Chừng nào

chế độ Xã hội chủ nghĩa tiêu vong?

Nguyễn Thị Cỏ May

Ai cũng biết cộng sản Quốc tế đã sụp đổ trọn vẹn như chưa từng có, ngay trên quê hương của nó. Nhưng sự sụp đổ vụng về nên còn để lại đây đó vài mảnh vụn: Tàu, Bắc Hàn và Việt nam. Tuy mảnh vụn nhưng đủ trở thành một tai vạ thảm hại cho 3 dân tộc ở bờ Thái Bình Dương.
Trong gần đây, có không ít người Việt Nam, nhứt là những người tranh đấu cho dân chủ, lãnh tụ đảng phái, nhà báo… thường đưa ra lời dự đoán «Việt nam sẽ hết cộng sản trong năm tới, trong vài năm nữa…”. Nhưng tới nay thì kỳ hẹn ấy đã qua khá xa, Việt nam vẫn chưa có dấu hiệu khả dĩ lạc quan. Người ta nói theo sự nóng lòng với đất nước.
Cộng sản đang nắm quyền không thể tự thay đổi, từ bỏ cộng sản để cho đất nước tốt đẹp.
Cộng sản chỉ từ bỏ chánh quyền khi có sự can thiệp cần và đủ.
Vậy chừng nào cộng sản Hà nội sẽ từ bỏ cộng sản? Hay đúng hơn chừng nào cộng sản ở Việt nam sẽ tiêu vong?

Biến cố mới: Đảng Xã hội Pháp tan rã
Hồi đầu tháng 5 vừa rồi, một biến cố lớn chưa từng có đã làm rung chuyển nước Pháp. Sau bầu cử Tổng thống hôm thượng tuần tháng 5/2017, đảng Xã hội (chủ nghĩa – Le Parti socialiste) bắt đầu phân hóa và tan rã. Nguyên nhơn cũng giống như trường hợp ở Liên-xô và Đông Âu vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ vì không đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi chánh đáng của nhơn dân và không mở ra được tương lai cho nhơn dân. Vì thiếu tính khoa học tuy mang danh chủ nghĩa xã hội hiện thực khoa học!
Riêng đảng Xã hội Pháp thì bết bát nhứt thế giới, đó là điều không còn ai nghi ngờ gì nữa. Suốt 5 năm cầm quyền, ông François Hollande, Tổng thống xã hội chủ nghĩa, nguyên Tổng Bí thư đảng suốt 15 năm, đã làm thối rữa đảng và chế độ để vào dịp bầu cử sơ bộ hôm rồi, các đảng viên Trung ương Hamon, Martine Aubry, Manuel Valls… đã thật sự kết thúc sanh mạng đảng Xã hội của họ vì chỉ đạt được số phiếu quá thấp. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Xã hội Benoit Hamon bị loại ngay ở vòng I vì chỉ có 6% phiếu. Thật thảm hại!
Nay trước bầu cử Quốc Hội (11 và 18/6/2017), đảng viên xã hội gọi là “cuộc bầu cử sát sanh”, nghĩ trước cái thực tế ấy là nếu tốt lắm, thì sẽ là một sự nhục nhã, còn nếu đó là trường hợp tệ hại, thì sẽ là sự tiêu vong đơn thuần của Đảng Xã hội Chủ nghĩa khỏi chánh trường kể từ nay.
Một ứng cử viên cựu Dân biểu xã hội tâm sự “Tôi ráng góp nhặt từng lá phiếu, may ra… hơn là trả lời báo chí nữa”.
Bà Martine Aubry, Dân biểu, Thị trưởng thành phố Lille, voi già xã hội chủ nghĩa, đã không ngần ngại bộc bạch thẳng thắn “Tôi 66 tuổi rồi. Tôi có cảm tưởng là tất cả điều tôi đã làm giờ đây hư hại hết, đổ vỡ hết. Tất cả điều tôi đã tin tưởng là đúng, là đẹp”!
Đảng Xã hội Pháp ngày nay giống như thứ thực phẩm bán trong siêu thị, trên bao hàng có ghi DLC, theo sự bắt buộc của Cơ quan Vệ sinh (Date Limite Consommation = Thời hạn tiêu thụ) mà nay đã quá hạn từ khá lâu chưa kịp rút ra khỏi kệ hàng thì nhờ có các đảng viên nổi loạn ly khai trước đây đã ra tay thúc đẩy tiến trình tiêu vong nhanh chóng.
Nói về đảng Xã hội, cựu Thủ tướng Anh, ông Churchill, có một nhận xét được ghi vào sử sách: “Nhà thám hiểm Christophe Columbus là người xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Khi ra đi, ông không biết ông đi đâu, không biết ông đang ở đâu và ông đã làm tất cả việc đó với tiền đóng thuế của nhơn dân”.
Theo kết quả thăm dò dư luận hiện nay thì đảng Xã hội quả thật là một cái xác không còn ngoa ngoe nữa. Trong Quốc Hội khóa tới, nếu có Dân biểu gốc đảng Xã hội thì họ sẽ giữ vai trò chỉ khả dĩ đủ “làm cho có người đối lập”.

