Tu giùm

thaoan

Nguyễn thị Thảo An

Lời ngỏ: Tu Giùm là một câu chuyện thiền. Đúng ra, nên kể nó là một công án thiền. Truyện dựa trên 50% chuyện thật1 của Thiền Sư Muxatara2. Câu chuyện nhập môn của Thiền Sư Muxatara có phải là một công án thiền hay không?Nếu phải, dự định nó sẽ được kể trước ba ngàn chúng sinh. Nhưng tiếc thay, mới vừa kể thử với ba thính chúng thân tín trong chùa thì đã xảy ra một cuộc khẩu chiến vô cùng dữ dội. Từ đó tới nay, một nửa thế kỷ đã trôi qua mà các cuộc tranh luận trong các thiền viện, chùa chiền vẫn còn đang tiếp diễn.
Câu chuyện nhập môn bắt đầu như sau.

 

Sau cả tháng ốm liệt giường, anh choàng dậy như người mới sực tỉnh sau một giấc mộng dài. Giấc mộng này cũng có thể ví như giấc Nam Kha của Thuần Vu Phần đời Đường. “Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.” Anh tuyên bố, “Cuộc đời tui xưa nay, thuở nhỏ sống vì cha mẹ, lúc lớn vì vợ con, nhưng từ giờ trở đi tui phải sống cho tui. Cho tui. Cho tui. Cho tui,… Nghe chưa?” Anh gào lên như thế đến khản cổ, mới hạ giọng bảo vợ. Trăm Năm Cô Đơn3 của anh không thể ngụp lặn trong bốn chữ Cơm Áo Gạo Tiền. Rằng đời người phải có cái gì khác ở phía trước. Một cuộc đời sáng hơn. Vui hơn. Buồn hơn. Chán hơn,… Anh đều chấp nhận, miễn là thoát ra được cái cảm giác tù ngục của đời thường. Con người ta đến với thế gian này chỉ để sống một đời… One Life To Live4.

Nhìn anh đau khổ muốn chết đi, vợ bỗng thương hại quá đỗi, nhằn yêu, “Mình còn bệnh thế, dậy làm gì? Ngủ đi. Ngủ nữa nhé.” Vừa nói, vợ vừa dìu anh trở về giường, dỗ dành. Anh nhìn vợ, uất nghẹn ngang trời. Rồi đột nhiên anh vùng dậy chạy thục mạng ra đường như bị ma rượt.
Vợ nhìn theo thở dài. Bệnh lâu ngày bị biến chứng thành mộng du thế đấy. Vợ không níu kéo, cũng không gọi về. Người mộng du bị đánh thức, giật mình dễ chết như chơi.

Thật may mắn, tai nạn đã không xảy ra. Hôm đó, anh chạy một mạch đụng ngôi chùa duy nhất ở cuối làng. Với lòng quyết tâm đoạn tuyệt với nửa đời thế tục, anh quỳ xuống thành khẩn xin nhập môn. Cuối cùng lòng thành cũng động tới trời, sư cụ trụ trì mới mở rộng cửa cho anh vào.

Thời gian thấm thoát, anh ở chùa lòng thanh tịnh dần. Buổi sáng anh thức sớm, tắm gội sạch trước giờ tụng niệm. Kinh kệ xong, anh quét lá. Trong lúc quét lá, tâm trí anh hiển hiện hình ảnh một chú tiểu nâu sòng cầm cây chổi vung vẩy giữa đám lá khô.
“Con vua thì được làm vua,
Con sãi ở chùa phải quét lá đa.”

Quét lá đa không phải là một công việc cực nhọc. Trái lại, đôi khi nó đầy thi tính. Cứ thử ngắm một chiếc lá rơi mà xem, ai lại không nao lòng. Hễ nao lòng thì người ta thường thở dài. Mà thở dài thì thể nào cũng nhớ vợ. Cứ mỗi khi anh làm việc gì, dù là việc tốt như cầm chổi quét sơ sân hàng xóm thì vợ cũng mắng, “Sao cứ khôn nhà dại chợ.” Vợ chẳng thèm ngó qua, hàng xóm nhà anh chỉ là một bà già. Vợ như thế thì tu là phải.

