Chuyện Quê nhà


Sống một đời để yêu thương


Bác sĩ Quân (mặc áo blouse trắng) trong 1 buổi tầm soát sức khoẻ, khám chữa bệnh cho TPB tại văn phòng Công lý - Hoà Bình thuộc DCCT

Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Dẫu biết sinh tử là quy luật của đời người, nhưng vẫn bàng hoàng khi nghe tin ông đột ngột qua đời. Gặp ông nhiều lần trong chương trình Tri Ân Thương Phế Binh VNCH, nhưng những gì tôi biết về ông còn quá ít ỏi. Ông từng là một sĩ quan Quân Y của sư đoàn nhảy dù Quân lực VNCH. Thời kỳ cuối cuộc chiến, ông là bác sĩ phục vụ chiến trường thuộc Tiểu đoàn 6 nhảy dù. Ông còn là một cựu Hướng đạo sinh năng nổ, dễ mến, sau năm 1975, ông vẫn dấn thân trong phong trào Hướng Đạo dù gặp muôn vàn khó khăn. Và, một ông già ngoài 70 tuổi (*) sống nghèo khó trong căn nhà tuềnh toàng, đi đi về về mỗi ngày với những vui buồn của tha nhân, bộn rộn với các công việc bác ái ngoài xã hội.
Đấy là những gì tôi biết về ông, bác sĩ Quân.

Khi tôi vào Sài Gòn cuối năm 2015, có dịp tham gia một vài buổi tầm soát sức khoẻ, khám chữa bệnh cho TPB tại văn phòng Công lý - Hoà Bình thuộc DCCT, đã thấy ông ở đấy. Ông là một trong số rất ít bác sĩ dám mạo hiểm tham gia chương trình này. Tôi dùng từ “mạo hiểm” vì không phải bác sĩ nào, không phải ai cũng sẵn sàng làm việc này dù trong lòng rất muốn. Họ sợ, sợ chế độ, sợ công an. Có một vài bác sĩ cũng từng tham gia khám chữa bệnh cho Thương phế binh nhưng bị đe dọa, bị gây sức ép nên đành thôi.
- Bác vừa bị chúng nó ép xe, đạp bác xuống lòng đường. Bác cũng đạp lại, chúng nó ngã rúi rụi.
Vừa nói, ông vừa kéo ống quần lên, chỉ cho tôi thấy vết trầy xước còn đang rỉ máu ở chân. Không quan tâm đến vẻ lo lắng của tôi, không để tôi kịp xuýt xoa lấy vài câu, ông nhè nhẹ đập vào chỗ đau:
- Không sao, quen rồi. Kệ chúng nó muốn làm gì thì làm. Mình chả sao. Chúa che chở cho mình hết. Và ông cười. Nụ cười tươi rói và hồn nhiên như trẻ thơ.

Tôi nhớ nhất hôm ấy, cái hôm mà tôi đang ôm bụng, nhăn nhó kêu đau, ông đến. Không hiểu sao ông lại tới khu nhà trọ chỗ anh chị em chúng tôi tá túc, vào buổi tối muộn như thế. Một cách rất tự nhiên, ân cần, ông bảo:
- Đừng lo, em bé lớn, chèn vào các dây thần kinh nên đau. Tại con lớn tuổi, mang thai lần đầu, sức khoẻ yếu lại chịu cảnh tù đày nên đau hơn người khác. Ráng chịu nhé.
Rồi ông phân tích cho tôi hiểu những triệu chứng mà một thai phụ thường gặp phải, nhất là gần đến ngày sinh nở. Ông cũng hướng dẫn cho tôi tập một vài động tác để giảm bớt cơn đau.
Hôm ấy ông phải trèo tường, qua mặt bọn mật vụ đang lượn lờ quanh nhà để trốn đi, đến chỗ chúng tôi ngủ. Ông không muốn bỏ lỡ buổi khám chữa bệnh cho Thương phế binh VNCH vào ngày hôm sau, nên phải “dạt vòm” đi từ tối hôm trước như thế. Cú trèo tường lại làm ông què chân một lần nữa. Nhìn vết thương ở cả chân lẫn cánh tay ông chảy máu, tôi không dám xuýt xoa, sợ ông lại bảo “không sao”, rồi đổi ý không chịu xức thuốc. Ông là thế, rủi ro hoặc tai họa nào của bản thân cũng xem nhẹ, cũng đều “không sao cả”. Hôm ấy có lẽ là lần tâm sự dài nhất của ông với vợ chồng tôi. Những lần gặp gỡ khiến tôi luôn có ấn tượng rằng hình như ông không bao giờ biết buồn.

