Bây giờ em ở đâu?

letanloc
Lê Tấn Lộc

Tôi một mình gọi nhỏ
Em ơi biết đâu tìm?

Khe nắng xuyên qua phên nứa loang lổ chiếu hắt vào mặt làm tôi hồi tỉnh trên chiếc đệm rách nát trải ngay sàn đất căn nhà lá lụp xụp, nhưng chưa định thần nhận ra mình đang ở đâu, thiên đàng hay địa ngục: quanh tôi la liệt nhiều xác người chỉ còn da bọc xương! Máu ứa ra miệng hầu hết các xác…
Gắng gượng chống tay đứng lên, bước ra sân ngoài tôi nghe có tiếng rên yếu ớt của một thanh niên trạc 20, 21 tuổi, đang ôm ngực húng hắng ho, nhổ ra từng búng máu tươi… Anh cũng mặc “trây-di” (áo trận) rách bươm như tôi, loại áo mang theo khi “trình diện học tập cải tạo”, phòng khi “kách mạng” cưỡng ép đi lao động. Mẹ rượt cái lũ “răng xâm lăng” hắc ám, đểu giả từ phương Bắc tràn xuống như giặc cào cào, châu chấu cứ ra rả suốt ngày “lao động là vinh quang”!
-Tôi là Lộc. Anh tên gì?
-Tôi tên Ngon.
-Mình đang ở đâu đây anh? Nhiều xác chết quá! Địa ngục chăng?
-Không hẳn, nhưng cũng không thua địa ngục lắm đâu anh ơi! Bọn chúng cho khiêng tôi vất vào cái “trạm xá chống lao” nầy đã gần 3 tháng, khi tôi khạc ra máu vì bị thúc ép lao động quá sức. Để trị lao chỉ có thuốc tể vò viên từ lá cây “xuyên tâm linh”, do chúng bắt bệnh nhân tự chế biến. Chúng bỏ mặc chúng tôi vì nghĩ trước sau gì tụi tôi cũng chết vì lao. Cá nhân tôi đã vùi lấp cả chục anh em mình…Hôm qua chúng quăng anh vô đây. Nghe anh em mình kể là anh chặt cành cây theo yêu cầu “đạt chỉ tiêu”, rủi ro té từ thân cây cao gần 10 thước xuống bất tỉnh. Chúng vứt anh vào chỗ coi như nghĩa địa lộ thiên nầy, vì tin chắc sớm muộn gì anh cũng theo chân mấy anh em đang bị vi trùng Koch gậm nhấm. Quả nhiên! Anh thấy chưa, thiếu thuốc men, anh em mình chết hết rồi đó. Giờ đây chỉ còn anh và tôi còn sống sót!
- Mấy tên bộ đội quản giáo đâu hết rồi hả anh?
- Nghe nói đêm qua, khi anh còn hôn mê, chúng nó lùa anh em trại Long Giao mình vào xe bít bùng chở ra xe lửa tống ra ngoài Bắc hết rồi. Đám ho lao tụi tôi và anh, chúng bỏ lại cho rã thây trong rừng già…

Ngon và tôi dìu nhau tìm đường ra lộ cái, kiếm cách chuồn về Sàigòn…Đói lả người, khát khô cổ. May thay hai đứa gặp được vài đồng bào đi làm rẫy cho vài nắm xôi, vài chén nước cầm cự lết ra tới mặt lộ. Định đón xe đò năn nỉ xin quá giang (trong túi hai đứa chẳng có một xu teng!). Nhưng chưa kịp thấy bóng dáng xe đâu thì năm ba trự “bò vàng” đã ập tới chỉa súng “hỏi thăm sức khỏe”, còng tay dẫn độ về đồn công an. May là không bị ăn đòn hội chợ vì tội “trốn trại”. Nhờ một tên quản giáo của trại Long Giao ngã bịnh bất thình lình ở lại trại chờ “nhập viện”, hai đứa được giải oan “trốn học tập cải tạo”. Ngon được đưa về một “trạm xá” không thuốc men khác. Tôi được giải giao về trại Z30D (Hàm Tân), trước đó là Căn cứ 5 Rừng Lá của QLVNCH…

