Những mảnh khuất sử


Phí Ngọc Hùng

Canh khuya đèn tàn, tối qua sử quan thức suốt đêm, sáng nay ra đứng trước hàng hiên ngẫn ngẫn dòm lùm cây xa xa sau lớp mờ mờ sương phủ. Mặt mũi ông ủ dột như chiếc lá ướt gặp mưa. Bởi lẽ nhìn suông đất trời như thế này với việc đời biến cải, với ông, tất cả như vừa mới qua giấc mộng dài chưa chín một nồi kê…Chả là với giấc mộng đồ thư, ông mang cái hoài bão lấy sở học ra kinh bang tế thế. Ấy vậy mà đến cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc, tưởng ông không còn gì huyễn hoặc nữa! Thì nhờ ơn vua lộc nước, ông được tiến cử là sử quan, nay ông đang ngồi ở Quốc sử quán hiệu đính bộ thông sử của những sử thần tiền nhiệm.
Sử quan sai trà đồng bày bàn trà trước hàng hiên, ông muốn được thảnh thơi đôi chút trước khi nhập triều. Ông đang vờn mây khuấy nước cùng chim kêu hoa nở, gió thoảng hương bay thì buổi sáng nhón nhén của sử quan bỗng chấm dứt đột ngột vì có tiếng reo hò từ phía cửa Thượng Tứ. Ông nghe rõ tiếng chân người rầm rập trên đường mỗi lúc một gần. Ông đứng lên trông cho rõ hơn. Qua mặt tường thành loáng thoáng một nhóm người cầm gậy gộc đuổi theo một con chó và hô hoán: “Chó dại! Đánh chết nó đi!”. Chó và người vụt khuất sau mảng lá rậm của rặng cây ngô đồng. Lát sau, đám đông tản mát ai về nhà nấy. Chuyện vặt ngoài kia chẳng đọng lại lâu trong tâm trí ông. Bởi lòng dạ sử quan đang rối như tơ vò vi bộ thông sử ông hiệu đính đây còn nhiều khuất tất cần phải cẩn án, hiệu đính này kia, kia nọ.
Chiều tối về, gặp buổi mây chiều gió sớm với bữa yến thưởng trăng tại Vọng nguyệt lâu, trong khi chờ vua xem hát bội, các quan nói chuyện rôm rả về cái chết của con chó hồi hôm.
Thượng thư bộ binh lụng bụng: “Bọn lính giản bắn mấy phát tên mới giết được nó đấy”.
Hàn lâm viện học sĩ củng quẳng: “Không có cung tên nào hè. Tại hạ thấy nó bị đánh bằng gậy”. Vừa lúc vãn tuồng, vua tới khai tiệc và vui vẻ báo tin: “Các khanh biết không? Sáng nay, ngự lâm quân của trẫm đã bắn chết con chó bằng súng điểu thương”. Các quan đại thần nhất loạt đứng lên, cung kính bẩm tâu: “Lạy thánh mớ bái, thật không hổ danh ngự lâm quân”.

***

Bước vào sử quán, sử quan bã bười vì với như thị ngã văn, bởi sự việc xảy ra trước mắt, ông còn chưa biết đâu là sự thật thì làm sao mà viết sử sách? Huống chi nhân vật lịch sử, sử tài cách ông cả trăm năm ông còn mù mờ biết nhường nào? Ấy là chưa kể sử kiện xảy ra cả ngàn năm trước với tiền sử, cổ sử như gió thổi mây bay nào ai có hay biết. Vì vậy những khuất tất trong bộ thông sử đây, với giác ngoại biệt truyền bất lập văn tự, nếu như có bậc thức giả nào đấy văn kiến súc tích, sở kiến cao minh để ông kiến văn sở thị thì hay biết mấy. Ông chắc mẩm đêm nay ắt hẳn phải châm thêm dầu đèn và quay lại dòm chừng đèn đóm…
Bất chợt ông ngước mắt nhìn lên bức ảnh chụp vị tiền bối của ông là cụ Phan Thanh Giản, cụ là Quốc sử viện giám tu ở đây, mà trước kia thời vua Minh Mạng được gọi Quốc sử quán. Vị đại thần này là người đã soạn thảo bộ Đại Nam hội điển, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí, Minh Mạng chính yếu.
Ảnh chụp cụ tại Ba-lê năm 1863 nhân cụ dẫn sứ bộ đi Tây để xin chuộc đất. Cụ mặc áo đại triều mầu thiên thanh, đội mũ cánh chuồn, chân mang hia cánh phượng. Cụ trông cương nghị, quắc thước với bộ râu trắng, dường như đang nhìn ông muốn…hỏi chuyện gì làm ông đang rối trí đây.
Trong rối ren, ông bật ra ý đồ tránh dẫm lên con đường sáo mòn của những sử thần tiền nhiệm viết theo kỷ truyện của Tư Mã Thiên với tiểu sử nhân vật. Hay như cụ Phan với sử biên niên, sử liệu viết theo theo niên hiệu, niên đại mà Khổng Phu Tử là người tiên khởi. Hoặc sử cương mục của Chu Hy với tiểu đề ở đầu chương là đề mục rồi dàn trải hồi sau. Vì vậy ông chẳng ghi chép những sử kiện mà ai cũng biết rồi, chả có gì mới mẻ, nhiều khi chỉ làm rối mù thêm. Những gì ông đang mọt sách ăn giấy đây, tất cả chỉ gom lại những mảnh rời của những đoạn tạp sử để thành…phiếm sử. Trong mươi trang câu thiếu chữ thừa này, ông chỉ đề mục cảo văn một vài khúc ông chưa thông tuệ của triều Nguyễn mà ông đang là bề tôi. Rồi cứ thế mà ngược dòng lịch sử dọ dẫm đi tìm dăm ba uẩn khúcvần còn ẩn khuấtcủa khuất sử.

***

Lấy bộ tứ bảo, trong đó có nghiên mực “Tức mặc hầu” của vua Tự Đức để lại. Nói cho ngay, ông đang cách rách như xẩm tìm gậy đi tìm một vài thâm u bí sử mà hệ phả nhà Nguyễn không đề cập trong Nguyễn Phúc lộc thế phả nên được xếp vào khuyết truyện…
“…Một hôm trong cung khám phá ra cô hầu Cúc có thai. Đức thái hậu, chánh phi của vua Đồng Khánh nghi hoàng tử Bửu Đảo (sau là vua Khải Định) tằng tịu với con hầu, bèn cho đào một cái hố sâu, đổ nước, bắt cô Hòang Thị Cúc đứng ở dưới đó, để cho lính tra khảo. Nhưng cô vẫn một mực không chịu khai, Bửu Đảo thấy vậy, thương hại nên nhận là “tác gỉa” của bào thai. Vua băng hà, Bửu Đảo vì không có con trai nối dõi nên bị hội đồng hòang tộc lọai ra ngòai. Bà Hòang Thị Cúc, tuy xuất thân từ giới dân giã, nhưng rất khéo léo, vận động thẳng với quan Tây tòan quyền Đông Dương để Bửu Đảo lên nối ngôi (Khải Định). Còn cái bào thai sẽ là thái tử (sau là vua Bảo Đại) và sẽ là người kế vị là chuyện sau…. Sách sử chép vua Khải Định có tất cả 12 bà vợ, không có con. Vì vua bất lực không thích gần đàn bà, chỉ thích đàn ông.
Sử sách ghi chép Khải Định mê hát bộ, cải lương. Ngay chính ông múa bút tự trào với khẩu khí chẳng biển ngẫu chút nào: “Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tầu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoang ra dáng, rạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng”. Vua thường tuần du vào “Sài Côn” để xem hát bộ nhìn nữ công múa may buồn chán, vua bảo hãy dẹp những màn vũ ấy và thay thế vũ công nam. Vua còn ra lệnh những vũ công nam phải thoa phấn, đánh má hồng và tô môi son đỏ, thậm chí cho họ mặc áo quần màu lòe loẹt.. Ngay vua cũng thế, cũng thích mặc quần áo loè loẹt nhiều màu sắc, mang nhiều nữ trang trên người và "đội nón lá" như...đàn bà.
Sài Côn ở đâu sử quan cũng chẳng hay biết. Huống chi vua kế vị là ai (Bảo Đại) là chuyện của sử quan kế tiếp, vì ông đang rối trí với việc của người viết sử đương triều là ông phải tận tuỵ, nghiêm túc, nhất là phải trung thực. Ông không muốn là một Tư Mã Thiên đời Tần bị thiến hay Nguyễn Trãi thời Lê bị tru di tam tộc nên ông đang phân vân…
Phải chăng nhà Nguyễn chấm dứt vào thời Khải Định, vì vua bất lực.
Chấm bút lông vào nghiên mực, ông phân vân tiếp ngay như triều đại nhà NguyễnvớivuaTự Đức, cứ theo giai thoại vào thời ấy: Vua truyền quan quân kéo tới đập phá đền thờ quan trạng "An Nam lý học hữu Trình truyền" ở Hải Dương. Hỏi ra mới hay vua tức giận vì câu sấm: “Gia Long tam đại - Vĩnh Lạc vi vương”. Diễn nghĩa là nhà Nguyễn không truyền tử tôn đời đời kế thế như bà Thiên Mụ dậy mà theo cụ Trạng Trình với tam đại, chỉ có 3 đời: Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Vì Tự Đức không thuộc phổ hệ nhà Nguyễn mà là con của Quận Quế người Vĩnh Lạc, Hải Dương. Như cụ Trạng đã dậy người Vĩnh Lạc làm vua ấy thôi. Thêm dân gian có câu: “Nhất đại tầm thường - Nhị đại văn chương - Tam đại phát đế vương - Tứ đại tuyệt”.
Vì vậy nhà Nguyễn đúng ra ngừng lại ở triều Tự Đức, vì vua… tuyệt tự.