Ngoài công việc khám chữa bệnh của một bác sĩ, lúc nào tôi cũng thấy ông cười, ông hát hoặc đùa giỡn với những người xung quanh. Vui lắm, chan hoà lắm. Vì thế, chẳng mấy ai nghĩ đến một ngày nào đó ông sẽ bỏ chúng tôi mà đi. Cũng buổi tối hôm ấy, trong những câu chuyện ông kể, chúng tôi thấy gợn một chút buồn. Ông không kể chuyện đời tư ngoài việc ông từng là một bác sĩ quân y thời Việt Nam Cộng Hoà. Tôi cảm nhận được nỗi buồn ấy. Nỗi buồn, niềm xót thương cho những phận người, phận mình đã chẳng còn được những ngày tươi đẹp. Sau biến cố năm 1975, không còn là một bác sĩ nữa. Ông cũng không làm việc cho một bệnh viện nào thời cộng sản. Nhưng cuộc đời dầu sao vẫn luyến thương ông, để ông vẫn được là bác sĩ của những TPB VNCH. Ông có cơ hội để phục vụ, để sống nốt với hoài bão và lý tưởng của mình. Cho dù hoài bão ấy, lý tưởng ấy đôi khi còn rỉ máu.

Nét hồn nhiên, vui tính của bác sĩ Quân nhiều lúc khiến không ít người lầm tưởng rằng ông không mấy quan tâm đến tâm sự của người khác. - Ba mẹ Tôm đừng lo, có ông Quân đây, không ai bắt nạt được bé Tôm hết. Ông là ông của Tôm, là gia đình của Tôm. Đừng sợ không có ai, mọi người đều thương cả nhà Tôm mà.
Ông nựng nịu đứa trẻ vẫn còn nằm trong bụng như là cách để ông vỗ về ba mẹ nó. Có lẽ, vị bác sĩ già thương cảm cho hoàn cảnh của vợ chồng tôi từ lâu, hôm nay mới có dịp tỏ bày. Chúng tôi đã cảm động, và vui lắm.

 

Gia đình bác sĩ Quân hầu hết theo đạo Phật nhưng ông gắn bó với những người Công giáo. Ông tin Chúa. Ngoài việc khám chữa bệnh trong chương trình Tri ân TPB VNCH, từ nhiều năm nay, mỗi sáng ông đều thức dậy từ sớm, dắt chiếc xe gắn máy cũ kỹ ra khỏi nhà, bắt đầu một ngày với nhiều công việc bác ái khác nhau. Ông tham gia nhiều công việc phục vụ Hội thánh và hướng dẫn nhiều bạn trẻ Công giáo những việc như thế. Cho tới tận khi ông qua đời, người ta mới biết ông đã được cha phó Giáo xứ Tân Định làm nghi thức rửa tội cách nay chừng hai năm, tên thánh là Joseph. Thông tin này được một người bạn thân của ông chia sẻ. Trang facebook Tri Ân TPB VNCH có đưa tin “Vì bác sĩ Quân là trưởng tộc nên có khó khăn. Bác sĩ Quân có dặn người bạn về ước muốn theo Chúa của ông và dặn khi mất giúp làm tang lễ theo nghi thức Công giáo”. Chính vì thế nên một số Linh mục DCCT đã trao đổi với gia đình bác sĩ Quân về việc sẽ tổ chức Thánh lễ cầu nguyện cho ông và gia đình đã đồng ý. Vậy là mong muốn cuối cùng của cuộc đời ông, mong muốn được về với Chúa cũng được toại nguyện. Trong một lần chia sẻ lời Chúa với chúng tôi, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành - Nguyên Giám tỉnh DCCT VN, có nói rằng "khi ta chết đi, điều duy nhất Chúa sẽ hỏi là "khi sống, ngươi có yêu thương mọi người không?” Chúa không hỏi khi sống ta làm được gì. Không quan tâm ta là ai, là Linh mục, bác sĩ, nhà văn hay công nhân. Chúa sẽ không hỏi ta xây được bao nhiêu ngôi nhà từ thiện, cứu được bao nhiêu con người v.v... Điều Chúa quan tâm là khi sống, ta có yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương ta không. Vì Chúa muốn chúng ta yêu thương nhau. Vì chỉ có tình yêu thương mới có ý nghĩa, mới đem lại hạnh phúc, đem lại hoà bình và đem lại sự sống đời đời”.

Bác sĩ Quân là một người như thế. Cho dù ông đã trải qua nhiều biến cố khổ đau và chết trong nghèo khó. Nhưng ông đã sống một đời để yêu thương.
Cầu cho linh hồn ông được hưởng phúc đời đời trên thiên đàng.

