Mộng ước đầu năm

THỰC HIỆN DÂN CHỦ THAM DỰ:

TRẢ QUYỀN QUẢN TRỊ CHO NGƯỜI DÂN

Phan Văn Song

Có Dân chủ là có tất cả yếu tố để thực hiện một chánh quyền lành mạnh, một cơ cấu quản trị tốt?
Những khủng hoảng hiện nay tại các nền dân chủ tiên tiến chứng minh cho chúng ta thấy cần phải có một nền dân chủ tham dự (une démocratie participative)

Hiến pháp, yếu tố tất yếu của nền Dân chủ?
Chỉ là một bản văn, tuy cần thiết nhưng vẫn chưa đủ (nécessaire et non suffisant) bảo đảm cho những Tự do thật sự và một nền Dân chủ thực hữu của quốc gia. Rất nhiều chế độ độc tài trên thế giới vẫn dùng bản Hiến pháp làm chiêu bài để vay mượn danh nghĩa chánh thống cũng như tánh cách hợp pháp. Những nước có chế độ độc tài toàn trị do độc đảng cầm quyền, như Cộng sản Hà Nội, vẫn thường có Hiến pháp.

1. Dân chủ trực tiếp, Dân chủ đại diện (Démocratie directe, démocratie représentative):
Khái niệm Dân chủ là một khái niệm trong sáng, nhưng dễ bị lạm dụng khi áp dụng những phương cách thực hiện, trong những thể chế ngày nay.
Định nghĩa của Abraham Lincoln “Dân chủ là do Dân cầm quyền, cho Dân và vì Dân”, bởi thế, chúng ta gọi là Dân chủ trực tiếp. Nghĩa là:
- Người Dân phải cầm quyền trực tiếp, không qua một trung gian nào cả,
- Người Dân cũng vừa là Người cầm quyền và cũng là Người bị trị (Gouvernant et gouverné),
Những quốc gia tiên tiến ngày nay, đa số áp dụng Dân chủ dưới hình thức Dân chủ đại diện (démocratie représentative). Một tấm bình phong cách ly người dân và người cầm quyền (tạm gọi là quan chức cầm quyền, hay gọi chung là nhà cầm quyền): đó là những đại diện dân, do dân bầu, và phát biểu thay dân về những nguyện vọng của người dân. Dân bầu người đại diện vào cơ quan Hành Pháp (Tổng Thống - Chủ tịch Nước). Dân bầu người đại diện vào cơ quan Lập Pháp (Quốc Hội). Nhưng người dân không có quyền bầu Cơ quan Tư Pháp. Cái thế chân vạt Tam quyền phân lập có một vế người dân không kiểm soát. Các quốc gia độc tài, độc đảng vì thế vẫn tiếp tục «ăn gian» tam quyền phân nhiệm, cùng nhà, cùng đảng, cùng ăn chia. Người dân chỉ còn biết «an phận» Đảng biểu sao Dân bầu vậy !
Đó là một Dân chủ gián tiếp ! Như chúng ta thấy,người dân không có những quyết định hành xử, quản trị đất nước, người dân chỉ tham dự bầu những đại diện thay mình. Thực tiển, dễ thực hiện, nhưng rất có nhiều hạn chế nguy hiểm, càng ngày càng lộ rõ.
Bởi lẽ :

