Sức khỏe:

thuốc men, ăn uống, kiêng cử… đúng, sai ?

Nguyễn thị Cỏ May

Đúng vào đầu tháng 5/2015, một quyển sách nhỏ « Sức Khỏe Của Bạn », giá bán khá mắc, 17e 95, vừa được nhà Michel Lafont xuất bản và phát hành. Trong quyển sách, Giáo sư Y Khoa Didier Raoult của Đại Học Y khoa Marseille, Pháp, nêu lên một số điều đúng và sai lầm nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe của chúng ta. Ông phê phán truyền thông loan tin về bịnh, về thuốc men, về cái gì nên, cái gì không nên, thường nói dối. Nguồn tin hoặc từ chánh quyền hoặc từ những nhà bào chế. Chánh quyền y tế ở Pháp không phải là những người chuyên môn mà là những người làm chánh trị. Như các thứ chích ngừa, muối, đường, thuốc đau nhức hạ sốt, đường hóa học, wi-fi, ánh nắng mặt trời khi phơi nắng, thuốc chống trầm cảm… cái nào thật sự có hại nên tránh, cái nào vô hại mà trước giờ ta kiêng cử do báo chí đưa tin không đúng.
Lời cảnh báo của Giáo sư Didier Raoult sẽ làm thay đổi tập quán tìêu dùng và kiêng cử của chúng ta. Và nhờ đó sẽ làm cho chúng ta có thể an tâm hơn.

Giáo sư Didier Raoult
Giáo sư Didier Raoult là nhà vi trùng học của Pháp, là một trong mười người đứng đầu của thế giới có nhiều công trình nghiên cứu phổ biến và được giới khoa học đọc và trích dẪn. Ông cũng viết nhiều bài báo và sách về khoa học.
Quyển sách mới nhứt của ông «Sức khỏe của bạn» đang gây phản ứng sôi nổi trong dư luận độc giả và cả chánh quyền y tế Pháp. Ông làm việc để chống lại bịnh truyền nhiễm, đồng thời cũng chống luôn bịnh truyền nhiễm của truyền thông. Năm 2004, ông phản đối việc thế giới mua thuốc chủng chích ngừa dịch cúm gia cầm vì báo chí loan tin siêu vi khuẩn H5N1 truyền nhiễm qua người. Điều đáng buồn của con người, theo ông, không phải biết bịnh, sợ bịnh bằng sự thể nghiệm mà qua truyền thông. Ngay lúc cúm gia cầm đang hoành hành, ông viết một quyển sách nhỏ thông báo về đặc tính bệnh này và chỉ muốn in chừng 2000 quyển. Liền sau đó, có người cũng trong giới chức y khoa, cho xuất bản một quyển sách báo động thế giới sẽ chết vì bịnh này và bán được 200000 bản.

prof. raoult
Le professeur Didier Raoult, virologue, pose le 16 décembre 2009, dans son bureau à l'Université de Médecine d'Aix-Marseille 2

Ông có tham vọng biến Nhà thương và trường Đại học ở Marseille, nơi ông đang làm việc (Viện vi trùng học) trở thành một Trung tâm nghiên cúu xuất sắc của thế giới chuyên về những bịnh truyền nhiễm như bịnh lao, sốt rét, sida… đang hoành hành các nước nhiệt đới nghèo Á-Phi. Những bịnh dịch này hàng năm đang giết hại 17 triệu nhơn mạng trên thế giới.
Sự tận tân, tận lực và thành quả nghiên cứu thu đạt được đã đem lại cho ông phần thưởng cao quí «Bảo quốc Huy chương (Légion d’honneur)» do Chánh phủ Pháp trao tặng.
Nhưng Giáo sư Didier Raoult, người nổi tìếng cả thế giới, có bề ngoài như thế nào? Đây là điều đã làm cho những người mới gặp ông lần đầu, như nhà báo Violaine de Montclos của tuần báo Le Nouvel Observateur, số cuối tháng 4/2015, không khỏi không chú ý. Vừa ngạc nhiên, vừa thích thú.
Không thú vị sao được khi nhà báo viết để mô tả bề ngoài của ông "… người tiếp chúng tôi giống bất kỳ người nào, ngoại trừ một vị Giáo sư Y khoa khả kính. Ông để tóc dài chấm vai, bạc trắng, mặc chiếc quần bò (jean) bó sát người giống như bao nhiêu người quen thuộc khác, ở ngón áp út, mang chiếc nhẫn hình đầu lâu. Nhìn bề ngoài như cow-boy, thử hỏi ai dám tin ông là một Giáo sư Y khoa nổi tiếng thế giới và đang điều khiển một Trung tâm lớn nhứt về bịnh truyền nhiễm của Pháp ở Marseille (IHU Méditerranée)".
Ông nổi giận khi phê phán những bản tin báo động, vô căn cứ và mâu thuẫn của các cơ quan Y tế của chánh phủ đã làm cho nhiều người sợ hãi, để tránh bịnh, ăn rau cải, không dám ăn thịt cá trong lúc đó lại ăn nhiều muối, nhiều mỡ, nhiều đường, uống nhiều thứ độc hại như thuốc chống trầm cảm, an thần, thuốc chống đau nhức, hút thuốc lá...

