Giá dầu và người tị  nạn Syria

Hiện nay có hai sự kiện nổi bật gây sự chú ý của quần chúng. Đó là giá dầu và người tỵ nạn chiến tranh Syria.

Vào thời gian này năm ngoái, giá một thùng dầu khoảng 115 Mỹ kim. Hiện nay giá này hạ xuống còn khoảng 50 Mỹ kim. Với người lái xe, giá cả này được chuyển thành $2.65; giá trung bình cho một gallon xăng. Vài năm trước giá xăng đã lên cao đến gần 5 Mỹ kim cho một gallon. Giá cả hạ còn một nửa như thế khiến người tiêu thụ cảm thấy vui mừng.

Lý do của tình trạng sụt giá xăng dầu này thật ra rất giản dị. Nó bắt nguồn từ luật cung cầu trong nền kinh tế. Thông thường khi cung vượt cầu hay cầu giảm so với cung, tự nhiên giá cả sản phẩm sẽ giảm đi. Ngay cả khi cung vẫn giữ nguyên mức nhưng cầu sụt giảm, giá sản phẩm cũng giảm theo. Đó là tình trạng sản xuất và tiêu thụ dầu và hệ quả giá dầu hiện nay.

Các lý do giải thích cho hiện tượng này, theo New York Times, gồm có:

Về phương diện cung: Tại Hoa Kỳ sản xuất nội địa đã tăng gấp đôi trong sáu năm qua. Hoa Kỳ từng là nước nhập cảng dầu từ Saudi Arabia, Nigeria và Algeria. Thế nhưng vì Hoa Kỳ đã có thể tự sản xuất dầu và vì thế không cần mua dầu của các nước vừa kể, cho nên số dầu ấy đã đươc chuyển qua các thị trường Châu Á.

Cũng tại Hoa Kỳ, trong các năm vừa qua, nhằm mục đích kinh doanh, cung ứng thêm dầu cho thị trường nội địa, và nhất là để giảm thiểu sự lệ thuộc vào nhập cảng, các công ty dầu khí đã áp dụng phương pháp dò tìm và khai thác dầu phiến đá. Nói tổng quát, đây là cách thu hút dầu nằm sâu dưới mặt đất, giữa các phiến đá. Công ty dầu phải đầu tư hàng tỉ cho kỹ thuật tối tân này. Loại dầu này góp phần vào việc gia tăng sản lượng dầu của Hoa Kỳ.

Thời gian chưa kéo dài được bao lâu, giá dầu thế giới giảm, dầu thu hoạch bị giảm giá bất ngờ, kết cục chi nhiều hơn thu khiến một số công ty không thể tiếp tục hoạt động được. Trong tương lai khi giá dầu vọt lên trở lại, các công ty ấy sẽ tái tục việc khoan dầu phiến đá này.

Về phương diện cầu: Nền kinh tế của Âu Châu và các nước đang phát triển bị yếu dần và các xe hơi được được chế tạo sau này đã tiêu thụ ít xăng hơn.

Ngoài ra, việc hạ giá tiền tệ của Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy nền kinh tế của một nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới có thể còn tệ hơn người ta tưởng.

Các nước bị thiệt hại vì sự giảm giá dầu gồm có: Venezuela, Iran, Nigeria, Ecuador, Brazil, và Nga. Hệ quả bao gồm cả về kinh tế lẫn chính trị.

Riêng tại Hoa Kỳ, các tiểu bang sau đây bị ảnh hưởng: Alaska, North Dakota, Texas, Oaklahoma, và Louisiana.

Muốn giá dầu lên lại, một trong các điều mà các nước sản xuất dầu có thể làm là điều chỉnh số cung. Thế nhưng Tổ Chức Các Nước Sản Xuất Dầu - Cartel of Oil Producers (OPEC) - đã không chấp nhận làm việc ấy. Lý do họ viện dẫn là, sở dĩ họ không sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường mà số cung đang bị dư thừa là vì làm như thế họ bị mất đi một phần thị trường, và về sau có muốn lấy lại sẽ không dễ dàng gì. Nói cách khác, nước khác chiếm mất một phần thị trường, về sau tình trạng khá lên, họ khó mà chiếm lại được. Họ quyết định tiếp tục duy trì mức sản xuất như cũ. Mà sự từ khước này đã được OPEC thể hiện tại cuộc họp tại Vienna vào năm 2014. Chỉ có ba nước muốn giảm mức sản xuất là Venezuela, Iran và Algeria. Còn Saudi Arabia, Liên Hiệp Các Tiểu Vương Ả Rập (UAE) và các nước đồng minh vùng vịnh không muốn giảm. Không những thế, một nước duy nhất làm ngược lại, bơm nhiều dầu thêm, là Iraq.