10/3/2018

 

 

(*) Bác sĩ Quân năm nay 69 tuổi. Sau khi Miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, ông hủy hết mọi giấy tờ, vết tích chứng minh ông là một bác sĩ Quân Y của sư đoàn nhảy dù. Thời ấy, không riêng gì bác sĩ Quân mà nhiều cựu quân nhân cán chính VNCH đã lựa chọn cách như thế với hy vọng tránh được phần nào tai họa do cộng sản giáng xuống. Nhưng bác sĩ Quân vẫn phải đi tù cải tạo, tôi không nhớ rõ là ông bị đi bao nhiêu năm.


TIN BUỒN:

 

Chiều hôm qua 08/03/2018 chúng tôi nhận được tin Bác sĩ Quân - Một tình nguyện viên của chương trình Tri Ân TPB- VNCH đã đột ngột ra đi vĩnh viễn.
Sáng nay các Linh mục thuộc văn phòng Công Lý & Hòa Bình DCCT Sài Gòn cùng các TNV của chương trình Tri Ân TPB- VNCH đã đến tư gia của Bác sĩ Quân tại phường Trường Thọ, Thủ Đức (Sài Gòn) kính viếng và chia buồn cùng tang quyến sau sự ra đi đột ngột của ông.
Cha Vinhson Phạm Trung Thành, trưởng đoàn, đã thay mặt nói lời chia buồn sâu sắc đến tang gia và cám ơn về những đóng góp hết sức quảng đại của ông cho chương trình Tri Ân TPB- VNCH trong những năm qua.
Hình ảnh người bác sĩ với chiếc áo blouse trắng lúc nào cũng kề cận bên người TPB- VNCH trong các buổi khám chữa bệnh tổng quát chắc chắn sẽ khó phai trong lòng của những người TPB và những ai yêu mến và đồng hành cùng chương trình này trong những năm qua.
Bác sĩ Lưu Hồng Quân trước 1975 là Sĩ quan Quân Y của sư đoàn nhảy dù QLVNCH, vào thời gian cuối cuộc chiến là BS phục vụ tại chiến trường trong toán quân y thuộc Tiểu đoàn 6 nhảy dù.
Mặc dù lớn tuổi nhưng BS Quân luôn tham gia cùng các TNV trong chương trình Tri Ân TPB VNCH do DCCT Sài Gòn tổ chức. BS Quân là một TNV năng nổ trong tất cả các lãnh vực chứ không riêng gì về y tế, tận tình hướng dẫn các TNV từ cách dìu các TPB và nhất là cách đẩy xe lăn cho các TPB sao cho an toàn nhất.
Xin vĩnh biệt ông và xin được nói lời tri ân đến ông về những đóng góp của ông trong những năm qua.

L’image contient peut-être : 1 personne, debout
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Facebook TRI ÂN TPB VNCH



Bệnh viện và nghĩa trang

Trần Mộng Tú

Chị thì thầm vào tai anh:
“Còn mấy hôm nữa là rằm tháng Giêng chắc mình phải về nhà chứ".
Anh kéo chiếc mền mỏng lên ngang ngực, chiếc mền ngắn quá, lòi cả nửa ống chân ra ngoài. Anh nhìn chung quanh một vòng, ngượng ngùng co chân lại.
“Về sao được em, phải chờ chứ, còn nước còn tát, mấy hôm nay thằng bé cũng thấy khá hơn một chút.”
Hai vợ chồng đang nằm ngủ ngay trước cửa Bệnh Viện Ung Thư, con trai họ 12 tuổi kiếm được một chỗ nằm chung một giường với một đứa trẻ khác bên trong, (sau khi anh chị đưa cho y tá trực ở đó hai lần hai cái phong bì). Dưới gầm giường thì có bố mẹ của đứa bé kia rồi, không còn chỗ cho anh chị nữa.
Họ lên đây từ trước Tết, đợi mãi mới tới phiên con được khám. Trong khi chờ thì cứ ngồi, nằm, ngay ở hành lang bệnh viện. Anh chị không phải là cặp vợ chồng duy nhất ngủ ở ngoài này. Số người chờ khám cho thân nhân hay chờ khám cho chính mình nhiều hơn số giường của bệnh viện có, nên người chờ đợi, ăn, ngủ, tràn lan ra tới hành lang.


Nằm chờ khám bệnh

Trời mưa lụt, nước tràn ngập cả trong phòng đợi, người ngồi, kẻ nằm trên những chiếc ghế nhựa trông thật thảm thương. Ngày khô thì chiếu trải la liệt dưới đất. Bệnh viện mà trông như trại tỵ nạn.