Suốt buổi sáng cùng băng rừng, Ngon kể chuyện đời mình, buồn nhiều hơn vui: Cha mẹ bị đấu tố chết, hai người anh tay xách nách mang Ngon chưa đầy 6 tháng tuổi, lội suối trèo non vượt thoát thiên đường xã hội chủ nghĩa. Năm Ngon lên 17, người anh cả, sĩ quan Biệt Động Quân và người anh kế, sĩ quan Nhẩy Dù, lần lượt tử trận trong mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Không nơi nương tựa, Ngon đành bỏ học, khai tăng tuổi, tình nguyện đăng lính Thủy Quân Lục Chiến. Nhờ tinh thần hiếu học, Ngon thi đậu tú tài I, được đơn vị gửi đi học khóa sĩ quan trừ bị, Trường Bộ Binh Thủ Đức. Trở lại đơn vị cũ với cấp bực chuẩn úy, Ngon đánh đấm ra phết, noi gương hai anh mình, được đặc cách thăng thiếu úy tại mặt trận. Chưa kịp lãnh lương mới, Ngon bị trọng thương. Đang nằm điều trị ở phòng hồi sinh thì bị “kách mạng” đuổi xô ra đường…
- Em tứ cố vô thân. May có duyên gặp anh trong cảnh hai anh em mình đều thập tử nhất sinh. Em mong anh nhận em làm em nuôi. Một mai anh hay em qua đời trong cảnh đất nước tan hoang, trong vòng rào kẽm gai của kẻ thù, nhớ nhau, chúng ta sẽ lặng lẽ thắp một nén hương lòng, thầm đọc cho nhau một kinh cầu làm “ấm lòng chiến sĩ” trong nghịch cảnh sa cơ thất thế!
-Vâng, kể từ giờ phút nầy, Ngon là Em của anh. Và Lộc là Anh của Ngon!

Trên xe giải giao, nghĩ tới thân phận hẩm hiu của đứa em vừa kết nghĩa bệnh nặng không thuốc thang, giờ đây chẳng rõ xiêu lạc hà phương, tôi thì thầm:
Em ơi bây giờ em ở đâu?
Bến Hải hay Cà Mau?

* * *

Bị tống vào trại mới quá trễ -lẽ ra nếu không bị tại nạn lao động, tôi đã bị nhốt như thú vật trong các toa xe lửa cục kỳ hôi hám, thiếu dưỡng khí; và có lẽ đã tắt thở, thây bị vứt xuống đường rầy làm mồi cho thú dữ- tôi được nhét vào một chỗ chỉ đủ nằm ngửa, vô phương nhúc nhích cựa quậy, trên sạp tre ọp ẹp đầy rệp, sát vách nhà cầu công cộng, với ngọn đèn pha từ ngoài nhà giam chiếu sáng rực vào mặt suốt đêm!

Nơi đây tôi đã ôm trong vòng tay hai bạn đồng tù -và đồng bịnh suyễn nặng- chết vì không có liều thuốc bơm tức tốc làm hạ cơn suyễn đến nghẹt thở, trụy tim!
Nhiều đêm mất ngủ, những ray rứt, những dằn vặt nội tâm bỗng dưng trổi dậy trôi chảy trong tâm can tôi như những thước phim phô diễn trước đôi mắt nhắm nghiền sau làn vải đen che khuất ánh sáng của ngọn đèn pha trực chiếu vào chỗ tôi nằm…

Ngày ấy, 41 năm về trước, vào giờ chót, tôi được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng thi Tú Tài II tại Đà Nẳng, vì nghe đâu Bộ Giáo Dục bắt được tin có sự thông đồng giữa một số giáo chức địa phương với một số khá nhiều thân nhân các thí sinh để mưu toan gian lận thi cử, qua việc sắp xếp chỗ ngồi của các thí sinh, phân phối giám thị, hầu giúp các thí sinh cóp bài hay tráo bài với nhau, hoặc giám thị trao bài giải cho thí sinh, hay thậm chí làm lơ cho thí sinh thuê người thi thế (lơ là trong việc kiểm tra căn cước thí sinh),v.v…
Do đó, Bộ quyết định cử tôi thay thế vị Chủ tịch đã được chính thức lên danh sách bằng Nghị định, nhằm phá vỡ âm mưu “làm ăn” bất chính nầy. Trong quá khứ đã xảy ra nhiều vụ mưu toan như thế ở vài tỉnh miền Trung. Khi các giáo sư đi gác thi phát giác, báo động, họ bị hăm dọa, hành hung, đôi khi bị sát hại.
Lúc bấy giờ, vì sắp có cuộc bầu cử lại Tổng thống, nên Chính phủ ra thông tư yêu cầu các chính quyền địa phương tích cực yểm trợ tối đa cho các Hội đồng thi, nhằm bảo toàn nghiêm ngặt kỷ luật và trật tự nơi trường thi, tránh gây dư luận bất lợi cho chính thể VNCH.
Tuy nhiên, ai được điều ra công tác ở miền Trung cũng đều nơm nớp lo ngại ảnh hưởng nặng nề của các đảng phái trong mọi sinh hoạt dính líu tới chính quyền địa phương. Thiên hạ chưa quên các phong trào đấu tranh bạo động tại Huế, năm 1966…
Hội đồng Giám thị Trung ương đặt Văn phòng tại trường Trung học Phan Chu Trinh. Sau khi viếng thăm xã giao và được Đại tá Thị trưởng cam kết triệt để thi hành Thông tư của Chính phủ, tôi cho họp ngay Ban Điều hành Hội đồng, gồm 1 Phó Chủ tịch (Hiệu trưởng Nữ Trung học Nha Trang), 1 Thư ký (Giáo sư Chu Văn An) với 3 Phó Chủ tịch Trung tâm (1 Hiệu trưởng Nữ Trung học Bùi Thị Xuân-Đà Lạt, 1 Hiệu Trưởng Châu Văn Tiếp-Phước Tuy, 1 Giáo sư Gia Long) nhằm duyệt xét danh sách thí sinh tại 3 Trung tâm, sửa đổi toàn diện cách phân phối thí sinh tại các phòng thi, các giám thị phòng và giám thị hành lang cho các Trung tâm.

