Sự hiện diện của quân đội Lữ Hán tại phố Hội


Nguyễn Thanh Trừng

hoi an

Sau khi Nhựt đầu hàng vô điều kiên, đúng theo thỏa ước ký với các nước dồng minh (Nga, Mỹ, Anh, Trung Hoa, không dự hiện diện của Pháp) tham dự trong Hội Nghị tại Potsdam năm 1945, nước Việt Nam sẽ chia ra thành hai vùng. Từ Nam vĩ tuyến 16 trở vô, miền Nam Việt Nam, sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Anh, mà vị chỉ huy là Tướng Anh Douglas David Gracey. Vùng phía Bắc vĩ tuyến thứ 16 sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội của Thống Chế Tưởng Giới Thạch; người chỉ huy đạo quân này là Tướng Lữ Hán, một lãnh chúa vùng Vân Nam.
Nhiệm vụ của hai đạo quân này là giải giới quân đội Nhựt, và thiết lập an ninh cho toàn cỏi Đông Dương, lúc bấy giờ đang hoàn toàn đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội Nhựt Hoàng. Như vậy Phố Hội An tôi sẽ có dịp tiếp đón đạo quân của Lữ Hán. Được tin này, các chú Hoa kiều cư ngụ tại Hội An, phần đông là lai Việt, tỏ ra hớn hở vô cùng. Ho rất nhốn nháo và nét kiêu hãnh hiên ra nơi gương mặt. Các chú Tàu lai, hàng xóm với gia đình chúng tôi, trước đó, vẫn vui vẻ thân mật với anh em chúng tôi, nay trở nên lạnh lùng xa cách: có cái gì đã cách biệt hai cộng đồng Hoa Việt rồi. Tôi có thấy các bích chương treo ngoài đường phố, tôi không còn nhớ rõ từng câu, nhưng đại khái đề cập xa gần về sự trở lại của người Trung Hoa để cai trị xứ «An Nam». Họ cố tình dùng danh từ An Nam để chỉ nước Việt và cũng một cách nhắc nhở khéo léo cái xứ này nguyên trước đã có tên là «An Nam Đô Hộ Phủ», môt tỉnh của tổ quốc họ.

Lúc đó đúng là thời kỳ tranh tối tranh sáng. Tuy Việt Minh đã thành lập Chánh phủ, Ông Hồ đã tuyên bố sư ra đời của nước Việt Nam Cộng Hòa độc lâp ngày 2/9/45, nhưng chưa được một nước Đồng Minh nào thừa nhận. Theo thỏa ước Potsdam, quân đội Lữ Hán có măt tại Hà Nội ngày 09/9/45 để quản tri miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 16 trở ra. Tuy Nhựt đã thua trận, quân đội họ vẫn còn kiểm soát Đông Dương. Nguy hơn nữa, Pháp đã trở lại miền Nam, theo gót chân của Đạo quân Anh quốc. Hai lực lượng này tước khí giới dân quân Viêt Minh và thu hồi bằng vũ lực các công sở Hành Chánh tai Saigon, buộc quân Việt Minh phải bỏ Saigon rút lui vào bưng.

Tại Hội An, trong khi người Việt tại Hội An lo ngai sự hiện diện của quân đội Lữ Hán đến để giải giới quân Nhựt, một đạo quân mà họ có rất nhiều cảm tình, vì những lý do mà tôi đã kể, thì các người Hoa tại đây, phần đồng là lai, (cha Tàu, mẹ Việt). rất là «hồ hởi phấn khởi» rất hãnh diện và vui mừng trong sự chờ đợi quân đội của nước họ sẽ lo phần quản trị thành phố bé nhỏ này.
Trước thái độ này, người Việt Hội An chúng tôi rất lo âu: khi người Hoa thuộc thành phần giai cấp thống trị, thì người Việt chúng tôi chỉ còn sống lây lất: quyền lợi kinh tế đã lọt vào tay họ [1] kể từ thời vua Gia Long (1802), nay họ có thêm quyền chính trị, thì dân Hội An nói riêng và toàn dân Việt Nam mình nói chung sẽ lại rơi vào ách cai tri của người Trung Hoa.
May thay, điều lo sợ của chúng tôi tan biến ngay khi thấy đạo quân của Lữ Hán diễn trên đường phố Hội. Chúng tôi vừa kinh ngạc vừa mỉm cười thích thú: đúng là một đoàn «Tàu phù» ô hơp. Đi không hàng ngũ, không nện gót sắt trên đường phố; mỗi quân nhân đều có một bộ mặt vàng vỏ, tái xanh như người vừa thoát khỏi một trận đau «thập tử, nhất sanh». Họ không đi một cách bình thường theo nhịp quân hành, của một quân nhân, trong bất cứ đạo quân nào, (lính Tây, lính Nhựt v.v...), mà họ lê gót chân dài trên đường phố, khẩu súng đeo trên vai dường như quá nặng với họ. Nhìn họ, anh Thảng tôi có đưa ra một câu «đó là một đoàn quân ô hơp, mặt bủng, da chì». Nhận xét này phù hợp với những gì mà ông Bùi Diểm đã tả về đạo quân này:
« Trông họ thật là thê thảm, một đạo quân bệnh hoạn đói rách. Quân đội Nhật bản gọn gàng kỷ luật bao nhiêu thì quân đội Trung Hoa hổn tạp và vô kỷ luật bấy nhiêu, thèm khát đủ mọi thứ, quả đúng như mọi người e ngại, ào ào như một đoàn châu chấu, vớ được cái gì là lấy cái nấy».[2]

