Những người đẹp đầu bạc

Nguyễn thị Cỏ May

" Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da "
   (Nguyễn Du, Kiều)

"Nét mày ngài, cười như hoa mới nở,
Tóc bồng bềnh, đen óng ả, làn da..." (?)

Xưa nay, tóc đen óng mượt là nét đẹp của người phụ nữ phương Đông. Mái tóc óng ả còn bìểu hiện sự khỏe mạnh của người chủ mái tóc.
Kông ai sợ già bằng các bà. Khi thấy có tóc bạc là đi nhuộm ngay. Để kịp dấu đi những bước chơn thời gian. Nhuộm tóc có hơn 40 màu để chọn lựa theo sở thích. Nhưng với gương mặt Việt nam mà mang bộ tóc vàng hoặc đỏ thì đẹp đâu không thấy mà chỉ thấy "chẳng giống ai" hết cả. Ma cũng lắc đầu, quỉ cũng thè lưỡi ngao ngán!
Nhuộm tóc là thời trang của Tây phương nên người phụ nữ Tây phương nhuộm tóc đỏ, đen... trông có khi tăng nhan sắc chớ không thảm hại như phụ nữ Á đông. Thế mà ngày nay có một phong trào nho nhỏ phụ nữ Pháp đua nhau ngưng nhuộm tóc, dưỡng tóc với màu bạc tự nhiên. Và họ lại hài lòng mái tóc bạc. Cho rằng đẹp tự nhiên. Phù hợp với tuổi tác của họ.

Một đêm, sáng ra bạc đầu
Khi nói tuổi còn trẻ mà đầu bạc, người ta thường nhắc tới một giai thoại xưa. Đời chiến quốc có Ngũ Tử Tư bị vua nước Sở truy đuổi, sau khi đã giết cha và em của ông làm cho ông lo sợ thái quá nên sau một đêm, sáng ra đầu bạc trắng. Và nhờ nhơn dạng thay đổi mà Tử Tư trốn thoát đưọc Sở vương an toàn.
Sự thật có đúng chỉ qua một đêm mà đầu bạc trắng hay không? Theo lý giải khoa học thì phải cần vài đêm tuy qua môt biến cố nghiêm trọng, người ta có thể già đi rất nhiều, tóc bạc trắng, hoặc sói đầu, nhin qua khó nhận ra.
Tóc bạc thường do nhiều nguyên nhơn. Do di truyền, bịnh hoạn, tâm lý bị chấn động. Nên có câu "Nghĩ mọc râu, sầu bạc tóc".
Trong chuyện lịch sử và văn chương cũng có nhiều truyện bạc đầu chỉ trong một đêm.
Năm 83 trước công nguyên, có một chàng trai 17 tuổi được bầu làm Thủ lãnh một cộng đồng Do thái. Anh chàng lo lắng trách nhiệm quá nặng nề, chỉ một đêm, sáng ra, tóc chàng bạc trắng, người già hẳn đi, không còn là một cậu thanh niên nữa.
Ở Pháp thời Cách mạng, chủ nhơn Điện Versailles ở ngoại ô Tây-Nam, cách Paris chừng 20 km, Hoàng hậu Marie-Antoinette có những lọn tóc vàng óng ả tuyệt đẹp, qua một đêm, biến thành màu trắng ma quái vì quá lo sợ sáng ra bà sẽ bước lên đoạn đầu đài.
Trong lịch sử Ấn độ, Hoàng đế Shah Jahan cũng trong một đêm bạc tóc vì đau khổ vợ chết. Nhà vua bèn cho xây đền thờ nguy nga Taj Mahal đẻ tưởng niệm bà.
Về ngôi đền này, có một câu chuyện lìên quan tới Việt nam khá lý thú. Tháng 6/1946, Tướng Salan (Pháp) cùng Hồ Chí Minh, trên đướng qua Paris, dừng chơn ở Ấn độ. Trong lúc thăm viếng xứ Ấn độ, Tướng Salan chỉ Hồ Chí Minh xem nét đẹp của ngôi đền Taj Maha . Hồ chí Minh đồng ý đẹp "Tôi bị nét đẹp hấp dẫn thật đấy. Nhưng tôi muốn đừng bảo tôi xem những thứ này nữa. Chúng tôi phải bắt đầu từ mảnh đất trống, sạch trơn. Chính từ mảnh đất như vậy chúng tôi làm nổi bật cái tinh ròng cúa cách mạng của chúng tôi sau khi đã thanh toán sạch quá khứ " (Salan, Mémores, t 1, p. 386, Paris) .
Quả thật, sau 1954, Miền Bắc sạch trơn khi Hồ Chí Minh về Hà nội. Và Miền Nam, sau 30/04/75, cũng sạch, cả ông lò, ông táo cũng lần lượt ra nằm lề đường. Cho tới ngày nay, đất nước, biển cả, sông ngòi cũng sẽ mất sạch để thể hiện lý tưởng Hồ chí Minh!