Qua chuyện cụ Phan Thanh Giản đã xuất dương nhiều nơi, ông như chiếc đèn dầu đang muốn soi rọi những bước đi của vị Quốc sử viện giám tu này thì…Thì bỗng cái đèn hạt đậu đang đỏ đèn bỗng lóe lên một cái như muốn phụt tắt. Ông chồm người khêu cái tim dầu. Và quay lại…Ông thuỗn người ra vì thấy rõ mồn một…một ông Tây mặt như lá chuối hơ lửa đứng trong thư phòng tự hồi nào. Ông dụi cái đóm lửa và thần ra nhìn ông khách lạ như gặp lại người về tự trăm năm. Người khách lạ ngó lơ như không có ông ở đấy, lẳng lặng kéo ghế ngồi xuống, rồi bình thản săm soi bản trước tác của phiếm sử mà ông đang rị mọ…

Đèn đóm tỏ sáng lại, ông dòm ông Tây kỹ hơn rõ ra đại nhân đây cao lớn như quan Tây tòan quyền Đông Dươngthường đến gặp bà Hòang Thị Cúc: Ông trộm thấy quan Tây mũi tẹt, đội mũ chùm hụp như cái nồi. Lưng địu cái túi như…bị gạo vải bố. Áo cộc tay bốn túi, túi có nắp đậy với khuy đồng như cái liếp cửa trái bếp, hai cầu vai có hai mảnh vải như con cá rô con nằm bẹp dí. Áo bỏ ngoài quần, quần không có ống. Chân đi giầy da bò, bắp chân quấn vải giống cái rọ bắt cua (bí-tất). Ông có nét mặt đồng nhan, nghiễm nhiên như tùng bách. Như có linh tính, sử quan quay lại nhìn bức ảnh chụp cụ Phan đằng sau lưng, thấy…cái khung trống trơn. Ông ớ ra chả lẽ như chuyện Giáng Kiều chui ra khỏi bức tranh để gặp Từ Thức là ông thì…
Thì ông Tây trành miệng ra trông như cười…
- Bản chức là Phan Thanh Giản đây.
Sử quan như Từ Hải chết đứng vì chả hiểu là người hay… ma. Với ai cũng thê vì ngôi có tôn ti, lễ có cấp bậc nên sử quan lập cập:
- Quan… quan ngự sử…
- Quan cách gì. Tiên sinh rõ vẽ chuyện.
Rồi “Quan ngự sử” chỉ vào bộ đồ đang mặc:
- Hồi qua Tây nhờ nhìn “cái đèn đường chổng ngược” nên bản chức sắm được đấy.
Ông líu lưỡi nên càm ràm:
- Cụ… đi… đi… Tây.
Cụ Phan phều phào cười…
- Thì còn ai trồng khoai đất này, sử sách của tiên sinh chép thế đấy.
Thế là cái đầu đậu phụng của ông như dầu tẩm bột gạo vì với cụ Phan, ông ngưỡng mộ đã lâu. Nay nhân giải vong niên, thật là tam sinh hữu hạnh mới được hội kiến nên ông cứ đực ra như ngỗng đực. Đang đỏ đèn, tim đèn bỗng lóe lên một cái nữa như muốn tắt…
Trong mờ nhân ảnh, cụ hiu hắt:
- Bản chức đi Pháp vì chuyện mất ba tỉnh miền Đông, sau đó sử sách của tiên sinh “dựng“ lên…cái đèn đường chổng ngược rồi đổ vạ cho bản chức tả trong du ký. Thêm chuyện 1858 Pháp và Tây Ban Nha đánh Đà Nẵng, vì vậy vua Tự Đức triệt hạ người công giáo. Vì thế năm 1858, Nguyễn Trường Tộ theo giám mục Gauthier sang Pháp để tránh bị sát hại. Sau văn học sử của tiên sinh cũng…vẽ ra chuyện cái đèn đường do Nguyễn Trường Tộ trình tấu lên vua!
Làm như có gì ngẫm ngợi lung lắm…
- Khổ một nỗi là 20 năm sau, năm 1878: Thomas Edison mới phát minh ra điện!
Trong ánh đèn chập chờn, cụ quá mù sa mưa…
- Thế nhưng với “cái cột đèn” thì phải nói đến giáo sư sử học Phan Huy Lê đã công bố công khai trên báo theo lời trăn trối của Trần Huy Liệu chuyện “cây đuốc sống” Lê Văn Tám đốt bồn săng Nhà Bè là do chính Trần Huy Liệu dựng lên. Ấy vậy mà ở Sài Gòn bảng tên đường Lê Văn Tám vẫn còn gắn trên cái cột đèn đang đứng như trời trồng bên con kinh Nhiêu Lộc!
Cụ lại vật vã với…cái cột đèn:
- Vì vậy mới có chuyện cái cột đèn biết đi thì nó cũng đi.

