa xào mềm nhũn thết khách.Tôi không ăn nổi, lấy cớ đã no cua luộc ngoài bãi, ông ta cũng gắp qua loa rồi cả chủ lẫn khách ra ngoài hiên hóng mát. Nhà soạn kịch tự đệm ghi ta, hái những bài trứoc năm 75. Giọng anh ta run run như sắp khóc. Tôi nghĩ chẳng trách nền mĩ học của ta được bằng số lần rút khăn mùi xoa, còn nền đạo đức thì đo bằng sự sạch sẽ của những chiếc khăn mùi xoa ấy.Tôi ngáp. Anh ta và vợ là một thiếu phụ đi chân đất, ngón tay út đeo một chiếc nhẫn vàng kếch xù, nhìn nhau rất nhanh, rồi người vợ bảo :"Mời anh chị ngủ ngoài này cho thóang ". Trong nhà chỉ có một buồng ngoài kê một chiếc giưòng lớn cho hai vợ chồg và đứa con gái 15 tuổi, con bé cũng đi chân đất và đeo nhẫn vàng ở ngón tay út, ngoài hiên kê một chiếc chõng tre. Tôi đoán chắc chủ nhà đã phải suy nghĩ nhiêù lắm về vấn đề ngủ của khách. Lúc ở Sài Gòn, ông ta bảo sẽ ngủ đêm ở nhà một người bạn. Văn nghệ sĩ có nhiều bạn là vứt đi. Tôi nhìn mãi chiếc chõng tre rộng chừng hơn một thứoc rồi nhòm mãi vào mặt ông ta. Ông ta lẩm bẩm một câu gì đó, đại loại là anh chị chủ nhà bạn ông ta đây, cũng là văn nghệ sĩ, quan niệm tự do lắm, ta không có gì phải e ngại. Tôi nghĩ lòng mình không bình thường nhưng chắc chắn chưa rối loạn, vậy mấy người người còn lại dở điên lên rồi. Nếu văn nghệ sĩ là phải mời nhau hoặc ăn đặc sản hoặc dùng những bữa cẩu thả như thế kia cho khác với những đám thị dân tầm thường, nếu tự do văn nghệ là phaỉ ngủ lang linh tinh như thế này thì tôi đành bỏ nghề viết truyện ngắn.Tôi có nhiều thứ để đóng thuế, nhưng chỉ có một tấm thân, không đựoc phép phung phí.
Hôm chia tay anh bảo, anh không nuốt đựoc tôi vào thì tôi xin giữ anh trong tôi, nhỡ có mệnh hệ nào thì cũng đựoc giọt máu của anh an ủi. Hai đứa ngập ngừng mãi bên Hồ tây, xung quanh trai gái yêu nhau rào rào như thể ngày mai Nhà nước ban hành luật " thụ thụ bất thân ". Anh mở tôi ra nhìn ngắm không chán rồi tỉ mỉ đóng vào từng cái cúc lên đến sát cổ. Anh bảo tôi phải giữ mình cho trọn đến ngày đi làm phu nhân, phu nhân khác gái tân thời, rồi người đàn ông tôi yêu dấn thân vào biển dục vọng với một tấm lòng quân tử sạch trong. Rồi cười lớn, hậu vận của anh tươi tốt như thế này, mệnh hệ thế nào được, đừng nghĩ quẩn, giữ mình nhé em giữ cho anh. Tôi xin vào buồng trong, nằm vuốt ve mình trong bóng tói, giữa những tủ khoá kĩ những áo quần có mùi nước biển những hộp các tông giống nhau chồng chất, có lẽ nhà soạn kịch kiêm nhiếp ảnh này luôn buôn lậu bia Henieken. Sáng hôm sau tôi không lầm lì, nhưng ông ta luôn lầm lì.
