Vườn nhà

Phí Ngọc Hùng

Ngọn gió nào đưa bác tới đây, cũng lâu lắm rồi bác nhỉ, nhớ năm nào, như là cuối độ xuân sang hạ thì phải. Vậy chứ đường xa vời vợi mệt không bác, vậy ta cứ tạm ngồi nghỉ một lát, để tôi pha ấm trà, thú thực với bác, tôi mới biết uống trà gần đây thôi.
À mà trà đàm là phải nhắc đến cụ Nguyễn Tuân trong Những chiếc ấm đất, chỉ thóang vài hạt trấu trong ấm trà là cụ biết ngay. Đất sinh cỏ già sinh tật, cái tật tôi vẫn cứ chuyện này xọ qua chuyện kia, lại thích lếch thếch, lang thang quay về thăm thú những ngày tháng cũ. Như nhà văn Nguyễn Khải về Hà Nội thăm ông cậu Hồ Dzếnh…Nhắc đến Hồ Dzếnh ai chẳng nằm lòng câu thơ nhớ nhà trong điếu thuốc, khói huyền bay lên cây. Ấy đấy, nói dại chứ cái vườn nhà bé bằng lỗ mũi ngòai kia, chút nữa tôi đưa bác ra đảo một vòng nhá. Rõ ra lẩn thẩn cho lắm cũng cũng không ngoài: “Lẩn thẩn ngày qua, lại tháng qua, nhìn hàng cam quất, con đường cũ”. (Hồ Dzếnh)

***
Trong khi chờ đợi trà ngấm, ngày rộng tháng dài, hay là bác và tôi hãy theo hai cậu cháu Hồ Dzếnh thăm ngôi vườn của cụ Vĩnh ở phố Hàng Trống năm nào nha, thưa bác:
“…Đừng tưởng hội nhà văn mình là to, cái nghề viết của mình mới có đạo, nghề chơi cây cảnh cũng có cái đạo của nó, không biết nó cũng không ai chết, cũng như không đọc văn cũng không ai chết, nhưng sống sẽ nghèo đi, sẽ buồn hơn và chắc chắn cách sống sẽ tục hơn. Những năm 50, có cụ Vĩnh ở phố Hàng Trống, là bậc sư trong cái nghề chơi cây cảnh, ai mà có chút ít gì của cụ để lại, một cái chậu, một cái cây, thậm chí chỉ một hòn đá, bây giờ thì vô giá. Chớ có mở miệng hỏi cụ mua cái này cái nọ, muốn mua phải mời cụ bữa rượu rồi nhân trong cái không khí thầy trò, bạn bè trong bữa rượu, ông cụ bốc nhằng lên bằng lòng bán là phải chớp ngay, khi cụ hối thì cũng muộn rồi.
Có lần ông Kim Lân cùng họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đức Nùng lại thăm cụ Vĩnh, có một ngừơi tiểu đồng, gọi thế thôi, chứ ông ta cũng phải năm chục tuổi, đầu cạo trọc như sư, mặc quần áo nâu đón khách ở nhà dưới rồi mới chạy lên hỏi cụ, hoặc cụ xuống tiếp hoặc cụ cáo bệnh. Một lát sau ông cụ xuống, quần áo lụa nâu, tóc trắng, râu bạc, thần thái phiêu dật như một đạo sĩ.

