SỨ BỘ NGOẠI GIAO THỜI MINH MẠNG

Trần Khánh

Đọc sử thời nhà Nguyễn, chúng ta đã biết qua hai lần bang giao Việt - Pháp ở thế kỷ 18 và 19 là chuyến đi cầu viện năm 1784 của giám mục Bá Đa Lộc đưa con tin là Hoàng tử Cảnh sang Pháp và năm 1863 sứ bộ Phan Thanh Giản đến Pháp để xin chuộc lại đông tam tỉnh Nam Việt là Biên Hoà, Gia Định, Định Tường. Nhưng có một sự kiện không thấy phổ biến rộng rãi là ở thời vua Minh Mạng năm thứ 19 (1839) có một sứ bộ Việt Nam gởi qua Pháp.

Vua Minh Mạng có nhiều cải cách nhất thời Nguyễn như đổi các trấn thành ra tỉnh và ấn định các phẩm hàm trong các chức vụ vào năm 1831. Ngày 17-3-1836 Minh Mạng thứ 17, nhà vua ban hành một chỉ dụ nhằm hạn chế quyền hạn của hàng hoạn quan trong triều, trước đó nhiều triều đại đã dùng hoạn quan nhưng chưa có văn bản nào đặt để chức quyền. Có lẽ nhà vua thấy Tả quân Lê Văn Duyệt là hoạn quan quyền hành lớn đã dám can vua cha Gia Long không lập Hoàng tử Đảm (Minh Mạng sau này) lên làm vua nên có mối hiềm khích giữa vua tôi biến thành loạn Lê Văn Khôi.
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đã lập một trụ sở riêng biệt để tổ chức Tôn nhơn phủ ở phường Trung Thuận, tuy rằng trước đó vua Gia Long có lập Tôn nhơn phủ nhưng chưa có trụ sở và được chu đáo. Tôn nhơn phủ đã có từ triều Trần, chủ yếu là soạn gia phả các dòng dõi nhà vua.

Nói đến vua Minh Mạng người ta biết nhà vua có nhiều phi tần và rất đông con với toa thuốc bổ trứ danh Minh Mạng cho tới bây giờ còn phổ biến trong dân gian, được truyền miệng là "nhất dạ lục giao sanh ngũ tử", có khi được tán dương thêm là "nhất dạ lục giao sanh thất tử" vì có một bà sanh đôi. Đặc biệt trong các con vua Minh Mạng có nhiều người có tài về văn chương nhất là Miên Trinh, Miên Thẩm chức hiệu Tùng Thiện Vương. Cho đến nỗi Cao Bá Quát là người ngạo mạn mà còn phải vung bút khen:
Văn như siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng tuy thất thịnh Đường.

