130 NĂM NGÀY TRƯƠNG ĐỊNH TUẪN QUỐC

(1864 – 20-08-1994)

Trần Khánh

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 20-08, ở Gò Công đều cử hành lễ giỗ vị anh hùng dân tộc Trương Định từ 130 năm nay. Đó là hào khí của đất Gò Công. Người dân ở đây tự hào có Trương Định và gia đình của một bậc mẫu nghi Từ Dũ sống gần hết chiều dài của nhà Nguyễn, từng biết mặt vua Gia Long, làm dâu vua Minh Mạng, hoàng hậu vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức và nội tổ một đàn vua chúa Dục Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa, Hàm Nghi, Đồng Khánh và bà cố Thành Thái mà bà đã biết mặt vì bà sống cho đến 93 tuổi (1809-1901).
Trương Định là người sanh trưởng ở xã Từ Cung, Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vào năm 1820. Cha là Trương Cẩm được vua Thiệu Trị bổ nhậm chức Vệ úy Hữu thũy Lãnh binh tỉnh Gia Định. Còn mẹ thì không thấy sách vở nào ghi. Về dung mạo rất khôi ngô, có sức khỏe. Vì là con nhà võ ở Quảng Ngãi, Bình Định vào thời đó chắc rằng võ nghệ cũng thuần thục.
Về văn học cũng không rõ, nhưng nhìn cách hành binh của ngài thì biết rằng ngài đã đọc qua các sách Lục thao, Tam lược Binh pháp của Khương Thượng, Trương Lương, Tôn Ngô Công với Bình thơ yếu luợc, Vạn kiếp bí truyền của Hưng Đạo Đại vương.
Năm 1844, thân phụ được bổ dụng làm quản cơ ở Gia Định, thì Trương Định cũng theo cha vào Nam. Người gặp đất Đồng Nai màu mỡ lại nuôi chí khẩn đất mộ phu lập đồn điền. Cưới bà Lê thị Thưởng là con một phú hào ở đất Tân Hòa, Gò Công. Lúc cha chết, ông không trở về quê mà ở lại lập nghiệp ở quê vợ. Có lẽ theo phong tục trong Nam nên thêm chữ lót vào giữa. Từ đó tên Trương Công Định đi vào lịch sử.
Vào năm 1854, Trương Công Định xuất tiền của, tuyển dân phu khai hoang lập đồn điền, cử người về Nam Ngãi Bình Phú chiêu mộ dân nghèo vào làm ăn theo chính sách Nam tiến "tịnh vi dân, động vi binh". Dân ở đồn điền là quân trừ bị được tổ chức huấn luyện có thể trở nên quân binh chiến đấu ngay được. Cấp chỉ huy khi tịnh thì làm Làng, làm Tổng, còn động thì làm Quản cơ.
Giỏi võ, giàu, có thế lực trong vùng nên Trương Công Định được bổ quản cơ ngay và cũng còn gọi là quản Định. Ông lại giúp dân được no cơm ấm áo nên được lòng mọi người. Vậy sự nghiệp của Trương Công Định không phải một sớm một chiều mà có được, đã nhiều năm lập công tạo đức, đã chinh tâm nhiều người, cho nên khi ông cất cao tiếng gọi "cứu nước" mới được hàng ngàn người nhất tề đứng lên hưởng ứng.
Năm 1859, quân Pháp đánh thành Gia Định, quân đội triều đình chống cự không lại vì binh ít vũ khí thô sơ. Nên nhiều cuộc khởi nghĩa nổi dậy khắp nơi, các lãnh tụ chiêu mộ nghĩa binh, tập luyện binh lính, đúc rèn khí giới, dự trữ lương thực để giúp triều đình chống giặc xăm lăng. Một số văn thần có uy tín như án sát Đỗ Quang, tri phủ Nguyễn Thành Lý, tri huyện Âu Dương Lân, thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, cử nhân Phan văn Trị, tú tài Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Duy Dương, các cựu quân nhân như quản Là, Lê Huy là những người có danh, kẻ ít người nhiều binh lính tham chiến. Trong đám quần hùng đó, ai cũng có chức tước, khoa cử nhưng chỉ có Trương Công Định là thường dân mà là địa chủ. So lại địa vị trong xã hội thì Trương Công Định là bậc chót nhất trong đám anh hùng này.
Luận về anh hùng không nên kể thành bại và cũng không có thước nào đo. Lịch sử đã chứng minh rằng có những người ở bậc chót của nấc thang xã hội, một thường dân không khoa cử như trước đây những người áo vải Lê Lợi, Nguyễn Huệ đã chen lên hàng đầu trong lịch sử thì Trương Công Định được các anh hùng đồng thời kính nể, nhìn nhận là người lãnh đạo âu cũng là công lệ. Thời đó ở miền Nam có 26 liên đội, đứng đầu là quản cơ mà nhóm nghĩa binh của Trương Công Định thì đông hơn hết.