Tu tức là sửa mình. Buổi trưa, anh xung phong nấu cơm để tự sửa mình. Hồi còn ở nhà, vợ nấu. Cơm được bày trong mâm tươm tất. Mâm vợ bên phải, mâm con bên trái. Mâm chồng bên trên, mâm vợ bên dưới, đúng theo quy luật “chồng chúa vợ tôi.” Vợ chăm chút như thế làm anh bất giác thở dài. Phải đoạn tuyệt với nề nếp cũ thôi, anh tự nhủ. Đã sửa mình thì phải sửa cho rốt ráo. Nấu cơm phải theo quy định của chùa, gạo đong dè sẻn, chỉ thiếu chứ không được đủ. Khi ăn đói, người ta ngộ ra lắm điều hay. Bây giờ anh ngửi thấy mùi thơm của cơm làm cồn cào gan ruột, mùi cà mùi tương khiến bụng dạ vẫn nôn nao dù mới ăn xong. Cái đói làm người ta bám chặt cuộc sống. Đột nhiên anh nhớ các con anh. Không có anh, chúng nó ăn cái gì? Trăm đường anh cũng không tưởng tượng ra được. Nghĩ ngợi linh tinh rồi thể nào anh cũng chậc lưỡi để tự kết luận, “Ối, trời sinh voi sinh cỏ.”
Nhưng đấy chưa phải là vấn đề sinh tử của anh.
Buổi tối mới thật nan giải.

Đó là lúc anh đã lên giường. Mọi sinh hoạt trong chùa đều ngưng lại.Trong bóng đêm dầy đặc, anh lắng nghe tiếng động chung quanh. Tiếng thở đều đặn của sư cụ trụ trì, tiếng ngáy của các hòa thượng phòng bên, tiếng u, ơ mớ ngủ của các chú tiểu,… Và anh bắt đầu đếm tiếng trở mình của chính anh. Làm sao chìm vào giấc ngủ khi đầu óc còn tỉnh như sáo. Khi tỉnh táo, người ta nhớ rõ ràng đủ thứ, kể cả những điều không muốn nhớ. Cảm giác rõ nhất là cái giường ở chùa lạnh, nó khiến anh nhớ ra là mình chưa từng ngủ một mình. Hơi ấm của vợ, mùi thơm của da thịt, hơi thở nồng nàn cứ như tiếng ru rù quến bên tai. Chưa đụng tới vợ mà anh đã thấy ngây ngất, thân thể nhẹ tâng, bồng bềnh trôi nổi trên mây. Mà mây là đống chăn mền mềm mại, ấm vào mùa Đông, mát lạnh mùa Hè. Mỗi sáng tỉnh giấc anh phải mất mấy phút định thần để biết mình đang ở trần gian. Còn bây giờ ngả lưng trên cái giường cây cứng ngắc của chùa làm anh đau đớn. Mỗi lần trở mình là từng khúc xương như muốn rớt ra. Khốn nạn nhất là cái mền. Cái mền cũ kỹ, mỏng te như một tờ giấy dó. Thu về, gió trời lồng lộng, quấn chiếc mền này không khéo dễ trở thành cánh diều bay vút lên cao. Chỉ những lúc gần sáng, sau khi trăn trở, cào cấu, đánh vật với cái gối nhỏ xíu đến bở hơi tai, mồ hôi ướt đẫm, anh mới chợp mắt được. Ít lâu sau, cả chùa phát giác chiếc gối rách teng beng, gió thổi gòn bay tấp trắng cả một góc chùa.Vị chủ trì thương tình tặng anh chiếc gối mới bằng cây vuông vức.