Những người đẹp đầu bạc ngày nay
Cách đây chừng mươi năm, nếu có bà nào nào trông kha khá, tức không phải thuộc thành phần thật sự "bần cố nông" lắm mà có mái tóc bạc, tuy săn sóc cẩn thận, cũng không khỏi bị cho là thứ "không giống ai". Như bị "mát giây" hay lập dị cho khác đời. Thời gian đã thay đổi, không ai ngờ. Ngày nay, bắt gặp phụ nữ với mái tóc bạc trắng óng ả, trên đường phố hay ở nhà bạn, không còn là chuyện bất ngờ nữa. Không riêng chỉ ở Pháp là xứ của thời trang mà ngay cả ở Mỹ cũng đang nở rộ cùng phong trào "những người đẹp đầu bạc". Họ khá đông đảo và hào hứng. Đó là phong trào "Going Gray Movement". Một thứ phong trào giải phóng tóc bạc, ra đời năm 2007 do ảnh hưởng quyển sách best-seller của ký giả Anne Kreamer (Going Gray : How to Embrace Your Authentic Self witch Grace and Style . Ed. Little, Brown and Company) .
Những người đẹp đầu bạc tự hào với mái tóc trắng của mình. Họ trao đổi với nhau ảnh trước kia và ảnh ngày nay. Họ chỉ ghét giai đoạn tóc chưa bạc hết, còn ít tóc đen. Không ai ưa mái tóc hoa răm hay muối tiêu hết cả.
Tự hào vì ngày nay, các bà không còn như trước kia nữa. Không còn vâng theo lời thợ hớt tóc hướng dÂ4n phải làm theo kiều này, kiểu nọ, màu này đẹp hơn màu kia. Mà chính các bà quyết định cho chính mình.
Các bà không nhuộm tóc như trước nữa, mà để nó bạc tự nhiên theo thời gian, theo tuổi tác. Có người nói đùa đây đúng là những "nhà cách mạng thời trang Pháp". Một nữ ký giả đã viết một quyển truyện (Une Apparition, Ed. Robert Lafont, Paris), mô tả tỷ mỉ con đường dài từ những ngày từ chối nhuộm tóc, tiếp tục nhuộm tóc như thường lệ, tới mái tóc thật sự nhuộm màu tự nhiên, màu bạc trắng, dưới những cái nhìn lộ vẻ phê phán gay gắt của những người thường gặp nhưng không quen. Và chính bà cũng nhìn ngắm mái tóc của mình, với những cảm giác mới mẻ. Có khi không tránh khỏi cảm thấy xa lạ với chính mình. Vì để mái tóc của mình trở về với chính mình, theo tuổi đời của mình, đã làm thay đổi bà sâu xa. Về nhơn dạng và cả bên trong người nữa.
Giống như những người da đen đưa ra khẩu hiệu "Black Is Beautìful" dựng lên phong trào đề cao vẻ đẹp tự nhiên của họ. Thì ta cũng phải hô hào "Giải phóng mái tóc bạc" chớ!
