Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 06.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Giai thoại làng văn
Xuân Diệu là người rất chu đáo, thiết thực, tiết kiệm đến tỉ mỉ, chi tiết. Những lần tôi đến anh vào buổi chiều, mãi nói chuyện đến gần tối, anh thường giục tôi về, vì đường thì xa, đi lại nguy hiểm. Anh nói: “Có thể ở nhà vợ lo bị cướp xe đạp ấy chứ!”.
Có lần trời nắng, đi qua nhà anh, tôi tạt vào mượn cái mũ. Anh cho mượn cái mũ lá đã cũ, vậy mà vẫn dặn phải giữ cẩn thận, khi nào ra Hà Nội trả lại anh.
Có lần đang ngồi với anh, thấy có người nhà đem sách báo cũ ra bán cho hàng đồng nát. Anh gọi với theo: “Này, những cái bìa sách các tông đẹp, nhớ lấy lại mà dùng”. Thấy anh có u già giúp việc, tôi tưởng mọi việc chợ búa, bếp núc, anh chẳng phải quan tâm. Vậy mà không phải. Anh tỏ ra rất thạo giá cả thực phẩm ngoài chợ, giá trứng, giá thịt. Có lần tôi đã được nghe anh tính toán rất tỉ mỉ:
Ba quả trứng gà 33 đồng, 2 quả trứng vịt lộn giờ 18 đồng một quả, nhân 2 là 36 đồng, bổ hơn 3 quả trứng gà chứ, 3 lạng thịt bò nhiều hơn 3 lạng thịt lợn, vì thịt bò nhẹ hơn. Nhưng 3 lạng thịt bò có bổ hơn 2 quả trứng vịt lộn không thì chưa rõ. Nhưng cũng phải đổi món chứ...Còn thịt chó thì thịt lẫn xương 4 đồng rưỡi một lạng, thịt nầm 6 đồng một lạng...” .
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Giã
Giã ; từ biệt, chia tay
(giã nhà đeo bức chiến bào)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa trên mạng
Đọc được lời nói chuyện của hai tuổi “teen” trên net tuyến bạn gái:
* bác này hôm qua uống ghê quá…
* ghê đâu mà ghê, mình uống tàm tạm thôi, ngày thường mình uống hai chai Tiger là xỉn rồi…chắc hôm wa bà nhập nên uốc dc (được) nhiều hơn một tí.
* tới giờ cái lưỡi còn cay nè.
* hihihi…đang đuối như trái chuối đây, bây h (h=hour=giờ) mới tỉnh dc (được)
* còn 2 ngày t7 cn (thứ bẩy, chủ nhật) gặp nhau ok nha.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Thương em chẳng dám vô nhà,
Thập-thò ngoài ngõ hỏi gà bán không?

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Ba năm trước Nhà văn Nguyên Vũ về thăm. Chúng tôi ngồi ở quán Phú Chiêm, đường Trần Bình Trọng Bình Thạnh, một quán rất đông khách vì các món đặc sản Quảng Nam. Hôm ấy có Nhà thơ Vương Tân [Hồ Nam]. Chúng tôi uống cũng quá nhiều. Nhưng lúc chia tay, Long bảo mình muốn về nhà Biền. Tôi bảo về nhà, sẵn rượu, nốc thêm nữa có mà toi.Nào ngờ lần ấy là lần cuối cùng Long đến thăm nhà tôi.
Uống dữ. Chiều tối, thay vì chở Long về nhà Long, tôi tưng tưng, phổi phèo nó dữ dội, không cho phép ngưng đưa rượu chảy vào cần cổ. Thế là tôi tức tốc chở Long ngược lại quán Phú Chiêm. Mần tiếp đợt ba. Hai cái thân bệnh hoạn chứa máu liều.
Hai thằng uống miên man, tới hơn mười giờ khuya Long bỗng nhiên ngã một cái rầm xuống đất, nằm bất tĩnh. Cái mặt vừa gầy ốm, vừa đen queo như da con ếch chiên dòn. Anh Trần Hữu Phú chủ quán nói: “Các thầy ông nào cũng già cũng bệnh hoạn mà uống kiểu này thì chôn không kịp. Đất nghĩa địa buổi này giá trên mây.” Phú rất tốt bụng, anh chở Nguyễn Thụy Long về tận nhà. Tôi ngã xiêu ngã tất hộ tống. Nào ngờ đây là lần cuối hai đứa tôi cụng ly, từ 10 giờ sáng tới hơn 10 giờ đêm.
Uổng quá, không còn rượu là kể như toi đời. Sau bửa đó, Long bỏ rượu. Vậy cái điều “Không có rượu thì toi đời” quả ứng nghiệm chăm phần chăm.
(Kỷ niệm cùng Nguyễn Thụy Long – Cung Tích Biền)

