Chữ nghĩa làng văn

tháng 3&4.2018

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Ca dao tình tự
Nói đến trai gái dan díu
Liệu mà mở cửa phòng ra
Đêm nay anh quyết chơi hoa với nàng
Dù ai mà có lạng vàng
Không đem chuộc được nàng đêm nay.
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ Việt cổ
Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của.
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.

Chích: nướng
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

Thiền ngôn lơ mơ lỗ mỗ

Lúc bé rất sợ phải chết. Nhưng bây giờ khi tôi lớn lên mới biết sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.

 


Tươi rói
Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ. Từ sau đây cũng bị hiện tượng tỉnh lược chi phối như miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên có thành ngữ tươi như cá rói, sau tỉnh lược thành... tươi rói.
(Lê Trung Hoa - Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ)

Truyện Kiều với Hoàng Xuân Hãn (III) - A
Thụy Khuê: Thưa bác, Cụ Nguyễn Du đã viết truyện Kiều như thế nào? Cụ viết theo nguyên bản, hay từ nguyên bản cụ phóng tác ra một truyện khác?

(Truyện Kiều chép tay theo nguyên bản)

Hoàng Xuân Hãn: Cụ có một bản chữ Hán, cụ đọc rồi cụ cảm, vì truyện không phải là giống nhưng mà gợi ý suy đồi của họ Nguyễn Tiên Điền sau cuộc bể dâu ấy. Cụ cảm cho nên cụ bắt đầu kể lại chuyện ấy cho cụ, chứ không phải là cho người khác. Cho cụ, bởi vì cụ là nhà thơ, cuối đời Trịnh, đầu Nguyễn là thời kỳ văn quốc ngữ, văn Việt Nam cực kỳ thịnh. Có những người sau này nói rằng vì Tây Sơn, lúc ấy văn Việt Nam mới nổi lên. Không đúng đâu. Tiếng quốc ngữ được nổi lên có nhẽ từ thế kỷ XVII, cho đến đời Minh Mạng. Quãng ấy là quãng thịnh nhất. Sau Minh Mạng cũng đã non đi rồi. Cho nên những bài như Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, với những văn của Nguyễn Huy Lãng, bài Tây Hồ phú... vào cái khoảng đời ấy hết cả. Lúc ấy có thể nói có một trường phái điêu luyện về đường văn thái, văn kêu, văn hay... Cụ Nguyễn Du là vào cái phái ấy. Một bên tâm tình cụ bị cảm xúc, một bên văn tiếng Việt lúc ấy rất nổi, cho nên nhân dịp ấy, cụ viết ra quốc ngữ. Viết cũng không phải như người khác kể chuyện, mà là sự kể chuyện của người văn thơ rất hay. Cho nên người nào đọc cũng thấy một cạnh khía làm cho mình cảm động hết cả, từ đàn bà, trẻ em, đến người học cao sâu.
(Thụy Khuê - Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều)

Câu đố dân gian
Cái gì chỉ có một đầu
Có mồm không mắt, đeo râu xồm xoàm
Khỏe đứng thẳng, nhọc nằm ngang
Thất thường tính khí họ hàng không ưa
Của lạ xài mấy cũng vừa
Của nhà thì cứ dây dưa khất lần.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Điều kiện ắt có và đủ tạo thành cái chợ là:
“2 người đàn bà + 1 con vịt”.
(ĐatViet.com – Trau giồi tiếng Việt)

Lèo hèo
Lèo hèo : hoang vắng, nghèo
(lèo hèo ta hãy một lèo hèo)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Truyện Kiều với Hoàng Xuân Hãn (III) - B
Thế còn ai mang quyển sách ấy về? Theo tôi, trong ấy có hai người. Một là anh ruột cụ Nguyễn Du là Nguyễn Đề , theo Tây Sơn từ lúc đầu. Ngô Thì Nhậm đưa ra thì cụ nhận liền, giúp các công văn từ lúc đầu giao thiệp với nhà Thanh, rồi cụ được đi sứ sang Thanh. Lúc về, cụ mang theo quyển Kiều vào khoảng đầu đời Quang Trung, 1792-93. Hai là người anh rể của cụ Nguyễn Du, tên là Đoàn Nguyễn Tuấn, con ông Đoàn Nguyễn Thục, người Quỳnh Lôi, hồi ấy ở phủ Thái Bình. Cụ Nguyễn Du là con rể cụ Đoàn Nguyễn Thục. Cụ này cũng đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư đời Lê Trịnh, có nhiều con, trong những người con ấy, có Đoàn Nguyễn Tuấn hiệu là Hải Ông, cũng theo Tây Sơn từ lúc đầu với Nguyễn Đề và Ngô Thì Nhậm, rồi cũng đi sứ về.
Cụ Nguyễn Du, thời kỳ ấy còn ít tuổi nhưng đã hiểu biết rồi, và lúc ở nhà người anh là ông Nguyễn Đề, ở Hà Nội, không làm gì, chính lúc ấy gian díu với Hồ Xuân Hương . Rồi ít lâu, cụ ra mặt không bằng lòng với Tây Sơn thì cụ cũng sợ liên lụy đến người anh, cho nên cụ về quê, ở nhà người anh rể ở Thái Bình khá lâu, cụ làm những bài thơ chữ Hán. Trong Bắc Hành Thi Tập vừa có thơ đi sứ, nhưng có một đoạn, nhiều bài viết ở Bắc Kỳ trong thời gian lưu lạc ở nhà quê. Người anh rể, Đoàn Nguyễn Tuấn, cũng có thể mang quyển Kiều chữ Hán về, rồi cụ thấy quyển Kiều ấy ở nhà người anh rể mà viết ra.
(Thụy Khuê - Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều)

