Tôi dạy tại trường Trung học Vĩnh Bình

Trần Thế Đức

Tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1968, Ban Sử Địa. Nhiệm sở đầu tiên của tôi là trường Trung Học Vĩnh Bình, tại tỉnh Vĩnh Bình, nay là Trà Vinh.
Sau khi tốt nghiệp, tôi đã chọn nhiệm sở chính thức là Trường Trung học Kiến Hòa, thuộc tỉnh Kiến Hòa, ngày nay là Bến Tre. Tôi chưa nhận nhiệm sở thì có lệnh mới của ông giám đốc Nha Trung Học (giáo sư Đàm Xuân Thiều, thầy dạy tôi khi tôi học trường Trung Học Chu Văn An): đi dạy thay cho các giáo chức học quân sự 9 tuần, và được hưởng lộ trình thư (300 đồng/ngày). Dân sử địa có máu giang hồ, thích đi đây, đi đó. Tôi đã chọn trường Trung Học Kiến Hòa, trước sau thì tôi cũng về đó. Tôi muốn nhân dịp này, đi xa một chuyến cho biết, mà lại được hưởng lộ trình thư, thật chí lý. Tôi không chọn tỉnh lớn như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc,...vì sau này đi chấm thi tú tài ở hội đồng thi tú tài tại trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, tôi sẽ có dịp ghé qua. Tỉnh nào cũng có bạn Sử Địa. Tôi chọn trường trung học Vĩnh Bình,  vì Vĩnh Bình là một tỉnh khuất nẻo ở cửa sông Cửu Long sau này ít khi có dịp đi qua. Thực ra, tôi đã chọn một trường khác, không phải Vĩnh Bình, một người bạn đã chọn Vĩnh Bình nên hoán chuyển cho tôi. Thế là tôi được về Vĩnh Bình như ý muốn.

