ANH HÙNG DÂN TỘC NGUYỄN HUỆ

(Chiến thắng Quang Trung)

Trần Khánh

Đức Phật sanh ra đời cách mấy ngàn năm nay, cho đến mấy trăm năm sau ngày thành đạo, người ta mới họa được chân dung. Ở mấy xứ như Ấn Độ, Thái Lan, diện mạo của ngài có khác với các nước Tàu, Việt Nam… có lẽ, người vẽ, nắn tượng chịu ảnh hưởng của dân tộc mình. Vị anh hùng cái thế của Việt Nam là Quang Trung cũng vậy. Hai trăm năm sau, người ta muốn họa hình lại mà chẳng biết hình dáng ra sao? Cứ nghĩ là một người có sức khỏe và thông minh, là có đôi mắt sáng hoắc và rất to con mới đánh đuổi được bọn giặc Mãn Thanh, là một lực lượng vô địch thời đó. Cũng như sử ta chép về Lý Ông Trọng.
Trông hình thù to lớn là người bị cống sứ sang Tần, vua Tần cho trấn giữ biên giới Hung Nô. Thật ra, Lý Thân chỉ là người có tầm vóc mà võ nghệ siêu quần, đã hạ tất cả các võ sĩ của Tần, nên người ta cho là phải to lớn có sức khỏe phi thường nên mới đánh thắng tất cả các võ sĩ Tần.
Cách đây hơn 200 năm, vào hè năm 1789 ở Pháp một cuộc cách mạng vĩ đại bùng nổ, trước đó vào đầu Xuân một cuộc biến chuyển kinh thiên động địa. Quang Trung đánh bại một đạo quân xâm lăng nhất đương thời là đế quốc thực dân Mãn Thanh, mở đầu cho công cuộc thống nhất Nam Bắc sau mấy trăm năm đất nước bị chia cắt bởi Trịnh Nguyễn. Nếu nhà vua không yểu mệnh thì nước Việt Nam ta có thể như nhà Nguyên (Mông Cổ) hay nhà Thanh đã nghiễm nhiên thống trị Trung Quốc trước sau hơn ba thế kỷ.
Chẳng những Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự mà còn là một nhà chánh trị lỗi lạc nữa. Việc hình thành một quốc gia Đại Việt thống nhứt và mạnh mẽ về phía nam Trung Quốc là một mối lo ngại lớn cho triều đại Mãn Thanh. Họ chưa bao giờ từ bỏ một mưu đồ nào khi gặp điều kiện thuận lợi để gây sức ép với Việt Nam. Cho nên, lời cầu khẩn của vua Lê Chiêu Thống đã cho phép chúng thực hiện ý đồ tái lập tại Thăng Long một triều đình tay sai cho chúng. Cuối cùng để mở rộng ảnh hưởng Trung Hoa trên toàn bộ của một nước Việt Nam thống nhứt. Viên quan được vua Lê Chiêu Thống phái đi cầu viện với Mãn Thanh là không yêu cầu quân đội vào Việt Nam mà chỉ xin ủng hộ về mặt tinh thần, nghĩa là đưa một lực lượng vũ trang hùng mạnh áp sát biên giới để làm cho Tây Sơn khiếp sợ, nhưng Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đã tâu lên vua Càn Long: "Giờ đây, vua Lê đã cầu xin ta cứu giúp…Nếu sau khi đã khôi phục được nhà Lê, quân ta lưu lại ở đó và chỉ một đòn thôi ta sẽ giết được hai con thỏ, vừa bảo vệ được nhà Lê vừa nắm được An Nam trong tay chúng ta".
Càn Long và Tôn Sĩ Nghị đã hoàn thành cuộc chuẩn bị tấn công Việt Nam với một lực lượng đông đảo 20 vạn quân gồm 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quí Châu. Đó là chưa kể đến quân trung dũng của Sầm Nghi Đống và quân đội giúp thiên triều của Lê Chiêu Thống, cũng như các binh lính thủy thủ trên các pháo hạm đã được biến chế thành đơn vị chiến đấu ở Quảng Đông và Phúc Kiến (theo Hoàng Lê Nhất thống chí thì đoàn quân ấy tới 50 vạn tức 500.000 người, có lẽ kể chung hết).
Trên đường tiến chiếm Thăng Long, hai bên trục đường cơ bản từ Trung Quốc vào Việt Nam, từ Vân Nam và Quảng Tây đã mọc lên 70 cứ điểm kiên cố. Và từ Nam Quan đến Thăng Long trong thời gian tiến quân đã dựng lên 18 kho chứa lương thực và đạn dược vũ khí.
