CÂU HỎI KIẾP NGƯỜI

Võ Kỳ Điền

Đời quả có những chuyện bất ngờ, như vào một buổi trưa mùa hè nắng đẹp, Hoàng gặp lại Hạnh. Chàng đang chăm sóc đám rau cải ngoài vườn, ở phòng ăn sau nhà, Liên sau khi dọn dẹp xong bếp núc, cùng thằng Bi coi phim hoạt họa vẽ đám khủng long thời tiền sử thì Đức, cậu em đến kiếm, kề tai nói nhỏ không muốn cho ai nghe
- Anh biết chưa, chị Hạnh từ Bidong vừa tới, hiện ở nhà anh Hưng, anh muốn đến thăm không, em đưa đi...
Trời đất, chỉ một câu nói gắn gọn, có mấy tiếng đơn giản như vậy thôi mà chàng thấy cả một trời mây xao xuyến, chơi vơi, những ngày, những tháng miên man đầy ắp kỷ niệm buồn có, vui có, hiện về. Cả người chàng lơ lửng, tay chưn đâm thừa thãi, đám cải xanh trước mắt như mờ nhạt. Cây cỏ, nhà cửa, cảnh vật bây giờ không phải của xứ sở lạnh lẽo xa xôi nầy mà tất cả biến thành Bình Dương đầy nắng ấm ngày nào.
Hạnh, Hạnh... cái tên thương yêu đẹp đẽ từ lâu đã không nghe đến, bất chợt được nhắc tới, như một giấc chiêm bao đẹp. Hạnh lớp học tươi mát, Hạnh phố xá lung linh, Hạnh công viên lá me bay bay và Hạnh đất lạ hôm nay...tình ngỡ đã quên đi nhưng tình vẫn còn đầy, người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây...
Người ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây - thật vậy sao, thật vậy sao, Hạnh cũng đến cư ngụ tại thành phố xa xôi nầy à! Hoàng len lén nhìn vô nhà, Liên với Bi vẫn say mê theo dõi đám sinh vật tiền sử, không để ý gì chuyện anh em chàng gặp nhau, tiếng nhạc văng vẳng khi xa khi gần, chàng yên tâm, trả lời Đức -tại sao lại không!.
*
Nhà Hưng rất lớn, rất đẹp và ở khu yên tĩnh. Hưng và Nguyệt, chị của Hạnh du học xứ nầy từ lâu, cuộc sống đã ổn định và khá sung túc. Vợ chồng Hạnh bỡ ngỡ đến tạm trú trong căn nhà sang trọng xinh xắn nầy như dòng chữ nguệch ngoạc lạc lõng, không ngay hàng thẳng lối, được viết tình cờ trên trang giấy trắng tinh khôi. Thời gian quả thiệt vô tình, không nương nhẹ tay bất cứ ai, Hạnh xinh xắn, dễ thương ngày nào của Hoàng, bây giờ ốm đen và tiều tuỵ, da dẻ còn vương đầy màu nắng gió, bụi đất vùng trời tỵ nạn khô cằn. Nàng có vẻ lúng túng trong bộ đồ mới mua còn nguyên nếp, ra đón cố nhơn ở cửa. Chiếc quần tây xanh và chiếc sơ mi ngắn sọc kẻ ô vuông hơi rộng. Lần đầu tiên nhìn Hạnh mặc jean cứng còng, chàng ngạc nhiên và thấy lạ.
Chàng bàng hoàng xúc động nắm nhẹ lấy tay Hạnh như lời chào hỏi, bàn tay lạnh, những ngón tay xương xẩu, móng cắt ngắn, trắng bệch, da nhám và thô. Hạnh ngước mắt nhìn chàng không nói. Hoàng cũng không nói. Hạnh ơi, hai đứa mình có rất nhiều điều để nói và cũng có rất nhiều điều không cần phải nói. Chàng đứng đây và Hạnh cũng đứng đây. Vẻ đẹp lụa là, sang trọng, trang nhã, kiêu sa của một tiểu thư khuê các ngày nào đâu còn nữa, mất hết rồi, mất thiệt hết rồi, còn lại chút xíu nào nữa đâu.