Đi đâu chưa biết, nhân nghe đến địa danh “Sài Gòn”, trong khi ông đang ngồi bí rị ở Quốc sử quán kinh đô Huế. Thiên bất đáo địa bất chi, ông “bất chi” là bấy lâu nay ông lạc vào mê hồn trận với những nhà biên khảo, học giả cùng địa danh bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí như lạc vào bát quái trận đồ. Bèn hỏi? Cụ cho hay xưa là…Sài Côn, mà xưa kia cũng là…Sài Gòn khiến ông càng rối trí thêm. Thấy vậy, cụ thong thả…
Từ thời vua Lê chúa Trịnh, theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776:
Năm 1674 Thống suất Nguyễn Dương Lâm vâng lệnh chúa Nguyễn đánh Cao Miên và phá vỡ "Luỹ Saigon". Đây là lần đầu tiên hai chữ Sài Gòn xuất hiện trong sử liệu. Hán-Việt viết là "Sài Côn", "Côn" đọc theo Nôm là "Gòn". Như vậy, từ năm 1674 đã có địa danh Saigon! Thì làm gì phải đợi đến 1778 khi người Tàu ở Cù Lao Phố bị Tây Sơn tiêu diệt lập lên Thầy Ngòn tức Đề Ngạn, hay Xi Coón tức Tây Cổng như ông Vương Hồng Sển người Việt gốc Tàu viết sách.
Ngay cả ta gọi người Tàu là… Tàu cũng đã có từ thời Lê Quý Đôn vì trong Phủ biên tạp lục đã ghi: “Tàu buôn từ Quảng Đông đến Hội An thuận gió mùa thì chỉ ở hai, ba ngày thôi. Tàu từ Phước Kiến đến thì nạp 2.000 quan, lúc tàu trở về thì chỉ nạp 200 quan. Có lẽ vì người Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, thêm người Hải Nam đến tấp nập, đông đảp trên các tàu buôn lớn nên dân ta gọi họ là “dân Tàu” cho tiện”.
Ông lưỡi đá miệng nói chữ…
- Sao các hạ hay mà tại hạ chả… hay.
Cụ giọng khàn khàn…
- Hay ho gì… Chẳng dấu gì tiên sinh, bản chức là người thiên cổ, là người cõi trên ở chốn thiên đàng. Bản chức giống thiên thần suốt ngày bay tới bay lui. Lắm khi bản chức bay lui về cả nghìn năm trước, bay tới trăm năm sau mà chữ nghĩa sau này gọi là “lỗ hổng thời gian” ấy mà.
Đùm đậu xong, cụ lôi trong túi áo ra bao giấy bóng kính to bằng bàn tay có hàng chữ Gauloises để lên bàn… Sử quan thần ra chẳng biết là cái của nợ gì? Cụ cho hay:
- Tiên sinh còn nhớ thằng Tây Ban Nha và thằng Tây đánh Đà Nẵng năm 1858 không. Trước đó hai thằng này Tây này đã hợp tác làm thứ thuốc lá này và đặt tên là Gauloises.
Sử quan u ơ…
- Sao lại gọi là thằng… Tây.
Thì cụ dẫn giải…
- Khi Pháp bắn súng đại bác thị uy ở cửa Hàn (1847), ca dao Quảng Nam có câu: “Tai nghe súng nổ cái đùng, tàu Tây đã tới Vũng Thùng anh ơi “. Ta gọi là Tây, có lẽ từ đó.
Rồi cụ mủm mỉm cười…
- Tàu hay Tây đều ở… cái tàu mà ra. Thưa Phí tiên sinh.
Ông ngẫm ngợi cụ xuất dương bằng… ”tàu” có khác, nên ý tại ngôn ngoại, học thuật tinh vi, ắt hanh thông hơn người. Từ cái cột đèn biết đi, Tàu hay Tây đều ở…cái tàu mà ra. May mà cụ không quấy hôi bôi nhọ cái họ Phí của ông, cái họ Tàu tàu, Lưu Bị chả ra Lưu Bị, Tào Tháo chả ra Tào Tháo, tào lao thì có. Nhân khi thấy cụ có thể quay về tới cả nghìn năm sau. Sử quan đang có những uẩn khúc về sử thi. Nay cửu trùng tri ngộ, ông cũng muốn cơ xướng náo nhiệt một phen với cụ qua nhà Lê với “bí sử” chuyện Lê Lai liều mình cứu chúa…
“…Một điều đáng ngạc nhiên là các sử quan đều chép truyện Lê Lai liều mình cứu chúa. Chắc chỉ có Nguyễn Trãi, một người trong đại cuộc, mới có câu trả lời đúng nhất. Sách Lam Sơn thực lục của Nguyễn Trãi được chính Lê Lợi đề tựa, kể rằng: Thế giặc đang lớn mạnh, vua vời các tướng lại nói: Ai có thể mặc áo bào thay ta đem quân đi đánh thành Tây Đô?Lê Lai nhận. Nguyễn Trãi cho biết là Lê Lai bị quân Minh... ‘’bắt sống’’và bị tra tấn dã man. Hoàn cảnh của Nguyễn Trãi không cho phép ông viết lúc Lê Lợi còn sống.
Riêng Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Giết Tư mã Lê Lai", tịch thu gia sản, vì Lai cậy có công đánh giặc, nói những lời ngạo mạn nên bị giết. Rõ ràng Lê Lợi hạ lệnh giết Lê Lai năm 1427.. Ngô Sĩ Liên chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư cho hậu thế một sự kiện lịch sử và đã giữ đúng tác phong của một sử gia nghiêm túc. Ông nhận xét về Lê Lợi: Vua dấy nghĩa binh đánh có mưu lớn sáng nghiệp. Song đa nghi hay giết quần thần tôi trung, đó là chỗ kém…”.
Cụ phều phào cười ra ý mà rằng “sử phẩm” này cụ biết từ đời tám hoánh nào rồi…Rồi lôi trong “túi bao gạo vải bố” chai nước mắm nhĩ tên…Bordeaux và hai cái ly cẳng cao như cẳng cò. Mà cũng làm như cụ đi giày da bò vào bụng ông, cụ lâm râm ấy là cái túi…”Tây ba lô”. Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ xong, cụ rót mỗi người một ly. Ông “lỳ một lam” thấy chua chua như nước đái mèo, mặt nhăn quéo như táo tàu khô...Nom dòm thấy vậy, cụ lắc lắc cái đầu…
- Trong văn chương quán nhậu của tiên sinh có câu: “Uống rượu như Phan Thanh Giản uống thuốc độc” là thế đấy, thưa Phí tiên sinh.

***

Như thị ngã văn qua bài phiếm sử của mình có ghi quyển Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, viết từ thời Triệu Đà đến nhà Lý. Nhưng nay đã bị thất lạc…Thời nhà Lý, không có bộ sử nào?
Nghe vậy, cụ lôi trong túi Tây ba lô cái IPad Pro và mò ra bài Đối thoại sử học viết về trách nhiệm của những người viết sử: Một là thay vì dùng các tư liệu truyền thuyết, tư liệu khẩu học, những người viết sử miền Bắc dùng lịch sử để phục vụ chính trị, họ vận dụng khá nhiều kinh điển Mác-Ănghen để thay đổi lịch sử. Hai là sự đấu đá danh vị trong giới sử học, nếu họ thay đổi thì những người khác, có nghĩ khác, cũng không dám nói ra. Như họ dựa vào duy vật lịch sử của Mác-Ănghen diễn giải truyền thuyết Thủy Tinh Sơn Tinh đánh nhau không phải vì Mỵ Nương cô con gái đẹp của Hùng Vương thứ 18. Mà vì Mỵ Nương là cháu gái 27 đời vua Thần Nông…làm ruộng. Nên chuyện đánh nhau là vì…thủy lợi lấy nước làm ruộng.Vì vậy những tác giả trong Đối thoại sử học nhấn mạnh việc đã đến lúc phải viết lại lịch sử, chẳng hạn như: Sử ta thu hẹp triều đại An Dương Vương, bỏ qua nhà Triệu, là những người cai trị có nguồn gốc Tàu.

Thế là được thể sử quan rong ruổi ngược về thời An Dương Vương và Triệu Đà.
Với tình riêng nỗi cảnh, nỗi khách bâng khuâng, chẳng thể cầm lòng... Sử quan vạy vọ với cụ Phan về những ngộ nhận trong thời kỳ Bắc thuộc mà ông bí đặc bí lù, cụ rẽ ràng:
“… Theo truyền thuyết, Thục Phán người Ba Thục đánh vua Hùng lúc vua… “đang say rượu” nên thôn tính được nước Văn Lang, lên ngôi là An Dương Vương, đổi quốc hiệu là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê. 50 năm sau Triệu Đà mang quân sang xâm lấn nhưng bị nỏ thần bắn nên bỏ chạy. Đà sai con là Trọng Thủy vào hầu làm túc vệ rồi câu hôn con gái vua là Mỵ Châu. Trọng Thủy dụ dỗ Mỵ Châu lấy nỏ thần, thế là Triệu Đà đánh thắng được An Dương Vương.
Vào thời nhà Lê, theo Ngô Sĩ Liên thì An Dương Vương chưa hẳn đã có mặt ở trên đất nước ta! Đến thế kỷ 19, Nguyễn Văn Siêu sử thần nhà Nguyễn tỏ ý hoài nghi An Dương Vương ở đất Ba Thục. Vì đất Ba Thục thời Tam Quốc ở Tứ Xuyên cách Giao Chỉ rất xa, phải đi qua nhiều vương quốc khác. Lại nữa nhằm vào niên đại của An Dương Vương trong Đại Việt sử ký toàn thư thì đất Ba Thục không còn nữa từ hơn một thế kỷ trước. Trước khi An Dương Vương xuất hiện vì đã bị nước Tần tiêu diệt vào năm 315 trước Công nguyên.
Sử thần Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược lặp lại diễn giải của Nguyễn Văn Siêu. Dưới thời Pháp thuộc, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử Ngô Tất Tố trong Truyện ký lịch sử cho rằng: “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục”. Một số học giả Pháp như H. Maxpêrô, trong bài Vương quốc Văn Lang, cho An Dương Vương chỉ là một “nhà vua thần thoại…”.