Một “thị trường chánh trị”:
Cái nguy hiểm ngày nay, là do sự bành trướng của một hiện tượng được gọi là “thị trường Chánh trị”. Định nghĩa này được nhóm “public choices”, một nhóm các nhà nghiên cứu, kinh tế gia, chánh trị gia hay xã hội học Âu-Mỹ, theo dõi những cách thức xử thế, quyết định từ các vị lãnh đạo công cộng của quốc gia (nhà cầm quyền, các vị lãnh đạo các nhóm chánh trị, các vị dân cử và các công chức). Những quyết định ấy thường khi thiếu sự chính xác, không trung thực, bởi lẽ, thay vì các quyết định phải được thoát thai từ kết quả trao đổi giữa hai nhóm người, của hai đối tác, đúng theo luật “cung - cầu”, theo luật “kinh tế thị trường”, thì ngày nay, những quyết định ấy lại là những mặc cả (deal) dẫn đến “cái chung chung”, thiếu hẳn phần “trách nhiệm”. “Thị trường chánh trị” là thị trường của những ứng cử viên với các đại diện dân, một bên, và đối với (versus) cử tri đoàn, một bên.
Trên thị trường này, ứng cử viên và các dân cử nắm quyền chủ động. Cũng như một anh nhà buôn, họ để nghị những “món hàng công cộng” (công viên, trường học, giảm tô thuế, ủng hộ Dân chủ ở VN …) hay những “món hàng chánh trị” (những người mới nhập cư dễ dàng nhập lấy quốc tịch để xử dụng lá phiếu lấy những quyết định cho địa phương, làng xã, nơi mình sanh hoạt và cư ngụ … đổi lấy lá phiếu của người đi bầu của cử tri gốc Việt, gốc Hispanic ở Mỹ, gốc Á-rập ở Pháp… Và Đảng phái? Lại càng rắm rối nữa, vì càng lắm Đảng càng lắm quảng cáo, tiếp thị, truyền thông… thị trường chánh trị khác chi thị trường thương mại? Truyền đơn khác chi flyers quảng cáo, tuyên bố quảng bá khác chi mại dzô, mại dzô, Sơn đông mãi võ? Ngày nay, phương tiện khoa học truyền bá có khác chi ngày xưa hát dạo Sơn đông bán dầu cù là, nhổ răng dạo?...
Và người nào đề nghị nhiều, hứa hẹn nhiều, thì kẻ ấy có cơ may lượm nhiều lá phiếu.

Khủng hoảng của Nhà nước:
Ngày xưa dưới thời Quân Chủ, trăm việc Vua lo.Ngày nay, trăm việc Nhà nước đảm nhiệm.
Vì mọi chuyện đều phải do Nhà nước giải quyết, chúng ta đã đâm đầu vào một cuộc khủng hoảng kinh khủng. Cuộc khủng hoảng nầy đang diễn ra ngay tại các nước tiên tiến, nơi cộng đồng người Việt tỵ nạn chúng ta đang cư ngụ, sanh hoạt, sanh sống, và thường nhin vào đó… làm gương sáng, làm giấc mơ… để đề nghị một giải pháp đưa nước nhà vào một tương lai xán lạn!
Mong bài nghiên cứu này đóng góp được những suy nghĩ để một nước chậm tiến như Việt Nam, ngày mai không vấp phải.

. Khủng hoảng đầu tiên, là khủng hoảng chánh trị: nếu Nhà nước là tất cả, các nhà cầm quyền và các nhà làm chánh trị là tất cả, thì “tất cả đó” đều đứng trên Pháp luật (Việt Nam ngày nay, Đảng Cộng sản và Nhà Nước là một, ĐCS đứng trên Pháp luật).
. Khủng hoảng thứ hai, là khủng hoảng xã hội, những giá trị đạo đức xã hội hoàn toàn bị xáo trộn. Những thành công đều được đánh giá trên kết quả, mà không cần biết kết quả đó có được là do xảo quyệt, do bè phái, do tham nhũng. Những giá trị thật sự về đạo đức con người, về giá trị học hành, về hiểu biết, về tri thức đều không được nhìn nhận. (Việt Nam ngày nay?)
. Khủng hoảng thứ ba, là kinh tế, công quỹ bị tham nhũng đục khoét, lãng phí, quản trị tồi, dĩ nhiên mất hiệu năng sản xuất, cộng thêm Pháp luật bị chà đạp, sưu cao, thuế nặng… đưa đến trì trệ kinh tế. Nạn thất nghiệp gia tăng, mức tiêu thụ giảm lần, tạo nên cái vòng lẩn quẩn…
. Khủng hoảng thứ tư, là Pháp luật, Nhà Nước không còn đóng vai trò quản trị, và trọng tài những tương quan thương mại hoặc xã hội. Vì luật pháp bị xâm phạm, bị cưỡng hiếp, không còn được tôn trọng, nên những nhà chánh trị lươn lẹo với những dân cử để tham nhũng hay ngồi xổm trên pháp luật…
Những khủng hoảng nhỏ biến thành một cuộc khủng hoảng nặng nề về thể chế Dân chủ nơi các Nhà Nước tiên tiến. Hậu quả:
- Một cuộc trả lời bằng chân: (exit) bỏ nước ra đi.
- Trả lời bằng phát biểu (voice) la ó, biểu tình, đình công, bạo động.
- Trả lời bằng chịu đựng, sống qua ngày (loyalty), mất ý chí công dân, lơ là quyền phát biểu công dân, lãnh đạm với những cuộc bầu phiếu, bỏ phiếu hay chạy theo những chủ nghĩa cực đoan.
Ba cách trả lời trên không đặt lại vấn đề của Dân chủ đại diện, cũng không làm giảm đi những lố lăng lạm dụng của các tổ chức cầm quyền, có chăng chỉ là những tránh né, chạy quanh. Ngày nay, Dân chủ hay Pháp luật được nói đến nhiều, phải chăng chỉ là một bức màn nhung che những màn ảo thuật chánh trị mà thôi?!