Chàng chua xót. Hạnh ngày nào của chàng, đẹp đẽ, xinh xắn, kiều diễm, bây giờ phải trải qua những gian nan, cực khổ, đoạ đày như vậy. Hoàng cố nén những cảm xúc bỡ ngỡ ban đầu, nhìn kỹ lại người xưa. Cái dáng cao cao thanh thoát, cặp mắt đen nhánh ngày nào vẫn còn, cái nhìn như ngạc nhiên, như dò hỏi, như đắn đo, lần nào cũng vậy, nhìn chàng sâu thăm thẳm như mang đầy dấu hỏi, cái nhìn đó không hề thay đổi, vẫn ngơ ngác, vẫn y nguyên. Y như lần cầm bức thơ đầy tự ái, chấm dứt cuộc tình trắc trở không đoạn kết của hai người, nàng đã hỏi trong tiếng nức nở, nghẹn ngào:
- Cuối thơ anh chấm là chấm hết hay chấm xuống hàng...?
*
Nguyệt rất vén khéo, nhà và sân trang trí theo kiểu Nhựt Bổn, bàn ghế sạch sẽ đến độ người nào tỉ mỉ, rán kiếm một hột bụi cũng không ra. Cạnh phòng khách là một nhà kiếng để trồng kiểng, đa số là cây cỏ, hoa lá xứ nóng như chuối, tre, nhiều loại bonsai và phong lan... Đức hoạt bát, khôn khéo tìm cách gây không khí trong nhà cho ấm áp, nó khen cây nhà Hưng khéo trồng - làm sao ở đất lạnh nầy mà trồng được cây cà phê chùm trái chín đỏ đẹp như vầy, giỏi quá. Nguyệt được khen rất vui và khoe Đức buồng chuối tiêu loe que vài trái vừa mới nhú. Nguyên, thấy anh em Hoàng đến thăm hai vợ chồng, muốn lánh mặt, tế nhị rủ Đức đi chợ mua sắm vài thứ cần dùng. Vợ chồng Hưng cùng lấy cớ phải tham dự buổi họp nên vội vã đi cho kịp, kẻo trễ. Chàng cám ơn cái lịch sự của Nguyên, của Hưng, của Nguyệt nhiều lắm.
*
Còn lại hai đứa ở phòng khách, Hạnh rót nước mời chàng. Cũng cái bàn thấp cùng kiểu Nhật nầy, y như cái bàn nhà nàng ngày trước, nàng phải quì xuống, hai tay dâng chén trà đất nâu, dáng dịu dàng e ấp. Chàng nhìn sững chén trà, cũng những ngày tháng thơ mộng đã qua nào đó, nàng đã quì gối, diụ dàng, rót mời chén trà thương yêu như vậy. Nhưng bây giờ, bên nàng đã có Nguyên và Hoàng cũng đã có Liên. Cảnh thì giống nhau nhưng tình thì khác xa, thiệt là xa. Mà có thật khác xa không, chàng cũng không biết nữa.
- Em pha trà khéo và ngon ... giống như hồi đó.
Hạnh cúi đầu và chớp mắt, giọng nói mỏng nhẹ như sương, như khói:
- Mới đó mọi việc đổi thay hết. Em cũng không ngờ được.
Câu nói bâng quơ, mọi việc thay đổi là việc gì, việc nước, việc nhà, chuyện tình riêng tư hai đứa? Hoàng không hiểu rõ ý nàng muốn nói. Mà cũng đâu cần hiểu rõ làm chi. Chàng ngồi im, nàng cũng ngồi im. Trong im lặng, chàng lắng nghe tiếng nói mơ hồ của trái tim run rẩy, bao giờ cũng vậy, mỗi lần gặp Hạnh nhìn thấy ánh mắt, nghe được nụ cười, chàng cảm thấy sung sướng, bồi hồi, xao xuyến, ấm áp, ngay cả khi nàng có Nguyên, ngay cả bây giờ... Cái đó có phải là tình yêu, không phải là tình yêu? Yêu nhau có cần phải thành chồng vợ ? Mà tình yêu là gì, cho đến từng tuổi nầy, chàng vẫn còn chưa biết.
- Anh Nguyên định vừa đi làm vừa đi học lại. Cũng may công ty anh Hưng đang thiếu người.
- Như vậy tiện lắm, nghề nghiệp cũ của Nguyên bên nầy vẫn còn dùng được. Còn em thì tính sao ?
- Em học dở lắm, anh dạy em thì biết mà.