Nhắc lại Đảng Xã hội chủ nghĩa ở Pháp
Đảng Xã hội xuất hiện vào đầu thế kỷ XX lúc mà Âu châu chi phối thế giới trên phương diện kinh tế và cả chánh trị. Kinh tế vì Âu châu là cái nôi của tư bản. Chánh trị vì Âu châu là mẫu quốc của các thuộc địa, kìểm soát phần lớn Á châu và Phi châu.
Và cũng là lúc mà Âu châu chia làm 2 khối tranh chấp nhau. Một bên gồm 3 nước Nga, Anh và Pháp thỏa thuận nhau theo đuổi chánh sách thuộc địa, đại diện cho đế quốc thực dân; bên kia gồm Đức, Áo-Hung (Autriche-Hongrie) và Ý là 3 nước không có thuộc địa. Sự tranh chấp của họ đưa tới xung đột võ lực.
Chánh phủ các nước đều duy trì chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nặng tinh thần kỳ thị chủng tộc thể hiện trong chánh sách thuộc địa.
Năm 1910, ở Hội nghị Copenhague, Đan-mạch, ra đời Quôc tế Xã hội tái khẳng định “chiến tranh là do tư bản gây ra và nhứt là do sự cạnh tranh kinh tế quốc tế của các Đế quốc tư bản trên thị trường thế giới”. Vậy giải pháp chấm dứt chánh sách thực dân, chấm dứt chủ trương kỳ thị chủng tộc sẽ là cách mạng xã hội chủ nghĩa, chớ không còn con đường nào khác hơn, bởi tiêu diệt chủ nghĩa tư bản đồng nghĩa với đem lại hòa bình cho nhơn loại.
Năm 1889 ở Paris, Quốc tế Thợ thuyền ra đời gồm nhiều phân bộ cấp quốc gia trên 23 quốc gia, tập họp gần mười triệu công nhơn tham dự.
Quốc tế Thợ thuyền là sự nối tiếp Đệ Nhứt Quốc tế bị giải tán năm 1872 do Công Xã Paris thất bại.
Ngày 28 tháng 9/1864, thợ thuyền của cả Âu châu họp nhau ở Luân-đôn để ủng hộ Ba-lan bị Nga đàn áp. Từ đó, Hội Quốc tế Thợ thuyền ra đời (AIT = Association Internationale des Travailleurs), sau này được biết tới dưới tên gọi là Đệ I Quốc tế (I Internationale).
Chính Hội nghị Quốc tế Thợ thuyền này tổ chức tại Paris đã quyết định lấy ngày 1/5 năm 1890 làm một cuộc biểu tình quốc tế đòi hỏi cho thợ thuyền ngày làm việc 8 giờ. Và ngày 1/5 trở thành ngày lễ quốc tế của thợ thuyền hằng năm. Quốc tế Thợ thuyền này thừa nhận sự độc lập của các phân bộ quốc gia, không can thiệp vào nội bộ của các phân bộ.
Năm 1900, ở Hội nghị Paris, Quốc tế Thợ thuyền tổ chức được một cơ cấu thường trực: Văn phòng xã hội Quốc tế đặt ở Bruxelles, Thủ đô nước Bỉ, và gồm 2 Đại biểu mỗi quốc gia, Ban Bí thư Thường trực và một Ban chấp hành. Các cơ quan khác được tổ chức tiếp theo.

