Họa sĩ “Mát”

vlx

Vũ Lưu Xuân

Anh là họa sĩ con nhà nòi. Đời cụ, kị thế nào, anh không biết, nhưng hình ảnh ông nội dù gần nửa thế kỷ sau anh vẫn nhớ như in. Ông cụ là một nhà nho cuối trào, tuy cực kỳ tài hoa nhưng bất đắc chí, chữ thánh hiền đầy một bụng, mà chẳng thể kiếm nổi cho vợ con hai bữa cơm thanh đạm. Cụ bà nhìn cụ ông, nửa xót xa, nửa ngao ngán. Cuối đời cụ lấy rượu làm vui, lúc nào mặt mũi cũng đỏ gay, dáng đi khật khưỡng, miệng lảm nhảm, chửi đổng vu vơ. Duy chỉ có lúc vẽ tranh, dường như cụ đã biến thành một con người hoàn toàn khác. Cụ gây lò trầm, rồi ngồi tĩnh lặng, tập trung, lim dim hằng giờ trước tờ giấy xuyến chỉ, như một thiền sư, sau đó ngọn bút bay lượn liên tục, tới khi ngừng tay, quăng bút, thì bức thủy mạc sống động đã hoàn tất. Bố anh là một họa sĩ chuyên nghiệp, tốt nghiệp trường mỹ thuật Sài gòn. Ông dành cả tuổi trẻ say mê sáng tác, tranh treo đầy nhà, nhưng đã vài lần triển lãm mà chả bán được bức nào, thật ra cũng có vài người bạn thương tình, đôi lần mua ủng hộ, ông biết, lòng càng cay đắng hơn. Lúc đứng tuổi, ông cũng theo gương bố, lấy rượu làm vui, lại dáng đi khật khưỡng, lại chửi đổng, nhưng hằn học, cay cú hơn nhiều. Mẹ anh nhìn bố, bà không dịu dàng như mẹ chồng, nên đôi lúc buông lời đay nghiến, ông nuốt nhục, cúi đầu. Trong một lần tỉnh rượu, lúc ấy anh còn rất trẻ, ông đã cầm tay anh ngậm ngùi: “đừng bao giờ con làm họa sĩ, cứ coi cái gương ông nội với bố thì đủ thấy…”, bố chưa nói hết ý, nhưng anh hiểu: “nghèo mạt rệp”.

Vậy mà cuộc đời đưa đẩy, anh lại bước chân vào nghiệp hội họa của ông cha, có lẽ anh không thể cưỡng được lời mời gọi của cái đẹp, cái đẹp bàng bạc trong thiên nhiên và lòng người. Có điều, nhìn tấm gương hai đời ông, cha, anh thề quyết không cam tâm nghèo đói. Tuy nhiên, quyết tâm là một chuyện, từ quyết tâm tới thành danh trong cảnh xã hội nhố nhăng, thủ đoạn vặt, để có thể kiếm sống bằng cây cọ lại là chuyện khác. Họa sĩ dù hy sinh cho nghệ thuật, cũng chẳng thể sống bằng khí trời. Vợ anh còn gay gắt hơn mẹ chồng, ngoài việc đay nghiến, cô cứ khăng khăng đòi lôi anh ra tòa. Cô viết sẵn tờ đơn xin ly dị, để tênh hênh trên mặt bàn. Giống bố, anh cũng nuốt nhục, cúi đầu.

Đột nhiên, đời anh rẽ sang khúc quanh mới. Trong một dịp triển lãm chung, anh gửi năm bức tranh, bốn bức sáng tác bằng tất cả tâm huyết, vậy mà chẳng ai buồn ngó tới, riêng bức thứ năm, trong cơn chuyến choáng, lòng đầy cảm khái, anh vẽ chiếc mặt nạ, nền tranh sáng, vàng tươi. Mặt nạ sinh động, nước da hồng hào, đầy vẻ phúc hậu, có dáng dấp của một bậc hiền nhân quân tử, nhưng đôi mắt sắc lẻm, giống như một tay gian hùng, miệng hơi rộng, môi dầy, có vẻ thích nói nhiều. Lúc tỉnh táo, nhìn mãi, anh cũng chẳng hiểu vì sao lại vẽ như vậy. Có một ông khách ăn mặc chải chuốt, hai má phúng phính, đỏ au, ông ta có tác phong của một tay giàu nổi. Khách dừng chân, ngắm nghía, gật gù:
-Đạt, rất đạt.
Anh cố nặn nụ cười cầu tài, tiến lại:
-Ông thấy bức tranh này thế nào?
Khách cũng chẳng thể tìm được câu phê bình khác hơn, lại gật gù:
-Đạt, rất đạt.