Tỉnh lỵ Vĩnh Bình cách Vĩnh Long khoảng vài chục cây số, nhưng phải đi mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, vì đường liên tỉnh chật hẹp, xe đò chạy chậm.  
Nhận sự vụ lệnh, sáng sớm hôm sau tôi lên xe đò chuyến sớm, hy vọng về tới Vĩnh Bình quá trưa, trước khi trời tối. Lòng tôi thật vui. Đây là lần đầu tiên tôi xa gia đình, chính thức đi làm nuôi sống mình và giúp đỡ gia đình. Quốc lộ 4 rộng rãi, xe đò chạy nhanh, đến bắc Mỹ Thuận khoảng 11 giờ trưa.
Miền Tây là vùng trù phú,  trái cây tươi (xoài, mận, ổi, chôm chôm...) bầy bán la liệt bên đường đi vào bến phà. Khi nào về Sài Gòn, tôi sẽ mua trái cây tươi về làm quà cho gia đình. Ở các quán ăn đi vào cầu bắc, mùi sườn nướng từ các lò nướng than bốc khói thơm lừng, thật là hấp dẫn. Tôi nghĩ có lẽ xe đò của mình sẽ được qua phà sớm và về đến Vĩnh Bình sớm, trước khi chiều xuống. Xe mà về trễ, tối đến thì nguy hiểm (Việt Cộng có thể chặn xe).
Cũng như các hành khách khác, tôi vào quán ăn cho chắc bụng, chờ xe qua phà. Đường xá đi vào bến phà chật hẹp, chủ quán nướng sườn ngay kế bên lề đường, mỗi  khi xe đò, xe vận tải đi qua cuốn theo từng làn bụi mù mịt. Không biết những miếng sườn nướng thơm tho kia đã phủ biết bao lớp bụi ven đường? Ăn hết đĩa cơm sườn, uống hết ba ly trà đá, nhưng xe đò của tôi vẫn chưa nhúc nhích. Hôm nay, đoàn công voa của quân đội quá dài, mọi xe dân sự phải dừng lại, nhường cho họ qua. Tôi thấy thấm mệt vì chờ đợi. May mà tôi không chọn nhiệm sở ở miền Tây, chứ mỗi khi đi, về Sài Gòn phải chờ đợi qua phà mất quá nhiều thời giờ, thật sốt ruột. Nghĩ đến sau này về Kiến Hòa, phải qua phà Rạch Miễu, tôi cũng sẽ phải chịu đựng cảnh chờ phà như thế này thật ngán.
Thế rồi, đoàn xe quân đội cũng qua hết. Anh lơ la lớn nhắc hành khách qua phà lên xe về Vĩnh Bình cho sớm. Tôi phải chờ hơn 3 giờ mới qua được con sông Tiền Giang rộng lớn. Không biết đến bao giờ nước mình mới xây được cây cầu dài bắc ngang con sông này cho dân đỡ phải chờ đợi, cho hàng hóa lưu thông dễ dàng, kinh tế phát triển?   
Ngồi bó gối trên chuyến xe đò, tôi thấy nhẹ nhõm và mong sớm về đến Vĩnh Bình an lành. Nhưng xe chạy được khoảng hơn nửa giờ thì phải ngừng lại. Tôi nghe có nhiều tiếng súng nổ. Sống ở Sài Gòn, tôi chỉ nghe tiếng đại bác vào ban đêm, chứ không nghe tiếng súng vào ban ngày, mà lại là tiếng súng nhỏ. Vậy là có giao tranh với Việt Cộng. Tôi hơi lo. Nhiều hành khách cũng nhớn nhác. Anh lơ xe trấn an: “Bà con yên tâm. Không sao đâu”.
Không biết giao tranh cách đây xa không? Ở Sài Gòn, đôi khi tôi nghe tiếng pháo kích bằng hỏa tiễn của Việt Cộng vào thành phố. Hồi tết mậu thân thì giao tranh ở Chợ Lớn, cầu Bình Lợi,…rất xa nhà tôi nên tôi không hề nghe tiếng súng nhỏ. Bây giờ chiến tranh thực sự ở bên mình.  Một lát sau, tiếng súng im và xe đò được nổ máy, đi qua hai chiếc xe thiết giáp nòng súng đại liên đang hướng về khu vườn dừa cách đường lộ vài trăm mét. Qua chuyện của các hành khách, tôi biết được đây là khúc đường “mấy ổng” thường ra. Tôi thấy con đường này không an toàn và mong mau về tới Vĩnh Bình. Hai bên đường, ruộng lúa mênh mông, thật là trù phú.
Về đến thị xã Vĩnh Bình lúc trời xế chiều, tôi thở phào nhẹ nhõm, đến nơi bình yên, nguy hiểm đã qua. Tỉnh lỵ Vĩnh Bình yên lành với những hàng cây dầu cao vút, gió thổi vi vu. Sài Gòn có vài đường trồng cây sao, cây dầu. Còn nhiều đường phố ở Vĩnh Bình trồng cây dầu. Đà Lạt đặc biệt với những cây thông xứ lạnh. Có nên gọi Vĩnh Bình là Thành Phố Cây Dầu không?
Tôi tìm đến nhà anh P. trọ. Anh là bạn của một người bạn cùng lớp với tôi. Nhà anh ở là loại nhà kiểu xưa rất rộng. Anh đã hỏi bà chủ nhà cho tôi cùng ở và bà đồng ý. May mắn cho tôi không phải mất công đi tìm nhà trọ. Anh P. là công chức trong tỉnh, nhưng cũng dạy vài giờ tại trường Trung Học Vĩnh Bình. Hỏi thăm anh, tôi biết tin tức trường. Hiệu trưởng, giám học và các nam giáo sư trung học đệ nhị cấp đều đi thụ huấn quân sự 9 tuần tại trung tâm huấn luyện Quang Trung, gần Sài Gòn. Trường không có nữ giáo sư trung học đệ nhị cấp. Điều hành trường hiện nay do ông tổng giám thị (đã già) lo về hành chánh và anh phụ tá giám học (giáo sư dạy giờ) lo về chuyên môn. Bây giờ tôi mới hiểu: thầy cô giáo thiếu trầm trọng nên thầy Đàm Xuân Thiều (giám đốc Nha Trung Học, trước kia thầy dạy tôi ở trường trung học Chu Văn An) mới đưa chúng tôi về dạy thay những anh đi thụ huấn quân sự.