Trước khi ra vườn xem cây, cụ tự bê một cây cúc mốc, trong Nam gọi là nguyệt bạch, đặt lên cái đôn gỗ cao, phía sau là một bức thủy mặc của Tầu. Cái vườn của cụ là thượng uyển của tao nhân mặc khách, với muôn vàn vẻ đẹp của thiên nhiên đã thành mực thước cổ điển, đã thành thơ văn tự bao giờ. Đó là chính thiên nhiên, nhưng đã được rút nhỏ lại, được gạn lọc lại, để cái đẹp được biểu lộ một cách tòan vẹn. Là hội họa, điêu khắc, thi ca cộng lại. Là những tác phẩm hòan mỹ của tác giả của nó. Là hiện thực và siêu thực. Là cuộc sống bị câu thúc trong hiện tại và những mơ mộng của những con người muôn thuở. Có những ngôi chùa trong hẻm núi, nhưng tường và mái ngói đã bị nứt ra, chùm rễ si buông xỏa xuống. Là một con thuyền ẩn dưới một vòm hang có nhủ đá lóng lánh. Là một ngư ông như ngồi quay lưng lại trên một hòn đá nhỏ.
Nhìn cây tùng già như treo vào vách núi lại nhớ câu thơ của Lý Bạch: “Khô tùng đảo quải ỷ tuyệt bích”. Hoặc một cây tùng mọc chon von trên ngọn núi như trong thơ của Đỗ Phủ: “Minh minh cô cao, đa liệt phong”. Cảnh đã nhập vào thơ, nhập vào hồn, gợi lên cái bâng khuâng khôn tả của người ngắm cảnh, phía xa có một mảnh tường cũ, lở lói một cách cố ý, phủ lên một lượt lá vẩy ốc xanh rì. Một cây mai trắng, trời càng rét mai càng nhiều, trắng như tuyết, không có một cái lá nào, không còn một chút tục nào, ngạo nghễ với gió bấc, nó là hàn mai. Lại có những chậu cúc Tầu, cúc ống, cánh to cánh ruỗi, đã chơi cúc là coi như bỏ công danh ra ngòai, mải mê suốt năm tháng với nó. Bất chợt thỏang đến, như có như không, cái mùi thơm sang trọng của mấy chậu địa lan, một mùi thơm mà cụ Khổng Tử đã đặt tên là vương giả chi hương.
Rải rác đây đó là mấy hòn đá vân xanh, đá là trừu tượng nhất, chả có ý nghĩa gì, chỉ thấy đẹp thôi. Chả ai hiểu gì nhưng đều nhận rằng rất đẹp, cái đẹp còn có ý nghĩa là khó có thể cắt nghĩa được. Không cắt nghĩa được là siêu rồi, là siêu thực chứ còn gì ! Các cụ đã chơi siêu thực tự cái thuở nào, thuở nào chứ không phải đến tự bây giờ.
Nhìn vào vườn của cụ Vĩnh, rồi lại nhìn những con hạc, con lân uốn xén, những chậu cúc, chậu quất đời thường mới thấy là tục. Đó là vườn cảnh của trọc phú, của quan lại, khoe danh khoe của chứ đâu có ý vị thâm trầm gì. Lại còn cá cảnh nữa, người xưa chơi lưng, chơi vây cá, bây giờ họ nhốt cá trong tủ kính, chơi bụng cá, chỉ thấy những cái bụng chình ình, trắng lợt, lượn qua lượn lại với những tia cứt bắn thành vệt.

Đã chơi cây cảnh là cốt dinh dưỡng tính tình, phải tự mình chăm sóc tất cả, không nên nhờ, hay thuê. Mà cũng khó nhọc, vất vả lắm như thế mới vui, như trồng địa lan chẳng hạn, nó là lọai hoa vương giả, thích mọc ở kẽ đá, trên mùn lá cây. Đất trồng nó phải lấy lớp bùn thứ để đầu hè, hai năm sau, nó khô trắng mới chặt nhỏ bằng quả vải xếp trong chậu sành, nó ưa chậu sành sốp, vì rễ lan mới thở được, còn chậu men mầu lòe lọet là bỏ, là dẹp.
Chơi lan phải chơi theo mùa, mùa xuân là hòang lan, thanh lan, mặc lan, thu thì trần mộng, đông lan, hạ có bạch lan, ngọc vân hội, ngân biên, đông thì lan ngủ. Lại có lan tứ thời, thơm lừng lẫy, lá dài hẹp, cứng đơ, trồng lại đẻ khỏe. Nhưng các cụ khinh, liệt vào lọai hoa hèn cỏ nội. Vì sao? Vì thời nào nó cũng sống được, cũng thơm được, cái thứ hoa nịnh đời, nịnh người đến thế thì trọng làm quái gì. Ông Nguyễn Tuân không chơi được lan, vì tính vốn lười, chỉ xin thôi, xin cây nào chết cây ấy, ông ta quen được vợ con hầu, bạn bè hầu, nhưng lan nó có chịu hầu ai bao giờ? Nhưng cũng có những ông chơi rất kỹ, rất công phu mà như không chơi gì cả. Cái chơi và nếp sống như nhập làm một, như trong võ thuật, kiếm với người là một, không còn chiêu số nữa, tức là đạt tới cái đạo của sự chơi rồi.
Đó là trường hợp của Trần Huyền Trân, nhà ông ở sau nhà thờ Nam Đồng, có một miếng đất nho nhỏ, có vườn và có ao. Ông trồng một bụi trúc trước nhà, kê mấy hòn đá rửa chân, rửa rau ở bờ ao, dưới giàn thiên lý đặt mấy chậu lan, ông Trần chỉ chơi có lan hạc đính vì là tên vợ ông, thêm mấy chậu cây thế và một bể cá. Bước vào nhà ông là thấy ngay cái nghèo nhưng thanh cao, phảng phất có mùi thơm của lan, lại nghe tiếng chim gáy gù xa xôi, vắng lặng ở một góc vườn. Trong cái thế giới nho nhỏ, riêng biệt ấy, người ta và trời đất thóang chốc như là một, bỗng nhiên nhận ra cái nực cười của bao nhiêu túi bụi một đời người, trước cái thong dong, thơ thới của cây cảnh và người, nói thì vô chừng. Như ông cậu Hồ Dzếnh của tôi, đã đặt chân đến đất kinh kỳ, từ hơn chục năm về trước, ở phố Hòa Mã, để cầu danh. Nay cũng lui về thành Nam, sống ở ven đô chứ không ở trong thành phố, vui thú điền viên cùng một mảnh vườn nho nhỏ…”.