Nước lụt trong phòng chờ ở Bệnh Viện Ung Thư-Hà nội


Bệnh viện Ung Thư Hà Nội

Anh chị từ Hòa Bình mang con về Hà Nội chạy chữa, thằng bé 12 tuổi đang đi học bỗng ngã bệnh, chữa mãi Bác Sĩ tỉnh nhà không khỏi, thử máu, chụp hình mới biết là bị ung thư màng óc.
Chị lại thì thầm: “Tết mình đã không có mặt ở nhà để cúng ông bà, thì Rằm cũng phải về cúng Phật chứ anh. Hay em ở lại với con, anh về mấy hôm đi.”
“Anh về cũng chẳng an tâm được. Mấy hôm ngủ ngoài sương thấy em đã bắt đầu ho. Thôi, Trời Phật cũng thông cảm cho mình.”
Chị im lặng một lúc, lại ngập ngừng nói: “Thôi anh cứ yên tâm về đi, còn bà nội thằng Tí ở nhà nữa, anh về đi kẻo mẹ trông, em biết là mẹ mong anh về lắm.”
Người chồng ngồi hẳn dậy, co hai chân lên vòng tay ôm qua đầu gối, thở dài.
“Ừ, chắc anh nên về, em nói đúng, bà nội thằng Tí đang mong tin lắm. Anh đã chia tiền ra từng gói nhỏ để em tiện chi tiêu. Tiền trả cho Bệnh Viện chữa trị, tiền đưa bác sĩ thì anh để riêng, tiền đưa y tá, tiền lao công anh cũng để riêng.”
Người vợ ngồi hẳn dậy, quấn lại cái chăn cho gọn, thu xếp mấy cái túi đựng cả một gia đình lưu động của mình. Chị nhìn chung quanh một vùng bao quát, trong ánh nắng sớm mai yên tĩnh mọi người chưa thức dậy hết. Họ nằm ngang, nằm dọc, hay xoay chân ngược chiều nhau. Những bàn chân gầy gò, và những cái đầu xơ xác tóc, họ đang ngủ hay đã thức rồi mà vẫn còn nằm im lo lắng bất an. Mặt trời sẽ lên, thêm một ngày chờ đợi, đến bao giờ mới tới phiên mình, hay phiên của người thân mình. Số tiền mang trong túi, cài hai ba cái kim cho chặt, liệu có đủ trả tiền chạy chữa, tiền thuốc và tiền phong bì không?
Nói đến phong bì chị bỗng nhớ, hỏi anh: “Tiền anh lo đủ rồi nhưng anh quên chưa mua phong bì cho em. Đưa thẳng tiền mặt ra ai đứng gần cũng nhìn thấy, không tiện đâu.”
Anh ngẩn người ra, ừ nhỉ mấy hôm nay bận quá, cứ lo chỗ ăn chỗ ngủ cho con bên trong bệnh viện, cho hai vợ chồng ngoài hành lang, anh quên hẳn việc phải mua sẵn một lố phong bì. Anh nhìn trước nhìn sau thấy một xấp báo còn mới, ai đó vứt sang chỗ anh chị nằm. Anh nhặt lên nói với chị: “Báo còn mới, em cứ lấy con dao, rọc vuông vức rồi gói tiền vào đó cũng được. Nhưng phải nhớ để riêng vào túi trong, túi ngoài, kẻo nhầm của người này lại đưa cho người kia.”
Chị cười nhẹ: “Anh đừng lo, tiền thì em cẩn thận lắm.”
Chị đón xấp báo còn mới trong tay anh, báo trong tay thì dĩ nhiên là chữ trước mắt, chị đọc qua một chút trước khi đi tìm dao rọc. Sau mấy phút chị ngẩn người ra, để rơi tờ báo xuống lòng. Anh thấy lạ hỏi: “Tin gì vậy em?” Chị không nói, đưa tờ báo cho anh.
"Báo chí trong nước cho hay, chính quyền thành phố Hà Nội hôm 1/2 công bố quy hoạch được thủ tướng phê duyệt về xây nghĩa trang “phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước”.
"Tin cho hay, nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 cây số về phía Tây, giáp Vườn Quốc Gia Ba Vì; phía Đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình; phía Nam giáp đồi núi và khu dân cư.
Tổng diện tích nghĩa trang là 120 hécta, gồm khu an táng 72 hécta, với 2,200 – 2,500 ngôi mộ, mỗi ngôi mộ có khuôn viên 25-35 mét vuông và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 hécta, có sức chứa 5,000 người.
Nguồn vốn dự kiến hơn 1,430 tỷ đồng (hơn $63 triệu) sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng".
Anh đọc tiếp ở một trang khác:
"Vẫn theo các báo, với tổng diện tích 120 hectare, tương đương một phường lớn ở nội thành Hà Nội, dự án có vị trí ở huyện Thạch Thất, dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 kilomet về phía tây. Thông tin từ bản quy hoạch cho thấy sẽ có 105 hộ dân phải di dời để nhường chỗ cho dự án".
Anh đọc xong nhìn sang chị, thấy chị vẫn thẫn thờ nhìn mông lung ra một nơi xa lắc xa lơ nào đó. Anh hỏi: “Sao vậy em, nhà nước xây nghĩa trang thì dính dáng gì tới mình mà em buồn quá vậy?”
Chị quay lại nhìn chồng, hai mắt mở to:
“Sao mấy ông lớn không nghĩ đến việc xây thêm mấy cái bệnh viện cho người đau ốm, xây thêm trường học cho trẻ em? Họ bỏ ra tới 1,400 tỷ đồng để lo “chôn “ những người chưa chết. Rồi lại thêm 105 gia đình phải mất nhà mất cửa cho họ thêm chỗ. Anh nhìn đi, cả bao nhiêu năm nay bệnh nhân cũng như người thân của bệnh nhân nằm màn trời chiếu đất trước cửa bệnh viện. Trẻ con nghèo không đủ cơm đã đành ngay cả trường lớp cũng thiếu thốn. Có ông lớn nào quan tâm tới không?”
Anh nhìn vợ với cặp mắt thương hại, nói nhỏ:
“Thế bây giờ em định làm gì, em cầm biển ngữ đi biểu tình đòi nhà nước xây bệnh viện, trường học thay vì xây nghĩa trang cho các ông lớn hả. Em có muốn vào tù vì tội chống phá nhà nước, trong khi con em đang bị ung thư không?”
Chị nhìn anh một lúc, không trả lời. Hai con mắt chị ánh lên một nét giận dữ, chị mở tung những cái giỏ ra tìm con dao, chị nín thở rọc tờ báo ra từng miếng nhỏ để làm những cái phong bì, chị dằn mạnh từng nhát dao đi qua những hàng chữ: “nghĩa trang, “phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước” “Nguồn vốn dự kiến hơn 1,430 tỷ đồng (hơn $63 triệu) sẽ lấy từ ngân sách nhà nước".“105 hộ dân phải di dời để nhường chỗ cho dự án".