Ngày 25-11-1788, quân lực bộ binh Trung Quốc đã áp sát biên giới Việt Trung và bắt đầu tấn công. Bộ phận chủ lực dưới sự chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị tiến về ngã Lạng Sơn để vào Thăng Long. Cánh thứ hai do Sầm Nghi Đống chỉ huy tiến về hướng Cao Bằng, qua Thái Nguyên để tới mục tiêu được ấn định cũng là Thăng Long. Cánh thứ ba do Ô Đại Kinh chỉ huy, từ Vân Nam vượt qua Tuyên Quang vào Sơn Tây.
Quân Tây Sơn không dự đoán được một cuộc chiến xâm lược của đế quốc Mãn Thanh to lớn như vậy. Điều này có thể nghĩ rằng sự kiện lịch sử vào năm 1788 khi Nguyễn Huệ cùng đại binh của mình trở lại phần đất phía nam Phú Xuân. Theo tư liệu của Mãn Thanh thì Nguyễn Huệ chỉ để ở Bắc Hà một đạo quân nhỏ từ 8 đến 9 ngàn người. Các tướng lãnh Tây Sơn đã tỏ ra sáng suốt và kịp thời khai triển cuộc kháng chiến chống xâm lược, kế hoạch của Ngô văn Sở là tạo điều kiện về thời gian cho các cánh quân Tây Sơn đóng ở phía bắc kịp thời bố trí phòng thủ khu vực Thăng Long. Những cuộc giao chiến gần Lạng Sơn trên sông Thị Cầu nơi mà tướng Phạm văn Lân chận đường tấn công của giặc. Do đó, các cánh quân ở họp điểm Thăng Long có thời gian rút khỏi thủ đô về núi Tam Điệp để bảo tồn lực lượng.
Ngày 17-12-1788, quân Thanh tiến vào kinh thành Thăng Long bỏ ngỏ. Thành quả quá đỗi dễ dàng làm ngây ngất quân xâm lược. Tướng Sĩ Thanh càng coi nhẹ thêm khi nghĩ về quân Tây Sơn. Khi được tin về cuộc tiến chiếm Thăng Long, vua Càn Long đã hết lòng khen ngợi tướng sĩ của mình, y liền phong cho Tôn Sĩ Nghị tước Mưu dũng công hạng nhất, kẻ tham chiến tất cả được hưởng từ một đến hai tháng lương. Dịp Tết năm ấy (Kỷ Dậu) Càn Long ra lệnh đem dán khắp các làng mạc và thành phố Trung Quốc các bức tranh cổ động, bức họa truyền thống, các câu danh ngôn với chủ đề là chinh phục An Nam.
Theo các nhà biên niên sử Trung Quốc ghi là Mãn Thanh đã vạch ra kế hoạch xây thêm 123 đồn kiên cố để cung cấp lương thực cho quân đội từ Thăng Long tới Quảng Nam. Để thực hiện kế hoạch này, Tôn Sĩ Nghị xin Càn Long viện thêm 20 vạn binh nữa và sẽ thực hiện sau Tết Nguyên đán.
Hàng ngày Lê Chiêu Thống cưỡi ngựa đến Tây Long để xin yết kiến Tôn Sĩ Nghị mà nhiều khi bị từ chối. Đối với tinh thần Việt Nam đó là một điều sỉ nhục.
Trong khi quân Thanh say sưa với chiến thắng lo chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, thì quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu nổ lực cuộc tiến quân ra Bắc để quét sạch quân xâm lược.
Ngày 12-12-1788 được tin Ngô văn Sở báo cáo tình hình phía bắc nước ta, Nguyễn Huệ liền chuẩn bị đội ngũ chỉnh tề lập đàn trên núi Bân, xã An Cựu, quận Hương Trà, Thừa Thiên, tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Quang Trung, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài và hạ lệnh xuất quân.
Tình hình đất nước trở nên khẩn trương, Nguyễn Huệ cũng nhận được tin Nguyễn Ánh mang quân đổ bộ Gia Định. Đứng trước hai cuộc chiến: giặc trong, xâm lăng ngoài, lưỡng đầu thọ địch. Rồi Quang Trung đưa ra giải pháp đúng đắn, ông phái người vô Nam phải tiến hành bằng mọi giá chận đứng quân Nguyễn Ánh, còn chính ông phải thân chinh đối diện với kẻ thù nguy hiểm nhất từ phương bắc đến.