Sáng sớm hôm sau, vào trường nhận thời khóa biểu, tôi mới biết cả trường hiện nay chỉ có bốn giáo sư trung học đệ nhị cấp mới tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn, không có giáo sư đệ nhị cấp dạy giờ. Ba người đó, ngoài tôi, còn một người bạn cùng lớp Sử Địa với tôi, một anh tốt nghiệp ban Việt Hán, một anh tốt nghiệp ban Lý Hóa. Các giáo sư đệ nhất cấp (gồm ba chính ngạch và một số dạy giờ) không thể dạy đệ nhị cấp (lớp 10, 11, 12) được. Vì thế, các học sinh đệ nhị cấp chỉ học cầm chừng các môn Lý Hoá, Việt Văn, Sử Địa và Công Dân. Cầm tờ giấy thời khóa biểu kín mít những sử địa và công dân lớp 11 và lớp 12, tôi lo: lần đầu tiên dạy chính thức thế này thì chịu sao nổi. Nghe anh phụ tá giám học phân trần, chúng tôi cũng thấy xuôi tai: “ Trường khai giảng hai tuần lễ rồi mà các em chưa có đủ thầy dạy. Các lớp 11 và 12 còn được học vài giờ, chứ lớp 10 vẫn chưa có thầy”.   
Tôi về nhà soạn ngay những bài dạy cho ngày mai. Còn ngày mốt và những ngày kế tiếp thì cứ tối soạn bài cho ngày hôm sau. Thật bận bịu. Nhưng nhìn những nét mặt trẻ chăm chú nghe, chăm chỉ ghi chép, tôi thấy vui vì công lao mình bỏ ra không phải vô ích. Các em chú ý nghe thầy nhiều hơn học sinh trường tư tôi dạy trước kia. Tôi không phải mất thời giờ về những học sinh nói chuyện. Không biết có phải vì các em lớn tuổi? Vì lớp ít học sinh hơn (khoảng 60 học sinh)? Hay vì các em là học sinh tỉnh nên kính trọng thầy? Tôi nhận thấy vài em trông rất già dặn, lớn tuổi hơn các bạn trong lớp, chỉ kém tôi khoảng 2-3 tuổi. Có lẽ các em bắt đầu cắp sách đến trường trễ?  
Có người nói: “ Làm gì phải mất thời giờ soạn bài cho mệt xác. Cứ lấy sách ra mà đọc cho học sinh chép.” Trên đời này có biết bao người như hạng người này. Tôi không thể mất lương tâm, mất danh dự của người dạy học. Tôi học Đại Học Sư Phạm và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tôi không thế muối mặt được. Tôi không phải hạng người ăn cắp tiền của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Tôi cũng không phải hạng người vô trách nhiệm với học sinh và phụ huynh, những người đang hết lòng trông cậy vào ông thầy giáo, ông thầy giáo tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Tôi chỉ là một người dạy học bình thường, không tự đề cao mình, cũng không muốn ai xưng tụng mình. Tôi chỉ là một người làm tròn bổn phận của mình (một người có lãnh lương thì phải làm việc cho xứng đáng với đồng lương mình nhận). Ngoài ra, đây cũng là dịp để tôi thực hiện những gì tôi muốn, mà từ trước tới nay, tôi chưa thực hiện được. Các sách giáo khoa từ cũ cho đến mới, có biết bao nhiêu điều mà tôi cảm thấy không vừa lòng:
Không có quan điểm về bộ môn hoặc có quan điểm về bộ môn, nhưng không phù hợp với thời hiện đại (sử, địa là những môn khoa học nhân văn).
Thiếu tài liệu chính xác, tài liệu lỗi thời hoặc không chính xác.
Trình bày luộm thuộm, học sinh không nắm được trọng tâm của chủ đề.
Kiến thức quá cao, không phù hợp với trình độ học sinh.
Có sách xuất bản từ nhiều năm trước, hàng năm đều được in lại, nhưng chưa bao giờ được sửa đổi.
Tôi cũng thắc mắc tại sao một vài người vứt bỏ hết những điều mà họ đã học ở ĐHSP & ĐHVK, cứ cắm đầu vào những điều không hợp lý của sách giáo khoa để lại từ hàng chục năm nay mà dạy cho học sinh. Tôi nhất định dạy cho học sinh những điều mà tôi đã được học hoặc không được học, nhưng đã biết qua những tài liệu nghiên cứu của các giáo sư đại học. Dạy sử lớp 11, tại sao không đưa những điều mới mẻ, rõ ràng của giáo sư Nguyễn Thế Anh trong cuốn sách “Việt Nam Dưới Các Vua Triều Nguyễn” thay cho những tài liệu sai mà cứ lập đi, lập lại mãi? Tại sao không dùng những dữ kiện và cách giải thích của giáo sư Phạm Đình Tiếu trong môn Khí Hậu Học mà dạy khí hậu Việt Nam, mà cứ lập lại những dữ kiện hời hợt , thiếu tinh thần khoa học? Dạy về nông nghiệp Việt Nam, tại sao không dùng những tài liệu thổ nhưỡng Việt Nam của giáo sư Thái Công Tụng, mà chỉ nói khơi khơi hoặc lập lại vài ý niệm của các nhà nghiên cứu Pháp từ nửa thế kỷ trước?