Văn hóa ẩm thực
Miền Bắc có hẩu lốn. Miền Nam có sà bần. Hẩu lốn, sà bần được nấu bằng nhiều thứ rau, thịt, cá còn thừa của bữa trước.
Tại sao lại gọi là sà bần? Từ sà bần chưa có trong các từ điển. Sà bần có hai nghĩa:
- Các thứ sỏi đá, gạch ngói vụn, dùng để làm nền nhà, móng nhà.
- Món ăn nấu lẫn lộn nhiều thứ.
(Nguyễn Dư - “Cao lầu, hẩu lốn, loạn... sà bần”)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Yến lão
"Yến" là tiệc rượu. Nhiều làng có tục yến lão, hàng năm hay hai ba năm một lần, thết tiệc mừng thọ các quan lão. Có thể nói đây là một thịnh điển thời thái bình, không phải là một hủ tục đã gây nên nhiều tệ đoan như tục ngôi thứ hương ẩm. "Sống lâu lên lão làng", tự nhiên có vinh dự tuổi thọ, không phải tranh dành mới có, chẳng phải có tiền mà mua được, có quyền thế mà tạo nên được.
Mỗi năm cứ đến dịp làng mở hội hoặc ngày đại lễ có định kỳ, các quan lão tụ hội ở chùa hay nơi công quán hay một đương cai, làng đem cờ quạt với phường bát âm đến rước ra đình. Những làng trù phú thường sắm đủ võng lọng rước lão, lão 100 tuổi đi võng điều che bốn lọng xanh, lão 90 tuổi đi võng điều hai lọng xanh, lão 80 tuổi vọng xanh (đòn cong) một lọng, lão 70 võng xanh (đòn ống) một lọng. Trai tráng cầm cờ khiêng võng đều nón dấu áo nẹp. Đám rước rất trọng thể. Tại đình làng, nơi giữa thiết lập bàn thờ tiên lão, các quan lão ngồi hai gian bên theo thứ bậc tuổi, có làng yến cả lão bà thì gian trái lão ông ngồi, gian bên phải lão bà ngồi. Tuỳ theo lệ làng, có nơi lão 90 tuổi hoặc lớn hơn nữa ngồi một mình chiếu nhất, có nơi chưa đến 60 tuổi đã là bậc cao niên nhất, cũng ngồi một mình chiếu nhất.
Tế lão cũng đủ nghi thức như tế thần, ba tuần rượu với văn tế tiên lão, văn chúc thọ quan lão, có ban tư văn hành lễ, phường bát âm tấu nhạc. Lúc tế, quan lão ngồi trước những mâm cỗ đặt giữa chiếu, chỉ uống rượu suông không ăn, là thủ ý trang nhã, trịnh trọng đối với dân làng, ngồi chứng kiến cuộc lễ diễn hành và chăm chú nghe văn tế, văn chúc thọ. Những mâm cỗ kia sẽ được mang đến từng nhà biếu các cụ.
Cỗ yến lão thường là rất thịnh hậu cả về phẩm lẫn lượng, có nơi mỗi cỗ hai bánh dày, hai bánh chưng với những món giò, nem và nhiều thứ bánh khác làm rất công phu.

Thiền lơ mơ lỗ mỗ

Thiền sư hỏi đệ tử: "Như thế nào mới gọi là nhỏ?".
Đệ tử:" Thưa, không nhìn thấy".
Thiền sư:" Như thế nào mới gọi là lớn?".
Đệ tử:" Thưa, không thấy bờ bến".
Thiền sư:" Thế nào là không thấy bờ bến?".
Đệ tử đành trả lời: "Là nhìn không thấy!".
Thiền sư trả lời:" Vậy thì nhỏ tức là… lớn".