Trong những ngày đầu chiến đấu vào năm 1860, nghĩa binh của ông đóng ở Thuận Kiều, phòng tuyến trải dài từ Cây Mai đến Thị Nghè dưới cờ của triều đình nhà Nguyễn. Trong các lần chiến đấu, ông luôn luôn đi đầu, tỏ ra rất gan da, chỉ huy sáng suốt; một cuộc phục kích giết chết đại úy Barbé do tiểu đội của ông điều khiển gây một tiếng vang lớn.
Lúc khởi đầu ông chỉ có 1000 quân, nhiều tháng sau các cơ liên kết nhau và 6 quản cơ trong tỉnh Gia Định đều tự chọn lên người lãnh đạo chung là Trương Công Định. Vậy trong tay của ông có đến hơn 6000 nghĩa binh trội hơn các anh hùng thời ấy.
Lúc triều đình Huế còn kháng chiến đã phong cho ông là Phó lãnh binh Gia Định, còn Chánh lãnh binh là quan võ của triều đình, ăn bổng lộc hẳn hòi. Trương Công Định được lòng dân quân nhờ tài đức và thực sự chỉ huy điều khiển nghĩa quân. Qua nhiều cuộc chiến đấu đã đưa Trương Công Định lên địa vị chỉ huy các tri phủ, tri huyện, cử nhân, tú tài và các văn thân phú hào. Ngay cả uy tín và danh vọng của ông Phó cũng lấn át ông Chánh lãnh binh.
Qua các quá trình xuất hiện của vị anh hùng dân tộc Trương Công Định, ta thấy rõ những yếu tố cần thiết như khoa nghiệp, chức tước, địa vị xã hội, tiền của, thế lực bên ngoài đều là không có. Nhưng ông có được yếu tố quan trọng nhất là công đức, là tài năng, là giá trị nội tại và cá nhân của vị anh hùng kết hợp cùng thiên chức. Những yếu tố quan trọng này đã có trong con người Trương Công Định hơn tất cả người cùng thời thì tự nhiên sự tuyển trạch cũng theo lề lối tự nhiên đưa kẻ anh hùng lên địa vị người Anh hùng. Đó là một công lệ.
Sau khi Biên Hòa thất thủ, triều đình quở trách và ra lịnh cho quan Hiệp trấn quân vụ Thân văn Nghiệp, Khâm phái quân vụ Nguyễn Túc Trưng cùng Tuần phủ Đỗ Quang hội với Trương Công Định đề bàn định cuộc kháng chiến. Nguyễn Túc Trưng được đề cử làm tổng chỉ huy; đây là một lý do lớn trong sự thất bại khi đề bạt kẻ bất tài lên lèo lái cuộc kháng chiến. Ba vị lương đống ăn bổng lộc của triều đình, không chịu nhường bước cho người áo vải, hoặc Trương Công Định tự ti mặc cảm không chịu nhận vai trò lớn này, chỉ có người trong hội nghị mới rõ. Từ những chỗ sơ thất đó đưa triều đình vào thế yếu kém, chủ hòa nên phải ký hóa ước với Pháp, Trương Công Định cũng chuyển thân qua sắc thái khác.
Ngày 05-06-1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, hạ lệnh bãi binh. Nguyễn Túc Trưng là quan triều đình được triệu hồi về kinh. Còn Trương Công Định vừa được phong chức lãnh binh, đáng lẽ theo hòa ước mà giải tán đám nghĩa binh và trở về với ruộng nương, nhưng triều đình lại bắt buộc ông phải rời địa hạt của mình mà đi nhậm chức ở An Giang. Trương Công Định cho vợ con đi trước, còn ông ở lại kiểm điểm lương thực và binh lính. Nhưng nghĩa quân chẳng chịu giải tán, mà phải tìm căn cứ để chống cự lại. Họ bảo rằng ở lại bảo toàn tình đồng đội; thề đồng sống đồng thác cùng chung với nhau. Họ yêu cầu Trương Công Định ở lại lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nhưng ở lại thì bất tuân lệnh triều đình.
Lúc đó ở làng Tân Long, Tân An có một văn thân tên Phạm Tuấn Phát truyền thư cho các đội nghĩa quân đề cử Trương Công Định làm chủ soái để cầm đầu cuộc kháng chiến. Đề nghị đưa đến đâu dư luận đều hoan nghinh, tất cả hăng hái biểu đồng tình tự nguyện đắp đàn bái tướng choàng lên vai người anh hùng Trương Công Định một tấm nhiễu điều và suy tôn làm Bình Tây Đại nguyên soái. Nhớ ngày lập đàn của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, cờ của Tây Sơn là cờ đào (điều).
