Chữ nghĩa làng văn

tháng 12.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tiếng Bắc tiếng Nam
Vì thổ âm “đất mặn, giọng chua”, nhiều người Bắc đọc phụ âm “tr” thành “ch”, “d” thành “gi”, “s” thành “x”, quen phát âm ra tiếng gió, khiến giọng trở nên chua.
Người Nam nhiều người phát âm bỏ “dê dưới” (g), chẳng hạn như câu hát “làng tôi có cây đa cao ngất từng không” thì họ hát “làn tôi có cây đa cao ngất từng khôn”. Hoăc giả như âm “ùi” thành “ồi” như câu “tình em gió mưa giập vùi, thôi em đành một mình ngậm ngùi” thành ra “tình em gió mưa giập vu...ồi, thôi em đành một mình ngậm ngu...ồi ”.

Chữ Việt cổ
khoai dẻo: khoai lang
(Phạm Xuân Độ)

Ca dao tình tự
Nói đến tiết trinh
Lẳng lơ mới có con bồng
Nhu mì như chị nằm không cả đời
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Thiền lơ mơ lỗ mỗ

Lúc bé tưởng chỉ có kẹo là ngọt, giờ lớn lên còn biết có những thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo.

Chữ nghĩa văn chương hậu hiện đại
"...Xa xa hoàng hôn tím thẫm mặt trời đỏ ối chui vào hoàng hôn đặc quánh. Dường như không còn chân trời đất trời giao hoà làm một. Mặt trời đã chui xuống tấm chăn hoàng hôn. Và màn đêm buông xuống.
Họ đi bên nhau đi mãi đi mãi về phía chân trời.
Bỗng họ vật nhau, họ vật thật quyết liệt. Nàng tan vào chàng và chàng cũng tan vào nàng. Như kem Tràng Tiền gặp nắng tháng tám, họ tan vào nhau. Như đất trời, họ cũng đang hoà làm một. Bầu trời vút cao. Sao xanh lấp lánh. Trời cao sao xanh
Có thể không mưa
không thể mưa
Đúng
Trời đã không mưa...
Hoặc giả như:
Ngoài. Trời. Đã. Sập. Tối. Qua. Khung. Cửa. Phòng. Khách. Trăng. Lưỡi. Liềm. Treo. Lủng. Lẳng. Nền. Trời. Đêm. Với. Những. Ngôi. Sao. Lấp. Lánh. Như. Dát. Bạc. Lên. Tấm. Màn".
(Vương Văn Quang – Cửa sổ trăng treo ngoài)

Văn tự
Giáp Cốt văn là loại văn tự khắc chạm trên mai rùa hay xương động vật.
Chữ trên mai rùa gọi là Giáp văn. Còn chữ trên xương những động vật khác gọi là Cốt văn.
Chữ viết khắc chạm trên đồng và kim loại gọi là Kim văn.

Biên khảo văn học Hán Nôm
Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong Tạp Chí rồi tới nhóm Thanh Nghị, Tri Tân đã nỗ lực nghiên cứu kho tàng văn học Hán Nôm nhưng kết quả chưa được bao nhiêu, phần nhiều chỉ gồm các thơ văn lẻ loi, các tài liệu rải rác được phiên dịch từ Hán Nôm ra chữ Quốc Ngữ, đây chỉ là những mảnh vụn của văn học Việt Nam.
Trên tạp chí Tri Tân học giả Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố đã có công viết nhiều bài khảo luận đính chính những bài văn cổ giúp cho việc chú giải thơ văn sau này được dễ dàng và chính xác hơn. Trên tờ Thanh Nghị số 31 (16/02/1943) và số 32 (01/03/1943) học giả Hoàng Xuân Hãn đưa ra ánh sáng tập Mai Đình Mộng Ký của Nguyễn Huy Hổ. Năm 1944 Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm ra đời. Đây là bộ Văn Học Sử đầu tiên và là một công trình khảo cứu rất công phu và giá trị nhưng tiếc rằng còn quá tóm lược, các tác giả và tác phẩm viết bằng Hán Nôm chỉ được đề cập đến một cách khái quát, sơ sài. Những cố gắng của Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Xuân Hãn… tuy giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát về nền văn học lịch triều nhưng còn rất nhiều vấn đề cần được tìm hiểu xâu xa và cặn kẽ hơn. Điều này không thể thực hiện được do sự thiếu sót tài liệu. Đây là trở ngại chính yếu và lớn nhất trong lãnh vực biên khảo văn học Hán Nôm.
(Trần Bích San – Những trở ngại biên khảo văn học Hán Nôm)

Tiếng Bắc tiếng Nam
Qua những bài ca dao cổ hay mới gần đây như:
Cô kia đội nón chờ ai?
Chớ lấy chú Chiệc mà hoài tấm thân
Hoặc giả như:
Lấy Tây, lấy Chiệc làm chi
So bè nhân nghĩa chẳng bì An Nam
Với người Tàu, người Bắc gọi là “Chiệc”, người Nam kêu là…”Chệt”.