Cử kiêng: cái nào đúng, cái nào sai?
Giáo sư Didier Raoult cho nhà báo biết nghề nghiệp của ông là chống bịnh truyền nhiễm nhưng ông cũng chống kịch liệt bịnh truyền nhiễm truyền thông. Ông giải thích : khi có một thứ bịnh lạ, bất thường, xảy ra ở đâu đó trên thế giới, lập tức chúng ta sẽ được báo tin về chứng bịnh đó. Dĩ nhiên chúng ta sẽ bị nguồn thông tin đó «khủng bố» như mọi thứ sẽ phủ lên chúng ta y như dân chúng ở nơi xa xôi đó đang bị bịnh hoành hành vậy. Ông khuyên trong trường hợp này, nên bình tĩnh và nhận định kỹ. Có những cái nguy hiểm được kiểm chứng và thống kê rõ ràng nhưng chúng ta lại coi thường trong lúc đó có những cái bị truyền thông khai thác làm cho mọi người lo sợ tưỏng như sắp chết đến nơi nhưng lại không thật sự nguy hiểm đến như vậy.
Theo ông, về Y tế, mọi chuyện tiên đoán bịnh thiên thời sẽ xảy ra mà dựa trên chuyện đã xảy ra rồi đều không thể đúng được vì chúng ta sống trong hệ thống môi sinh thay đổi không ngừng. Một thứ bịnh đã đến rồi thì không bao giờ trở lại nữa. Bằng chứng là những thứ như Sras, cúm gia cầm, siêu vi khuẩn N1N1 không bao giờ tái xuất hiện.
Vậy, điều quan trọng là chúng ta nên biết thứ gì nên tránh, thứ gì nên giữ cho đời sống hằng ngày.

Những thứ quen thuộc và hại
Thuốc bổ, thực phẩm chức năng, vitamin, khoáng chất, lợi bất cập hại
Các loại thuốc trị sốt, đau nhức đều có hại. Như aspirine nếu dùng quá 10g/ngày rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người. Nó gây ra sự xáo trộn thần kinh hệ mà liều lượng nguy hiểm lại bằng với liều lượng phải dùng trị bịnh. Trong trường hợp bị sốt nặng, dùng aspirine trong 3 ngày, mỗi ngày 3g. Trái lại, sẽ nguy hiểm nếu dùng thường xuyên từ 5, 6g/ngày và người xử dụng sẽ bị yếu gan.
Thứ trị sốt và đau nhức khác như paracétamol cũng nguy hiểm không kém nếu lạm dụng. Ít ai biết nó gây tử vong hằng trăm người hàng năm tại Pháp.
Muối là thứ cực kỳ nguy hiểm vì nó là kẻ thù thứ 3 của sức khỏe của chúng ta, sau thuốc lá và đường. Ăn nhiều muối thường gây ra bịnh tim mạch và cả mầm ung thư bao tử. Theo kết quả những nghiên cứu phổ biến gần đây, thì muối chỉ nên dùng 2g mỗi ngày. Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới cho phép 6g/ngày. Nhưng muối có mặt nhiều trong các thức ăn hàng ngày của chúng ta nên khó kiểm soát để hạn chế.
Thuốc lá, khỏi nói, ai cũng biết là nguy hiểm cho sức khỏe nhưng đã ghiền thì việc bỏ hút không phải đơn giản.
Theo Giáo sư Didier Raoult, thuốc lá gây ung thư cho 17 chỗ khác nhau trên cơ thể con người. Cả ung thư máu và trong một số trường hợp, ung thư vú. Ở Pháp, mỗi năm, có 73000 người chết do thuốc lá trong đó, có 44000 người vì ung thư mà nguyên nhơn do thuốc lá gây ra. Số tử vong vì ung thư do thuốc lá ngày càng gia tăng. Số đàn ông chết đứng lại trong lúc đó phụ nữ chết đang tăng mạnh. Pháp là nước tiêu thụ thuốc lá nhiều nhứt Âu châu, chiếm 34% dân số. Có đề nghị dành cho người bỏ hút thuốc lá không phải trả 50 euros cho Pharmacie/năm (hiện 50 euros bị trừ trên số tiền bảo hiểm sức khỏe trả lại bịnh nhơn).
Hút thuốc lá không khác gì chạy ngược chiều trên xa lộ với tốc lực 140 km/giờ. Nghĩa là chỉ có ½ may mắn thoát chết mà thôi.

