Thằng cu ỏng và

chuyện xóm chợ Thủ Dầu Một

Võ Kỳ Điền


Cây nắp ấm

Trong một buổi ăn cơm nhà bạn, tôi tình cờ ngồi gần một bà khách lạ. Bà suýt soát tuổi tôi, dáng người điềm đạm chững chạc hòa nhã. Trong câu chuyện xã giao thông thuờng, biết tôi người gốc gác Bình Dương bà cũng nói là có sống một thời gian ở chợ Thủ Dầu Một. Tôi ngạc nhiên và hỏi kỹ thêm vài chi tiết. Bà nói nhà ở dãy phố chợ, trước mặt là bùng binh có hồ sen, phía bên trái vài mươi thước là nhà làng Phú Cường. Trời đất, vậy là hàng xóm với tôi rồi, vậy mà sao không quen biết nhau?

Những kỷ niệm xưa trên bảy mươi năm ùa về tràn ngập trong cái đầu già nua của tôi bây giờ.  Những năm chạy giặc, ba má tôi dắt díu đàn con trẻ dại, leo lên xe lửa chạy bằng than đá có một nồi súp-de đen thui phun khói mịt mù, tản cư lên vùng Bến Cát, Chánh Lưu, qua Xa Cam, Xa Cát, Hớn Quản, Lộc Ninh, rồi tá túc trong các nhà tranh vách lá quê nghèo, hết nhà nầy đến nhà khác.  Nhờ cuộc tản cư đó mà tôi biết cảnh trăng thanh gió mát đêm trăng, cảnh xay lúa, giả gạo, nấu rượu, nuôi heo, kéo trủ bắt tép để đổ bánh xèo...  

Lúc đó tôi còn nhỏ bé xíu nên ba tôi nhờ bác cai Tam cõng trên vai băng qua các con suối nước trong veo đáy nhiều đá sỏi trắng, qua những cánh đồng trơ gốc rạ vàng khô cùng những khu rừng chồi cây nhỏ lưa thưa. Tôi còn nhớ bác cai Tam và ông trùm Cơ thay phiên nhau cõng anh em tôi, hai người nầy coi ba má tôi như là anh chị ruột và giúp đỡ gia đình tôi hết lòng. Tôi không biết tại sao gọi là bác cai, có lẽ có thời bác làm cai đồn điền cao su, còn ông trùm Cơ cũng vậy, gọi ông trùm vì ông làm trùm một họ đạo công giáo. Ông trùm nói ông họ Vũ, vậy là có cùng bà con gốc gác với gia đình tôi. Đó là những ngày lo âu của người lớn nhưng lại là ngày những vui vẻ của đám con nít. Suốt ngày tôi lang thang ngoài đồng cỏ, rừng bụi, hái trái sim ăn và lội sưối tìm bắt cá lòng tong, cá bãi trầu, rồi len lõi vô bụi rậm kiếm hái trái bình tích để đựng cá. Không biết trái nầy gọi đúng tên là gì, tôi thấy nó giống cái bình tích đựng trà thuộc một loại dây leo nên tạm gọi như vậy (sau nầy thấy có người gọi là trái nắp bình). Nó màu xanh nâu lớn chừng cở ngón tay cái, phía trên có nắp đậy. Con cá nhỏ còn đương lội tung tăng bị bỏ vô chừng vài phút, mở ra thấy chết queo hết cục cựa...

Cũng trên chiếc xe lửa đen thui đầy bụi khói nầy, bận về anh em tôi được má cho ăn cơm nguội trắng với một mớ tép đỏ rang mặn. Ngon thiệt là ngon, cả đám anh em xúm nhau giành ăn tới sạch bóng. Ngồi trên xe lửa ngó ra cửa sổ, tôi thấy rừng cây bên đường chạy vùn vụt ra phía sau, tiếp nối nhau không ngừng, hết cánh đồng nầy sang cánh đồng khác, xe cứ chạy hoài chạy hủy ầm ầm như vậy cho đến khi về tới ga chợ Phú Cường...