Trong hai thập niên trị vì (1820-1840) các nhà nghiên cứu sử cho là nhà vua đã dùng chánh sách đóng cửa và cấm đạo.
Ngày 12-10-1820, hoàng đế Pháp gởi một quốc thư cho triều đình Huế, đề nghị ký kết một thương ước giữa hai nước. Vua Minh Mạng không trả lời.
Tháng 2-1824, Pháp hoàng Louis 18 cử Nam tước Bougainville đem thư sang trình vua Minh Mạng một lần nữa. Triều đình Việt Nam cũng không nhận quốc thư của sứ thần Pháp lấy lý do là thư viết bằng tiếng Pháp trong triều không ai biết tiếng Pháp.
Thời đó, các giáo sĩ truyền giáo có mặt khắp nơi hoạt động. Đó là nỗi bận tâm hàng đầu của nhà vua, nên ngoài ra lệnh cấm các giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha đến kinh đô, rồi sau đó lấy cớ rằng muốn các giáo sĩ giảng dạy khoa học Âu Tây và cần thông dịch tiếng Pháp nên ngài cho lệnh tập trung họ ở lại kinh đô, coi như giam lỏng hầu dễ bề giám sát và cũng để hạn chế ảnh  hưởng của họ đối với giáo dân.
Lại thêm cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi và binh lính ở thành Gia Định năm 1833, có linh mục Marchand (cố Du) yểm trợ đắc lực. Sau thành bị hạ, Marchand bị đưa ra Huế xử lăng trì. Trong thư đề ngày 21-2-1836 linh mục Marette kể: "Các tù nhân bị đưa đến trước nhà khảo hình, dừng lại trước thềm. Cha Marchand quay mặt vào trong nhà. Nơi đó có một cái lò để nung các thanh sắt đã dùng để tra tấn ông trước đây. Những vết thương của ông vẫn chưa lành. Toàn thân ông run rẩy làm cho chiếc khăn đắp hơi tuột xuống. Người ta giữ chặt cha Marchand, năm đao phủ cầm kềm sắt nung đỏ tiến đến kẹp vào chân và đùi ông ở năm chỗ khác nhau. Cha Marchand la lên: "Ôi! Chao ôi!",  người ta thấy ở chỗ thịt bị kẹp khói bốc lên. Kềm sắt được giữ nguyên trên da thịt cho tới khi nguội rồi mới lấy ra đặt lại vào lửa..." (Revue Indochinoise 7-8-1915).
Thời gian từ 1833-1838 có bảy giáo sĩ bị hành hình và nhiều giáo sĩ bị giam cầm hoặc lưu đầy. Tiếp đó một biến cố trọng đại xảy ra trên đất Tàu năm 1839 là cuộc chiến tranh nha phiến, quân Anh đem quân đội đến chiếm đóng nước Tàu. Suy ra Tàu là nước lớn, có dân số đông nhất thế giới và có nền văn minh lâu đời, thế mà bị quân Anh uy hiếp một cách dễ dàng, đem so với Việt Nam thì nhỏ bé quá, nên nhà vua lo âu bối rối nhân vụ cấm đạo, giết giáo sĩ mà quân Pháp tràn vô đất Việt thì làm sao đương cự nổi, họ lấy cớ là để cứu giáo sĩ như quân Anh tràn vô đất Trung Hoa.
Vì thế nên vua Minh Mạng cử các phái bộ ra nước ngoài để dọ xét tình hình để tìm cách đối phó. Trong Quốc triều Chính biên chỉ ghi vắn tắt chuyến đi Pháp là "đến Giang Lưu Ba rồi đi tàu qua Đại Tây mua đồ".
Nhưng theo một lá thư của François Régéreau giáo sư chủng viện Penang đề ngày 24-5-1840 kể rằng: "Ngày 28-2-1840, một chiếc tàu của vua An Nam thả neo ở cảng Penang. Chiếc tàu này đi Calcutta để xem người Anh chuẩn bị chiến tranh như thế nào. Và một chiếc tàu khác cũng của vua Minh Mạng sai đi Batavia để xem người Hoà Lan có án binh bất động không. Bởi vì căn cứ theo nhiều báo cáo nhận được, vua Minh Mạng không thể nào ngủ yên giấc được. Một chiếc tàu thứ ba đi Pháp và Luân Đôn".
Như thế thì vua Minh Mạng đã gửi ba phái đoàn đi dò dẫm, ở đây chúng ta chỉ nói riêng về sứ bộ Việt Nam đi Anh và Pháp thôi. Họ gồm bốn người: hai quan chức tuổi độ bốn mươi tên là Tôn Thất Thường và Trần Việt Xương, còn hai thông ngôn trẻ lắm, một tiếng Pháp và một tiếng Anh. Họ đến Pháp vào đầu tháng 11-1840 sau khi bị một trận bão lớn ngoài khơi Bordeaux, mục đích của chuyến đi này nhằm thăm dò thái độ của chính phủ Pháp trong việc cấm đạo, bàn việc ký thương ước và giải độc dư luận Pháp.