Một đêm, trời trở Thu. Sao thưa, trăng lạt nhạt. Trên cao lá vàng xao xác gọi. Mùa Thu, mùa nhớ, mùa thương, mùa của cảm xúc. Anh chạnh lòng nghĩ tới vợ. Đã lâu lắm rồi anh chưa nhìn thấy một thứ gì mềm mại. Cứ nhìn quanh quất trong chùa mà xem, toàn bằng đồng, bằng gỗ. Vải vóc, áo sống cũng nhuộm đều một màu nâu đen lãnh cảm. Rèm trướng um mùi khói, mùi nhang, mùi trầm, cả chục năm không giặt trông xơ cứng như loại giấy dầu hoen gỉ. Cũng đã lâu lắm anh chưa nghe một lời nói ngọt, một ánh mắt dịu dàng, hay một suối tóc mềm mại. Ôi, suối tóc. Cả chùa không một ai có tóc. Một mái tóc bây giờ thật đáng quý biết bao. Anh ước sao được nhìn thấy một lần nữa mái tóc huyền của vợ. Mớ tóc như mây. Anh giơ bàn tay của mình trong bóng tối lờ mờ. Bàn tay thô rám, lấm tấm những lớp da khô bong vẩy trắng sùi. Những ngón tay càng thô thì khi đùa vào tóc càng khoái. Anh lim dim tưởng tượng, những sợi tóc mướt rượt lùa vào từng kẽ ngón rồi tuột luốt khỏi lòng tay. Anh cố nắm lại, bắt chụp. Những càng cố công, càng vô vọng. Chỉ cần một nhúm tóc mềm qua tay bây giờ cũng làm những lớp da khô sống lại.

Đêm đó, khi trời chưa sáng rõ, anh nhảy rào, phóng thẳng về nhà. Anh thề, anh chỉ muốn nhìn vợ một lần cuối rồi thôi. Hồi bỏ nhà ra đi anh đã chẳng có một lời từ biệt cho ra hồn. Nếu vợ khóc, có thể anh sẽ vuốt tóc vợ. Chỉ vuốt một cái duy nhất thôi, anh nhủ lòng thế. Nhìn vợ một lần, vuốt tóc một lần thì chẳng phải tội vạ gì lớn cả. Anh chắc mẩm như thế.

Về đến nhà, anh lẻn vào cổng sau. Anh không muốn gõ cửa, đánh thức vợ. Khẽ đẩy cửa, lú đầu vào phòng ngủ, thấy vợ ít phút rồi đi. Rồi mãi mãi anh sẽ không trở về. Anh hứa thế. Nhưng vợ không ngủ trong phòng. Thấy ánh lửa dưới bếp lùng bùng, anh rảo xuống. Nồi bánh còn sôi, nhưng lửa sắp tàn. Vợ nằm ngủ quên trên sàn bếp. Dáng nằm mềm mại như một dải lụa vắt ngang. Chiếc áo ngủ hồng lấm tấm những hoa anh đào trắng trễ xuống quá nửa. Hơi thở phập phồng nhịp theo ánh lửa lung linh hắt lên da thịt. Vế von xô lệch, ngực trần hớ hênh. Gương mặt người đàn bà ngủ phảng phất nét trẻ con. Mi mắt vợ líu ríu. Môi hé nhẹ như một nụ đào mới búp. Nếu là lúc trước, thì anh đã,… Nhưng mà bây giờ,… Bất chợt anh đưa tay rờ rẫm cái đầu nhẵn thín rồi ngẩn ngơ ngắm vợ. Trong tích tắc, anh chợt phát giác, đây chính là một sinh vật đẹp đẽ nhất trời đất. Một công trình sáng tạo thiêng liêng, có một không hai của Tạo Hóa. Vậy mà anh đã phụ ơn của trời đất. Anh đã,… Đúng lúc đó vợ bừng mắt. Bốn cánh tay xoắn xít, hai thân hình bện chặt vào nhau, quần áo rơi lả tả. Đó là sự cuồng nộ của hấp lực hai sức hút.Tất cả xảy ra đúng như quy luật âm dương của trời đất. Anh thề, anh là kẻ bị động, bị xô đẩy, bị cuốn hút. Anh hoàn toàn không chủ động. Có thể trong một sát-na nào đó, anh có nghiến, có xéo lên vợ tí ti. Cứ tưởng tượng một sinh vật mềm mại, nõn nà, ấm áp và trơn tuột, dồn dập dưới thân mình. Không nghiến, không kêu, không giày, không xéo mà được ư? Đã có ai đi giằng một con giun, chặn một con trùng mà không lỡ tay xéo nó bao giờ? “Con giun xéo mãi cũng oằn.” Đúng lúc oằn thì anh buông. Buông đúng lúc, không để vợ phải bật môi rên xiết. Sực tỉnh khi cần tỉnh. Chẳng phải người xưa cũng nói, đó là kẻ thức thời đó sao?

