ÂN SƯ TRONG ĐỜI

thuy lien
Trần Thùy Liên

Một ngày lập đông, một người bạn gởi cho tôi bài anh viết chân thành tri ân những người thầy trong đời anh nhân ngày lễ Hiến Chương Nhà Giáo ở Việt Nam, hình như là ngày 20 tháng 11. Nếu chỉ chọn một ngày để tri ân những thầy cô đã uốn nắn tâm hồn, tri thức từ thời tiểu học đến giờ thì hình như cả một đời tri ân vẫn chưa đủ, phải không bạn?

Người xưa có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", mà những ân sư trong đời tôi không phải chỉ dạy chữ nghĩa mà còn dạy cung cách làm người. Làm sao tri ân hết những cô giáo của thời non dại chập chững cắp sách đến trường, được học không những tri thức mà còn công dân giáo dục, học chữ "NHÂN" bằng bài thuộc lòng "thương người như thể thương thân"; học chữ "HIẾU" khi nhìn cô bưng chén cơm hầu mẹ già. Tuổi mới lớn, từng vạt áo dài, mảnh áo lót, cách ăn nói, đi đứng cũng được các cô giáo sư, giám thị ở Gia Long chăm chút xét nét cẩn thận. Con gái không được xử dụng ngôn ngữ "mày tao", con gái không được gác chân chữ ngũ, con gái không được mặc áo lót dây, con gái không đươc... Hằng trăm thứ "không được" được nhồi nhét kỹ càng vào đầu những thiếu nữ tuổi "teen" để chuẩn bị hành trang cho các cô sau này làm một bà mẹ hiền, một nàng dâu thảo , một người chủ gia đình tương lai.

Ngày đó, đám con gái nghịch ngợm còn cột áo dài chơi u giữa sân chơi bụi mù nghe mấy bài giáo dục đó chỉ lắc đầu lè lưỡi chế nhạo sau lưng các cô; tà áo dài mini cắt ngắn bị kêu lại kiểm tra ù té chạy thoát thân, còn vô lớp kể thành tích phi thân cầu thang của mình bỏ bà giám thị ì ạch leo cầu thang đuổi theo một cách khoái trá vô tư.

Ngày ấy điểm hạnh kiểm là món hàng vô giá; bị trừ chỉ nửa điểm hạnh kiểm là một hình phạt cực kỳ nghiêm trọng, vì "có học mà không có hạnh" là một điều không thể chấp nhận được trong một ngôi trường cổ kính danh tiếng tự ngàn xưa. Tự ngàn xưa, các cô giảng cho đám học trò, sở dĩ Gia Long hồi xưa mang tên trường áo tím vì chọn màu áo đó từ đóa hoa violet nở tím rịm, e ấp dưới lá như cung cách kín đáo đoan trang của thiếu nữ Việt Nam.

Ngày đó nghỉ học phải có giấy của cha mẹ xin phép mới được vào học lại; ăn mặc không tề chỉnh bị cho xe hiệu đoàn chở về nhà và cha mẹ phải đích thân mang con tới xin phép sau lần bị kỷ luật mới được nhận vào lớp lại.

Ngày đó chúng tôi lí lắc chọc phá, nhái theo cử chỉ của các cô giám thị, nhại lại những câu các cô chỉ bảo rất ư là vô tư. Vậy mà không ngờ qua bao nhiêu tháng năm sau, những bài học đó đã tiềm tàng trong con người mình tự lúc nào không biết, để một ngày nào đó nghe chính mình lập lại câu nói ngày nào của các cô cho con, cho cháu y chang như cuộn băng được quay lại từng đoạn từng lời...

Rất nhiều khuôn mặt thầy cô đã đi qua đời tôi với bao chăm chút dạy bảo ân cần, nhưng nổi bật nhất vẫn là khuôn mặt của cô giáo lớp năm tiểu học trường Đinh Tiên Hoàng và những cô dạy Việt văn, dạy hội họa ở Gia Long.

