Thư xưa

 thuyphuong

Trần Thúy Phương

"Ngày 23 tháng 10 năm 1988
Trang ơi, hôm nay là ngày Dinh vào Mỹ vừa đúng một năm. Một năm ở đây Dinh không có gì khác hơn vài sợi tóc bạc, những sáng những chiều vội vã lao vào cuộc sống, chạy theo cái đồng hồ và cái thời khóa biểu của các lớp học cùng việc làm. Trang không biết đâu, một năm qua, Dinh hiểu thế nào là nostalgia, là solitude. Mọi sự chỉ đúng khi Dinh bôn ba tìm đường vượt biển, khi Dinh nằm lã trên ghe… Càng bương chải với cuộc sống, Dinh càng thèm một góc đời bình an êm ấm của hai mươi mấy năm kia. Có phải tận sâu thẳm trong mỗi người đều có một Đỗ Phủ không Trang? Đỗ Phủ với núi Lô sông Triết: không đến được thì ngàn đời hận không tiêu, mà đến được rồi thì cũng chỉ núi và sông như bao núi và sông trên cõi đời này…?
Trải qua những ngày biết thế nào là tử thần đong đưa lưỡi hái trên đầu, lang thang qua bao trại tị nạn, chung đụng với đủ hạng người, vật lộn với những cơn khủng hoảng kéo dài… Trang ơi, Dinh đã trả một giá quá đắt để cuối cùng chỉ mơ về một bếp lửa ấm và cánh cổng xám bên kia nửa quả địa cầu…"

Bức thư viết từ thành phố Alhambra và gởi về đường Hồ Biểu Chánh, Saigon. Vài năm sau Dinh không còn gởi thư về căn nhà có cây mận đỏ bên giếng nước cùng những chậu lan tím nằm cạnh giàn tóc tiên nữa. Thay vào đó là địa chỉ của một căn nhà Dinh chưa hề thấy, chưa hề quen thuộc, ở thành phố Laverton, nước Úc. Dinh cũng thế, chị không còn ở thành phố nhỏ thuộc về quận hạt Los Angeles nữa.

"San Francisco ngày 22 tháng 10 năm 1992
Trang ơi, hôm qua Dinh nhận được thư nhà. Bố Dinh cho biết, ở tuổi 67, bố mẹ Dinh quyết định ở lại Việt Nam, không đi “đoàn tụ” theo giấy tờ bảo lãnh của các chị nữa. Trang cũng biết là sau khi Dinh thành công trong việc vượt biên thì sở Ngoại Vụ Saigon gọi bố mẹ Dinh nhiều lần để cho giấy xuất cảnh. Bố mẹ Dinh ngần ngừ suốt mấy năm nay và lần này thì ông bà quyết định sống và chết trên quê hương mình. Cũng thế, phái đoàn Hoa Kỳ gởi thư cho chị Duy, báo rằng họ đã nói chuyện với bố mẹ Dinh lần thứ tư, cũng là lần cuối. Vì bố mẹ Dinh không muốn ra đi nữa nên họ sẽ đóng hồ sơ lại, tuy nhiên bố mẹ Dinh có 90 ngày để thay đổi ý kiến, chuyến bay sẽ được sắp xếp ngay…
Trang thân, khi nghĩ cha mẹ già khó gặp lại, ruột gan Dinh đau nhói, nhưng Dinh không dám nằn nì thuyết phục gì hết, vì dấu vết những cơn depression khi lìa xứ ra đi vẫn còn quá mới với Dinh. Bao nhiêu lần Dinh gặp ở các trạm xe bus những người đàn ông Á Châu cao dong dõng, gầy gò, khuôn mặt khắc khổ y hệt bố Dinh. Dinh luôn thầm nhủ, đàng sau những vóc dáng buồn tủi ấy là những đoạn đời điêu linh tội nghiệp như bố của mình, và mắt Dinh lại đỏ mọng lên không kiểm soát được.
Và Trang nè, Trang có biết lá thư hôm qua là lá thư đầu tiên bố mẹ viết cho Dinh kể từ ngày Dinh và anh Kiên làm đám cưới không? (Trang biết đó, gia đình Dinh không tán thành chuyện Dinh và anh Kiên mười mấy năm nay). Kèm theo thư của bố Dinh là thư của mẹ. Mẹ Dinh viết độ nửa trang giấy, gọi Dinh là “cô”, xưng “tôi”… “Cô Dinh, cô xa nhà thế là đã sáu năm rồi đấy, và cô lấy chồng thế là cũng đã ba năm rồi đấy. Tôi chẳng muốn nói gì nhiều kẻo cô lại bảo tôi lắm lời…” Và thêm một mớ những trách móc… Dinh cảm thấy tuyệt vọng ghê gớm Trang ơi. Dinh chua xót vì nghĩ mẹ già rồi hóa ra kỳ lạ, nhắc lại những câu cách đây đã nhiều năm và thực sự không đúng như mẹ Dinh nghĩ.
Lúc vào phòng tắm, nhìn mình trong gương, Dinh nói với Dinh, “Cô xa nhà thế là đã sáu năm rồi đấy”. Sáu năm, sáu giấc ngủ đầy mệt mỏi, Trang thương..."