Bận về, anh cũng leo cổng, nhảy rào nhưng tăng tốc gấp đôi trước khi trời sáng. Rón rén trở về giường anh cảm thấy đuối, chìm ngay vào giấc ngủ. Mãi đến giờ Ngọ Tụng, anh mới tỉnh dậy. Tiếng chuông cảnh tỉnh như dộng vào tâm thức. Lòng nặng trình trịch những sám hối. Khi anh gõ mõ, từng tiếng lốc cốc như đập trúng trái tim mình. Anh hối hận và tự trừng phạt bằng cách tăng giờ tụng niệm, nấu cơm hai cữ, quét lá hai ca,…

Rồi thời gian cũng qua. Sự ăn năn bấy giờ cũng đã đầy. Mùa trăng sau đó anh lại mất ngủ. Suốt những đêm dài anh nằm trằn trọc nhớ đến hình ảnh khúc vải lụa của anh, nhớ ánh lửa bập bùng nhảy múa trong ánh mắt, trên màu da.

Rồi anh lại nhảy rào, phóng thẳng một mạch bằng con đường tắt. Con đường này do anh nghiên cứu địa hình nhiều ngày mới tìm được. Nó thu ngắn thời gian đi và về. Lần này thì vợ chưa ngủ. Lửa cháy mạnh hơn. Vợ đã dọn sẵn một chút trà, một chút rượu. Nhưng anh chối rượu, nhận trà. Phạm một lần hai tội thì không tội nào có thể tha thứ được. Nghe anh nói, vợ im lặng không nói gì. Kê sát mặt anh, vợ giơ một ngón tay điểm giữa trán, ngón tay kéo qua mũi rồi xuống miệng vẽ thành một lằn ranh chia hai nửa gương mặt. Vợ nói, bên này là tội, bên kia là lỗi. Tội hay lỗi, để vợ nhận cả. Nói xong, vợ kéo mặt úp vào ngực. Anh nhắm mắt mà thấy cả một vùng đồi núi sáng trắng. Tai lắng nghe tiếng tim đập rộn ràng, tiếng sữa sóng sánh chực tràn ra khỏi ngực.

Lần kế rồi lần nữa, nữa. Anh kéo những mùa trăng xích lại gần nhau. Mà mùa nào với anh cũng là mùa cuối. Lời thề nào cũng là lời thề cuối. Anh tự nguyền rủa mình. Tự sám hối trăm trăm, nghìn nghìn lần. Và rồi cuối cùng cũng tự tha thứ, tự thương thân. Con người là một sinh vật yếu đuối, dễ sa ngã. Đâu có ai cứ vấp mãi một cục đá trên đường? Anh cần phải đứng dậy. Đứng thẳng bằng mọi cách. Anh bỗng ước mình có được một phần mười dũng khí của các võ sĩ đạo samurai, rút kiếm ra mà chặt đứt tơ tình.

Một buổi sáng mùa Xuân, anh ôm bình bát đi khất thực. Anh đi chầm chậm. Anh đếm từng bước. Anh ghé từng nhà. Những nhà này từng biết, con đường này anh từng quen. Anh mường tượng vào những đêm trăng, anh phóng như  bay như những hiệp khách phi hành qua lại quãng đường này. Buổi tối hân hoan bao nhiêu, bây giờ anh lại hổ thẹn bấy nhiêu. Có một con mắt vô hình nào đó ngày đêm cứ quan sát, theo anh như bóng với hình.

Con đường làng dẫn ngang qua chợ. Tới đầu chợ, anh ôm bình bát dừng lại, đứng im như một pho tượng cúi đầu. Tay lần tràng hạt, miệng lẩm nhẩm những câu kinh không đầu không đuôi, nhưng anh dỏng tai nghe ngóng xung quanh. Chợ hôm nay náo nhiệt khác thường. Thiên hạ bu quanh một ông lang bán dạo, nhanh mồm mạnh miệng, vừa gào vừa la.
“Thuốc cao đây. Cao dán đây.” Có người mua nên ông dừng lại trao thuốc thối tiền, rồi rao tiếp.
“Cao thần, cao tiên. Đau đâu, dán đó đây.” Có người lại hỏi mua.
“Cao dán trị hết đau thật không ông?”