Chữ nghĩa thập niên 20
Giấc điệp – Trang Châu nằm mơ thấy mình hóa bướm, Nguyễn Du viết trong Kiều “Ấy hồn hồ điệp, hay là Trang Chu”, ám chỉ giấc bướm, hồn bướm hay giấc ngủ.
(Phan Mạnh Danh – Văn thất ngu)

Mầu sắc… cảm tưởng
Khác hai loại trước, loại màu sắc này chứa cảm tưởng của người nhìn về tình trạng bên trong của đối tượng. Trong câu ca dao "Trắng chi, trắng bủng, trắng xanh", "trắng..." vừa tả màu da vừa là đánh giá tình trạng sức khỏe.
Một số màu cảm tưởng có nghĩa qui ước: trắng bủng (bệnh hoạn), trắng xanh (yếu ớt), hồng hào (khỏe mạnh), đỏ đắn (khoẻ mạnh), xanh xao (người ốm), xanh lướt (tạng yếu), xanh rớt (ốm nặng), tái mét (lo sợ), tím rịm (môi khi đứng lâu ngoài trời rét), trắng tinh (sạch sẽ, tinh khiết, chưa dùng), trắng tàu tàu (cũ), vàng vọt (ánh sáng yếu), vàng lụi (lúa bệnh), đen xỉn (cũ), tím bầm (vết đòn, tức giận) v.v.
Những màu khác không có nội dung nhất định, nên người dùng cần giải thích cụ thể:
Khái Hưng tả nhân vật: "... mặt trắng tái vì tức giận", Vũ Bằng: "... đôi môi xám ngoét của người nghiện", Sơn Nam: "... sợ, mặt mày xanh lét", Vũ Trọng Phụng: "... sợ hãi xanh xám mặt mũi". Xanh lét có thể chỉ là màu xanh của mắt mèo, xanh xám có thể chỉ là màu đá, hoặc màu da của người "già úa, mặt xanh xám như cơn mưa" (Tô Hoài).
(Thu Tứ – Tìm tòi và suy nghĩ)

Trau giồi tiếng Việt
Hỏi: Đến tuổi nào lấy vợ lấy chồng hả chú?
Đáp: “Nữ thập tam, nam thập lục”
(báo Văn Nghệ Tiền Phong”

Tục thờ ông Đùng bà Đà
Tục thờ nầy được tổ chức tại làng Đông Sát, tỉnh Hưng Yên. Cả hai đều là Thành hoàng của làng nầy. Câu chuyện ông Đùng, bà Đà được kể lại như sau: hai người vốn là hai chị em ruột. Nhưng cả hai tuổi đã cao mà chưa thành gia thất. Mọi người trong làng cũng muốn giúp đỡ cho cả hai. Cuối cùng cả hai đều cùng nhau hứa rằng: cả hai theo hai chiều ngược nhau đi quanh hòn núi trước làng; bất cứ gặp người nào khác giống thì bắt buộc phải kết hôn. Dân làng đồng ý và sẽ giúp họ toại nguyện. Họ lên đường nhưng lại không gặp một người nào, để rồi sau cùng thì hai chị em gặp nhau. Vì trung thành với lời thề cho nên họ chuẩn bị lấy nhau. Dân làng đồng ýcuộc hôn nhân; nhưng bà Đà thì cho việc làm nầy là chuyện "loạnluân" cho nên bỏ đi trốn. Hai lần trốn thì cả hai đều được ông Đùng đưa về. Chẳng may hai người gặp thú dữ tấn công và thề sống chết để giải nạn. Việc giải nạn phải nhờ đến một vị thần giả làm một phụ nữ bắt ếch hiện ra đúng lúc để giúp họ.
Câu chuyện chẳng may loan truyền đến kinh đô và nhà vua xuống chiếu bắt cả hai để hành hình. Cả hai đều bị khoét mắt rồi bị sát hại. Hai người chết nhưng hồn rất linh thiêng, thường hiện ra báo mộng cho dân làng; mọi người đều đồng ý lập đền thờ; từ đó dân chúng đến lễ bái và cầu gì được đó nên được tôn làm hai vị Thành hoàng.hằng năm từ ngày 6 tháng 3 cho đến ngày 10 tháng 3 là lễ tế ông Đùng, bà Đà. Dân chúng làm hai hình nộm để rước quanh làng; cho đến đình làng, thì họ đưa hai hình nộm ra ôm chầm lấy nhau. Tìm cảm được bộc lộ công khai, khác với lệnh của nhà vua ngày trước.
(Hội tết làng Xưa – Khuyết danh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Theo tự điển tiếng Viêt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm).
Tàn tạ: là rụng rời, trơ trụi