Kịch cọt chắc đã xong, bây giờ còn việc tắm biển. Tôi thấy khó chịu trong bộ đồ tắm mượn vội của một người bạn ở Sài Gòn, chị ấy ưa những bộ đồ thật bé thật xinh, hai cái vệt đỏ chót treo hờ hững trên người tôi như châm lửa vào bãi chợ này, nhà soạn kịch chạy gịât lùi bấm máy tanh tách,ông ta cũng thôi lầm lì, quàng vai tôi và giục tôi cười cho một pô nữa. Tôi hót hoảng nhảy ào xuống không lao ra, tôi đi từ từ, vừa đi vừa giữ hai vệt đỏ trên người để chúng không bị sóng biển dập tắt, tôi đi từ từ, sóng không xô tôi vào bờ nữa, sóng rẽ ngoan ngoãn cho tôi ra khi, cứ di mãi, nhất định tôi sẽ ra tới Thái Bình Dương, gặp anh, anh sẽ nhăn mặt hỏi sao tôi ăn mặc kì cục, tôi sẽ bảo là đồ đi mượn, khát nước và sợ nước như tôi có bao giờ sắm riêng bộ đồ tắm cho mình. Lúc tôi sụt chân xuống thì ông ta nhấc bổng tôi lên. Nhà soạn kịch bảo ghi được pha ông bế tôi lên bờ, trông Holiút lắm nhé!. Cả anh ta cũng nghĩ tốt về nước Mĩ.
Pha Hôliút có lẽ làm cho ông ta phấn chấn hơn sau đêm ngủ kiểu thị dân tầm thường nên truớc khi về, ông ta mời tôi lên núi ngắm chùa. Chúng tôi chia tay nhà soạn kịch, anh ta nhắc đi nhắc lại mãi :"Về rồi à, ở chơi đã", tôi không biết đấy là câu hỏi hay lời đề nghị. Chùa ở tít trên cao, đưòng lên đầy đá lổn nhổn, xe chúng tôi đổ nhào. Ông ta bảo sẽ galăng với tôi đến cùng, xuống tháo giầy, xoa chân cho tôi. Tôi đau phía trên, nhưng ông ta cứ vuốt không quá phần bụng chân, vừa vuốt vừa tha thiết đề nghị tôi nên tin ông, ông coi trọng danh dự. Tôi nghĩ danh dự là việc một người đàn ông xoa bụng chân cho một người đàn bà chẳng mất gì, nhất là không mất đau, nên tự nhiên cười phá lên. Bàn tay ngưòi đàn ông tôi yêu mùa đông ấm như nắng mùa hè dịu như trăng, đụng vào đá, đá cũng khoan khoái rên lên, bây giờ tay anh ở trong bụng cá, cho cá thành tiên, những thiếu nữ thuỷ cung biết hát mê hồn ấy sẽ làm anh quên đường đến nước Mĩ.... Ông ta buông chân tôi, bảo có lẽ tôi còn quá trẻ, tuổi trẻ bây giờ ít coi cái gì là thiêng liêng. Tôi không rõ vì sao ông ta chuyển đề tài về thiêng liêng, chắc vì sắp đến chùa ?
Chúng tôi đứng trên gác chuông. Ơ đây là bánh xe,luân chuyển, cách một quãng núi ở cùng một độ cao là Giê Su trắng muốt giang tay hướng ra biển. Ai cũng hướng ra biển. Ai cũng mê sóng bạc đầu. Ông ta giảng giải say sưa về chiếc chuông lớn nhất nước Việt, bao nhiêu văn hoá lịch sử tuôn chảy sát bên tôi, miệng ông ta là chiếc bình Pandora thời mới, chỉ có ngôn từ, ngôn từ, rồi lại ngôn từ nay ra, tràn ngập cả thế gian từ độ cao thiêng liêng này, cả Chúa và Phật đều không làm nổi. Hình như ông ta lại nói về những valeurs humaines của người nghệ sĩ. Và về biển, một mảnh hùng vĩ của thiên nhiên còn thiên nhiên lại đồng nghĩa với cái đẹp. Ngôn từ, ngôn từ, rồi lại ngôn từ bay ra mịt mù.
Tôi bất giác giơ tay ra, rất nhẹ, nhẹ như một lát gió quệt vào thành chuông mà thôi. Ông ta bay từ độ xanh này đến độ xanh kia, mất hút giữa hai thái cực xanh. Tôi mặc váy xanh ở trên này, biển xanh dưới kia, sau lưng các ni cô rú lên adi đà phật. Tôi chúc ông ta sớm ra đến Thái Bình Dương sang đến nước Mĩ. Tôi hy vọng ông ta sẽ đọc truyện của Harald Robbins Danielle Steel. Ở đó vợ cũ và bạn gái sẵn sàng chờ ông ta rồi. Không ai chờ tôi, anh đã đi theo những nàng tiên cá.