Thầy lang hơi cáu vì có người dám nghi ngờ cao dán của ông.
“Hiệu nghiệm như thần. Bảo đảm không hết đau, không lấy tiền.” Rồi ông giơ miếng thuốc dán lên cao, lại rao.
“Đau mà không dán, dán rồi không đau. Cao đây, cao đây.”
Chỉ có thế mà thiên hạ tin, đổ xô mua cao ào ào.

Mắt thấy, tai nghe làm anh hoài nghi quá đỗi. Có lẽ nào, người ta tin đại vào lời rao mà không đòi một nghiệm chứng nào cả? Anh muốn cất tiếng hỏi nhưng tay vẫn đang ôm bình bát, miệng lầm rầm, thiên hạ vẫn tưởng anh đang đọc kinh đấy chứ, bây giờ bỗng nhiên mở miệng thì kỳ. Anh cố nhịn. Rồi tìm cách lẩn quẩn gần ông lang đến tàn buổi chợ. Chờ đến khi không còn ai đứng cạnh, anh mới hỏi nhỏ.
“Này, cao dán hay thật đấy à?”
“Thật.” Ông lang quả quyết. “Thầy đau chỗ nào, tôi dán chỗ ấy, bảo đảm hết ngay lập tức.” Nói xong, ông chìa ra một miếng, sấn tới định dán bừa.
“Ậy, ậy,” Anh xua tay, “Thôi khỏi, hỏi cho có vậy chứ tôi tin ông.”

Thấy anh tin tưởng, ông lang rò rỉ thông tin, “Cao này tên gọi là Tuyệt Tình Cao. Thiên hạ chỉ mong hết đau nhưng thật ra công dụng của nó còn trị đủ thứ, kể cả lục dục thất tình, hỉ nộ ái ố đều hết sạch sành sanh.”
“Thiệt à?” Mắt anh tròn xoe hết cỡ. “Trị cả lục dục thất tình à?”
“Phải, cao diệt cảm giác, trị bá chứng. Đau, dán. Hết đau. Mừng, dán. Hết mừng. Lo, dán. Hết lo. Sướng, dán. Hết sướng.”
Mừng rơn, anh chụp ngay thầy lang. “Sướng, dán cũng hết sướng thiệt à?”
Ông già gật đầu cái rụp, “Sướng tới đâu cũng phải hết.”
Anh dốc ngược túi nải, lục cả túi trong túi ngoài, được bao nhiêu tiền đổ hết mua cao.

Kế hoạch thử nghiệm Tuyệt Tình Cao được duyệt ngay đêm đó. Khi tiếng thở của mọi người trong chùa trở nên đều đặn, anh từ từ lấy từng miếng cao ra. Chỗ nào nhạy cảm nhất, dán ngay chỗ ấy. Rồi anh phóng như bay trên con đường trở về nhà.

Cửa sau nhà không cài then. Trong bóng tối, vợ nghe tiếng động đã cười tủm. “Đấy, biết ngay mà. Lại chịu không nổi chứ gì.” Chồng vừa ló đầu đã bị vợ lôi vào vật ngay xuống sàn. Thân thể người đàn bà mềm mại rướn quanh  anh như một thứ dây leo đầy lá. Những chiếc lá mơn mởn như đôi bàn tay vuốt ve dạo trên da thịt những miền không định trước. Bên dưới anh, một sinh vật nóng hôi hổi, hơi thở phập phồng đang cựa quậy. Như con cá quẫy mình dẫy dụa đòi sức sống. Như một ngọn diệm sơn đang âm âm chuyển động trong lòng. Chỉ cần bàn tay anh chạm nhẹ, ngọn lửa sẽ phún lên, nham thạch sẽ tuôn trào. Nếu là mọi lần, chẳng kịp suy nghĩ, anh nhẩy ngay vô lửa. Dù sau có bị cháy thành tro cũng mặc. Nhẩy trước. Nhẩy cái đã. Nhưng đột nhiên anh phát giác, chưa cháy anh đã là một thứ tro tàn than lạnh. Thân thể anh cứng đơ như đá, không bắt nhiệt. Một sự nguội lạnh đông cứng toàn thân. Không có một cơ phận nào nhúc nhích. Kể cả những sợi lông măng trên tay, trên ngực cũng đứng im như những hàng phi lao rũ bóng. Những làn hơi cảm xúc nay đâu? Hãy thổi lên đi. Nhưng hình như những lỗ chân lông đã bị bịt chặt. Gió không còn hơi. Sông không còn chảy. Trái đất đã ngừng quay? Một sự vô cảm đang từ từ đông đặc hoàn toàn.