Hành lý của tôi đem theo gồm hai túi: một túi quần áo, một túi gồm tài liệu dạy học và bài vở chuẩn bị thi vấn đáp cho hai chứng chỉ sử ở Đại Học Văn Khoa. Tôi sẽ truyền lại cho các em học sinh của tôi những điều mà tôi tin rằng ông thầy sử địa ngày nay không phải là ông thầy sử địa ngày trước, trước hết là qua bài học của các em.
Tôi có kinh nghiệm dạy sử, địa, nhưng chỉ là kinh nghiệm dạy những lớp dưới. Bây giờ học sinh là những em lớp 11, 12, kiến thức phải sâu rộng hơn. Nhưng tôi không vừa lòng vì khi tôi đặt câu hỏi trong lớp để các em trả lời thì em nào cũng im lặng. Tôi chỉ định học sinh trả lời thì em mới chịu nói. Nguyẻn do tại đâu? Tôi nghĩ rằng:
Các em nhút nhát, không muốn ra nói những điều mình nghĩ.
Các em sợ sai và bị bạn bè chọc quê, nên không muốn nói.
Học với các thầy cô giáo trước kia, các em ít có dịp phát biểu ý kiến, nên thành thói quen.
Cách trả lời của các em rất đơn giản, không nhắm vào trọng tâm của vấn đề và thường chỉ nêu lên được một ý, mà bỏ qua những ý khác. Các em không dùng được những dữ kiện cho sẵn để suy luận. Các em rất rụt rè khi phải nêu ra quan điểm, nhận định riêng. Nguyên do có lẽ vì:  
Do thói quen “trả bài”, các em không dám trình bày những gì ngoài những gì thầy cô đã dạy.
Cách dạy của các thầy cô giáo trước kia đã tạo nên thói quen của các em: nhút nhát, thụ động.
Tôi học thuộc tên một số học sinh. Khi các em không chịu tình nguyện nêu ý kiến, tôi gọi tên một vài em trả lời câu hỏi để tạo điều kiện gần gũi với các em. Tôi khen ngợi những ý kiến tích cực, dù ít hay nhiều, để nâng đỡ tinh thần các em. Dần dần, các em cảm thấy thân mật với thầy giáo mới và mạnh dạn đóng góp ý kiến vào bài học. Các em có tiềm năng, nhưng mình chưa biết cách gợi cho các em bộ lộ ý kiến của các em.
Khi học địa lý, học sinh thường ngán cách vẽ bản đồ. Có cuốn sách dạy vẽ bản đồ, nhưng tôi thấy vẫn còn khó khăn cho học sinh sách dạy vẽ bản đồ theo các ô vuông nên còn phức tạp và mất nhiều thời giờ. Tôi suy nghĩ và tìm ra phương pháp vẽ bản đồ giản lược giúp các em không sợ vẽ bản đồ và không sợ môn địa lý: vẽ bản đồ theo dạng hình học.