Bên ngoài phòng họp, một tiểu đội Địa Phương Quân được bố trí bảo vệ an ninh cho Hội đồng. Phiên họp đang diễn tiến, đột nhiên một anh thanh niên mặc quân phục tác chiến, không mang cấp bậc hay huy hiệu cho biết thuộc đơn vị nào, đầu đội bê rê đen cũng chẳng có phù hiệu binh chủng hay huy hiệu cảnh sát dã chiến, nghênh ngang bước vào phòng họp, sấn tới hất hàm hỏi tôi là ai và yêu cầu cho xem căn cước! Tôi nghiêm mặt vặn hỏi lại:
-Anh là ai mà ngang nhiên tới Hội đồng thi xét giấy tờ tôi? Nếu anh trong toán bảo vệ an ninh thì anh phải biết tôi là ai và đã phải cùng toán canh gác tới trình diện Hội đồng để chúng tôi nhận diện các anh, phòng hờ kẻ gian giả dạng trà trộn phá phách.
Hắn vẫn kênh kiệu nghinh ngó tôi.
-Được rồi! Anh chờ xem. Anh Trưởng toán an ninh đâu? Anh giữ an ninh thế nào mà để người lạ mặt đột nhập vào trụ sở của Hội đồng? Anh tới khám xét người khả nghi nầy, giữ anh ta lại chờ tôi liên lạc với giới chức có thẩm quyền đến dẫn độ anh ta cho Hội đồng chúng tôi làm việc!
Không đầy 15 phút sau, một Jeep cảnh sát tới “xúc” tay phách lối lên xe… Ông Hiệu trưởng Phan Chu Trinh tiết lộ hắn ta là đảng viên một đảng rất có thế lực tại đây. Hắn tới với dụng ý “dằn mặt” ông Chủ tịch Hội đồng chưa chi đã được dư luận đồn đãi “sẽ cương quyết mạnh tay bài trừ gian lận thi cử”! Chưa tới ngày khai diễn khóa thi mà không khí đã cực kỳ...căng thẳng!