Nếu để ý ta thấy trong số các nước bị thiệt hại có Nga và Iran. Hai nước này dự thảo ngân sách dựa trên giá dầu 115 Mỹ kim một thùng. Giá xuống còn một nửa sẽ khiến nhiều chương trình phát triển bị ảnh hưởng. Không có đủ tiền họ khó làm được điều họ muốn lắm; nhất là phát triển quốc phòng và võ khí. Từ việc này tin đồn phát sinh. Giảm giá dầu là âm mưu toa rập giữa Hoa Kỳ và Saudi Arabia để làm hại Nga và Iran.

Hoa Kỳ và Saudi Arabia đều có cùng chủ trương hạ bệ Tổng Thống Assad của Syria. Mà nước ấy lại là đồng minh của Nga tại Trung Đông. Hoa Kỳ và Saudi Arabia cũng chẳng ưa gì Iran, một nước hiếu chiến, có âm mưu chế tạo võ khí hạt nhân và tham vọng bá chủ trong vùng; một nguy cơ cho đồng minh Do Thái của Mỹ và cho chính vương triều Saudi Arabia. Hoa Kỳ và Liên Âu đang trừng phạt kinh tế Nga vì nước ấy xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine. Biện pháp này cũng được áp dụng đối với Iran vì chương trình chế tạo hạt nhân của nước này. Cho nên người ta ngờ rằng Hoa Kỳ và Saudi Arabia dùng dầu để làm suy yếu đi kinh tế của Nga và Iran nghe rất hợp lý.

Tuy nhiên, đó chỉ là giả thuyết mà chưa có bằng chứng cụ thể. Quan hệ Hoa Kỳ và Saudi Arabia không còn mặn nồng như nhiều năm trước nữa. Vả lại các công ty dầu của Mỹ thuộc về tư nhân, độc lập với chính phủ. Việc giá dầu giảm ảnh hưởng đến thu nhập của họ và khiến họ mất rất nhiều tiền. Hậu quả còn là việc giảm hoạt động và sa thải nhân viên. Cấp lãnh đạo công ty còn chịu áp lực của cổ đông. Vì thế chính phủ Mỹ xen vào gây ảnh hưởng thất thoát tài chánh cho các hãng dầu và cổ đông của họ không phải chuyện dễ dàng đâu. Có lẽ đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi.

Chuyện Hoa Kỳ và Saudi Arabia làm mọi cách để đẩy Tổng Thống Assad ra khỏi quyền lực không dễ dàng gì vì sự can thiệp của Nga. Vì tình trạng chiến tranh tại Syria khởi sự cách nay bốn năm rưỡi vẫn tiếp diễn cho nên dân chúng Syria đã phải tìm cách đi tỵ nạn ở các nước lân cận cho tới các nước xa. Bỗng nhiên mấy tuần nay con số vượt đường bộ và đường biển của người Syria tăng lên đến mức kỷ lục chưa từng thấy, vuợt quá khả năng tiếp nhận của nhiều nước. Có nước đã đóng cửa biên giới, không muốn nhận thêm người tỵ nạn Syria nữa.

Cộng Hoà Ả Rập Syria là một quốc gia nằm ở Tây Á (Western Asia), được độc lập từ tay người Pháp vào tháng 4 năm 1946. Syria bao quanh bởi Lebanon và Địa Trung Hải về phía tây, Thổ Nhĩ Kỳ về phía bắc, Iraq về phía đông, Jordan về phía nam và Do Thái về phía tây nam. Syria bao gồm bình nguyên, núi đồi và sa mạc. Diện tích vào khoảng 186 ngàn cây số vuông với một dân số gần 23 triệu. Chủng tộc và tôn giáo bao gồm Alawite, Sunni, Christian, Armenian, Assyrian, Druze, Kurd và Turk. Arab Sunni chiếm đa số dân nhưng hầu hết giới cầm quyền có gốc Alawite. Tổng Thống nước này là Bashar Assad thuộc về nhóm Alawite. Thủ đô của Syria là Damascus.