2. Sự trung gian cần thiết của các Xã hội Dân sự:
Con đường phân chia biên giới giữa quyền lực của giới cầm quyền và xã hội phải được nới rộng. Để sanh tồn, quyền lực của công lực phải được giảm bớt, những “công hữu” phải « được tư hữu» hóa. Quản trị những sở hữu hay công nghiệp quốc gia không còn là nghiệp vụ của Nhà nước nữa. Những Xã hội Dân sự, phải dần dần nắm quyền quản trị để thay thế. Quản trị khai thác, phân phối tài nguyên quốc gia phải được tư hữu hóa.
Về những phần hành “Dịch vụ công cộng” (Services publics) vẫn là phận sự của Nhà nước, như Tổ chức giáo dục, Tổ chức y tế, Tổ chức hưu trí, Tổ chức thể thao, Tổ chức văn hóa… Tuy rằng khó khăn, nhưng nếu biết chuyển hướng khéo và quản trị khéo vẫn có thể chuyển dần cho tư nhơn.
Vẫn còn vài bộ phận hoàn toàn không thể chuyển nhượng, như những “tổ chức dịch vụ xã hội tương tế”, hay “dịch vụ phân phối tương trợ”, gọi chung là “Dịch vụ Xã hội” (Sercices sociaux) chủ yếu đối với những gia đình nghèo khổ, giúp đỡ người tàn tật, nghiệp vụ cứu thương, cứu hỏa, bảo vệ con trẻ, tổ chức phòng ngừa du đảng, tệ nạn hút xách… Nếu Nhà Nước không làm thì ai đứng ra làm? Bảo vệ môi sinh, môi trường, Nhà Nước có thể làm luật, nhưng ai kiểm soát?
Riêng những “Xã hội Dân sự cộng đồng” (des sociétés civiles communautaires). Những Hiệp hội, hội đoàn có ý kiến trên một vấn đề đặc biệt: Hội gia đình, Hội bảo vệ các người già, Hội bảo vệ phụ nữ chống tệ nạn bị hành hung, Hội bảo vệ trẻ con… Nhà nước và các Tư doanh không thể lo được. Những hội đoàn ấy tự quản trị và tự kiểm soát.
Định nghĩa những hội đoàn ấy là “Tương trợ”, “Tự nguyện”, “Bất vụ lợi”, “Hội tương tế”
(Solidarité, volontariat, bénévolat, partage, mutualité). Dĩ nhiên xã hội không thể đòi hỏi toàn thể những “quý tánh ” ấy. Xã hội phải có những khu vực thương doanh (đa số) và phải có những kiểm soát chế tài pháp lý (càng ít càng tốt).
Chúng tôi nghĩ rằng con người, tức là những công dân và những đoàn thể công dân có thể thay thế Nhà nước điều hành tốt xã hội.