Sử quan như lạc đường vào lịch sử, cụ đốt thuốc và nấu sử sôi kinh…
- Như tiên sinh đã tường khi H. Maxpêrô cho rằng An Dương Vương chỉ là một “nhà vua thần thoại” vì truyện An Dương Vương từ Lĩnh Nam chích quái với huyền thoại thần Kim Quy: “… Thục Phán vì tổ phụ (Thục Vương) khi trước cầu hôn lấy Mỵ Nương là con gái Hùng Vương không được nên mang oán. Thục Phán cử binh đánh Hùng Vương diệt nước Văn Lang, xưng là An Dương Vương, cải hiệu là Âu Lạc, Rổi lên làm vua, xây thành ở đất Việt Thường…”.
Thế nhưng Việt Thường là tên huyện mà người Tàu gọi sau này. Việt Thường nằm ở Châu Hoan (Nghệ An) không trùng với địa điểm Cổ Loa hiện nay. Lại nữa tên Cổ Loa cũng là do người sau đặt ra vào đời Lê. Còn tên thật nếu do An Dương Vương đặt ra thì không ai biết.
Làm một hơi, cả thư phòng đụn khói thuốc lá. Cụ như người cưỡi khói theo mây…
- Gần đây bản chức bay về Đông Anh, Hà Nội xem tận mắt họ đào xới mới thấy nền móng còn lại của thành hình thước thợ như bất cứ cổ thành nào khác. Không hề có việc các vòng thành cuộn hình xoắn ốc. Thành nằm gần một vùng ao đầm lắm ốc tên Vọng Nhân nghĩa là “người ốc”. Nên dân gian gọi nôm là thành ốc chăng? Bản chức chỉ ăn ốc nói mò vậy thôi.
Bởi có tới hai ông Tàu làm vua nước ta qua hai triều đại liên tiếp kéo dài 146 năm nên sử quan nhờ cụ thế sự quân mạc vấn dùm. Cụ trích lục đề văn…
“… Sau Hùng Vương thứ 18, sử quan viết sử nhà dựa vào Sử Ký của Tư Mã Thiên có một chương nói về Triệu Đà, trong đó có đoạn: “Triệu Đà lấy được nước Âu Lạc của Thục Phán và gọi là nước Nam Việt, tự xưng làm vua, lập ra nhà Triệu, tức Triệu Vũ Vương đóng đô ở Phiên Ngung”. Sử thần ta sếp vào “kỷ nhà Triệu” như một triều đại trong lịch sử Đại Việt.
Ngô Thì Sĩ cẩn án trong Việt Sử Tiêu Án là Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đều sai vì:
“Triệu Đà chỉ mới ngừng chân ở Quảng Đông, Quảng Tây, chưa đến đồng bằng Bắc Việt. Mà nước Nam Việt ấy ở bên Tàu, miền Nam Hải, Quế Lâm. Do vậy, trong sử Nam ta chẳng bao giờ có quốc hiệu là Nam Việt với một ông vua gốc Tàu tên Triệu Đà”.
Ngô Thì Sĩ chê Ngô Sĩ Liên “hiểu theo lối nông cạn” của Lê Văn Hưu. Rồi chê các sử quan sau tiếp tục “cùng nhau ca tụng” Triệu Đà đến cả ngàn năm, cứ sai lầm mãi mà không thấy rằng đó là kết quả của tinh thần từ chương kinh sử.
Thêm một sử liệu thời nhà Nguyễn với Nam Việt của Triệu Đà ở Quảng Tây với chỉ dụ của vua Gia Khánh nhà Thanh: “Trẫm đã duyệt kỹ biểu văn thỉnh phong của Nguyễn Phúc Ánh việc xin phong tên nước là “Nam Việt” không thể chấp nhận được. Địa danh Nam Việt bao hàm rất lớn, khảo sử xưa hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây đều nằm trong đó. Nguyễn Phúc Ánh là tiểu di nơi biên giới, lãnh thổ bằng đất Giao Chỉ xưa là cùng, làm sao lại được xưng là Nam Việt cho được. Rõ ràng tự thị muốn đòi thêm đất, nên lệnh truyền cho các quan Quảng Đông, Quảng Tây lưu tâm phòng bị biên giới, quan ải không được trễ nải, lơ là…”.

Cụ Phan khẽ khọt với sử quan…
Thêm nữa Sử ký của Tư Mã Thiên cho hay: Triệu Đà (Triệu Vũ Vương) truyền ngôi cho cháu nội của Trọng Thủy tên Triệu Hồ tức Triệu Văn Vương. Gần đây ngành khảo cổ ở bên Tàu tìm được mộ của Triệu Văn Vương ở Quảng Châu. Trong mộ có ấn tín, triều phục và đồ gia dụng như bát đĩa, tách chén. Tất cả những di tích này không có dấu tích của nước Việt ta.
Thấy sử quan thiên bất đáo địa bất chi, cụ trên thông thiên văn dưới thuộc lòng địa lý…
Thư tịch Tàu chẳng thể giải mã những sử kiện từ thời Đường Ngu, tức 2600 năm trước Công nguyên. Chẳng qua là từ thời sơ khai Nghiêu-Thuấn nước Tàu nằm trên sông Dương Tử, vì không có đồ chí, địa dư đồ nên ngay lúc này đây với khảo cổ hiện đại họ cũng chưa xác định kinh đô Nghiêu-Thuấn ở đâu? Huống chi đất Giao Chỉ. Riêng Giao Chỉ chỉ là cái tên với khái niệm mơ hồ hiểu theo nghĩa là tên gọi nhưng chẳng thấy đất đai đâu.
Giao Chỉ là một vùng đất rất lớn, vào đời Chu bao gồm luôn tên nước Sở thời Xuân Thu chiến quốc. Đời Tần Thủy Hoàng gọi Giao Chỉlà Tượng Quận. Qua đời Hán thì Giao Chỉ mới thành địa danh cố định là bắc bộ Việt Nam, châu thổ sông Hồng.
Cụ hong hanh mắt với sử quan và gục gặc:
- Nay xin vấn tôn ý tiên sinh chứ…Chứ với 600 năm trước thành Tây Giai nhà Hồ hay kinh đô Nam Kinh nhà Mạc ở đâu? Thưa Phí tiên sinh.
Rồi cụ gật đầu tắp lự:
- Vì các nhà biên khảo, học giả theo Tây học vào thập niên 20 họ viết sử ta theo ngoại sử Tàu. Mà sử liệu Tàu lại do người Tây biên soạn và lưu trữ trong viện Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội từ năm 1902. Tạm hiểu là từ năm 1902 cho đến nay, vẫn còn nhiều học giả, biên khảo theo Tây học chưa thoát được sự “cầm tù” của thư tịch Tàu nằm trong viện…Viễn Đông Bác Cổ.

Bỗng dưng không đâu cụ đờ đẫn cười:
- Nay những nhà biên khảo, nhà sử học với danh vị hàn lâm luật sư, tiến sĩ (Hoàng Cơ Thụy, Lê Mạnh Hùng) cũng lại dẵm lên con đường sáo mòn của những người đi trước. Họ cũng dùng cổ sử Tàu để viết tiền sử Việt, họ lại đi tiếp con đường vô vọng tìm cá trên cây! Trong khi cụ Trần Trọng Kim không tham khảo cổ sử của Tàu, ấy vậy mà khi đọc những “bộ sử đồ sộ” có chiều dầy cả nghìn trong của họ chẳng thấy tiến bộ nào nếu so với Viêt Nam sử lược (600 trang) cách nhau một thế kỷ. Ấy là không kể cụ Trần Trọng Kim chắc gì đã có bằng tú tài. Vi vậy bằng cấp nhiều khi chỉ tạo cho người ta những ảo tưởng hão huyền.
Như trên bản chức đã thưa với tiên sinh thực ra người Tàu cũng chẳng biết gì nhiều về tổ tiên gốc gác của minh. Vậy thì những nhà biên khảo, nhà sử học làm sao có thể tìm tổ tiên gốc gác Việt từ Sử ký, Hán thư? Họ dựa vào ngoại sử Tàu viết thời tiền sử tộc Việt một cách đầu Ngô mình Sở chẳng ra…ngô ra khoai gì cả. Thảng như tên Việt (Yueh), Lạc Việt lần đầu xuât hiện trong Sử ký của Tư Mã Thiên (khoảng năm 91 CN). Thế nhưng sau này theo Keith Weller Taylor thì từ “Việt” (Yueh) là một tên gọi khinh thường mà người Hán dùng để nói đến dân mọi rợ ở phương nam và từ “Lạc” nói đến dân thoái hoá. Trong khi từ “Việt” với những nhà biên khảo, nhà sử học cuồng chữ cứ bám vào chữ nghĩa với…vươn thoát, thoát ly là “vượt”. Thêm nữa thì từ “Âu” trong Âu Lạc của An Dương Vương, cũng vậy, là một từ chỉ phe cánh quân phiệt của Tàu. Với Ngô sĩ Liên thì Bách Việt là từ mà người Hán gọi chung các bộ tộc du mục ở phía nam sông Dương Tử. Thì từ “du mục” với người Tàu là… “du đãng”.
Nghe thủng rồi, sử quan vội dụi dụi điếu thuốc, lật đật đưa cụ ngược dòng lịch sử với Hai bà Trưng, nhất nhất giải bày ngoại vọng bất động kỳ tâm cho rõ mong cụ thông sử cho…
“…Sách Thủy kinh chú của người Tàu viết về ông Thi thì ông chẳng hề bị Tô Định giết mà còn sát cánh với bà, sau khi bị Mã Viện tấn công: Thi và Trưng Trắc chạy về Cẩm Khê, 3 năm sau cả hai vợ chồng bị bắt. Và 8 tháng sau bị hành hình. Vậy sao sử quan nước nhà lại mượn tay Tô Định…”khai tử ông Thi”. Họ lập luận rằng vì người Việt cổ theo chế độ mẫu hệ. Các sử quan để ông Thi còn sống mà bà Trưng Trắc làm vua thì ngược lẽ với…thánh hiền Khổng Mạnh. …
Với “Thi” mà sử ta gọi là “Thi Sách”, Thái Tử Hiền, con vua Cao Tông nhà Đường, đã chú thích: Vì “sách” nghiã là “lấy” và “thê” là “vợ”. Nên phải nhấn ở chữ “Thi”:Châu Diên Lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê. Là: “Con trai Lạc tướng huyện Châu Diên tên “Thi”, “lấy” vợ là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh tên Trưng Trắc…”.