Bức tranh bán được giá cao. Trong lúc ngồi nhâm nhi cà phê tâm sự, khách ngỏ lời:
-Anh có biết tướng số không?
Anh nói bừa:
-Không dám nhận là giỏi.

Anh ngồi nghiêm chỉnh, ra dáng tập trung, nhìn bao quát khuôn mặt khách, rồi cầm bàn tay trái núc ních thịt, xăm xoi:
-Ông lúc nhỏ cực khổ, trung vận thăng tiến tột bậc, như cánh diều lớn gặp gió lộng, nhưng nếu không khéo có thể vướng vòng pháp luật.
Câu nói vu vơ, nước đôi, cũng đủ khiến khách hài lòng, nhưng lại tỏ ra đăm chiêu, lo lắng. Huyên thuyên một hồi, ông khách trở lại đề tài bức tranh:
-Mặt nạ có vẻ phúc hậu, rõ ra người tử tế.
Anh nói vun vào:
-Đúng đấy, tôi thích vẽ người tử tế, mà ai chả thích người tử tế, hòa nhã, tươi tỉnh, đúng không ông?
-Đúng đấy.
-Ngày xưa Tuân Tử nói: “thâm quan, nhập tâm”, tức là nhìn kỹ sẽ in sâu vào lòng. Nếu cứ ngắm mãi bức tranh này, chẳng mấy chốc kẻ xấu cũng biến thành người tử tế.
Thật ra anh muốn nói: “cũng có vẻ bề ngoài tử tế”. Còn câu chữ Hán anh bịa ra. Ông khách gật gù, có vẻ thông hiểu:
-Tôi sẽ treo bức tranh này trong phòng ngủ.
Trước khi chia tay, ông khách cười có vẻ thông cảm:
-Anh đừng lo, tôi sẽ giới thiệu bạn bè mua tranh của anh.

Buổi tối, anh khật khưỡng về nhà, nét mặt chị hầm hầm. Anh làm vẻ kẻ cả, quăng cục tiền lên bàn, nét mặt chị dãn ra:
-Tiền gì?
-Tiền bán tranh.

Ông khách giữ lời, giới thiệu cho anh nhiều khách xộp. Trước khi giới thiệu khách hàng, ông đã dặn nhỏ trong chỗ thân tình:
-Để gây thêm uy tín, cậu phải cố làm ra vẻ huyền bí.
-Ông nói rõ hơn được không.
-Thế này nhá, mấy ông khách tôi giới thiệu, ai cũng muốn có vẻ bề ngoài nhân hậu, tử tế, trí thức nữa. Nên nhớ, họ giàu lắm, tiền như nước, cậu phải hét cao vào. Cũng cần chộ  nữa, cứ cho họ biết muốn nhập tâm nhanh, tranh phải ếm bùa.
Anh ngơ mặt:
-Việc này tôi không thạo.
Khách cười hè hè:
-Khó gì, nếu biết điều, tôi chỉ cho vài chiêu.

Hai chữ biết điều, thời buổi này phải hiểu là bẻ cò, được thôi. Anh thắc mắc:
-Ôi dào, con người nếu không theo tôn giáo, tất ngả sang dị đoan. Thường là thế mà.
Cuối cùng thì ông khách mặt thịt cũng nói một câu có vẻ trí tuệ.

Còn anh, anh dần dần lìa bỏ cái đẹp của thiên nhiên, của lòng người, trở thành họa sĩ chuyên vẽ mặt nạ, bạn bè đùa, gọi anh là “họa sĩ Mát”, tức masque là mặt nạ. Anh cũng học thêm được vài tiếng Campuchia, để “chộ đời”, làm ra vẻ huyền bí, theo lời dạy của ông mặt thịt. Khác với nhiếp ảnh, tranh quý vì chỉ có một bức duy nhất, thế nhưng tranh họa sĩ Mát tất cả đều na ná như nhau, đôi khi giống như đúc khuôn, vậy mà không ai phát hiện, vì tranh mặt nạ được giấu kín trong phòng ngủ. Thật ra, nếu nói tranh họa sĩ Mát cứ na ná như nhau thì cũng  tội cho anh, đôi lúc anh còn thêm cho mặt nạ cặp kính trắng. Khách hàng của anh thích vẻ trí thức, anh chiều. Khi bán tranh, anh không bao giờ quên dặn kỹ:
-Phải cất kín, không cho ai xem, mất thiêng.