3. Hãy tổ chức lại tình tương trợ:
“Xã hội chánh trị” đã ngự trị gần một thế kỷ, “Xã hội doanh thương” (la société marchande) và “Xã hội cộng đồng” (la société communautaire) hoàn toàn không có tiếng nói. Đặc biệt tại những quốc gia do độc tài toàn trị cai quản, như Việt Nam. Nhà Nước độc tài đã đè bẹp tất cả những cá nhơn thương nghiệp, hay những “cơ chế trung gian” (les corps intermédiaires). Ngày nay dưới sức bộc phát của kinh tế thị trường, các xã hội doanh thương phục hồi rất nhanh, nhưng trong tình trạng hỗn loạn, vì thiếu một khung pháp luật.
Các công ty quốc doanh được tư hữu hóa khá nhanh và dễ dàng, sự cạnh tranh bắt đầu thực hiện bởi sự thúc đẩy của hoàn cầu hóa. Nhưng con người và tâm trạng “cộng đồng”đến chậm hơn.
Một chương trình công dân giáo dục phải được nghĩ đến. Những công dân có nhiệt tình, có tinh thần cộng đồng, hãy gánh vác việc tổ chức lại những cơ cấu xã hội và những cơ chế tương trợ cộng đồng. Thoạt tiên là gia đình, ngày nay, tánh cách gia đình đã bị phá vỡ, cộng đồng gia đình là môi trường tạo sự tương trợ và hòa hợp. Vì gia đình là nền tảng của xã hội.
Trong khi chờ đợi một quan niệm mới để tổ chức lại gia đình, chúng ta phải cố gắng đào tạo những đức tánh căn bản để phát triển “những tập tục đời sống hội đoàn”, “những sáng kiến tương trợ”và “những hy sanh cá nhơn”.
Phát huy những đức tánh ấy là thực hiện được những đóng góp của công dân đối với nền dân chủ. Đo đó, thể hiện những “đức tánh dân chủ” của những người công dân mới.

