Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 07.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Thành Nhà Hồ (1)
thành nhà hồThành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành được xây dựng vào thời Trần Thuận Tông (1388 - 1398).
Thành Nhà Hồ còn có tên gọi khác là thành Tây Đô.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư cho biết cuối thời Trần quá suy yếu. Giặc Minh lăm le xâm chiếm. Phía Nam Chiêm Thành xâm lược bờ cõi Đại Việt, bốn lần đem quân ra kinh đô Thăng Long, làm cho các vua Trần phải bỏ kinh đô lánh nạn. Năm 1937 Trần Thuận Tông giao cho Hồ Quý Ly vào Thanh Hóa làm ba việc lớn:
Xây thành đắp lũy, xây dựng cung điện, lập Đàn tế Nam Giao tại núi Đún (Đốn Sơn).
Trần Công Sỹ, được Hồ Quý Ly giao cho trọng trách đốc xuất xây thành. Vùng đất Tây Đô có nhiều rặng núi đá bao bọc, rừng rậm rạp chạy đến biên giới Việt- Lào. Nhà Hồ đã chọn cách gỡ núi xây thành. Vòm thành đá sừng sững giữa một vùng đồng đất núi non hiểm trở, sông Mã, sông Bưởi bao quanh. Thành xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, tường mặt thành Nam và Bắc dài hơn 900m, Đông và Tây dài hơn 700m và tường thành. Độ cao của mặt thành từ 7 - 8m, có nơi như ở cửa Nam cao tới 10m.
Thành Nhà Hồ có 4 cửa: Đông, Tây , Nam, Bắc. Toàn bộ cổng thành theo kiểu “thượng thu hạ thách” vững chãi. Mặt thành dùng kỹ thuật ghép đá, các phiến đá có kích thước rất lớn 1m - 2m. Cổng thành với hai cánh cửa dày, nặng và chắc được thể hiện qua dấu vết để lại của những lỗ đục vào đá và những chỗ lắp ngưỡng cửa. Xưa kia khi đóng, mở, những cánh cửa gỗ có bánh xe lăn, then cài chốt ngang. Ba mặt Đông, Tây, Bắc đều được xây một cửa cuốn, vòm giữa xây to và cao hơn hai vòm bên.
Đến nay đã xác định được 290 địa danh khắc trên các khối đá vài chục tấn xây thành nhà Hồ (hay thành Tây Đô): Vĩnh Lộc, Thạch Hà, Hà Trung, Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn, Yên Định, v..v..
(Nguồn: Mai Thục)

Đất lề quê thói
Sinh chậm
Khi thấy vợ sinh chậm, chồng cho vợ uống ba ngụm nước ao.
(Nguời Việt đất Việt – Toan Ánh)

Chữ nghĩa làng văn
Với hai từ “rờ” và “sờ” theo tự điển của hai ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa là “rờ” có hai nghĩa:
Thứ nhất, là “sờ”, là dùng tay mó. Ví dụ “Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ – Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không”.
Thứ hai, là “lén nậng, bóp vật kín của đàn bà khi người ta ngủ”.
Đọc định nghĩa thứ hai, thú thực có ba điều tôi (Nguyễn Hưng Quốc) không hiểu nổi:
- Một, tại sao chỉ “nậng” (hay nựng) và bóp vật kín của đàn bà mới gọi là…rờ?
- Hai, tại sao lại phải nhất thiết là vật kín?
- Ba, tại sao phải đợi đến lúc người ta…ngủ?
Đọc xong định nghĩa chữ “rờ” của hai ông, tự nhiên tôi đâm ra phân vân nghĩ ngợi:
- Chả lẽ cả đời hai ông ấy chưa từng biết “sờ” hay “rờ” là gì cả?
(Nguyễn Hưng Quốc – Tiếng Việt: sờ và rờ)

Chữ nghĩa trên mạng
Đọc được lời rao của tuổi “teen” trên “tuyến gái” internet:
“Tình hình là còn lonely mà lại sắp đến t7 cn (thứ bẩy, chủ nhật) rồi nên ai mú đi chung thì cứ vào mà Dk (đăng ký) nha…