_____________

Trong cơn mưa

Cơn mưa cuối thu kéo dài tám tiếng đồng hồ, bao nhiêu năm nay tôi không có một cuộc ngồi trọn ca như thế. Kỷ lục ngồi lần thứ nhất của tôi ở thời thơ ấu, kỷ lục lần thứ hai thời trai tráng, lần thứ ba này tôi đã ngoại tứ tuần. Tám tiếng đồng hồ này là của trời cho, chỉ có trời hiểu rõ rằng tôi đến điểm hẹn trắng tay và lúc đi khỏi vẫn thế.
Ðiểm hẹn là một quán cà phê bình thường, sạch sẽ vừa phải, phục vụ vừa phải, cũng nhạc cũng đèn màu chung chung, cũng nâu đen đá chanh cam xoài và côla côla, trên tường cũng ảnh gái trai ngoại quốc cười phô phang, dưới đất bàn ghế cốc chén cũng mỗi chiếc một kiểu tạm bợ. Tôi ngồi xuống một trong những chiếc ghế nhỏ thấp, bất tiện, khi giọt mưa đầu tiên rơi xuống và thầm hoảng: chính Vi đã chủ động chọn nơi nàỵ Nàng quá nhạy cảm, quá hồn nhiên hay thậm chí vô tình? Thành phố này chi chít quán cà phê, nếu cho mỗi quán một chấm nâu thì bản đồ sẽ toàn một màu sôcôla như thể đấy là màu dân tộc. Tôi từng biết trong số đó vài quán đặc sắc. Một quán nổi tiếng vì tiên phong trong việc rải sỏi và kê những gốc cây phạt phẳng làm bàn ngoài vườn. Công cuộc thơ mộng hoá ấy bây giờ đã lạc hậu, cạnh hồ Thiền Quang có hai cái quán sát nhau khách ngồi tràn ra vỉa hè, mỗi quán một chấm nâu thì bản đồ sẽ toàn một màu sôcôla như thể đấy là màu dân tộc. Tôi từng biết trong số đó vài quán đặc sắc. Một quán nổi tiếng vì tiên phong trong việc rải sỏi và kê những gốc cây phạt phẳng làm bàn ngoài vườn. Công cuộc thơ mộng hoá ấy bây giờ đã lạc hậu, cạnh hồ Thiền Quang có hai cái quán sát nhau khách ngồi tràn ra vỉa hè, mỗi quán gầm rú một chương trình vidéo, bên này tung trưởng vèo vèo, bên kia lắc mông gân cổ, rơi ngẩn ngơ giữa hai quán là lập tức sẽ được hai đội phục vụ bên một tay giằng như xé xác phanh thâỵ Gần sứ quán Thuỵ Ðiển thì có một dạ quán gồm mấy dã nhà gỗ sơn xanh chia thành vô số buồng bé xíu cách nhau một tấm cót. Tôi đã thử một buồng. Buồng bên trái và buồng bên phải trình diễn stereo những pha giật gân chẳng kém hồ Thiền Quang. Buồng nào cũng có then càị Muốn nói gì thì nói, đứng trước những dãy buồng biệt giam loã lồ không lời nào tả tôi đã được bật cờị Một quán nữa ở gân Viện Văn, ông chủ mắt kèm nhèm có bộ sưu tầm nổi tiếng vì vài ba học sĩ tài ba nghiện ngập. Một quán nữa ông chủ là thi sĩ quốc cấm. Một quán nữa bà chủ ngoài nâu đen đá... còn nói được dăm câu tiếng Pháp và biết pha cốc taỵ Thiếu gì những cái chấm nâu lừng danh, sao Vi chọn nơi nàỷ Có người bạn mở tiệc sinh nhật thấp thập, tôi đến, lẫn trong những tên tuổi va leng keng vào nhau, bản thân tôi cũng có một cái tên vượt quá mọi tầm kiểm soát của tôi, mỗi ngày vang lên ít nhất dăm ba lần trên các kênh thông tin đại chúng. Ba cô con gái của chủ nhân khác nhau kỳ lạ, như theo một kịch bản cố tình. Dễ thế lắm. ông bạn tôi là kịc tác gia ăn khách, giường ngủ của vợ chồng ông phải là một sân khấu tại giạ Cô đầu nối nghiệp