Gorbachev, người đào huyệt chôn cộng sản
 
Nguyễn thị Cỏ May
 
Ba mươi năm sau khi Liên bang Xô-Viết tan rã, việc xác định ngày cụ thể của sự sụp đổ vẫn là đề tài tranh luận của các sử gia.
Trên mạng xã hội ngày nay, và trong các sách lịch sử từ 30 năm qua, ngày Liên-Xô chính thức giải thể vẫn được ghi là 25 hoặc 26 tháng 12 năm 1991.
Như vậy cả hai ngày 25 và 26 đều có thể được coi là ngày Liên-xô chấm dứt tồn tại, nhưng cũng chỉ là về mặt hình thức.
Thực tế, ngày 8/12/1991, lãnh đạo ba quốc gia châu Âu là thành viên chủ chốt của Liên-xô: Nga, Bíelorussie và Ukraine, đã cùng ra tuyên bố "Liên-Xô, với tư cách là một chủ thể của quan hệ quốc tế và thực thể địa chính trị (réalité géopolitique) nay chấm dứt tồn tại".
Theo đây, Liên-xô đã thật sự sụp đổ trước khi ông Gorbatchev tuyên bố từ chức ngày 25/12/1991.
Sự kiện lịch sử này đúng vì ngày nay, Tổng thống Nga Vladimir Poutine lên tiếng phê phán quyết định bất ngờ đó của ba lãnh đạo các nước cộng hòa châu Âu, nói tiếng Nga, thuộc Liên-xô: Boris Yeltsine  của Nga, Leonid Kravchuk của Ukraine và Stanislav Shushkevich của Biélorussie, đã "đơn phương tuyên bố xóa sổ Liên-xô".
Sáng thứ ba 30 tháng 8/2022, người lãnh đạo đảng cộng sản Liên-xô cuối cùng, Mikhail Gorbatchev, đã ra đi ở tuổi 91, từ giã cuộc sống vô cùng đạm bạc, với lương huu trí quá khiêm tốn, chỉ nhờ vào sự săn sóc của người con gái và 3 cháu ngoại. Nhưng đó lại là một con người vô cùng vĩ đại vì ông đã làm được một ơn ích lớn cho đời: giải phóng Âu châu khỏi sự thống trị cộng sản không cần một tiếng súng, mở ra cho nước Nga với thế giới bên ngoài và kết thúc chiến tranh lạnh. Ông tự cho mình là một «hiện tượng bất thường của hệ thống»! Thế giới tự do thương tiếc ông. Poutine tới giờ chót vẫn không tới dự tang lễ của ông.
Người ta nói nều không có Gorbatchev thì Poutine vẫn là anh lính KGB muôn năm!
 
Ngày lịch sử
Ngày Noël năm 1991, Điện Cẩm-linh đầy vẻ tang tóc. Ông chủ nhà như bị trầm cảm. Không làm việc. Từ sáu năm qua, ông ngự trị một Đế quốc rộng lớn nhưng nay ông không hoạt động nữa. Đất nước của ông, cái Liên Bang Cộng hòa Sô-viết, tưởng như không bao giờ có thể sụp đổ thì nay đã tan rả, bốc thành hơi. Nó nát ra thành 15 mảnh vụn. Nay Đế chế đã không còn nữa, thì Hoàng đế ra đi thôi.
Buổi trưa, ông báo tin cho Tổng thống Huê kỳ ông từ chức. Ông G.W.Bush cảm ơn ông vô cùng nồng nhiệt về «sự nghiệp lịch sử ông đã hoàn tất». Tới 19 giờ, ông Mikhail Gorbatchev ngồi vào Văn phóng, điều chỉnh máy thâu hình nhắm ngay ông và tuyên bố «Đồng bào thân mến, công dân thân mến… Tôi chấm dứt nhiệm vụ Chủ tịch Liên-xô của tôi».
Dân Nga nghe một cách thờ ơ. Đối với họ, chuyện đó đã qua rồi, một thứ quá khứ mà họ lấy làm xấu hổ.
Con người vĩ đại đã giải phóng Âu châu khỏi ách cộng sản, mở cửa cho nước Nga ra thế giới và kết thúc êm đẹp chiến tranh lạnh nay rời chánh quyền bằng một cánh cửa nhỏ.
Trả lời nhà báo Thierry Ardisson (Chương trình TV «Tout le monde en parle», 15/12/2001), Gorbatchev nhắc lại «Lúc ban đầu, tôi tin những tư tưởng cộng sản. Năm cuối Trung học, tôi đã vào đảng và tôi làm người công sản suốt thời gian dài. Qua thâu thập những thông tin nhận được, tôi mới hiểu hệ thống cai trị của cộng sản là tồi tệ. Tôi tự bảo mô hình này không được. Nên khi làm Tổng Bí thư đảng cộng sản, tôi liền cho phá nát cái hệ thống quyền lực đó và đem trả nó lại cho nhơn dân. Đó là tư tưởng của tôi».
 
