Thợ Hồ và Vatican

Nguyễn thị Cỏ May

Trong các bài trước viết về bầu cử Pháp, Cỏ May tôi có đề cập tới vai trò Thợ Hồ trong chánh trị Pháp . Và nhứt là sự thắng cử của ông Emmanuel Macron liên hệ tới sự can thiệp trực tiếp vào vòng II khi chỉ còn 2 người, ông Macron và bà Le Pen, Thợ Hồ chỉ thị không bỏ phiếu cho Marine Le Pen, vừa vận động cử tri. Ngoài ra, chánh giới Pháp, Tả/Hữu đều có liên hệ với Thợ Hồ ở cấp chánh phủ trung ương. Gần đây hơn hết, bên cạnh cựu TT. Sarkozy, có ông Alain Bauer, cựu Đại Sư phụ Thợ Hồ thuộc Bộ phận (Loge) lớn nhứt, le Grand Orient de France, làm cố vấn. Qua chánh phủ của TT. François Hollande có tới 12 Thợ Hồ là Tổng Bộ trưởng. Cựu Thủ tướng Manuel Valls là Thợ Hồ có “thẻ đảng” và ông Alain Bauer còn làm cha đỡ đầu cho con trai của ông.
Trong khu vực xí nghiệp, những cơ sở lớn, nhơn viên cấp lãnh đạo phần lớn cũng là Thợ Hồ. Ở Pháp có thể nói «Không Thợ Hồ đố mầy làm nên»!
Căn bản tư tưởng của Thợ Hồ là «thế tục» ròng. Chỉ tôn trọng con người nhơn bản. Với Thợ Hồ không có Thượng Đế theo tín ngưỡng của các tôn giáo mà chỉ có «Đấng Kiến trúc Sư tối cao toàn khắp», người phác họa đồ án vũ trụ và sanh vật.
Trước giờ Thợ Hồ không thuận thảo với Vatican. Họ bị Vatican lên án là những kẻ xơi tái cha xứ. Nhưng gần đây, sự quan hệ đó đã thay đổi theo chiều hướng thuận lợi. Và ai có ngờ ngay trong Vatican có một bộ phận Thợ Hồ. Có dư luận cho rằng chính Thợ Hồ lèo lái Vatican. Như họ nắm ngân hàng của Vatican. Vả lại Vatican là một thứ chánh phủ của chánh phủ các nước trên thế giới. Giáo hoàng là vua của vua, Tổng thống của Tổng thống thì Thợ Hồ len vào ảnh hưởng là việc bình thường như đối với các chánh phủ thế tục mà thôi.
Hơn nữa báo chí vừa loan tin Giáo hoàng François đang thanh lọc để chấn chỉnh hàng giáo phẩm cao cấp của Vatican, loại ra những Thợ Hồ nhiều tai tiếng.

Thợ Hồ ở Vatican
Nhơn đây, Cỏ May tôi xin thưa qua trong một bài đăng trên Đàn Chim Việt trước đây không lâu lắm, có độc giả phê bình “Thợ Hồ” không đúng, mà phải nói đó là “Hội Tam Điểm”.
Xin có lời cảm tạ quí độc giả. Đúng như quí độc giả dạy nhưng tôi cố ý dùng “Thợ Hồ” mà không nói “Tam Điểm” để tránh hiểu lầm với Tam Điểm của Tàu (Tam Hiệp Hội -La Triade) đang hoạt động mạnh ở Paris trong giới người Tàu. Vả lại, “Thợ Hồ” liên hệ tới nguồn gốc của hội kín này “La Franc-Maçonnerie”. Và “Thợ Hồ” có nghĩa từ tiếng Pháp “le maçon”. Họ gọi những thành viên Hội là “les maçons”.
Xin trở lại chuyện Thợ Hồ ở Vatican.
Mặc dầu Thợ Hồ ở tại Vatican và hoạt động từ lâu nhưng lúc sau này Vatican bị nhiều tai tiếng về mối quan hệ này mà Giáo hoàng François, sau thời gian củng cố nội tình Vatican, đã bắt đầu chú ý tới sự có mặt của Thợ Hồ ở đây.
Nhơn chuyến viếng thăm thành phố Turin, Ý (21/06/16), Ngài nhắc lại quan điểm của Ngài với thanh niên Ý, khi đề cập vấn đề lịch sử, rằng Giáo hội và Thợ Hồ không thể hòa hợp nhau được. Trái lại, Ngài còn kết hợp Thợ Hồ với quỉ Sa-tăng. Trong buổi nói chuyện, Ngài đã hai lần tố cáo ảnh hưởng của Thợ Hồ.
Hồi đầu tháng giêng này, Giáo hoàng François ra lịnh đuổi nhóm Thợ Hồ khỏi Vatican. Ngài bảo Hồng Y Burke hãy làm sạch sẽ hàng ngũ những “Chiến sĩ Thập tự” trong đó Thợ Hồ hoạt động. Ngài lập lại lại Thợ Hồ là một lực lượng gây ảnh hưởng hủy diệt giá trị truyền thống và hiềm khích Giáo hội.
Ngài nhắc lại ở thế kỷ XIX, phát triển thanh niên vô cùng khó khăn vì Thợ Hồ lúc bấy giờ đang phát triển mạnh nên vì đó mà Giáo hội không thể muốn làm điều gì cũng được. Có những phần tử chống giới tăng lữ, những phần tử theo Sa-tăng. Đó là lúc bi đát nhứt và là một trong những giai đoạn thảm hại nhứt của lịch sử Ý.
Gia nhập Thợ Hồ đối với đạo lý tự nhiên và đạo đức Công giáo vẫn là một khuyết điểm nghiêm trọng. Điều này không thể chấp nhận được đối với một người thế tục bình thường, hoặc hơn nữa, một tu sĩ, nói chi tới Giám mục hay Hồng y!
Nhưng vì chúng ta chưa vén màn bí mật lên. Đúng vậy, nhiều Thợ Hồ ở ngay trong Vatican, tức trong Giáo hội. Tuy nhiên, người ta vẫn lý giải Thợ Hồ là một tổ chức bí mật, một hội kín, thì khi nói Thợ Hồ ở trong Vatican, thì phải hiểu điều đó chỉ “có thể có”. Chưa có thể khẳng định được.
Vậy muốn hiểu chuyện này rõ hơn, có lẽ nên tìm đọc thiên điều tra của Carlo-Alberto Agnoli, nhan đề là “Thợ Hồ chinh phục Giáo hội” (La Maçonnerie à la conquête de l’Eglise, Editions du Courrier de Rome, 2001). Trong cuộc điều tra năm 1978, tác giả quan tâm tới một danh sách chức sắc của Vatican là Thợ Hồ. Bảng danh sách này do ký giả của Observatore Politico ngày 12 tháng 9/1978, cung cấp. Bảng danh sách chức sắc cao cấp của Vatican, như Hồng Y, Bộ trưởng, Hồng Y Chánh Văn phòng… gồm có 16 vị. Ngoài ra, còn một danh sách nữa từ Hồng Y không nắm chức vụ lớn trong Vatican cho tới Linh mục thì đông đảo hơn, gần cả trăm vị.