Ngày đầu khai mở cuộc thi đã có va chạm nẩy lửa, suýt xảy ra cảnh huyết lưu mãn địa! Tại phòng thi dành cho quân nhân, một thí sinh mặc quân phục Cọp Ba Đầu Rằn BĐQ bị bắt quả tang đem tài liệu vào sao chép trên bài thi (tiếng lóng gọi là “quay phim”, “đánh bùa”). Anh ta rút lựu đạn hăm sẽ buông tay cho nổ tung! Cả phòng thi náo loạn. Ông giám thị ngất xỉu! Giám thị hành lang tức tốc tuôn vào phòng Hội đồng thông báo sự việc. Ông Phó Chủ tịch trung tâm cũng sắp bị “kinh phong giựt” (crise d’épilepsie) tới nơi! Tôi vội vã chạy ra ngăn toán an ninh can thiệp, cố gắng điềm tĩnh bước vào phòng thi. Anh “rằn ri” hét to:
-Đứng lại!Tiến tới là tôi cho nổ đấy!…
-Anh đưa trái lựu đạn cho tôi…
-Không bao giờ! Thà chết sướng hơn mang tiếng nhục gian lận thi cử về đơn vị thọ phạt, có thể bị giáng cấp!
Trưng thẻ sĩ quan cho anh ta xem, tôi ôn tồn nói:
-Tôi cùng binh chủng với anh, nhưng hơn anh về tuổi lính và cấp bực. Tôi là Đại úy QLVNCH biệt phái ngoại ngạch về Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
Anh thí sinh quân nhân phạm lỗi đổi thái độ, khép đôi chân đang dạt ra trong thể thủ, đứng nghiêm chào tay, nhưng vẫn khư khư nắm chặt quả lựu đạn…
-Anh nghe đây: Với phương vị Chủ tịch Hội đồng, tôi có thể cho lập biên bản anh phạm qui luật trường thi. Với trái lựu đạn trên tay anh còn thêm tội mưu toan bạo hành. Hậu quả là anh có thể bị cấm thi vĩnh viễn. Chưa kể anh có thể bị “lột lon”! Sao anh lại có thể toan dùng trái mãng cầu nầy sát hại các chiến hữu của anh và tự sát vậy? Đây là trường thi, đâu phải chiến trường, phải không? Tôi đề nghị thế nầy: Anh trao trái nổ quái ác đó cho tôi, rồi trở về chỗ ngồi dành cho anh dự thi. Tôi xé bài thi anh đã cóp từ tài liệu bất hợp lệ, trao cho anh mẫu bài thi khác, bỏ qua chuyện anh gian lận. Anh làm bài được thì tốt. Không làm được, anh nộp giấy trắng ra về. Coi như bỏ cuộc. Tôi nghĩ giải quyết như thế chỉ có lợi cho anh. Phần tôi, tôi sẽ thuyết phục các đồng nghiệp bỏ qua chuyện anh toan đại náo trường thi. Dẫu sao anh cũng đã góp xương máu bảo vệ bờ cõi quê hương của chúng ta…
Tôi thu hồi được quả lưu đạn đã rút chốt an toàn. Và trật tự được vãn hồi, cuộc thi tiếp diễn như chưa có gì xảy ra! Mùa thi nầy hứa hẹn sẽ cực kỳ gay cấn…

Trên chiếc Jeep của trường Phan Chu Trinh giao cho Hội đồng thi xử dụng, tôi chở chị Phó Chủ tịch và anh Thư ký đi tuần tra vòng ngoài các Trung tâm thi. Không thể tưởng tượng cảnh hỗn loạn diễn ra trước mắt chúng tôi, y như chợ trời đang nhóm trên đường phố: từng đoàn người xô lấn, chen nhau trèo lên dốc thoai thoải sát bờ tường các phòng thi phóng bài giải cho các thí sinh, mà các giám thị cứ như thị thiền cho họ tung hoành như chỗ không người! Thậm chí có vị còn thò tay ra cửa sổ phòng thi đón lấy các bài giải giúp đám người tự tung tự đại, coi giới chức thị sát trường thi như có mặt để làm kiểng chơi thôi! Không thể để tình trạng rối loạn chướng mắt nầy tiếp diễn, tả xung hữu đột, xua đuổi đám người coi thường khung cảnh trang nghiêm của trường thi, tôi đột nhập phòng thi bị tràn ngập bài giải từ ngoài phóng vào, tiếp sức với các giám thị hành lang tịch thu “tang vật” ngoại nhập, lập biên bản hai vị giám thị phòng không làm tròn trách nhiệm gác thi, tức khắc cử người thay thế họ.
Tại các trung tâm khác cũng tình trạng “loạn cào cào” như thế. Tôi thấy rõ giờ đây không những chúng tôi phải đối phó với tệ trạng gian lận từ phía thí sinh, từ phía những người bên ngoài phòng thi làm “áp-phe” với thân nhân thí sinh, mà còn phải “canh chừng” các vị gác thi của chúng tôi nữa! Mệt cầm canh! Tôi “rỉ tai” các Phó Chủ tịch Trung tâm: Ưu tiên “canh gác” quí ngài…gác thi! Vô cùng tế nhị, khó khăn, đau đầu gấp trăm lần “trông chừng” thí sinh!