Ở Phú Xuân, Quang Trung có độ 60 ngàn quân, mà điều thiết yếu trong lúc này là phải có một lực lượng đông, vừa là quân tinh nhuệ, được huấn luyện kỹ.
Tháng 12-1788, Quang Trung đến Nghệ An cho vời danh sĩ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp để vấn kế. Nguyễn Thiếp trình rằng: "Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh đến đây không biết mạnh yếu thế nào, không biết gìn giữ ra sao… Chúa công ra đi chuyến này không quá mười ngày giặc Thanh sẽ bị đập tan". Nhà vua sai đại tướng Hám Hổ Hầu tuyển binh tại Thanh Hóa và Nghệ An, trong thời gian ngắn, có vài chục ngàn quân mới, cộng tất cả khoảng một trăm ngàn. Ông cho duyệt binh ngay tại doanh trấn và đứng lên diễn thuyết, kêu gọi lòng yêu nước của quân dân, Quang Trung luôn nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược của quân Thanh đó chỉ là một bước trong toàn bộ kế hoạch của nhà cầm quyền phương bắc vạch ra, vua Càn Long luôn mưu toan mở rộng khu vực chiếm đóng, họ đã hoàn thành cuộc bình định phương tây, nay họ tiến xuống phương nam. Quang Trung kêu gọi mỗi người Việt Nam đem hết sức mình chiến đấu chống xâm lăng vì đã đến lúc: "Trên vai mỗi chúng ta đều có một trách nhiệm mà xưa nay chúng ta chưa hề biết đến". Từ đó không ai coi Tây Sơn là người nước ngoài nữa. Trước mặt chỉ có hai chiến tuyến rõ rệt là quân Thanh là quân giặc Tàu và quân Tây Sơn là của nước Đại Việt.
Lễ tuyên thệ đó là một hội nghị Diên Hồng lập lại, là một yếu tố tất thắng.
Trong Biên niên sử đã ghi: "Khi Huệ dứt lời các tướng sĩ đồng thanh hô vang 'Xin thề', tiếng hô làm vang dậy núi rừng, đất trời rung chuyển. Sau đó cùng với tiếng trống đồng ngân nga, quân sĩ rùng rùng tiến ra phía bắc".
Thời gian chuẩn bị ra Bắc, quân đội đó được chia ra làm nhiều binh chủng: bộ binh, thủy binh, kỵ binh và tượng binh. Quang Trung hết sức tin tưởng vào đoàn tượng binh hùng dũng này, trên thực tế quân Thanh chưa biết chống lại binh chủng lạ này. Mà quả vậy tượng binh trở thành chủ lực giáp chiến trong các trận tấn công vào các cứ điểm kiên cố của chúng. Và để gia tăng thêm khả năng chiến đấu song song với bộ binh, Quang Trung còn trang bị thêm cho tượng binh các giàn phóng hỏa, các chiến sĩ ngồi trên lưng voi trở nên các pháo đài di động.
Theo các giáo sĩ phương Tây có mặt ở Việt Nam vào thời đó thì thủy binh của Tây Sơn cũng mạnh mẽ với nhiều thuyền chiến và vận tải. Trong thời gian chuẩn bị và trong lúc giao tranh, thủy binh đóng vai trò quan trọng trong sự vận chuyển quân, bảo đảm cho cuộc hành quân gấp rút. Thủy quân cũng hoạt động nhịp nhàng chuyển các lực lượng lớn về hậu phương, tránh mũi tấn công của giặc trên đường rút quân rời Thăng Long.
Ngày 15-01-1789, khi vượt qua địa giới Thanh Hóa, quân Tây Sơn được bố trí dọc theo dãy núi Tam Điệp, tại đây Quang Trung cho duyệt lại kế hoạch cụ thể cho cuộc tấn công lấy lại Thăng Long mà kế hoạch này đã đề ra từ lúc Tây Sơn còn ở Nghệ An. Theo tinh thần cơ bản, kế hoạch này được tính toán chu đáo tất cả các thế mạnh và yếu của ta và địch.
Quang Trung nhấn mạnh hai điểm: thứ nhất quân Thanh đông gấp 2, 3 lần quân ta, thứ hai là Tôn Sĩ Nghị sẽ mở cuộc tấn công vào Nam ngay sau khi ăn Tết. Quang Trung quyết định chỉ có cuộc hành quân thần tốc, giáng một đòn chí tử vào lực lượng phòng thủ của đối phương trong một thời điểm bất ngờ nhất, vào chỗ xung yếu nhất của chúng thì sẽ giành được thắng lợi.
