Không muộn cho bất cứ lời cảm ơn nào

Trần Bang Thạch

Tại Bắc Mỹ, Lễ Hội Thanksgiving đã qua rồi. Tại Hoa Kỳ thì vừa mới hôm qua. Tại quốc gia lân cận là Canada thì Thanksgiving đã qua hàng tháng trước. Người Canada chánh thức đón mừng ngày lễ Thanksgiving từ năm 1957. Thanksgiving tại Canada còn được goi là Jour de l’Action de grâce, xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Hai đầu tiên của Tháng Mười để tỏ lòng cảm tạ trời đất lúc kết thúc vụ mùa.
Có phải mỗi năm chỉ 1 lần để nói lời cảm ơn, lời cảm tạ, hay lời tri ân, lời nhớ ơn, v.v… hầu biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với Đấng Tối Cao vào dịp Thanksgiving? hay các đấng Cửu Huyền Thất Tổ trong giòng tộc cũng như các đấng cha mẹ sinh thành mỗi khi giỗ quảy hàng năm? hay quyết lòng ghi tâm khắc cốt những ân nhân trong đời mình hay những ân tình bằng hữu? Câu trả lời rõ ràng mà ai cũng thấy. Đó là tính cách liên tục và sâu thẩm của lòng biết ơn. Không phải 1 lần mà là nhiều lần. Không phải nhiều lần mà là liên tục, vĩnh viễn trang trọng giữ trong đáy tim mình lòng biết ơn dù không phải lúc nào cũng nói ra. Có những người không nói ra nhưng ơn nghĩa vẫn tràn đầy. Ơn trời đất, ơn cha mẹ ông bà, ơn sư phụ, ơn bằng hữu…làm sao mất trong lòng ta được. Có dịp nói ra là điều nên làm.
Những người vong ân, bội nghĩa thì miễn bàn! Đối với người Âu Mỹ thì không cần bàn vì đó là nét văn minh lâu đời của họ rồi; ai không biết nói Thank you hay Merci, Gracias… mới là điều lạ.
Cái mình có thể lạm bàn lan man nơi đây là sự cần thiết và cách biểu lộ lòng biết ơn.

Có lẽ tôi sai khi quá chủ quan mà nhận thấy rằng trước đây tại quê nhà cá nhân mình, hay thậm chí nhiều người mình, sao ít nói lời cảm ơn quá. Nếu có thì nói trong những dịp rất đặc biệt, tự mình thấy cần phải nói hay nói để vừa lòng người khác. Cảm ơn món tiền khá lớn của ông cậu cho khi mình đậu Tú tài, nhưng không có lời cảm ơn nào cho người thầy đã dốc tâm dạy kèm mình môn toán lượng giác! Bước ra khỏi nhà thương thì đã quên ngay tên ông bác sĩ hay chị y tá tận tụy chữa trị và chăm sóc mình; coi như đó là nhiệm vụ của họ, cám ơn là thừa chăng? Mẹ mất khi vửa mới sanh ra thằng bé, bà chị cả bỗng thành người mẹ trẻ thức khuya dậy sớm săn sóc, đêm khuya ngủ gà ngủ gật giữ chai nước gạo rang giữa đôi môi ngậm chặt của thằng bé, giặt từng tấm tã lót, rồi nhai cơm đút từng miếng vào miệng thằng bé chỉ biết khóc,v.v và v.v… mà lớn lên thằng bé dù có nghe biết nhưng có bao giờ nói lời cám ơn đâu! Khi chợt nghĩ lại thì bà chị đã vĩnh viễn ra đi rồi. Chị đâu còn cơ hội để nghe dù 1 lần trong đời! Sao mà ghét ba quá và ghét luôn người đàn bà ở đâu được ba và chị rước về nhà làm bà má ngang hông trước khi chị theo chồng. Bà bắt mình phải ăn uống, giữ gìn sạch sẽ chân tay, tắm gội  mình mẩy, cắt từng cái móng tay móng chân dơ bẫn của mình, bắt kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, lại bắt phải đi học nữa! Thuở ấy chín mười tuổi, thằng bé làm sao thấy được để cảm ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa năm ấy để miếng vườn cam của ba, sau nhiều năm thất mùa, bỗng đầy trái, đủ cho ba chi trả thầy nầy thầy nọ ở tỉnh, và trả chi phí cao như núi tại bịnh viện Grall ở Sài Gòn cho thằng con bị bịnh sốt xuất huyết cấp tính kéo dài cả tháng, mạng sống là chỉ mành treo chuông. Chợt nhớ hồi đầu năm 1980, người thuyền trưởng cao niên, râu tóc bạc phơ của chiếc ghe vượt biên HG 1071 chứa 125 người đã khéo léo đưa thuyền vượt các vùng đá ngầm ngoài khơi Rạch Giá, rồi tài tình chạy tránh hàng chục tàu cướp biển trong vịnh Thái Lan, tránh cho tất cả bảy tám chục phụ nữ và các bé gái trên thuyền không bị cưỡng hiếp. Cứ chạy tránh nhiều ngày nhiều đêm nên thuyền bị lạc vào vùng biển lạ; vậy mà cuối cùng thuyền cũng cập bến Songkhla an toàn, không thiếu người nào. Của cải còn nguyên. Người thuyền trưởng ấy hôm nay đang ở đâu? Hơn ba mươi năm rồi, nếu còn sống thì ông đã ngoài chín mươi. Bao lâu rồi mình đã không nghĩ tới vị ân nhân ấy? Mình có còn cơ hội để nói lời cảm ơn với bác thuyền trưởng TVH ấy không?
Còn, còn nhiều lắm những lời cảm ơn chưa kịp nói của cá nhân nầy. Mà khi muốn nói thì không bao giờ trễ. Càng không trễ đối với người thọ ơn. Người thi ơn thì vì không hề chờ tiếng cám ơn nên đâu có vấn đề đúng hay trễ. Nghe tiếng cám ơn thì vui mà không nghe thì cũng vui vậy.
Greeting Season, 2010
Trần Bang Thạch
 
* Trần Bang Thạch là bút hiệu của Nguyễn Công Danh, cựu SV Đại học Sư phạm Sàigòn, ban Anh văn, khóa 1967-1970.
Hiện ông đang định cư tại Houston, Texas - USA.