Rất nhiều giai thoại về họ mà chúng tôi nghe kể lại rất khôi hài, gần như là truyện tiếu lâm: khi mặt trời đã khuất dạng, bóng đêm đã dần dần tỏa ra, thi đèn đường bật sáng: các chú lính của Lữ Hán nhìn trân trân vào các bóng điên đang treo lơ lửng trên các cột béton, như họ nhìn một «dĩa bay» vừa mới xuất hiện... Dường như đó là lần đầu tiên họ thấy đèn điện. Họ không biết đi xe đạp: các chú lính Tàu thuê xe đạp để đi, họ bị té lăn cù; có lẽ cũng là lần đầu tiên họ thấy xe đạp. Thấy người ta ta cởi xe đạp đi thoăn thoắt, các chú tưởng dễ, đâu có biết phải tập trước một thời gian. Sau đó, chúng lại thấy hai ba chàng cùng nhau tập đi xe đạp. Như vậy cũng dã có tiến bộ rồi.
Không hiểu trong trại bịnh họ được nuôi dưỡng ra sao mà chúng tôi thấy họ lê gót ngoài đường như những tên đói cơm. Môt gia đình người Hoa tại phố Hội, thương tình, gọi một chú lính Tàu và kêu gánh phở để đải họ. Chú lính ăn rất ngon lành, ba bốn tô, no quá đến nổi phải lăn đùng ra chết. Một số lính khác, được một số gia đình Hoa mời vô nhà, đải ăn uống. Họ tỏ ra rất sung sướng và một số trong bọn họ xin ở lại trong gia đình để làm thuê làm mướn. Chính tận mắt tôi thấy một anh lính Tàu xin ở lại nhà chú Bảy Lài, hàng xóm với chúng tôi, nhà ở bên kia đường. Sau này chú đào ngũ, chú Bảy Lài nuôi để đánh bột mì vì chú Bảy có một lò bánh mì.

Nhiều người thắc mắc, tại sao các chú lính của Đạo quân của Lữ Hán tại Hội An lại không có một khái niệm tối thiểu về quân sự: như cách đi diễn hành, cách vác súng trên vai? Tại sao họ quê mùa đến nổi nhìn sửng sốt một bóng đèn điện? Và sau đây là lời giải thích: bên Trung Hoa, mỗi Tướng đều là lãnh chúa một vùng, như Lữ Hán là lãnh chúa vùng Vân Nam. Khi họ báo cáo với Trung Ương số quân mà họ có dưới trướng, thường thường con số này được thổi phồng lên; tiền cấp dưỡng các lính ma này sẽ vào túi các vị chỉ huy, chính phủ Trung Ương không tài nào kiểm soát được.
Khi Tướng Lữ Hán được lệnh của Thống chế Tưởng Giới Thạch phải đem 130.000 quân lính chính quy qua Việt Nam để giải giới 33.000 quân đội Nhựt. Số quân ấy tìm đâu ra cho đủ? Vì thế ông ra lệnh càn quét các thanh niên vùng quê hẻo lánh, xa ánh sáng văn minh của nước Trung Hoa, cho ăn bân quân phục và sung vào đạo quân đưa qua Việt Nam. Tướng Lữ Hán cũng có lý phần nào: qua Việt Nam, nhứt là ở Hội An, có đánh giặc đâu mà cần phải được đào tạo về quân sự.
Tôi nghe kể lại một giai thoại khác về buổi lễ được cử hành trong khuôn khổ giải giới quân của Thiên Hoàng: một bên là quân đội Nhựt, cầm vũ khí, một bên là quân của Lữ Hán, sẳn sàng tiếp nhận vũ khí của một đạo quân đã thua trận. Viên sĩ quan Nhựt hô một tiếng rất dũng mãnh và quân của ông đồng hô lên một tiếng trước khi trao vũ khí của họ cho quân Lữ Hán. Vì tiếng hô quá lớn, và dáng điệu của họ cũng tỏ ra rất oai phong lẩm liệt, nên các chú lính Tàu đều hốt hoảng, tan hàng bỏ chạy, tưởng chừng lính Nhựt bất thình lình trở cờ, tấn công họ.
Tụi con nít nhỏ ở Hội An thường hát các câu sau đây, nhái điệu của một bài nhac của Văn Cao, nay đã trở thành quốc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa:
Đoàn quân Tàu Ô đi
Sao mà ốm thế
Dắt giống nòi mi qua đây làm chi?
Cờ ro líp rét mướt theo chiều gióem>
Mousqueton mitrailette đi đường sau.
Lúc đó tại Hôi An cũng như tại toàn nước Việt Nam, chính phủ Việt Minh tổ chức tuần lễ Vàng, sau đó tuần lễ Bạc để vơ vét tiền của của nhân dân. Nghe đâu, có lẽ nhờ số vàng lấy của nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có tặng Tướng Lữ Hán môt bộ lư bằng Vàng [3]. Một hình thức hối lộ để vị Tướng này rút quân ra khỏi Việt Nam. Theo các sử gia, đó cũng là cách mua chuộc Lữ Hán chấm dứt hậu thuẩn cho các phe Quốc Dân Đảng [4] mà Việt Minh, dựa vào sự hoà hoản tạm thời với Pháp qua Thỏa Ước 6/3/46, để dần dần khai trừ và thủ tiêu các lãnh tụ và một số đông đảng viên của phe đối lập.[5]