bố, ba mươi lăm tuổi đã là một nữ tác giả giàu bản lĩnh, độc đáo bậc nhất đương thờị Cô có kiểu đi lại chào hỏi trong đám đông gồm toàn những người hâm mộ và những người dè bỉu như đi chợ khảo giá, hàng nào cũng ghé mà chẳng mua hàng nàọ Cặp mắt thông minh và bình thản, dáng vẻ đàng hoàng và cô đơn, chẳng phải nữ hoàng quyền uy, chẳng phải người đàn bà có bộ ngực phả mùi thơm của bếp, may ra có chăng một chút huyết tộc xa xôi với tôỉ Cô thứ hai đẹp hiếm thấy, vẻ đẹp, vẻ đẹp nhờ phúc tổ tông, không mất công gì mà sang trọng quý pháị Loại phụ nữ này bị nhầm thời đạị Hoặc nhầm quê hương. Nổi danh và tốt mã như tôi cũng chẳng bao giờ dám hạ một câu tán tỉnh. Trước cái cần cổ thẳng vút như ngó sen và vầng trán được tuyển chọn cho vương miện ấy tôi cứ thấy mình là một thằng vô sản lưu manh,
Chẳng lẽ tôi phải đứng cách một sân rồng, úp mặt xuống đất để tâu lên rằng, bẩm người nữ, sắc đẹp của nàng làm chúng tôi xấu hổ! Nghe thối lắm. Không trách đến giờ nàng chưa lấy được chồng. Vi, cô gái út, thật nhỏ nhoi so với hai người chị, nhưng chính nàng mới là phát hiện đầy ân huệ của riêng tôị Nàng không đẹp, không sắc sảo, nàng dễ lẫn trong đám đông. Cái duyên bề nổi của nàng chỉ toả ra từ sự trẻ trung không vướng bận khiến những kẻ từng trải nao lòng. Văn nghệ sĩ chúng ta những kẻ trải đời đau đời đã viết đã ca đã hoạ đã diễn đủ điều quanh cái sự trẻ trung tươi rói ấy rồi, nhắc lại cũng thối lắm. Nhng tôi vẫn nao lòng: nàng nhiều tin cậy quá! Một chàng tốt số nào đó chỉ cần cầm tay nàng, nhìn sâu vào mắt nàng, bảo đi với anh nhé, là nàng sẽ cứ thế mà đi, cứ thế áo chẳng thay chẳng xin tiền bố, nếu hắn bảo, chờ anh nghe cưng, là nàng sẽ cứ thế mà chờ đợi suốt đờị Tuổi trẻ chí góp vốn phần nào cho sự cả tin trong vắt ấỵ Tôi biết khối em gái đa nghi như Tào Tháo, nói câu nào các em ấy cũng nhắc: "ông anh cứ đùa!"
Người chị cả với cái nhìn xuyên thấu muôn thuở và bộ óc siêu phàm hẳn là hoài nghi tất cả rồi chấp nhận tất cả như một giả thiết. Vả lại cô ấy đã quen trong giới nghi kỵ và bảo vệ lẫn nhaụ Không có món ứng xử cực kỳ tế nhị ấy văn nghệ chúng ta thành công nông binh ngaỵ Người chị hai thì cần gì một niềm tin hỗ trợ, sắc đẹp dễ sợ của cô ấy thay thế hết, chỉ không thay được một tấm chồng. Cô ấy là đại diện lộng lẫy cho một nhóm càng ngày càng đông phụ nữ Việt Nam độc thân vì lý do danh dự. ông bố có lẽ chẳng còn gì hơn ngoài một đám tang nhiều vòng hoa hơn tang thủ tướng để chờ đợi, các nghệ sĩ bước vào tuổi chầu giời thường nhẩm trước mình sẽ tổng cộng các khoản bao nhiêu vòng hoạ Và tôi cùng đám khách khứa, chúng tôi có nhiều đấy chứ. Anh nào cũng có tiếng và một chút miếng, chính thất và những mối tình phụ cấp giữa thời lạm phát toàn diện. Ðôi khi chúng tôi có cả quyền lực, thứ quyền lực rơi vào tay kẻ nghệ sĩ bao giờ cũng méo mó tội nghiệp. Chỉ thiếu vắng lòng tin cậy, mà lại kiêng không nhắc đến nó để khỏi mang tiếng cổ hủ hoặc cải lương.