***
Khổ một nỗi vườn nhà tôi không được nét thanh cảnh, trầm mặc và tiên cốt như khu vườn cụ Vĩnh. Nhưng được cái rộng đến một sào rưỡi ta, một sào tức ba trăm sáu mươi mét vuông, hay mười công thợ ngòai Bắc mình chứ ít ỏi gì. Tôi biết bác đang nhăn mặt với ngôn từ, sao lại rắc rối với sào, với mẫu. Vâng, tôi cũng biết thế nhưng tôi không nhà quê, nhà mùa đâu bác ạ, cũng đi Tây đi Tàu cả đấy chứ. Dông dài một chút thì thời ông nội tôi, cả họ tộc hai ba đời bám vào ba sào ruộng, cũng qua ông cụ đẻ tôi thì ông nội tôi môi mỏng, suốt ngày trà Tàu, thơ phú, công danh phù thế không qua chùm cau, khóm trúc. Đến thời thằng cháu đích tôn là tôi đây, ông cụ đẻ tôi vẫn thường nhiếc, mới nứt mắt đã cây với cỏ, trà với chiếc…Từ đó, tôi gần gũi ông nội tôi hơn qua hình ảnh sào ruộng, mảnh vườn là vậy, thưa bác.

Tôi biết đầu óc bác đang óc ách với cỏ cây, nào mời bác quá bộ ra vườn sau, thực tình tôi không biết bắt đầu từ đâu và ngừng lại ở chỗ nào. Này nhá, quẹo trái, đi thẳng hay rẽ phải đều phải bước qua cái cầu…Bác lắc đầu, tôi cũng tự nhận là ôm đồm thái quá, có một lần tần mần đếm khoảng chín cái đủ lọai, cầu gỗ, cầu đá, cầu “bê-tông”. Phẳng lặng quá cũng nhàm chán, tôi muốn bước cao bước thấp như lên non tìm động hoa vàng ấy mà. Vả lại, tôi như chìm đắm trong mấy câu ca dao dân gian giã ơn cái cọc, cầu ao, nửa đêm gà gáy, có tao có mày. ( Ca dao)
Hình như tôi bác đang hòa nhập với ta đi thơ thẩn bên vườn mộng, em nấp sau hoa khúc khích cười. Thôi bác ơi, già rồi còn thẩn thơ, mộng với mơ gì nữa, tôi bây giờ chỉ còn bạn bè xa cũng như gần, như cái cọc, cầu ao. Mà bác vừa hỏi gì? Cái cọc ư! Không phải cái cọc đâu bác ơi, đó là mấy cái đế chôn quanh vườn, người phương Tây họ đặt tượng, riêng tôi để mấy chậu Bonsai lên cho lạ mắt đấy mà.