Những lá thư cách nhau có khi nhiều năm, có khi nhiều tháng. Những lá thư đầu nét chữ nhỏ nhắn, càng về sau càng cẩu thả vội vàng, chữ to hẳn ra, nguệch ngoạc. Có cái chỉ để than thở nỗi mệt nhọc khi Dinh có thai đứa con gái đầu lòng –và duy nhất. Có cái chỉ để kể những lo lắng khi săn sóc đứa con. Có cái như một bản “tổng kết tình hình” giúp bạn hình dung ra đời sống của Dinh.

Thư đề ngày 20 tháng 4 năm 1994 gởi về thành phố khác. Bạn không còn ở Laverton nữa, cũng như Dinh đã rời San Francisco trở về miền Nam.

"Trang thương, Tết Âm Lịch vừa qua vợ chồng Dinh đem Bee về Việt Nam, vừa đi vừa về đúng hai tuần nên ở bên đó được mười ngày. Bee lúc ấy mới mười tháng, hành lý đem theo toàn những thứ cho nó: sữa loại pha sẵn đóng hộp, nước uống pedialite nhỡ nó bị tiêu chảy, thức ăn chế biến sẵn trong hũ thủy tinh, tã lót…nặng muốn rách valise. Tụi Dinh về chỉ cốt thăm cha mẹ hai bên. Bà nội Bee đã 85 tuổi, lú lẫn nhiều lắm rồi. Bố mẹ Dinh thì cũng đã sắp 70, bình thường thì không đến nỗi tệ, nhưng đau ốm một chút là nằm bẹp liền.
Trang biết không, về Saigon, Dinh chỉ biết có một lối đi từ đường Trần Quang Diệu là nhà mẹ anh Kiên qua đường Huyền Quang là nhà bố mẹ Dinh. Một ngày nhà nội, một ngày nhà ngoại, bế Bee đi taxi. Có vậy thôi. Dinh không hề đi đâu hết vì thời gian quá ngắn, lại lúc nào cũng nơm nớp lo Bee bị bệnh. Bao nhiêu nhớ thương, kỷ niệm… đến lúc trở về Mỹ Dinh mới ngỡ ngàng nhớ lại. Còn lúc ở Việt Nam, Dinh không nhớ tới những ray rức, những thổn thức mình đã ấp ủ suốt bao tháng năm xa gia đình, xa quê hương. Đơn giản chỉ vì lo chống chọi với cái nóng, cái mệt, cái buồn ngủ do ngày đêm khác biệt, vì lo thay tã cho Bee từng nửa giờ, sợ nó bị ngứa, bị lở, vân vân và vân vân… Vậy đó, nghe buồn cười quá phải không Trang? Dinh cũng không ăn quà vặt như từng tự nhủ nếu trở về Saigon. Dinh sợ đau bụng. Dinh thấy ghê ghê với những con ruồi, những cái thìa nhôm xỉn đen, những cọng rau e họ rửa không sạch… Ôi con người Dinh trần tục và bội bạc với hai mươi mấy năm sống ở quê nhà như thế đấy."
Những con đường với những hàng cây, bao ngày thèm mong một lần đi trở lại… Trời ơi, Trang, mãi tới lúc trở về đây, bần thần nhớ bố mẹ, nhớ chị Dung, nhớ con Nu (Trang vẫn còn nhớ Nu con chị Dung chứ?), nhớ lũ chó, nhớ bậc thềm… Dinh mới nhớ lại những thương mong kia, Dinh mới thảng thốt tự hỏi, không biết con đường Tú Xương, Tự Đức, đường Trần Cao Vân, đường Phùng Khắc Khoan, giờ trông như thế nào? Còn những chỗ mà Dinh có đi qua, thí dụ từ phi trường về nhà, thí dụ từ nhà nội qua nhà ngoại Bee, và có một lần buổi chiều trước ngày rời Saigon, anh Kiên chở Dinh đi xe Honda một vòng, ngang qua Bưu Điện và nhà thờ Đức Bà, thì nhìn chung, mọi chỗ đều rất xô bồ hỗn độn. Xe cộ nhiều gấp mấy chục lần so với ngày Dinh ra đi. Vậy nên bỗng Dinh thương cái thuở mình chỉ có cái xe đạp, đạp tà tà trên những con đường vắng. Bây giờ xe hơi, xe gắn máy, xe đạp chen chúc nhau, không lối không luật làm Dinh cứ nhắm mắt lại vì tưởng sắp bị húc. Chỗ nào cũng xây cất, không thứ tự lớp lang gì cả. Xe cộ quá nhiều mà đường xá vẫn nhỏ hẹp lại thêm ngày càng hư hại vì nay cày mai xới, bụi mù trời…