Chữ Hán, chữ Việt I
Ngày xưa, có thầy đồ nổi tiếng dạy giỏi nên có rất nhiều học trò tới theo học, thầy đồ lại có cô con gái rất xinh, lại hay chữ. Trong số các nam sinh có một anh cũng rất giỏi chăm chỉ, nên được cô gái để ý. Một hôm thầy đồ dẫn các học trò sang làng bên có chuyện, chỉ còn anh học trò nọ ở nhà để giã giò, anh ta liền cởi hết quần áo chỉ mặc chiếc quần đùi mỏng để giã giò cho dễ. Hăng say lao động, anh không để ý nên "cái ấy" của anh thò ra lúc nào mà không biết. Cô gái đang xay lúa nhìn thấy hỏi anh học trò bằng chữ Hán:
- Hà vật (cái gì vậy)
Anh học trò mắc cở, trả lời:
- Thủ tam tam tử (đầu con ba ba chết)
Cô gái thắc mắc:
- Tử hà bất táng (chết sao không đem chôn)
- Gia bần vô hữa quan tài táng (nhà nghèo không có tiền mua quan tài để chôn)
Cô gái thấy thương liền nói với chàng trai
- Bán dạ đáo phòng trung, táng sự quan tài nhục (nửa đêm vào phòng, cho chôn vào quan tài thịt).
Được lời như cởi tấm lòng, đúng nửa đêm anh ta vào phòng để cô gái "táng" cái "thủ tam tam tử" vào "quan tài". Trong lúc "làm tang lễ", cô gái hỏi chàng trai:
- Tử hà cường hĩ (chết rồi sao còn khoẻ thế)
Chàng trai thở hổn hển:
- Táng ư đắc địa, nhi cải tử hoàn sinh (chôn nơi đất hợp, đang chết tự nhiên sống lại.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Chán đời cắt tóc đi tu.
Nghĩ đi nghĩ nghĩ lại ... đi tù sướng hơn.
Trong tù làm chủ giang sơn,
Một căn phòng đá với dăm ba thằng.
Thằng nào cũng có khiếu năng,
Thằng thì giỏi hoạ thằng thì làm thơ.
Có thằng lại đứng ngẩn ngơ.
Vì sao ta lại trở vô nhà tù??

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Được voi đòi... Hai Bà Trưng!

Giai thoại làng văn
cao bá quátCao Bá Quát tấn công không nương tay vào hoàng phái và bọn đầu cơ văn nghệ. Ông tấn công thẳng vào cả vua Tự Đức.
Có lần vua khoe thơ, nói là của thần tặng. Thơ chỉ có hai câu, rất lập dị, vừa Hán vừa Nôm. Cao Bá Quát ngứa tai liền bịa ra một bài 8 câu, đọc ngay ra giữa triều, trong cũng có 2 câu của vua.
Ông bảo bài đó ông thuộc từ hồi còn nhỏ. Ông đả kích cái lối cứ mượn thần mượn thánh, mượn chiêm bao mộng mị làm thơ khoe. Đó là thái độ vừa thiếu tự tin, vừa khoe khoang kiêu ngạo, lại vừa vong thân. Họ làm thơ cốt ở hình thức, tưởng tượng tháp ngà mà không sống thực. Nhất nhất mọi hình thái câu văn, đều có vẻ thần tiên, kỳ bí, sao cho giống với Đường thi. Cao Bá Quát bảo cứ gò gò bó bó, tô tô nắn nắn, chau chuốt xuông, không biết cải cách sáng tạo, thì dù có viết đẹp như mặt chữ Lan Đình, cũng chỉ đáng vất vào sọt rác mà thôi.
(Tường Vũ Anh Thy - Cao Bá Quát : Tim vẫn say…)

Tiếng Việt dễ mà lại khó
Hỏi: Tui có chút thắc mắc, theo trong tự điển chữ Việt:
Lạt (danh từ) : dây bằng tre, giang hay mây chẻ mỏng.
Cột (động từ) : buộc.
Thông thường tui chỉ nghe nói "buộc lạt" chứ không nghe nói "cột lạt"! Tại sao vậy???
Đáp: Hổng biết tại sao luôn!
(Nguồn ĐatViet.com)

Nét đặc biệt trong tiếng Huế
Xin được thêm một câu ngăn ngắn gần như rặt thổ ngữ của Huế mà, nếu không có . . . thông dịch viên gốc Huế hoặc Huế rặt, e rằng khó mà…đã thông cho được:
- Bữa ni răng tau buồn chi lạ, buồn dễ sợ luôn !
(Sao hôm nay tao buồn quá, buồn quá trời luôn !).
Dễ sợ, với người Huế không đơn thuần ở nghĩa thấy mà ghê! hoặc khủng khiếp quá!, mà còn có nghĩa, thí dụ: Con nớ đẹp dễ sợ!: Con bé đó đẹp quá trời !
- Răng mà cú tráu rứa tê ?
(Sao mà cộc cằn quá vậy ?)
Chữ cú tráu nếu phát âm đúng với giọng Huế thì nghe nặng hơn chữ cộc cằn nhiều, có lẽ phải gom thêm mấy chữ như thô lỗ, vũ phu thì mới lột tả được hết nghĩa.
(Nguồn ĐatViet.com)