Mô hình nghĩa trang cho các cán bộ cao cấp

Chị cắt ngang, cắt dọc tờ báo tưởng như cắt đứt được những dự án làm chị uất ức. Chị cắt được hơn mười cái phong bì, chia ra bốn túi khác nhau, cho bác sĩ, y tá và lao công. Chị biết, muốn cứu con chị thì không thể nào tránh né được cái khoản chi trả thêm này.
Chị nhìn anh đang thu xếp về nhà với mẹ để kịp cúng Rằm. Thật ra chị biết, cúng Rằm chỉ là phụ, việc chính là anh về nhà chạy thêm tiền, số tiền anh chị đem theo được so với số tiền sẽ phải dùng tới cách xa nhau nhiều quá. Nghĩ đến những món nợ sẽ phải trả, chị thấy như có một khối đá đè lên ngực.
Hai con mắt chị vẫn còn ánh lên những tia giận dữ, cái giận dữ của một người hoàn toàn bất lực trước một việc xấu mà sức mình không làm gì được. Một khu nghĩa trang 5000 huyệt mộ. Quan chức cao cấp Đảng ở đâu mà nhiều thế? Chắc chắn các đại gia sẽ có phần mộ ở đây. Có khi cả ca sĩ nổi tiếng có tiền cũng dọn vào. Chưa chắc các danh nhân và anh hùng tử sĩ đã có chỗ, vì phần đông gia đình họ nghèo và họ đã tắt tiếng nói (may ra có một tấm bia chung).
1Chị kêu thầm trong ngực. “Bệnh Viện, Trường Học và Nghĩa Trang. Một cái cho người sống, một cái cho kẻ (chưa) chết. Cái nào cần thiết hơn?". Nước mắt chị ứa ra.
Có ai trả lời cho chị không?

Trần Mộng Tú
Ngày 2/25/2018


Lính Hải Quân CSVN trên chiến hạm

nấu bếp bên hỏa tiễn (?)

Người Việt


Lính hải quân hộ tống hạm lớp Gepart 3.9 nấu bếp với lò ga bên cạnh dàn hỏa tiễn chống hạm. (Hình: FB Trung Minh Phạm)