Những bực dọc, chán nản, thất vọng về thành phố tuổi thơ của mình khiến Dinh chần chừ cả mười ba năm mới trở về thăm cha mẹ lần nữa. Cha mẹ Dinh đã 82 tuổi. Trước ngày đi, bạn thân gởi cho Dinh một email nhỏ: “Dinh ơi, mong Dinh tìm được sự bình an và kỷ niệm đàng sau cánh cổng xám bên kia nửa quả địa cầu—chữ của Dinh đó, nhớ không?”
Trong chuyến trở về này, Dinh bàng hoàng nhận ra cha mẹ chị đã yếu đi nhiều quá. Những bước chân chậm chạp, hàm răng cái còn cái mất, đôi má hóp, tròng mắt mờ đục, và cả những tiếng rên xiết khi các khớp xương đau nhức… Những thứ đó, lần đầu tiên trong đời Dinh thấy có thực. Những khái niệm về Sinh Lão Bệnh Tử lần đầu tiên trong đời Dinh hiểu chúng không còn là các chữ nghĩa mơ hồ xa cách, mà là những cái thực tới độ chị có thể sờ mó được, thực tới độ đi thẳng qua da thịt Dinh, làm nhói đau lồng ngực.

Thư từ Huntington Beach gởi đến Caroline Springs nước Úc đề ngày 6 tháng 9 năm 2005.

"Trang ơi, Bee đã tựu trường mấy hôm nay. Dinh đang ngồi trong xe, dưới bóng mát của cái cây mà Dinh đã đợi nó suốt năm học vừa qua. Thấm thoát vậy mà con gái Dinh đã vào lớp bảy, bỏ cái trường tiểu học hai mẹ con dắt nhau đi bộ mỗi sáng để qua trường mới hơn một năm rồi Trang
Trang biết đó, hè vừa qua Dinh đem Bee về thăm ông bà ngoại. Ngày ngày hết quanh quẩn trong nhà lại bước ra sân. Trang nhớ sân nhà Dinh, ngày xưa có những chậu bằng sứ to lớn với rất nhiều loại hoa quý, đêm xuống thơm ngào ngạt. Không biết tự bao giờ bố mẹ Dinh thay vào đó đủ loại chậu sành, chậu nhựa nhỏ hơn, xấu xí với các thứ cây còi cọc. Bố Dinh còn gác ngang gác dọc ngổn ngang nhiều cây sào dài để treo ở một góc vườn cả trăm chậu lan. Chị Dung kể, những năm trước hoa lan ra nhiều và đẹp, thời gian gần đây bố Dinh yếu quá, không săn sóc được mấy nên lan chỉ có lá xanh… Mẹ Dinh thì kể, mới bắt đầu hơn năm nay, bố Dinh không còn thói quen mỗi sáng ngồi nhặt cào cào châu chấu cho chim ăn nữa. Lấy cớ “dịch cúm gia cầm”, người ta đến nhà bắt bố Dinh phải nộp hết bầy chim xinh đẹp của ông cho họ. Trong một góc sân Dinh còn thấy một dãy lồng trống rỗng. Bố Dinh vốn đã ít nói, bây giờ ông càng ít nói hơn. Trang ơi, Dinh mủi lòng khi nghĩ bố Dinh chết điếng lúc phải cho bầy chim đi, cũng như lúc mấy con chó nhỏ lần lượt chết vì già, ông phải mất một thời gian rất lâu để nguôi ngoai… Bố Dinh vốn nặng lòng với những con thú ông chăm sóc, mà có lẽ ai cũng vậy, nếu không đi ra ngoài những lẽ thường tình. Dinh càng muốn khóc hơn khi nhớ thời gian mới đi tù cải tạo về, Bố Dinh luôn để ý săn sóc chiếc xe đạp của Dinh để Dinh không bị xe hư, xe trục trặc lúc đi ngoài đường. Thế mà bây giờ, ông vịn vào tường để đi những bước chậm trong nhà…
À, còn cánh cổng, cánh cổng xám của Dinh. Trang ơi, bây giờ nó có màu xanh lá cây, xanh lè xanh lẹt—một cái màu xanh xấu xí chưa từng thấy. Có lẽ tới lúc cần sơn lại cánh cổng, bố mẹ Dinh đã giao cho một người thợ sơn nào đấy và ông ta lo luôn việc lựa màu. Trang ơi, thời gian… Thời gian giúp mẹ Dinh quên nỗi giận hờn mười mấy năm trước khi Dinh lập gia đình với người không cùng tôn giáo lại một lần li dị, nhưng thời gian cũng khiến mẹ Dinh lưng còng, tóc bạc trắng, quên luôn cả những điều mới xảy ra. Dinh ước gì Dinh lại nghe mẹ nói, “Cô Dinh, cô xa nhà thế là đã hai mươi năm rồi đấy”, để Dinh lại ứa nước mắt như một đêm đứng trước gương trong phòng tắm nơi căn nhà nhỏ ở San Francisco…"