Theo giới chức Vatican thì trong 2 bảng danh sách này, có nhiều tên không có gì lấy làm ngạc nhiên, nhưng cũng có những tên cần phải xem lại. Nhà báo Mino hay Carmine Pecorelli, nguyên là thành viên Thợ Hồ Bộ phận P2 ở Vatican bị ám sát ngày 20/03/1979, 6 tháng sau khi công bố bảng danh sách này. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy sự tiết lộ này là nghiêm trọng?
Giáo hoàng Paul VI ủy nhiệm cho một ông Tướng Cảnh binh điều tra xem danh sách ấy thiệt hư thế nào. Vị Tướng trả lời danh sách đó có giá trị. Và vị Tướng Cảnh binh chết trong một tai nạn trực thăng. Giáo hoàng cũng không khỏi lo ngại về sự xuất hiện bảng danh sách gồm Thợ Hồ là hàng giáo phẩm.
Người ta giải thích ngày nay, Giáo hội đã thay đổi nhiều về mặt đức tin, xu hướng hòa đồng hóa với thế giới, với những đức tin khác. Đó là do ảnh hưởng của Thợ Hồ và mạnh hơn từ thời đại Giáo hoàng Benoit XVI.

Diễn tiến trong quan hệ giữa Vatican và thợ Hồ
Tùy tình thế, xung đột giữa Vatican và Thợ Hồ có lúc vô cùng gay gắt, lại có lúc dễ chịu. Giáo hội công kích thợ Hồ và Thợ Hồ cũng công kích Giáo hội. Trong luật giáo hội ấn bản hiện nay, việc rút phép thông công giáo phẩm được hủy bỏ từ năm 1983, nhưng một hình thức kết tôi khác thay thế do đề nghị của Hồng Y Ratzinger lúc còn trông coi Đức tin theo đó giáo dân nào ghi tên gia nhập Thợ Hồ thì mang trọng tội và không tham dự thánh lễ được. Qui định này lại ảnh hưởng tới những Thợ Hồ công giáo. Trước kia, trong hàng ngũ Thợ Hồ không có Công giáo và không có phụ nữ nhưng sau này trở thành hổn hợp.
Thợ Hồ thay đổi nhiều. Ở mỗi quốc gia, họ phân ra làm nhiều Phân bộ trong đó thành viên theo nhiều tôn giáo khác nhau. Còn Giáo hội thì từ Cộng dồng Vatican II và Giáo hoàng François đã mở rộng đối thoại với những tôn giáo khác hay những tổ chức có ý hệ khác mà trước đây không thể chấp nhận được.
Năm 2016, Thợ Hồ ở Pháp có 150000 người, cả nam nữ, họ là những người tôn trọng những giá trị đạo đức và giá trị công dân, thì tại sao Giáo hội không đối thoại với họ?
Ai cũng biết Thợ Hồ gốc là những người phi giáo điều. Ai cũng hiểu đức tin công giáo có nguồn gốc không theo những công thức nhưng lại tin ở sự khám phá ra một “Đấng tối cao duy nhứt và toàn năng”. Vậy những người Thợ Hồ công giáo nghĩ sao?
Gần đây, Giáo hoàng François rao giảng “Mong rằng bàn tay nhơn ái sẽ nắm lấy những kẻ có đức tin và những kẻ chưa tin như là dấu hiệu của Nước Trời đang hiện diện ngay giữa chúng ta”!
Vậy Giáo hội còn chờ đợi gì nữa mà không xóa đi qui định “trọng tội” cho những Thợ Hồ công giáo? (Nhựt báo Công giáo La Croix, số 21/01/2016).

Một Bộ phận (loge) Thợ Hồ điều khiển Vatican?
33 ngày sau khi lên ngôi, Giáo hoàng Jean-Paul Đệ I bị ám sát. Theo nhà báo David Yallop, trong quyền “Nhơn danh Đức Chúa Trời”, kết quả công trình điều tra của tác giả, thì Giáo hoàng Jean-Paul 1er bị đầu độc vì Ngài can thiệp vào vấn đề tài chánh, tức ngân hàng, của Vatican. Nhưng thông tin nói vì Ngài loại ra khỏi Vatican hai Thợ Hồ. Và cái chết của Ngài do Bộ phận P2 ở Vatican chủ trương.
Dưới ngòi bút của ký giả thuộc Thợ Hồ, ông Pier Carpi, thì Giáo hoàng Jean XXIII là Thợ Hồ thuộc Bô phận Rose-Croix. Cả Giáo hoàng Paul VI cũng Thợ Hồ. Ông Pier Carpi khui ra nhiều Hồng Y, Giám mục là Thợ hồ thuộc P2. Người ta gọi đó là “Thợ Hồ của Bộ phận tăng lữ và họ liên hệ trực tiếp với Bô phận thống nhứt ở Anh”.
Thật ra Bộ phận Thợ Hồ ở Vatican không thật sự điều khiển Vatican mà họ làm lobby hoặc ít lắm, cũng gây ảnh hưởng lên đường lối của Vatican và kiểm soát Vatican.
Giám mục Lefèbre, cánh Bảo thủ (Traditionnaliste) cho rằng có nói gì đi nữa thì Giáo hội này không còn là Giáo hội Công giáo nữa. Giáo hội Công giáo mà chủ trương hòa hợp với tất cả mọi người, chấp nhận mọi xu hướng tư tưởng thì không còn là Giáo hội Công giáo bởi nó làm mất đi sự cao cả, sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. Giáo hội không còn rao giảng đức tin Công giáo, không còn bênh vực đức tin Công giáo, mà rao dạy thứ gì khác hơn?
Giám mục Lefèbre bảo thủ nên bị Giáo hội không nhìn nhận trong hàng ngũ giáo phẩm.
Có dư luận cho rằng Thợ Hồ kín đáo ẩn mình hoạt động ở Vatican vì muốn ảnh hưởng Vatican về một trật tự mới cho thế giới ngày mai này. Có dư luận còn cho rằng Thợ Hồ tìm cách vận động những tổ chức, những thế lực lớn đang chi phối thế giới tạo bất ổn, có thể đi đến thế chiến để có cơ hội thiết lập một trật tự mới hoàn toàn mới.
Tham vọng con người là vô tận, bất nhơn nhưng liệu Ông Trời có cho phép những tư tưởng ngông cuồng thành hình hay không?
Nguyễn thị Cỏ May


Khổng long và sình lầy

Dương Hồng Mô

Ông Emmanuel Macron tuổi trẻ tài cao nhưng không ai ngờ ông trở thành Tổng Thống Pháp.Ông có làm chính trị bao giờ đâu, công chức cao cấp, có thời làm nhà Băng Rothschild rôi Cố vấn cho Tổng Thống Francois Hollande, được cất nhắc tới Bộ trưởng Kinh Tế. Đùng một cái cách đây một năm ông tuyên bố từ chức, bỏ Đảng Xã Hội lập một Phong Trào riêng, ông gọi là Tiến Bước, En Marche phe Trung Dung Ôn Hoà và tranh cử Tổng Thống. Vậy mà ông thắng, Đảng ông cách đây 1 năm không có một đảng viên nào.
