Với cuốn “Thanh Cao Tông thập toàn võ công nghiên cứu” cùng “cái duyên văn tự” nằm ở trong bài tự sự "Tôi học chữ Hán" dưới đây…



Tôi học chữ Hán

Trên Văn Uyển tập Nguyên (Xuân Giáp Ngọ), trang 177-178, bài “Tản mạn kinh nghiệm học chữ Hán cổ”, nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh viết:
“Thế hệ bây giờ vẫn tiếp nối có những dịch giả với nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật khá giá trị (…) đều do tự học mà đạt được những thành tích rất đáng trân trọng.”.
Trong đoạn văn ấy, tác giả có nhắc tới phương danh Nguyễn Duy Chính, dịch giả truyện Kim Dung, nhà nghiên cứu văn hóa Trung Hoa, nhà sử học về thời Tây Sơn.
Quý bạn đọc mới đây có dịp đọc văn Nguyễn quân qua bài “Nhớ về một người thầy”.
Đáp lại lời thỉnh mời của Văn Uyển, để chia sẻ kinh nghiệm tự học chữ Hán với Nguyễn quân vừa viết bài này gởi về. Xin trân trọng tấm lòng ưu ái của Nguyễn quân.

***

Tôi học chữ Hán thật vô chủ đích. Được mở lòng bằng một giờ Hán Văn mỗi tuần trong chương trình Việt Văn lớp đệ thất ở trường Chu Văn An (Sài Gòn). Đúng lý ra chương trình này phải kéo dài bốn năm cho đến hết bậc trung học đệ nhất cấp nhưng sau năm thứ nhất thì không thấy tiếp tục.
Giờ Hán Văn đệ thất của tôi do thầy Đặng Ngọc Thiềm hướng dẫn. Theo đúng thể lệ, thầy bắt chúng tôi mua mực Tàu, giấy bản, nghiên bút đàng hoàng. Có thể nói, những sinh hoạt ấy trở thành kỷ niệm đối với những người khác nhưng lại trở thành “vốn quý” trong tôi. Vốn quý vì đây là bước chân mở cho tôi vào cánh cửa chữ Hán mãi đến tận hôm nay, mỗi lúc một thiết yếu hơn chứ không suy giảm chút nào.
Thuở ấy, cái nghiên giống như một cái bát sành nhỏ, na ná như cái đồ kê chân trạn có đổ xăm xắp nước cho kiến khỏi bò lên; còn mực là một thỏi a dao có mùi rất nặng. Thế mà chúng tôi cũng hý hoáy viết được những trang giấy chép theo cuốn Hán Học nhập môn (Sài Gòn: Nxb Yên Sơn, 1959). Hai tác giả là Đinh Đình Hòe và Thích Giải Minh, Huyền Mặc Đạo Nhân hiệu đính, Nguyễn Đăng Thục đề tựa. Bộ Hán Học Nhập Môn này về sau tôi có mua thêm được cuốn thứ hai nhưng không phải để dùng trong lớp mà để tự học ở nhà.