Mùa hè 2006
Một lần nữa Dinh và con gái phải trở lại quê nhà. Những giấc ngủ chập chờn đứt quãng không đủ giúp chị đỡ mệt với hai chuyến bay tổng cộng hơn mười bảy tiếng đồng hồ, chưa kể những giờ chờ đợi để làm thủ tục hoặc để chuyển máy bay.
Ở phi trường Taipei, hai mẹ con Dinh lặng lẽ quan sát những người cùng tiếng nói ồn ào qua lại trong khu vực chờ đợi. Lắm người đàn bà lôi ra từ túi các áo đầm đẹp nhất (?) của họ, vào phòng vệ sinh thay. Họ bày ra cả “rổ” son phấn đã chịu khó xách theo, ngồi bệt ngay giữa lối đi, tay cầm cọ quẹt lia lịa lên môi lên mắt, miệng nói huyên thuyên về những hào quang (?) quanh cuộc sống của họ. Có người khoe ra những hình xâm công phu trên lưng trần… Những hình ảnh đó có thể đã từng tiêu biểu cho nền văn minh của một chân trời xa lạ, đã từng là giấc mơ của người dân tội nghiệp nơi quê hương Dinh. Đôi khi Dinh có cảm tưởng người dân của quê hương chị tiếp nhận tất cả những gì đổ tràn vào đất nước mà không phí công gạn lọc, chọn lựa…
Khi máy bay nghiêng cánh hạ dần độ cao, Saigon hiện ra dưới kia ngổn ngang hàng vạn khối vuông, khối chữ nhật, cao, thấp… chen chúc. Dinh và con gái đã đi xa khá nhiều, đã nhìn từ máy bay trên cao nhiều đô thị khác nhau, chưa nơi nào có một quang cảnh khô cằn như thế. Nó làm chị vừa bực dọc vừa buồn rầu
Con gái Dinh nhăn mặt khi người đàn bà ngồi dãy giữa chồm qua khỏi lối đi, luôn miệng gọi con, “Keo-Vìn, Keo-Vìn, đẹp ghê không con? Quê hương mình đó con!” Thằng bé đầu tóc dựng đứng tua tủa, miệng chóc chách kẹo cao su, dửng dưng. Một người đàn bà khác ở hàng trên cũng chồm nhìn qua cửa sổ, góp chuyện, “Ờ, đẹp ghê không!”
Bánh máy bay chạm mặt đất, nảy tưng tưng trên cái phi đạo cũ xì. Một đám hành khách bỗng vỗ tay đôm đốp, reo hò. Con gái nhăn mặt hơn một chút trong khi Dinh ngượng ngịu như thể chính mình vừa làm một chuyện lố bịch. Không biết những người này rời Việt Nam từ bao giờ và đã từng trở lại lần nào chưa? Dinh tự hỏi và thấy cảm động với cách biểu lộ tình cảm tự nhiên như vậy
Dinh nghiêng qua phía con gái, chỉ cho nó xem những hangars cũ kỹ xây trước 1975. Ngoại trừ một cái có vài chiếc máy bay nhỏ xíu, màu sắc sặc sỡ đậu bên trong, còn thì tất cả đều bị bỏ hoang, nhiều chỗ sập nát. Cỏ tranh mọc cao ngút đầu, gợn sóng nhấp nhô theo gió. Người đàn bà ở hàng ghế trên lại chỉ trỏ, “Nhìn coi, mát ghê không?” Con gái phì cười, thì thào, “Mát? Mẹ, tại trong này có air conditioner… Ra ngoài rồi biết”. Dinh gật đầu với con. Nó đã biết thế nào là nắng sớm mưa chiều, thế nào là khí hậu Saigon nhiệt đới, thế nào là cảnh cơ cực của dân nghèo, trẻ em lam lũ thất học sớm tranh dành sự mưu sinh.