Trước ông dĩ nhiên là có Donald Trump bên Mỹ, cũng không bao giờ tranh cử trước đây, làm đủ thứ nghề kinh doanh, kể cả tổ chức Thi Hoa Hậu hay láí xe ủi đất đi xây cất. Vậy mà ông tranh cử hạ 16 đối thủ Cộng Hòa và thắng Ứng cử viên Dân Chủ bà Hillary rất là ngoạn mục.
Con đường ông Macron khó khăn hơn nhiều. Nước Pháp có lịch sử lâu dài và truyền thống chặt chẽ từ bao nhiêu thế kỷ. Cái gì cũng có những luật lệ bất khả kháng, cái gì cũng qua kỳ thi cử dù là một chức nhỏ như tùy phái. Sao có thể trở thành Tổng Thống mà không phải là Dân Biểu trước kia. Làm sao mà thuyết phục được dân Phap cánh tay phải của Tổng Thống Xã Hội Hollande tự nhiên trở nên Trung Dung, centriste.
Nhưng dân Pháp đang trải qua một giai đoạn giận hờn và lo sợ nên Macron thành công. Cũng như nước Mỹ giận hờn và lo sợ nên Trump thành công. Anh Quốc cũng giận hờn lo sợ nên tách ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, tại sao mấy ông Công Chức ở Bỉ Bruxelles, không phải dân Anh , không ai bầu, mà làm 60 phần trăm luật pháp Anh và bằt Anh Quốc phải nhập mấy trăm ngàn dân tỵ nạn Trung Đông , không cách nào đồng hóa với dân Anh.
Bên Trung Đông cũng vì hoàn cảnh bi kịch mà anh hùng xuất thế. Khi Tổng Thống Trump viếng thăm Ả Rập Seoud , Hoàng Tử bậc hai , con thứ nhà Vua Salman, Hoàng Tử Mohammad Bin Salman chỉ 31 tuổi tổ chức đón tiếp. Ông đã thành công thay đổi chính sách nội ngoại đất nước. Chức vụ chỉ là Bộ trưởng Quốc Phòng , ông thành công mời tới Ryadh 50 lãnh tụ Hồi Giáo, đại diện Phe Đa số Sunni vùng Vịnh và Trung Đông thực hiện một Liên Minh Hoa Kỳ Sunni chống lại Iran thiểu số Shiite. Thay đổi động trời chíng trị quốc nội, phụ nữ thêm tự do xã hội nhân nhượng hơn không cứng rắn bảo thủ như trước. Vai trò ông khó khăn hơn những ông Trump và Macron gấp bội vì ông còn ông anh Thái Tử. Cũng không kinh nghiệm chính trị nhưng ông cũng gan góc đầy mình.Chống lại Hồi Giáo cực đoan, chống lại truyền thống ngàn năm ở một nước có tiéng cực đoan. Chống lại các ông Mullah là dỡn với tử thần. Nhưng nhà Vua Salman ủng hộ ông triệt để và nghe nói sẽ cho ông kế vị.
Bởi vì Ả Rập Seoud và Thế giới Sunni cũng vô cùng lo sợ và giận hờn.
Chính quyền Obama từ 8 năm nay đứng về phe thiểu số Hồi Giáo Shiite chống lại đại đa số Sunni. Phe Sunni có lãnh tụ là Ả Rập Seoud. Không thể tưởng tượng được Hoa Kỳ lại nhảy vào cuộc nội chiến tôn giáo Sunni Shiite có từ 1000 năm. Chỉ vì Iran là Chủ nghĩa Xã Hội và Đảng Dân Chủ của Obama muốn liên minh. Và lấy cớ là thương lượng về võ khí hạt nhân, Hoa Kỳ đổ vào ngân quỹ Iran hàng chục tỷ dô la, ngay lập tức Iran ùn tiền mua võ khí xâm nhập láng giềng Yemen và Syrie.
Bên Hoa Kỳ có những bãi sình lầy, chủ yếu là Chủ Nghĩa Xã Hội thiên tả và công cụ là
Đường lối đúng đắn, bắt buộc phải đúng đắn theo chỉ thị của Phe tả. Political Correctness. Nếu không theo thì Báo chí chê cưởi và mất việc. Cũng như Cộng sản nhưng Cộng Sản phải dùng Tập Trung Cải Tạo đe dọa, đằng này hữu hiệu hơn nhiều. Mọi tư tưởng lời nói việc làm phải theo khuôn mực tả phái nếu không là mất việc. Vì thế phe tả thành công ép Châu Âu và Mỹ Châu chấp nhận những điều ngậm đắng nuốt cay như ai muốn lấy ai thì lấy, con trai cưới con trai con gái cưới con gái.
Bên Ả Rập Seoud bãi sình lầy nguy hiểm hơn nhiều vì có từ ngàn xưa. Trong bãi sình nào cũng có những khổng long, ở Trung Đông nó sàng giết người vì như vậy nó được lên Thiên Đàng. Nhưng phải thoát nước, trị liệu mọi sình lầy thì mới tiêu diệt được khống long cho nhân dân an cư lạc nghiệp.Ả Rập Seoud không thể sống như trước mãi. Không thể cả nước ngồi chơi sơi nước, sống về dầu hỏa. Khai thác dầu hỏa do ngoại quốc, công chức do ngoai quốc, mình chỉ làm Xếp và quân đội Công An.
Nay dầu hỏa do Kỹ Thuật mới Fracking, Hoa Kỳ sản xuất còn hơn Nga hay Ả Rập , Israel sẽ sản xuất ngang Ả Rập, đến lúc nhân dân Ả Rập phải làm việc như nhân dân khác, đàn bà cũng phải làm việc nếu không là đói.
Vì thế Hoàng Tử Mohammad Salman thành công, Hoa Kỳ sẵn sàng giúp thực hiện một xã hội Ả Rập tân tiến vả Donald Trump được đón tiếp như cứu tinh.
Chủ Nghĩa Xã hội không bao giờ thành công kinh tế. Từ Liên Xô Cuba Trung Quốc Mao, Triều Tiên. Chủ Nghĩa Xã Hội thất bại dưới François Hollande cũng như dưới Barak Obama. Bởi vì như Margaret Thatcher đã nói, Chủ Nghĩa Xã hôi tiêu pha phung phí tiền người ta cho đến khi không còn tiền mà tiêu.Tiền người ta là tiền của dân đóng thuế, tiền những người làm việc làm ra của cải, lấy tiền đó cho những người không làm việc. Làm ra của cải là lãnh vực tư doanh chứ không phải công chức hay quốc doanh. Quốc doanh là lỗ vốn, nước nào cũng vậy, phải xin tiền trợ cấp Chính phủ mới sống được. Obama khánh thành một Công Ty Nhà nước bỏ vốn, Solyndra năng lực mặt trời, chỉ mấy tháng sau xập tiệm, mất toi 500 triệu.