Thiền lơ mơ lỗ mỗ
Hạnh phúc…
Có một người đàn ông muốn hạnh phúc nên viết lên bảng dòng chữ: "Tôi muốn hạnh phúc"

Một nhà sư đi ngang qua thấy vậy bèn xóa đi chữ: “Tôi”. Nhà sư bảo: "Hãy bỏ cái tôi đi".
Rồi nhà sư lại xóa tiếp chữ: “muốn” và bảo: "Hãy bỏ tham muốn đi! Bây giờ ông đã có “hạnh phúc”.

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Mở hàng
Trong phong tục ngày Tết, đầu năm ai cũng muốn vận hội hanh thông, làm ăn suôi sẻ, làm quan có ngày khai ấn, kẻ sĩ có ngày khai bút, nhà nông có ngày khai canh, làm thợ có ngày khai công, người làm nghề buôn bán có ngày mở hàng. Mọi việc khởi đầu đều khó khăn, mà "Đầu đi thì đuôi lọt!". Riêng trong nghề buôn bán lại càng bấp bênh, có ngày mua may bán đắt, có ngày ngồi suốt buổi chẳng ai ngó tới, có tháng lời lãi nhiều, lợi lộc lớn, có tháng thua lỗ mất cả chì lẫn chài, vì vậy không những chọn ngày mở hàng đầu năm, mà cả đầu tháng, đầu tuần, từng ngày còn phải để ý đến chuyện mở hàng: mở hàng vào lúc nào ?
Bán cho ai "nhẹ vía" để cả ngày bán đắt hàng?
Thông thường muốn được đông khách đến mua thì người bán hàng phải niềm nở, vồn vã, ân cần, bán nới giá hơn bình thường để cầu được đông khách và giữ được chữ Tín đứng hàng đầu. Song có người lại tưởng nhầm bán mở hàng phải bán cho đắt, người mua mặc cả chê đắt không mua bỏ đi, rốt cuộc ngồi lì suốt buổi không ai hỏi đến, thậm chí còn cho là tại người mở hàng nặng vía, chửi rủa ngầm và "đốt vía" người mở hàng. Ngày trước người ta muốn đi chợ sớm để được mau mở hàng có giá rẻ hơn chút ít, nhưng ngày nay nhiều người ngại mở hàng vì sợ vướng phải nạn nặng vía lại đòi "đốt vía" người mua mở hàng.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Bỗng có một người đàn bà đến rất nhanh chóng trong đời sống của Trần Dần. Một chị ngoài 20 tuổi, đi đạo, ở Hà Nội mới giải phóng. Trần Dần gặp người đó và hai người yêu nhau. Lúc mới yêu người ta dễ say. Trần Dần lại là người chưa từng được yêu bao giờ, dù anh đã gần 30 tuổi. Cái tật xấu nhất của Trần Dần là bừa bãi trong sinh hoạt: quần áo, sách vở, vứt lung tung, bạ đâu ngủ đấy. Trong sự giao thiệp với người đàn bà này, anh cũng rất bừa bãi. Mới quen lần đầu đã nghiễm nhiên vác ba lô đến ở chơi nhà người ta vài ngày, rồi cười đùa ầm ỹ. Anh đã sấn sổ đòi tình yêu. Người thiếu nữ có lẽ vì sợ đôi mắt xếch đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, và đến lúc nhượng bộ cuối cùng: chị đã trao cả cuộc đời mình cho anh. Nhân lúc đang ốm yếu, được phép nghỉ, anh đã đến nhà người yêu ở hàng nửa tháng liền. Và anh đề nghị cấp trên cho anh được cưới. Anh đề nghị đơn vị đi sát giúp đỡ anh. Lý lịch người thiếu nữ, theo anh, không có gì là mờ ám. Một công dân còn trẻ, chưa hiểu việc đời nhiều lắm, trình độ chính trị rất thấp. Có người nghiêm nét mặt, đề cao cảnh giác: Cẩn thận! Kẻo sa lưới địch! Nó đang âm mưu tấn công vào hàng ngũ ta. Người ta dèm pha những “nhận định” cao siêu, những “lập trường” “quan điểm” giai cấp tính, tư tưởng tính, “tư sản” và “vô sản” v.v… rút những câu chính trị để quy kết cho một mối tình. Trần Dần đã gục mặt vào tay đau đớn. Tôi đã gặp anh ngồi lặng hàng giờ trong một căn phòng quần áo bàn ghế bừa bãi ở nhà người thiếu nữ đó. Giữa anh và chị, có một niềm tủi cực, cay đắng, xót xa. Chị đã thôi không trang điểm, xếp áo màu vào tủ, có cái thì đem cắt ngắn, nhuộm nâu. Đã tan đi từ lâu lắm tiếng cười ròn rã. Trong giọng nói đã thấy ngấn nước mắt. Trần Dần hết sức giải thích cho người yêu và hướng người yêu vào con đường “làm lấy mà sống” “đừng nhờ vả ai”. Hình ảnh người con gái đi tìm việc làm trong mưa, về sau tôi lại gặp rất đau xót, trong bài thơ “Nhất định thắng” in trong tập Giai phẩm mùa Xuân 1956. Mối tình đó kéo lê những ngày lo sợ, buồn phiền. Trần Dần không ngờ yêu lại khổ đến thế này. Cùng một thời gian đó, bản “Đề nghị Chính sách Văn nghệ” thảo luận chưa xong. Giời sang hè, mùa mưa tầm tã. Trần Dần và người yêu vẫn sống trong một góc nhà tối thiếu ánh sáng. Bữa cơm không vui. Bụi phố Sinh Từ rắc vào nhà như sương, bụi phủ trắng mặt bàn ghế. Ăn vội vàng, Trần Dần lại về đơn vị để rồi lại được nghe những lời phê phán, những tiếng xì xào. Và người thiếu nữ lại chân đất, áo ngắn, đi tìm việc làm, có hôm từ sáng đến tôi mới về: Em đi trong mưa… cúi đầu… nghiêng vai
(Con người Trần Dần – Hoàng Cầm)