***
Thế là có chuyện, với năm ngày bảy tật, cái tật của mụ chữ tôi là nói leo.
Nào có khác gì chuyện Tôi học chữ Hán ở trên, năm đệ thất mụ chữ tôi cũng “cử cất tồn còn, tử con tôn cháu” với cụ tú tài Hán học Nguyễn Vũ Anh, cụ tứ thời bát tiết khăn đống, áo lương. Năm sau học cụ đồ Đô, lỡ quên họ cụ nhưng không quên cụ mặc Âu phục rất Tây học, mụ chữ tôi học được ở cụ “lục sáu tam ba, tiền trước hậu sau”.
Sau này qua đất tạm dung, mụ chữ tôi học lóm ở phố thị có báo chợ, báo chùa, có ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đường không ai hay ba mớ chữ Hán lơ mơ lỗ mồ để dằn túi như: “tửu lạc vong bần” chả phải vì nghèo lõ đít phải nhậu với…lạc rang, mà là uống rượu quên nghèo. Hoặc “bạn vong niên” chả phải là bạn già thâm căn cố đế, vì “vong” đây với nghĩa “quên”, hãy quên đi tuổi tác khi bạn bè chơi với nhau.
Mãi đến khi ôm đồm với “Chuyện người ngọai sử”, mụ chữ tôi mới thông hanh “Thố ti” thì “thố” là con thỏ, và “ti” là mặc cảm. Nhưng “thố ti hoa” là nghĩa lý gì? Chả lẽ là hoa…”mắc cở” hay hoa mười giờ. Một hôm, mụ chữ tôi thửa được quyển “Thố ti hoa” của một nhà văn Tàu, được dịch sang tiếng Việt là “Hoa tầm gửi”. Mà cây tầm gửi là…cây leo. Ý đồ mụ chữ tôi từ rày kể về sau, rình rình có dịp là mụ chữ tôi…nói leo.
Nhờ cuốn Hán Học nhập môn, chúng tôi biết qua phép Lục Thư (tượng hình, chỉ sự, hội ý, chuyển chú, giả tá, hài thanh) và theo chỉ dẫn của thầy Thiềm chúng tôi biết cầm bút viết theo lối trái trước, phải sau, trên trước dưới sau, ngoài trước, trong sau; ngoại trừ một vài biệt lệ như bộ xước 辶 phải viết sau cùng.
Cuốn sách này rất đơn giản nhưng lại dễ nhớ cho trẻ con. Đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc một số bài trong đó, cổ văn cũng như kim văn, không dài và nặng như các cuốn sách tự học khác vừa bắt nhớ mặt chữ lại cả văn phạm (ngữ pháp).

Từ khi tiếp xúc với chữ Nho qua giờ Hán Văn ở trường, tôi trở thành hiếu kỳ. Chữ Tàu ở nước ta thì không hiếm, có điều ít ai quan tâm thôi. Nếu chỉ đảo qua một vòng trong Chợ Lớn, chúng ta sẽ thấy cơ man là chữ Hoa trên các bảng hiệu, phần lớn viết theo lối chân phương dễ đọc, bên cạnh cái tên được dịch âm ra tiếng Việt. Phúc Sinh Đường thì bên dưới sẽ có ba chữ 福生堂 cùng những hàng chữ nhỏ hơn ghi tên các mặt hàng thuốc bắc như sâm nhung, cao đơn hoàn tán… Nếu ai chịu khó so sánh đối chiếu bảng hiệu tiệm này sang bảng hiệu tiệm khác sẽ thấy có nhiều chữ giống nhau và trừ qua sớt lại có thể đoán được những chữ mình chưa biết. Cái lối nhìn ngang nhìn ngửa để học lóm đó tôi gọi là “học chữ Nho ngoài đường” và lâu dần cũng có thể hiểu được ý nghĩa cái bảng hiệu nhiều hơn người không biết chữ Hán, vì phần lớn không phải chỉ là dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt mà còn có thêm những chi tiết khác.
Ngoài ra thỉnh thoảng tôi cũng phát giác có bảng hiệu dịch sai, sai âm hay sai chính tả; chẳng hạn Dân Ký 民記 nhưng tiếng Việt lại viết thành Minh Ký. Những cái bảng hiệu ấy cũng cho tôi biết thêm một chút về văn minh Trung Hoa, chẳng hạn chữ Đường 堂 thì biết là tiệm thuốc bắc, chữ Ký記 thì thường là tiệm tạp hóa hay tiệm ăn và dù không lấy gì làm khang trang lắm nhưng vẫn quảng cáo thành đại tửu lâu.
Cũng giờ Việt Văn, chúng tôi dùng một cuốn sách giáo khoa có tên là Quốc Văn Độc Bản mà tôi đã quên tên tác giả. Bộ sách này về sau tôi cũng mua thêm được các tập sau mặc dù chúng tôi chỉ dùng năm đệ thất mà thôi….”
(…)
“…Cái vốn chữ Hán của tôi chựng lại khá lâu vì không có cơ hội nào để tiến thêm ngoài việc học “ngoài đường” và thỉnh thoảng ngâm nga vài câu thơ cổ. Thế nhưng người ta có thể “ngâm thơ” mà không biết mặt chữ, lại cũng không cần hiểu cho tường tận nên không hiếm người thuộc rất nhiều thơ nhưng lại không biết chữ Hán.