4. Dân chủ tham dự:
Nếu “quyền lực chánh trị” đã vượt khỏi phạm vi hoạt động, nếu “nền dân chủ” đã bị tướt đoạt bởi một nhóm người chánh trị toàn quyền, một hệ thống quan liêu, cửa quyền toàn trị hay những nhóm thế lực độc tài; hoặc quan điểm, tư tưởng về nền tảng của “các xã hội tự do”, của “các xã hội công dân” đã bị lãng quên, hay bị tước đoạt, thì sự thờ ơ với “việc công cộng”, “việc chung” (la chose publique) của các công dân đã mặc nhiên giao phó “đời sống công cộng” cho một nhóm “người làm chánh trị”, đó là vô tình quên đi trách nhiệm “cộng hòa”- Cộng hòa từ quan niệm “Res Publica” nghĩa là pour la chose publique, tức là “việc chung” việc công cộng.
Cũng dễ hiểu thôi, người công dân ngày nay, đứng quá xa trong hệ thống tổ chức quyền lực. Làm sao thay đổi tâm lý và tập tục để có một Quốc hội mới, một Chánh phủ mới? Hiện tượng bỏ mặc việc chung, việc công cộng, xem “việc chánh trị là việc ở trển” rất phổ thông ! Chúng ta hiểu tại sao, bỏ phiếu trằng, không đi bầu, là điều rất tự nhiên ở các nước tiên tiến, như Huê kỳ, Pháp, Anh, Đức…
Khi “nền Dân chủ chỉ định nghĩa bằng lá phiếu” (La Démocratie réduite au bulletin de vote) như Yves Cannac đã định nghĩa, người dân có cảm tưởng rằng họ chỉ có quyền công dân trước vài tuần có bầu cữ, khi những ứng cữ viên nhớ đến họ, bằng những hứa hẹn.
Chúng ta có thể phá vỡ quan niệm ấy bằng những sanh hoạt cộng đồng, bằng những sanh hoạt hội đoàn. Hãy nhìn xem, rất nhiều công dân nhận xét như chúng ta. Tại sao chúng ta không tập trung những suy nghĩ, những nhận xét ấy lại rồi biến thành hành động chung để ảnh hưởng đến “việc chung”? Và những hành động cho “việc chung” trong một “xã hội cộng đồng” sẽ đem “xã hội dân sự” và “xã hội cộng đồng” đi vào quản trị “cái việc chung”. Đó là “Dân chủ Tham dự”.
Theo thiển ý, hãy tổ chức ngay những bài học công dân giáo dục tu thân, trị quốc.
Tu thân, nói rõ vai trò của con người và ảnh hưởng của môi trường qua một nền giáo dục, trau giồi Đạo đức công dân.
Trị quốc nghĩa là nhập thế, bắt đầu bằng những suy nghĩ đóng góp vào cộng đồng xã hội của mình, đầu tiên là đối với gia đình mình: một người con tốt, hiểu rõ bổn phận đối với cha mẹ; cha mẹ cũng thế, thi hành đúng bổn phận đối với con, giảng dạy cho con mình biết thế nào là cộng đồng, là môi trường xã hội, văn hóa và kinh tế...
Hãy tổ chức những hội đoàn thiện nguyện ngay trong thời niên thiếu của những con trẻ, những hội đoàn thiện nguyện tại các khu phố của mình. Hãy chứng minh rằng những đường giây thiện nguyện này sẵn sàng làm việc, thay thế những cơ quan xã hội cộng đồng do chánh phủ thành lập. Việt Nam đã có sẵn những tổ chức Nhà thờ, Chùa, phục vụ cho cộng đồng tín hữu hay Phật Tử. Đó là truyền thống cộng đồng của dân tộc Việt Nam, vốn có tự ngàn xưa.