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Văn nghệ sĩ chết trước nhất khi ta mất nước là anh Chu Tử Chu Văn Bình. Anh Chu Tử không chết sau ngày 30 Tháng Tư mà là trong ngày 30 Tháng Tư. Trên con tầu đi từ bến Sài Gòn ra biển ngày hôm ấy anh chết vì đạn thù bắn theo tầu. Xác anh nằm lại trong lòng biển đông. Cuối năm 76 anh Vũ Hoàng Chương "về ngôi." Tháng ba 1976 bọn Cộng Sản Hà Nội mở chiến dịch bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn. Anh Chương ở trong số những người bị bắt ngay đêm đầu tiên. Chừng sáu tháng sau chúng cho anh về. Lúc này anh chị Chương về ở một căn nhà nhỏ vùng Khánh Hội, gần nhà chị Đinh Hùng. Anh Chương về được năm, sáu ngày thì qua đời.
Anh em chúng tôi tên nằm trong tù, tên còn ở ngoài thì ngày đêm chờ đợi công an Việt Cộng đến còng tay đưa đi. Gần như chẳng ai biết anh Chương được về. Nhiều người biết tin anh mất rất lâu sau ngày anh mất. Khi ấy tôi chưa bị bắt.
(Tháng bảy vào thu mưa lạnh bay – Hoàng Hải Thủy)

Ca dao tình tự 
Nói đến trai gái dan díu
Chơi cho phỉ dạ ước mong
Rồi ra em vợ, anh chồng mới hay
Thôi thôi em chẳng ỡm ờ
Khôn ba năm dại một giờ mà thôi
Một mái nên lứa, nên đôi
Trăm năm ân ái vui chơi mặc lòng
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đi cầu: Là đi vô toilet chứ không phải lái xe chạy qua cầu.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75:
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú, không… ”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)
Bồ đá = bị bạn gái bỏ
Bồn binh = Bùng binh, vòng xoay (nay)
Buồn xo = rất buồn
(làm gì mà coi cái mặt buồn xo dậy?)
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Nấu rượu 
Những nước rượu cuối rất nhạt do độ cồn thấp, nhiều nước và đục màu nước vo gạo, sẽ được sử dụng làm dấm hay nước bỗng rượu, một loại gia vị dùng để nấu canh chua như canh cá, canh hến, canh riêu, hoặc một số món lẩu.
(Cảnh nấu rượu ở Nam Định)

Hèm rượu (có nơi gọi là bỗng rượu hay bã rượu) là phần còn lại của nguyên liệu sau khi đã chưng cất, có thể sử dụng chăn nuôi và là một thức ăn gia súc, nhất là cho lợn ăn rất tốt. Các gia đình nấu rượu thường kiêm chăn nuôi gia súc để cải thiện thu nhập.

Chữ Việt trong sáng
Thay chữ Nôm
- Đảo lộn chữ một cách ngây ngô, không cần thiết
mà lại không đổi nghĩa.
(Đảm bảo, triển khai, lớp trưởng, kiếm tìm…)
- Thay chữ cũng rất ngây ngô, không cần thiết mà
không đổi nghĩa gì cả
(dạy học -> đứng lớp…)

Giai thoại làng văn xóm chữ
Dùng Truyện Kiều điều khiển trâu:
Kế đó, một cô khác lại thách:
- Bây giờ đố anh bảo con trâu đi rẽ sang phải đấy?
Để gỡ thẹn, anh thư sinh liền đọc luôn:
“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
Chàng “đi” thiếp cũng một lòng xin “đi”.
Chàng thư sinh nhấn mạnh hai tiếng “đi”, con trâu đi thật nhưng lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ bên phải. Bấy giờ một cô trong bọn mới cất giọng ngâm:
“Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong “vắt” thấy gì nữa đâu.”
Cô nhấn mạnh chữ “vắt”, quả nhiên con trâu ngoan ngoản rẽ sang bên phải.
Tiếng “họ” và tiếng “vắt” là những tiếng mà người miền quê dùng để điều khiển trâu bò, “họ” là đứng lại, còn “vắt” là rẽ sang phải.
(Nguồn: Lê Thương)

Chữ nghĩa làng…nhậu
Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người phương xa