Về bài thơ Nhà tôi của nhà thơ Yên Thao (1)
* Bích Huyền (BH): Có bán một CD ngâm thơ tựa đề là Những bài thơ bất tử, trong đó diễn ngâm bài thơ Nhà tôi. Nhưng rất tiếc lại ghi tên tác giả là Nguyễn Bính!
Yên Thao (*YT): Tôi không được biết, tôi chỉ biết có một bài hát do Anh Bằng viết dưới tiêu đề "Chuyện giàn thiên lý”. Ai cũng cho là thơ của tôi phổ nhạc. Vì Anh Bằng đã cải biên, đổi tên bài, không nhắc gì đến tác giả! Tuy nhiên đề nghị chị dịp nào gặp Anh Bằng cho Yên Thao gửi lời hỏi thăm. Chắc Anh Bằng cũng thích bài thơ ấy nên mới viết nên "Chuyện giàn thiên lý".
*BH: Bây giờ thì xin thi sĩ cho biết một chút về..."lý lịch" của mình cũng như về xuất xứ của bài thơ Nhà Tôi?
*YT: Tên cúng cơm của tôi là Nguyễn Bảo Thịnh, sinh ngày 21-1-1927 quê Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nhà tôi tên Đỗ Thị Phú (chứ không phải là Hà) sinh 17-1-1929, quê Đại Gia, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.
Năm 1949, tôi công tác văn nghệ tại liên khu 3, theo một đơn vị đánh vào một đồn binh Pháp đồn trú cạnh sông ở một làng đồi. Trong lúc đợi chờ giờ nổ súng, tôi trò chuyện với anh em và được biết ở đơn vị này có một cậu quê ở ngay làng đồi đó. Phía bên ấy đang còn mẹ và vợ. Cậu ta lấy vợ được chừng tháng thì chiến tranh bùng nổ, lên đường đi kháng chiến, chia tay người vợ trẻ. Trong câu chuyện, mấy lần cậu ta nhắc tới giàn thiên lý của nhà mình.Tôi rất thích câu chuyện và viết nên bài thơ "Nhà Tôi". Rất nhiều người nghĩ đó là tôi viết về tôi, bà xã tôi cũng nghĩ thế.

Giao
Giao: một thứ nghi lễ do vua ra giao.
(tế Nam giao)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Hôm trước Tết này, tôi ghé thăm. Long đã gầy quá đỗi. Nhà nuôi năm con chó. Chúng đồng ca đón khách vang trời đất. Nhà lại chật chội, mấy con chó dễ thương cứ quanh quẩn dưới chân, quất quít Long. Chừng như chúng linh cảm, đánh được mùi của cuộc từ biệt. Đời thu lại những tiếng sủa. Âm vang đời là những chào đón đầy than phiền của những con vật nuôi tình nghĩa. Con người nơi đâu? Con người đã vắng bóng người sau mỗi khung cửa hẹp phận người.
Long yếu hẳn, nói trong cổ họng. Cứ chờ chó bớt sủa một chút thì nói. Mà Long lại ham nói. Chừng như mong tâm sự với Biền cho xong. Rồi: “Tớ đi đây.”
Một chặp, Long đứng dậy khập khiễng bước đi. Đi tiểu. Nhưng bước không nổi, đành đứng ngay chỗ bậc cửa. Hai cái chân ống sậy, hai cành tay như que khô run run vịn vào thành cửa. Phịt nước vàng. Trông như một nhánh trúc gầy biết đái.
(Kỷ niệm cùng Nguyễn Thụy Long – Cung Tích Biền)

Chữ nghĩa làng văn
Đoạn cô Kiều ở lầu Ngưng Bích, nhớ cha mẹ, có câu:
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Tử là cây tử, nôm na là cây thị. Cây kiều cao mà ngữa lên, tuợng trưng cho người cha. Cây tử thấp mà tàng cúi xuống, tuợng trưng cho người con. Hai cây nầy tượng trưng cho tình cha con.
(Hoàng Long Hải – Cây trong văn chương)