Mưa ào một đợt, rét ào theọ Phố đã lên đèn, mưa thành tưng chuỗi cườm ánh sáng. Ðài nhà ai phát bản nhạc sáu giờ quen thuộc. Cùng với khúc "Hồn từ sĩ", đó là tác phẩm giàu sức thuyết phục nhất trong nền âm nhạc thiếu tự tin của chúng tạ Tôi là khách duy nhất. Chủ quán ngán ngẩm đặt một ly cà phê đen xuống rồi bỏ vào nhà trong. Chiếc đồng hồ to tướng tích tắc ngay sau gáy tôi, tôi sẽ thành chuân vị cho con lắc, thời gian sẽ bò từng giây, mưa từng chuỗi thế nào Vi cũng tớị Nàng đã cho ngay địa chỉ này, nàng rút nó ra từ trí nhớ, đặt vào tay tôi, tự nhiên như thò tay vào túi lấy kẹo cho trẻ. Tôi không dám rủ nàng đi với tôi, tôi không dám dụ nàng chờ tôi suốt đời, tôi chỉ xin nàng một cái hẹn, lấy cớ có một bài hát viết cho riêng nàng. Tôi ca sĩ quốc gia từng hát cho du lịch Vũng Tàu, cho dâu tơ tằm Bảo Lộc, cho thuốc lá Thăng Long, cho Thuỷ điện Sông Ðà, cho hoả táng Hoàn Viên, cho sinh đẻ có kế hoạch... Bây giờ một bài hát cho Vi...
Thêm hai khách rũ mưa bước vàọ Họ không phải vợ chồng. Vợ chồng thường hằn những nếp gấp của mình lên nhaụ Hai mươi năm, không, chỉ mười năm, thậm chí năm năm cộng hưởng vợ chồng hao hao nhau, chung một vốn từ vựng, một trường cảm xúc, một kho hành vi biểu đạt, một quy định bất thành văn cho các phản ứng. Cứ ngửi bà vợ thấn phấn con én là y như ông chồng mặc Slip Thái Lan. Quá trình thẩm thấu ấy diễn ra tự nhiên, ăn mòn cả khoảng cách cuối cùng giữa họ. Họ cư xử như những kẻ hoàn toàn miễn dịch, miệng người này hôi mùi vì đêm trước thì dáy tai người kia đóng cặn từ Tết năm xa, em ợ chua công khai, anh trung tiện bừa bãi, và không hiếm người hiển nhiên cho đấy là chuẩn mực của hôn nhân. Cặp này không thế. Họ cũng chịu đựng nhau, người này cũng vô tình mang chút gì của người kia, cũng thuộc về nhau theo một nghĩa nào đó, nhưng khoảng cách giữa họ rõ ràng quá. Lại càng không phải cặp tình nhân thuở ban đầu, cử chỉ của họ quá thân mật, họ trao nhau âu yếm theo lệ thờng, và điều quan trọng là gương mặt người thiếu phụ mệt mọi không có cái ánh sáng làm tôi nhói tim ấy, tạm gọi ánh sáng Vị Gương mặt chị ta đã tắt ngấm, mồi vào đấy bao nhiêu núi lửa nó cũng chẳng bùng lên nữạ
Bây giờ tôi vỡ lẽ, gương mặt vợ tôi cũng đã tắt ngấm, mọi trạng thái tình cảm không thể xuyên thủng lớp da căng thẳng thường trực, thỉnh thoảng may ra đắp đổi bằng vẻ lãnh đạm thoạt nhìn đầy minh triết, để bày ra dù chỉ một lần. Vợ tôi hẳn cũng lo âu phiền muộn, cũng sướng như bất kỳ aị Nhưng sướng ở đâu, tủi chỗ nào tôi không còn sờ đợc, chúng tôi nằm bên nhau đêm đêm như hai trái mít ruột thịt, gai gài vào nhau mà chẳng biết bên trong thế nàọ Truy tìm thủ phạm rồi cũng chẳng cứu vãn được gì. Và nỗi xót xa trong trái tim có thể rất cải lương của tôi, và ánh sáng khiếp đảm của các sân khấu sót lại từ thời Pháp thuộc, và bầu không khí vô chính phủ trong những phòng thu thanh nửa thủ công nửa hiện đại, và công chúng. cái khối chất lỏng có thể chảy tràn bất kể loại khuôn nào và chỉ ưa rủ ngủ hay bị chọc ngoáy vào chỗ kín, công chúng vĩ đại ít tiền ít thời gian của chúng ta, và giới phê bình khổ sở cha bao giờ thoát khỏi mặc cảm nghiệp dư, và bạn bè đồng nghiệp những Bá Na sinh ra không có Tử Kỳ và toàn bộ họ hàng gần xa với cái quyền của máu mủ là vơ vào mà chẳng hiểu gì, và giọng hát của tôi, nghệ sĩ nhân dân, hát cho tất cả mà chẳng cho tôi... mọi thứ ấy có thể cứu vãn được gì?