Chữ và nghĩa
Ấn tượng - Dùng như tính từ (to be impressed, theo kiểu Anh Mỹ), được một số người (đặc biệt là giới trẻ) trong nước dùng. Cách dùng như thế tạo một hiệu ứng nhấn mạnh, vì nó biến một danh từ thành tính từ. Chẳng hạn, "Màn trình diễn ấy rất ấn tượng".
Cũng thế, với những đối tượng trên, từ "thần tượng", vốn là một danh từ, cũng có thể được sử dụng như một động từ (to idolize), "Chúng em rất ‘thần tượng’ nhà thơ X". Lối dùng này, đa số từ giới trẻ, nhiều phần là do ảnh hưởng về mặt từ pháp theo kiểu Anh Mỹ. Anh ngữ đang được một tầng lớp đông đảo người Việt Nam trong nước, đặc biệt là giới trẻ, ưa thích. Sự vay mượn này cũng là một điều dễ hiểu, và chính sự vay mượn như thế cũng nằm trong những quy luật của sự trao đổi và tiếp biến ngôn ngữ nói chung trên thế giới. Vấn đề còn lại chỉ là sự ý thức. Để không biến những biểu hiện của một quy luật chung thành một sự quá đà, có thể đi đến chỗ làm mất bản sắc ngôn ngữ dân tộc.
(Bùi Vĩnh Phúc - Trên đường bay của chữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam và Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
khẩn hoang 墾 荒 Khẩn hoang nghĩa là vỡ đất hoang để biến thành đất trồng trọt. Soạn giả đã định nghĩa như vậy, hẳn là không có gì sai. Nhưng, khi viết rằng, khẩn nghĩa là cày ruộng, quả là soạn giả đã giảng sai nghĩa của từ tố này. Khẩn nghĩa là lật đất, là xới đất, là khai phá đất đai. Phải khẩn hoang thì mới biến đất hoang thành ruộng để cày cấy. Vậy, khi đang khẩn hoang thì đã làm gì có ruộng? Khẩn hoang là một công việc khó khăn và phức tạp, sau khi hoàn thành thì mới có ruộng để cày.
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Vũ Trọng Phụng
Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã xuất bản “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp như Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư…Điều quan trọng hơn là cuốn sách đã mang một cái tên không xứng hợp. Vì rõ ràng là khiếm khuyết, khi cuốn sách mang tên “NVVNHĐ” mà lại không có Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh,…
Đã đành, trong điều kiện Việt hiện nay, việc đánh giá tác giả, tác phẩm văn học khó tránh được sự chi phối của ý thức hệ, nhưng chúng ta đều biết, văn học còn có những giá trị trường tồn, vượt qua ý thức hệ. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay “Chí Phèo” của Nam Cao là những bằng chứng hiển nhiên rằng: Trong một chế độ phản tiến bộ, vẫn có nhà văn viết nên những tác phẩm có giá trị lâu bền. Đã đến lúc, cần phải đặt thẳng vấn đề: Chẳng lẽ suốt 20 năm (1955-1975), những sáng tác văn học ở miền đều là thứ “vứt đi”, không đáng đếm xỉa gì đến? Dù biết đây là vấn đề “nhạy cảm” và phải cân nhắc thận trọng, nhưng nhất thiết không thể né tránh vì nếu “khoanh vùng” trong phạm vi các nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, do nhận thức ấu trĩ, đã có thời muốn “vứt đi” những di sản văn hoá tiền nhân để lại, muốn “vứt đi” cả những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng!
(Nguyễn Khắc Phê - Nhà văn hiện đại)

Chữ Việt trong sáng
Làm chữ mới:
- Dùng ngoại ngữ phiên âm không có quy luật gì cả
(Ốt-tra-lia – Nước Úc / Australia; Cu-dơ bê – Coos Bay,
vịnh Coos ở Tiểu bang OregonUSA…)
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Một hôm có hai ông bạn làm thơ, ông Thanh Tâm Tuyền và ông Cung Trầm Tưởng lên chơi. Chúng tôi ngồi dưới gốc chôm chôm, chuyện phiếm. Ông Cung Trầm Tưởng lai rai đọc thơ Quang Dũng, bài Đôi Mắt Người Sơn Tây: “Vừng trán em vương trời quê hương, Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”. Nhà thơ tác giả Tiễn Em vốn ngày xưa học ở bên Pháp, chợt nghiêng đầu mà hỏi: “Sao lại buồn Tây Phương, sao lại có beauté grecque [vẻ đẹp Hy Lạp] ở đây kìa”.

Và Lô Răng trả lời, Tây Phương là chùa Tây Phương ở Sơn Tây.
(Nguyễn Quốc Trụ - Tạp ghi của ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc)

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 10 tháng 04.2018