Tác động của sử địa đối với học sinh ra sao?
Về môn sử, những dữ kiện trình bày khách quan, nhưng cũng có tác động đến tinh thần học sinh mà những môn khác không thực hiện được. Sự kiện người Pháp xâm lăng Việt Nam gợi lên lòng yêu nước của tuổi trẻ. Những sai lầm của triều đình đặt thành vấn đề cho tuổi trẻ suy nghĩ: trách nhiệm đối với đất nước, đường lối của những người lãnh đạo cần phải đúng, nỗi đau xót của kẻ mất nước, ...
Về môn địa lý, hiểu biết về thiên nhiên, tài nguyên và con người Việt Nam, tạo cho học sinh lòng yêu thương quê hương, dân tộc và sau này sẽ làm gì cho đất nước.   
Sử và địa là hai môn học thể hiện rõ ràng tính dân tộc trong đường hướng giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa.
Thầy cô giáo dạy sử địa thường phải dạy môn Công Dân Giáo Dục, một môn mà học sinh cũng coi là “món ăn chơi”, nên không chú ý, gây khó khăn cho ông thầy. Lớp 11 học Kinh Tế Học là chính. Đây không phải là môn sở trường của tôi, nhưng kiến thức về môn này, tôi cũng tự tin, vì khi học trung học, tôi cũng thích môn này và nắm vững. Tôi lại càng tự tin hơn khi tôi đem theo những cuốn Kinh Tế Học của năm thứ nhất Đại Học Luật Khoa Sài Gòn. Cũng nguyên tắc soạn bài sử, địa, tôi soạn bài công dân cẩn thận: dàn bài rõ ràng, ý tưởng mạch lạc, không dùng những từ chuyên môn như những từ ngữ cao siêu từ trên trời rơi xuống, mà truyền đạt những từ ngữ này theo cách dễ hiểu. Tôi thường dùng những sơ đồ để học sinh nắm được cốt lõi của vấn đề, và dùng những thí dụ thực tế trong đời sống để học sinh thấy gần gũi với môn học,... Hôm nào xem báo thấy đề mục liên quan tới bài học, tôi đưa vào lớp để thầy trò cùng thảo luận. Thí dụ vật giá leo thang, thầy trò cùng đưa ra những giả thuyết để giải thích. Những điều các em học trong lớp là những điều rất thực tế trong đời sống. Tuy vất vả hơn môn chính của tôi (sử, địa), nhưng tôi thích thú bước vào lãnh vực mới và khám phá. Nhìn nét mặt học sinh là biết các em có tiêu hóa hay không. Mỗi khi bước chân ra khỏi lớp, tôi thấy trong lòng thơi thới, hân hoan.