Vậy mà bây giờ tôi trông chờ ở cái ánh sáng hạnh phúc và tin cậy bừng lên trên một gơng mặt mặt thiếu nữ. Giá tôi ngỏ lời, người chị cả chắc chắn sẽ bảo: "Tôi chả giúp được gì anh đâu" kèm theo nụ cười cảm thông, tôi sẽ phải cảm ơn dù bị từ chốị Người chị hai chắc sẽ bảo: "Cảm ơn anh xin hẹn dịp khác", cô này thì vừa từ chối vừa cảm ơn. Vợ tôi chắc sẽ bảo: "Trời ơi lại chuyện gì thế này!" để tôi biết rằng nên để cô ấy yên, tồn tại như hai trái mít cạnh nhau thì không nên hẹn hò. Còn Vi nhận lời, tôi đã nói tuổi trẻ chỉ góp vốn phần nào cho sự cả tin trong vắt, còn lại khó mà giải thích.
Thêm một khách, một cô gái, một người đàn bà thì đúng hơn, tôi thích chữ đàn bà vì cái âm hưởng u trầm và nâu xám của nó. Tóc ướt từng lọn tôn gương mặt nhợt nhạt, có lẽ đẹp nếu cặp môi không tô chói chang như thế kiạ Cô ta lướt nhìn ba con người im lìm, cặp mắt dạn dĩ, gọi to một câu: "ông chủ đâu rồi!", tới ngồi góc đối diện tôi, chưa ấm chỗ đã rút bao thuốc từ chiếc túi nhựa Liên Xô xỉn màu, nâng niu rít từng hơi, hai đường chỉ chạy dọc khoé miệng hiện rõ trong đốm sáng đầu điếu thuốc. Là dấu hiệu của tốn nhiều nước mắt. Cặp tình nhân lâu năm lập tức chụm đầu to nhỏ, câu chuyện ướt sũng nước mưa của họ được lau khô, họ phục hồi lòng tự tin cũng nhanh như khi đánh mất. Mặc kệ trời đất trời cuối thu vần vũ, mặc kệ những hẩm hiu của người đời, thế giới của họ lại viên tròn.
Cô gái nhìn tôị Tôi cự tuyệt bằng cách nhìn trờị Các vị muốn gì nàỏ Phân tích tâm hồn các vị không phải việc của tôi, vả lại điều đó thật lố bịch trong cảnh mưa như xoá mọi hẹn hò toan tính ham hố của cả đám chúng ta, như lối đùa cao ngạo đầy răn dạy của các thế lực siêu nhiên, rằng đám chúng ta rút cục cũng nên biết thế nào là tín ngưỡng. Phân tích tâm hồn tôi cho các vị lại càng lố bịch. Tôi đã hát từ năm mời ba tuổi cho một nhân loại mà tôi thực lòng yêu, trong đó có các vị. Nhân loại đáp lại tôi bằng vỗ tay và tiền, thế là sòng phẳng, nhưng chẳng vị nào ban cho tôi cái ánh sáng hạnh phúc và tin cậy không vướng bận ấy, tạm gọi ánh sáng Vị Cầu cho nàng không biết gì về cái nghề dễ loè người ngoại đạo và dễ hãi kẻ am tường nhất nàỵ Lũ ca sĩ chúng tôi nào khác những lang băm thọc bừa giọng hát đầy vi trùng của mình vào màng nhĩ người tạ Cầu cho nàng không biết gì về những cuộc công diễn trong đó các nghệ sĩ nhân dân cứ phải nhòm mồm nhau cho xong một sự hài hoà chắp vá. Không biết gì về công nghệ sản xuất và tiêu thụ hàng ngàn ca khúc giống nhau như một đàn nòng nọc. Cứ lấy âm nhạc mè nghiện...