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một tấm hình đang được nhiều facebooker lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh rất không bình thường một lính Hải Quân CSVN ngồi nấu bếp với lò ga rất gần với dàn hỏa tiễn chống hạm.
Tấm hình phát xuất từ trang cá nhân của facebooker Quang Phan hôm Thứ Hai, 5 Tháng Ba 2018, mà ông cho hay đã “share” từ trang facebook Trung Minh Pham. Hình rất rõ nét có vẻ từ một trong 4 hộ tống hạm lớp Gepart mà Việt Nam mua của Nga mấy năm gần đây.
Đây là những chiến hạm, với những nước khác là rất nhỏ, nhưng với Việt Nam là to nhất, trang bị tối tân nhất. Hai chiếc chỉ có khả năng chống tàu mặt nước, hai chiếc mua sau thêm khả năng chống tàu ngầm.
“Trên con tàu Gepard 3.9 mệnh danh báo biển vừa mua quãng 120-160 triệu Mỹ kim – Hiện đại nhất của Hải Quân Việt Nam, quân đội ta đã trình diễn một tác phong kỷ luật không thể nông dân hơn được. Bên dàn phóng tên lửa chống hạm (Kh-35 Uran-E), một anh lính Hải Quân cặm cụi nấu nướng với dầu mỡ, chảo thớt, thùng carton ngổn ngang và hai cái bếp ga!,” Facebooker Quang Phan viết bình luận.
Facebooker Quang Phan thuật lại một trang mạng của Trung Quốc bình luận: “Kỷ luật quân sự Việt Nam hỗn loạn như thế nào? Một người lính đã nấu ăn ngay bên cạnh dàn phóng tên lửa.”
Mẩu tin và bình luận của Facebooker Quang Phan cùng tấm hình ông “share” từ trang facebook Trung Minh Pham truyền đi rộng rãi trên mạng dẫn đến nhiều lời bình luận bày tỏ sự ngạc nhiên khi lực lượng Hải Quân CSVN vừa bắt đầu mở “Lễ ra quân huấn luyện năm 2018.”
Có người viết bình luận: “May mà chưa đưa rơm lên tàu đốt.”
Bản tin của trang mạng HQ Online ngày 1 Tháng Ba, 2018, tường thuật tóm tắt chương trình ra quân huấn luyện đầu năm 2018 của Hải Quân CSVN tại khắp các đơn vị thuộc quân chủng Hải Quân trên cả nước do một đoàn phóng viên tường thuật.
Chương trình huấn luyện năm 2018 có chủ đề: “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, an toàn, làm chủ, quyết thắng” lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và xây dựng quân chủng ‘Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại’ làm mục tiêu huấn luyện.”
Chỗ nào cũng thấy tường thuật với những lời như “cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật và thực hiện quy tắc an toàn,” nhưng tấm hình của Facebooker Trung Minh Phạm chứng minh ngược lại. (TN)
March 6, 2018
https://www.nguoi-viet.com


Đồng Nai: Cả làng dùng hóa chất

"biến" khoai mì thành đông dược

Người Việt


Đổ lưu huỳnh vào lon, thêm dầu hỏa để xông khoai mì. (Hình: Báo Thanh Niên)

ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Một quy trình hãi hùng bào chế đông dược giả: xông, ủ hóa chất có độc hại để “biến” khoai mì thành hoài sơn một vị thuốc Đông Y không thể thiếu trong món gà tiềm thuốc bắc, lẩu dê,… đang bán khắp nơi ở Việt Nam.
Từ phản ánh của người dân, báo Thanh Niên về ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, nơi có nhiều cơ sở đang dùng khoai mì (sắn) để làm hoài sơn (củ mài), bằng hóa chất gây ô nhiễm, người hít phải thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn,…
Theo mô tả của tờ báo này, tại ấp Bến Đình, dọc hai bên đường Trần Văn Trà có hàng loạt bãi phơi khoai mì. Mỗi bãi rộng hàng ngàn mét vuông. Khoai mì nguyên củ cạo sơ vỏ hoặc xắt lát được phơi trên những tấm bạt mỏng rách nát dưới đất, bám đất cát đen xì cùng nhiều đống khoai mì phủ bạt kín mít. Quanh bãi phơi, rác, củ mì hư thối vương vãi khắp nơi…
“Những hộ dân ở đây làm nghề này lâu rồi, ít nhất cũng 20 năm. Khoai mì được mua ở huyện Long Thành chở về bằng xe tải lớn…,” bà H. ở Bến Đình, xã Phú Đông cho hay.
Bà D., một hộ gia công khoai mì cho biết: “Tôi nhận khoai mì củ được chẻ sẵn của bà M. về cắt, gọt sao cho giống hình dạng hoài sơn với tiền công 1,000 đồng/kg.”
Để tiếp cận bà D. chủ cơ sở, phóng viên báo Thanh Niên phải mượn cớ muốn mua số lượng lớn hoài sơn đưa về miền Trung bỏ mối. Bà D. liền gọi điện cho bà M. Vài phút sau, bà M. tới dẫn chúng tôi vào cơ sở sản xuất. Đó là cơ sở nằm cuối dãy cùng trong hẻm.
Tại đây, ông T., con trai bà M., nói thẳng: “Ở đây không có hoài sơn thật mà chỉ có hoài sơn giả làm từ khoai mì, khoai từ, trong đó khoai từ giả hoài sơn là giống nhất. Loại hoài sơn khoai mì bán trong nước, còn loại bằng khoai từ chỉ để xuất khẩu. Mỗi tháng tôi làm 100 tấn khoai mì tươi, ra thành phẩm vài chục tấn hoài sơn giả.”
Sau nhiều ngày tìm hiểu, phóng viên báo Thanh Niên mới phát hiện thuốc để biến khoai mì thành hoài sơn là lưu huỳnh. Đây cũng chính là hóa chất mà người dân phản ánh có mùi hắc, gây chóng mặt, buồn nôn… khi các cơ sở chế biến khoai mì sử dụng.