Chớt
Chớt : trại
(nói chớt đi)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Thả thơ II
Thả thơ là một nghệ thuật chơi chữ, người thả thơ đưa ra mấy câu thơ, trong đó giấu đi một chữ và đưa ra một số chữ để thay chữ bị khiếm khuyết. Cái khéo của người thả thơ chọn những chữ có vẻ “đúng” để cho người chơi trò chơi chữ nghĩa phân vân…
Dưới đây là một thí dụ với Nguyễn Bính:
Sáng giăng _ _ _ nửa vườn chè
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau
Vì tầm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay
(Thời trước – Thơ tình Nguyễn Bính)
Chúng ta phải chọn 1 trong 5 chữ “sáng – soi – chiếu – lên - chia
(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Đam đam
Đam đam: Chữ Hán, nghĩa là nhìn xuống không hề chớp mắt.
Chữ Việt ta là….“đăm đăm”.

Chữ nghĩa trong câu đối
“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “ra đối dễ, đối lại khó” . Tuy nhiên một đôi khi lại ngược lại “xuất đối dị, dị đối…dị” như vợ khóc chồng là thợ nhuộm:
Thiếp từ khi lá thắm duyên xe, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ
Chàng ở suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh
Câu phúng trên do cụ Nguyễn Khuyến viết cho chị hàng xóm khóc chồng, có đủ mầu sắc của nhà thợ nhuộm: thắm, tía, đen, điều, đỏ, vàng, hồng, trắng, tím, xanh…
(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

Thả thơ với Nguyễn Bính
Chữ được chọn: “chia”.
(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Thành Nhà Hồ (2)
Hồ Quý Ly mưu cướp ngôi nhà Trần nên hối hả xây thành để tháng 3- 1400 lên ngôi tại An Tôn. Các quan can gián nên ở lại Thăng Long, đất Long Đỗ, núi Tản, sông Lô, sông Nhị. Hồ Quý Ly nói: “Ý ta đã định trước rồi”.
thành nhà hồĐể chọn đất xây thành, nhà Hồ phải tìm long mạch. Hồ Quý Ly nói với các con: “Đất này là đất Thạch bàn long- xà- lục- thập niên ký (đất rồng chầu, rắn cuốn, vững như bàn thạch trụ được 60 năm). Hồ Hán Thương là con thứ hai nói: “Thưa cha, con xem kỹ đất rồng chầu rắn cuốn, nhưng đất còn non nên mới là long- xà- ẩm thủy, lục niên kỷ chủ- ở được trên dưới 6 năm thôi”.
Quả nhiên, sau khi cướp ngôi, tự xưng Hoàng đế tháng 3 năm 1400, sau đó Hồ Quý Ly đã phải nhường ngôi cho Hồ Hán Thương. Năm 1406 Hồ Hán Thương thất thủ trước xâm lược của nhà Minh. Năm 1407, ba cha con Hồ Quý Ly (thêm Hồ Đăng Trừng) bị bắt tại bãi biển Thiên Cầm, Hà Tĩnh.
(Nguồn: Mai Thục)

Chó mái chim mồi
Cách diễn tả thành ngữ trên xét về mặt chữ nghĩa khiến chúng ta phải băn khoăn. Trong dạng thức chó mái chim mồi thì “chim mồi” đã rõ nghĩa và dễ hiểu. Đó là loại chim người ta nuôi làm “mồi” để dử bắt đồng loại. Nhưng chó mái là gì. Xem ra, trong tiếng Việt chỉ có từ mái dùng để chỉ giống cái, dùng cho gà, vịt, ngan, ngỗng hay cho loài chim thôi. Có lẽ do thấy dạng thức chó mái chim mồi có lí do không ổn.
Bên cạnh các dạng thức vừa nêu trong tiếng Việt còn có dạng “chó máy chim mồi” cũng được dùng nghĩa tương tự. Thoạt tiên, nghe đến “chó máy” cũng hơi lạ và khó hiểu. Nhưng thực ra, “máy” thường dùng để chỉ hành động ra hiệu cho kẻ khác biết điều gì đó như trong máy nhau đi về, máy cho người khác biết để tránh xa. Do đó, chó máy là loại chó chuyên đi đánh hơi, ra hiệu cho chủ biết để tìm kiếm. Với nghĩa này, chó máy là cách nói khác của chó săn mà thôi, và hoàn toàn tương hợp với chim mồi về từ loại cũng như ý nghĩa.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa thập niên 20
Quy mã – Là cưỡi ngựa về quê nhà. Xưa Tư Mã Tương Như có đề vào cột cầu Lam (Thăng tiên kiều) mấy chữ rằng:
“Không xe ngựa cưỡi, thì sẽ không qua cầu này”
Sau làm nên có xe ngựa mới về.
Hai chữ ấy dùng để chỉ một việc có cũng như không.
(Tôn Thất Lương – Xuân mộng)

(còn tiếp)