Cuộc rút quân này rất chậm chạp, để có nhiều thời gian vơ vét tiền của dân Việt miền Bắc. Và sau đây, qua vài nét chấm phá, ông Bùi Diễm [6] cho ta hình dung được nét bi thảm của một quân đội đói rách trên con đường hồi hương:
« Suốt dọc đường, hàng ngàn lính Tàu đi thành hàng qua quốc lộ số 1, lếch thếch mang trên lưng nào gà nào vịt rồi những nồi niêu và vật dụng lỉnh kỉnh khác. Người ta có cảm tưởng như toán quân này mang theo về Tàu tất cả những gì mà họ có thể vơ vét được ở Việt Nam »
Tên quân cuối cùng của Lữ Hán rời khỏi Việt Nam ngày 18 tháng 9 năm 1946.

Thật ra Lữ Hán cũng không thể nào chiếm đóng nước Việt Nam, vì đạo binh viễn chinh của Pháp đã đến Hải Phòng đầu tháng 10 năm 1945. Trước đó, Pháp đã điều đình với Trung Hoa. Theo Hiệp ước ký ngày 29/2/1946, tại Trùng Khánh giữa Pháp và chính phủ Tưởng Giới Thạch, nước Trung Hoa nhìn nhận sư hiện diện của Pháp tại Đông Dương. Bù lại, Pháp phải trả laị Trung Hoa những tô giới (Quảng Châu Loan, Hàn Khẩu, Thượng Hải) mà khi xưa vì thế yếu Trung Hoa buộc phải trao cho Pháp như một nhượng địa.

Nguyễn Thanh Trừng

 
[1] Tsuboi.y, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, ban KHXH, Tp.HCM, 1987, tr
[2] Bùi Diễm, Gọng Kềm Lịch Sử » NXB …Tr 67
[3] Theo cha tôi kể lại thì quà tặng cho Lữ Hán là một bộ lư bằng vàng, nhưng sau này, trong tác phẩm của Bùi Diễm «Gọng Kềm Lịch Sử»,( 2004, tr 67) thi là một đèn bằng vàng dùng để hút thuốc phiện, vì ông tướng này là tay nghiện.
[4] Các đảng phái đối lập với đảng Công Sản Việt Nam vào những năm 45 chia ra nhiều nhóm:Đại Việt QDĐ của Trương Tử Anh, Đại Việt Dân Chính của NguyễnTường,Tam, Đại Việt Duy Tân của Lý Đông A,, Đại Việt Quốc xã…
[5] Ông Hồ quả là một tay nhiều mưu lược và thủ đoạn và đã áp dụng sách lược đã có từ nghìn xưa: không bao giờ cùng một lúc đối đầu với hai kẻ thù. Pháp cũng không kém mưu mô: nhờ tay CSVN để tiêu diêt các phong trào ái quốc thời bấy giờ, không theo cộng sản và chống sự trở lại của thực dân Pháp. Đúng là người quốc gia yêu nước đã bi kềm kẹp bởi «gọng kềm lịch sử»
[6] Bùi Diễm, sđt, tr 78-79
 
 
Đăng ngày 20 tháng 04.2016