Từ vụ Tchernobyl
Gorbatchev làm được việc cực kỳ vĩ đại cho đời và ra đi thoải mái bằng ngỏ hẹp rời khỏi Điện Cẩm-linh vốn nhờ ở con người ông trưởng thành trong bản chất nông dân đặc sệt. Lần đầu tiên tiếp xúc trực tiếp dân chúng ở Saint-Pétersbourg, ông trả lời một người phụ nữ kêu gọi lãnh đạo hãy tới gần dân chúng bằng lời chơn thật đầy thân tình «Tôi không thể gần hơn nữa được». Ông nói lời này rất tự nhiên và đúng vào lúc «mũi của ông kề sát mũi» của người phụ nữ kia. Dân Nga bày tỏ lòng cảm kích đặc biệt vì đây là lần đầu tiên một Tổng Bí thư đảng tới với dân chúng với cả tấm lòng. Các vị tiền nhiệm, tuy là của nhơn dân, nhưng là thứ nhơn dân khác!
Tháng 4 năm 1986, lò nguyên tử Tchernobyl ở Ukraine phát nổ. Sau vài tuần im lặng để giữ an toàn cho hệ thống, bỗng ông Gorbatchev như được một thứ quyền lực vô hình khai thị và khai khẩu «Thảm họa này là do sự thiếu trách nhiệm từ mọi cấp chánh quyền, chứng tỏ hệ thống già nua, quá lỗi thời, không còn đủ năng lực làm việc».
Lập tức, ông phê phán thẳng bộ máy lãnh đạo và cầm quyền. Hi vọng một sự bật dậy rộng khắp. Ông tấn công hệ thống nhưng ông lại không có một chương trình cụ thể, hũu hiệu thay thế để đưa đất nước khá lên. Ông thường than thở «xứ sở lãnh đạo khối xã hội chủ nghĩa uu việt mà chỉ làm được những sản phẩm chỉ đáng vứt vào thùng rác» mà thôi.
Ông đưa ra chương trình cải tổ «perestroika và glasnost» nhưng thật sự việc thực hiện cải tổ cũng chỉ nửa vời mà thôi.
 
Gorbatchev hướng tới tự do nhung thực tế chưa dám bước mạnh dạn tới tự do. Như về báo chí, chưa được tự do báo chí. Ông mới cho xuất bản những tác phẩm giá trị lớn mà trước đây chưa xuất bản được như «Docteur Jivago» của Boris Pasternak, sách của Alexandre Soljenitsyne... Phim, tuồng, chương trình tv mới xuất hiện phát động lên một luồng gió mạnh và mới.
Tiếp theo, cũng nhờ làn gió mới đó mà dân Nga khám phá ra sự thật lịch sử sô-viết, nhứt là những năm dài thời xịt-ta-lin với thảm họa hơn ba mươi triệu người chết thảm do bị Xịt chủ trương sát hại.
Nhà khoa học Andrei Sakharov bị luu đày được Gorbatchev mời về Moscou sanh sống.
Gorbatchev quyết định trả lại tự do cho dân chúng vì «Dân chúng cần Dân chủ như cá cần không khí».
Tây phương vui mừng và kinh ngạc. Từ Washington tới Paris, Gorbatchev là đề tài thời sự và quan trọng. Ông ký kết với T.T. Huê kỳ Reagan hiệp ước giới hạn võ khí nguyên tử và dự kiến hủy bỏ luôn.
Năm 1989, ông không can thiệp vào vụ bức tường Bá-linh sụp đổ, hoặc như  trước đó, khi Ba- lan đề cử ông Tadeusz Mazowiecki làm Thủ tướng không cộng sản đầu tiên. Ảnh hưởng của ông bay tới Tàu: tháng 6 năm 1989, sinh viên Tàu xuống đường biểu tình đòi dân chủ, chiếm lấy công trường Thiên-an-môn, chưng ảnh của ông lên và kêu gào thay đổi chế độ theo Dân chủ.

