VINH DANH HỌ LÝ

Trần Khánh

Thời kỳ rực rỡ của các vua Lý Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Thần Tông và Anh Tông đã đánh Tống, bình Chiêm. Nhà Lý suy vong từ đời Lý Cao Tông, lúc ông Tô Hiến Thành, phụ chính đại thần mất năm 1179. Lúc ngài lâm trọng bịnh, có quan Tham tư Chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ. Đỗ Thái hậu, mẹ vua Cao Tông đến thăm, hỏi ngài rằng: "Nếu ông qua đời ai sẽ thay ông được?". Ngài đáp: "Có quan Gián nghị Đại phu Trần Trung Tá". Thái hậu ngạc nhiên hỏi tại sao ông không cử Vũ Tán Đường. Ngài trả lời rằng: "Nếu hỏi người hầu hạ, tôi xin cử Tán Đường, nếu hỏi người giúp nước, tôi xin cử Trung Tá."
Khi ông mất, triều đình không nghe lời di chúc của ngài lập Đỗ Yên Di lên làm phụ chính, Lý Kinh Tu làm đề sư. Từ đó vua Cao Tông ăn chơi, hoang dâm vô độ, nạn tham ô loạn lạc nổi lên khắp nơi.
Thái tử Sam, con Cao Tông chạy loạn về Hải Ấp, một vùng đánh cá ở Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, ngụ tại nhà Trần Lý. Thái tử Sam thấy con gái của Trần Lý tên Trần Thị Dung đẹp xin cưới làm vợ. Vì thế anh em họ Trần mộ quân giúp Thái tử Sam dẹp loạn.
Vua Cao Tông mất năm 1210, Thái tử Sam lên nối ngôi hiệu là Lý Huệ Tông; nhà vua yếu đuối lại thích rượu chè. Huệ Tông phong Trần Thừa làm phụ quốc thái úy, Trần Thủ Độ là em hoàng hậu làm điện tiền chỉ huy sứ. Từ đấy, họ Trần nắm hết cả quyền bính.
Huệ Tông không có con trai, chỉ có hai công chúa, Thuận Thiên gả cho Trần Liễu và Chiêu Thánh, mới bảy tuổi được lập lên làm thái tử (Việt Nam Sử liệu - Trần Trọng Kim).
Trần Thủ Độ âm mưu đưa cháu là Trần Cảnh, con Trần Thừa vào cung để bầu bạn với Chiêu Thánh. Mặt khác Thủ Độ lại tư thông với Thái hậu để mưu việc cướp ngôi nhà Lý.
Tháng 10 năm 1224, Huệ Tông truyền ngôi cho Chiêu Thánh, hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Huệ Tông bỏ ngôi đi tu ở chùa Chân Giao. Một hôm Thủ Độ đi ngang qua chùa thấy vua ngồi nhổ cỏ ở trước sân, Thủ Độ nói: "Nhổ cỏ phải nhổ cả gốc lẫn rễ". Nhà vua liền đáp: "Nhà ngươi nói ta đã hiểu rồi". Mấy hôm sau, nhà vua treo cổ tự vận.
Tháng 12 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, niên hiệu Trần Thái Tông vừa mới 8 tuổi. Quyền bính nằm trong tay Trần Thủ Độ với chức thái sư tướng quốc.
Năm 1232, nhằm lễ giỗ tổ tiên nhà Lý ở thôn Thái Đường, làng Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, Thủ Độ sai người đào hầm làm bẫy ngụy trang trong nhà thờ. Con cháu họ hàng tụ tập tế lễ, bị sập xuống hầm và bị chôn sống hết.
Thủ Độ lại cấm không cho ai trong họ còn sống sót lấy họ Lý mà phải đổi thành họ Nguyễn, lý do nói là tổ nhà Trần tên Lý nên phải cữ tên Lý. Thực ra, mục đích là muốn xóa bỏ họ Lý để trong dân gian chẳng ai còn nhớ đến tiên triều mà gây loạn.
May mắn thay, một hoàng thân tên Lý Long Tường, là con thứ 7 của Lý Anh Tông, em Cao Tông và là chú Huệ Tông, giữ chức đề đốc trấn nhậm ở cửa biển Đồ Sơn được hung tin, vì sợ họa tới, cùng gia quyến, gia nhân lên thuyền vượt biển Bắc. Thuyền trôi giạt vào cửa Phú Lương, quận Khang Linh, tỉnh Hoàng Hải (Hwang Hae), xứ Triều Tiên. Đó là đoàn người vượt biển bằng thuyền đầu tiên trong lịch sử Việt Nam (boat people) cách đây trên 750 năm (theo tạp chí Sử học Nhật Bản số 2 năm 1941).
Vốn là người nhiều nghị lực, học rộng, Lý Long Tường phải làm lại cuộc đời, cưới vợ người Cao Ly, viết văn thơ lễ học, soạn sách "Học vấn Giảng hậu", mở lớp dạy học, đệ tử rất nhiều.