Những mâu thuẫn nội bộ
Quốc tế Thợ thuyền chấp nhận rộng rải nhiều xu hướng khác nhau đứng chung nhau hoạt động như phong trào vô chánh phủ, những nhơn vật tiếng tăm thiên về chủ nghĩa xã hội, và họ tới từ các nước phát triển Mỹ, Âu châu và Á châu như Nhựt bổn.
Nhưng năm 1893, ở Zurich (Thụy sĩ), Hội nghị tuyên bố chỉ nhìn nhận là thành viên đảng Dân chủ-xã hội những tổ chức chấp nhận giai cấp đấu tranh và xã hội chủ nghĩa hóa những phương tiện sản xuất và những quyết định của hội nghị quốc tế xã hội chủ nghĩa. Thế là những thành phần khác được kết nạp lúc đầu như phong trào vô chánh phủ bắt đầu bị loại.
Sau đó, chủ nghĩa mác-xít bị ông Eduard Bernstein, đảng Dân chủ-xã hội Đức, đem ra xét lại. Và cả vấn đề liên kết với tư sản tự do. Sau cùng, mọi mâu thuẩn được ông Kautsky giải quyết tạm ổn: kết án theo nguyên tắc, nhưng chấp nhận tùy trường hợp đặc biệt.
Tiếp theo, vấn đề thuộc địa và chiến tranh cũng gây tranh chấp không ít. Chánh sách thuộc địa bị lên án là do tư bản.Vấn đề nghiêm trọng là chiến tranh. Mọi người đều nhìn nhận chiến tranh là do tư bản gây ra. Tuy nhiên, các đảng xã hội Đức và Áo nghĩ không thể ngăn chận chiến tranh được. Nhưng Jean Jaurès và Lénine, ở Hội nghị Stuttgart, Đức, nắm được đa số đồng ý là phải ngăn chận chiến tranh bằng mọi cách, và nếu cần, phải hạ tư bản thống trị.
Nhưng biện pháp chọn lựa ở Hội nghị Copenhague năm 1910 để ngăn chận chiến tranh bùng nổ là thợ thuyền xuống đường, đình công với sự hưởng ứng của dân chúng.
Tháng 7/1914, Văn phòng Quốc tế xã hội ở Bruxelles họp đưa ra yêu cầu các Đảng thành viện hãy tổ chức chống chiến tranh. Nhưng sau đó, các Dân biểu xã hội Đức lại biểu quyết chấp thuận ngân sách chiến tranh cho chánh phủ Đức. Trong số các quốc gia lớn liên hệ chiến tranh, chỉ có 5 Đại biểu bôn-sơ-vít và nhiều Đại biểu măn-sơ-vít của Nga tuyên bố không chấp nhận sự biểu quyết đó.
Năm 1919 ỏ Berne và năm 1920 ở Genève, Văn phòng Quốc tế đã cố gắng tổ chức hội nghị để tìm cách hàn gắn sự rạn nứt giữa các đảng xã hội chủ nghĩa anh em trong Quốc tế Xã hội nhưng không hiệu quả.
Tháng 3/1919, cánh Tả của Quốc tế Xã hội tổ chức một Quốc tế cộng sản gọi là Đệ III Quốc tế hay Komintern và qua tháng 2/1921, Trung tâm Hòa bình (Centre pacifiste - chủ hòa hay phản chiến) tách ra khỏi Quốc tế, tổ chức Cộng đồng Lao động của các Đảng Xã hội chủ nghĩa được biết vội vàng là Đệ II Quốc tế rưởi (Internationale II et demie).
Quốc tế Thợ thuyền hay Đệ II Quốc tế từ đây chỉ còn âm vang để tới năm 1923 thật sự tiêu vong nhường chổ cho Quốc tế Thợ thuyền xã hội chủ nghĩa mới (Internationale ouvrière socialiste) ra đời. Và đảng Xã hội chủ nghĩa ở Pháp ngày nay thừa hưởng di sản này.
Đệ II Quốc tế vẫn giữ sự trung thành với nền dân chủ đại nghị. Ngày 26 tháng 4/1905, nhiều hệ phái xã hội chủ nghĩa ở Pháp, cả hệ phái cải cách của Jean Jaurès và hệ phái mác-xít của Jules Guesde, tập hợp lại dưới tên chung trở thành Phân bộ Quốc tế Thợ thuyền Pháp (SFIO = Section Française de lInternationale ouvrière, có một chi nhánh hoạt động ở Việt nam vào giữa tiền bán thế kỷ XX mà những nhà tranh đấu chống Pháp lúc đó gọi khôi hài là «Đảng xách dép vô»). Nhưng tới ngày 4 tháng 5/1969, nó trở thành Đảng Xã hội chủ nghĩa gọn lỏn (Le Parti socialiste – thêm tiếng “chủ nghĩa” để tránh hiểu lầm với 2 tiếng “xã hội” là “social” không hàm nghĩa như socialiste).
Quốc tế thợ thuyền có bài hát vô sản thế giới để tưởng niệm tổ chức thợ thuyền do Eugène Pottier sáng tác. Anh vừa là thợ thuyền, vừa là ca sĩ bị tù vì tham dự Công xã Paris thất bại. Bài hát được ấn hành trong tuyển tập những bài hát cách mạng năm 1887 và năm sau, được công nhơn Pierre Degeyter phổ nhạc.