Chữ nghĩa làng…nhậu
Rượu ngon cái cặn cũng ngon,
Thương em chẳng luận chồng con mấy đời.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cũng là một tiếng phủ định nhưng “chưa” khác với “chửa”.
Tuy rằng “chửa” là thổ ngữ ở một vài vùng quê, song nó mang một ý nghĩa khác biệt hợn.
Thêm dấu hỏi (?), từ “chưa” hàm chứa một sự khác quyết hoàn toàn. “Chửa” là một khẳng định của phủ định. Khi ta nói: “Bảo làm mà vẫn chửa làm” có nghĩa là chưa làm một tí gì!
Thế nhưng khi một cô gái nói: “Em có chửa” thì lại khác!
(Đỗ Quang Vinh - Tiếng Việt tuyệt vời)

Rượu rắn Phụng Hiệp

Rượu rắn Phụng Hiệp ở Phong Dinh, Cần Thơ có 3 loại:
Tam xà: hổ mang, hổ lửa, cạp nong
Ngũ xà: gồm 3 loại của tam xà, thêm hổ hành, hổ hèo
Thập xà xà: gồm 5 loại của ngũ xà,
Thêm rắn lục, bông, ri voi, ri cá và bông súng
(Nguồn: Mường Giang)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
12. đột phá 突 破 Theo soạn giả, đột = bỗng nhiên; phá = phá phách.; và, đột phá = phá một cách bất ngờ. Chúng ta thấy lời giải thích ở đây có vài chõ chưa ổn. Ðột phá nghĩa là chọc thủng, là phá vỡ ở một chỗ để từ đó dễ phá rộng ra xung quanh hoặc tiến sâu vào bên trong… Trong chiến đấu, nhiều khi phải tập trung lực lương lớn và giao tranh rất lâu mới đột phá được phòng tuyến của đối phương, khi đó không hề có yếu tố “bỗng nhiên”. Ở từ này, soạn giả định nghĩa chưa chính xác và các từ tố đều được cắt nghĩa chưa thoả đáng. Tuy chữ đột 突 có nghĩa là bỗng nhiên nhưng còn có nghĩa là chọc thủng, mà đó mới là nghĩa của nó trong từ đột phá 突 破. Nghĩa này đã đi vào tiếng Việt như ở các từ mũi đột (mũi nhọn để chọc lỗ vào các vật cứng), đột lỗ (chọc lỗ vào các vật cứng). Còn từ tố phá 破 thì có nghĩa là làm hỏng, là gây thiệt hạichứ không phải là phá phách, bởi vì phá phách có nghĩa là phá lung tung, mà muốn đột phá thì phải tập trung sức lực vào một chỗ.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ông Sui: là bố mình thân mật gọi bố của vợ mình.
Chứ không có nghĩa là “Mr Unlucky” đâu.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú,
không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Biệt tung biệt tích = không thấy hiện diện
Biểu = bảo
(ai biểu hổng chịu nghe tui mần chi! – lời trách nhẹ nhàng)
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Chuyện nhà Minh cướp sách đem về Tàu
Trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, chính sử của nhà Nguyễn và trước đó, Lê Quý Đôn (1726 – 1784) trong Lê Triều Thông Sử đã viết rất rõ điều này.
Trước hết, trong Lê Triều Thông Sử, phần “Nghệ Văn Chí,” Lê Quý Đôn có viết: ”Đến đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng”. Còn trong KĐVSTGCM, phần Chính Biên, quyển XXXIII, sau phần nói về việc vua nhà Minh cho in các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh và Tính Lý Đại Toàn và sai Giám Sinh Đường Nghỉa sang nước ta ban phát cho những người Nho học có chép thêm “Còn các sự tích và sử sách của nước ta từ đời Trần trở về trước đều tịch thu đưa về Kim Lăng”.
Gần ta hơn, Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội, trong tuyển tập nhan đề Văn Hóa Việt Nam, Tìm Tòi và Suy Gẫmcũng viết ”Cướp được nước ta, trong 20 năm trời bên nền đô hộ hà khắc về chính trị, vơ vét tham tàn về kinh tế, giặc Minh đã thi hành một chính sách hủy diệt độc ác về văn hóa, giặc Minh đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hóa dân tộc xây dựng suốt hơn 400 năm, chủ yếu dưới thời Lý – Trần. Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418 ), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của Trung Quốc sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hóa, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hóa, văn học tư tưởng thời Lý Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!”.
(nguồn Phạm Cao Dương)