Hạnh nhìn chàng, cũng ánh mắt có đuôi như ngày xưa nhìn chàng trên bục giảng. Cõi lòng Hoàng chừng như xô dạt theo sóng mắt. Thầy vẫn dạy bài Việt văn năm cũ, như ngày xưa riêng đôi mắt em nghe. Câu thơ được viết ra từ lâu lắm, trên hai mươi năm trước.
- chắc là em theo phụ chị Nguyệt ở phòng răng...
Chàng không biết nói gì hơn:
- ờ ờ, vậy thì cũng tiện.
Hạnh lập gia đình trước Hoàng độ hai năm. Nguyên, chồng Hạnh khá đẹp trai, cao lớn, học giỏi, gia đình lại giàu nhứt nhì ở tỉnh nhà. Ở trường, chàng học dở hơn Nguyên, ra đời, chàng thành công thua Nguyên, cái gì cũng thua hết, rồi cho tới khi yêu Hạnh, chàng cũng thua Nguyên một bước. Nhưng chàng thường tự hào, tình yêu chàng dành cho Hạnh nhiều hơn. Hoàng đã từng nói với Hạnh như vậy. Nhưng tình yêu nhiều hay ít làm sao mà cân đo cho được, bao nhiêu gọi là nhiều, bao nhiêu gọi là ít, chàng vốn rất dở toán nên tính hoài không ra. Tại sao Hạnh khóc lóc, ủ ê, buồn bã, rõ ràng là nàng thương chàng thiệt mà lại làm đám cưới với Nguyên, Hoàng không hiểu và thiệt tình không hiểu. Mấy thằng bạn thân biết chuyện, chọc quê - không phải mầy thua thằng Nguyên một bước đâu, chỉ có nửa bước thôi... Ừ, cho dầu chỉ có nửa bước hay nửa tấc, cũng là thua. Thua cay thua đắng, thua ngọt thua ngào
Trên cõi đời nầy, Hoàng chưa hề ghét ai nhưng sao lại tự nhiên đâm ra ghét Nguyên. Từ đó tới sau, hể gặp ai hình dáng giống Nguyên, đẹp trai giống Nguyên, nghề nghiệp như Nguyên, giàu có như Nguyên là chàng bực bội khó chịu vô cớ, cũng không biết tại sao! Chàng bị mặc cảm thất bại, cố ý lánh mặt vợ chồng Hạnh, nên từ đó đến nay do tình cờ đưa đẩy, là buổi gặp gỡ lại nhau lần đầu. Sau những hàn huyên về cuộc sống quê nhà, trên đường vượt biển, ở trại tỵ nạn, chuyện đói chuyện no, chàng cố tránh đá động chuyện tình cảm riêng tư cũ bỡi vì qua bao năm tháng, vết thương tạm coi như đã lành lặn. Mà thực sự đã lành chưa? Làm sao biết được.
Hiện tại bây giờ còn gì để nói gì, chàng bâng quơ:
-Ttụi em lập gia đình trước anh chị hai năm, sao không tính chuyện có con cho vui cửa vui nhà. Thằng Bi anh năm nay ba tuổi rồi. Trong nhà có con nít tuy cực mà vui lắm ...
- Em cũng muốn có con lắm nhưng mà... anh Nguyên...
Nói tới đó Hạnh ngập ngừng và bỏ lững nửa câu, rót tiếp trà vô tách, vài giọt rơi bắn ra bàn. Tách trà sủi bọt li ti và hình như có chút xíu run rẩy, vụng về trong cánh tay rót. Chàng ngước mắt nhìn Hạnh để chờ những lời tiếp theo nhưng Hạnh đã ngưng ngang câu nói nửa chừng và chàng nghe chừng có tiếng thở dài buồn bã...
Hạnh ngồi đối diện và không nói. Tiếng máy lạnh kêu rè rè nghe thật rõ trong nỗi im lặng kéo dài. Chàng nhớ lại câu nói em cũng muốn có con lắm, nhưng mà anh Nguyên...
Tại sao tới đây Hạnh lại ngưng - nhưng mà Nguyên ra làm sao,.. tiếc quá, chàng không phải là bác sĩ nên không biết tại sao vợ chồng lại không có con được? Muốn lắm, tại sao lại không có được? Nhiều câu hỏi trong đầu, hay là Hạnh bị bịnh? Hạnh và Nguyên không hoà thuận?... nhưng mà anh Nguyên... hay là Nguyên có vấn đề?