***
Hơ! Đến mục ngâm thơ Tàu, mụ chữ tôi bèn rọ mồm vào chuyện Hồ Dzếnh trong bài viết Ngày gặp gỡ, chuyện ông cụ, bà cụ Hồ Dzếnh gặp gỡ nhau một chiều trên bến nước. Số là ông cụ Hồ Dzếnh từ bền Tàu qua gặp bà cụ Hồ Dzếnh bên bến đò. Sau đó bà cụ đưa ông cụ về nhà nghe chuột rúc rích trong cót thóc
Lữ khách phương xa không ngủ được, càu nhàu trong bóng đêm:
- Ấy dà! Cẩm tố xỉ a! (Chà! Lắm chuột thế!)
Nhưng đó không phải là tiếng chuột làm chuyện bậy bạ trong…cót thóc. Mà là tiếng của người con gái chở đò ban chiều, trong đêm nằm ở phòng kế bên, cô cười ba chữ tiếng Tàu  qua hai làn môi kín đáo khép lại. Sau đó hai người lấy nhau.
Một đêm, chợt nghe mấy tiếng tù và khuya rúc lên (lại “rúc” nữa) bay vào gian nhà vắng. Lắng biết mọi người đã ngủ yên cả, người lữ khách phương xa Hồ Dzếnh nay là người Mihh Hương nhớ nhà vắt chân chữ ngũ, khe khẽ ngâm bài cổ thi…:
Uỵt loọc, vú thày sướng mủn thín,
Coóng phống, dì phổ, tui sàu mìn,
Cú chấu sèng ngồi Hồn Sán sì.
Dề pun, chống séng tâu hác sìn.
(Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền)...
Như người con gái chở đò nằm ở phòng kế bên nghe ba chữ tiếng Tàu của Hồ Dzếnh, mụ chữ tôi trộm nghe ông ngâm thơ Tàu chả hiểu quái gì sất.  Ấy là chưa kể các sứ thần ta với chi, hồ, giả, dã đầy bụng, vậy mà đi sứ qua Tàu nghe Tàu đối đáp, ngâm thơ Đường thi, đường mòn cũng chả hiểu gì như mụ chữ tôi vậy.
Ừ thì hãy quang gánh trở về với ông đồ thông thiên địa nhân viết nho họ Nguyễn.
Như hầu hết thanh niên, chưa tập đi đã muốn chạy, tôi cũng mua mấy cuốn thơ Đường về đọc và tập viết. Viết thì cũng không chịu viết chân phương cho rành rọt mà lại muốn đi thẳng sang hành thư, thảo thư. Thơ Đường vốn dĩ rất khó vì rất hàm súc, chỉ trong năm mươi sáu chữ mà gói ghém biết bao nhiêu ý, bao nhiêu tình, cú pháp nhiều khi không theo mực thường, xem ra còn khó hơn văn ngôn gấp bội. Ấy thế mà thuở đó tôi lại đi theo con đường ngược đời đó nên không đi đến đâu. Giá cứnhư ngày xưa học từ Tam Tự Kinh sang Ấu Học Ngũ Ngôn Thi lại còn có cơ sở vì trẻ con học nhớ nhiều hơn học nghĩa, mưa dầm thấm đất, học mãi rồi cũng nhập tâm. Khi đi làm ở một tỉnh miền Trung, tôi đem theo một bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa mua ở Chợ Lớn để đọc và để học, theo cách của cụ Nguyễn Hiến Lê chỉ. Thế nhưng vì chữ nghĩa ít ỏi, đọc và tra lâu quá nên chỉ được vài trang rồi phải bỏ.