Bất giác, anh nhìn xuống sàn. Vợ anh trong tư thế nằm nghiêng, ngực hẩy và chân cong. Môi hé mở, chờ đợi… Người đàn bà đang nỗ lực trong tuyệt vọng.
Anh điềm nhiên quay lưng, bỏ về.
Vợ bây giờ chỉ là một sinh vật biết thở.

Đêm đó, anh không vội về chùa. Anh bước chân dõng dạc đường hoàng trên khắp mọi nẻo ngang lối dọc trong làng. Hương đêm trong lành, thơm ngát trời đất. Cái cảm giác lâng lâng hãnh diện của một kẻ không phạm tội lan tỏa mọi nơi. Không gian như có tiếng nhạc réo rắt.Từ bây giờ, anh đã có thể ưỡn ngực kiêu hãnh với đời. Lòng anh hoàn toàn khẩu phục, tâm phục, “Ôi,Tuyệt Tình Cao, trên cả tuyệt vời!”

Anh về chùa khi trời vừa sáng rõ. Bây giờ, anh sẵn sàng với mọi cuộc chất vấn, lại cảm thấy thinh thích khi bị tra hỏi, vui vui vì bị nghi ngờ. Anh sẵn sàng giải thích. Hơn thế nữa, anh mong có cơ hội để được giải thích. Nhưng cả chùa không ai hỏi, không ai hồ nghi điều gì, thậm chí người ta không biết đêm qua anh vắng mặt.

Từ đó, anh dốc lòng tu tập. Tụng niệm đúng giờ. Ngủ nghê đúng buổi. Cơm không lùa quá và. Nước không tợp quá hớp. Mọi việc nặng nhọc trong chùa anh tranh gánh vác, không đẩy đùn, kèn cựa cho ai. Những chuyện mừng lo vui buồn không làm mặt anh đổi sắc. Lúc nào anh cũng tâm bình khí hòa y như những vị chân tu sắp đạt thành chánh quả. Toàn thể trong ngoài, đồng đạo và các vị phật tử khắp nơi đều nể vì sự giác ngộ của anh.

Một năm sau, vị sư cụ chủ trì cũng động lòng trao cho anh chiếc gối bông mới tinh để thay khúc gối cây cứng ngắc. Anh lắc đầu từ chối, gối cây với gối bông thì cũng để gối đầu thôi, không khác gì.

Sư cụ ngạc nhiên. Lạ, tu một năm, xuất sắc lắm thì chỉ đẩy được thất tình lục dục là cùng. Không lẽ mới đó mà hắn đã đạt tới mức “Kim Cương Bất Hoại”5 hay sao?
“Gối cây cứng. Gối bông mềm. Cứng, mềm thuộc về cảm giác. Nhà ngươi có thể khống chế Tham Sân Si hay tẩy sạch thất tình lục dục, không lẽ ngươi đã đạt tới mức loại trừ cả cảm giác nữa ư?”
Anh gật đầu. Phải, anh đã diệt tuyệt hết mọi cảm giác.
“Bằng cách nào?” Vị chủ trì ngạc nhiên quá đỗi.

Nghĩ rằng người tu hành không được nói dối, anh thành thực kể hết mọi chuyện từ đầu. Anh thú nhận, mỗi tối anh dán một miếng cao trên đầu nên gối đầu bằng thứ gì thì cũng như nhau.

Nhìn vẻ mặt thành khẩn khai báo của anh, vị cao tăng đột nhiên điên tiết. Sẵn gậy trong tay, sư cụ giáng cho anh một hèo chí tử.
“Tu như vậy là tu ư? Đó là thầy lang tu, miếng cao tu, chứ đâu phải chính ngươi tu.”

Nguyên ngày hôm đó anh không ăn vì bận nghe những bài thuyết pháp tràng giang đại hải. Sau khi giảng mệt, sư cụ lôi anh ra bờ rào, bắt anh ngồi đúng ngay cái chỗ anh từng phóng ra ngoài để tham thiền và sám hối. Khi nào giác ngộ mới được đứng lên.