Trong những cô dạy hội họa, tôi có nhiều kỷ niệm với cô Minh Nhật và cô Hiếu Hạnh. Năm tháng qua, tôi vẫn nhớ dáng đi của cô Minh Nhật hơi khập khểnh và khuôn mặt hiền hậu của cô. Cô thường nói tôi có năng khiếu về hội họa và rất thích những bản vẽ của tôi. Nếu cô biết được tôi từng làm reo, nhịn ăn với ba để được thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật thay vì Gia Long khi vừa xong tiểu học, chắc cô không còn coi tôi là cô học trò ngoan ngoãn dễ bảo . Sau khi nghe tôi khăng khăng cương quyết thi vào Mỹ Thuật, ba tôi chịu nhượng bộ, cho phép tôi được làm theo ý mình nếu tôi có thể ăn cơm với muối 1 tháng, chỉ với muối không có thức ăn nào khác. Ăn được 3 ngày tôi bỏ cuộc, thu xếp đi học luyện thi đệ thất chuẩn bị thi vào Gia Long. Ba tôi chỉ nhỏ nhẹ nói, nghệ thuật không nuôi được thân đâu con, và cuộc đời họa sĩ chỉ giàu có sau khi qua đời. Tôi học bài học thực tế đầu đời và bỏ mộng làm họa sĩ nhưng vẫn yêu các giáo sư Hội Họa và Văn Chương hơn các thầy cô dạy môn học khác.

Cô Hiếu Hạnh có làn da trắng và giọng nói rất nhỏ nhẹ nhưng ấm áp. Khi bản vẽ của tôi không được chọn làm thiệp xuân của năm lớp 12, cô chỉ cho tôi thấy điểm nổi bật của tấm thiệp được chọn, nhưng bằng cung cách của cô, làm tôi không cảm thấy tự ái, chỉ thấy sự thua sút của mình và tự nhủ phải cố gắng hơn. Cô dạy cho tôi bài học "biết mình, biết người" rất hiệu nghiêm. Từ cô tôi cũng học được phải chấp nhận sự thua kém của mình để cố gắng hơn bằng nổ lực của bản thân chớ không bằng sự ganh tỵ, đố kỵ. Cho đến bây giờ, sau bao nhiêu năm làm việc trên đất Mỹ, tôi vẫn còn áp dụng bài học của cô giáo yêu quí ngày nào.

Những ngày sau 1975, tôi thi đậu vào sư phạm cấp 3 ban Pháp Văn. Giữa lớp học chỉ toàn dân trường Pháp Marie Curie, Saint Paul, Collège d'Adran Dalat ...chỉ có 4 đứa: tôi, Dung Chi, Ngọc Hương, Hồng Phi từ Gia Long là chương trình Việt lọt vào. Câu đầu tiên khi giáo sư Nguyệt bước vào lớp là "mấy đứa Gia Long giỏi thiệt chớ Lê văn Duyệt không thấy em nào vô được" làm tôi nghe niềm tự hào về ngôi trường thân yêu đã đào tạo và trang bị cho tôi từng bước vào đời.

Trường Sư Phạm năm thứ nhất dùng trụ sở của trường Vạn Hạnh cũ ở đường Trương Minh Giảng. Từ nhà tôi phải đạp xe qua đường Hiền Vương, Võ thi Sáu bây giờ, để đến trường. Nhà cô Hiếu Hạnh trên một con hẻm lớn rẻ vào từ đường Hiền Vương. Đôi khi đi học sớm tôi ghé qua nhà cô chơi, thỉnh thoảng ăn cơm với cô. Ngôi nhà trang trí rất mỹ thuật, có khoảng sân nhỏ trước nhà là nơi chốn nương náu cho tôi trong cảnh bát nháo, xô bồ của những ngày đổi đời sau biến cố 1975. Ngồi ăn cơm với cô, nhìn cử chỉ từ tốn, nghe giọng nói ấm áp, đôi mắt trong veo trìu mến là bao âu lo của “kinh tế mới”, bao nghiệt ngã của những trận đánh tư sản dồn dập, bao tủi thân của những chuyến vượt biên thất bại, đều lắng dịu xuống, êm ả như tiếng nước róc rách từ hòn non bộ trước nhà, ung dung như nhịp lắc thong thả của cái đồng hồ gỗ chạm trổ tinh vi trong nhà cô. Bao giờ cô cũng ra tận cửa tiễn tôi, đợi tôi đạp xe tới đầu hẻm mới trở vào nhà. Vậy mà tôi không bao giờ còn gặp cô được nữa; ngày nhận tin cô lìa đời tôi bàng hoàng ngồi trước computer trong sở, một cảm giác đau đớn quặn thắt đâu đó làm mình nghe như ngạt thở. Cô ơi! Cô đã là hơi thở , là hy vọng của con những ngày con mất niềm tin trong sự thay đổi đột ngột của đất nước; con đã nhận được quá nhiều từ cô mà không bao giờ có cơ may trả lại dù chỉ một phần nhỏ nhoi. Như vậy thì một đời tri ân những thầy cô khả kính dường như còn chưa đủ đâu bạn ơi!