Nếu chúng ta biết sử dụng “Xã hội dân sự”, thoạt tiên là những “Cơ cấu tổ chức tương trợ”: cho người khiếm tật, cho trẻ con bị tàn tật, cho các nạn nhơn bão lụt, giúp đỡ và giáo dục trẻ con bụi đời... Các xã hội dân sự có thể đi vào những chương trình to lớn hơn, như giúp đỡ Khoa học thực nghiệm nghiên cứu các bệnh nan trị: ung thư, Alzheimer, Parkinson, sốt rét… hoặc về Văn hóa, như chống nạn mù chữ, dạy nghề cho người nghèo...
Các “Xã hội dân sự ” hay “Cộng đồng” cũng còn vai trò thành lập những “Xã hội Công dân” hay những “Hội đoàn công dân” (les clubs citoyens) nghiên cứu những luật lệ hiện hành để bổ túc ngành hành pháp về luật bảo hiểm, về luật thừa kế, về luật hôn phối để bảo vệ người phụ nữ và con trẻ lúc ly hôn được hài hòa với sự phát triển và thay đổi của xã hội.
Riêng các Nghiệp đoàn Lao động chuyên về mặt bảo vệ quyền lợi lao động của công nhơn, Nghiệp đoàn phải có vai trò của một nghiệp đoàn công nghiệp gọi tắt là công đoàn, là bảo vệ những quyền lợi đặc biệt với những đặc điểm chuyên ngành của công nhơn đối với chủ nhơn trong chuyên ngành ấy, Nhà Nước chỉ có vai trò trung gian mà thôi. Mỗi luật lao động phải được thương thuyết với các đại diện công đoàn, công đoàn phải có từng ngành, vì mỗi ngành có những đặc biệt và dị biệt hay đặc điểm đối với ngành nghề ấy. Mỗi hoạt động xã hội phải có những “Xã hội dân sự”, “Hội đoàn” để bảo vệ. Ý niệm Đạo đức chánh trị và xã hội phải được nêu cao.
Cũng với ý niệm Đạo đức chánh trị và xã hội, những “Xã hội dân sự chánh trị” sẽ là những hoạt động xã hội có tánh cách chánh trị được khuyến khích. Những xã hội chánh trị sẽ giúp các nhà cầm quyền đi đến sự quản trị tốt (la bonne gouvernance). Những xã hội chánh trị có thể là những hội đoàn công dân (associations citoyennes), những nhóm nghiên cứu và suy nghĩ (think tanks) hay là những Đảng phái (partis politiques).
Quan niệm Đảng phái “làm” chánh trị để “cướp chánh quyền” là một quan niệm sai lầm. Vai trò đầu tiên của Đảng chánh trị là “tham dự chánh trị”, tham dự chánh trị một quốc gia là “đồng quản trị” (co - gouverner). Tham dự ở ngay hạ từng cơ sở, ở quận, ở xã, ở làng với quan niệm “kiểm soát và đề nghị thay thế” (checks and balances). Đồng quản lý, là dòm ngó, thúc đẩy, đòi hỏi, chỉ trích, bàn tính, đề nghị và thay đổi cách điều hành ngay từ hạ từng cơ sở của xã hội. Đó là sử dụng quyền công dân, sử dụng quyền dân chủ.
Trách nhiệm nhà cầm quyền, là điều hành tốt cơ sở từ dưới lên trên, tức từ xã, quận, tỉnh, quốc gia. Bên cạnh các cơ quan hành chánh, bên cạnh cơ quan dân cử phải có những “Xã hội công dân” để làm nhiệm vụ kiểm soát, thúc đẩy, đề nghị…
Dân chủ tham dự là như thế. Phải phá vỡ bức tường mà “các nhà chánh trị chuyên nghiệp” đã tạo thành một “thị trường chánh trị”.