Cả Obama lẫn F. Hollande đều áp đặt sưu thuế nặng nề và nhất là những luật lệ rườm rà bóp nghẹt xí nghiệp tư doanh, nơi đào tạo công ăn việc làm. Emmanuel Macron nghe nói thuộc lòng 3500 trang Luật Lệ Lao Động , Code du Travail. Luật lệ lao động Hoa Kỳ là 70.000 trang, riêng Chính quyền Obama là tác giả 30.000 trang. Các ông Xã Hội khi cầm quyền là đẻ ra hàng trăm ngàn công chức, các ông công chức đẻ ra hàng tấn giấy tờ. Vì thế nên tăng trưởng kinh tế nước Pháp là số không, còn Hoa Kỳ 8 năm vừa qua chỉ là 1.3% không năm nào tới 2%. Phải tăng trưởng ít nhất là 3% nếu không giới trẻ lớn lên không có công ăn việc làm. Ấy là Hoa Kỳ may là có những ông nghĩ ra kỹ thuật fracking dầu hỏa, khai thác được dầu hỏa thấm vào đá ngầm dưới lòng đất mấy cây số, khai thác tại đất tư nhân, Obama muốn cấm mà không làm gì được. Nếu không có dầu hỏa khí than sản xuất thừa thãi thì tăng trưởng Hoa Kỳ chắc cũng 0%.
Bên Pháp luật lệ Nhà Nước cấm không được sa thải nhân viên dù có bằng chứng ăn cắp xí nghiệp. Không thể sa thải dĩ nhiên là không ai dám tuyển mộ nhân viên.Báo chí Pháp la hoảng ” Chủ xí nghiệp chán tới tận cổ “. Bên Mỹ xí nghiệp mướn nhân viên cho tới 49 nhân viên, ₫ến nhân viên thứ 50 phải trả tiền Bảo hiểm Obama Care , giá tăng vô tội vạ vì phải trả những vô lý như chi phí phá thai, chi phí mua Viagra v.v… Có thẻ Bảo Hiểm trong tay mà không Bác sỹ nào nhận vì Chính Phủ trả Bác sỹ quá ít. Xí Nghiệp vì vậy mướn toàn nhân viên tạm thời, temporary, hoặc bán thời gian partial time. Tới ngày nay Obama Care tự nhiên phá sản, không ai đụng tới nhưng Đaị Công Ty Bảo Hiểm tự động rút lui vì quá lỗ vốn. Công trình duy nhất ông Obama thực hiện trong 8 năm qua không thọ được 1 năm. Và di sản Obama Care là gánh quá nặng cho bà Hillary nối nghiệp. Dân Mỹ thuộc lòng những lời hứa sai trái, anh muốn giữ Bác sỹ anh giữ Bác Sỹ. anh muốn giữ Công ty bảo Hiểm anh giữ Công ty Bảo hiểm. chi phí bảo Hiểm sẽ giảm 1500 đô la. Họ đếm ông nói dối 29 lần trên TV.
Mohammed Ahmari bên Pháp ai mà không biết. Ông có huy chương cao quý Legion d’honneur hạng nhất , ông là tỷ phú Đại gia Công Ty Xây Dựng cỡ quốc tế. Bảo trợ cho đội banh Rugby Pháp. Một viên ngọc quý cho bất cứ nước nào nhất là Pháp rất khan hiếm nhân tài kinh doanh.
Vậy mà ông sang Pháp với diện du học sinh nghèo rớt mồng tơi của nước Syria thập niên 60. Ông được học bổng vì Chính phủ Syria khám phá ra cậu bé Ahmari đi bộ mỗi ngày qua sa mạc 6 dặm đến trường. Cậu bé chăn cừu , không biết ngày sinh tháng đẻ vì mẹ 13 tuổi bị bộ lạc trưởng hiếp dâm và chết sau khi sanh đẻ. Bà ngoại nuôi cậu bé.
Không ai bên Pháp có thể so sánh với Ahmari Bên Mỹ có thể so sánh với Harold Hamm con tá điền nghèo rớt mồng tơi, 15 tuổi làm thợ giàn khoan dầu hỏa, học nghề kỹ sư tại chỗ và làm Đại gia Tỷ Phú dầu hỏa, đầu tiên khai phá và hoàn hảo kỹ thuật Fracking.
Ahmari thành công đến nối Tổng Thống Hollande gọi ông, nhờ giúp sao cho nước Pháp có thêm Kinh doanh như ông. Cho ông chức Tsar Hoàng Kinh Doanh, một Bộ trong Chính Phủ. Nhưng Ahmari thừa biết, không có kinh doanh là do Chính Phủ bóp nghẹt kinh doanh, thuế thu nhập 70 % ai mà làm việc làm chi. Khi kinh doanh phải làm việc gấp hai người ta nếu không là lỗ. chưa kể bán nhà bán cửa làm vốn lúc đầu.
Ahmari tuyên bố Luật Lao Động Code du Travail là quyển sách vĩ đại 10.000 trang chứ không phải 3500 trang. Nếu công việc thua lỗ, phải cho nhân viên nghỉ việc là bị thưa kiện và trong 70 % trường hợp, bị thua kiện. Vì vậy tốt hơn hết là tuyển mộ càng ít càng tốt.
Obama cũng như Hollande khi có gì thất bại là cũng thiết lập một Tsar Hoàng , bắt tay bắt chân trước TV rồi mọi người quên luôn, Obama quên luôn Tsar hoàng. Các ông này cho văn phòng với cô thư ký rồi ngồi ngáp cho tới khi chán bỏ đi. Obama có những Tsar Hoàng Môi Trường, Tsar Hoàng Công ăn việc làm, Tsar Hoàng Kinh Tế, Tsar Hoàng về Cựu binh sĩ v.v…
Dần dần cả 2 bên Đại Dương không ai tin tưởng vào giới Thượng Lưu Lãnh Đạo cả 2 nước. Các tả phái Xã Hội cả 2 bên xa nhân dân, không còn về phía người lao động như mấy thập niên trước. Có ông Dân Chủ nào bên Mỹ, ông Xã Hội nào bên Pháp mất việc bao giờ đâu. Có ông nào sống ở xóm nghèo Chicago nơi đêm nào cũng hai ba người bị giết. Có ông đàn em nào của Hollande sống ở Seine St Denis đêm nào cũng có xe bị đốt không.
Không còn bênh vực quyền lợi của dân lao động, các ông Xã Hội cả 2 bên ráo riết bênh vực mọi thiểu số, như đồng tình luyến ái, gays, phá thai, chuyển giới transgenders. Và dân nhập cư lậu dù họ là đầu mối cho ma túy và băng đảng. Quyền lợi an ninh dân nghèo cố ý bỏ quên. Vì Tả phái hai bên muốn một tôn giáo mới thay thế tôn giáo cũ, cũng như Cộng Sản, tôn giáo mới Thượng Đế là Chính Phủ tả phái, mọi tư tưởng hành động nhân dân do lệnh Chính Phủ mà ra. Việc đầu tiên là triệt hạ Truyền Thống cũ, gia đình cũ.