Bác nói gì vậy, tôi nghe không rõ, già cả rồi, dạo này tai nó hơi nghễnh ngãng. À bác hỏi vườn tôi là vườn Nhật hả? Ừ thì hình thức như làm dáng vậy thôi, tôi nói thật đấy. Nói cho ngay tôi chả bon chen mầu mè ba cái lá hẹ lắm đâu, vườn Tàu thì nặng nề, ở quê ta là vườn cây ăn trái, còn Nhật nhẹ nhàng hơn, lãng đãng một chút nào bàng bạc của thiền quán. Qua mảnh vườn này, tôi lõm bõm góp nhặt sỏi đá được chút nào hay chút nấy, như thế này đây, thưa bác: Bước trên lối đi nhỏ (roji) với lang thang của tâm thức, như góp nhặt cát bụi trên nẻo đường trần, rải rác với những chiếc lá vàng và bỏ lại đằng sau cơn mê hoang.
Bác nhòm tôi ngơ ngác ra điều lối đi gì mà như…như con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô thế này. Thôi thì cũng đành kể cho bác nghe một chuyện thiền:
“Thiền sư sửa sọan tiếp khách, ngài bảo các thiền sinh quét sạch ngõ từ cổng vào đến trà thất. Các thiền sinh lượm lặt hết không sót một chiếc lá khô nào. Thiền sư lắc đầu. Vừa lúc người chưởng môn đi về thấy vậy nói với các sư đệ: “Những gì toàn mỹ quá thì…bất toàn”. Xong lấy tay rung mấy cành cây cho lá vàng rơi rụng lác đác trên lối đi, gió thổi đưa những chiếc lá vàng bay lượn lờ đáp xuống thảm cỏ, đó đây và…bay vào hư không. Và người chưởng môn nói: “Hãy nghe kìa, tiếng thì thầm của gió, của lá…”. Thiền sư gật gù: “Bây giờ ta mới nhìn thấy…chân không”.
Thế đấy, vì ảnh hưởng của thiền, vườn Nhật được hài hòa giữa giao động và tĩnh lặng: Giao động bố cục trong khu dầy đặc tùng bách, thác nước. Qua âm động của vô thức, tiếng róc rách rào rạt của máng nước tre chẩy xuống vại, xuống hồ, để bụi trần tan lõang, cùng tiếng thở dài của gió thỏang qua cỏ cây như hệ lụy mang mang bay bổng. Và tĩnh lặng là khỏang đất trống trải, rêu phong ẩm ướt mọc trải dài trên mảng đất mịn, rải rác đâu đây là năm ba hòn đá thô, thóang trông chơi vơ lạc lõng. Nhưng thực sự được sắp xếp theo khuôn mẫu, có tan có hợp. Tất cả chỉ là giấc mộng đầu hôm cuối bãi cùng tiếng chuông tỉnh thức, qua biểu tượng trầm mặc là ngôi chùa bằng đá (ishidoro) thầm lặng dưới tàng cây, ẩn hiện giác ngộ là cơn mộng du giữa ban ngày…

Bác lắc đầu nhăn mặt, tôi cũng u mê, vườn tược quái qủy gì mà khó khăn qúa thể vậy. Trăm sự tại tôi, lụy vào chữ nghĩa để rồi lẵng nhẵng, nhồi nhét bác quá sức. Tôi cũng muốn chỏng chảnh cùng khỏang vườn nhỏ bé trong một ngày nắng hanh qua các cụ ta xưa trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Chả là lúc này người mình qua đây, mang cả vườn tược qua, trải rộng khắp nơi khắp chốn…Bác hỏi gì mà “ồm ộp… ồm ộp…” ấy hả? Ấy là cóc nhái ễnh ương chúng đang rủ rê gọi nhau đấy bác ạ, thế nào nay mai cũng giột giời với mưa gầm sấm chớp cho mà xem. Giời đất nghĩ cũng lạ, cứ đào hồ vét ao, y như rằng ễnh ương, chẫu chuộc bò ra nhìn trời ngắm mây, rồi ào một cái là mưa, mưa đấy rồi cũng tạnh ngay đấy, thưa bác…

***
Này bác ạ, vội năm vội tháng chứ ai lại vội ngày, bác cứ thong thả vừa đi vừa nói chuyện cỏ cây. Nào mời bác quẹo trái…
Thì đây là vườn thiền, trước kia trải sỏi gợn sóng, lmột tảng đá và ông thiền sư. Ở đấy, một ngày như mọi ngày, tôi học đòi đi tìm bản ngã, chân ngã gì gì đó của cái thằng tôi đến nhức đầu chóng mặt. Tìm đâu không thấy, chỉ thấy sỏi trắng phẳng lặng buồn tênh, cùng mầu tảng đá đen trơ khấc gồ ghề và ông thiền sư thô kệch cục mịch. Vì thiền mà…không ngộ, nên tôi “phá ngộ” bằng cách “phá cách” nó đi. Sau này, tôi hì hục đào cái hố cá, loay hoay bắc cái cầu gỗ chênh vênh đến chới với. Tảng đá tôi lụi đụi khóet hốc trồng cây lưa thưa như một hoang đảo đơn độc. Bức tượng thiền sư tôi giữ lại, ông cũng lưu lạc như tôi trong những ngày luân lạc. Nay ông ngồi không…không biết làm gì là làm thinh và chỉ tay qua bên kia bến nước…như muốn gửi gấm về một khỏanh khắc nào đó, thật xa, xa lắm, nằm tận sâu trong ký ức của tôi tự thuở chân ướt chân ráo qua đây ai ra bến nước trông về Bắc, chỉ thấy mây trôi, chẳng thấy làng. (Nguyễn Bính)