Cuộc nội chiến Syria bắt nguồn từ cuộc vùng lên trong khối Ả Rập. Vào năm 2011 khởi sự chỉ là một cuộc biểu tình nhỏ ở một thị trấn. Cảnh sát và quân đội ra tay can thiệp. Một số thường dân bị thương vong. Nội chiến phát sinh và lan ra nhanh chóng. Tổng Thống Assad là một nhà độc tài, và để ổn định tình hình và duy trì quyền lực, ông ta sử dụng bất cứ phương tiện nào để đàn áp và tiêu diệt phiến quân. Ông ta đã dùng cả võ khí hóa học nhiều lần để giết dân. Liên Âu, Hoa Kỳ và các nước Ả Rập phản đối, Assad bất chấp. Những nước sau này bắt đầu yểm trợ võ khí và phương tiện cho phiến quân. Sau lưng Assad có Nga chống đỡ cho nên ông ta không nao núng. Có người gọi đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Thế rồi bất ngờ có một nhóm tự xưng Nhà Nước Hồi Giáo Iraq và Syria (The Islamic State of Iraq and Syria) nổi lên đánh phá cả Iraq lẫn Syria. Riêng tại Syria, nhóm này chiếm hết gần một phần ba lãnh thổ. Mà trong đó có nhiều mỏ dầu. Nguồn lợi của nhóm là từ dầu và từ tiền chuộc do bắt cóc con tin. Cái nhóm này đã bắt nhiều con tin của các nước, bất kể Âu hay Á. Muốn chuộc mạng con tin các nước phải trả tiền. Nhiều nước phải nhương bộ. Có tiền nhóm này đi mua võ khí và chiêu mộ binh mã. Có rất nhiều người Âu Châu nghe lời thuyết phuc của nhóm này đã tình nguyện nhập bọn. Nhóm này rất mạnh về quân sự, không sợ chết, và rất dã man. Tù binh do ho bắt được đều bị hành quyết và được quay phim. Đây là nhóm Sunni dưới trướng của Saddam Hussein bên Iraq. Sau khi lãnh tụ bị Hoa Kỳ bắt được và hành hình nhóm này ngồi lại với với ý định phục hoạt không phải là như trước kia mà còn có tham vọng lớn hơn, bao trùm địa bàn nhiều nước Trung Đông, nổi bật nhất là Iraq và Syria.

Chính phủ Assad vừa phải đương đầu với phiến quân do Hoa Kỳ và các nước yểm trợ, vừa phải đối phó với ISIS mạnh như thế cho nên Syria đang có nguy cơ sụp đổ. Trong thời gian vừa qua phi cơ hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều phi vụ không kích nhóm ISIS. Ấy thế mà lực lượng của họ chưa bị thiệt hại nặng. Có người bảo là ISIS dùng người tỵ nạn làm lá chắn. Phiến quân cũng từng bị ISIS đánh cho tan nát. Tình trạng xem ra phức tạp. Cả ba thế lực hiện diện chống chọi lẫn nhau; quân của Assad, phiến quân và ISIS. Phiến quân không thể đương cự một mình với Assad hoặc ISIS. Mỹ diệt ISIS thì Assad được lợi mà theo ý của Mỹ ông này phải ra đi.

Tình hình biến chuyển không ngờ. Nga bỗng nhiên xuất hiện. Họ nhảy vào cuộc để cứu nguy cho Assad. Nga vừa cho chở đến Syria phản lực cơ chiến đấu, trực thăng võ trang, xe tăng, trọng pháo, các loại súng đạn cùng một đoàn cố vấn. Nga bảo họ sẽ đem bộ binh vào Syria khi nhu cầu đòi hỏi. Phen này thì phiến quân do Mỹ hậu thuẫn có đường ăn bom không những từ phi cơ Syria mà còn từ phản lực của Nga nữa. Phía Mỹ có vẻ như đang ở trong tình trạng dò xét. Gần đây Mỹ tăng cường huấn luyện cho phiến quân và trang bị thêm cho họ trong đất Thổ Nhĩ Kỳ rồi cho họ vượt biên giới tham gia tấn công ISIS, con số thật khiêm nhường. Xem ra nhóm nhỏ như vậy không là đối thủ đáng kể đối với Assad lẫn ISIS.