Mái tóc bạc hoàn toàn không gợi ở các bà ý nghĩ về tuổi già, không phù hợp sự trang điểm sắc diện phụ nữ mà trái lại, đem lại cho các bà sự thú vị khi nhìn mái đầu bạc như một vùng ánh sáng, như bức tường sơn vôi trắng ở Hy lạp, như phiến cẩm thạch, như màu phấn trắng trên bảng đen, như màu sửa, rực rỡ như cái hôn say đắm, như một triền dốc phủ tuyết...
Nay hết rồi cái thời chiếc mũ đen của tiệm uốn tóc trùm đầu mà người thân cũng không nhìn ra mình là ai. Để tóc bạc tự nhiên theo thời gian, các bà muốn gặp lại "con người mới "ở các bà. Gặp lại chính mình. Mà cũng để bìết từ khước ý muốn làm người trẻ mãi không già hoặc phải tôn trọng những cái hẹn như một thứ "nô lệ xã hội". Một ý muốn không thật mà trước đây vẫn chạy theo . Để tóc bạc là một cuộc hành trình nhận diện mình là ai. Điều này dĩ nhiên sẽ vượt qua hiện tượng thời trang thông thường.
Trong số các bà chọn quyết định để tóc bạc có nhiều bà hứa với nhau là không bao giờ để cho dao kéo chạm tới thân thể vì hiển nhiên trước mắt những người nhờ giải phẩu thẩm mỹ đề đến một lúc nào đó, nhan sắc bị tàn phá thảm khốc, cuộc chạy đua đầy ảo tưởng với thời gian vẫn thất bại. Vậy chọn sự thật già mà đẹp không hay hơn sao?
Nhưng ở đời vẫn không thiếu những cái nhìn soi bói tại sao lại có những người dám không nhuộm tóc? Các bà mà! Có các bà là có chuyện! Muôn thuở vẫn là thế. Không bao giờ các bà chịu bằng lòng. Cả với chính mình.
Có người chưa tới 40 tự nhiên xuất hiện ở phía trước một chùm tóc bạc. Dĩ nhiên người phụ nữ ấy phải tới tiệm uốn tóc nhờ nhuộm cho. Tóc trở lại một màu đen thuần nhứt làm cho bà ấy hài lòng.
Hè tới, những mái tóc nhuộm sẽ bị ánh nắng làm cho tóc đổi ra màu cam. Xuống hồ bơi, chlore trong nước, xuống biển, muối, đều ảnh hưởng xấu tới tóc nhuộm. Sau cùng, người phụ nữ trẻ này đành chấp nhận để mái tóc trở lại tự nhiên. Mặc cho những lời phê bình gay gắt của bạn bè.
Nữ ký giả chuyên về nữ quyền, bà Monet Chollet, lại chọn để tóc bạc tự nhiên theo tuổi tác. Bà hỏi "Tại sao phải nuôi ảo tưởng thời gian ngừng lại? Ai thật sự không nhìn thấy thời gian qua? Hiện nay, với mái đầu bạc, tôi cảm thấy mình nảy nở, thoải mái, hạnh phúc hơn hồi 20 tuổi. Tại sao tôi phải dấu diếm sự chìến thắng, sự phong phú của mình?".
Tạo hóa là tuyệt vời khi cho con người màu trắng vì màu trắng làm dịu những đường nét sống sượng. Đừng nghĩ màu trắng chỉ phù hợp với đàn ông hơn là với phụ nữ.