Anh chị em chúng tôi trong Hội đồng thi từ các nơi được điều động về đây làm công tác khảo thí đã làm hết sức mình trong việc bảo toàn tính chất trang nghiêm cho trường thi, trong ý hướng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân có cơ hội thăng tiến, nếu có thực tài, đã cố gắng tối đa ngăn chặn tệ trạng “bán buôn” làm giảm sút giá trị của văn bằng mở cửa vào đại học. Với ý nguyện thực thi công bằng, chúng tôi sẵn sàng trực diện với mọi hiểm nguy, rủi ro khó lường. Thế nhưng sức người có hạn! Biết đâu, vì lý tưởng nghiêm minh, công bằng đó mà vô tình chúng tôi bất công với những thí sinh bị lập biên bản, đưa tới hình phạt cấm thi? Bởi lẽ do giới hạn về nhân số, về thời gian, về phương tiện, vô hình chung chúng tôi bất lực ngăn chận những thí sinh gian lận qua trót lọt kỳ thi lấy bằng tú tài II, do những “âm mưu”, những “a tòng” bất chính trong bóng tối! Thế thì đâu là công bằng? Các thí sinh bị phát giác gian lận, có thể không có thế lực “ma nớp” nào sau lưng trợ giúp. Trừng phạt họ trong tình thế “nhiễu nhương” tràn lan, có thực sự công bằng chăng? Câu nói của một ông thầy cũ khiến tôi suy nghĩ đến nhức đầu: “Tuyệt đỉnh của công bằng là…bất công” !...

Ngày cuối của kỳ thi, tôi thực sự nhức óc đối đầu với một trường hợp khó xử trí. Nói cách khác, nôm na hơn: tiến thoái lưỡng nan. Tại Trung tâm do Nữ Hiệu Trưởng Bùi Thị Xuân phụ trách, giám thị bắt được một nữ thí sinh ban C đang “đánh bùa” bài thi vạn vật. Trung tâm báo cáo không đủ sức (hay không dám) giải quyết ra sao. Nên đưa nội vụ lên Hội đồng quyết định!

Sở dĩ có tình trạng chuyển giao nội vụ cho tôi định liệu bởi vì nữ thí sinh tuy còn đi học nhưng là một ca sĩ nổi tiếng của đài Truyền hình Đà Nẵng và là thần tượng được dân địa phương vô cùng mến mộ! Nghe phong phanh có một số “fan” của em đang xách động xuống đường gây áp lực! Yếu bóng vía, “rét” là phải! Rốt cuộc, trăm dâu đổ đầu tằm “Chủ tịch Hội đồng” thôi!
Trước mặt tôi, ông giám thị xác nhận em nữ thí sinh có gian lận; ông đã lập biên bản. Bà Phó Chủ tịch Trung tâm trao cho tôi văn kiện mang chữ ký của giám thị phòng và giám thị hành lang, nhưng nữ thí sinh chưa chịu ký tên, một mực kêu oan em bị hiểu lầm. Theo em, tài liệu “gian lận” là của nữ thí sinh bên cạnh đã rời phòng thi, sau khi nộp bài, sấp tài liệu bỏ lại trên băng ghế…Ai đáng tin hơn ai đây? Người bắt và kẻ bị bắt đều là dân địa phương! Họ có quen biết nhau chăng? Có gì “bí ẩn” đàng sau vụ lập vi bằng mà tôi và các đồng nghiệp từ xa tới không rõ chăng?
Tôi không thể đơn phương hủy bỏ biên bản -coi như thí sinh bỏ cuộc, sẽ bị đánh rớt, nhưng không bị phạt cấm thi, như tôi đã “linh động” giải quyết với anh thí sinh quân nhân trước đó- nếu hai ông giám thị không đồng ý. Ngược lại tôi cũng không thể ép em nữ thí sinh ký tên vào biên bản, khi em vẫn một mực kêu oan! Đó là chưa kể nếu xé biên bản, dù ông giám thị xác nhận trao quyền cho tôi tùy nghi giải quyết, biết đâu ông chẳng đặt nghi vấn tôi “lương lẹo” tiền bạc để “tha” cô nữ thí sinh “gian lận”?
Thôi thì chỉ còn cách xin quí vị liên hệ tới vụ tình nghi “gian lận” nầy ra chờ ngoài phòng đợi, để tôi tìm hiểu thêm nội vụ với đương sự bị qui trách vi phạm qui định khảo thí, với sự chứng kiến của anh Thư ký Hội đồng…
Cuối cùng, tôi thuyết phục được em nữ thí sinh ký tên vào biên bản với dòng chữ viết tay: “ Em có cầm sấp tài liệu do thí sinh bên cạnh bỏ lại, nhưng không sử dụng, vì bài thi em đã làm xong. Định trao cho thầy giám thị phòng thì em bị hiểu lầm là có ý gian lận… Xin quí thầy cô mở lượng từ bi cho em được hưởng biện pháp khoan hồng…”, sau khi tôi long trọng hứa rằng em sẽ không bị cấm thi, với chữ ký của tôi và của anh Thư ký bên dưới chữ ký của em. Tôi cũng sẽ làm tờ trình nội vụ lên Bộ (qua Nha Khảo Thí) với đề nghị miễn áp dụng biện pháp kỹ luật với em, sau khi bài thi của em được hủy bỏ và em đành chấp nhận bị đánh rớt. Tôi nghĩ như thế cũng là đã là một hình phạt khá đủ cho em, nếu em thực sự ngay tình nhưng vô ý…