Đến đây cụ nhăn mặt với nhân kiếp phù sinh hề một thóang bạch câu…
- Theo sử ta thì cho đến nay bà Trưng Trắc vẫn là quả phụ bất đắc dĩ.
Tiếp đến cụ thông sử với sử quan…
- Tiên sinh lại bị “cầm tù” của thư tịch Tàu. Chuyện với cái tên trong Đối thoại sử học cũng có đấy. Ngay ở Hà Nội 36 phố phường. Theo tác giả Bùi Thiết trong Đối thoại với sử học thì…
“…Hiện nay ở Hà Nội có một phố tên là Đặng Tiến Đông. Vốn ông này là Đặng Tiến Giản, là quan của nhà Lê-Trịnh, bỏ Lê-Trịnh theo Tây Sơn, được Tây Sơn cử làm tướng đánh nhau với quân Trịnh năm 1788. Nhưng người ta không đọc ra là Giản mà lại đọc là Đông, và cái công đánh Trịnh trở thành cái công đánh Thanh (vì năm 1788 quân Thanh chưa vào Thăng Long). Do đó chuyện ấy là chuyện sai. Hiện nay chúng tôi đã chứng minh rằng ông này là Đặng Tiến Giản và chỉ đánh nhau với quân Trịnh chứ không đánh nhau với quân Thanh. Chúng tôi đề nghị với các cơ quan quản lý nhà nước phải sửa lại phố Đặng Tiến Đông bằng phố Đô Đốc Long, chính cái công đánh trận Đống Đa mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là của Đô Đốc Long…”
Trong 32 bài viết của 7 tác giả, chúng tôi tiếp tục làm sáng tỏ nữa vào thời Tây Sơn:
“…Như cuộc hành quân của Quang Trung ra Bắc năm 1789. Ông ấy đi đường nào để mà ra được Hà Nội nhanh như vậy? Từ Huế ra Hà Nội đi bộ mất khoảng 40 ngày. Theo cách trình bầy hiện nay thì ông ấy chỉ đi 20 ngày. Hai mươi ngày hành quân bộ, như thế thì một ngày đi bao nhiêu? Sáu trăm cây số mà đi bộ như thế tức là một ngày đi 30 cây số. Chúng tôi nghĩ rằng là thời trung đại không thể đi bộ một ngày 30 cây số được. Các đại quân của Napoléon và những danh tướng lừng lẫy Châu Âu, thời Quang Trung, cũng đi bộ tối đa, ngày khoảng 5, 6 dặm tức là khoảng 15 cây số. Chúng tôi chứng minh rằng Quang Trung đi 40 ngày (1), theo con đường thượng đạo từ Huế ra Hà Nội và đúng là một ngày đi 15 cây số.
Như thế là dựa trên cơ sở sinh học của các sử liệu và địa hình nữa, bởi vì con đường 1A hiện nay, cách đây hai thế kỷ không thể đi được: Voi và pháo không đi được bởi vì cứ 10 cây số là có một con sông. Mà sông của Việt Nam thì bùn lầy hai bên bờ. Nhất là mùa mưa thì không thể đi đường này được. Do đó chúng tôi chứng minh rằng con đường thượng đạo Quang Trung đi rất tốt, chứ không phải là con đường 1A hiện nay. Bởi vì trong cái chứng minh hiện nay là đội quân này nghỉ 20 ngày ở Nghệ Tĩnh và ở Thanh Hóa. Nghỉ 20 ngày. Tôi bảo không. Họ không nghỉ 20 ngày mà họ đi liên tục như vậy.
Tôi đã cáng người nhà lên huyện khám bệnh. Thằng nằm trên võng đã khổ mà hai thằng gánh cũng khổ. Cùng chiều dài con đường lên huyện tôi thấy đi bộ nhanh hơn cáng võng. Hay đi qua con đường hạ đạo 1A này, người ta dùng thuyền thúng, vừa cho voi qua sông. Khổ quá, con voi nó to làm sao nó bước xuống thuyền được! Những thuyền gỗ ở bên sông chỉ chở 20 người đã chìm rồi mà con voi nó nặng hơn 50 người! Rõ ràng tất cả những cái đó phi lý…”.

Xuôi dòng sử Việt với cái thế lao dật từ lâu vì những ngộ nhận của sử thi nên sử quan như xẩm vớ được gậy qua máy iPad Pro ngay trước mặt…
“…Xung quanh Đối thoại sử học thì chúng tôi thấy có rất nhiều vấn đề nữa. Chẳng hạn như giới hạn của thời Hùng Vương, ngoa truyền là 4000 năm, nhưng chúng tôi chứng minh chỉ có khoảng 2700 năm thôi. Hùng Vương thì hiện nay nhiều sách vở ngộ nhận rằng là đã có từ 4000 năm trước. Tức là 18 đời vua Hùng kéo dài khoảng 2600 năm. Thì như thế, một đời người, một đời vua là 130 năm. Chúng tôi chứng minh rằng một đời vua có khoảng chừng 30 năm. Như thế, thời đại Hùng Vương như sử của chúng tôi ghi chép, bắt đầu thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Tức là 18 đời vua Hùng Vương khoảng chừng năm thế kỷ là vừa.
Chúng tôi có từ hai căn cứ: Căn cứ cuốn Việt Sử lược(2) từ thế kỷ XIV, viết rằng: Đến đời Trang Vương (nhà Chu 696-682 trước Công nguyên) thì có một người ở Bộ Gia Ninh có sức mạnh áp đặt được các bộ tộc khác lập thành bộ lạc Hùng Vương. Chúng tôi có rất nhiều sự kiện lịch sử chúng tôi đã chứng minh rằng nó khác với những trình bày hiện nay…”
Với 4000 năm tìm đâu ra “huyễn sử” để dựng sử, mắt ông tròn dấu hỏi. Cụ ậm ừ…
- Viết sử theo “chủ nghĩa tự tôn dân tộc” thì 4000 năm còn quá ít. Vi thế nhà sử học Hà Nội (Hà Văn Thùy) kéo dài sử Việt tới 70.000 năm. Theo ông, nhờ di truyền học ADN ghi trong máu huyết của tộc Việt cũng như toàn châu Á, phát hiện ra rằng, 70.000 năm trước, người tiền sử từ châu Phi di cư tới Việt Nam. Rồi người Việt di cư ra các đảo Đông Nam Á. Sang chiếm lĩnh Ấn Độ. Với 40.000 năm trước đồng bằng Bắc Việt chìm xuống đáy biển, người Việt di dân lên phía Bắc khai phá đất Tàu, trở thành dân cư đầu tiên của Tàu.
Và cụ cười tịt mà rằng… rằng theo như nhà sử học Hà Nội trên thì…
“Không có cái gọi là từ Hán Việt” như ông nhắc tới qua một bài viết khác mà ông công bố:
Tiếng Việt, chủ thể tạo nên ngôn ngữ Tàu, và: Chữ Việt là chủ thể tạo nên chữ viết Tàu.
Sử quan ớ ra vì ta sang chiếm nước Ấn Độ hồi nào mình chả hay. Bèn hỏi. Cụ dóng dả:
- Thêm một thiền sư (Lê Mạnh Thát) đã giải mã cổ sử ta: Truyện An Dương Vương được vay mượn từ bộ sử thi cổ đại Mahabharata của Ấn Độ.

Với sử thi Ấn Độ, cụ trở về với truyền thuyết và lịch sử với sử gia Trần Quốc Vượng…
Một "vết tích Đông Sơn" tồn tại nơi hội Gióng là tục thờ mặt trời. "Mặt trời Đông Sơn" từ biểu tượng "ngôi sao giữa mặt trống đồng" với những cánh chim bay ngược chiều kim đồng hồ biểu tượng con ngựa sắt ở huyền tích Gióng. Tôi đã chứng minh huyền thoại về thần Bạch Mã ở Hà Nội. Thần cưỡi ngựa trắng đi từ đông sang tây để lại các vết chân ngựa trắng, vua Lý Thái Tổ theo vết chân ngựa mà xây đắp thành Thăng Long. Đó là một "vết tích Đông Sơn" của nghi thức thờ mặt trời, ảnh hưởng văn hóa của người Aryens ở Ấn Độ. Trong huyền tích Gióng, con ngựa sắt khạc lửa phi từ đông (núi Châu Cầu, Phả Lại ), rồi phi về tây (Sóc Sơn, xứ Đoài cũ) là tượng trưng sự vận động biểu kiến của mặt trời với việc trồng lúa nước.
Làm như có gì khó nghĩ lắm, tiếp đến cụ lắc đầu…
- Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ thứ 13. Vậy thì các sử gia ta dựa vào đâu mà viết cổ sử, rốt lại những dữ kiện về cổ sử mà các sử gia ta bày ra giống như bày cua bỏ trong cái giỏ, que càng cứ quắp vào nhau, loay hoay vặn vẹo rộn cả người.
Rồi cụ cầm điếu thuốc lá chỉ vào màn ảnh của cái iPad Pro…
“…Tóm lại, truyền thuyết nhiều nhưng nhiều nhà sử học không giải lý được mà bê truyền thuyết vào lịch sử. Ví dụ, trong cuốn Lịch Sử Việt Nam của giáo trình Đại học Tổng hợp, với truyền thuyết về Thánh Gióng: Không thể lôi vào lịch sử được. Truyền thuyết chỉ là biểu trưng thôi. Như giáo sư Đặng Thai Mai nói rằng: Nói quá đi để vừa. Bây giờ nói ông Thánh Gióng nhỏ quá thì không tiện mà phải nói ông rất to, to lắm. Truyền thuyết ta có thể đọc và hiểu nó. Nhưng khi nghiên cứu lịch sử, việc xử lý lại khác: Cái quan trọng là“giải mã truyền thuyết”.