françoise sagan françoise sagan   mireille darc
                        Françoise Sagan                                        Mireille Darc


Có mái đầu bạc là một tin mừng lớn. Là cơ hội để thể nghiệm nhiều điều thú vị và để thay đổi nếp sanh hoạt. Hoặc đời sống. Như trường hợp của bà Catherine Loewe. Cách nay 6 năm, bà vừa làm luật sư ở Genève, vừa sử gia về nghệ thuật, một hôm bà bị một người chuyên đi săn người mẫu chận bà lại trong một cửa hàng. Lúc đầu, bà tưởng con gái của bà là người được để ý như người mẫu. Nhưng sau đó bà mới vở lẽ ra là chính bà mới đúng là người được chiếu cố. Từ đó, nhờ mái tóc bạc của một phụ nữ có 4 con, bà xuất hiện làm người mẫu trên Vogue, trên Vanity Fair và dìễn hành thời trang cho nhà Paul Gaultier hoặc H&M. Mỗi khi bà đi trên đường phố, với chiều cao 1,80m và mái tóc bạc trắng, khó tránh khỏi những cặp mắt nhìn theo đầy ngưỡng mộ.
Nhưng đừng quên, như Giáo sư nhơn chủng học ở Đại học Aix-Marseille, ông Christian Bromberger, nói "Chúng ta hiện sống trong một xã hội được hướng dẫn bởi sự lo sợ tuổi gìà. Phải cần một lìều lượng can đảm mạnh để có thể chế ngự bước đi của thời gian".

Nguyễn thị Cỏ May


Du lịch Âu châu

Marine Vân

(trích)

Đã ở trên nước Pháp nhiều năm, nên xin mạn phép được cho ý kiến về bài viết của vài người đi du lịch Âu Châu. Một vị ở Mỹ đi theo nhóm người Á Đông theo kiểu du lịch rẻ tiền «chọn giá rẻ hơn 1/3 các công ty khác, một tour 15 ngày đi 8 nước». Vị này đi như vậy làm sao có chất lượng nên ông thất vọng là đúng rồi. Nếu muốn hưởng thụ và đi thăm viếng hoàn chỉnh, nên có hướng dẫn viên (guide) kinh nghiệm, biết rành nơi đi chốn ở của những hãng du lịch uy tín, và đi viếng nhiều nhất 2 hay 3 nước là quá sức rồi, vì chẳng hạn ở Paris, đi viếng 1 tuần cũng chưa hết chỗ.
Một người bạn học của tôi, sống ở Melbourne, vừa sang viếng thăm Paris, sau 41 năm chúng tôi gặp lại, cô bạn lúc ở trung học theo sinh ngữ Pháp nên muốn tìm hiểu những gì cô đã học trong sách vở để so với thực tế.
Cô rất thành thật, sau khi viếng Lâu đài Versailles và Nhà Thờ Đức Bà Paris, cô đã nói: không thể tưởng tượng được sự nguy nga, tráng lệ của Lâu đài Versailles, cả khu vườn cũng tuyệt đẹp. Còn Nhà Thờ Đức Bà dù được xây từ năm 1163 nghĩa là hơn 800 năm rồi mà nét uy nghi, thẩm mỹ vẫn còn đó. Thật đáng khâm phục.
Cô chỉ cho ý kiến đặc biệt về 2 nơi nầy và sau đó còn đi tìm xem ngôi nhà của văn hào Victor Hugo, đến công trường Bastille để xem nơi khởi thủy cuộc cách mạng 1789.
Cô bạn cũng chỉ ở Paris vài ngày rồi lên đường sang Tây Ban Nha. Tôi nhận thấy cô có trình độ văn hóa đáng nể trọng. Ngày xưa, cô học Luật và đỗ cử nhân, nhưng theo thiển ý của tôi, văn hóa khác với trí thức. Văn hóa ở trong tầm tay của mọi người, nếu thích thì tìm hiểu, nghiên cứu rồi sẽ có một kiến thức về văn hóa. Còn trí thức thường đi kèm với bằng cấp và đỗ đạt, nhưng một người trí thức chưa hẳn có văn hóa vững chắc.
Dù cô bạn cũng biết là đi viếng ở Paris nên cẩn thận giữ kín cái ví xách, nhưng phải hiểu là nơi nào đông người, phồn hoa đô hội thì chắc chắn có bọn cướp giật lẩn quẩn đến 'làm ăn'. Đó là điểm yếu của Paris, nhưng nếu cẩn thận thì không có xãy ra việc gì đáng tiếc.
Còn những người đến Paris mà chẳng hiểu gì hết, «Tháp Eiffel, một cột sắt đen sì», không thưởng thức được kỹ thuật kiến trúc và cái đẹp của tháp. Vào thời ngọn tháp được dựng lên năm 1887, đó là điểm cao nhất thế giới và cách kiến trúc với thuần những thỏi sắt ráp lại nhau là một sự 'canh tân' (innovation) chưa từng có. Đến nay ngọn tháp Eiffel dù mưa gió bão bùng vẫn tồn tại cùng tuế nguyệt để cả thế giới đến ngắm và ngưỡng mộ. Tháp lại được bắt chước và copie nguyên bản để dựng lên khắp nơi, nhưng không sao so bì được với bản gốc.
au chau
Cùng cô bạn đến từ Melbourne (Úc) gặp lại sau 41 năm