Ngày nay, có nhiều thầy thuốc cho rằng bịnh cảm cúm không cần dùng tới trụ sinh. Tự nhiên nó sẽ khỏi khi siêu vi khuẩn sống hết chu kỳ sẽ chết. Người bị nhiễm liền lành bịnh.
Giáo sư Didier Raoult cho rằng không nên quá ỷ lại mà phải nghĩ đến những bìến chứng khi bị cảm cúm nên vìệc dùng trụ sinh vẫn rất cần thiết và quan trọng.

Những điều cử kìêng không đúng, nên thay đổi
Đi nghỉ hè, phơi nắng thật sự không nguy hiểm như những thông tin trước giờ. Tuy nhiên, với em bé nhỏ, da trắng, nên tránh ánh nắng rọi thẳng vào em. Da vàng như Việt nam và da đen, thì chỉ có nắng sợ chớ người không sợ nếu không sợ đen mất vẻ đẹp mỹ mìều. Vì da màu, chính cái màu ở da là thứ “ấp chiến lược” cực kiên cố, nắng không bắt được, bị tạt ra ngoài.
Những thứ tham dự vào đời sống hằng ngày của chúng ta mà trước giờ do thông tin chúng ta sợ. Nay, theo xác định của Giáo sư Didier Raoult, nói lại cho rõ: chích ngừa cúm hằng năm vào đầu mùa lạnh không cần thiết, làn sóng điện tử, wi-fi, trò chơi video của trẻ con đều không nguy hiểm, đường Aspartame dành cho người cử đường vô hại, trò chơi kích thích não để tránh bịnh lú lẩn Alzheimer là không đúng vì không hiệu quả.

Sau cùng, một thứ cực kỳ quan trọng vì nó có chức năng nâng cao nhơn quyền các ông, bị các thầy thuốc ảnh hưởng thông tin sai lạc ngăn cấm hay khuyên không nên. Thứ đó là nước nho lên men từ 12°. Màu đỏ, hồng, trắng, đều tốt cả. Tên gọi chung là VIN.
Vị Giáo sư khả kính Didier Raoult ở Đại học Y khoa của Marseille nói rõ “UỐNG ( Tây nói “uống ” – boire, có nghĩa là uống bia hoặc vin, không phải uống nước lả) làm gia tăng tuổi THỌ”. Hiểu thêm là người nào không “UỐNG” thì không cách chi có thể tăng tuổi thọ được cả. Biện chứng khoa học.
Năm 2011, có một nghìên cứu phân tách cả 100 công trình nghiên cứu thực hiện trước đó dẫn đến kết
“rượu chát VIN là yếu tố chủ yếu làm gia tăng tuổi thọ con người”.
Mỗi ngày, uống 4 ly nước nho lên men từ 12° - 13°, nghĩa là có 40g rượu (alocool) sẽ sống thọ hơn những ngưòi không uống hoặc kiêng cử. Bảo đảm !
Thế mà Viện Quốc gia Ung thư Pháp lại nói vin là mầm mống gây bịnh ung thư ngay từ giọt đầu tiên. Nghĩa là cơ quan y tế của chánh quyền muốn ngăn cấm dân Pháp uống rượu, ngay cả 1 ly cũng không được.
Giáo sư Didier Raoult cho rằng lập luận đó để cấm uống rượu là hoàn toàn trừu tượng vì nó đi ngược lại với những kết quả nghiên cứu khoa học.
Tại sao có ngịch lý đó? Trong dân chúng có những bịnh nhơn ung thư vì những nguyên nhơn khác nhau như thuốc lá, môi trường nhiễm độc… mà những người này có uống rượu nên Viên Ung thư công bố mà không phân biệt tách bạch nguyên nhơn.
Điều quan trọng nữa là trong sinh học không có ngưỡng cửa an toàn (seuil de sécurité). Uống 4 ly/ngày là gia tăng tuổi thọ. Nhưng ly bao lớn? một chai VIN có 75 ml, rót ra 6 ly, 4 ly và 2 ly cũng được.
Người giỏi toán và thông minh dĩ nhiên sẽ chọn 2 ly/chai và ngày chỉ uống 4 ly đúng theo lời khuyên của bác sĩ !
Xin đừng bao giờ quên lời dạy của Giáo sư Didier Raoult ở Marseille là VIN làm tăng tuổi thọ !

Nguyễn thị Cỏ May

 

Đăng ngày 20 tháng 05.2015