Kết luận: Một xã hội có trách nhiệm và đạo đức:
Không phải chỉ tạo ra những hội đoàn, những xã hội dân sự là chúng ta có dân chủ tham dự. Phải có những “con người thật sự dân chủ”.
Thật sự dân chủ là phải có tinh thần trách nhiệm. Việc đầu tiên là dấn thân, và khi dấn thân ta phải có tinh thần trách nhiệm. Chú ý đến người khác, quan tâm đến tha nhơn, biết lắng nghe ý kiến của kẻ khác trong tinh thần tương kính, tương trọng và đạo đức trách nhiệm.
Trách nhiệm và Đạo đức phải được trau giồi từ thuở nhỏ. Dạy con từ thuở còn thơ. Con trẻ được trau giồi tinh thần trách nhiệm, đạo đức công dân, lòng vị tha, tương kính, sẽ là những công dân tốt. Hãy tổ chức ngay vào tuổi thơ những hội đoàn học sanh, biết làm nghĩa vụ công dân, biết quan tâm đến láng giềng, quan tâm đến tình bằng hữu, tinh thần hội đoàn, biết cá nhơn sống và hoạt động trong môi trường của mình, đi thăm người già, đi giúp đỡ người khiếm tật. Ngày nay, ở các quốc gia tiên tiến, và ngay cả ở Việt Nam, những Nhà thờ, những Hội thánh tôn giáo, những nhà Chùa, thường tổ chức những “Hội đoàn thanh thiếu niên” hướng dẫn các con trẻ tín hữu vừa học Giáo lý vừa làm việc thiện. Chúng tôi muốn nói, chúng ta không nên để việc ấy cho các Hội Thánh tổ chức, vì đấy không phải là việc thiện mà là “việc chung”, “việc của cộng đồng”. Tổ chức các “Hội đoàn thanh thiếu niên” là bổn phận giáo dục của nhà trường.
Phải đưa vào giáo dục những quan niệm: “xứng đáng”, “trách nhiệm”, “việc chung ”, “tự trọng”, “ tương kính”, “con người và môi trường”.  Phải biết sanh hoạt với những “con người và môi trường”. Sống chung, sống cùng, chia sẻ một khung xã hội, là nhìn nhau, chào nhau và tôn trọng lẫn nhau.
Ngày nay ở Việt Nam, cho dù nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội có muốn hay không, Dân chủ cũng sẽ đến. Nhà cầm quyền Cộng sản Hà nội không thể mãi mãi coi Dân chủ là một món hàng quốc cấm. Nhà cầm quyền Cộng sản không thể mãi mãi bịt mồm 92 triệu đồng bào được.
Kiểm soát Dân chủ đang thức dậy bằng Côn an trị, ở Việt Nam không phải là một giải pháp. Quyền được bào chữa là một quyền tối thiểu của con người. Nhà cầm quyền phải tạo phương tiện để buộc tội và bào chữa tội: đó là tòa án, đó là thẩm phán, nhưng đó cũng là luật sư, mỗi phần hành một vai trò. Trạng sư, thẩm phán, quan tòa. Tòa án xử đại hình thì có nhơn dân làm quan tòa, đó là bồi thẩm đoàn, các vị bồi thẩm là những công dân được lựa chọn để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án có tánh cách quan trọng, đại hình.
Giáo dục công dân bằng đàn áp, bằng Côn an cũng không phải là một giải pháp. Người dân ngày nay không còn «mê» chủ nghĩa cộng sản nữa, người dân Việt Nam ngày nay không còn «sợ» Công an cộng sản nữa.
Giải pháp tốt là: hãy biết đối thoại, hãy biết lắng tai nghe, mặt nhìn mặt, hãy biết chào đón những lời chỉ trích, đúng thì phải biết nhận và sửa sai, sai hãy chứng minh, nhưng hãy biết nói chuyện với nụ cười, hãy tôn kính người dân. Dân chủ là đối thoại với dân, dân chủ là đối thoại với đối lập ; dân chủ tham dự là đón nhận tiếng nói của người dân, của đối lập, và chấp nhận đối lập ; chấp nhận chỉ trích là chấp nhận dân chủ…Và quan trọng hơn.
Hãy biết cám ơn những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam ngày nay đã biết lựa chọn đấu tranh ôn hòa để sửa sai cái quản lý kém của nhà cầm quyền hiện tại, vì những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam nầy đã biết quan tâm đến sự sanh tồn của đất nước và dân tộc.
Hãy biết cám ơn những nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam ngày nay đã biết tạo ra những xã hội công dân để đối thoại, để tạo đối tác chánh trị, để tham dự vào chánh trị, để làm phận sự công dân, lo cho việc chung, tiến tới một nền dân chủ tham dự, pháp trị và hiến định.
Hãy lắng nghe tiếng nói của công dân.
Hãy trả quyền công dân lại cho công dân!
Hồi Nhơn Sơn, 20 –XI- 2006.
Hiệp đính đầu năm 2017.
10 năm kêu gào trong sa mạc của cường quyền.
Phan Văn Song