Vị viết bài chê Âu Châu này, khi đi Florence và Roma không biết thưởng thức những bức tượng, những tranh vẽ của các danh tài. Không biết khâm phục ngôi thánh đường ở Florence với cái vòm Duomo, cả một công trình nghệ thuật và kiến trúc không dễ thực hiện vào thời đó (1296).
Đến Florence không biết xem các bức tượng sống động David, Bacchus của Michel Ange đã thực hiện vào những năm 1500.Cái thiên tài đẽo gọt trên đá cẩm thạch để hình thành những dáng vóc và nét mặt con người in như thật, hiếm mà thực hiện. Lẽ ra phải chiêm ngưỡng cho kỹ.

au chau
Tượng David, cao 4m34, điêu khắc của danh tài Michel Ange

au chau
Chi tiết ở bàn tay của bức tượng David

Đến Roma ở Vatican khi vào nhà thờ Saint Pierre phải chen vào xem bức tượng trứ danh La Piéta ( Đức Mẹ đở xác Chúa Giêsu ) cũng của Michel Ange, được điêu khắc trong cùng một tảng đá cẩm thạch to tướng (marbre) rất cứng chắc mà sự tài tình của Michel Ange đã gọt dũa để đem lại những nét sống động của bàn tay, bàn chân, của nếp xếp nơi tà chiếc áo và người xem cứ có cảm giác là Chúa Giêsu đang muốn 'vuột' ra khỏi vòng tay Đức Mẹ, vì dù sao một bà mẹ mảnh mai, ôm xác con cũng khá 'nặng'. Nếu biết thưởng thức mới thấy cái 'siêu phàm' của Michel Ange, tại sao đến tận nơi mà không ngắm ?
au chau
Bức tượng La Piéta

Vào nhà nguyện La Chapelle Sixtie nếu ngững đầu nhìn trên vòm nhà, nên tìm hiểu tại sao Michel Ange vẽ được cả cái vòm nhà ấy trong 4 năm trời, để hoàn thành vào năm 1512 những bức họa tuyệt tác. Được nói đến nhất là bức họa Thượng Đế đưa ngón tay chuyền hơi sống cho Adam và Adam cũng nhoài người ra đưa ngón tay để đón nhận. Trứ danh và tuyệt vời.
au chau