Làng nước của quá vãng, tôi gói ghém và gửi gấm ở cái hóc hẻm này. Bác thả bộ thêm vài bước nữa, tôi chỉ cho bác cái ngõ trúc và con đường nho nhỏ sâu hun hút kia…Đường quê đất Bắc của riêng tôi đấy bác ạ! Chưa hết, những cành trúc nghiêng ngả về một phía, như có một chút thanh tịnh và vắng lặng, âm hưởng của rặng chuối sau hè. Bác hãy chịu khó lom khom chui dưới vòm trúc ấy và chậm rãi dẵm từng bước qua…ngõ hẹp ao sâu, chỉ thiếu chút mưa phùn, gió heo may, lá cành xào xạc và tận đằng cuối ngõ, xa vắng là…là…Mà bác đang lẩn đẩn gì vậy? Ha! tôi biết rồi bác đang râm ran từng mây lơ lửng trời xanh ngắt, ngõ trúc quanh co, khách vắng teo. (Nguyễn Khuyến)
Ừ thì cái tuổi vong gia thất thổ này, cái tâm thức bác cũng như tôi làm như lúc nào cũng…vắng teo thế đấy, chẳng còn gì để bám víu ngòai quê nhà, cây đa bến cũ. Mọi sự còn đó có đó, bác và tôi hãy trở lại cái cửa bước ra vườn hồi nãy. À mà bác nhìn cái hồ ngay trước mặt có hơi ngúc ngắc phải không bác! Nói cho ngay mò mẫm với cái thác nước ngật ngừ này, tôi có hơi rị mọ một chút là vay mượn hòn non bộ của miền bắc Trung Hoa, và gán ghép cách xếp đá của Nhật. Ngang mặt hồ, đặt một phiến đá mỏng như hòn cù lao, ở trên ấy tôi sắp ba hòn đá to nhỏ khác nhau theo thế thiên, địa, nhân, hòn này gần, cục kia xa, có cao có thấp…

***
Ha! bác hỏi hai chữ Nho…nhã ở cái chậu đằng kia ấy hả? Thực tình tôi cũng ngu ngơ vì nó là chữ Nhật, tên “tsukubai”, hòn đá được khóet sâu như cái vại để chứa nước, dùng để…”hồng trần bất đáo”, hiểu theo trà đạo là rửa tay trước khi vào trà thất.
Nước chẩy qua đốt tre gộc khẳng khiu (kakeki), lửng lơ bắc ngang hòn đá với giải nước rơi lõm bõm không ngừng nghỉ xuống hồ dưới. Ấy là chưa kể hòn đá dựng đứng trơ trọi lừng lững ở cái hồ trên kia…Vì gần cả mười năm tôi cứ choảnh hoảnh với nó, rồi qua khói thuốc, một giây phút yên sĩ phi lý thuần ập tới. Thế là tôi khoan một cái lỗ làm cái thác nước, nước róc rách từ trên cao len lỏi chẩy xuống qua tàn cây. Chưa hết, tôi còn đục đẽo sâu vào đá theo giải nước thành dòng thác như…nước chẩy đá mòn, rồi quáng quàng với nhớ nước đau lòng con quốc quốc…Để rồi ngồi dài mòn mỏi đợi một ngày đá sẽ rêu xanh biết cùng ai nói câu tâm sự, đá ngủ bên thềm gọi chẳng thưa. (Tô Thùy Yên)