Đoàn người hối hả tuôn ra khỏi máy bay, hối hả xếp hàng ở các quầy kiểm soát thông hành để sau đó lại hối hả nhận diện, lôi kéo đủ loại túi xách đến chỗ kiểm soát hành lý. Luôn luôn nguyên vẹn trong Dinh cái cảm giác chán nản, e dè, ngán ngẫm khi đối diện những bộ đồng phục màu cứt ngựa, những khuôn mặt lạnh tanh, giọng nói sắc gọn không chút cảm tình. Mỗi lần trở lại quê hương là mỗi lần càng thêm rõ nét trong Dinh cảm giác mất mát, bất lực. Cha mẹ già là sợi dây cuối cùng còn buộc Dinh vào mảnh đất này và kéo chị trở về.
Cũng như lần trước, Dinh và con gái quanh quẩn trong nhà, rờ ngắm cái giường, cái tủ treo áo dài, tủ sách của bố Dinh với những bộ sách luật của ông, đã vàng úa, cũ mèm. Bao nhiêu thứ vẫn y nguyên như cách đây 20 năm Dinh đã xoay lưng ra đi. Một ngày trước khi rời Việt Nam, Dinh liên lạc với một người bạn cũ. Thảo ngày xưa học thêm Pháp Văn buổi chiều với chị ở nhà ông thầy mù đường Huỳnh Tịnh Của. Thảo cùng cấp lớp với Dinh, học ở Trưng Vương buổi sáng.
Thảo đến gặp Dinh, đưa Dinh trở lại căn nhà có cây điệp vàng trước cửa trên đường Mạc Đĩnh Chi. Trời, cái chỗ này mình đã ngồi nói chuyện với nhau biết bao chiều hả Thảo? Hai mươi năm qua Dinh vẫn nhớ những bông hoa vàng và lá li ti theo gió rơi đầy tóc. Ngày đó thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe đạp hay xe gắn máy chạy ngang qua. Bây giờ xe lớn xe nhỏ nối đuôi nhau không dứt, còi xe từ tinh mơ đến khuya lắc khuya lơ…
Thảo bảo Dinh,đi ra đường một chút nghe Dinh, lần nào về cũng ngồi trong nhà không vậy… Dinh nói bạn chở một vòng quanh trường cũ. Ở một góc sân trường—Dinh nhớ ngày xưa chỗ ấy thuộc về sân thể thao—mọc lên một căn nhà, một loại hàng quán gì đó. Thảo ngoái đầu ra sau, nói với Dinh, “Ê Dinh, trường mày bị chiếm đất làm quán bia ôm, bị báo chí phê bình dữ dội nên giờ đổi ra làm ‘câu lạc bộ’ bán cái chi đó…” Dinh chới với. Chiếm đất trường học để làm quán bia ôm? Lần nữa, Dinh cảm thấy tuyệt vọng, bất lực. Chị hỏi Thảo về con đường Tú Xương. Thảo gật gù, “Để tao chạy về đó cho mày coi”…
Dinh không nhận ra con đường chị hằng tưởng nhớ được nữa. Quán nhậu mọc lên san sát, nhạc ầm ĩ, đàn ông tiểu tiện một cách tự nhiên bên lề đường. Cơ sở Caritas phía đối diện co nhỏ lại, cũ kỹ. Thảo, chạy hết đường đi Thảo… Thảo, dừng lại đây cho Dinh một chút… Dinh nhảy xuống khỏi xe, bước vài bước lên lề, tần ngần trước ngôi nhà lạ…