Sau năm 1975, tôi có một cơ hội khác. Trong khi thất nghiệp nằm nhà, một người bạn đem đến cho mấy cuốn sách coi tướng bằng chữ Tàu. Những sách tướng số, tử vi là loại xen lẫn văn ngôn và bạch thoại đọc cũng thú vị và tương đối không khó lắm.
Nhờ có mấy cuốn sách, lại thêm thì giờ rảnh rỗi cùng với bạn bè bàn luận ngược xuôi nên tôi cũng mày mò đọc cho bằng hết. Ấy cũng là nhu cầu nảy sinh phương tiện nên vừa đọc vừa đoán rồi cũng xong. Điểm mạnh của trò chơi này là giúp tôi làm quen với văn pháp Trung Hoa và học ngoại ngữnào thì cũng phải làm quen với ngữ pháp, mà ngữ pháp là gì nếu chẳng phải là lối sắp xếp chữ của thứ ngôn ngữ đó.
Sau đó tôi mua được một bộ sách có tên là Thần Tướng Toàn Biên, bao gồm đầy đủ các loại cổ văn của bộ môn này, có nhiều điều hàm tàng một ý nghĩa triết học, tâm lý học… của Đông phương mà các cổ thư khác không nhắc tới. Đáng kể nhất có lẽ là hai phần trong Ma Y Thần Tướng, một phần làKhóa Vàng [Kim Tỏa], một phần là Chìa Khóa Bạc [Ngân Thi],Viên Thiên Trang Nhân Thức Ca, Viên Liễu Trang Nhân Tượng Phú… Tuy nhiên, phần lớn đều thuộc loại bàng môn, đi vào chi li vụn vặt không đáng nhớ nên tôi chỉ đặt trọng tâm vào một bài phú có tên là Nhân Luân Đại Thống Phú của Trương Hành Giản mở đầu bằng hai câu:
Quý tiện định ư cốt pháp, ưu hỷ kiến ư hình dung
Hối lận sinh ư động tác chi thủy, thành bại tại hồ quyết đoán chi trung…
(Kẻ quý người tiện là do ở cốt cách, đời buồn hay vui cũng do vẻ dáng bề ngoài
Sai lầm cũng do động tác khởi nên, thành bại cũng nằm ở trong quyết đoán…)
Bài phú đó rất uyên áo, lãnh hội tùy theo mỗi người nên đọc lâu cũng có chỗ thú vị. Tuy nhiên, đây chỉ là trò chơi trí óc, tìm hiểu thiên cơ không phải là chủ đích của nhà Nho nên tôi không vướng vào lâu. May mắn nhất, những động lực thúc đẩy khiến cho tôi phải học để đọc những bộ sách này và nói cho cùng,đó chính là cái cánh cửa bước chân vào Hán Văn của tôi. Sau khi đã ngốn xong mấy cuốn sách tử vi tướng số, tôi quay trở lại đọc bộ Tam Quốc thì thấy dễ hơn nhiều. Truyện này tôi đã đọc nhiều lần, khó nhất là tên người thì hầu hết mình đã biết, đoán già đoán non cũng được 90%. Phải nói rằng nếu đọc thông bộ Tam Quốc thì đã đi được quá nửa đường trong việc làm quen với Hán Văn, ít nhiều cũng có cơ sở.