Lẫy
Lẫy làm gì cho bõ giận
(nó nói lẫy)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn
Qua điền bất nạp lũ
Lý hạ bất chỉnh quan
Nghĩa là:
Khi đi qua ruộng chớ cúi xuống sửa dép.
(Vì sợ người ta nghĩ mình ăn cắp dưa)
Khi đi dưới cây mận đừng sửa mũ.
(Sợ người ta cho là mình hái mận)

Chữ nghĩa làng văn
Bà Hồ Xuân Hương, sớm nhất có Xuân Hương thi tập thời Minh Mạng. Sau này còn có nhiều bản chép tay như Quốc Văn Tùng Ký soạn vào thời Tự Đức. Thời Duy Tân thêm Xuân Hương thi sao, Tạp thảo tập, Quế Sơn thi tập, Xuân Hương thi vịnh, Liệt truyện thi ngâm, Lĩnh Nam quần hiền văn thi văn diễn âm tập và… Hương Đình Cổ Nguyệt Thi.
Uẩn khúc ở chỗ, trong tập Hương Đình Cổ Nguyệt Thicó bài thơ tựa đề Trấn Quốc Tự. Trong khi bài thơ nôm cũ nhất Chùa Trấn Bắc mà Antony Landestrích lục từ nguồn nào chẳng ai hay lại gán ghép cho bà Hồ Xuân Hương. Vào cuối thế kỷ 19, Antony Landes người Pháp sang nước ta thời họ chiếm Nam kỳ. Ông học tiếng Việt ở trường Thông Ngôn nên giỏi tiếng Việt, ông dịch cả Nhị độ mai. Khoảng năm 1892, ông được bổ làm đốc lý ở Hà Nội. Có thể ông là người Pháp đầu tiên ra Bắc tìm kiếm các tác phẩm của người Việt, rồi thuê hai ba người chép lại. Những gì ông gom góp do con cháu ông Landes cho Société Asiatique lưu trữ lại. Gốc tích đầu tiên về văn học mà sau này được in ra và được gọi là Thơ Hồ Xuân Hương là ở trong ấy!
Với Hương Đình Cổ Nguyệt Thi của bà Hồ Xuân Hương, khoảng thập niên 30 qua Cao Xuân Huy, con của Cao Xuân Hạo, nhờ tìm được trong thư tịch của Cao Xuân Dục (1842-1923), Học bộ thượng thư thời Đồng Khánh. Cao Xuân Dục cũng là chánh chủ khảo trường thi Nam Định 1897 thời Đồng Khánh. Tập Hương Đình Cổ Nguyệt Thi được tìm thấy trong tủ sách gia đình cụ Trần Xuân Hảo ở xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, Nam Định.


Trong khi bà Huyện Thanh Quan trong văn học sau này chỉ biết đến sơ sài vài bài thơ và những giai thoại mà nguồn từ ông Dương Quảng Hàm qua Việt văn giáo khoa thư năm 1940.

Ca dao tình tự
Nói đến tiết trinh
Chơi cho thủng trống long bồng
Chơi cho gió cuốn mây tung mới là
Chơi cho nó thỏa tòa tòa
Cho năm bức váy, xé ra làm mười
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ nghĩa làng văn
Nữ nhà báo: Tôi còn nhớ, trong chiến tranh I rắc, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo.
Thực ra! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”.
(Triêu Thanh tạp chí)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 18 tháng 12.2017)