Tháng 11 năm 1973
Nắng gắt chính giữa ngày. Con đường Tú Xương vắng vẻ. Dinh mỏi chân rồi, giờ có muốn đón cyclo cũng phải cố lết thêm một đoạn để tới Công Lý mới có xe cộ qua lại. Cô ngồi bệt lên gờ xi măng viền dọc cổng ra vào, dưới bóng cây ngọc lan. Có tiếng xỏi lạo xạo, tiếng cánh cổng bị kéo ra ken két. Dinh vẫn ngồi lì, ngó lơ ra đường, nhăn nhó. Một cái bóng cao lớn in xuống đất và có tiếng đằng hắng sát ngay bên, bất đắc dĩ Dinh phải ngẩng lên. “???Anh Lãm???” “Em của Đình đây mà.” “Nhà anh đây hả?” “Hai bác ra sao em?” Người đàn ông hỏi khi nghĩ đến cái chết của anh cô, mới mùa hè vừa qua. Đấy là bạn của anh cả Dinh. Khi anh còn sống họ gặp nhau ở nhà cô hầu như mỗi ngày. Gần nửa năm rồi từ ngày anh Dinh qua đời, bạn bè anh dần tránh mặt vì mỗi lần họ đến thăm là mẹ Dinh lại khóc vì nhớ anh Đình. “Em… Hình như ở nhà gọi em là con gì gì… Ngỗng hả? Lên xe anh đưa về dùm.” “Em tên Dinh”, cô dõng dạc. Người đàn ông bật cười, “Được rồi… Trông cô la lê thế này…
Suốt bảy tháng còn lại của năm lớp 10, những ngày ăn quà hết tiền đi cyclo, Dinh đều đi bộ về dưới những bóng cây của con đường vốn đã quen đi từ trước. Hầu như lúc nào đi ngang qua căn nhà này, Dinh cũng gặp bạn của anh Đình đang làm gì đó ngoài sân, và, “Ê, lên xe anh cho quá giang về! Khiếp! Trông em la lê thế này
Năm sau Dinh đã có một chiếc xe cho mình. Cô không còn khổ sở với cái nắng, với những đoạn đường bỗng trở nên dài thăm thẳm lúc giữa trưa. Dinh vẫn thích chạy xe trên con đường này sáng sớm lúc đi học—nó dường như của riêng cô với hàng cây còn rủ ướt sương và đèn đường chưa tắt. Buổi trưa về Dinh không đi đường này nữa vì bắt đầu góc Công Lý-Hiền Vương xe phải đi một chiều, và như thế ngược lối về nhà cô…
Thế rồi sáng sáng trong cái sương mù mát lạnh của thành phố, cô thường xuyên bắt gặp người đàn ông ấy trên lối đi trải sỏi, tay vẫy cô, cười… Hôm nào còn sớm, Dinh ngừng xe đột ngột; tiếng thắng kêu phá sự yên tĩnh, và Lãm đi ra, vịn lên tay lái chiếc xe, hỏi thăm gia đình cô cùng đôi ba điều bâng quơ đầy dẫy trong đời sống họ.
Một lần Dinh nói, “Anh Lãm, bố mẹ em hỏi thăm anh, vì em kể là em biết nhà anh và hay tình cờ gặp anh lúc đi học… Sao anh không đến nhà chơi?” Lãm nheo mắt, “Em là út phải không? Thua Đình cả con giáp cơ à? Đình không còn nữa anh đến chơi với ai? Với em à? Mà Dinh này, rồi em sẽ biết, sự tình cờ không dễ đến lần thứ hai đâu, nói chi là thường xuyên…” Dinh hiểu hay không, Lãm không biết. Cô vẫn cười toe toét, hồn nhiên.
Lại một lần Dinh kể, “Bố mẹ hỏi anh Lãm sắp lấy vợ chưa?” Lãm trầm ngâm, “Có lẽ hai bác nhớ tới Đình…” Rồi anh lại nheo mắt, “Em trả lời sao?” Dinh tươi rói, “Em nói anh xấu trai nhà nghèo học dốt, ai mà lấy!” Người đàn ông cười ha hả, tung chùm chìa khóa đang cầm trong tay lên rồi chụp bắt, xoa đầu cô, “Thế em cũng biết anh đẹp trai nhà giàu học giỏi à?” “Hồi nào?” “Em vừa nói…”
Hai năm cuối của Dinh ở trung học trôi qua với chừng đó chừng mực trong mối giao thiệp. Lãm đã là người bạn lớn thân thiết từ lúc nào.
Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975, Lãm kêu cổng nhà Dinh. Dinh ngơ ngác, “Sao anh còn đây?” Lãm không trả lời mà hỏi lại, “Cả nhà em… còn đủ hết hả?”, Dinh rầu rĩ gật đầu.
Sau khi bố Dinh đi tù cải tạo, Lãm đến thăm gia đình cô đều đặn và hầu như lúc nào Dinh bối rối, sầu thảm, lo lắng là đều thấy anh xuất hiện.
Có những buổi tối Lãm ghé đưa cho Dinh vài món ăn vặt, vài cuốn sách hiếm . Có buổi anh ngồi trên yên xe, rủ cô khi cô ra mở cổng, “Đi một vòng không nhỏ? Ở nhà cúp điện tối thui thế kia.” Bao giờ Dinh cũng hớn hở quay vào gọi chị Dung “ra gài cổng, em đi hóng mát một vòng với anh Lãm”. Lãm lại thường hay đem đến cho Dinh, khi thì một cái áo pull xinh xắn, khi thì một thanh chocolate gởi từ Switzerland về, của các em anh đi du học trước 1975. Dạo đó những món ấy là “xa xỉ phẩm” và chúng làm cho Dinh vui thích lắm. Một buổi tối Lãm đến rủ cô tới nhà một người bạn của anh. Hai người đàn ông đứng trong ánh sáng nhòe nhoẹt của ngọn đèn đường hắt vào sân và đèn trong nhà hắt ra ngoài. Lãm hút thuốc, điều Dinh chưa hề thấy. Họ nói nho nhỏ nhiều điều, Dinh không để ý vì cô còn bận hít sâu mùi dạ lý thơm nồng trong sân. Ít lâu sau, một hôm Lãm hỏi Dinh có nhớ người bạn của anh không? Nó chết rồi. Vượt biển. Chìm tàu… Thuở ấy chị em Dinh suốt ngày cũng toan tính chuyện bỏ xứ ra đi. Mọi người lao vào các cuộc phiêu lưu như rơi vào một cơn mê sảng, đồng thiếp...
Có hôm Lãm đăm chiêu, “Dinh, đừng đi vượt biên nghe, nguy hiểm lắm. Em ráng đợi đi chính thức bằng máy bay…” Dinh trợn mắt, “Em đi chính thức bằng cách nào? Chị Diên chị Duy còn chưa gởi giấy tờ về nữa là…” Lãm nhìn vào mắt cô, nửa đùa nửa thật, “Đi theo anh, tụi em anh bảo lãnh.” Dinh nhướng mày, “Anh giỡn hoài!” Và Lãm không bao giờ nhắc tới chuyện này nữa, vì cuối năm đó, khi Dinh tròn 21 tuổi, cô bắt đầu con đường của riêng cô…
Vài năm đầu, Lãm hỏi, “Dinh, tại sao em cứ phải gặp ông bác sĩ đó hoài vậy?” Dinh cười, “À, em bệnh! Anh biết mà!” Lãm bỉu môi, “Không, anh không biết.” Vài năm sau Lãm lại hỏi, “Dinh, chừng nào em mới thực sự lành bệnh? Nói cho anh biết để anh mừng coi?” Dinh không còn cười nữa, cô nhìn vào khoảng trống trước mắt, nét mặt xa vắng, “Thì đó, anh cứ mừng đi!” Lãm không nỡ nói thêm, anh làm bộ vui vẻ, “Ha ha! Gì mà yếu xìu vậy cô?”
Rồi cũng tới phiên Lãm ra đi. Thời đó người ta ra đi trong yên lặng, không ồn ào đưa tiễn. Buổi tối trước ngày đi, Lãm đưa cho Dinh một tờ giấy úa vàng, xé ra từ cuốn Mật Khải—The Prophet—của Kahlil Gibran
"Làm sao thanh thản ra đi chẳng sầu não?
Không đâu, ta sẽ rời thành phố này với một vết thương trong hồn
Dài làm sao những ngày đau đớn ta đã sống giữa những bức tường thành
Và dài làm sao là những đêm cô đơn
Ai đành tâm rời bỏ niềm đau và nỗi cô đơn của mình mà chẳng luyến thương
Bao mảnh hồn ta đã vương vãi trên những đường phố này
Ta không thể rời bỏ chúng mà không nặng lòng đau nhức
Không phải một bộ y trang ta vất bỏ
Mà là một lóp da ta tự lột bằng tay
Không phải chỉ một ý tưởng bỏ lại sau lưng
Mà cả một trái tim đói khát đã được làm cho dịu ngọt
Nhưng ta không chần chừ được nữa
Đại dương thường mời gọi mọi vật trở về đang lên tiếng gọi
Và ta cũng phải ra đi
Ta hẳn sẵn lòng đem theo tất cả mọi thứ nơi đây, nhưng ta không thể…"