Một ngày rất tình cờ trên đất Mỹ , giữa những khuôn mặt xa lạ trong thánh lễ mừng chúa Phục Sinh, tôi gặp lại cô Lệ Mai dạy Việt Văn lớp đệ ngũ. Cô đã già đi nhiều và đôi mắt đen thẳm tuyệt đẹp đã hằn nếp nhăn, cô không nhận ra đứa học trò cưng ngày nào mà cô đã tuyên bố giữa lớp: "Thùy Liên, cái tên thật là thùy mỵ như người". Cả lớp được một trận cười bò lăn nghiêng ngã trong khi cô còn ngơ ngác nhìn quanh lớp, tìm lý do của những chuỗi cười bất tận. Tôi vẫn được xếp hạng nhất trong kỳ thi Việt Văn từ lớp đệ thất, lục, ngũ. Tôi vẫn hồi hộp những lần phát bài thi lục cá nguyệt, nhấp nhỏm coi bài viết đứng nhất có phải bằng mực đen, là màu mực tôi xài thưở bé. Tôi và Kim Yến thường ganh đua nhau trong môn Hội Họa và Việt Văn. Ngày tôi đắc cử Trưởng Khối Báo Chí buổi chiếu, Kim Yến chia vui nhưng bằng nụ cười không được tươi tắn lắm. Tôi vẫn nhớ một bài văn tả cô gái quê của Kim Yến năm đệ lục không được điểm cao của cô Quế Viên. Cô Quế Viên phê bình là cô gái quê của Kim Yến tả không có nét quê mùa. Lần đó Kim Yến buồn lắm nhưng tôi đọc bài văn cũng phải công nhận cô gái quê của Kim Yến điệu đàng như một gái thị thành chính gốc. Hóa ra nhận xét của cô rất chính xác và công bằng, không hề thiên vị. Trong khi Cô Quế Viên của năm đệ lục đẹp thanh thoát với những tà áo dài màu sắc nhã nhặn như màu vàng chanh, hồng phấn, trang điểm cũng nhẹ nhàng như giọng giảng bài, thì cô Tố Tâm của lớp Việt Văn đầu tiên ban C làm tôi bị hớp hồn trong cách giảng bài hấp dẫn, giọng Huế sang cả đọc thơ Kiều như giở lại cả dòng cổ văn xa xưa. Dáng dấp cao và khuôn mặt chữ điền của đất thần kinh, của câu thơ Hàn Mạc Tử "lá trúc che ngang mặt chữ điền" làm tôi càng say mê thơ Kiều, tôi uống từng lời giảng của cô vô từng tế bào trong cơ thể để nghe lâng lâng xúc cảm tràn đầy.

Rất nhiều năm sau, gặp lại cô Tố Tâm trên đất Úc, cô vẫn đẹp và sang trọng như ngày xưa; thời gian chỉ nhuộm sương trên mái tóc cô chớ không suy suyển được nét quí phái đài các của giòng họ đã từng gây tiếng vang văn học trong giới quan lại quí tộc. Được ăn bữa cơm do đích thân cô nấu, được đi lại trong căn nhà trang nhã với khu vườn tràn ngập ánh sáng của cô sau gần 30 năm viễn xứ là một hạnh phúc vô biên mà cô đã cho con cô có biết không?

Tôi biết phải tri ân như thế nào với những ân sư của đời tôi? Không chỉ là những thầy cô nơi học đường mà còn là những người thầy, những bài học tôi nhận trong đời sống xứ người, từ người quản lý nhà hàng Denny's nơi tôi kiếm những đồng tiền đầu tiên nơi xứ Hoa Kỳ cho tới những người bạn đồng nghiệp trong sở hằng ngày. Ông Howard quản lý nhà hàng đã dạy trứng có 5 cách để khách gọi, thịt có 4 cách nấu và bắt tôi học thuộc lòng, tỉ mỉ dạy lại cách phát âm tiếng Mỹ giọng Tây của tôi. Một đêm khuya tan sở tuyết rơi trắng xóa, tôi co ro đợi xe bus ở trạm xe gần nhà hàng và được một người chở về nhà; hôm sau đi làm tôi ca tụng người đàn ông lái xe tốt bụng thì bị ông Howard mắng cho một trận, nào là ngu ngốc lên xe người lạ có ngày chết mất xác. Ông vẽ ra những hình ảnh vô cùng rùnng rợn và sau cùng nhìn khuôn mặt ngạc nhiên của tôi, ông biết ông chưa đủ sức thuyết phục bèn đề nghị đưa tôi ra bến xe bus mỗi đêm. Từ đó về sau dù ca làm của tôi rất trễ, đến 1-2 giờ sáng, ông cũng cẩn thận mang tôi ra bến xe bus chờ tôi lên xe xong mới quay về. Ông cũng sắp xếp giờ đi làm mỗi đêm đừng quá trễ để tôi có thể tới trường mỗi sáng. Một người Việt Nam vô danh nào đó đã để lại một tấm gương cần cù với công việc rửa chén để ông nhận tôi vào làm nhà hàng dù với mới ngôn ngữ nghèo nàn chỉ 5 ngày bước chân vào Mỹ quốc.