Tất cả những văn hóa, nghệ thuật đó người không hiểu thì nói là tầm thường, có gì đáng xem đâu. Nhưng các tuyệt tác vô giá ấy đã được xếp vào hàng " Di sản Nhân loại ", Unesco có những chuyên viên chuyên ngành (expert), họ nghiên cứu kỹ mới thẩm định đâu là Di Sản, nghĩa là thuộc hàng quí giá và phải bảo tồn.
Đến các nơi « ngàn năm văn vật » đó mặc dù có thể chỗ đi 'tiểu tiện' không tiện nghi nhưng các công trình nghệ thuật thì siêu việt. Đủ để bù cho cái thiếu sót kia. Nhưng thú thật, tôi không hiểu tại sao khi tôi đi đến nơi đó, người hướng dẫn của nhóm đưa chúng tôi đến những nơi sạch sẽ, tiện nghi. Như ở Florence, sau khi đi viếng đủ thứ, lúc viếng một tiệm chế tạo dầu thơm để xem cách họ thực hiện dầu thơm mà từ hàng thế kỷ trước, người hướng dẫn bảo chúng tôi đi 'toilettes' ở đây. Thế là mọi người vào nơi lịch sự thơm phức mùi dầu thơm để 'giải tỏa'. Lúc ở Roma, trước khi vào Vatican, người hướng dẫn cũng đưa chúng tôi đến một cửa tiệm rộng lớn, bán đồ lưu niệm, và bảo nên đi 'giải tỏa' ở đây. Ai mua đồ lưu niệm thì chọn lựa, ai vào 'toilettes' thì vào, cũng sạch sẽ không có gì đáng chê. Như vậy, khi bạn đi du lịch, tốt hay xấu là do người hướng dẫn, nếu người này có kinh nghiệm và quen nơi quen chốn thì bạn không gặp những cảnh bất tiện, lỡ khóc lỡ cười. Nếu bạn chọn một cơ quan hướng dẫn mà bạn không muốn chi tiền đúng « đồng tiền bát gạo » mà đòi tiện nghi, ăn ngon, khách sạn tốt thì điều đó chỉ có trong mơ.
Các vị ở bên Mỹ không biết thưởng thức cái đẹp, cái tuyệt tác của nghệ thuật thì thôi vậy, đâu thể nào chuyển cho các vị đó những gì gọi là văn hóa.
Nguồn gốc, xuất xứ về nền văn minh của nhân loại đến từ các quốc gia Âu Châu, nhất là vùng Địa Trung Hải. Ở Las Vegas có "nhái" lại tất cả của Âu Châu từ Tháp Eiffel, đến Venise, và cả Kim Tự Tháp của Ai Cập. Thì người bên Mỹ không muốn đi xa, cứ đến Las Vegas xem các đồ "nhái" cũng tạm gọi là "văn hóa"
Bên Mỹ thoải mái, rộng rãi nên tôi có thấy bài viết khen ngợi các restroom. Bên các xứ Âu Châu, nhỏ hẹp, tấc đất là tấc vàng không thể có những restroom "hoành tráng" vì có trống miếng đất nào là đã có một công trình nghệ thuật. Tuy vậy ở Paris cũng có nhiều 'toilettes' công cộng và trong các tiệm cà phê, thường người ta dừng chân uống nước rồi đi 'toilettes' luôn. Có tốn 1 hay 2€ cũng chẳng nghèo thêm tí nào. Còn bên Mỹ restroom quá sạch sẽ, đẹp đẽ nên nếu buồn buồn đi dạo loanh quanh rồi mệt thì chui vào restroom của thành phố 'hóng mát' cũng hạng nhất rồi.
au chau
Một phòng toilettes công cộng ở Pháp