Thời cuộc quái lạ bứt lìa mọi người không chút nương tay. Dinh không có thì giờ để buồn nhiều dù nơi nào đi qua cô cũng nhớ những ngày lơn tơn theo Lãm la cà hàng quán, gặp bạn bè của anh. Đời sống tiếp tục có nhiều biến động với từng cá nhân nhỏ bé. Ba năm sau, khi Dinh vừa đến được trại tị nạn Malaysia, Lãm viết cho cô: “Anh nói chuyện với Diên bên Pháp, biết em không khai có chị ruột là Diên vì em dứt khoát định cư ở Mỹ. Thực ra chưa nói chuyện với Diên anh cũng đã biết ý em rồi".

Lá thư đề ngày 18 tháng 7 năm 1987 viết từ Lausane, gởi đến Bataan, Philippines.
"Dinh ơi, em không nói gì với anh hết, nhưng anh vẫn không yên lòng khi nghĩ tới người đàn ông đó. Hay là em thử thực tế một lần, thử cân xem tình yêu của Kiên đem đến có nặng bằng những nước mắt cay đắng và phiền muộn mà em phải trải qua? Mỗi người có một nửa phải đi tìm. Có những cuộc tìm nhầm, gây ra những đỗ vỡ mất mát, đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Anh không biết nói gì với em hơn, là “Hãy cẩn thận, Dinh thương!” Anh mong em có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, không sóng gió, không có những hệ lụy của quá khứ phía bên kia làm cho dần dà đau khổ… Nhưng tâm hồn em phong phú quá nên anh e ngại rằng cuộc sống không đem đến cho em chỉ những điều đơn giản."

Lãm tiếp tục gởi cho Dinh những món quà nhỏ, những chăm sóc ân cần lúc cô đã vào Mỹ định cư. Khi Dinh làm lễ cưới với Kiên sau mười năm nuôi cái tình yêu của cô một cách vất vả, cùng một lúc, mẹ cô, các chị, và Lãm thôi không liên lạc nữa.

Theo tháng ngày, nỗi bực dọc cũng phai nhạt, mối liên lạc giữa Dinh và gia đình dần trở lại tốt đẹp. Trong lần nói chuyện với Diên trước ngày về Saigon, Diên bỗng kể, “Chắc Dinh không biết đâu, anh Lãm lấy vợ đầm rồi cũng divorce. May mà không có con… nhưng lo chia của thôi cũng đủ mệt. À, ảnh hỏi thăm Dinh hoài…” Dinh vội vã, “Chị Diên, đừng kể gì chuyện em hết nghe.” Diên chép miệng, “Biết rồi!” Sau đó Diên nói gì nữa Dinh không để ý, chị ậm ự cho xong và gác phone. Dinh mãi thầm thì một mình. Mỗi người có một nửa phải đi tìm. Có những cuộc tìm nhầm, gây ra những đỗ vỡ mất mát, đau đớn về thể xác cũng như tinh thần… Anh Lãm, anh mà cũng như thế sao?