Cuộc sống của tôi ở Vĩnh Bình thật là yên lành. Bà chủ nhà cho tôi xử dụng bộ ván thật to và dầy (không thấy ở Sài Gòn), vào những ngày nóng, nằm thật mát. Các con bà đã lớn, đi làm ở Sài Gòn. Căn nhà rộng thênh thang, chỉ có anh P. và tôi ở trọ. Cơm nước thì người cháu của bà chủ, nhà ở kế bên nấu cho chúng tôi ăn, thật tiện lợi, khỏi phải đi xa. Điều tôi chú ý là ở đây, tuần lễ có 7 ngày thì 6 ngày tôi được ăn thịt vịt, thịt vịt 7 món, họa hoằn mới có thịt heo. Ngay cả bánh bao bán ngoài tiệm cũng làm bằng thịt vịt. Đây là vùng sông rạch, ruộng lúa bát ngát thuận lợi cho nghề nuôi vịt chạy đồng nên miếng thịt vịt nào cũng béo ngậy.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nữa là người dân ở đây không ăn rau muống. Rau muống rất dễ trồng, mương rạch nào cũng đầy rẫy, xanh mướt, nhưng người ta chỉ dùng cho heo ăn. Người dân ở đây chỉ ăn rau cải, đặc biệt là cải củ. Đất ở đây hầu hết là đất giồng, nhiều cát, rất thích hợp với củ cải và hành củ. Hành củ phơi khô và lạp xưởng là những sản phẩm đặc biệt của Vĩnh Bình. Vào dịp tết, đây là những món quà mà khách ghé Vĩnh Bình thường mua về tặng bà con.
Món ăn ở Vĩnh Bình nổi tiếng với món bún mắm Trà Vinh .Tô bún mắm hấp dẫn với những con tôm và miếng mực tươi và ngọt, những miếng thịt heo quay hấp dẫn, sợi bún dẻo và nhất là vị nước lèo thật đậm đà. Đĩa rau sống đầy đặn với những cọng rau cần nước thật tươi, những sợi bắp chuối thái chỉ làm tăng hương vị đồng quê của tô bún mắm. Có quen với mùi mắm thì mới thưởng thức được vị đậm đà của mắm cá linh, các sặc tạo nên hương vị đặc biệt của tô bún mắm. Ai quen được với mùi mắm thì lại thích loại mắm bồ hóc của người Khmer, đậm đà hơn. Gần với bún mắm Trà Vinh là bún nước lèo Trà Vinh cũng đậm đà không kém bún mắm. Trong tô bún nước lèo, những miếng thịt heo thay thế cho những miếng thịt quay.
Hủ tiếu là món phổ biến ở các tỉnh miền Tây, nhưng mỗi tỉnh có những đặc sắc riêng. Hủ tiếu Mỹ Tho có hương vị khác với hủ tiếu Bến Tre, hủ tiếu Sa Đéc... Hủ tiếu Trà Vinh có vị ngon của nó khác với hủ tiếu ở những nơi khác, có lẽ do vị dẻo của bột gạo làm sợi bánh hủ tiếu, vị thơm của miếng thịt heo nuôi bằng thức ăn thiên nhiên ruộng vườn, vị ngọt của nước lèo nhiều xương và ít bột ngọt.
Riêng món phở thì tôi không thấy ở tiệm nào. Đây là món ăn đặc thù của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, chỉ thịnh hành ở những nơi đông đồng bào di cư (Sài Gòn và miền Đông Nam Phần). Đồng bào miền Nam vẫn còn lạ với món phở Bắc.
Anh P. dặn tôi: “ Thầy giáo chỉ nên ăn uống trong tiệm đàng hoàng, chứ không nên ngồi hàng quán ngoài đường, ngoài chợ.” Thì ra ở tỉnh, thầy giáo vẫn được coi là những người gương mẫu, đạo đức, phải giữ tư cách của mình. Người mình có lối nhìn không thiện cảm đối với những hàng quán lụp xụp ven lề đường và hàng quà trong chợ, dù hương vị của những hàng quán này vẫn ngon.
Chiều thứ bảy, sau khi đi dạy về, tôi thích đi câu với anh T., thầy giáo dạy Anh Văn. Nhà anh đối diện với nhà tôi ở trọ. Anh là người địa phương, tính tình thân thiện, cởi mở. Anh rất rành về câu cá, sửa soạn cho tôi cần câu và mồi (là những con trùng đào ở gần lu nước sau nhà). Chúng tôi đạp xe ra khu ruộng bên ngoài tỉnh lỵ. Anh chỉ cho tôi cách thức câu cá: chọn nơi có cá, móc mồi, điều chỉnh phao, khi nào thì giựt cần câu lên. Tay cầm cần câu cảm thấy có gì động đậy rồi cái phao nhấp nhấp và chìm xuống nước là lúc cảm giác căng thẳng và thích thú. Những lần đầu, tôi vội giựt mạnh cần câu lên, nhưng chẳng có cá, mà con trùng mồi thì mất. Dần dần, tôi quen tay, cũng dính được vài ba con cá rô to bằng hai ngón tay. Anh Tâm chuyên nghiệp nên câu được nhiều hơn. Đi câu còn là cái thú được hưởng không khí mát mẻ của đồng ruộng mà ở Sài Gòn làm sao có được.

Vĩnh Bình có thắng cảnh là ao Bà Om. Đây là cái hồ nhỏ, nay đã cạn, chỉ còn ít nước ở dưới đáy hồ. Xung quanh bờ hồ cao là những cây dầu cổ thụ cao vút, thẳng tắp, giống những cây dầu trong thị xã, gió mát thổi vi vu. Đặc biệt ở đây, đất cát bao quanh gốc cây bị xói mòn, để nhô ra những rễ cây hình dáng xù xì, xoắn xít như những con rắn quấn lấy nhau hoặc những hình dáng thiên nhiên kỳ dị. Đây là nơi nhiều khách tới, đặc biệt là vào ngày chủ nhật. Sáng chủ nhật, bọn đàn ông chúng tôi (9 thầy giáo độc thân tại chỗ gồm 7 tay độc thân thứ thiệt và 2 tay vợ con ở xa) thường ra quán nước bên bờ ao Bà Om ngồi hóng gió, uống cà phê và nói chuyện trên trời dưới nước. Trường chỉ có dăm bảy thầy giáo nên dễ hòa đồng, không phân biệt, không kèn cựa. Không cô giáo nào tham dự những buổi đấu hót của chúng tôi, nên cũng tiện, chúng tôi không phải e dè. Tôi không hỏi các bạn đồng nghiệp tại sao không mời các cô tham gia vào nhóm chúng tôi. Trước khi về trường, tôi tưởng tượng mình sẽ gặp các bông hồng đồng nghiệp, chắc cũng tươi mát lắm. Khi về trường, tôi thấy những gì tôi nghĩ hoàn toàn chỉ là tưởng tượng. Trong trường, thướt tha vài tà áo màu khác với đồng phục áo dài trắng của nữ sinh.Ở đây, nam nữ thụ thụ bất thân, thầy giáo là thầy giáo, cô giáo là cô giáo, chẳng ai nói chuyện với ai, việc ai nấy làm. Gặp nhau trong phòng giáo sư thì họ chỉ gật đầu chào nhau. Trong suốt thời gian tôi dạy ở đây, không có buổi họp giáo sư nào nên tôi không biết trường có bao nhiêu nữ giáo sư, và tôi cũng chắng biết tên cô nào. Đám thầy giáo mới chúng tôi xì xào về cô giáo này, cô giáo nọ, nhưng rồi cũng qua đi, chẳng ai để ý nữa. Những buổi nhậu cuối tuần của đám thầy giáo chúng tôi dĩ nhiên không có bóng hồng nào trong trường tham dự.                     