Mấy tháng sau, tôi nhận được danh sách khá dài các thí sinh toàn quốc bi cấm thi từ 1 đến 3 năm, có tên em nữ thí sinh “ca sĩ đài Truyền hình Đà nẵng”! Tôi ngao ngán thở dài, tim đau nhói, hồi tưởng lại cảnh tượng thương tâm trong phòng họp Hội đồng thi tại Thị xã Đà Nẵng. Em nữ thí sinh nước mắt đầm đìa làm nhoen ố làn mực đen kẽ quanh viền mi, khiến tôi kinh hoàng nghĩ rằng em khóc đến mù lòa! Ngực áo trắng tinh tuyền của em cũng lổ chổ vết mực đen…
-Thầy ơi! Oan cho em lắm! Thầy cứu em nghe thầy! Em mà bị tai tiếng gian lận thi cử thì…tàn đời em thầy ơi! Em không màng thi trượt hay thi đậu. Nhưng gia đình em cổ kính lắm! Cha mẹ em không bao giờ dung thứ cho đứa con ngoan của mình phạm lỗi làm ô danh gia tộc. Bị cấm thi, chắc em phải bỏ xứ ra đi! Bao nhiêu bè bạn thân thương, bao nhiêu người mến mộ em sẽ quay mặt với em! Thầy ơi là thầy ơi!

Vậy mà tôi nỡ vô tình cho em ăn bánh vẽ với hy vọng em sẽ được khoan hồng, đã an ủi em, khuyến khích em lau khô nước mắt đến đen hết cả hai tay áo dài tha thướt …
Sẽ không bao giờ tôi quên nổi nụ cười gượng của em qua đôi mắt chưa hoàn toàn ráo lệ, chưa tẩy hết vết mực đen kẽ mi, khi em ngước nhìn tôi, chắp đôi tay như vừa thầm cảm ơn tôi vừa khấn nguyện trời cao nhậm lời em cầu khẩn, môi cười mà lệ như rơi…môi cười mà lệ như rơi!...
Em ơi! Em đã bỏ xứ, lang thang vô định chưa hở em? Em lìa xa thị xã thân yêu thì tôi cũng sẽ chẳng bao giờ dám trở lại Đà Nẵng lần nữa…Đôi mắt nhạt nhòa mực đen ngày ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi!

Người đời vô tình giày xéo lên em
Người đời vô tình giết chết đời em...
Bốn mươi mốt năm qua rồi mà nào tôi đã quên được ngày ấy em như Nàng Liễu rũ vì cơn gió dập bất chợt…Và không ngừng thầm hỏi:

Em ơi, bây giờ em ở đâu?
Góc biển hay rừng sâu?

***
Tâm trạng ngao ngán, ê chề, tôi khước từ nhận trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng thi Tú tài II, kỳ hai tại một tỉnh miền Tây, sau vụ bị “ê mặt” vì không thể hiện được lời hứa với em nữ thí sinh mắt ướt lệ đen tuyền. Nhưng vì thiếu nhân sự, Bộ chỉ định tôi làm Phó Chủ tịch Trung tâm “Tôn Thọ Tường”, đối diện rạp chiếu bóng Đại Nam, đường Trần Hưng Đạo, do Thanh tra TBQ trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng, Văn phòng đặt tại Trung tâm do tôi phụ trách.