Ông Obama dân Chicago có bao giờ gặp dân nghèo Chicago. Ông gặp nhà giầu nhất nứớc Mỹ, Hollywood, tỷ phú Wall Street , Thung Lũng Silicon , Minh tinh màn bạc.
Tên là Xã Hội nhưng cả hai bên không gần gũi nhân dân, mất dần liên lạc. Chính Hillary lúc tranh cử, bà thú thật không hiểu nhân dân nghĩ sao. Những buổi họp mặt Rallye dân chúng là do Đảng Dân Chủ địa phương gọi đảng viên tới vài trăm người.
Trái lại với Trump, mỗi lần gặp cử tri là 20.000 hay 30.000 sôi nổi đến sắp hàng từ sáng sớm. Vì Trump lâu lâu lái xe excavator khổng lồ đi làm cùng thợ, con cái ngồi cạnh nên cả gia đình biết rõ tâm lý thợ thuyền lao động. Vì thế ngày bầu cử thợ thuyền lao động bỏ Dân Chủ bầu cho ông, Họ trả thù bọn Thượng lưu trí thức đã coi rẻ họ từ bao nhiêu năm. Cho tới nay Thượng lưu trí thức vẫn không hiểu làm sao nhân dân Mỹ Pháp đã bỏ rơi 2 Đảng cầm quyền phũ phàng đến thế. Họ xa nhân dân lao động từ lâu, làm sao họ biết được.
Cả hai nước giới trẻ khó khăn kiếm được việc làm. Tại Pháp họ phải sang ngọai quốc kiếm việc từ hai thập niên nay. Càng bằng cấp cao càng ra ngoại quốc. Trước kia những giới trẻ tài ba nhất như Ông Macron, Trung Học nổi tiếng Stanislas, Henri IV , trường nổi tiếng như Bách khoa rồi Inspection generale des finances. Đại Ngân hàng như Rosthchild hay Societe Generale rôi Công Chức cao cấp. rồi PDG một Đại Công Ty Quốc Doanh như Total. Nhưng khi có hầm Pas de Calais năm 94 dưới thời Tổng Thống Chirac, dân trẻ tài ba không dại gì mà mất công bên Pháp. Tài năng họ được chiếu cố hơn nhiều tại ngoại quốc, Họ được hoan nghênh và đối xử xứng đáng hơn tại New York, Silicon Valley, Đức và nhất là Luân Đôn.
Họ nhanh chóng giầu có, triệu phú, hoạt động trong lãnh vực tài chánh, hedge-funds, investment bankers, hay làm chủ xí nghiệp nhỏ trù phú, không còn bị những núi luật lệ gò bó lãnh vực tư như ở Pháp. Tha hồ làm việc quá hạn định 35 giờ một tuần của ngài Jospin, quá 35 tiếng là có thể vào tù. Họ làm giầu cho bản thân và nước Anh. Mua nhà ở South Kensington, cho con học những trường tư thục đắt tiền, cuối tuần trở về Pháp bằng xe hỏa cao tốc, về nhà mua bên Pháp để nghỉ mát.
Không phải chỉ có họ mà thôi. Nhiều xí nghiệp Pháp rời đô sang anh Quốc để tránh nhũng nhiễu.
Mới đây Đài TF 1 phỏng vấn một chủ xí nghiệp, bà Karine Charbonier. xí nghiệp ở Armentieres. Bà ưu ái với nhân viên, làm một căng tin cho họ ăn trưa. Căng tin đẹp, bà hãnh diện và nhân viên vui vẻ. Nhưng ông công chức Phòng Lao Động tới nói chuyện với vài ông gíúp việc tạm thời hôm sau bà bị gọi ra hạch tội sở Cảnh Sát. Hai vợ chồng bà Karine cấp tốc mang xí nghiệp sang Anh Quôc “chúng tôi không thể di chuyển núi đá mãi được“.
Ở Luân Đôn có 250.000 người Pháp làm việc. Họ là những người Pháp bằng cấp nhất và tài giỏi nhất. Tất cả, bầu cho Macron. Có lẽ hơi mặc cảm, họ bỏ nước Pháp , Macron ở lại. Macron còn yêu nứớc Pháp, nhưng họ không còn hy vọng gì ở Pháp.
Khống Long và sình lầy Pháp phí phạm bao nhiêu nhân tài và chất xám, 2 đảng cầm quyền Pháp xập tiệm kỳ bầu cử vừa qua là đúng quá. Tại sao Anh Quốc không khôn ngoan đón nhận nhân tài ?
Trong những thập niên 70 cách đây 35 năm Anh Quốc là người bịnh hoạn Châu Âu. Thiên đường Chủ nghĩa Xã hội, từ nôi đến mồ. Mọi xí nghiệp đều quốc hữu hóa có nghĩa là trong tay Nghiệp Đoàn. Thủ Tướng Heath rất sợ Jack Jones, Nghiệp Đoàn Vận Tải, ra lệnh bãi công là cả nước đi bộ đi làm không có xe hõa, không có xe buýt. Arthur Scargyll Nghiệp Đoàn than làm nhân dân Anh co rét khi mùa đông. Thuế thu nhập lên tới 83% vì xí nghiệp quốc doanh lỗ vốn. Năm 1978 Anh Quốc phải vay IMF 3.9 tỷ đô la như một nước chậm tiến. Không ai muốn làm Thủ tướng thay ông Heath, phải kêu gọi bà Thatcher.
Phải mất 10 năm bà Thatcher mới thay đổi được thế cờ, hạ được khổng long Nghiệp Đoàn, thay thế xí nghiệp quốc doanh bằng xí nghiệp tư hay hợp doanh.
Nước Đức hiện nay là đầu tầu Châu Âu, giầu và mạnh. Cách đây 20 năm Đức quốc cũng là người bệnh họan Châu Âu. Công nhân lãnh lương đi nghỉ hè 2 tháng. Ủy ban Công Nhân thực tế làm chủ xí nghiệp và cũng như tại Pháp hiện nay, không cách nào sa thải một công nhân dù ông ấy ăn cắp xí nghiệp. Không ai chịu đi làm, tiền trợ cấp thất nghiệp quá cao.
Gehard Schroeder, lãnh đạo tả phái SPD và Thủ Tướng Đức thấy không thể chấp nhận được , ông muốn cứu nước ông. Chương trình ông, Lịch trình 2000, một chuỗi cải cách Thị Trường Lao Động và Luật Lệ Katz thay đổi hoàn toàn nước Đức. Katz IV không cho phép những phúc lợi xã hội trước kia quá cao. Nay dân thất nghiệp lâu dài hưởng một trợ cấp tối thiểu, Chính Phủ chỉ trả tiền thuê nhà và tiền sưởi, Phản kháng trên đường phố khắp nơi nhưng thất nghiệp từ 6 triệu xuống còn 3. Schroeder tuyên bố “ Không có đặc quyền gì cho làm biếng”. Những Ủy Ban Công Nhân nay ngồi trong phòng Giám Đốc, nếu xí nghiệp không lời là tất cả, Giám Đốc, Ủy ban Công Nhân bị sa thải.