Hình: Ao Bà Om, một thắng cảnh của tỉnh Vĩnh Bình

Người dân Vĩnh Bình có nhiều người gốc Khmer. Họ sống trong những “sóc” . Trang phục đặc biệt của họ là đàn ông quấn chiếc sà rông thay cho quần. Những ngôi chùa của họ có kiến trúc gần với các chùa của người Thái Lan.
Vĩnh Bình cũng có nhiều người Hoa gốc Triều Châu sinh sống. “Đầu gà đít vịt”, người Hoa lai Khmer có nét đẹp thùy mị với đôi mắt dịu hiền, lông mi cong, làn da mịn, hơi bánh mật mặn mà. Tôi không làm quen được với thiếu nữ như vậy
Cuộc sống ở thị xã Vĩnh Bình tưởng như yên bình. Bóng dáng chiến tranh là những chiếc thiết vận xa M113 chiều nào cũng trở về thị xã, rầm rộ chạy qua trước nhà trọ của tôi. Chiến tranh chỉ xảy ra vào ban ngày và xa thị xã. Các anh lính Cộng Hòa ban ngày đi đánh Việt Cộng, tối về nghỉ ngơi, rồi sáng mai lại tiếp tục đi. Tuy nhiên, cuộc sống ở đây không hoàn toàn yên tĩnh. Việt Cộng vẫn hoạt động, trà trộn trong dân, chỉ ló mặt ra khi chớp được thời cơ. Một đêm, đang ngủ say, tôi chợt thức giấc vì tiếng loa vọng vào thị xã: “ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam...”. Tiếng loa tuyên truyền của Việt Cộng. Rồi tôi nghe một tràng súng nổ, có lẽ để đạp lại cái loa kia. Tiếng loa la một lúc rồi im. Bà con lại tiếp tục ngủ. Đó là lần duy nhất tôi nghe tiếng loa tuyên truyền của Việt Cộng.                                       

Hình: Thầy giáo xả hơi vào cuối tuần tại quán nước bên Ao Bà Om


Dạy học ở Vĩnh Bình, tôi đã thực sự là một thầy giáo. Cái nghiệp dạy học đã đeo tôi. Thời gian tôi dạy ở Vĩnh Bình không phải là hai tháng như được thông báo trước khi tôi nhận nhiệm sở, mà gia hạn thêm hai tuần, vì thời gian học quân sự của các giáo sư của trường chưa chấm dứt. Tôi rời Vĩnh Bình trước khi học sinh nghỉ tết vài ngày, khi các giáo sư chính thức của trường Trung Học Vĩnh Bình trở về. Tôi trình diện hiệu trưởng trường Trung Học Kiến Hòa và chuẩn bị dạy tại đây. Sau tết, tôi bắt đầu dạy tại trường Trung Học Kiến Hòa, nhiệm sở chính thức của tôi. Những ngày ngắn ngủi dạy tại trường Trung Học Vĩnh Bình là những ngày êm đềm, đẹp đẽ trong cái nghiệp dạy học của tôi.
TRẦN THẾ ĐỨC   
Ban Sử Địa (Khóa 7/1964 -1968), Đại Học Sư Phạm Sài Gòn
Viết xong ngày 7-6-2022

 

Đăng ngày 18 tháng 07.2022