Thậm chí, khi giao hàng cho khách, anh cũng để tranh trong một bao bì in chữ lăng nhăng, ngoài anh và thân chủ, không ai biết mặt ngang mũi dọc bức tranh thế nào. Chính yếu tố bảo mật này, giúp xưởng vẽ của anh trở thành lò sản xuất tranh mặt nạ độc quyền, các họa sĩ đồng nghiệp chỉ biết một cách lơ mơ, nên không ai có thể cạnh tranh, dù chính đáng hay không chính đáng. Chính vì vậy, họa sĩ Mát luôn tự tin, vì còn khối vị tai to mặt lớn trên cõi đời này cần đến tranh mặt nạ.

Từ đó, họa sĩ Mát dần dần bầu bạn với nhiều tay có chức, có quyền, cùng với đám doanh nhân lố nhố. Cũng từ đó, anh chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền, nghệ thuật vị nghệ thuật là một khái niệm vô bổ, vu vơ. Anh không triển lãm nữa, khách quen giới thiệu nhau, ùn ùn kéo tới nhà. Còn chị, vợ anh, mặt chị càng ngày càng dãn ra mỗi lúc anh trịch thượng ném cục tiền lên bàn. Cuối cùng, khuôn mặt chị nở rộ như một đóa hoa mãn khai, nhiều mầu sắc vì son phấn. Và lá đơn ly dị, chị vẫn để tênh hênh trên mặt bàn chờ anh ký, bỗng nhiên biến mất, vô tông tích. Có lần anh hỏi:
-Em không đòi ly dị nữa à?
Chị cười ngả ngớn:
-Vớ vẩn, thế mà cũng hỏi, tôi khích anh đấy, không có tôi, đố mà anh được như ngày nay.

Có tiền, anh bắt đầu đỏm dáng, lập dị, cho ra vẻ một tay nghệ sĩ thứ thiệt. Anh để tóc dài ngang vai, buộc sau lưng như đuôi gà, áo quần anh mặc toàn hàng hiệu. Nhưng mặc hàng hiệu mà lại phải có vẻ lôi thôi, cái này mới khó.

Tới lúc khách hàng thưa dần, anh đánh liều vẽ trên cùng một tấm bố hai mặt nạ thiện, ác, thứ nhân vật đứng gác cửa đình. Khách thắc mắc, anh nói một câu đầy màu sắc triết lý:
-Ác với kẻ thù là thiện, thiện với kẻ thù là ác, phút ác, phút thiện, cao thâm khôn lường.

Khách gật gù bái phục, thế là họa sĩ Mát lại bán được tranh. Có lúc anh nghĩ ra chiêu tiếp thị độc đáo: mua một, tặng một, thực ra anh đã bán tranh với giá trên trời. Kèm với tranh mặt nạ là một bức tranh trừu tượng, chỉ cần múa dao một buổi là xong. Tranh mặt nạ cất kín trong phòng ngủ, còn tranh trừu tượng treo ngoài phòng khách cho nó sang. Điều đặc biệt, tranh trừu tượng của họa sĩ Mát treo ngược, treo xuôi, treo đứng, treo nằm vẫn thấy đẹp. Ý tưởng trong tranh thâm trầm, phong phú, ai cũng hiểu mà dường như chẳng hiểu. Có một tay phê bình lão làng buột miệng: thằng ấy ngu như con bò, thế là ông bị cả làng xúm vào chê cười, nguyền rủa. Chê tranh họa sĩ Mát chỉ có đồ vô học, vì thế không ai dám chê, vì chẳng ai muốn bị xếp vào phường vô học.

Một lần nể tình, họa sĩ Mát nhín chút thời giờ quý báu tham gia trại hè sáng tác để làm gương. Trong một buổi đi dã ngoại miền quê, họa sĩ Mát vô tình đạp trúng bãi chất thải của giống vật bốn chân. Buổi tối sau khi các họa sĩ nhậu nhẹt, để lấy khí thế làm động lực sáng tác, Mát chếnh choáng về lều, phóng bay, nguệch ngoạc vẽ một đống phân bò dưới ánh nắng trưa hè chói chan. Nền tranh mầu vàng nghệ pha đỏ, đống phân bò màu đen pha xanh rêu, nhìn kỹ, hình như còn có mấy con nhặng đang bay.