Bảy tiếng đồng hồ sau gáy tôị Tôi từng lập những kỷ lục chờ đợi cao hơn. Lần thứ nhất khi mẹ tôi người hát hay nhất thế gian qua đờị Tôi đã bắt chước tất cả các nhân vật bị lừa trong những câu chuyện cổ, vùi mình vào góc vắng khóc ròng để chờ Bụt hiện. Tôi khóc thật nhiệt tình. Khi trong người không còn giọt nước nào và tôi thấy mình nhẹ đến nỗi phải ôm khư khư một hòn gạch để khỏi bay mất thì tôi gào, rồi cuối cùng không còn một âm thanh nào ra hồn và tôi thấy mình tan nát như cái trống ếch tã bục, đến nỗi phải ngậm chặt miệng để khỏi vỡ nốt theo cái lỗ thủng xấu xí ấy thì thôi rên ử, vì dứt khoát phải gọi Bụt hiện, mà Bụt chỉ nghe tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rên. Tôi đã phát hết mọi tín hiệu và chờ vô vọng, mẹ tôi nhập quan, rồi nhập mộ, người hát hay nhất trần gian vẫn bỏ tôi mà đi vào lòng đất.
Lần thứ hai khi tôi đã trưởng thành, tình cờ giữa đường gặp người bạn quý. Ðó là người duy nhất có thể ngồi bên tôi hàng tiếng đồng hồ, cả hai không cần nói gì mà vẫn dễ chịụ Chúng tôi nhìn sững nhau sau ba năm bặt tin, cười vang đường phố, rồi anh ấn tôi vào một quán trà ven đường, hẹn đi gấp một công chuyện ở gần, chậm nhất chỉ mười lăm phút. Tôi đã ngồi suốt buổi chiều, uống đến độ không còn là máu mà là nước trà chảy xanh lè trong huyết quản. Bạn tôi chẳng bao giờ quay lạị Mười lăm phút đầu tôi giữ nguyên nụ cười trên môi, mười năm phút sau bồn chồn, mười lăm phút sau nữa lo âu, mười lăm phút sau nữa hoảng hốt. Rồi một buổi triền miên van nài số phận đừng chơi ác thế, và cuối cùng là đầu hàng, chấp thuận. Bạn tôi mất tích hàng tiếng đồng hồ, không cần nói gì mà vẫn yên lòng.
Lần này không phải nước trà mà cà phê sẽ chảy trong huyết quản. Tôi chẳng khóc, chẳng gào, chẳng rên mà im lặng tuyệt đối, lẽ nào số phận lại chơi ác tôi lần nữả Tôi có đòi hỏi nhiều lắm đâu, chỉ cần nàng tới, để tôi khẳng định rằng gương mặt trẻ trung, giản dị, hạnh phúc và đầy tin cậy của nàng là có thật, không phải một khái niệm siêu hình, không phải sản phẩm của những hoang tưởng chấp chới như phép tồn tại của kẻ nghệ sĩ bất đắc dĩ và bất đắc chí là tôị Rằng bài hát nằm trong túi áo tôi không theo đơn đặt hàng. Nàng phải tới, để tôi hát một lần không múa may không đèn chiếu không dàn nhạc ào ào như dội cùng một thứ nước sốt lên mọi món ăn. Tám, chín, rồi mười tiếng đồng hồ lần lượt điểm huyệt gáy tôị Mưa vẫn thế, đều đều, như chứng tỏ trời còn sung sức lắm, trời không phải kẻ đầu tiên bỏ cuộc. Vậy tôi cũng không được phép bỏ cuộc, bất chấp cái linh cảm quái ác bắt đầu ngấm lạnh vào lục phủ ngũ tạng, rằng toàn bộ cuộc hẹn hò bất lợi này chỉ bám vào một câu nói vô tình, một địa chỉ vu vợ Tiệc tùng át nháo khiến người ta nói năng như nhấp rượu, ghé môi vào rồi quên mình đã uống ở cốc nàọ Rất có thể nàng đã chân thành trong phút ấy, rồi đã tặc lưỡi, thậm chí đã quên. Hay đơn giản chỉ vì thời tiết. Các thiếu nữ mỏng mảnh lắm, mưa gió thế này họ sợ trôi thẳng ra biển.