Ngồi đối mặt với bờ rào, anh ngắm hoa tươi và bướm lượn. Khi hoa héo, anh ngắm chim bay. Tối, chim về tổ, anh ngắm trăng sao. Cũng dưới ánh trăng này, anh nhớ những đêm phi hành, vụt đi rồi vụt về như một tên trộm đạo.
“Tu là sửa mình.” Anh nhủ thầm. Và nhắm mắt lại để nhìn thấy mình. Cứ nhắm mắt thế. Khi nhắm mắt đến một lúc nào đó tâm người ta tĩnh, mọi sự vật sẽ trở nên rõ hơn.
“Tu là sửa mình. Nhưng phải dùng chính nội lực của lý trí, của tâm thân để khống chế mọi dục vọng của con người. Nhưng khống chế để làm gì? Để giải thoát con người khỏi mọi đau khổ. Nhưng sự đau khổ bởi vì đâu? Sống trên đời để làm gì?”

Những câu hỏi liên tiếp đuổi bắt nhau trong trí não.

Mặt trời mọc rồi mặt trời lặn. Trăng vơi lên rồi trăng lại đầy. Thời gian cứ thế  trôi qua.

Một ngày nọ, anh đứng dậy. Rũ sạch hết ưu phiền. Anh trở vào kiếm sư cụ.
Chú tiểu bảo, sư cụ đã bỏ đi từ ngày ấy.
“Đi đâu?”
“Đi kiếm thầy lang. Từ ấy đến nay chưa thấy trở về.”

Thiền sư Muxatara đã bỏ ra nhiều năm để tìm kiếm sư phụ. Thiền sư đi khắp nơi, viếng tất cả các chùa, không bỏ qua bất cứ một xó xỉnh nào, nhưng cũng hoài công. Sự tuyệt vọng đến nỗi đã có lần thiền sư phải nghi ngờ tự hỏi. Hay là vị hòa thượng trụ trì chưa từng đến thế gian này? Không lẽ quá khứ chỉ là một ảo giác, một cơn mơ? Nhưng đã ba mươi năm trôi qua, từ một người trần tục gõ cửa chùa bây giờ đã trở thành một thiền sư danh tiếng nhất nước, là có thật. Thì lẽ nào sư phụ lại hóa không. Làm thế nào để một người có thể tan biến trên thế gian này? Đó là câu hỏi lớn nhất trong cuộc đời hành đạo của thiền sư.

Có một mùa Xuân, không nhớ là năm nào. Theo thông lệ, thiền sư Muxatara dẫn các đệ tử đi thăm một thị trấn có nhiều hoa anh đào nhất. Đã nhiều năm mới trở lại nơi đây. Cảnh vật thay đổi đến lạ lùng. Họ nhìn thấy trên phố đông người qua, một tiệm Đông Y Dược Phòng thật hoành tráng với bảng hiệu sáng chói mới khai trương. Thiền sư bước vào. Một vị lang y tiên phong đạo cốt bước ra. Thiền sư giật mình, sư cụ đây mà. Có lẽ nào, không thể lầm lẫn được. Thiền sư bước tới hỏi. Không nói rằng phải, cũng không chối rằng không. Vị lang y chỉ một mực chắp tay, cúi đầu.
“Thiện tai. Thiện tai.”

Dáng dấp, cử chỉ, tiếng kêu y hệt như “style” của các sư trưởng Thiếu Lâm (trong các truyện kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung), sau khi mở một trường đại khai sát giới.

N.T.T.A.

Hiệu đính August/17/2012

 

 

1. Dựa trên câu “Một nửa sự thật không phải là sự thật.”
2. Muxatara đọc là Mu-xa-ta-ra. Mu gốc từ chữ “move” tiếng Anh. Những chữ xa, ta, ra là những chữ thuần Việt.
3.Trăm Năm Cô Đơn tên cuốn tiểu thuyết đoạt giải Nobel Văn Chương 1982 của nhà văn Gabriel Garcia Márquez.
4. One Life To Live tên một vở nhạc kịch Opera nổi tiếng của Agnes Nixon (Mỹ), đoạt 6 giải Daytime Emmy Awards và một giải Outstanding Drama Series (Emmy)
5. Kim Cương Bất Hoại là tên một bộ tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, cũng là tên của một pho võ công chính trong truyện.