Dân Âu Châu lúc gần đây buồn cười cho ông Donald Trump khi ông tuyên bố: « Vương Quốc Bỉ có cùng biên giới với Tây Ban Nha ». Nơi có nghị viện Âu Châu mà ứng cử viên Tổng Thống của một cường quốc không biết Vương Quốc này nằm ở nơi nào. Trình độ văn hóa kém cỏi như vậy nên đủ hiểu, có gì để nói thêm. Âu Châu đâu phải là Phi Châu, với 500 triệu dân, Liên Hiệp Âu Châu cũng 'nặng ký' về kinh tế, tài chánh và về chính trị quân sự, mà ông Trump không biết gì về Vương Quốc Bỉ.
Nhớ có một lần, tôi đọc bài của một người đi đến Barcelonna (Spain) mà chỉ quanh quẩn nơi khu khách sạn mình ở, nên vị đó không trông thấy gì về Barcelonna cả, rồi 'phán': "chẳng có gì". Nếu vị đó đã chịu khó đọc những quyển hướng dẫn về thành phố này thì sẽ đi tìm xem nhà thờ Sagrada Familia với lối kiến trúc kỳ lạ, vào nhà thờ là cả một màn ánh sáng tràn vào từ đỉnh cao. Và nhà thờ xây từ 100 năm rồi mà vẫn chưa xong, người ta vẫn còn tiếp tục xây cất. Còn khu vườn Güell cũng kỳ lạ như đi lạc vào chốn thần thoại với những ngôi nhà ngộ nghĩnh, những mái ngói cong vẹo, những lối đi mà ta cứ ngỡ sụp xuống đất (kiến trúc sư cố tình) nhưng tất cả đều hài hòa, xinh xắn.
au chau
Parc Güell

au chau
Nhà thờ Sagrada Familia ở Barcelonna

Ở Barcelonna cũng có những con đường chính với những ngôi nhà 'không giống ai' nhưng đẹp lạ lùng, tiêu biểu cho kiến trúc của thành phố này. Còn Bảo Tàng Viện Picasso, cũng nên vào xem cho biết hành trình của ông hoạ sĩ trứ danh. Lúc trẻ ông cũng vẽ theo trường phái cổ điển: vẽ chân dung bình thường, vẽ cảnh vật như mắt mình trông thấy và vẽ rất đẹp. Cha ông cũng là họa sĩ, dạy cho con cách cầm cọ và màu sắc, nhưng khi ngắm một bức tranh của Picasso lúc còn bé thơ vẽ, người cha sửng sốt và cất cọ để giải nghệ luôn vì biết mình (so với cậu con), tài nghệ không đáng kể. Về sau Picasso mới vượt thoát, vẽ tranh trừu tượng. Lúc còn sinh tiền, tranh Picasso đã đắt giá hơn vàng.
au chau
au chau
Hai bức tranh của thời khởi đầu (Picasso)