Cụ giải mã truyền thuyết vào thời hậu hiện đại với 4000 năm văn hiến Hợp Chủng Quốc:
4000 năm sau tính từ thiên niên kỷ 21, các sử gia hậu sinh viết sử không viết theo truyền thuyết như những sử gia trước. Và họ cũng không viết theo tác phẩm giả tưởng (fiction) Star Trek. Mà các sử gia trẻ dựa vào những sử kiện hoàn toàn có thật vẫn còn đang hiện hữu và tồn tại trên trái đất: Họ dựa vào hoa văn trên trống đồng Đông Sơn ghi ”Thuyền hình chim trong mỹ thuật Đông Sơn” (3)nhưng vì “tam sao thất bản” nên sử gia hậu sinh đọc là “phi thuyền”.
Bởi sử gia hậu sinh trẻ là người Mỹ gốc Việt qua Cancun, Mễ Tây Cơ thăm các đền đài lăng tẩm của người Maya đã được khám phá từ năm 1773 do một cố đạo Tây Ban Nha. Năm 1785, ông cố đạo cho người vẽ và ghi chép lại các hình chạm nỗi. Sau kế hoạch Mercury (1959-1963), năm 1968 một tác giả người Thụy Sĩ tên Erich von Däniken trong quyển Chariots of the Gods? Tạm dịch tiếng Việt là “Chiến xa của các vị thiên vương”. Ông Danikenmới nhìn ra một số hình ảnh chạm nỗi là phi hành gia không gian là vua Pakal của Maya.
Vì người Maya (và Inca) vốn th́ích và nghiên cứu tìm hiểu về không gian nên các đền đài của họ đều cho thấy người ngoại tầng không gian quen biết với vua Pakal, người ngoài không gian cho vua Pakal lên phi thuyền đi thử cho biết. Theo sử gia hậu sinh, vua Hùng Vương của ta chẳng có liên lạc gì với người hành tinh lạ, nên sự hiểu biết về không gian của vua Hùng không có, cho nên chẳng có hình chạm tương tự và chẳng có hình vẽ nào ghi lại.
Nhìn hình ảnh chạm vua Pakal lái phi thuyền, sử gia hậu sinh không khỏi nghĩ đến Phù Đổng thiên vương cỡi ngựa sắt, và sau đó bay về trời tức bay trở về hành tinh gốc của mình. Sau các sử gia hậu sinh trẻ người Mỹ gốc Việt dựa vào siêu khoa học gia trái đất khám ra Phủ Đổng thiên là phi hành gia lái phi thuyền “Con ngựa” (như phi thuyền của Pakal là “Chiến xa”) nhưng phi thuyền “Con ngựa” bị “crash” nên ở lại nước ta như người lùn trong phim E.T. Rồi gặp khi chiến tranh hành tinh đánh nhau trong giải thiên hà giống như loạt phim Star Wars, bởi là dân ngụ cư nhận Việt Nam là quê hương thứ hai nên Phù Đổng giúp Ta đánh Tàu.
Sử sách khác của sử gia hậu sinh trẻ người Đức gốc Việt cho hay: ”Một thiên sứ ở một hành tinh khác mà người xưa gọi Nôm là “trời” sai xuống giúp dân Nam dẹp giặc Ân từ phương Bắc kéo xuống”. Nên nhớ giặc Ân là giặc Tàu, vì lý do nào đó những sử gia của thiên niên kỷ 21 ở Hà Nội dấu và không muốn cho học trò học sử Việt biết rõ giặc Ân là ai.

Vì nhà trường bóp méo lịch sử với học trò qua Truyện kể lịch sử là sách giáo khoa lịch sử của cả 7 lớp định hướng cuộc chiến tranh20 năm Nam Bắc chi phối toàn bộ giáo trình dạy lịch sử theo nhu cầu chính trị. Vì vậy bà Phạm Thị Hoài ở Đức viết tiểu thuyết lịch sử Thiên Sứ. “Thiên Sứ” lỡ sa xuống mảnh đất Việt Nam, lạc vào thế giới người lớn chỉ biết…hôn (Love not war). Có một trùng hợp Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài hao hao giống chú lùn trong truyện Cái Trống (Le Tambour) của Günter Grass. Hay nói khác đi chú lùn này lại giống chú lùn trong phim E.T. vì Phủ Đổng chỉ 3 tuổi trong sử truyện của các sử gia trẻ. “Cái Trống” là một tác phẩm pha trộn thực tại với hoang tưởng được cảm hứng viết từ bức tranh của Dantzig, dưới chế độ Hitler.
Tai ông như tai đất vì đang để hồn đi hoang về ngành sử học “khoa học giả tưởng” của thời hậu-hậu hiện đại tân hình thức thì...Thi làm như có ngẫu cảm, cụ đẩy đưa ông về thực tại:
- Các ông vua thời xưa thường lợi dụng sự (phù hộ) của thần linh để củng cố ngai vàng. Ông Dóng từ The Birth of Vietnam (K.W.Taylor) đến bài khảo cứu của nhà sử học Hà Nội (Trần Quốc Vượng), cả hai đã phát hiện truyền thuyết được nhà Lý dùng để nâng cao tính chính danh cho vương quyền của mình. Giáo sư sử học viết: “Lý Công Uẩn từng ở chùa Kiến Sơ ở Phù Đổng và là người sáng lập nhà Lý và khai sáng Phù Đổng từ một thổ thần thành một thiên vương. Chính ông đã tự hoá thân vào nhân vật Phù Đổng”.
Và cụ tiếp gần đây ở trong nước có khuynh hướng viết ẩn dụ để người đọc…ú ớ như:
Phi hành gia đầu tiên trên thế giới bay lên mặt trăng và còn ở đó là... chú cuội.
Rút điếu Gauloises để đó… Làm như chú cuội có “liên hệ” đến “Cómiếu ông Cuội cao vòi vọi” ở đầu đường ngang. Nhân cụ Nguyễn Khuyến về hưu, cụ Phan vui thú điền viên theo…
- Chủ tịch nước (Nguyễn Minh Triết) ký thác tâm sự của mình vào thánh Gióng khi bảo rằng: Thánh Gióng bay về giời để…vui thú điền viên.
Vê vê điếu thuốc… cụ đùn sử quan về thời Hai bà Trưng bị Mã Viện đánh đuổi chạy về hồ Lãng Bạc (4)(tức hồ Tây) với sử kiện có khác đôi chút qua một nhà văn...
- Nhà văn kiêm nhà thơ Nguyễn Đình Thi, viết rằng: Thánh Gióng tắm ở hồ Tây, rồi chui vào rừng nằm chờ chết chứ không có chuyện bay về trời.
Châm lửa, bập bập vài hơi, cụ dông dài…

Ngoài ra chi tiết Phù Đổng thiên vương cầm roi tre hay roi sắt cũng được đề cập đến qua nhà sử học Tạ Chí Đại Trường hay mang chuyện tình dục vào sử thi. Va chuyện là ở Sóc Sơn, Bắc Ninh có hội Gióng vào ngày 6 tháng giêng trùng hợp với hội Cổ Loa đền vua Thục. Hội đền Sóc là hội xuân, một loại hình hội mùa Việt Nam. Triết lý hội xuân căn bản là triết lý phồn thức, là gặp gỡ, giao duyên, giao phối gái trai. Ở hội đền Sóc Sơn thờ một hiện vật mang tính biểu tượng mà dân gian vùng đó gọi là cái hoa tre được giải thích một cách hữu thức muộn màng là Chiếc roi ngựa của thánh Gióng (roi tre: giang được vót tạo một túm xơ ở đầu). Dưới mắt nhìn của một nhà dân tộc học, khi nhìn chiếc đũa bông (hoa tre) cắm trên bát cơm đặt trên quan tài cúng người chết, giáo sư Tứ Chi và tôi phát hiện thấy ngay ra rằng đó là biểu tượng của dương vật (linga) như chiếc “nõ” (âm vật: Ioni) với cặp đôi nõ nường trong hội xuân đền Sóc.
Dụi dụi điếu thuốc. Xong, cụ thở ra khói… Nhiều nhà văn trong nước đã đổi mới tư duy từ 1986, tại sao những nhà viết sử chưa bắt đầu? Một vài người nào đó có quyền uy (Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Huy Liệu, Đinh Xuân Lâm, Lương Ninh…) cứ áp đặt lịch sử qua tư liệu của họ với những sử liệu sai.