Nhưng được chờ còn hơn chẳng có gì mà đợị Cơn mưa này hoá ra niềm ưu ái trời dành cho tôị Nếu tôi quyết định nên biết thế là tín ngưỡng thì niềm tin đầu tiên của tôi cụ thể là về già tôi sẽ được thêm một lần đợi chót. Bốn cuộc chờ làm mùa cho một đời tròn. Chủ quán cau có xuất hiện, chửi đổng một câu về thời đã khó, trời lại chó má thế, lầm bầm mởi khách ra cho nhà đóng cửa và vung chổi, xô bàn ghế ầm ầm. Cặp tình nhân mệt mỏi đỡ đau đứng dậy, người đàn bà liếc nhanh tôi, người đàn ông liếc nhanh cô gái rồi cả hai nhìn nhau ý nhị. Bây giờ họ ra mưa, mỗi người một xe, đạp về cái tổ khô ráo của mình. Chưa bao giờ người Hà Nội ngoại tình ồ ạt, ngoại tình lấy được, ngoại tình mệt mỏi như bây giờ. Tôi nép dưới mái hiên chật, mùi nước hoa sát bên cạnh. Cô ta lại châm thuốc, bâng quơ: "Chưa về à? " Tôi nhìn kỹ. Quả là một gương mặt biết quá đủ thế nào là nước mắt, và bất giác đáp: "Chưa". Mùi nước hoa bắt đầu bủa vây tôị Chẳng lẽ mọi kết thúc đều như trong văn chương lá cải thế này sao. Câu chuyện của tôi đã mở đầu đâu đến nỗi! Hút xong điếu thuốc, cô ta quăng tàn đánh vèo vào mạ Lại bâng quơ: "Thế nàỏ" Tôi im lặng. Chẳng lẽ lại thú thật rằng cả cái ham muốn ấy tôi cũng không còn nữa, và xin cô một lời phán xem thế là ổn hay thế là đáng tuyệt vọng lắm rồị
"Gần đây thôị..", cô ta lẩm bẩm như hết kiên nhẫn rồi bỗng vùng vằng: "Mất đứt buổi tốị.." và dằn dỗi bỏ đị Thực ra tôi có cảm tình với cộ Cô đầu tư thời gian cho nghề của cô, không tranh thủ chụp giật như mấy chị ven hồ Thiền Quang. Các chị ấy bình thường bán một mẹt thuốc lá, khách yêu cầu thì bỏ mẹt đứng lùi vào một gốc cây, xong xuôi trở lại mẹt, khách thường lấy thêm một điếu châm lửa rồi thong thả đạp xe đi, điếu thuốc ấy các chị cũng tính tiền. Tôi gọi: "Cô đi đâủ Mưa lắm!". Cô ta đứng lại, cười khích lệ: "Gần đây thôị.." Tôi chìa tay, nhận được năm ngón tay phụ nữ rất mềm. Ðúng lúc tôi bắt đầu xúc động vì những ngón tay tự nhiên và ngoan ngoãn ấy thì cô ta nhích ra, từ từ, thận trọng, như sợ bị giữ lạị Khi đã cách tôi ba bước, trong a, cô ta nói: "ông anh cứ tâm trạng đi, còn mưa hết đêm cơ đấy! Gì chứ tâm trạng thì đây cũng khối!". Tôi nhìn cô tạ Cô ta nhìn tôị Cả hai cười phá lên. Rồi cô gái lao mình vào mưa, miệng "bái bai", tay vẫy vẫỵ
Tôi vẫn đứng như thế, chân tê lạnh, người trống rỗng không một cảm xúc hay ý nghĩ nào hết. Một lúc nào đó từ trong quán vọng ra tiếng chuông thứ mười haị Vi không đến. Nàng vừa là người hát hay nhất trần gian, vừa có thể ngồi bên tôi hàng tiếng đồng hồ, không cần nói gì mà vẫn dễ chịụ
Nhưng nàng không đến. Giọt m7a cuối cùng rơi vào khoảng hai giờ đêm.
Những đêm mưa lành lạnh thế này các thiếu nữ thường ngủ say lắm.


 

Đăng ngày 19 tháng 11.2016