Tôi biết bác có hơi chênh vênh chống chếnh. Vậy thì bác với tôi tạm ngồi ở cái ghế này một nhát. Ừ mà tôi nói chuyện với bác đến đâu rồi nhỉ. Ha! Nhớ ra rồi: “Một ngày nào đó bác cáo lão về hưu thì cũng như tôi thôi”. Chuyện là gõ trống qua cửa nhà sấm với bác thì chữ “hưu” chiết tự từ chữ “nhân” và “mộc”. Vì vậy khi nào bác về già hãy…vui thú điền viên với cây cỏ như tôi đây. Như lúc này chẳng hạn, tôi vẫn thường ngồi chỗ này…để phiêu lãng quên mình lãng du về một quán nước bên đường cùng Quang Dũng ngày nào tiền nước trả rồi nắng gắt, đường xa chóang váng núi và mây. Và phóng mắt nhìn qua dẫy đá, hồ nước, cái cầu và tận đằng xa kia là một góc vườn hoang liêu trong một cõi đi về. Thôi thì cứ để tâm tư lãng đãng bồng bềnh về một chốn hư không cùng những người xưa năm cũ, hồn ở đâu bây giờ…Bác nhíu mày phân vân, thì cứ để đấy, tôi sẽ nhỏ to với bác sau.
Bây giờ bác bước xéo qua bên tay phải một chút, đó là cái cầu Nhật bắc qua dòng suối khô, rải rác trải rộng là những đá, sỏi lớn nhỏ hai bê bờ suối để sau này sỏi đá cũng cần có nhau .Ấy là tôi vay mượn lời nhạc Trịnh Công Sơn để hòai đồng vọng về một Văn Cao với em đến chơi một lần để rồi tất cả chỉ là một thóang mờ nhân ảnh. Rồi lại vướng víu, hòa lẫn bởi hai câu thơ Đường thi: “Kỵ lư quá tiểu kiều, độc thán mai hoa sấu”, vì vậy năm ngóai, tôi lụi cụi trồng cây mai Nhật tên Toyo Nishiky là là bên bờ suối:
Giang mai, mai ở bờ sông
Trong thơ Đỗ Phủ, ngàn năm vẫn buồn
Tàn rồi một độ hoa xuân
Thiền sư ngửa mặt tần ngần với mai
Bác đang mỉm cười vu vơ như…một thiền sư, mà ai chẳng một lần hòai cảm với mộng và mơ…Ấy là tôi muốn nhọ nhoạy tới mảnh vườn trúc đen cũng của Nhật này đây. Khi rày nó còn lưa thưa, mươi năm nữa qua một thóang mây bay. Bác sẽ thấy những thân trúc đen tuyền, cao vút, ngả nghiêng lơi lả theo gió chiều…Mà bác cứ lẫn ngẫn nghĩ mà xem, nếu làng quê đất Bắc mình mà thiếu vắng rặng tre đầu làng cuối ngõ, khóm trúc sau góc đình, bên bờ ao thì cũng một phần nào mất mát đi những nét bàng bạc trong tâm khảm. Để chẳng có Võ Phiến với Quê ngọai, hay Trăng quê với Bàng Bá Lân hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô lại múc trăng vàng đổ đi đi vào văn học sử, phải chăng thưa bác.
Quê ngọai cùng trăng quê, lại nhớ ngày nào như mới đâu đây về thăm quê nhà. Tôi lười biếng nằm thõng người trên cái võng trong bụi tre gộc dầy đặc. Giữa buổi trưa hè, gió hiu hiu thổi, đắm chìm trong tiếng kẽo kẹt của thân cây tre cọ vào nhau, lắng đọng qua tiếng lá tre xào xạc xanh um…Êm ả, thanh tịnh, nào có khác gì tiếng võng đưa âm ỷ của bà ngoại ru cháu bên chái nhà, hòa lẫn tiếng chó sủa vu vơ tận cuối thôn. Những nhạt nhòa ẩn hiện ấy, đã đẩy đưa tôi hòa nhập vào âm vọng xa vắng, mộc mạc và bình dị của hương đồng cỏ nội. Tất cả bây giờ chỉ là hòai niệm xa vời vợi, nhưng gắn bó không rời, thưa bác.

***
Dường như tôi hơi…hơi hám cổ lỗ cù rù thì phải. À mà bác chòm hỏm cái giống gì vậy? Ha! Hóa ra hòn non bộ. Bác và tôi lúc nào cũng vậy, thích quay quả về với các cụ ta cổ xưa trói chân kỳ ký tra vào rọ, rút ruột tang bồng trả nợ cơm (Cao Bá Quát).. Chẳng là bóng ngả đường chiều, cả một hòai bão tang bồng thu nhỏ vào hòn giả sơn, như ốc mượn hồn đấy thôi, thưa bác…
Và cũng xin thưa với các, hòn non bộ này mang dáng dấp của miền nam Trung Hoa. Nó với nước non, sông núi cùng ngư tiều canh độc. Chả dấu gì bác, chậu và đá được khuân từ Hà Tiên qua. Của đi tìm người có khác, nặng khiếp, nặng kinh người.
Nhưng được cái sườn núi chênh vênh có nhiều hóc hẻm đây đó. Nên tôi cứ dấm dúi ông tiều, ông canh vào hốc này, mỏm kia để có chỗ che mưa dầm nắng qua hình tượng lom khom dưới núi tiều vài chú, lác đác bên sông rợ mấy nhà. Ngang ngang đỉnh núi phất phơ có mấy ông tiên đánh cờ với bình rượu túi thơ cùng ngàn năm mây bay. Mấy lãn ông này không chịu bước xuống đèo Ngang bóng sế tà, cỏ cây chen đá, đá chen hoa. Thế nên tôi lại phải tẩn mẩn bắc cái cầu cho mấy tiên ông xuống núi ngắm bến bãi đâu đây gác mái ngư ông về viễn phố, gõ sừng mục tử tại cô thôn. Và ẩn hiện qua lùm cây bên dòng nước là một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Giờ đây bác đang ngậm ngùi, trong bác đang thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Mà thôi bác ạ, sông có khúc người có lúc, vận non nước nhà với nước non ngàn dậm ra đi đã vậy rồi, thở than u hòai ôm giấc mộng đầu hôm cuối bãi cũng thế thôi. Tất cả chỉ là giấc hòe, có tan có tụ, cùng sắc sắc không không:
Bản lai vô xứ sở
Xứ sở thị chân tông
Chân tông như thị huyễn
Huyễn hữu tức không không
(Định hương trưởng lão)
Chót chét tôi cũng phải dẫn bác tới khoảnh vườn hoang sơ như một ốc đảo mà lúc nẫy tôi chỉ cho bác. Bác thấy trong dẫy cây phong đỏ Nhật dầy đặc, có cái đầu tượng Phật Chàm bằng đá cẩm thạch trắng, to cũng gần bằng cái nồi ba mươi. Ấy đấy bác thấy không, cùng vận nước nổi trôi, dân tộc Chàm mất nước rồi cũng có mặt ở đây, để dãi dầu sương gió đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn cau mặt với tang thương. Rồi bác cứ ngẫm mà xem, tháp Chàm với Thăng Long hòai cổ cùng bà Huyện Thanh Quan, qua những lớp sóng phế hưng cũng nhạt nhòa theo lối xe ngựa cũ hồn thua thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Mọi nhẽ đang chìm dần dần vào quên lãng với vang bóng một thời. Nhất là trong lúc này, đất khách quê người tong tả với giấc hương quan luống lẫn mơ canh dài, gặp nhau cũng không ngòai vấn vương tri giao quái ngã sầu đa mộng đấy thôi, thưa bác...