Sang đến Mỹ, tôi lang thang mấy tiệm sách Tàu trên Chinatown ở Los Angeles, mua được toàn bộ truyện Kim Dung, ba mươi sáu cuốn. Thời gian ấy, nhu cầu đọc lại sách vở cũ còn nhiều nên nhiều nhà xuất bản in sách một cách đơn giản là chụp lại các sách vở cũ của miền Nam để chìu theo thị hiếu. Truyện chưởng là món hàng ăn khách nên vì thế cũng nở rộ. Có điều đọc lại thì tôi mới thấy lối dịch trước đây cẩu thả, cú pháp văn chương cũng bình thường vì vốn dĩ là lối văn nhật báo dành cho đại chúng trong đó không hiếm những sai lầm về âm cũng như về nghĩa, chỉ thích thú khi mình chưa biết còn nay đã đọc thẳng vào nguyên tác thì lại thấy ngang phè.
Chính vì thế nằm đọc một cách say mê bộ Kim Dung nguyên bản thì quả là cái thú mà không mấy ai có trong sinh hoạt của người Việt tha hương. Mà học ngoại ngữ nào đến một lúc cũng nhập tâm, khi cầm đến cuốn sách Tàu thì lập tức giở từ cuối lên, đọc từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, đọc đâu hiểu đó chẳng mấy khi phải “bước đi một bước lâu lâu lại dừng” để tra tự điển. Con người trở nên có nhiều nhân cách khi đã tạo cho mình một mẫu số đa văn hóa, cái nọ bù đắp cho cái kia, nên việc chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác không còn là vấn đề. Đó cũng là việc thường làm trong một ngày, chuyển đổi tần số từ tiếng Anh sang tiếng Việt, từ chữ Hán phồn thể sang chữ Hán giản thể chỉ là thói quen.
Sau khi đọc đi đọc lại bộ Kim Dung, thực ra thì tôi chỉ tập trung vào mấy bộ thích nhất như Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký, Ỷ Thiên Đồ Long, Thiên Long Bát Bộ, cái vốn tiếng Hán của tôi cũng thêm dần. Quay đầu nhìn lại, tôi mới thấy rằng muốn tinh thông cái gì người ta phải đam mê không chán vì nếu do nhu cầu thì giữ được nỗ lực lúc ban đầu nhưng rồi sẽ mỏi mệt. Thế nhưng khi tạo được đam mê, dù đam mê ấy đối với người xung quanh kỳ quặc chăng nữa, thì vẫn là một động lực liên tục bắt người ta phải cố gắng để đến một lúc nào đó khi phải tự trách mình thì cũng chép miệng âu cũng là một cái “nghiệp”.
Cũng từ đó, tôi nảy ra ý định viết một số chuyên đề có liên quan đến các tình tiết trong mấy bộ truyện Kim Dung. Những bài viết về trà, đông y, ngựa và cánh cung, về hoạn quan, về hoa trà, cờ vây, bảo kiếm, Thanh binh nhập quan, hay cuộc khởi nghĩa lật đổ triều Nguyên… chính là những kiến thức mở rộng về các chi tiết mà Kim Dung đã nhắc tới. Những biên khảo nho nhỏ này thực ra không phải là một công việc thường xuyên mà là một việc làm tài tử, nói theo ngôn ngữ trong nước ngày nay gọi là nghiệp dư vì tôi thực hiện chủ yếu là trong khoảng thời gian được nghỉ học giữa mùa (term) vì từ khi cha mẹ và các em tôi sang đoàn tụ, tôi đã có đôi chút thời gian để trở lại nhà trường. Việc làm ấy vừa giúp tôi có sự tiếp cận liên tục với tiếng Việt và chữ Hán cho khỏi quên, lại là một cách tạm lánh ra khỏi khung cảnh học đường cho thư giãn. Nhờ nhảy qua nhảy lại, tôi vẫn không bị rơi rụng cái vốn chữ Hán có sẵn, lại giúp mình có thêm một số kiến thức mới mà trước đây chỉ biết qua loa.
Những bài viết tôi gửi lên một web-site kiếm hiệp (vietkiem.com) mà từ đó hai anh Trần Văn Chánh và Lê Đình Thuyên ở Việt Nam đã tải xuống và giúp tôi ấn hành tác phẩm đầu tiên, Đọc Kim Dung Tìm Hiểu Văn Hóa Trung Quốc (Nxb Trẻ), khi tôi có dịp gặp hai anh ở Việt Nam cuối năm 2001. Chính cái nhan đề này cũng do anh Chánh đặt giùm chứ không phải tôi nghĩ ra. Âu cũng là duyên văn tự mà từ đó tôi quen biết được khá đông các nhà văn hóa trong nước như Trần Văn Chánh, Lê Anh Dũng, Lê Đình Thuyên, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Hạnh, Phạm Hoàng Quân… ở Sài Gòn và rồi lan truyền ra đến Hà Nội như Nguyễn Bá Dzũng, Trần Trọng Dương… Huế như Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Anh Huy, Nguyễn Hữu Châu Phan, Trần Đình Hằng… Đây chỉ là một số nhỏ những người tôi may mắn quen biết vì thực ra danh sách còn dài gấp bội, thân cũng nhiều mà chỉ mới giao thiệp qua Internet cũng không ít.
Cũng khoảng cuối thập niên 1990, em trai tôi gửi truyện ngắn đầu tiên của Kim Dung tôi dịch đã lâu nhưng còn bỏ xó. Đó là truyện Việt Nữ Kiếm. Khi không còn nặng nợ đèn sách, tôi dịch lại bộ truyện Ỷ Thiên Đồ Long Ký (bốn mươi chương), Bạch Mã Khiếu Tây Phong, Uyên Ương Đao và sau cùng là Thiên Long Bát Bộ (năm mươi chương). Tất cả đều gửi lên vietkiem.com (nay đã không còn hoạt động) cho mọi người cùng đọc.