Sau cuộc lễ tấn phong uy nghiêm, chẳng phải vua ban cho "cờ mao búa việt" mà do dân chúng ban cho nhiễu điều vì:
Nhiễu điều phủ lấy gía gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Lễ bái tướng của Trương Công Định với tấm nhiễu đào không phải vua ban mà của dân Việt ban cho. Từ đấy, Trương Công Định không còn là lãnh binh của vua Tự Đức mà là vị nguyên soái có sứ mạng bình Tây, nguyên soái của toàn dân.
Từ khi lãnh lấy trách nhiệm, ông phải đương đầu gánh lấy nhiều mặt trận. Tài ba, dũng cảm, hy sinh là những yếu tố tất thắng ở mặt trận quân sự chống với giặc Pháp đã rõ rệt. Còn lòng trung quân phải giải thích sao đây với vua và sĩ phu thời ấy.
Lúc vận nước nghiêng ngửa dân tâm ly tán, một số người chẳng trung quân cũng không ái quốc đang chực chờ đầu hàng để được vinh thân phì da không kể chi dư luận phỉ báng. Phần đông là kẻ cầu an, thế nước nghiêng bên nào thì ngã theo bên nấy. Có phường giá áo túi cơm, vua bảo sao làm vậy, thế mới được gọi là ngu trung. Còn một cái thế khác, theo chủ trương của Phan Thanh Giản, không phải kẻ bán nước, tạm thời cắt đất cầu hòa để tìm phương kế phục hồi. Biện pháp cuối của Trương Công Định là hy sinh cứu nước cho đến giọt máu cuối cùng.
Binh thơ có nói: "Kẻ cầm quân ngoài biên thùy đôi khi cũng không tuân theo lệnh vua".
Trương Công Định không đi lãnh chức lãnh binh ở An Giang mà ở lại lập đàn bái tướng do dân ban cho chức Bình Tây Đại nguyên soái. Về sau ông còn mạo chiếu của vua Tự Đức để nâng cao tinh thần chiến đấu của nghĩa binh. Các cựu trung thần có ý chê trách Trương Công Định không tuân lệnh triều đình thì ngài lấy cái lý giải của mình với chức "Trung thiên tướng quân" mà hành động, có nghĩa là người là kẻ đứng giữa trời, chân không đạp đất. Người không ăn bổng lộc của vua thì không có gì ràng buộc với triều đình Huế cả. Ba tỉnh miền Đông tuy vua Tự Đức cắt nhượng cho Pháp rồi, ngài cũng không ăn lộc của Pháp. Chỉ có chánh đạo mà thôi. Chánh đạo ấy là kháng Pháp đến kỳ cùng dù triều đình Huế có thái độ nào với Pháp, người cũng không kể đến.
Phút cuối cùng đã đến theo chánh đạo của ngài vào ngày 20-08-1864 khi quân Pháp được bọn tay sai dẫn đường là Huỳnh Tấn xong vào căn cứ địa ở Phước Lộc. Ông bị trúng đạn ngay xương sống, thấy khó thoát được nên dùng gươm đâm vào bụng tự sát, vừa đúng 44 tuổi; thi hài được đem về Gò Công. Ngày ông mất, như lời văn tế của Nguyễn Đình Chiểu ghi:
Bến Nghé mây mưa sùi sụt
Thương đấng anh hùng gặp lúc gian truân
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê
Cảm niềm thần tử hểt lòng trung ái.
Ngay từ năm 1864, mộ ngài đã được xây bằng đá ong, trên bia mộ có đề: "Đại Nam Bình Tây Đại tướng quân Trương Công Định chi mộ".
Hai cột trụ trước mộ có đôi liễn:
Sơn hà thâu chánh khí
Nhật nguyệt chiếu đơn tâm.
Sau đó bia mộ này bị Pháp cho phá nát; đến năm 1945 mộ ngài được sửa lại bia khác: "Đại Nam Thần Đồng Đại tướng quân truy tặng Ngũ Quản Quân công Trương Công Định chi mộ". Tới năm 1956 được trùng tu thêm 2 câu đối ở cửa:
Trương Chi Quật Cường, Võ Liệt Nêu Cao Đất Việt
Định Tâm Kháng Chiến, Văn Mô Chói Rạng Trời Nam
Ngày nay đền thờ ngài ở Gia Thuận, Gò Công Đông vẫn nghi ngút hương khói; ngày giỗ 20-08 cũng tưng bừng. Hào khí Gò Công với Trương Công Định vẫn còn mãi.
Hai vai nặng trĩu gánh chi bằng gánh cương thường
Tấc dạ trung lương gồng chi bằng gồng xã tắc.

 Trần Khánh

Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ"

 

Đăng ngày 18 tháng 10.2016