Một lần nữa, cũng vào buổi thi cuối, giám thị phòng và giám thị hành lang lập biên bản 4 trường hợp thí sinh “gian lận”, 3 nam, 1 nữ. Dĩ nhiên, các em khóc lóc, van xin…Các thầy cô giám thị động lòng trắc ẩn, dẫn các em đến gặp tôi để xin rút lại biên bản. Khổ nỗi, mọi thứ vừa được Trung tâm niêm phong trao cho Chủ tịch Hội đồng! Các em nam sinh hết lời khẩn khoản nài nỉ tôi cứu giúp, nếu không, ngoài chuyện bị gia đình trừng trị, các em sẽ phải…đi lính! Tôi nói với các em tôi rất cảm thông, nhưng đành phải bó tay, “ván đã đóng thuyền”!
Các thầy cô giám thị cũng góp lời thuyết phục tôi ra tay cứu giúp các em! Tôi buồn rầu lắc đầu nói với họ rằng tôi đã nói trước với quí vị gác thi (qua kinh nghiệm đau thương tôi đã trải qua ở Đà Nẵng) rằng để tránh trường hợp bị “lương tâm cắn rứt” sau nầy, quí vị có toàn quyền hoặc lập biên bản, hoặc tịch thâu bài thi “gian lận” xé bỏ, phát giấy trắng cho thí sinh điền tên tuổi nộp lại cho quí vị. Như thế thí sinh sẽ không bị cấm thi. Dĩ nhiên, như vậy là không hợp lệ, nhưng tôi coi như không biết cách hành sử của quí vị. Nhưng khi quí vị lập biên bản trao cho tôi, coi như hết phương cạy gở.

Thí sinh và giám thi lần lượt ra về. Trường thi giờ đây chỉ còn Ban Điều hành Hội đồng và Trung tâm. Bước ra hành lang vươn vai hít thở chút thoáng khí, tôi sững sờ khám phá em nữ thí sinh bị lập biên bản “gian lận” ngồi gom mình trong một góc tối khóc thút thít!
-Sao em chưa ra về? Em cần tôi giúp gì chăng?
Gắng gượng đứng lên, dùng khăn tay chậm nước mắt, em trả lời:
-Dạ không cần đâu, thưa thầy! Cái em cần thầy giúp thì thầy đã trả lời thầy đành bó tay!
-Đâu đuôi chuyện em bị lập biên bản gian lận thế nào, em có thể kể cho tôi nghe chăng?
-Thưa thầy! Em có kêu oan, em có giải thich, nhưng cô giám thị hành lang nhất định không tin em: Anh thí sinh ngồi sau lưng em bị bắt quả tang đang “đánh bùa”; khi rời phòng thi, anh bực dọc ném sấp tài liệu gian lận còn sót trong người xuống đất, một hai tờ vướng vào chân em, đúng lúc cô giám thị bước vào phòng nói với thầy giám thị phòng em sử dụng tài liệu cấm, nhưng chợt nhìn thấy cô, em quính quáng vứt xuống đất! Giữa em và cô giám thị hành lang, thầy giám thị phòng tin ai, hở thầy? Thầy xem có quá oan ức cho em không? Em buồn tủi, em uất ức là vì em không dám dự thi kỳ I, nghĩ rằng em chưa chuẩn bị đầy đủ, nên quyết định chờ thi kỳ II. Bao nhiêu công sức, thức khuya dậy sớm, bỗng chốc thành công dã tràng! Vận xui bất chợt úp chụp xuống đầu em, em cũng đành chấp nhận hỏng thi, nhưng sao trời xanh cay nghiệt bắt em chịu thêm tai ương nhục nhã bị cấm thi vì bậc thầy cô của em hạ bút lập biên bản giết chết đời em mà không chút đắn đo suy xét tường tận! Thầy cô từng dạy dỗ, thương mến em ở Trung học Vũng Tàu trước khi em chuyển về trường Sương Nguyệt Ánh sẽ nghĩ sao về em hở thầy? Ba mẹ, anh chị em, bè bạn em sẽ thất vọng dường nào về em, hở thầy! Em muốn chết phứt cho rồi, thầy ơi!!...
-Bình tĩnh lại em! Bình tĩnh lại! Em chờ đây, tôi vào thu xếp vật dụng cá nhân rồi sẽ lái xe đưa em về nhà…
-Không cần thiết đâu thầy. Em không dám làm phiền thầy sau kỳ thi đã quá mệt mỏi đối với thầy…
-Chờ đấy nghe em!

Khi tôi trở ra, em nữ thí sinh không còn ngồi đó nữa. Dưới cơn mưa lắc rắc, đầu trần, em tôi khập khểnh bước đi về hướng trạm đón ô tô buýt… Trời hỡi, em tôi tật nguyền mà nào đâu tôi có ngờ! Tôi gấp rút đuổi theo em… nhưng em đã bước lên chiếc buýt vừa rồ máy phóng đi! Khói xe hay bụi đường làm mắt tôi cay xè, rớm lệ? Tôi muốn chạy theo xe, phóng lên tìm em tôi, dẫu chỉ để…
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Nhưng cũng chuyền được cho em chút hơi ấm Tình Người, “trong xót xa đưa theo từng ngày lạnh lùng”…

Từ dạo ấy trở đi, mỗi lần hồi tưởng hình ảnh người em khập khễnh bước lên xe biến mất sau làn khói đen trộn lẫn bụi mù, tôi không thể không xúc động, tâm can ray rứt, thì thầm thương cảm:

Em hỡi em ơi, sau nầy đời sẽ ra sao?
Lòng người vô tình em sẽ về đâu?