Và Công Nghiệp Đức từ đó lên như diều. Nhưng Nghiệp Đoàn không bao giờ tha thứ Schroeder. Ông bị thất cử, bà Angela Merkel tới và thừa hưởng mọi tốt lành cho tới ngày nay.
Nước Pháp tuyệt vọng tìm kiếm một Thatcher hay một Shroeder từ 4 thập niên nay. Dân Pháp biết không hy vọng gì vào giới thượng lưu cai trị họ từ 40, 50 năm. Không phải từ hàng ngũ họ mà ra một nhân vật Cải Cách và Thay Đổi. Họ không muốn Cải Cách gì nước Pháp sình lầy vì họ sống trong sình lầy. Họ là những khổng long tác yêu tác quái tuy mồm mép đầy những dân chủ tự do.
Hữu phái Pháp từ ngày Liên Xô xụp đổ, mất nhãn hiệu chống cộng nên phân tán,chia rẽ, yếu kém. Tả Phái Pháp cũng như tả phái khác không biết cai trị và không muốn cai trị. Macron phê bình ông thầy cũ Hollande, “Cuba không mặt trời”.
Không hy vọng gì vào Le Pen , Le Pen có bao giờ đề xuất một kế hoạch kinh tế nào đâu. Le Pen chỉ mạnh về chủ quyền, giá trị văn minh Pháp bị nhập cư pha loãng. Nhưng dân Pháp hình như đã đành lòng chịu nhượng bộ một số ven đô cho Hồi Giáo vì thế Le Pen thua Macron thậm tệ kỳ bầu vừa qua.
Những ông Sarkozy, Chirac, Mitterrand, Hollande là những khổng long không muốn Cải Cách gì nước Pháp sình lầy từ 40 năm nay. Họ muốn sình lày , họ không muốn thay đổi, họ sống đế vương. Không muốn thay đổi vì không dám hay không muốn. Muốn thoát nước cho khô cạn phải người ngoại thủy, outsider, không sợ làm phiền khá nhiều khổng long. Như Trump hay Macron.
Với Macron có một tia hy vọng. Macron liệu có bền bỉ, lỳ lợm, tài ba vật ngã Nghiệp Đoản như Thatcher, hay can trường mưu mô gấm nhậm dần dần quyền lợi thái quá thành phần làm biếng trong xã hội như Schroeder ? Và cuộc chiến đã bắt đầu. Chính Phủ Philippe ngay ngày đầu mang ra Luật Lao Động Code du Travail, nói trước không thể có quyền Công Ăn Việc Làm. Anh muốn công ăn việc làm là anh đi kiếm lấy, không phải Chính Phủ. Nghiệp Đoàn dữ nhất CGT phản kháng kịch liệt.
Trong lúc đó cuộc chiến quyết liệt tại Hoa Kỳ giưã Donald Trump và khổng long tại Washington vẫn tiếp diễn từ 6 tháng nay. Người ta nói Washington nay có một người hành tinh ,“alien” ,và làm sao mà đuổi nhân vật xa lạ này đi. Nhiều người phát khùng mất ăn mất ngủ. Vì lần đầu tiên Donald Trump bênh vực cử tri và người dân Mỹ đóng thuế, và thế hệ mai sau đóng thuế. Lần đầu tiên, lời nói đi đôi với việc làm, trước kia nhiều vị nói như vậy nhưng lần này thì khác hẳn.
Trump nói và bắt đầu làm rồi, chống quyền hành quá rộng lớn Chính Phủ Liên Bang, núi nợ công 21 trillions, riêng phần Obama là một nửa, những hố thiếu hụt ngân quỹ. Khi tranh cử ông đã nói quyết không thể bắt con cháu sau này gánh chịu.
Mọi người kinh hoàng vì ngay cả kẻ thù ông cũng nói ông hứa là làm và làm được. Khổng long rống lên đầu tiên là Báo Chí Medias vì Medias kiểm soát Đảng Dân Chủ từ thời Watergate. Mỗi ngày mỗi đêm Washington Post, New York Times nghĩ ra một Bê Bối Trump, Trump Scandal, dù mấy ngày sau công nhận là không đúng. Hôm nay Bê bối James Comey, mai Mike Flyn, rồi Nga Putin, hay nói dối. Rồi tin tức dò dỉ từ đâu không biết.
Vì Medias cảm thấy mất quyền lợi vô cùng to lớn. Ngân quỹ Liên Bang là 3.9 trillions, 3 ngàn chín trăm tỷ, ngân quỹ nước Pháp chỉ 110 tỷ. Tất cả ông bà sống tại Washington đều lo sợ hết vía. Ông bà Công Chức Liên Bang ,Trump nói sẽ giảm hết, chỉ trừ có quân đội là tăng. Giảm công chức là giảm nghiệp đoàn, giảm nhửng ông triệu phú lobbyists chuyên môn trung gian giưã những ông phát ngân quỹ, Quốc Hội, và những ông lãnh tiền, Công ty tư nhân. Bớt khách hàng cho những hotel, tiệm ăn , hotel và tiệm ăn bao giờ cũng đầy nhóc, vì xí nghiệp nào, từ ông Apple, Microsoft tới Anh điện tử mới ra lò Silicon Valley, ông nào cũng sống chết mới cho được mấy tỷ mấy triệu hợp đồng từ đống vàng 3900 tỷ kia.
Và những ông nhà báo nữa, các ông sống về tiền Liên Bang Tiểu Bang gián tiếp hay trực tiếp, các ông có sống vì tiền mua báo đâu. Độc giả càng ngày càng ít đi.
Các ông Academics Đại Học tăng tiền Tuition bắt Sinh viên trả vô tội vạ và tiền Liên Bang viện trợ tăng đều. Hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa nhắm mắt để các ông tăng tiền Tuition từ 10.000 20.000 đến 40.000 một năm. Trump không tha các ông đâu. Không để các ông bắt con cháu chúng tôi học xong 4 năm trả nợ các ông cả đời.
Tất cả lobbyists đều là cựu dân biểu Thượng nghị sỹ cả hai đảng ông nào cũng triệu phú. Nay Trump muốn làm một đạo luật, sau khi nhân viên quốc hội thất cử phải đợi 5 năm mới được làm lobbyist. Cả hai đảng đều không thể thương nổi tổng thống mới.
Người ta gọi những người sống vì Ngân Quỹ khổng lồ Liên Bang những ngưởi Beltway. Vì họ ở những tỉnh nhỏ xung quanh xa lộ 495, những tỉnh giầu có nhất nước Mỹ chỉ thua có Manhattan. Tỉnh Potomac có những nhà 30 buồng có bể ̉ bơi, tennis và chuồng nuôi ngựa. Hàng chục nhân viên quyét dọn hàng ngày tình trạng bóng lộn. Nhưng Chủ nhân chỉ một năm tới hai ba lần, để tiếp đón ân cần dân biểu thượng nghị sỹ thanh thế, các Bộ trưởng Thứ trưởng. Chủ nhân là những CEO Silicon Valley, Wall Street, CEO dầu hỏa Texas Louisiana hay Hollywood.