Đặt lưu huỳnh vào giữa đống khoai mì củ, sau đó đốt xông, ủ. (Hình: Báo Thanh Niên)

Theo đó, khoai mì tươi mua về gọt sơ vỏ bên ngoài rồi đem xông lưu huỳnh. Cụ thể, xông xong đợt 1, đem đi phơi 20 ngày dưới nắng. Sau đó, xông lưu huỳnh lần thứ hai để tránh bị mốc nhằm trữ bán quanh năm. Khi có khách hàng đặt mua hoài sơn, các cơ sở chỉ cần lấy khoai mì trữ ra cạo rửa sạch, xắt lát, rồi xông lưu huỳnh lần thứ 3, phơi khô và giao hàng. Với quy trình này, củ khoai mì rút hết nước, trắng tinh, tim khoai cũng tan biến, nhìn rất giống củ mài.
Để biết cách xông khoai mì bằng lưu huỳnh ra sao, báo Thanh Niên tiếp cận làm quen với ông K. (50 tuổi), một trong những người làm việc này lâu năm.
“Mì tươi mua về mình bào sơ sơ kiểu sọc dưa rồi chất đống. Sau đó khoét nền đất một lỗ ở giữa đống mì, bỏ lưu huỳnh vào lon sơn loại 1-3 kg, đốt lên, phủ bạt kín cho mì ‘hút’ thuốc vô rồi đem ra phơi nắng. Một tấn thì dùng cỡ 4 lon bột lưu huỳnh, đốt 8 đợt trong 4 ngày liên tục suốt ngày đêm. Sau khi đốt xong, đem mì củ ra phơi nắng hơn hai tuần cho khô, cho vào bao tải chở về. Ở đây các cơ sở ai cũng làm như vậy cả,” ông K. cho biết.
Cách khu vực phơi khoai mì của ông K. khoảng 300 mét là bãi phơi của bà U. Tại đây, báo Thanh Niên trực diện thấy một thanh niên vào ca thay lưu huỳnh ủ mì. Người này một tay xách bao lưu huỳnh, một tay xách bao vỏ lon, lần lượt tới từng đống mì mở bạt, lấy vỏ lon đã cháy hết lưu huỳnh sau một đêm xúc lưu huỳnh bột bỏ vào, thêm một chút dầu rồi đốt. Sau đó, anh ta đặt lon lưu huỳnh đang cháy vào lại đống mì và kéo bạt phủ kín.
Tin cho biết, một ký khoai mì tươi giá chỉ vài ngàn đồng, sau những công đoạn xông, ủ hóa chất lột xác thành hoài sơn giả bán với giá hàng chục ngàn đồng/kg.
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, ngụ quận 3, hoài sơn còn gọi sơn dược, là thân rễ của cây củ mài, một loại dây leo trên mặt đất, mọc hoang khắp vùng rừng núi ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam. Củ mài ngoài tinh bột còn có chất muxin, allantoin, axit amin, acginin, cholin, men tiêu hóa mantoza,…
Sau khi đào lên, cạo vỏ, sấy khô bào chế thành vị thuốc bổ hoài sơn với công dụng: bồi bổ tỳ vị, tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ thận, bổ phổi, điều trị các chứng ho hen, sinh tân dịch, cân bằng âm dương trong cơ thể, điều trị xuất tinh sớm và bệnh tiểu đường… Ngoài vị thuốc Đông Y chữa trị nhiều loại bệnh, hoài sơn không thể thiếu trong món gà tiềm thuốc bắc, lẩu dê.
Trong khi đó, bà Lê Kim Phụng, dược sĩ Khoa Y Học Cổ Truyền, Đại Học Y Dược Sài Gòn, cho rằng việc dùng lưu huỳnh xông, ủ khoai mì để làm giả hoài sơn không chỉ đe dọa sức khỏe người sản xuất, mà còn đe dọa sức khỏe người sử dụng, bởi chất này nếu tích lũy nhiều trong cơ thể sẽ gây ung thư. (Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com