Dòm chừng chẳng còn điếu thuốc nào, xé bao Gauloises trải ra bàn để đó. Cụ tiếp:
“Tạp chí Nghiên cứu lịch sử đề ra việc kết tội một số nhân vật lịch sử như Hồ Qúy Ly, Nguyễn Trường Tộ, Lưu Vĩnh Phúc, Phan Thanh Giản”. Sử quan chả hiểu sao các sử gia Hà Nội lại sắp tướng giặc cờ đen Lưu Vĩnh Phúc với cụ sử thần Phan Thanh Giản? Thì cụ móc cái bút Parker để đấy. Rồi với nghiệp ngão, cụ giải bày cái số ăn mày bị gậy phải mang của cụ…
“…Ðiểm mà tôi (Trần Huy Liệu) muốn nhấn mạnh vào cái chết của Phan là tất nhiên, là rất biện chứng trong chỗ bế tắc của Phan. Dầu sao, cái chết của Phan cũng chỉ có thể chấm dứt con đường biện chứng bế tắc của Phan, chứ không thể xóa được tội danh của Phan trước tòa án dư luận nhân dân. Như vậy, kết tội Phan Thanh Giản phải gắn liền Phan với triều đình Huế, với Tự Đức, bản án Phan là nằm trong hồ sơ bản án hàng giặc bán nước của triều Nguyễn…”
Với Parker, cụ vừa hí hoáy viết lên bao thuốc Gauloises vừa hặm hụi…
Vì thế, những nhà dựng sử miền Bắc không tiếc lời chê trách nhà Nguyễn là tay sai cho thực dân Pháp nên họ cấm viết về sử nhà Nguyễn từ năm 1956 đến 1958. Khoảng 10 năm đầu (1954-1964) Sở văn hóa Hà Nội đã thành lập “Ban tên phố” giúp sở đặt lại một số tên phố. Bỏ tên phố mang tên vua quan thời Nguyễn, đặt mới một số tên tượng trưng chiến địa với chiến tranh (các phố Bắc Sơn, Điện Biên Phủ, v…v…).
Bỗng không cụ tặc lưỡi đến tách một cái, bày tỏ khí vị:
- Các sử gia miền Bắc bị cấm viết về sử nhà Nguyễn theo bản chức có lý do “nhậy cảm” và “tế nhị” vừa rồi. Vì vậy 4000 năm sau, các sử gia trẻ hậu hiện đại người Pháp gốc Việt hay người Gia Nã Đại gốc Việt học theo cách viết “ẩn dụ” của người trong nước rồi cứ viết thoải mái… “sử miền Bắc” thì người đọc sẽ hiểu ngay: Đây là… ”sử nhà Nguyễn”.

Luận sử rồi, cụ uống hết ly vang. Ông như xẩm mất gậy vì chẳng thấy “ẩn dụ” ở cái khổ nào. Làm như có thần giao cách cảm, cụ mà rằng nếu người miền Bắc hôm nay ít người biết nhiều về “sử nhà Nguyễn”. Thì cũng vì nhà Nguyễn nhiều người biết rất ít…”sử nhà Tây Sơn”
Triều đại Quang Trung chấm dứt, 60 năm sau sử thần nhà Nguyễn (Bùi Đình Trí) dâng sớ lên vua Tự Đức để viết về thời Quang Trung rồi lại thôi. Có thể hồn ma bóng quế của hoạn quan Tư Mã Thiên cứ lẩn quẩn trên những trang sử vì vậy chữ nghĩa viết về nhà Tây Sơn vẫn còn bị “cầm tù” trong Quốc sử quán. Cho đến năm 1988 có 1.623 công trình viết về nhà Tây Sơn, vì với duy vật biện chứng thì nhà Tây Sơn phát xuất từ nông dân với đầy rẫy những chi tiết trái ngược. Một là họ chỉ đi tìm những chi tiết phù hợp với quan điểm chính trị của mình bỏ qua những gì không ăn khớp. Hai là gần như sử phẩm nào họ cũng đều vay mượn từ Hoàng Lê nhất thống chí là tiểu thuyết lịch sử viết theo dạng Tam quốc chí. Theo cụ, “sử nhà Nguyễn” cùng một dòng sinh mệnh với “sử nhà Tây Sơn” với những trang sử có những khuất sử…
Kết sử như không có… kết thúc xong, tiện tay, cụ bỏ chai rượu vào túi Tây ba lô…
Ngỡ sử sách cụ buôn đầu chợ bán cuối sông đến đây là phiên chợ chiều, là “Hết”. Nhưng cụ lại vơ bèo gạt tép thêm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác, Trần Vũ viết tiểu thuyết lịch sử. Những nhà văn cứ nghĩ là sáng tạo, nhưng họ đâu có hay Hoàng Lê nhất thống chí đãnhập hồn nhập vía vào họ. Để rồi họ lên cơn đồng thiếp viết về nhà Tây Sơn như bà Phạm Thị Hoài viết “Thiên sứ” pha trộn thực tại với hoang tưởng qua bức tranh của Dantzig.

Sử quan ngồi thừ ra ở án thư và lặng lờ nhìn ra ngoài song cửa, tiết trời êm dịu, hình bóng u nhã, móc đọng trên hoa, hương bay nhè nhẹ, trăng chiếu vào hiên, trúc thưa gió lọt… Cụ cũng như ông, cụ nhìn ra ngoài trời tối um thủm và đưa đẩy về chuyện một người viết sử…
Thời Nga Hoàng Nikolai, còn được gọi là thời Sa Hoàng (1547- 1721) có đại công tước Yelikiy Knyaz cũng là sử gia nghiêm túc, tận tuỵ và trung thực. Sử quan Yelikiy Knyaz đang ngồi trên tầng ba của công thự viết sử. Vì gò sử từ sáng đến chiều, sử quan cảm thấy mỏi mệt nên ông gọi bà quản gia bày bàn trà trước hàng hiên, ông muốn được thảnh thơi đôi chút trước khi tiếp tục công việc sử học với cả ngàn năm trước. Bất ngờ nghe tiếng chân người rầm rập trên đường mỗi lúc một gần. Ông đứng lên trông cho rõ hơn. Dưới phố có người đuổi nhau và hô hoán: “Đánh chết thằng Do Thái đó đi”. Họ đuổi nhau hùynh huỵch đến ngay dưới cửa sổ, ông nhìn xuống thấy một người tay cầm khẩu súng trường Mosia. Ông bảo bà quản gia xuống xem sao. Lát sau bà trở lai và thuật lại hoàn toàn khác hẳn những gì ông vừa tận mắt nhìn thấy. Ông ngẫm nghĩ chuyện ngay trước mắt còn sai lạc huống chi sử kiện cả ngàn năm trước!
Cụ quay lại hết nhìn tập phiếm sử của ông đến cái nghiên mực Tức mặc hầu và chậm rãi...
- Sau đó sử gia Yelikiy Knyaz quẳng bút, không viết sử nữa.