***
Đầu trỏ xuống cuống trỏ lên hóa ra qua “cái duyên văn tự” (chữ của ông), cũng như ông, mụ chữ tôi là khách cư ngụ văn chương trong làng văn xóm chữ hồi nào không hay. Ngày ngày mò lên mạng lưới tìm bài đọc thì đậu vào mắt bài Ba tấc sen vàng. Ăn dối nói thật, mụ chữ tôi thật thà như đêm với thằng bạn cà phê rất thú vị tình thương bài tạp bút của ông. Từ tạp bút này, với cái thú đau thương của đàn bà, con gái, mụ chữ tôi bật ra bài tạp văn Sư sở cuồng.
Và “Sư sở cuồng” có đoạn chữ nghiã bò lổm ngổm như cua quắp thế này…
“…Một ngày như mọi hôm, sư dậy sớm ra vườn thiền. Trên vai sư khoác túi vải nặng chĩu những kinh sách và giấy bút. Vì sau đấy nếu có cảm hứng tao ngộ với đất trời, sư sẽ thảo dăm câu thơ. Sư đi bình thản qua những lùm cây. Sương mù phủ khắp lối, bồng bềnh ôm trên cỏ mềm. Hương rượu Saké đang hâm nóng len lén chui ra từ khe giấy rách từ tịnh phòng sát ngay lữ quán. Sư tới ba hòn đá thiên, địa, nhân cạnh hồ cá Koy để tọa thiền. Trong khoảng không tĩnh mịch, sư nghe tiếng lay lắt của gió đùa qua lá cây như gió thoảng mây bay. Trên hòn đá tên “địa” giữa trời và đất. Sư ngồi thiền định theo lối kiết già hàng ma, tay bắt ấn tam muội. Sư ngồi phu tọa trong bất động, tức ngồi để hai bàn chân ngữa gác lên vế, mặt cúi xuống, tai lắng nghe, mắt đuổi bắt làn sương mỏng là là bay trên cỏ. Ngày là gió tháng là mây cô đọng một chút quan hoài, qua những tia nắng muộn màng. Sư quán tưởng nhân thế qua những bọt bèo ngủ yên nơi tàng thức với vạn sự bất như ý và sư trầm ngâm nghe ngóng...