au chau
Bức tranh thời cubiste, Picasso

Một tài nghệ như vậy có xứng đáng khi ta dừng chân ở Barcelonna đến xem Bảo Tàng Viện để biết chút gì về ông không? Nếu không đến thưởng thức thì không nên nói:"Barcelonna chẳng có gì đáng để ý". Nhân vô thập toàn!
Các nước Âu Châu, như Pháp, có cách sống của họ và người dân sống ở Pháp 'có phước' lắm mà nhiều khi không biết. Được chính phủ lo lắng tòan vẹn khi bịnh hoạn, càng bịnh nặng càng được chăm sóc miễn phí. Tôi có biết một người bạn, học ra kỹ sư bên Pháp, làm việc một thời gian rồi bỏ sang Mỹ lập nghiệp. Lúc đầu rất khá giả, nhà cửa huy hoàng. Không may, bà vợ anh nhuốm bịnh ung thư, anh bỏ hết tiền bạc, tài sản chữa bịnh cho vợ nhưng bà vẫn qua đời. Sau này, anh về Pháp thăm bạn bè cũ và nói với vẻ chua xót: "Nếu tôi ở lại Pháp thì không chừng vợ tôi còn sống. Ở Mỹ mỗi lần đi 'hóa trị' là cả $10 000, tôi sạt nghiệp vì chữa bịnh cho vợ. Bây giờ tôi không còn của cải gì hết"
Nghe trường hợp Phó Tổng Thống Mỹ thì hiểu, ông Obama đã rơi nước mắt xin ông Joe Biden đừng bán nhà cốt để chữa bịnh cho con, hãy để ông Obama lấy tiền bản quyền quyển sách ông đang viết, rồi giúp cho vị Phó TT của mình.
Và cũng ông Obama thú thật là chỉ mới vừa trả hết nợ ngân hàng cho hai vợ chồng ông, số nợ được mượn khi còn là sinh viên để đi học. Bên Mỹ sống "bấp bênh" như thế thì có gì là sung sướng? Còn sức làm việc thì có tiền, lỡ bịnh nặng thì vô ngã cụt. Nợ tiền nhà, nợ tiền học... như vậy chỉ khi nào là triệu phú thì mới sung sướng.
Ở Pháp, sống 'đơn giản' nhưng được chính phủ lo lắng mọi bề. Nên có người gọi bên Pháp là 'nhà nước vú em' (nói một cách chế diễu) chuyển dịch từ « l'état providence » nhưng đúng nghĩa của danh từ này thì phải dịch là 'nhà nước chu toàn'. Nhà nước lo cho dân mọi thứ. Đành là chế độ xã hội theo kiểu Pháp có những khuyết điểm và những lạm dụng nhưng người dân được hưởng lợi, và sung sướng không phải lo: "không biết lấy tiền đâu chữa bịnh" hay kêu gọi bạn bè, người quen đóng góp kẻ ít người nhiều để chữa bịnh. Ngoài ra, bên Pháp về già thì ở tại nhà, không cần phải lái xe hay không cần ai đến đưa rước, chỉ tà tà bước ra phố là có đủ tiệm tùng, chợ búa... không nói được tiếng Pháp nhiều thì cũng bập bẹ và người bản xứ cũng hiểu, cũng trò chuyện bâng quơ nên người Việt lớn tuổi không có cái cảm giác bị bỏ vào một xó hay suốt ngày không có ai đến trò chuyện. Các Thị Xã thường tổ chức các chuyến du ngoạn cho người già, dẫn đi viếng nơi này nơi khác. Khi già quá đi không nổi mà không muốn vào viện dưỡng lão thì có người của Thị Xã đến nấu ăn, tắm rửa, dọn dẹp và dìu đi một vòng ra phố.
Như vậy sống bên Pháp với chế độ xã hội là quá sướng, nhiều người ở bên này không hiểu vì cứ nghe người ta ‘nói hươu nói vượn’, chê bai nước Pháp rồi cứ tin. Ai ở Pháp nên an lòng, bạn đang sung sướng lắm. Có những người không bằng bạn nên mặc cảm rồi ganh tị nói ra nói vào. Nếu muốn thử thì bạn đi nơi khác sống rồi sẽ hối tiếc. Còn nữa, Pháp là một xứ sở vừa đẹp vừa có khí hậu ôn hòa, mùa đông không quá lạnh, mùa hè không quá nóng (bao nhiêu đó đủ là một ‘điểm son’) Và nước Pháp văn minh, trình độ sống rất cao. Tất cả những điều đó đủ để bạn biết là mình may mắn.
Cám ơn quí vị đã đọc và tha lỗi cho tôi đã nói sự thật, sự thật có thể làm mích lòng. Nhưng tôi chỉ mạn phép trả lời những gì người khác đã viết sai về nước Pháp và Âu Châu.
Trân trọng.

(Xin mời quí vị đọc và xem thêm bài viết «Nước Pháp vào hạ», cũng như bài «Paris est une fête» dựa theo danh hào Ernest Hemingway mà tôi sẽ gởi tiếp theo đây để rõ về nước Pháp, nếu muốn tìm hiểu).
Marine Van
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
( hết trích)
Giữa hai chữ trich và hết trích là nguyên văn của tác giả Marine Van.

 

 

Đăng ngày 28 tháng 08.2017