Tình hình chiến sự trở nên khốc liệt. Phía chính phủ gia tăng oanh kích phiến quân. Dân lành ùa nhau tháo chạy. Họ tiến ra bờ biển Địa Trung Hải, già trẻ lớn bé đi tỵ nạn bằng đường biển lẫn đường bộ, tiến dần theo hướng tây bắc, tới Hy Lạp. Người nào đi tiếp thì đến bán đảo Balkans. Họ đi tiếp, qua Croatia, đến Hungary. Có người đi tiếp được bằng xe lửa thì đến đươc Đức. Trong cuộc hành trình vượt biên nhiều người tỵ nạn đã gặp thảo khấu, chịu nhiều khổ nạn, có người mất mạng dọc đường hay vào lúc đến được bến bờ. Nhiều thảm cảnh đã xảy ra.

Cuộc nội chiến Syria khiến cho 11 triệu người mất nhà mất cửa; gần một nửa dân số của nước này, làm cho 350,000 người chết và hàng triệu người bị thương.

Số người Syria tỵ nạn chiến tranh ở các nước lân cận và Âu Châu và các nước khác lên tới hơn 4 triệu trong đó Thổ Nhĩ Kỳ có gần 2 triệu, Lebanon trên 1 triệu, Jordan 629,000, Iraq 249,000, Egypt 132,000. Nước Đức nhận được 98,700 đơn xin tỵ nạn. Nước này dự trù nhận 800,000 người năm nay và các năm sau mỗi năm 500,000 người. Thụy Điển nhận được 64,700 đơn, Pháp 6,700, Anh 7,000, Đan Mạch 11,300, Hungary 18,800. Ngoài ra, trong 4 năm nay các nước khác có nhận đơn xin tỵ nạn, bao gồm: Spain 5500, Hoà Lan 14100, Áo 18600, Thụy Sĩ 8300, Bulgaria 5000. Canada nhận định cư cho 10.000 người cho tới tháng 9 năm tới. Úc 12.000 người. Hoa Kỳ đồng ý nhân 10.000 người cho năm nay, 85.000 cho năm 2016 và 100.000 cho năm 2017.

Lý do người Syria đi tỵ nạn đông đảo như thế là để tránh bom đạn. Một số các nước Âu Châu đang gặp tình trạng dân chúng lão hóa và sinh sản ít thì đây là cơ hội giúp gia tăng dân số. Thế nhưng cũng có nguy cơ đi kèm. Những người tỵ nạn này có nguồn gốc, văn hóa, tôn giáo khác biệt. Ngoài ra, không ít người thuộc thành phầm cuồng tín. Tổng Thống Lebanon đã báo động cho nước Anh biết để đề phòng là trong số người tỵ nạn sang Anh có khoảng 2 phần trăm là thành phần khủng bố. Đây cũng là điều đáng lo ngại cho an ninh quốc gia không riêng gì đối với Anh quốc mà còn đối với các nước có nhiệt tâm giúp đỡ người tỵ nạn chiến tranh. Có lẽ để tránh thảm trang có thể xảy ra này các nước Ả Rập đã quay lưng với người tỵ nạn. Họ nêu lý do là họ không có ký kết vào hiệp ước tỵ nạn 1951 của Liên Hiệp Quốc. Chỉ độc nhất có một nước là Liên Hiệp Các Tiểu Vương Ả Rập (UAE) bấy lâu nay đã từng nhận vào nước họ 250.000 người. Riêng Iraq đã có hơn 3 triệu người rời xứ để tỵ nạn ISIS.

Nhóm ISIS kêu gọi người Syria ở lại nhưng không có hiệu quả. Vẫn biết là chiến cuộc leo thang mãnh liệt và để tránh chết chóc người Syria phải bỏ nước ra đi để lánh nạn, nhưng dẫu sao cũng có điều đáng ngờ. Tại sao con số tỵ nạn vọt nhanh kinh hoàng như thế, và lại vào đúng thời điểm Nga đưa võ khí và người vào Syria?. Phải chăng đây là món quà mà Putin và Assad muốn tặng cho Liên Âu, đồng minh và các nước khác, mà hậu quả sẽ là xáo trộn kinh tế, xã hội và có thể cả tôn giáo nữa, để đáp lại các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Liên Âu và Hoa Kỳ đã và đang áp dụng đối với Nga và đòi hỏi Assad phải ra đi như là một giải pháp cho Syria? Có nhiều người Syria tuy mang danh nghĩa tỵ nạn nhưng qua cung cách, hành động và đòi hỏi không phản ảnh tinh trạng người tỵ nạn tí nào, khiến cho các nước tiếp nhận và công chúng khắp nơi cảm thấy bất mãn và nảy sinh ác cảm.

Nguyễn Văn Huy
  20/9/2015

http://www.quocgiahanhchanh.com