Cải tổ của Gorbatchev
Thật ra thì các xứ Đông Âu đã tự giải phóng rồi. Nguyên nhơn đưa tới quyết định chết sống này khá nhiều. Trước hết có lẽ do sự thất bại của Liên-xô ở Afghanistan, tình trạng nợ nước ngoài ngập đầu của các nước cộng sản trong khối Warsovie, và giá dầu rớt đột ngột trong những năm 1980, đã khiến Liên-xô bị phá sản. Gorbachev đã hết mình đối phó với tình huống bi đát này.
Thậm chí khi Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan những năm 80 (của thế kỷ XX) nổi lên giành độc lập, Liên-Xô đã không gửi xe tăng vào Warsovie và Gdansk, như đã từng làm ở Budapest năm 1956 và Praha năm 1968 vì “Chúng ta đơn giản là không thể đủ sức có thêm một Afghanistan nữa trong tay chúng ta”, như nhà tư tưởng Mikhai Suslov thú nhận trong một cuộc tranh luận gay gắt của giới lãnh đạo lúc bấy giờ.
Các nước Đông Âu từng dựa lưng vào Liên-xô để tồn tại nay tất cả đều mang nợ các ngân hàng Tây phương mà không đủ sức trả tiền lời. Đến lúc giá dầu hạ quá thấp làm cho Liên-xô khủng hoảng trầm trọng hơn. Ông Gorbatchev đã phải tuyên bố «liệu hồn ai nấy giữ».

Phương Tây đã trở thành sự cuốn hút lớn đối với Gorbachev, không chỉ mặt địa chính trị mà còn cả về mặt cá nhơn. Ở dọc Đại Lộ thứ Năm, dân chúng Huê kỳ đang vẫy cờ Liên-xô và trương biểu ngữ ngợi ca “Chúa phù hộ người mang lại hòa bình”.

Trước tình hình như vậy, Gorbatchev cũng không hề có kế hoạch rút lui khỏi Đông Âu hay duy trì quyền lực của Liên-xô ở đó. Ông nghĩ có thể biết đâu sẽ có những “tiểu Gorbachev” tài ba xuất hiện thay thế những nhà độc tài bất lực già nua đang bị quần chúng căm ghét. Tính toán sai lầm lớn của ông là những nước này lại lựa chọn được tiếp tục nằm trong quỹ đạo của phe xã hội chủ nghĩa, điều mà ông chỉ nhận ra sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng ông từ lâu đã quyết định là sẽ không dùng vũ lực để duy trì đế chế.

Xét theo những việc đã làm thì Gorbachev quả thật thất bại vì ông đã từng tin rằng ông có thể cứu vãn chủ nghĩa xã hội. Ông là một nhà ái quốc của một quốc gia đã ngưng tồn tại khi chính ông đang đứng mũi chịu sào lèo lái đất nước đó. Con người ông đầy những mâu thuẫn trong vai trò một người Nga và một nhơn vật lịch sử.
Và điều mâu thuẫn lớn nhất là «Mikhail Gorbachev sẽ được người đời nhớ đến như một vĩ nhơn chánh trị vì những thất bại của ông»!
Nguyễn thị Cỏ May



Đăng ngày 06 tháng 09.2022