Đối với cái nhìn của tôi lúc đó thì tỉnh lỵ Phú Cường thời Pháp thuộc nhỏ xíu, loanh quanh chỉ có hai dãy phố chợ. Đi vài cây số lên dốc nhà thương ngang qua Tiểu Khu, xa hơn nữa là rừng chồi. Rồi hết! Vì học bên trường Nam tỉnh lỵ Châu Thành nên hình ảnh tôi nhớ nhứt bên kia đường là trên dốc cao nhà thờ Phú Cường, vào mỗi buổi chiều có ông Cha người Pháp mặc áo chùng thâm, râu rậm quanh hàm đi dạo, có người lính thổi kèn đồng tò te, tôi sợ lắm và cho là họ thổi kèn cho ông Cha làm phép để đuổi ma quỷ.

Vui nhứt là trưa trưa, tôi cùng với mấy thằng bạn xóm Chợ, lượm đá sỏi lén rình chọi mấy đứa tây con, đầm con đương bơi lội đùa giỡn trong piscine, bị tụi nó la hét rượt đuổi ầm ĩ thì cả đám ba chưn bốn cẳng cùng nhau chạy trốn lên Dốc Ông Cò.  Vui ơi là vui. Trên con dốc nầy có nhà ông Cò Tây, tụi con nít tôi đặt tên là Cò Tám Tàng. Ông nầy cao to lớn con, thắt lưng lúc nào cũng đeo súng lục xề xệ, đầu đội kết Hiến Binh Pháp, thường lái chiếc xe bình bịch màu xám nâu quân đội có gắn cái thùng sắt cạnh bên to bè bè chạy quanh chợ, tiếng máy nổ ầm ầm điếc tai, mặt nghinh nghinh ngó ngang ngó dọc, nên ông ta được dân phố Chợ gán cho cái biệt danh ngộ nghĩnh như vậy.

Sau khi thua trận Điện Biên Phủ 1954 thì tây con đầm con lẫn ông Cò Tám Tàng của tôi xúm nhau rút về nước. Đồng bào mình vui lắm. Tôi biết trên đường Hùng Vương có ba hãng sơn mài gần nhau là vui hơn hết.  Hãng Sông Gianh, rồi tới Trần Hà và Thanh Lễ, khách tây ra vô mua đồ kỷ niệm bán không kịp thở.  Ngoài chợ, cạnh bên nhà tôi, cũng có một người vui thiệt là vui.  Đó là Bác Năm Đồng Quang. Ai mà ngờ, cái đống túi xách treo trên tường và mấy chục chiếc va li bằng da bò để dưới đất đóng đầy bụi bặm, lâu ngày ế nhệ không ai ngó tới, mấy hôm đó lại bán chạy như tôm tươi.

Nhắc tới Bác Năm Đồng Quang tôi chợt nhớ đến bà cụ, mẹ Bác. Cụ nhỏ người răng nhuộm đen nhưng nhức, ăn trầu đỏ bầm và đầu tóc quấn khăn nhung đen mỏ quạ người già nua ốm yếu mong manh. Đúng là hình ảnh một cụ bà đất Bắc ngày trước. Thoạt trông thấy Bác Năm, cứ ngỡ là gốc dân phu chiêu mộ cho các đồn điền cao su ở xứ đất đỏ miền đông. Nhưng thiệt ra không phải. Bác gốc người Hà Đông, cũng đoàn người vô Nam lập ấp trồng hoa cải rau màu ở Đà Lạt theo một chuơng trình giúp dân nghèo đất Bắc của Tổng Đốc Hoàng Trọng Phu. Cũng không biết do đâu mà Bác lại trôi dạt về Thủ Dầu Một, chỉ còn người em trai là chú Tám ở lại tiếp tục trồng hoa cho xứ lạnh mù sương. Cứ vài ba năm, chú Tám đến thăm anh và đem theo những bó hoa đẹp làm quà. Nhờ đó mà tôi sớm biết một số hoa đẹp nổi tiếng của đất Đà Lạt.