***
Trừng phạt thí sinh gian lận, thiên hạ ra tay nhanh lắm, sốt sắng nữa. Nhưng chờ mãi, chẳng thấy quí thầy cô đi gác các em dự thi “phạm pháp” bị biện pháp kỷ luật. Ngay cả giấy cảnh cáo hay văn thư khiển trách cũng không! Vậy thì các biên bản của tôi về các giám thị coi thi chắc nằm yên trong ngăn kéo “hồ sơ xếp”, chưa kể có thể đã được vứt vào sọt rác! Tôi chưa tin lắm, đâu đến nổi tệ thế, phải không? Cho đến khi, với phương vị Trưởng Khu Học Chánh, tôi được Bộ cử ra giám sát Hội đồng thi Tú tài II tại Nha Trang, năm 1973…

Hôm ấy, ký thi vừa khai mở, chuông rung báo hiệu vừa dứt, đề thi vừa được phân phát cho thí sinh thì đột nhiên một giám thị hành lang gấp rút bỏ đi ra ngoài Trung tâm…Để làm gì, đố ai biết! Mua thuốc lá? Uống cà phê? Vô lý! Ông Phó Chủ tịch Trung tâm nói với tôi ông giám thị nầy không hề báo cho ông biết ông ta đi đâu! Tôi vội vã ra đứng trước cổng chờ ông giám thị có hành tung bí hiểm nầy trở về, vì nghi ngờ ông liên lạc móc nối với dân làm “áp phe” bất hợp pháp bên ngoài.
-Ông anh đi ra ngoài làm gì khi nhiệm vụ của ông anh là phải có mặt ở hành lang?
Đương sự không trả lời, trái lại muốn tiến nhanh về hướng các phòng thi. Tôi ngăn ông anh đồng nghiệp nầy (giáo sư Trung tâm Giáo dục Lê Quí Đôn), đồng thời yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thi và Phó Chủ tịch Trung tâm lập biên bản vi phạm qui định về tổ chức khảo thí.
Một lần nữa, tờ biên bản nầy bị coi như giấy nháp viết chơi cho vui!...
Thế thì, một lần nữa, tôi tự hỏi đâu là công lý? Phải chăng những thí sinh bị bắt “gian lận thi cử”, bị cấm thi, sau rốt chỉ là nạn nhân của một thứ công lý “có điều kiện”? Nói khác đi, một thứ… “cong” lý mà người áp dụng nó bẻ cong theo…những chỉ thị rất có thể đã bị áp đảo bởi các thế lực mờ ám trong bóng tối của những thứ “đồng lõa a tòng” làm chuyện phi pháp!
Càng nghĩ càng thêm thương cho hai em thí sinh thấp cổ bé miệng của tôi ở Đà Nẵng và ở Sài Gòn, mấy năm trước đó!

* * *
Bốn mươi mốt năm trôi đi rồi mà cứ ngỡ như vừa mới hôm qua!

Ngon-Lao-Phổi ơi!
Em-Mắt-Lệ-Huyền ơi!
Em-Tật-Nguyền-Thê-Thiết ơi!
Có bao giở các “Em tôi” tưởng tượng được người anh của các em ngày xưa -giờ đây là “ông đồ già kiêm lính yếu” lưu lạc trên đất khách- vẫn không ngừng nhắn hỏi trời mây non nước:

Em ơi, bây giờ em ở đâu?
…ở đâu?...
…ở đâu?...
…ở đâu?…

Hỡi ơi! Chỉ có sóng gió rì rào trả lời câu hỏi tôi ném lên không trung!


Thôn trang Rêu-Phong, Xứ Tuyết, chớm thu 2011
Lê Tấn Lộc

(cựu SV ĐHSPSG/Đà lạt, ban Triết, 1958-1961)

___________________________________________________________
Ghi chú: Trích đoạn thơ mượn của thi sĩ Phạm Thiên Thư, nhạc của các nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Nhật Ngân & Duy Trung, tranh của Kiệt Tấn và Vivi.

 

 a