***
Bác có hơi hám khật khừ rồi đấy, xin rước bác quá bộ về “trà thất” dùng tách trà đầu ngày. Tôi cũng hơi chém to kho mặn, gọi quá là trà thất cho có văn vẻ, văn ngữ đấy thôi. Thực ra như bác thấy, chỉ là giàn cây gỗ kèo này cột kia, gác ngang vắt dọc. Nói cho cùng, chỉ có khác là mớ cây leo rậm rạp um tùm đầy bóng mát, lâu ngày cây rủ xuống che ngang tầm mắt, âm u, cô tịch như cái thảo am. Nào mời bác dùng trà, tôi không múa bút như một trà nhân nào đó: “Từ tốn ngồi xuống trong tĩnh lặng của chân không, qua làn khói trà nhẹ tênh, tan lõang và cùng đi tìm những giây phút lắng đọng của tâm thức”. Riêng tôi chỉ dung dị, mỗi buổi sáng dưới bóng mát mầu xanh của giàn cây leo, tôi lại u hòai về một khúc nhạc có cái tên Bóng mát, cùng âm hưởng qua âm vọng: “Còn đâu nữa, tiếng hát ca dao ru tôi vào đời, dưới bóng tre xanh đong đưa nhịp võng, đã cho tôi bóng mát cuộc đời, còn đâu nữa, gió ngát hoa cau trong đêm dần tối, ngõ trúc trăng lên rong chơi hội làng, tiếng sáo lang thang theo chim về núi…mãi đi hoang, mãi lang thang…đã quên đi bóng mát cuộc đời”.
Và cũng mỗi buổi chiều cuối tuần, tôi thường ngồi ở đây, đắm chìm trong mông lung xa vắng, đưa cay cùng…nhớ nhà trong điếu thuốc, khói huyền bay lên cây.
Trà tam rượu tứ rồi cũng xong. Nào mình đảo một vòng thăm thú mấy kệ cây của tôi. Bác lẫn đẫn về Bonsai ấy hả? Ngắn và gọn, nếu như từ đời Hán, đời Đường, người Tàu đã tận thu tứ hải sơn hà vào ao, hồ, hòn non bộ... Sau người Nhật với Bosai, cây cối, rừng rậm được thu gọn trong chậu nhỏ, và một thời có tên là “cây thế” hay “cây Nhật lùn”. Mặc dù vườn nhà cũng có khá bộn, nhưng tôi chỉ chắt chiu hai lọai tùng bách và cây si. Với cây tùng thì thằng bạn tôi có hai câu Nho nhe, đủ nói lên tất cả: “Tuế bất hàn vô dĩ tri tùng bách, sự bất nan vô dĩ tri quân tử”.
Riêng vườn nhà có một cây si cổ thụ, cũng đâu đó gần trăm năm, mấp mé sấp sỉ cả một đời người với nhân sinh bách tuế vi kỳ. Bác cứ ngó chừng mà xem, gốc cằn cỗi sần sùi mốc meo, rễ buông chằng chịt chẩy dài từ trên xuống dưới. Nào có khác cây đa cây đề cạnh miếu đền, vậy mà cũng lạ lắm bác ạ, nó như ngậm nhấm vào xương vào tủy. Mỗi lần ngắm cây si già nua ấy, tôi lại lãng đãng, mường tượng về một khung trời nào đó, cùng những chiếc bình vôi lăn lóc bên miếu thổ địa, mái âm dương rêu phong ẩm ướt. Mỗi mớ rễ cây, mỗi chiếc bình vôi, ẩn hiện cả một quãng đời, qua bao thế hệ, chôn chặt gắn bó với đất đai làng nước, năm này qua năm khác cùng những ngày tháng đong đưa.
Từ chậu Bonsai nhỏ đến những chậu kiểng lớn, ý đồ tôi muốn ngầm khoe với bác. Tất cả đều được mang từ quê nhà sang. Thảng như bác hỏi tôi muốn gửi gấm gì ở vườn nhà? Chẳng dấu gì bác cũng thấy, không ngòai gói ghém qua mấy cái chậu vô tri vô giác kia. tôi nói thật đấy thưa bác, mỗi lần lang thang, lẩn thẩn trong vườn nhà với gió và mây, trong những ngày nhạt nắng. Thì tôi lại bâng khuâng nhìn cái chậu đồ gốm mầu gạch cua đồng, hoa văn là con rồng đắp nổi uốn khúc đầy hồn tính. Hay cái chậu men sành mầu ngọc bích, cùng những đường nét hoa văn thanh cảnh và dung dị. Hoặc giả như cái chậu mầu huyết dụ, như cái đỉnh nhang, mộc mạc và đơn sơ…mang mang qua những địa danh cùng những niên đại một thời ngày nào năm ấy.
Bác tặc lưỡi một cái bép rằng hình tượng chỉ là cục đất sét, sau đó là nung với nướng, thành cái chậu cái chum, có gì đâu mà nhặng sị lên vậy? Mệt bác quá đi, này bác ạ, cứ theo tôi học được thì nghệ thuật đồ gốm chân truyền qua tay nghề của các cụ ta xưa của làng Bát Tràng, Chu Đậu. Hình dáng đường nét không gò bó của đời Tống, đời Minh. Nét vẽ thóang đơn sơ, phóng khóang đan thanh dăm ba ngọn cỏ, lá rau muống là biểu tượng thăng trầm đổi thay của đất quê. Bác cứ nhìn con rồng đắp nổi này, rồng đời Nguyễn khác với đời Trần, rồng đời Trần khác với rồng đời Hán. Cả một dòng lịch sử, từ triều đại này qua triều đại khác, nhưng vẫn giữ văn hóa cổ truyền chan chứa đầy tình tự dân tộc. Nay những cái chậu mang hoa văn lá rau muống, cọng cỏ bèo dạt nổi trôi tắp về một mảnh đất nào đó ở quê hương thứ hai này, như nước chẩy về cội cùng những đường nét gần gũi và thân quen. Tất cả chỉ có vậy và không hơn, thưa bác.