Không những biết về hoa đẹp, nhờ có bà Cụ tôi biết thêm rất nhiều về các điệu dân ca ngoài Bắc như hát chèo, hát cò lã, hát trống quân... Tôi thích nhứt là vào mỗi buổi trưa hè nóng bức nghe Cụ ngâm sa mạc. Tiếng cao, tiếp thấp dìu dặt, êm ái, ngân nga tuyệt vời. Tôi đâm mê thơ ca lúc nào không hay. Rồi có lúc trong đầu nảy sinh thắc mắc tại sao kiểu ngâm nga nầy lại gọi là ngâm sa mạc, có liên quan gì tới các lối ngâm của người Mông Cổ khi xâm lấn nước ta từ thế kỷ 13 không?

Ngoài các điệu hát hò của Cụ và bác Năm Đồng Quang, tôi cũng học hỏi được nhiều từ cùng cách nói chuyện xa lạ của người miền Bắc. Chiều chiều khi cơm nước xong, bác Năm thường bày các ghế ra ngoài hàng ba trước nhà để ngồi hóng những cơn gió mát từ sông thổi lên. Ba tôi và các chú bác cạnh nhà cũng qua chuyện trò. Tôi là con nít khoái nghe người lớn nói chuyện nên hầu như không buổi chiều tối nào vắng mặt. Hấp dẫn quá mà, làm sao mà bỏ qua cho được. Nào là ba anh em Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi kết nghĩa bên vuờn đào, rồi đến câu chuyện ở Ngõa Cang Trại, anh hùng Đơn Hùng Tín bị các bạn bè là Từ Mậu Công, Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, La Thành... phản bội.

Có một hôm, tôi và ba mới vừa qua tới, kéo ghế ngồi xuống thì thằng con Bác Năm đi chơi đâu đó vừa về. Ba tôi hỏi bác Năm Đồng Quang:
- Con trai anh hả?  
Thằng con khoanh tay chào ba tôi:
- Con lạy bác ạ!
Ba tôi khoát tay:
- Con chào được rồi đừng có lạy.
Bác Năm Đồng Quang cười cười và nói/
- Cháu quen nói như vậy rồi, anh đừng để ý làm chi.

Ba tôi thấy thằng bé đẹp trai dễ thương, hỏi tiếp:
- Cháu ngoan quá, tên gì vậy con?
Thằng bé chưa kịp trả lời thì bác Năm nói tiếp ngay:
- Tôi đặt tên cháu là Cu Ỏng.
Nghe xong thì tôi biết ngay phong tục của người Bắc đặt tên con xấu cho dễ nuôi. Ỏng là trong chữ ỏng eo, có nghĩa là thằng bé ốm ỏng ốm eo, bụng ỏng lưng eo. Còn ba tôi thì có lẽ chưa nghe từ nầy bao giờ, đây là lần đầu tiên mới được nghe qua. Không biết ba tôi đã nghĩ điều gì trong đầu, thấy ông cười cười rồi nói với Bác Năm:
- Đặt tên con mà cũng giành lấy phần mình, còn phần của bả thì ở đâu, sao không thấy nhắc tới?
Nghe ba tôi hỏi xong, các chú, các bác lối xóm có mặt cùng Bác Năm ôm bụng mà cười lăn cười lộn.

Đến bây giờ thì thằng Cu Ỏng cũng đã trên bảy mươi mấy tuổi rồi, lâu quá không nghe tin tức gì hết sau những cuộc biến động bể dâu, không biết bây giờ nó đã ra sao. Nếu nó còn sống thì đã lên chức Cụ Cu Ỏng từ lâu rồi.
Còn bà bạn mà tôi được gặp trong bữa cơm ở Montréal là con gái lớn của chú Tám trồng hoa ở Đà Lạt xuống Thủ Dầu Một giúp bà Đồng Quang trong giai đoạn sanh nở thằng Cu Ỏng. Mãi cho đến bây giờ bà cũng không nghe biết tin tức gì của gia đình Bác Năm.  
Ngộ ghê chưa, trái đất nầy quả là tròn và nhỏ lắm, loanh quanh rồi cũng quen nhau hết trơn hà!

23-03-2023
Võ Kỳ Điền   
Brossard, Quebec

Võ Kỳ Điền (vokydien.blogspot.com)

 

 

Đăng ngày 03 tháng 04.2023