Ngày 25-1-1789 trước giờ giao thừa, Quang Trung hạ lịnh tấn công vào các đồn giặc.
Trước khi phát hỏa ông nói với các tướng soái và binh sĩ: "Hôm nay, ta coi như đã ăn Tết, nhưng chúng ta hãy đợi đúng ngày mùng 7 tháng giêng năm mới, khi chúng ta tiến vào Thăng Long, ta sẽ mở đại tiệc. Các ngươi hãy tin vào điều ta nói".
Ngay trong đêm đó, sau khi vượt qua sông Vị Hoàng, quân Tây Sơn tiến thẳng vào tuyến phòng thủ đầu và làm chủ tình hình. Bọn giặc bị truy kích đến tận Phú Xuyên (Hà Tây) để không còn tên nào chạy thoát cả.
Đêm 28-1-1789, quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn Hà Hồi, nằm cách thủ đô chỉ có 20 cây số. Tham gia vào chiến dịch này chỉ có một bộ phận quân chủ lực, nhưng sự bất ngờ của cuộc tấn công cộng thêm tiếng kêu gọi đầu hàng dội vào đồn giăc khiến cho quân địch rối loạn. Chúng bị hốt hoảng tột độ và sẵn sàng quy hàng. Chẳng tốn một mũi tên, chẳng hao một người lính, quân Tây Sơn đã chiếm một cứ điểm quan trọng và kiên cố, thu được vô số chiến lợi phẩm, tiêu diệt tại chỗ mấy chục ngàn giặc.
Ngày 29-1-1789, quân Tây Sơn bao vây các cứ điểm trên phòng tuyến Ngọc Hồi, đồn này có chừng 30 ngàn quân trú đóng, bao vây tứ phía bởi các lũy đất, các cạm bẫy và hầm hố.
Tôn Sĩ Nghị cho tăng cường lực lượng Ngọc Hồi và luôn theo sát tình hình diễn biến. Nhưng Quang Trung không tiến đánh Ngọc Hồi liền, chờ các cánh quân của đô đốc Long bắt đầu ở trận Khương Thượng tại khu tây nam thành phố. Ngày 29-1-1789 chỉ mỗi một cánh quân tiên phong của Tây Sơn tiến hành giao chiến để chiếm lấy tuyến phòng thủ. Quang Trung đã đạt được ý đồ của mình vì số quân trong thành bị bao vây chìm ngập trong sự căng thẳng không hề biết được đòn tấn công quyết định sẽ bắt đầu vào hướng nào. Hành động này của vua Quang Trung càng củng cố thêm lòng tin của Tôn Sĩ Nghị và kẻ thân tín của y vì chúng nghĩ là quân Tây Sơn không dám cả gan tấn công vào phòng tuyến mạnh mẽ và kiên cố như Ngọc Hồi, lại càng không dám tấn công Thăng Long.
Vua Quang Trung sai lấy ván ghép lại làm thành 20 tấm khiêng lớn bên ngoài bọc rơm và tẩm nước, do 10 dũng sĩ mang giáo ngắn khiêng đi trước và 20 dũng sĩ mang binh khí theo sau. Mờ sáng ngày 30-1-1789, vua Quang Trung ngồi trên lưng voi ra lệnh tiến quân.
Quân Thanh trong đồn dùng cung tên, súng lớn súng nhỏ bắn ra như mưa, bị các tấm khiêng chặn lại, quân Tây Sơn không bị thiệt hại nào.
Quân Tây Sơn tràn vào như nước vỡ bờ. Lúc đầu, quân Thanh chống cự mãnh liệt nhưng chỉ trong phút chốc hàng ngũ tan rã, mạnh ai nấy chạy, giày xéo lên nhau mà chết, tướng Thanh Sầm Nghi Đống tự tử. Đám tàn binh gom lại tìm đường tắt để chạy về Thăng Long để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn.
Tuy nhiên, con đường tháo chạy đó bị đô đốc Bảo khóa chặt. Kế sách của Quang Trung như dự liệu. Quân đô đốc Bảo tiến theo con đường làng phía tây Thăng Long, Ngọc Hồi, kịp thời lách qua miền đầm lầy có tên là "đầm mực", sau đó đơn vị này lùa địch vào bẫy ra sức tiêu diệt.