2 người thừa tự lớn
Trong nền Đệ V Công hòa Pháp, có 2 ông Tổng thống Xã hội chủ nghĩa là François Mitterrand và François Hollande. Cả hai ông để lại thành tích ơn ích cho nước Pháp thì ít nhưng những tiếng tăm ồn ào về đời tư không mấy “bình thường” của nguyên thủ quốc gia thì lớn và nhiều.
Ông Mitterrand có tiếng là kẻ hào hoa. Ông rất điệu nghệ. Cô nào, bà nào «biết điều” với ông, khi nắm quyền, ông đều ban chức phận cho nên ông có không dưới 20 bồ bịch, không tính bà bồ ruột có đứa con gái cùng sống kín đáo trong Điện Elysée. Điều đặc bìệt là trong suốt nhiệm kỳ 14 năm của ông có nhiều người thân cận của ông tự tử.
Người thừa tự trực tiếp từ Mitterrand là François Hollande chỉ sống với bồ, đưa cả bồ vào Tổng thống phủ làm Đệ I Phu nhơn. Khi đánh ghen, bà bồ (Valérie Trierweiler) đập bể đồ đạc, bảo vật trong Elysée trị giá hơn 3 triêu euros nhưng không biết khi rời Elysée, ông đã đền cho công quỹ chưa?
Trong 2 nhiệm kỳ từ năm 1981 tới năm 1995 của ông Mitterrand, dân Pháp thất nghiệp từ 1,5 triệu tăng lên 2,5 triệu (+66,67%), công nợ tăng 152,27%, từ 110 tỷ lên 663 tỷ euros.
Qua ông Tổng thống Hollande, nguyên Tổng Bí thư 15 năm của đảng Xã hội, rời Điện Elysée để lại 5.460.800 thất nghiệp, công nợ lúc lên cầm quyền là 90,20% của Pib (1868 tỷ euros), năm 2015, là 98,40% của Pib (2098 tỷ euros). Tăng chậm nhờ lải xuất hạ thấp như không có.
Chánh trị Pháp chưa bao giờ có được sự đồng thuận và thật lòng hợp tác vì quyền lợi đất nước giữa các đảng phái. Nay hai chánh đảng lớn đều không còn giữ được tầm vóc của mình nếu may mắn không bị tiêu vong trọn vẹn sau bầu cử Quốc Hội sắp tới đây (11 và 18/6/2017). Nhưng chắc chắn trên đống tro tàn của chánh đảng, chánh trường Pháp sẽ tái cấu trúc. Chờ xem.
Về chủ nghĩa xã hội, Hàn lâm Học sĩ Jean dOrmesson có đưa ra định nghĩa “chủ nghĩa xã hội là lấy tiền của dân cho tới khi nào hết tiền để lấy thì lúc đó là hết chủ nghĩa xã hội!”.
Chế độ xã hội chủ nghĩa khoa học ở Việt nam cũng chỉ tiêu vong khi dân chúng không còn tiền, đất nước không còn rừng, không còn đất để chúng cướp và bán cho Tàu.
Vậy liệu có cách nào làm cho chúng nó hết tiền để cho chúng nó sớm tiêu vong được không?
Nguyễn Thị Cỏ May

 

Đăng ngày 16 tháng 06.2017