Năm Quý Sửu, tháng 7-1253, đời vua Cao Ly thứ 40, hàng vạn quân Nguyên (Mông Cổ) tràn vào hòn Đông Giang, tràn qua Tây Hải, phá An Giang Sơn Thành, sát hại dân lành. Hải quân đánh phá vùng duyên hải tiến vào Đại Thành, Tiểu Thành, rồi như thác lũ ùa vào Tân Đô. Kinh đô Cao Ly bị đe dọa, tướng sĩ tử trận nhiều. Trước tình thế nguy ngập, Lý Long Tường nghĩ mình và thân tộc đã chịu ơn đất nước Cao Ly đã cứu giúp, thì chỉ còn trả ơn lúc này. Ông liền trình lên vua kế hoạch bảo vệ thành, huy động quân sĩ, xây thành đắp lũy ngăn chặn giặc. Trong thành đào giếng, tích trữ quân trang, quân dụng, lương thực. Lý Long Tường áp dụng chiến thuật đánh giữ thành của vương triều Lý Đại Việt trong thời kỳ chống quân Tống trước kia. Ông cưỡi ngựa trắng chỉ huy đánh suốt nửa năm, quân Mông Cổ phải xin hàng rút về nước.
Nước Cao Ly mừng chiến thắng, nhà vua liền phong cho Hoàng tử Lý Long Tường tước Hoa Sơn Tướng quân, cho đổi ngọn Trấn Sơn (Chin Sang) thành ngọn Hoa Sơn, là tên núi ở quê hương ông. Trên tấm bia lớn của Hoa Sơn quán, vua ban cho ba chữ "Thụ hàng môn" (cửa tiếp nhận đầu hàng của giặc) treo phía trên để ghi khắc công lao của Hoa Sơn Tướng quân. Vì cưỡi ngựa trắng chỉ huy nên còn được gọi Bạch mã Tướng quân. Được nhà vua cấp cho 30 mẩu đất để 20 gia đình làm thái ấp thờ cúng tổ tiên. Trong Lý Hoa Sơn còn xây một ngôi đình làng kiến trúc tương tự như ngôi đình ở làng Đình Bảng, Bắc Ninh.
Ngày nay vùng Hoa Sơn còn nhiều di tích kỷ niệm Lý Long Tường. Dân tộc Cao Ly tôn kính ông xem như là một ân nhân, một nhà văn hóa và quân sự giỏi. Về Hoa Sơn dự lễ, khi gặp nhau, thay vì chào, người ta nói: "Hữu khách, hữu khách, dược Bạch kỵ mã" (nghĩa là: "Có khách, có khách, vẫn là ông Bạch mã", vì chỉ huy chiến trường chống quân Nguyên ông dùng ngựa trắng, cũng được vua gọi Bạch mã Tướng quân).
Trên ngọn đồi thuộc làng Đỗ Môn cách Hoa Sơn mười dặm về phía tây, mộ Lý Long Tường và con cháu còn đó. Trên dãy Đại Sơn có Vọng quốc đàn là nơi quãng đời còn lại của Lý Long Tường thường lên đó vọng tưởng về cố quốc, quay về phương nam, ôm mặt khóc. Mỏm đá in dấu chân ông được gọi là Việt thanh nham (hòn đá xanh tên Việt).
Hoàng tử có nhiều con trai: Lý Cán , Lý Huyền Lượng, Lý Long Tiến, Lý Dục, Lý Đại Tòng, Lý Thuần Chi, Lý Chu Tốn, đã từng giữ chức vụ cao cấp cho vua Cao Ly. Và các cháu sau này đều danh vang về mọi lĩnh vực: văn chương, khoa học, kinh tế... nhưng vẫn không quên quê cha đất tổ.
Hàng năm, dịp Tết, cháu chắt Hoàng tử Lý Long Tường ở khắp lãnh thổ Đại Hàn lại đổ về Hoa Sơn cúng lễ tổ tiên. Vị trưởng tộc mở gia phả ra đọc trước hương án cho con cháu rõ nguồn gốc. Trong âm thanh trầm hùng của ba hồi chiêng trống tất cả khấu đầu phủ phục trước đài quay về phương nam. Tập tục đã quy định: cắt chín tiếng trống không đánh, gọi là tâm thanh, ý nghĩa là tiếng lòng mình, tưởng nhớ cố hương trong giây phút yên lặng. Sau cuộc tế lễ, nhiều trò vui dân gian, múa võ cổ truyền thời Lý.
Di chúc kể từ Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) đến nay là 32 đời, nếu tính từ Lý Long Tường là 26 đời. Nghe đâu, cuối năm 1994, ông Lý Xương Căn dẫn con cháu về Việt Nam và có về đất tổ tại làng Đình Bảng Bắc Ninh dâng hương cúng lạy, và có mang một bức bình phong ghi lại nội dung tấm bia "Thụ hàng môn" đã ghi công tổ phụ. Nghe nói ông Yi Chang Lung (Lý Xương Căn) còn tự giới thiệu mình bằng tiếng Việt chưa thông thạo, nhưng đầy xúc động: "Tôi là cháu đời thứ 32 của Hoàng đế Lý Thái Tổ, mang trong người dòng máu Việt Nam..."
Suy gẫm lại, kể từ Hoàng tử Lý Long Tường cưới vợ Đại Hàn, trải qua 26 đời: đời thứ nhứt, đứa con sanh ra là phân nửa Đại Hàn, phân nửa Việt Nam, đời thứ hai đứa con lai bán phần đó lấy người bản xứ sanh con ra chỉ còn 1/4 máu Việt. Nếu tính đến 26 lần dù cho có trở lại lấy trong thân tộc Việt với nhau thì họa hoằng lắm cũng chỉ còn có vài ba giọt máu Việt. Thế mà dòng họ Lý ở Đại Hàn vẫn luôn nghĩ mình là người Việt Nam. Chẳng phải văn hóa dân tộc của tổ tiên mà ra hay sao!
Gương họ Lý thật đáng vinh danh, đáng khâm phục.
Đoàn cháu, chắt "boat people" hãy noi theo!

Trần Khánh
Trích "Bài học lịch sử"

 

Đăng ngày 02 tháng 12.2019