Sư trầm ngâm nghe ngóng, sự cảm nhận tiếng động đâu đây là những bước chân có hơi khác lạ. Sư chậm rãi nhìn khắp chốn, đặt ánh mắt thầm lặng lên từng ngọn cỏ, chồi non rồi ra tới cổng tre đằng cuối vườn. Sư bắt gặp một bóng người đi tới. Càng gần tiếng chân thanh thản dẫm bước một nhưng lại không đều đặn. Từng bước một, từng bước rời dẵm lên lối đi trải sỏi khiến sư lao xao, sư liêu xiêu nghe ra như mõ sớm chuông chiều. Âm thanh lắng đọng trong chân không thì có đấy, nhưng có một cái gì vướng mắc của vô ngã, đang lần mò từng bước trở về với chân ngã. Sư nhìn kỹ hơn và lặng người vì hóa ra người kia…chân cao chân thấp. Mặc dù cao thấp chỉ một chút thôi, nhìn kỹ mới thấy. Vậy mà mắt sư cứ rón rén bám theo những vết chim di. Mặt trời đã bắt đầu nhón nhén rót những tia nắng yếu ớt lên tàn cây Sakura.
Từng gót sen một, từng tiếng guốc rời…Những hình tượng vừa rồi qua những bước chân trên sỏi như ám ảnh sư. Sư sở cuồng góp nhặt sỏi đá đến “Kim liên” là tên gọi nho nhã cho tập tục bó chân của người Tàu. Theo Lâm Ngữ Đường những người đàn bà có chân bị khuyết tật thường bị ẩn ức tình dục (1). Hay nói một cách khác họ bị tình dục đòi hỏi hơn những người đàn bà bình thường khác. Sư sở cuồng gục gặc đầu xua đuổi ý nghĩ tà ma ấy ngay đi. Vì nắng vừa mọ mẫm chui qua tàn cây, lươn khươn bò lên thảm cỏ. Theo tia nắng sớm mai, ngước đầu lên một chút nữa, mắt sư vướng víu với một bà mặc quần áo thanh nhã như những bà mệnh phụ thuộc giới thượng lưu hay quan quyền nào đó ở cố đô Edo. Nhưng qua thiệp bà gửi để hẹn gặp mùa xuân này sư để đâu đó nên chẳng nhớ là ai. Khi không cái đầu sư ngật ngừ…

(1) Về cái bệnh “bò nhai lại” của mụ chữ tôi được nhà biên khảo Nguyễn Thị Chân Quỳnh trong Vì sao tôi nghiên cứu khoa cử biện bạch dùm: Vì bà gửi nhiều bài vở mỗi nơi mỗi khác nên có những chi tiết phải nhắc đi nhắc lại là điều khó có thể tránh.
Mụ chữ tôi cãi chày cãi cối vậy bởi tập văn sử dày cả mấy trăm trang, nhè vào thời buổi mì ăn liền đâu có ai rỗi hơi đọc. Nên mụ chữ tôi có y sẽ cắt thành từng bài mươi trang gửi đây đó qua những thời điểm khác nhau như bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh  .
Sư đang ngật ngừ ngả nghiêng qua cơn gió giao mùa, bỗng dưng không đâu sư lây lất về người kỹ nữ về già ở bến Tầm Dương qua thơ Lý Bạch trong bài cổ phong Tỳ bà hành. Trong sư cảm hoài cái thân sư cũng đang bóng xế về chiều nên cảm khái cùng một lứa bên trời lận đận với bà. Với hà tất hằng tương thức? Lọ sẵn quen nhau?
Và sư bâng khuâng cảm tác:
Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất hằng tương thức
(Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ đã quen nhau)
Đủng đoảng thế nào chả biết nữa, thằng bạn cà phê mê kiếm hiệp gửi cho mụ chữ tôi quyển Đọc Kim Dung Tìm Hiểu Văn Hóa Trung Quốc của ông, trong có những bài viết về Minh Giáo, Thái cực quyền, Bảo kiếm, v…v…

Đọc Kim Dung Tìm Hiểu Văn Hóa Trung Quốc

Lạ một nhẽ nữa, với tiết mục Trà Tàu và ấm Nghi Hưng, ngay trang thứ ba va vào mắt mụ chữ tôi là tấm hình cái ấm do Trần Minh Viên nặn vào đời Thanh. Cái âm này nhà mụ chữ tôi cũng có một cái thuộc dạng tân tạo (reproduction). Chợt chét ông cũng đậm đặc với trà Tàu, với cái thú chơi đồ cổ mốc meo bụi bặm như mụ chữ tôi.
Và mụ chữ tôi lại lay lắt đến câu Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân - Tương phùng hà tất hằng tương thức vào một ngày không có mây sao có mưa nào đấy.