Về bài thơ Nhà tôi của nhà thơ Yên Thao (2)
*BH : BH xin cảm ơn thi sĩ cũng như cảm ơn những người chủ trương Giai Phẩm Mùa Thu Hà Nội. BH đã chép bài thơ Nhà Tôi trong tờ Giai phẩm này, phát hành năm 1964 tại Saigon. Hình như thế, năm đó...nếu BH nhớ không lầm!
*YT: Không biết có phải từ tập san đó hay sau này sao chép qua lại nên sau 1975, tôi có được đọc bài thơ Nhà Tôi, người ta có in sai nhiều từ, chị Huyền ạ !
*BH: Thế nhưng chắc thi sĩ cũng thông cảm, vì đây chỉ là một bài thơ được truyền miệng, được ghi nhớ trong trí tưởng...cho nên sự sai lạc hẳn là phải có, những từ ngữ dùng sai đó là những chữ nào ạ?
*YT: Trong đoạn đầu có câu:" Màu trăng vôi lồm lộp mấy khung tường ". Màu trăng chứ không phải "Màu trắng". Vâng, đây là màu của ánh trăng trải trên những khung tường. Và từ "mùa" trong câu "Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín". Trong miền Nam có sách in là "mùi lúa chín".
*BH : Vâng, màu trắngmùi lúa có vẻ rõ ràng và cụ thể quá phải không ạ? Thưa thi sĩ, BH còn thấy có nơi dùng sai một chữ nữa trong câu cuối bài thơ "Nhà tôi ở cuối thôn Đoài ..." "Đoài " viết hoa như một danh từ riêng ạ. Đúng ra là "thôn đồi":
Nhà tôi ở cuối thôn đồi
Có giàn thiên lý có người tôi thương ...
*YT: Xin chị BH nếu có dịp một lần nữa phổ biến bài thơ Nhà tôi trên đài, hoặc trên báo chí, lưu ý hộ tôi những từ sai ấy.

Bản Kinh, bản Phường
Truyện Kiều bằng chữ Nôm cho đến nay có nhiều ấn bản, nhưng tựu chung căn cứ vào bản Kinh và bản Phường.
Bản Kinh do đích thân vua Tự Đức sửa chữa. Bản Phường do Phạm Quý Thích khắc mộc bản nhưng không nhiều. Vì ngành in xưa kia còn thô sơ và tốn kém nên chỉ dành cho khoa cử hay triều đình như sử ký, địa chí nên truyện Kiều còn lại là chép tay.
Vì bản chính của Nguyễn Du nay đã thất lạc nên bản in Phạm Quý Thích được coi như là chính xác vì ông giữ nguyên bản, không sửa chữa như vua Tự Đức.
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Cù lao phố
Cù lao phố là tên cũ của đất Đông Phố, Gia Định. Vì vùng này có nhiều…cù lao.
Phố nguồn từ Hội An (Faifo). Phố là tiếng Nhật, là hướng đông.

Chữ “đểu”
Theo "Tự điển tiếng Việt" do Hanội phát hành, từ "đểu" được
định nghĩa và có những từ kép như sau:
Đểu (tt) : xỏ xiên, dối trá (đồ đểu, chơi đểu, nói đểu).
Đểu cáng (tt) : đểu, đê tiện (bộ mặt đểu cáng).
Đểu giả (tt) : thâm hiểm; thủ đoạn đểu giả. (Chữ" giả" theo
định nghĩa cũng trong tự điển này là "Không thật nhưng làm ra vẻ như thật", khi ghép với chữ "đểu" lại có nghĩa là thâm hiểm).
Xét về từ nguyên của chữ "đểu" chưa thấy có tự điển nào nêu ra
ngoài các định nghĩa thông thường. Có thể phỏng đoán rằng tiếng Hoa nói lóng dương vật của đàn ông là con chim, tức là "điểu".
Người Việt ta đọc trại thành "đểu" (?)
(Lê Văn Ngọc – Văn hóa “đểu”)

Tuổi 50
Ngô niên, thê niên ngũ thập ngũ
Ngô tử mãi mộc tương vi quan
(Nguyễn Khuyến)
(Tuổi ta, tuổi vợ đều năm mươi năm
Con ta mua gỗ định làm áo quan)

Đá
Chữ Nôm là chữ của người nước Nam pha trộn với một số các từ Hán Việt (chữ Tàu phát âm theo kiểu Việt Nam). Lối viết của chữ Nôm dựa hoàn toàn vào chữ Hán và lại phức tạp gấp mấy lần. Thông thường một từ chữ Nôm là sản phẩm của hoặc một sự chắp nối ít nhất 2 từ của tiếng Hán, hoặc một sự vay mượn nguyên con một từ tiếng Hán nhưng đọc theo kiểu Nôm.
Thí dụ, “đá” với nghĩa đá bằng chân, đá banh. Chữ Nôm viết “đá” bằng cách kẹp chữ Hán “đa” (nhiều), để lấy âm, với chữ “túc” (nghĩa chân) để gợi ý, đá = đa+túc.
“đá” với nghĩa hòn đá. Chữ Nôm viết “đá” bằng cách nối liền “đa” với “thạch” tiếng Hán, đá = thạch+đa.
(Phan Trọng Hoa – Tự điển chữ Nôm)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Một ngày ba bận trèo đèo,
Vì ai vú xẹp, lưng teo hỡi chàng?

(còn tiếp)