Nhật báo L’Armoricain  ra ngày 25-11-1840 viết về sứ bộ Việt Nam: "Có bốn người An Nam đến bày tỏ với chánh phủ Pháp những cảm tình của xứ họ và đi thăm các công trường, các xưởng đóng tàu. Họ gây được sự chú ý bởi cặp mắt mở to, nước da nâu bóng, hàm răng đen nhờ nước cốt chanh …". Về y phục của họ: "Áo dài bằng lụa xanh quét đất, mũ chổm màu đen có vành che gáy, trên gắn một quả cầu bằng bạc, một tấm bảng gắn từ giữa ngực xuống đến bụng có hình con chim thêu bằng chỉ bạc…".
Một đoạn có ghi lại lời kể của sứ bộ: "Có hai tàu Anh và Pháp cùng núp bão trong vùng biển An Nam, tàu Anh bị bắn đuổi phải bỏ chạy, còn tàu Pháp thì được đón tiếp trọng thể, giáo sĩ và giáo dân Thiên chúa được đối xử tử tế, quân đội An Nam rất đông và hùng mạnh…". Đoạn này xem ra có phần bịa đặt thêm thắt do sứ bộ kể lại vừa thổi phồng sức mạnh về quân sự vừa lấy cảm tình tốt đẹp của người Pháp đối với Việt Nam.
Báo Le Moniteur Universel ngày 5-1-1841 kể: "Chiều hôm trước những người An Nam được giới thiệu với bộ trưởng thương mại. Họ mặc đại triều phục thay mặt vua nước họ đến Paris để nghiên cứu phong tục của ta. Mỗi lần có phong tục của ta làm họ ngạc nhiên, họ lấy từ thắt lưng ra một miếng gỗ bọc bằng giấy Tàu, mực, bút lông và lặng lẽ ghi chép những nhận xét của họ, ngay khi họ đứng giữa đường…". Các sứ giả An Nam tham dự phiên họp ở Viện công khanh (chambre des pairs), tất cả các tia nhìn đều hướng về khán đài nơi họ ngồi và họ chịu đựng những hành vi hiếu kỳ khiếm nhã này với sự thản nhiên như không…".
Nhưng lạ kỳ thay qua ngày 6-1-1841 không có một tờ báo Pháp nào viết về sứ bộ Việt Nam dù chỉ là một tin ngắn, phải chăng đó là những ẩn ý mà chính phủ Pháp nhúng tay vào.
Vua Louis Philippe không dành cho sứ bộ Việt Nam một buổi tiếp tân nào vì họ cho là cuộc viếng thăm không được thông báo theo nghi lễ ngoại giao. Thật ra, vua Pháp đã được thơ của Hội truyền giáo ngoại quốc ngày 12-1-1841 nên biết rõ mục đích của sứ bộ Việt Nam là đi "giải độc". Họ báo cho vua Pháp những hành động thù địch của triều đình Huế đối với Thiên chúa giáo, hàng chục giáo sĩ bị giết bằng nhiều cách: xử trảm (chém đầu), lăng trì, xử giảo (treo cổ). Lời kết luận bức thư của Hội truyền giáo thật khôn khéo lẫn độc hại: "Tâu bệ hạ, tin tưởng hoàn toàn ở lòng nhân từ của bệ hạ đối với thần dân, dù họ ở nơi nào trên thế giới và trong mối quan tâm của bệ hạ đối với sự tiến bộ của tôn giáo và sự văn minh, những kẻ cầu xin này mong rằng bệ hạ lưu ý đến cách đối xử dã man mà các giáo sĩ Pháp đã phải chịu đựng ở Bắc và Nam Kỳ. Đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để họ thoát khỏi cảnh nhũng nhiễu bất công".
Lại nữa các giáo sĩ Hội truyền giáo còn thông báo đến La Mã biết sứ bộ An Nam đến Pháp nên Giáo hoàng La Mã viết ngay cho vua Pháp một bức thư yêu cầu dùng quyền lực để can thiệp vào Việt Nam. Ngoài ra, các giám mục còn viết thơ cho Hội đồng các bộ trưởng Pháp cùng với mục đích trên để quan tâm đặc biệt đến sứ bộ An Nam.
Cuối cùng người Pháp chọn giải pháp hù dọa để khẳng định rằng chánh phủ Pháp đã biết rất rõ các diễn biến tại Việt Nam và người Pháp sớm muộn gì cũng phải trả đũa.
Thấy sự kiện vô cùng bất lợi từ nhiều phía, sứ bộ Việt Nam xuống tàu qua Anh Quốc, được thủ tướng và Huân tước Melbourne tiếp đón nhưng họ không đề cập chi đến vấn đề họ muốn tìm hiểu. Sau đó họ trở lại Pháp xuống Bordeaux rồi trở về Việt Nam. Họ mang nặng một nỗi niềm u uất của kẻ không làm tròn sứ mạng được giao phó.
Khi sứ bộ về đến Huế, vua Minh Mạng không còn nữa để kịp nhận sự thất bại do sáng kiến ngoại giao của mình. Dù sao nhà vua đã thừa sáng suốt để nhìn xa thấy rộng, đã ra tay trước mà cũng không cứu kịp cũng bởi do định mệnh an bày.

Trần Khánh

(Trích "Bài học lịch sử")

 

Đăng ngày 30 tháng 11.2019