***
Lại một điều may khác, tôi được anh Phạm Xuân Hy ở bên Pháp gửi tặng cho cuốn Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu là cuốn sách nghiên cứu về mười chiến dịch đời Càn Long trong đó có lần đưa binh sang An Nam. Chiến dịch này vốn dĩ đã được khai thác rộng rãi, theo tài liệu cũng có mà thêm thắt bằng dật sự, dã sử cũng có. Hầu như tất cả các sách vở nước ta đều đi đến kết luận sau khi bị vua Quang Trung đánh bại, Thanh triều sợ hãi nên rơi vào rất nhiều trò trá ngụy của bên ta mà chỉ đành nhắm mắt làm ngơ. Việc đó đã thành một “lý sở đương nhiên” không ai dị nghị.
Thế nhưng khi đọc lại chiến dịch đánh An Nam theo tài liệu của nhà Thanh tôi tìm ra một sai lệch quan trọng. Đó là hình thức lễ sử triều Nguyễn gọi là “ôm gối” mà vua Càn Long dùng để đón vua Quang Trung (mà sử ta cho rằng là một người giả) kia thực ra là một đại lễ rất trịnh trọng của người du mục có tên là “bão kiến thỉnh an”. Việc ngụy tạo một lễ nghi với nội dung hoàn toàn khác nhau trên trời dưới đất khiến tôi nổi mối nghi ngờ và khi đi tìm xa hơn mới biết rằng triều Nguyễn quả có một thứ lễ đặt tên là “ôm gối” do chính vua Minh Mạng đặt ra và chắc hẳn đã có một dụng ý nào đó khi tìm cách nhập nhằng hai bên là một dù rằng hoàn toàn khác nhau về mục đích và nguyên ủy.
Cũng như một thám tử tìm ra một điểm bất thường trong khi tìm đầu dây mối nhợ, tôi bèn bỏ thời gian và công sức để soi sáng vấn đề, kêu gọi bạn bè và thân nhân xa gần cùng tiếp tay tìm cho ra manh mối. Viết sử không phải là việc ngày một ngày hai mà phải có nhiều tài liệu gốc. Cũng may trời cũng chìu người, mỗi bạn bè giúp cho một ít nhưng đều tận tâm tận lực. Nguyễn Hoàng Triệu, Lê Anh Dũng là những người đi tiên phong tìm cho tôi sách cũ trước 1975; các em tôi cũng mua giùm một số sách mới. Tiếp theo đó, một người bạn quý là Nguyễn Bá Dzũng cũng không ngại tốn hao tiền bạc, thời gian cùng với một thân hữu làm việc trong Viện Hán Nôm ra sức chụp cho tôi những tài liệu quý hiếm để tôi đối chiếu.
Việc tìm kiếm tài liệu còn được sự tiếp tay của nhiều bằng hữu ở bên ngoài. Tiến sĩ Trần Huy Bích, khi đó đang trông coi một bộ phận sách vở Á Đông trong Viện Đại Học USC giúp tôi tìm những sách Trung Hoa, Xiêm La, Việt Nam… vốn đã tuyệt bản. Anh bạn thân ở gần hơn là anh Hương Hồ Nguyễn Vinh Quang thì tìm các loại sách vở nay do các trường đại học đưa lên mạng. Quan trọng hơn cả, cậu con trai của tôi là cháu Nguyễn Thiên Kỳ luôn luôn chịu khó đi mượn cho bố những cuốn sách khó kiếm nhất xuyên qua các thư viện toàn nước Mỹ nên hầu như đến nay tôi đã đủ sách vở cần dùng, có dịp so sánh và đối chiếu những tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để tìm ra đáp số cho một nghi án lịch sử mà lâu nay không ai quan tâm đến.

Trong ba năm gần đây (2014), tôi đã hoàn tất được bản dịch  Khâm định An Nam kỷ lược (khoảng 700 trang), Đại Việt Quốc Thư (300 trang), Bắc Hành Lược Ký (200 trang) và một số văn kiện khác. Tốc độ dịch sử liệu không thể nhanh, hiểu biết cũng chưa chắc chắn vì là việc vừa làm vừa học, biết đến đâu làm đến đó. Chữ Hán đã thành một dụng cụ làm việc, một phương tiện để đưa tôi vào kho tài liệu của cổ nhân, là cỗ xe để di chuyển hàng ngày…nên đành đi vào nghiên cứu như một việc ngậm ngải tìm trầm…

Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Đăng ngày 28 tháng 02.2020