***

Chợt gió lọt qua khe cửa, cái đèn hạt đậu đang đỏ đèn phụt tắt, đẩy cụ Phan ra khỏi bóng tối của lịch sử. Ông lui cui chồm người khêu cái tim dầu, đèn đóm tỏ sáng lại. Và nom dòm thấy cụ để lại vỏ bao thuốc lá Gauloises với chữ nghĩa bò lổm ngổm như kiến. Đang trầm luân trong bể phù sinh với sử thi, ông cầm lên nhai văn nhá chữ…
“…Mai này nếu tiên sinh không còn khuất sử, khuất tất nào nữa để… moi móc. Thì lấy đồ tứ bảo mài mực cho nhẵn, vuốt bút cho nhọn với tích mặc như kim là cẩn trọng trong việc viết lách, không viết vô bổ, phí bút mực vì mực như vàng. Tiên sinh hãy thay bản chức làm mới lại sử Việt như những hậu sinh thời hậu hiện đại lùi lại 4000 năm sau để viết lại sử nước nhà.
Tiên sinh hãy viết mới lại sử Đại Việt, bỏ qua thời Triệu Đà-An Dương Vương mà khởi đầu từ đời Hùng Vương thứ 6 (1718-1671 trước TL) tức khoảng 2700 năm thôi, thay vì 4000 năm…
Tiên sinh hãy đục chữ đẽo câucho người đọc sử thông hanh là khác với người ở trái đất: Tất cả những cư dân ở các hành tinh trong thái dương hệ đều có tên họ chữ đầu là “P” như tên họ của tiên sinh. Vì vậy vua “P”akal ở hành tinh Uranus tức Thiên vương tinh và “P”hu Đong thien vuong từ hành tinh Neptune tức Hải Vương tinh. “P”hu Đong lái phi thuyền “Steel Horse” từ Hải Vương tinh cách làng Gióng hơn 4 tỷ cây số, đáp xuống chân núi Sóc hay núi Sót của dải Tam Đảo ở bắc sông Đuống. Mặc dù vua Hùng Vương của ta, chẳng có liên lạc gì với người hành tinh lạ, nên sự hiểu biết về không gian của vua không có…Nhưng vua cũng cho “P”hu Đong ăn bảy nong cơm, ba nong cà. Sau đấy “P”hu Đong“ mặc áo giáp sắt vua Hùng trao cho còn hở lưng vì ăn no quá. “P”hu Đong cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt đi đánh giặc Tàu.
Đến đời Lý theo huyền tích "Xưng thiên thần vương" của nhà Lý (sử gia họ Trần). Tiên sinh hãy cẩn án lại “P”hu Đong“ không phải là thổ thần hay ông sư tu trong chùa Kiến Sơ. Và “P”hu Đong“cầm roi sắt chứ không phải cái hoa tre(sử gia họ Tạ). Người trời “P”hu Đong“ bay xuống trái đất thì phi thuyền bị “crash” ở làng Gióng được bà lão nghèo người Việt cứu sống đem về nhà nuôi dưỡng ba năm. Vì vậy “P”hu Đong“ đánh giặc Tàu là một cách trả ơn.
Qua nhà Nguyễn, như tiên sinh đã viết vì vua Tự Đức tuyệt tự, nhà Nguyễn chất dứt, ứng vào câu truyền khẩu dân gian “….Tam đại phát đế vương - Tứ đại tuyệt”.Vì vậy sử kiện này nên đưa vào chính sử. Sau 75, sử Việt bắt qua nhà Hồ ở Ba Đình. Vì truyền thuyết mà sử học Hà Nội diễn dịch sai như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh trong Lĩnh Nam Chích Quái. Tiên sinh hãy cho thêm vào nhóm sử gia trẻ hậu hiện đại Gia Nã Đại để họ dẫn sử: “P”hu Đong ở hành tinh Uranus tức Thủy tinh mang phi thuyền đánh Sơn Tinh hay vua “P”akal thuộc hành tinh Jupiter tức Thổ tinh khiến Sơn Tinh phải chạy lên núi Tản Viên để ẩn nấp. Tiên sinh thay họ hiệu đính:
Thủy Tinh dâng nước đánh nhau với Sơn Tinh không phải là làm thủy lợi….”

Ông dòm ra song cửa trong tâm thái lờ mờ như khói, lãng đãng như sương vì nay sử thi ngút ngàn cả ngàn năm đã sang trang. Và dòm lại chữ nghĩa như ruồi bu trên bao Gauloises…
“…Theo dòng sử Việt,4000 năm sau tảng thiên thạch rơi xuống bán đảo Ycatan của Mễ Tây Cơ, vùng đất này chìm sâu xuống lòng biển. Giống đồng bằng Bắc Việt chìm xuống đáy biển sau nước dâng lên (theo nhà sử học họ Hà ở Hà Nội). Theo chân các nhà di vật khảo cổ Tây Phương tới đây, họ khai quật và khám phá ra một cổ vật. (không như những nhà biên khảo, nhà sử học ngồi ở nhà mò mẫm mặt trống đồng qua ảnh chụp rồi lòi tói ra…sử kiện).
Họ thấy một "ngôi sao giữa mặt cổ vật" với những cánh chim bay ngược chiều kim đồng (theo sử gia họ Trần). Đó là một "vết tích Đông phương" của nghi thức thờ mặt trời của sắc dân Aryens ở Ấn Độ, là biểu kiến của mặt trời đối với việc trồng lúa nước. Lần theo cánh chim bay từ tây sang đông, các sử gia trẻ thời hậu hiện đại tìm về làng Phù Đổng từ thời tiền cổ đại, tổ tiên họ ở châu thổ sông Hồng, ruộng tuỳ theo thủy triều lên xuống nên được gọi là ruộng nước. Dân khai khẩn được gọi là dân Lạc. Với những dữ kiện tìm thấy, họ đúc kết và đi đến kết luận:
Cổ vật này có bốn lỗ ở dưới đáy dùng để trồng cây. Nên nó của Mễ chứ chả phải của Ta. Vì vậy cổ vật đây chả phải là…trống đồng….”.

Thạch trúc gia trang
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng
(viết xong Tân Mão 2011, viết lại Đinh Dậu 2017)

Chú thích:
(1) Ta không biết quân Tây Sơn điều động tượng binh thế nào với mấy nghi vấn sau đây:
Thứ nhất: Voi di chuyển tương đối chậm, tốc độ đường núi khoảng 1,5 đến 2 dậm/giờ (2,4-3,2 km/giờ), đường phẳng có thể lên đến 3 dặm (5 km/giờ). Voi nếu chở một lượng trung bình thì di chuyển trong khoảng 18-25 dặm (29-40km/một ngày). Tuy nhiên với khoảng cách đó, voi sẽ không đi được lâu ngày vì đau chân. Vì thế, voi trận nếu cần di chuyển đường trường thì không thể di chuyển nhiều hơn 10-12 dặm(16-19km- ngày). Voi tuy khỏe, nhưng cũng chỉ chở được khoảng 300-400lbs (135-180kg). Nếu đi liên tục trong nửa tháng, voi phải được nghỉ một, hai ngày mới lại sức.
Thứ hai: Voi phải được ăn uống đầy đủ. Một con voi cần khoảng 120-150 kg mỗi ngày cỏ, lá, rễ cây. Voi không chịu được đói khát, dễ bị kiệt sức nếu bị ép làm việc nhiều và mỗi ngày phải có ít nhất vài giờ thong dong để tìm thức ăn. Voi phải sống gần nơi có nước và vì da có lỗ chân lông và tuyến mồ hôi nên uống rất nhiều. Voi cũng phải tắm hằng ngày vào buổi sáng.
Thứ ba: Da voi tuy dày, nhưng lại rất sợ các loài sâu bọ, ruồi muỗi, bị thương cũng khó chữa vì sần sùi. Chân voi không thể đóng móng như móng ngựa và chỉ là một lớp da mềm, dễ bị gai góc làm cho bị thương, v…v…
(Nguồn: Từ tượng binh đến voi giầy ngựa xé – Nguyễn Duy Chính)
(2)Sách Việt sử lược có từ thế kỷ 13 không ghi tên tác giả, bị thất lạc, mãi về sau mới tìm thấy ở Bắc Kinh và được xếp vào Tứ khố toàn thư. Tuy nhiên vào thời Hùng Vương trong Việt sử lược được (hay bị) Tiên Hi Tộ đời Thanh hiệu đính. (Việt Nam tinh hoa – Thái Văn Kiểm)
(3)Hoa văn trên trống đồng Đông Sơn là hình vẽ tay, trích trong quyển “Mỹ thuật cổ truyền Việt-Nam” của Nguyễn Khắc Ngữ. Khoảng thời gian tác giả chưa có hình chụp trống đồng.
(4) Sử chép Lãng Bạc là hồ Tây ở gần Hà Nội, nhưng có người bác đi, bảo không phải.
(Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim)

Nguồn:
Vui buồn của người chép sử - Ng. Ph. Vĩnh Quyền
Niềm vui và nỗi buồn trong một cuộc ra mắt sách – Trần Anh Tuấn
Một thời kỳ khuyết sử - Nguyễn Phan Quang
Ai giết Lê Lai ? – Nguyễn Dư
Đi tìm một mảnh khuyết sử qua Khâm Định Annam sử lược - Nguyễn Duy Chính
Có đúng thành Cổ Loa hình xoắn ốc? – Hà Văn Thùy
Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam – Trương Thái Du
Đối thoại sử Học gồm những tác giả: Bùi Thiết, Đinh Văn Nhật, Đỗ Văn Ninh, Lê Trọng Khánh, Lê Trọng Hoàn, Trần Thanh Lâm và Trần Văn Quý.
Và những tác giả khác: Trần Nhuận Minh – Nguyễn Khắc Thuần - Hoàng Dung – Nguyễn Hữu Liêm - Thụy Khuê - Nguyễn Văn Lục - Lâm Công Quyền - Như Ngọc - Vĩnh Sinh – Trần Thị Vĩnh Tường.

 

Đăng ngày 24 tháng 08.2018