Hoàng xua đuổi liền ý nghĩ xấu đó ra ngay khỏi đầu. Chàng không có quyền nghĩ bậy cho Nguyên, không được, tuyệt đối là không được, lúc nào chàng cũng phải cầu mong cho Hạnh được hạnh phúc. Tuy vậy chàng vẫn thắc mắc hoài, Nguyên ra làm sao ? Tại sao kỳ cục vậy, thôi đừng thèm nghĩ nữa cứ cho là tại định mạng, chắc là số hai vợ chồng Hạnh không có con được ... Hạnh ngồi im và chàng cũng ngồi im. Mỗi người một ý nghĩ tình cảm sâu kín riêng tư. Dòng sông đã chia làm hai nhánh, mỗi nhánh chảy nhịp mau chậm khác nhau. Đâu còn nhánh hy vọng nào gặp lại ở cuối biển trời thương nhớ.
Tiếng xe Đức đã về trước cửa. Tới lúc phải từ giã rồi. Hoàng đứng dậy và Hạnh cũng đứng theo. Ra tới cửa, chàng nói lời mừng Hạnh tới bến bờ tự do và cầu mong hai vợ chồng Hạnh sớm ổn định và chúc mọi sự may mắn. Chàng nghĩ là Hạnh sẽ cám ơn và gởi lời thăm Liên và cháu Bi. Nào ngờ nàng không nói như vậy. Khi ra tới cổng và dừng lại để chào lần nữa thì Hạnh đi sát chàng, kề tai nói trong hơi thở, tiếng mỏng nhẹ êm ái như tơ:
- Anh có hạnh phúc không?
Hoàng chợt bủn rủn và đầu óc quay cuồng. Câu hỏi đơn giản như vậy mà hồi nào tới giờ chàng không nghĩ tới. Chàng có hạnh phúc hay không? Có hay không, có hay không?
Chàng sực nhớ tới Liên và thằng Bi đang ở nhà. Vui lắm, có thiệt vậy không? Liên, người vợ đẹp đẽ, rất đàng hoàng, có tư cách nhưng tánh tình rất nghiêm trang, khá cứng cỏi và lại ưa cằn nhằn. Chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng cằn nhằn được, khi mới quen nhau thì nghe cũng vui vui nhưng lâu dần nghe hoài đâm khó chịu, nghe thêm nữa thì nhức đầu. Tánh Hoàng thì xuề xoà, thích bè bạn và hay giễu cợt, bông đùa, trong gia đình hoặc gặp gỡ bạn bè thân tình ưa kiếm chuyện nói bậy nói bạ cho vui... Hai vợ chồng thường khác tánh ý nhau. Nhiều khi gặp chuyện bực bội thì mỗi người vô phòng riêng đóng kín cửa lại, im lìm, không nói năng, chưa hề có chuyện cãi vã, la lối hay to tiếng như các cặp vợ chồng khác. Hoàng và Liên đã ở khác phòng, như vậy lâu lắm, một thời gian khá dài. Bên ngoài nhìn vô, bạn bè ai cũng cho là gia đạo hoà thuận, ấm êm.
Chàng im lặng đầu óc rối beng, nói đi, nói đi, nói đi, trả lời câu hỏi đi, dễ quá mà, chỉ cần nói, hoặc có hoặc không, thiệt là gọn và dễ. Hạnh đứng im lặng bên cổng, dáng vẻ tuy lạnh lẽo cô đơn nhưng đầy e ấp, cặp mắt to đen bóng như sơn mài mơ hồ huyền hoặc đang nhìn chàng, như chờ đợi, như dò hỏi, vẫn cái nhìn xa dài và sâu thăm thẳm... Bụi mẫu đơn bên tường đong đưa những chùm hoa lớn đỏ, nắng buổi trưa thiệt đẹp nhưng con đường ra xe trước mặt chàng thấy hình như quá dài...
Cuối cùng Hoàng vẫn không đáp được lời nào, lên xe khoát tay từ giã Hạnh và kể từ hôm đó chàng nghĩ là mình mắc nợ Hạnh câu trả lời, câu hỏi sao mà khó quá. Món nợ vô hình nầy sẽ không bao giờ trả được và mãi mãi.

Võ Kỳ Điền

 

Đăng ngày 21 tháng 11.2016