Người hành tinh là phải, Trump có cần tiền họ đâu. Trump có tựa vào Đảng Cộng Hòa đâu. Đảng Cộng Hoà dựa vào Trump , không có Trump sao dân biểu Thượng Nghị sĩ Cộng Hòa thắng nổi kỳ tháng 11 2016. Trump chỉ có chỗ dựa duy nhất là cử tri.
Dù ít tiền ngân quỹ nhưng cũng còn khối tiền moi móc. Các nhà Tỷ phú vẫn tiếp tục tới Beltway. Vì Washington không phải chỉ là nơi moi tiền. Cũng là nơi Chính Phủ moi tiền các Đại gia. Sở Thuế vụ IRS là con ma ai cũng sợ. Warren Buffet người giầu thứ nhì nước Mỹ, ủng hộ Obama triệt để, đi đâu cũng nói đánh thuế thêm tôi đi ông Obama ơi. Nhưng Obama biết rõ ông nợ IRS một tỷ. Nếu ông không thân Obama, đóng tiền cho Dân Chủ, làm sao IRS tha ông được.
Khổng Long Washington ghét Trump độc điạ và sợ Trump hết vía. Chỉ vì một lý do dễ hiểu, họ mất tiền, có khi mất hết. Nhà` báo mất việc vì tiên đoán lầm Hillary đại thắng. Nhà Lobbyits dân chủ mất việc vì Đảng Dân Chủ mất ghế Chủ tịch Ủy ban tài chánh. Những ông điều tra dư luận polls mất việc vì tiên đoán Hillary thắng với 5 hay 10 điểm. Các ông cố vấn tranh cử cũng xập tiệm vì thế.
Họ lầm to vì họ coi thường dân Mỹ quá đi, nay cũng như Hillary họ lên TV tối ngày Russia Putin, Russia Putin. Vì chỉ còn có thế thôi, không còn gì nữa.
Nhưng Trump thắng. Thị trường Chứng Khoán biết, từ 6 tháng nay tăng từ 17.000 tới 21.000, 3 trillions thêm cho Thị Trường. 600.000 công ăn việc làm thêm, việc làm tốt không phải tạm thởi hay bán thời gian như thời Obama. Việc làm chế tạo manufacturing jobs tăng lên 10%, thời Obama chỉ xuống.
Từ đầu năm nay Đảng Cộng Hoà thắng 4 cuộc bầu cử, tuy Dân Chủ đổ tiền hàng chục triệu để chứng tỏ Trump mất cử tri. Lần nào cũng là hài kịch, Dân Chủ dẫn đầu, 10%, dẫn đầu 5%, Cộng Hòa thắng 5%. Lại mấy ông nhà báo mất việc.
Nam Minh Bach Virginia June 2017
Bs Dương Hồng Mô


Khi chính trị pha lẫn với tức giận

Tác giả: Steve Coll
Dịch giả: Nguyễn Minh Tâm

Tháng Sáu năm 1968, sau vụ ám sát Mục Sư Martin Luther King Jr. Và Thượng Nghị Sị Robert F. Kennedy, Tổng thống Lyndon Johnson lập ra một Ủy Ban Quốc Gia Ngăn Ngừa Bạo Động, gọi là National Commission on the Causes and Prevention. Một ủy ban đặc nhiệm cũng được thành lập gồm giới khoa bảng, để nghiên cứu tường tận việc giết chết, âm mưu ám sát, và tấn công 81 vị dân cử trong ngành lập pháp ở tiểu bang, dân biểu, nghị sĩ, thống đốc và Tổng thống trở ngược lại từ năm 1835. Kết quả tìm thấy là một mớ hỗn độn gồm nhiều nguyên nhân khác biệt: Phần lớn những vụ bạo động xảy ra vì kẻ giết người bị rối loạn tâm thần, là kẻ cực đoan, là bọn khủng bố, hay có những oán hận mang tính chất chính trị. Riêng có một trường hợp xảy ra năm 1890, xảy ra khi một nhà báo bắn chết một dân biểu vì ông dân biểu sách nhiễu ông nhà báo. Nói chung thì những vụ tấn công chính trị gia thường gia tăng khi có sự bất ổn về xã hội, ví dụ như thời kỳ Tái Thiết Quốc Gia (sau cuộc Nội chiến).
Tuần trước, James Hodgkinson, 66 tuổi, vừa bầy tỏ sự tức giận của đương sự đối với Tổng thống Trump và Đảng Cộng Hòa, khiến tên tuổi của y bị ghi vào hồ sơ đen. Hodgkinson quyết định nổ súng bắn khi các vị dân biểu Cộng Hòa đang tập dượt chơi bóng chầy ở Alexandria, Virginia. Vụ tấn công này thật là kinh hoàng, giống như những vụ giết người hàng loạt trước đây.(Theo tài liệu của báo Times, mỗi ngày ở Hoa Kỳ đều xảy ra những vụ bắn nhau, trong đó ít nhất là có bốn người bị giết hay bị thương.) Vụ tấn công kỳ này làm cho Dân Biểu Steve Scale bị trọng thương, và bốn người khác bị thương. Đây là vụ bắn giết nhắm vào các vị dân cử ở quốc hội kinh khủng nhất kể từ năm 1954 cho đến nay. Hồi năm đó, có một người dân gốc Puerto Rico đã xông vào khu dành cho du khách đến Tòa Nhà Quốc Hội, xả súng bắn vào các nhà lập pháp, khiến cho 5 vị Dân biểu bị thương.
Ngay sau vụ tấn công tuần vừa qua, các nhà lãnh đạo thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ cùng lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết. Bà Dân Biểu Gabby Gifford, cựu Dân Biểu ở Arizona bị bắn trọng thương ở Tucson hồi năm 2011, lên tiếng nói: “Chúng ta cần phải đoàn kết.”. Tổng thống Trump đứng ở Bạch Cung nói với dân chúng: “Chúng ta có thể có những dị biệt, nhưng chúng ta vẫn làm việc được với nhau, trong những giai đoạn khó khăn như thế này, mọi người cần phải nhớ rằng, tất cả những người đến thủ đô làm việc đều vì yêu quê hương đất nước này.”.