Tiến lên XHCN: toàn đồ đểu

ST

Hắn đem gia đình sang du lịch Paris.
Khi hắn vừa tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, và mọi người trở thành thất nghiệp. Hắn may mắn thừa hưởng một miếng đất rất rộng ở ngay ngoại ô Saigon , hắn canh tác miếng đất đó, trồng rau quả, nuôi gà vịt, mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Thì giờ rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn "ngôn sử".
Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp là philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt. Năm 1980, hắn nhờ tôi tìm mối bán nhà và đất lấy mười lượng vàng vượt biên. Tôi tìm không ra, và hắn ở lại. Không ngờ như thế mà lại may. Gần đây nhà đất vùn vụt lên giá, hắn bán một phần khu đất và trở thành triệu phú đô la. Hắn bảo tôi :
- Bôn ba không qua thời vận. Mày xông xáo như thế mà cuối cùng lại chẳng ra gì so với tao. Cái nhà mày hơi bị nhỏ đấy. Tao là một sản phẩm của tệ đoan xã hội. Chúng nó ăn hối lộ và buôn lậu, nhiều tiền bẩn quá phải mua nhà đất để tẩy, nhờ thế mà tao giàu sụ. Tao bán hơn năm ngàn mét đất được vài ngàn cây, sau khi lịch sự mất vài trăm cây.
- Lịch sự ?
- À, đó là một tiếng mới - hắn cười to. Bây giờ người ta không nói là đút lót hay đưa hối lộ nữa, xưa rồi ! Bây giờ người ta nói là "lịch sự". Lịch sự trở thành một động từ. Làm cái gì cũng phải lịch sự mới xong; không biết lịch sự thì không sống được. Tao nhờ một thằng bạn lanh lẹ lịch sự giùm mới bán được miếng đất đấy. Thằng bạn nhờ đó được một trăm cây tiền lùi.
- Tiền lùi ?
- Đó cũng là một từ; mới nữa. "Lùi" có nghĩa là tiền mà kẻ được lịch sự bớt cho, còn gọi là tiền lại quả, cũng một tiếng thời thượng mới. Nó đ̣i năm trăm cây nhưng lùi cho một trăm cây.
Hắn tặng vợ tôi một cái túi xách tay Louis Vuiton và nói đó là là một túi mố. Hắn giải thích "mố" cũng là tiếng mới xuất hiện, dùng thay cho "thời trang", hay "mốt" trước đây. Hắn cho tôi một sơ-mi lụa và nói đó là lụa thực chứ không phải lụa đểu.
Tôi hỏi lụa đểu là gì thì hắn phá lên cười :
- Mày lỗi thời quá rồi.. Bây giờ trong nước người ta không nói là "giả" nữa mà nói là "đểu". Hàng đểu, bằng đểu, rượu đểu, thuốc đểu.
Tôi, sực nhớ ra hắn là một nhà ngôn sử, bèn hỏi hắn:
- Thế mày nghĩ gì về những từ mới này ?
Hắn bỗng trở thành nghiêm trang, trầm mặc một lúc rồi nói :
- Ngôn ngữ của dân tộc nào cũng gắn liền với lịch sử. Cái gì thường trực và lâu dài cũng trở thành ám ảnh rồi đi vào ngôn ngữ. Mày thử xem, ngôn ngữ của nước nào cũng xoay quanh hai từ "có" và "là", être et avoir, to be and to have.
Người Việt thì không có gì cả mà cũng chẳng là gì cả, chỉ có cái thân phận nô lệ, bị bóc lột và đói triền miên, vì thế mà động từ căn bản của tiếng Việt là "ăn".
Thắng bại thì gọi là ăn thua, thằng nào thắng thì có ăn, thằng nào thua thì đói; sinh hoạt nghề nghiệp thì gọi là làm ăn, vợ chồng ăn ở, ăn nằm với nhau, nói chuyện là ăn nói, rồi ăn ý, ăn ảnh, ăn khớp... Ngay cả lúc chửi nhau cũng cho ăn cái này cái kia, rủa nhau là đồ ăn mày, ăn nhặt, ăn cắp, ăn giật. Cái gì cũng ăn cả vì đói quanh năm, lúc nào cũng bị miếng ăn ám ảnh.
Bây giờ cũng thế, cái gì cũng đểu cáng cả. Chính quyền đểu, Nhà Nước đểu, nhà trường đểu... Cái gì cũng đểu cả nên đểu hiện diện một cách trấn áp qua ngôn ngữ.
Hắn dừng lại một lúc rồi nói tiếp :
- Nhân loại tiến triển qua các thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Chúng ta còn có thời kỳ đồ đểu. Nước mình đang ở thời kỳ đồ đểu.
ST

http://tntmediasandiego.com

 

Đăng ngày 10 tháng 03.2018