Nước mắt đầy ứ, Dinh đứng lặng bên lề đường. Cột trụ xi măng ngày xưa có lớp vôi bạc màu điểm chút rêu xanh vì mưa nắng, giờ thay vào bằng lớp đá hoa cương màu đen bóng lộn. Số nhà—hai con số nhỏ—màu vàng chóe nằm vênh váo trên nền đá đen kia. Sàn xi măng đã thay cho sân sỏi. Cánh cổng cũ xưa kia uốn lượn một vòng cung thanh nhã, giờ thay bằng một cánh cổng nặng nề thô tục. Cây ngọc lan bị chặt cụt ngang thân, không hoa không lá. Bên kia đường cũng lại quán ăn quán nhậu. Cái gờ xi măng viền dọc cổng phía bên ngoài không còn nữa, chỗ Dinh đã ngồi bệt một ngày năm mười lăm tuổi. Dinh thầm kêu, anh Lãm, anh Lãm, tan nát hết rồi, thành phố của chúng ta, tuổi thơ của em, thời trai trẻ của anh, và cả cuộc hôn nhân đầy thất bại của em nữa. Hai mươi ba năm rồi kể từ ngày ngôi nhà này thuộc về kẻ khác, có bao giờ anh trở về đứng trước nhà anh, nhà em, trong một buổi hoàng hôn, để nghe kỷ niệm thức dậy, để thấy nỗi chênh vênh nơi đời mình, và những thất tán những chia lìa như vết dao đâm vào ngực?

Ngày hôm sau khi loanh quanh trong phi trường Taipei cùng con gái đợi chuyến bay trở về Los Angeles, có một lúc tình cờ Dinh nhìn thấy một góc thành phố phía bên ngoài, vào giờ tan sở. Mấy con đường thật sạch và trật tự, vài chiếc SUV chạy thong thả. Mặt trời đang dần lặn xuống, đỏ rực. Dinh thèm thuồng nhìn con đường sạch sẽ yên tịnh đó, ước gì nó là một phần của thành phố quê hương nơi chị vừa rời xa. Đoạn văn của Marie Noel mấy mươi năm rồi bỗng trở về trong trí Dinh.
"Quand j’ai vingt ans et que je voyageais vers le soir, le train traversait les villages, entre les maisons dont chacune avait la lampe et la fumée. Dans chacune était un amour, un merveilleux bonheur caché qui s’enfermait seul dans la nuit.
Et je passais, le coeur gros, appelant la maison de la terre où seraient un soir mon amour, ma lampe et la fumée à moi.
Mais nulle maison ne m’attendait.
Et maintenant quand je passe, à la nuit tombante, entre les maisons rangées au bord des vieux pays, je sais ce que la lampe éclaire.
Là, une fatigue sans repos
Là, une douleur sans sommeil
Là, un soucis
Là, un combat
Là, une querelle
Là, une maladie
Là, la mort
On peut trouver cela partout, sans demander rien à personne."
Giữa chiều tà, ở một nơi xa lạ, đoạn văn đó làm Dinh buồn rầu vô kể.

“Sisters?” “No, mother and daughter!” Người Mỹ da nâu đen, cười rộng miệng khoe hàm răng trắng bóng, cầm hai cái passports, scan ở computer, lật xem sơ, đóng dấu cộp cộp và chìa trả lại, “Welcome home!” Con gái cười tươi từ lúc nghe ngưòi đàn ông hỏi đùa có phải chị em, cho tới lúc nhận lại passport, nói hai chữ cám ơn. Nó như con cá được thả trở vào nước. Đi vài bước, quay sang trao cho Dinh cái nhìn đầy ý nghĩa, con gái lập lại lời người đàn ông, “Mẹ, welcome home!”

Buổi tối đầu tiên trở lại nhà, Dinh không ngủ được mấy vì đã quen phần nào giờ giấc trái ngược bên Việt Nam. Dinh thao thức nhớ tiếng dép kéo lệt xệt của bố mẹ chị, mùi cà phê, tiếng cào lá, tiếng nước tưới rào rào trên cây… Những mùi thơm, những âm thanh đó, bắt đầu cho một ngày khi trời vừa mờ sáng. Chúng đều đặn lập đi lập lại suốt cuộc đời bố mẹ Dinh, chúng khiến lắm khi Dinh có cảm giác thời gian đã ngừng lại từ mấy chục năm qua, đàng sau cánh cổng không còn màu xám nữa .
Dinh nghĩ tới Trang, tới một lá thư sẽ viết nay mai gởi bạn.

Trang ơi, người ta thường nói có đi, có về, thế là một chu trình được khép kín. Nhưng với Dinh vòng tròn đi-về kia mãi mãi là một nét vẽ đứt đoạn rối rắm, cũng như hạnh phúc mãi hoài là một cái bóng nhảy nhót loạn xạ trong đời sống của Dinh.

May 2007
Trần Thúy Phương


(Đã đăng trong Đặc san Gia long Hạnh ngộ 2007)