Cứ mỗi lần đi công tác ở thành phố lạ, tôi thường quan sát vị trí của hotel rồi nhìn quanh quất những hàng quán ăn chung quanh khách sạn để tìm quán Denny's. Bao giờ bước chân vào Denny's lòng tôi cũng chùng lại với biết bao hình ảnh của ngày xưa, ngày của những năm đầu lao đao trên đất khách. Chính ở Denny's tôi đã làm được những đồng tiền đầu tiên, nhận được những tấm chân tình từ những người xa lạ, học được biết bao bài học trong đời sống.

Anh Việt Nam vô danh ở Denny's ngày xưa đó đã dạy tôi một việc làm dù tầm thường, hãy làm chu toàn bằng tất cả tấm lòng cho niềm tự trọng và cho tăm tiếng của những người Việt sau này. Tôi vẫn giữ cung cách làm việc đó cho đến bây giờ.

Mac dạy tôi phát âm tiếng Anh chuẩn xác qua những bài thơ của Robert Frost, dạy tôi yêu mùa thu qua thơ Frost với "The road not taken". Khi bị chỉ định làm chung một dự án với tôi, Mac than phiền tiếng Anh của tôi có accent khó hiểu. Mac là Technical Fellow của hãng với nhiều bằng tiến sĩ. Làm chung với tôi làm anh có cảm tưởng bị hạ giá. Chừng một tháng làm việc chung anh đề nghị dạy tiếng Anh cho tôi mỗi tuần trong giờ ăn trưa. Theo anh, cách phát âm của tôi sẽ cản bước tiến của tôi mai sau và anh tình nguyện làm thầy dạy học. Mac chơi đàn panio rất giỏi và có đôi tai thính vô cùng, có thể phân biệt từng phụ âm mà tôi bỏ qua trong mỗi chữ tôi phát âm. Những âm "r", "l", "d" phải được phát ra cùng với vị trí chính xác của lưỡi. Nhờ Mac, tôi có thể tự tin phát biểu trước đám đông, trình bày máy móc của mình và thuyết phục khách hàng rất hiệu quả.

Cụ John trong sở dạy sự khác nhau của những làn sóng radio và ảnh hưởng của mức chuẩn xác thất thoát của các loại dây cáp khác nhau khi tôi nhảy từ lãnh vực sở trường điện toán qua một công việc lạ lẫm chưa từng có kiến thức lẫn kinh nghiệm. Cụ đã là người cha, người thầy dẫn dắt để từ ngu ngơ tôi trở nên thông thạo rành rẽ hơn trong công việc. Ngày cụ ngã xuống trong một cơn tai biến, tôi vào thăm cụ trong nhà thương để ngậm ngùi cay mắt thấm thía những điều không thoát được của “sinh lão bệnh tử”. Tôi đã lo sợ không còn gặp lại được cụ khi hứa vào thăm cụ lần nữa. Trong một chuyến nghỉ hè dài hạn từ Úc về, ngồi chờ máy bay chuyển tiếp ở phi trường Los Angeles, tôi được tin nhắn từ điện thoại cụ đã qua đời.....

Vậy đó bạn ơi! Những món nợ ân tình, những bài học bạn nhận trong đời từ những ân sư kia làm sao trả hết được? Xin cho tôi mượn bài viết này để thành kính tri ân bằng tất cả tấm long, công sức dạy dỗ của các thầy cô thời cắp sách, tri ân những người thầy tôi gặp trên bước đường đời đã nâng đỡ, tạo cho tôi những bước đi vững vàng trên xứ người hôm nay và mai sau.....

Trần Thùy Liên
(Cựu SV ĐHSPSG, ban Pháp Văn, 1976-1980)

(Bài đã đăng trong đặc san mùa thu 2015 "40 năm bên bờ đại dương" Gia Long Nam Cali.)

 

Đăng ngày 06 tháng 11.2015