***
Giời đất ạ, chết chửa cũng gần trưa rồi. Mà bác nói gì? Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà!. Vịt với gà, tôi biết bác muốn nhắc khéo gì nữa đây. Chuyến trước, một chuyến đò nên duyên đã nếm qua chả cá rồi. Hôm nay có tiết canh vịt với bánh đa vừng. Nếu răng cỏ bác có trên thì móm mém nhai không vỡ, dưới lại chun choăn nhét chẳng vào thì tôi bảo bu cháu xào xáo nồi ốc giả ba ba mời bác xơi. Bu cháu múa bát múa đũa cái toàng là xong ngay ấy mà. Có chuối xanh, nhăm lát đậu rán, ít sườn non, rau tía tô. Tôi dân đồng chua nước mặn, phải có tí ti mắm tôm mới đậm đà, thưa bác.Ấy là chưa kể dạo này bụng dạ nó hơi chộn rộn, chắc phải làm cút rượu rắn quê nhà mới xong. Riêng Bác đừng khách sáo, cùng người nhà cả, bác cứ dùng trà, nhất bác đấy.
Bác tặc lưỡi bảo tôi sướng. Sướng ở cái khổ nào! Chả dấu gì bác, chẳng qua cũng trong cái vòng lẩn quẩn đọan tống nhất sinh duy hữu tửu, trầm tư bách kế bất như nhàn đấy thôi, thưa bác.

Trúc gia trang
Lập xuân, Qúy Mùi 2003
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 01 tháng 02.2016