Đồng lúc cuộc tấn công Ngọc Hồi, đô đốc Long tấn công Khương Thượng, phòng tuyến này nằm cạnh bản doanh Tôn Sĩ Nghị, khu vực này chúng không dựng các tuyến bố phòng, trải dài trên một vị trí bằng phẳng, rộng lớn bao quanh những mô đất cao án ngữ bởi các đơn vị đặc biệt để khống chế các con đường vào thủ đô. Lợi dụng sương mù dày đặc, đô đốc Long bí mật vượt qua sông Tô Lịch, đợi kỵ binh và tượng binh chi viện. Sau khi họp điểm đã tấn công khu đồi cao ngay bộ chỉ huy. Thời gian ngắn quân Tây Sơn loại khỏi vòng chiến 5 ngàn tên.
Như thế chỉ trong buổi sáng ngày mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (tức 30-1-1789) đã tiêu diệt toàn bộ quân lực Mãn Thanh ở Ngọc Hồi, Khương Thuợng…
Một số binh lính Thanh chạy thoát được báo cho Tôn Sĩ Nghị tin dữ: "Tướng từ trên trời xuống, quân dưới đất chui lên". Tin thất trận ồ ạt tuôn về, quân Mãn Thanh tan vỡ như cơn lốc xoáy. Kinh thành bốc khói mịt mù, súng nổ rền vang. Tôn Sĩ Nghị sợ chết điếng, phóng mình lên ngựa chạy không kịp tra yên mặc giáp, thúc ngựa vọt qua cầu phao. Bọn thủ hạ cũng chạy trối chết theo sau qua cầu, xô đẩy nhau, cầu gãy chết vô số, thây địch quân làm nghẽn cả nước sông Hồng.
Vua Quang Trung vào thành Thăng Long trưa hôm ấy với niềm kính phục: "Áo bào nhà vua sạm đen khói súng". Nhà vua lập tức ra lệnh áp dụng mọi biện pháp để lập lại trật tự và vỗ yên dân chúng. Về mặt quân sự, ông quyết định truy đuổi đến tên lính Thanh cuối cùng đang rút chạy khỏi thủ đô. Nhiệm vụ này giao cho đô đốc Lộc. Còn đô đốc Tuyết tấn công vào Hải Dương cùng lúc quân ta tiến vào Thăng Long. Đạo quân đô đốc Lộc nằm chặn từ bắc và đông bắc Thăng Long chạy dài từ thủ đô tới ải Nam Quan. Tôn Sĩ Nghị và đám tàn binh lê lết chạy về đến biên giới chưa hoàn hồn vẫn cứ chạy như có quân Tây Sơn đuổi theo. Khiến cho dân Tàu ở các quận huyện biên giới hoảng hồn kéo nhau bỏ nhà cửa ruộng vườn đi lánh nạn, "suốt mấy trăm dặm lặng ngắt không thấy một bóng người".
Lời tiên đoán của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã ứng nghiệm, Quang Trung nói: "Chỉ một lời nói mà dấy nổi cơ đồ".
Xuất phát từ Phú Xuân ngày 25-11 âm lịch (tức 22-12-1788) mở cuộc tấn công chính thức vào đêm giao thừa để rồi vào Thăng Long ngày mồng 5 (tức 30-1-1789). Tính ra vỏn vẹn có 40 ngày, 35 ngày dành cho việc chuẩn bị chiến dịch và 5 ngày đánh nhau thực sự. Hỏi trên thế giới từ cổ chí kim có một cuộc thư hùng nào thành công trong giai đoạn ngắn ngủi như vậy.
Chiến thắng vĩ đại này, cũng như chiến thắng lịch sử của Lê Lợi đuổi quân Minh và Trần Hưng Đạo đuổi quân Nguyên (Mông Cổ) là do sự đoàn kết của toàn dân, người ta cũng gọi đó là mùa Xuân của dân tộc. Chúng ta tự hào với Quang Trung như dõng dạc tuyên xưng truyền thống hào hùng của dân tộc, như một sự kiện tự nhắc nhở hoài bão của một khối quốc dân kiêu hùng đang bị chìm đắm trong tối tăm của dòng lịch sử, nhưng luôn luôn vững lòng chờ thời cơ với tấm lòng khao khát xây dựng lại lịch sử.

 Trần Khánh

Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ"

 

Đăng ngày 15 tháng 09.2016