Trong phiên họp bế mạc, tất nhiên có dzô, dzô, các họa sĩ dự trại trầm trồ. Ông trưởng đoàn hết tới gần, lại lùi xa, hết nghiêng đầu, rồi lại nghển cổ, ra chiều thán phục. Ông còn chun mũi, gí sát vào bức tranh, hít, hít:
-Anh dùng sơn hiệu gì mà có mùi thơm? Lạ thật.
Không đợi trả lời, ông quay nhìn toàn thể trại viên, lên giọng giáo huấn:
-Các anh, đặc biệt là giới họa sĩ trẻ, cần học tập theo tấm gương anh Mát, lúc nào cũng phải lo trau dồi nghệ thuật. Nếu đi trại mà không có sản phẩm thì đi làm gì?
Ông quay qua họa sĩ Mát:
-Vậy anh đã đặt tên cho tác phẩm là gì chưa?
Họa sĩ tủm tỉm:
-Việc này tôi đang tính nhờ các bác.
Thế là cả bọn nhao nhao góp ý, ra cái điều ta đây cũng biết thưởng thức nghệ thuật:
-Theo tôi, bức tranh này nên đặt tên là “Mặt trời đen”.
Đúng, giữa gam mầu nghệ chói chan, một vòng tròn đen đen, chẳng “Mặt trời đen” thì là cái sự gì? Một anh khác cất cao giọng:
- “Hương vị cuộc đời”. Cuộc đời có những khoảng sáng, khoảng tối chen lẫn nhau, khiến cho nó thêm hương vị và đa dạng.

Họa sĩ Mát cười thầm trong bụng : nó chẳng phải “hương vị cuộc đời” thì còn là cái chó gì nữa. Cuối cùng trưởng đoàn, đầy vẻ trí thức, chốt lại:
-Theo tôi, nên đặt cho bức tranh cái tên “Khoảng tối của tư duy”. Gam màu nghệ nóng tiêu biểu cho tư duy. Tư duy mang ánh sáng tới cho con người, nhưng đôi lúc tư duy cũng hụt hẫng, để lại khoảng tối, đó là một chân lý không thể phản bác được. Còn mấy con vật bay bay kia lại là một chân lý khác. Tư duy không có nọa tính, mà luôn chuyển động. Chính sự chuyển động của tư duy là yếu tố chủ đạo giúp nhân loại tiến bộ.
Đúng! Đúng quá! Mọi người vỗ tay cái rần. Và, kể từ thời điểm ấy, bức tranh phân bò, “sản phẩm trí tuệ” của họa sĩ Mát, được cả thiên hạ gọi là “Khoảng tối của tư duy”.

Trong buổi triển lãm, giới thiệu các thành tựu của trại sáng tác. “Khoảng tối của tư duy” là bức đầu tiên có người mua, và với giá rất cao. Một ông giầu nổi chậm chân, hít hà:
-Tiếc qua, tiếc quá!
Quay qua họa sĩ Mát, ông năn nỉ:
-Hay là ông chép cho tôi bức khác, để tôi treo trong phòng khách căn biệt thự năm trăm mét vuông mới xây.
Họa sĩ Mát trịnh trọng lắc đầu:
-Dạ, dù bác có trả cao cách mấy, tôi cũng chịu, không chép lại được. Hình chụp có thể rửa ra một trăm tấm, nhưng tranh chỉ có một, một mà thôi. Thôi thì, nếu bác thực lòng ngưỡng mộ “Khoảng tối của tư duy”, bác có thể nhờ mấy anh thợ chép lại, tôi sẽ ngó lơ, coi như không biết gì. Còn tôi thì: không, không, và không.

Từ lời nói hớ trong lúc bốc đồng đó, người ta đếm được cả thẩy 102 bức “Khoảng tối của tư duy” trôi nổi trên thị trường tranh, mà cũng chẳng ai biết bức nào là thật, bức nào là giả.

Thế rồi, nửa đời về sau, họa sĩ Mát chơi toàn với những người tử tế, và vợ chồng họa sĩ Mát cũng là người tử tế.

V.L.X.

Trích: tập truyện "Hương Hồng Quế" của Vũ Lưu Xuân, nhà xuất bản Cội Nguồn, 2009.