Lời tuyên bố của tổng thống được mọi người khen ngợi vì tính chất hòa hoãn, và chính trực của nó. Nhưng rồi, qua đến ngày hôm sau, ông Trump lại quanh trở về thái độ chọc giận cố hữu của ông. Ông nhắc lại những lời tố cáo ông trước đây. Ông viết trên Tweet rằng cơ quan FBI và cuộc điều tra của quốc hội về việc tranh cử và Chính phủ của ông chỉ là chuyện bới lông tìm viết, một loại witch hunt lớn nhất trong lịch sử chính trị của Mỹ. Về điểm này, chúng ta không cần phải bàn thêm về thái độ bất lịch sự của ông Trump. Ông ấy tin rằng cứ lớn tiếng sỉ nhục, mắng mỏ những kẻ chống ông thì uy tín của ông sẽ tăng lên. Và ông chẳng màng đếm xỉa gì đến sự kính trọng dành cho thái độ thanh liêm, chính trực của các vị biện lý, thẩm phán, sĩ quan tình báo, và thậm chí ngay cả ủy viên trong nội các của ông. Trong lịch sử chưa bao giờ có ông Tổng thống nào đem thành viên Nội Các ra làm trò hề như ông Trump: Hôm thứ Ba, ông mời mọi người đem máy ảnh đến chụp hình cảnh nội các khen ngợi, và cám ơn ông.
Ngoài ra, ông Tổng thống còn dùng Twitter để tố cáo rằng cuộc điều tra về ông “do những kẻ xấu xa, tâm địa xấu thực hiện.”. Rõ ràng là ông đang muốn lên tiếng huy động những người ủng hộ ông để chuẩn bị “phản đối” ông Robert Mueller, người được Bộ Tư Pháp bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt thực hiện cuộc điều tra. Những người theo phe ông Trump đưa ra lập luận bảo rằng nhiều người trong nhóm của ông Mueller là người của Dân Chủ. Sở dĩ có cuộc điều tra này là vì có bằng chứng cho thấy có sự thông đồng giữa Nga và nhân viên trong ban tranh cử của ông Trump. Tuần trước, nhật báo Washington Post cho biết ông Mueller sẽ cho mở rộng công việc của toán điều tra, để điều tra thêm việc cản trở công lý của Tổng thống khi ông tìm cách can thiệp vào cuộc điều tra của FBI. Ông Mueller cũng dự tính sẽ xem xét thêm về việc kinh doanh của cậu con rể Jared Kushner. Hôm thứ Sáu, ông Trump viết trên Twitter chỉ trích thẳng ông Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Rod Rosenstein. Ông này là một công tố viên chuyên nghiệp, uy tín, và chính ông đề nghị chọn ông Robert Mueller làm Công Tố Viên Đặc Biệt. Nếu ông Trump muốn cách chức ông Mueller, phải được sự cho phép của ông Rosenstein, hay phải cách chức ông này.
Trong cuốn biên niên sử về các cuộc điều tra ở Hoa Thịnh Đốn, người ta thấy rằng chính ông Tổng thống là người làm cho tình hình trở nên nguy hiểm thêm cho ông, và làm cho vấn đề càng thêm rối rắm. Thông thường khi guồng máy điều tra ở thủ đô đang ở giai đoạn chuẩn bị, hình thành thì ông Tổng thống nên giữ thái độ yên lặng, chỉ nên nhờ luật sư, hay phụ tá đứng ra nói giúp. Nhưng ông Trump lại khoái nói nhiều, và đó là cách xử thế duy nhất của ông.Từ lời khai của cựu giám đốc FBI James Comey trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, người ta thấy rõ rằng Tổng thống đã có cuộc nói chuyện không chính đáng với ông Giám đốc. Khi được ký giả Lester Holt của đài NBC phỏng vấn, Tổng thống lại nói rằng ông sa thải giám đốc Comey vì ông này đòi mở cuộc điều tra của FBI vào việc tranh cử của ông.Từ đó, vấn đề cản trở công lý nảy sinh, ông Trump đã vô tình thừa nhận điều này.
Khi những sự việc trên được phanh phui, cho thấy rằng tình hình chính trị đất nước đang ở giai đoạn mong manh, giống như thời kỳ xảy ra vụ Watergate. Tuần trước, kết quả thăm dò dư luận do hãng thông tấn AP thực hiện cho thấy gần hai phần ba dân chúng Mỹ không đồng ý với việc làm của ông Trump, và cùng một tỉ lệ hai phần ba đó cho rằng Tổng thống Trump chẳng dành một chút mảy may kính trọng nào cho các định chế dân chủ.
Thượng viện do Cộng Hòa chiếm đa số đang chuẩn bị, trong vòng bí mật, luật bảo hiểm y tế mới, trong đó hàng triệu người Mỹ sẽ bị mất bảo hiểm. Đảng Dân chủ thì đang ở tình trạng chia rẽ, chưa có một chuẩn mực rõ ràng. Tuy nhiên cử tri đảng Dân chủ tương đối đoàn kết vững chắc. Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Virginia tuần trước, số cử tri thuộc đảng Dân chủ tăng gần gấp đôi. Hiện nay có thể nói rằng trong cả hai đảng đều thiếu vắng một người lãnh đạo nổi tiếng, được lòng cử tri, và hai đảng cùng phải đối phó với một cử tri đoàn hết sức tạp lục.
Có lẽ rồi đây những khúc mắc, trở ngại trên sẽ được đặt ra trong các kỳ bầu cử, và giải quyết bằng những phương tiện luật pháp, cũng như hiến pháp. Hiến Pháp hiện vẫn còn có vẻ vững chắc, và hữu hiệu: các vị biện lý công tố, và quan chức của FBI tỏ ra cứng rắn trong việc bảo vệ tính độc lập của họ. Các vị thẩm phán do Tổng thống của hai đảng bổ nhiệm đã can đảm ngăn chặn sắc lệnh của Chính phủ về ngăn cấm du lịch vì mang tính chất kỳ thị. Hàng ngũ báo chí, ký giả hùng hậu ở Hoa Thịnh Đốn vẫn tiếp tục cung cấp tin tức về hoạt động của Chính quyền cho dân chúng hiểu rõ.
Nhưng dù sao đi nữa, tình hình hiện nay mang sắc thái của một mùa sinh hoạt chính trị với sự hận thù và tức giận, không êm ả. Theo phúc trình của tổ chức Anti-Defamation League- Liên Đoàn Chống Tệ Nạn Bôi Nhọ- thì những tội phạm chống đối vì lý do sắc tộc, tôn giáo tăng hơn một phần ba so với năm 2016, tăng nhiều nhất là thời kỳ đầu năm nay. Tổ chức Council on American-Islamic Relation – Hội Đồng Hồi Giáo Mỹ- báo cáo rằng những vụ tấn công nhắm vào người Hồi giáo tăng 50% so với năm ngoái. Một phúc trình nghiên cứu của trường đại học California State University cho biết số tội phạm thù hận- hate crime- ở 9 khu đô thị tăng hơn 20% so với năm ngoái.
Hồi đầu tháng này, gần một trường tiểu học có đa số học sinh Da Đen tại khu Hillcrest ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, cảnh sát tìm thấy một sợi dây thòng lọng dùng để treo cổ được treo trên trần nhà, tại một địa điểm có công trình xây cất dở dang. Không biết ai đã treo sợi dây thòng lọng này lên, và chưa có ai bị bắt giữ về hành vi này.

Bài tường thuật của Steve Coll trên THE NEW YORKER ngày 26/6/2017
Nguyễn Minh Tâm dịch

 

Đăng ngày 04 tháng 07.2017