Ghi chú:
Yves Canne: Le juste pouvoir. Essai sur les deuxchemins de la Démocratie.
J.Cl Lattès, coll Pluriel Paris 1984.
Anthony de Jasay: l’Etat, la logique du pouvoir politique. Préface de Pascal Salin
Les Belles Lettres, coll Laissez-faire Paris 1994.
Gordon Tullock: Le Marché politique. Analyse économique des processus politiques
Association pour l’économie des Institutions. Economica Paris 1978


ĐẤU TRANH BẤT BẠO ĐỘNG

HAY BẠO ĐỘNG CHO VIỆT NAM?

Tôi biết thường những người ủng hộ cho đấu tranh bạo động thường bị ném đá. Người cổ động cho đấu tranh bất bạo động luôn được đề cao là đạo đức, quân tử, bác ái v.v... Nhưng thực tế vấn đề này như thế nào?
Đấu tranh bất bạo động hay bạo động thực ra hoàn toàn lệ thuộc vào dân trí của từng nước. Ta không thể lấy cách đấu tranh bất bạo động của các nước dân trí cao phát triển để dùng cho VN. Có nhiều điểm khác biệt giữa các nước.
Ở các nước dân chủ, khi thấy chuyện sai trái, dân chúng sẽ tự giác xuống đường với số đông và khả năng bạo động sẵn sàng cho đến khi đòi được công lý.
Có một sự ngộ nhận mà nhiều người VN do bị cộng sản và những tổ chức tay sai đánh lận con đen với quan điểm: "Đấu tranh bất bạo động như là một chân lý". Đây là một sự ngộ nhận nguy hiểm và ngây thơ. Ngay cả các nước có dân trí cao và văn minh như Mỹ vẫn chưa bao giờ chấp nhận "chân lý" này.
Ông Nelson Mandela là người nhận giải Nobel Hòa Bình đã nói: "For me, nonviolence was not a moral principle but a strategy; there is no moral goodness in using an ineffective weapon."
Tam dịch: "Đấu tranh bất bạo động đã không phải là một chân lý của đạo đức mà nó chỉ là một phương cách; không có đạo đức nào hơn quyền tự vệ với vũ khí răn đe hiệu quả".
Cũng vậy Martin Luther King Jr. trong vụ "Birmingham Campaign" Ông với mục đích có một sự nổi dậy bạo động để nhiều người bị bắt để tạo ra một khủng hoảng và từ đó buộc chính quyền ngồi xuống đàm phán ôn hòa.

Chính sự bạo động hay khả năng có thể bạo động là một yếu tố quan trọng để dẫn đến ôn hòa.
Ngay tại Mỹ là một nước có trình độ dân trí cao. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có biểu tình bạo động. Vậy thử hỏi một nước có dân trí thấp như VN khó có thể tập trung được số đông để áp lực CS thì bất bạo động là tự sát. Chưa nói đến bản chất của cộng sản là bạo lực, gian trá với đủ mọi thủ đoạn.
Trở lại hoàn cảnh của VN. Ai cũng biết cộng sản cai trị bằng bạo lực và chưa bao giờ ôn hòa cả. Vấn đề ở chỗ là chúng ta không có đủ số đông và ý thức đấu tranh, cộng thêm quan điểm ngu ngơ "bất bạo động" đã biến chúng ta thành đàn cừu ngu xuẩn, mặc cho đám sói công an cắn xé.
Chính sự tuyên truyền và kêu gọi biểu tình bất bạo động của những người cầm đầu trước đây đã tước đi "khả năng bạo động" là một vũ khí răn đe hữu hiệu cho người biểu tình khi bị chính quyền đàn áp. Chúng ta có thể ôn hòa nhưng phải sẵn sàng để tự vệ và đánh trả.
Xin đừng rao giảng cái "đạo đức bất bạo động" vì sẽ không có bất cứ đạo đức nào của sự bất bạo động, gọi là Đạo Đức nếu chúng ta không có một khả năng tự vệ trước bạo quyền tàn ác. Chính sự tuyên truyền ôn hòa mị dân đã biến người dân thành con cừu và chính quyền thành con sói. Đã gián tiếp gây ra và kéo dài sự tang thương mất mát cho dân tộc VN. Đã đến lúc phải nhìn vào sự đấu tranh bất bạo động một cách nghiêm chỉnh và thấu đáo, không như những con vẹt.

Đấu tranh bất bạo động chưa bao giờ là chân lý quảng bá. Nó là hành động vô lương tâm của những kẻ làm chính trị với đạo đức giả.
Cộng sản rất sợ biểu tình và bạo động nên chúng đã tìm cách bóp nghẹt từ trong trứng nước. Cô lập các người tiên phong. Hù dọa khủng bố, tuyên truyền để mọi người dân sợ hãi mà không xuống đường.
Đừng sợ cộng sản, hãy làm những gì chúng sợ. Mỗi người đều có thể là tiên phong và dẫn đầu.

Tóm lại "Số đông đoàn kết có ý thức" là điều kiện cần thiết, cộng thêm khả năng bạo động là vũ khí răn đe hữu hiệu để có được biểu tình ôn hòa dưới bất cứ chế độ nào kể cả cộng sản.

Tien Tran

 

Đăng ngày 22 tháng 02.2017