Đọc lại tác phẩm "Trại súc vật"

Đào Hiếu



Tác phẩm TRẠI SÚC VẬT (Animal Farm. Trong bản dịch tiếng Pháp, chính tác giả đã đặt tên sách là “Union des républiques socialistes animales” Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Súc Vật)  của nhà văn George Orwell xuất bản lần đầu tiên ngày 17/8/1945 tại Anh và lập tức trở thành bestseller trên khắp thế giới.
Cho đến khi Oewell chết, ở Anh in 25.000 bản, Mỹ in 590.000 bản. Được dịch 68 thứ tiếng. Tạp chí Time bầu chọn là: “Một trong những sách hay nhất bằng tiếng Anh”.
Những con số ấy chứng tỏ tác phẩm này là một kiệt tác của nhân loại và George Orwell là một thiên tài. (?)
Chẳng những trên văn đàn thế giới mà ngay cả một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam, cuốn sách này cũng rất nổi tiếng và được nhiều người đọc, thậm chí họ đều tự hào là mình đã được đọc. Gần đây có một biên tập viên nhà xuất bản Việt Nam khoe rằng mình đã “có công” lừa được tổng biên tập nhà xuất bản bằng cách đổi tên tác phẩm để được “thông qua” bản thảo và cấp phép in hợp pháp, phát hành rộng rãi trong xã hội.
*
Tôi đã biết cuốn sách này từ lâu vì nghe nhiều người đồn đại. Tôi cũng đã tìm đọc nó nhưng rồi cũng quên mau và không nghĩ tới nó trong một thời gian dài. Đến nay bỗng nhiên có người tìm cách in nó ra, và nó lại nổi đình nổi đám, nên tôi bèn đọc lại. Và đọc rất kỹ.
Tác phẩm Trại Súc Vật được quảng cáo là “mô tả xã hội Liên Xô từ thời Lênin lật đổ Nga Hoàng, rồi Stalin và Trotsky tranh giành quyền lực. Stalin tống khứ Trotsky ra khỏi nước Nga để làm bá chủ.
Vì truyện được viết dưới dạng ngụ ngôn cho nên các nhân vật đều là Heo, Ngựa, Chó, Gà, Vịt, Lừa… cụ thế có thể tạm hiểu như thế này cho dễ nhớ:
Thủ lĩnh Old Major chú lợn già nhất (ám chỉ Lênin), khi Old Major chết, hai con lợn trẻ, Snowball (Trotsky) và Napoleon (Stalin), nắm quyền chỉ huy, đuổi Nga Hoàng ra khỏi trại súc vật (nước Nga).
Con lơn thủ lĩnh Napoleon (Stalin) thực hiện những cải cách triệt để. Những cuộc hội họp sẽ không còn được tổ chức nữa và thay vào đó là một uỷ ban của những con lợn sẽ quyết định điều gì phải xảy ra với trang trại, giống như một xã hội chuyên chế độc tài.
Chú lợn thủ lĩnh Napoleon cùng những người ủng hộ hắn, đã phát động một cuộc phản công tuyên truyền chống Snowball (Trotsky). Năm 1926, Snowball bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị và đến năm 1927 bị khai trừ khỏi Đảng. Tháng 1 năm 1928, chú heo Snowball bắt đầu cuộc sống lưu đày ở Alma-Ata và đến tháng 1 năm sau thì bị trục xuất khỏi Liên Xô vĩnh viễn.
Thủ lĩnh lợn Napoleon bắt đầu thanh trừng trang trại, giết nhiều con vật mà nó buộc tội là có dính líu với Snowball.
Các con vật, dù lạnh, đói khát và phải làm việc quá sức, vẫn tin tưởng theo tuyên truyền rằng chúng vẫn đang sống tốt đẹp hơn so với cuộc sống trước kia với Ông Jones, người chủ Trang trại Manor.
Chú ngựa trung thành của thủ lĩnh Napoleon tên là Boxer vì làm việc quá sức nên đổ bệnh. Napoleon cho một chiếc xe tải tới chở Boxer tới bác sĩ thú y, giải thích cho những con vật đang lo lắng rằng Boxer sẽ được chăm sóc tốt ở đó. Trên thực tế, chúng gửi Boxer tới lò mổ để đổi lấy tiền mua thêm whisky.
Trong một ván poker, giữa Napoleon và Ông Pilkington, các con vật nhận ra rằng những bộ mặt của những con lợn khi đó hầu như đã giống với mặt người và rằng không ai có thể nhận ra sự khác biệt giữa chúng.
*
Thế đó. Nội dung khá đơn giản, khá bình thường. Và điều ngạc nhiên là “quá hiền lành”. Vậy sao tác phẩm này lại là một bestseller trên thế giới?
Hay nó nổi tiếng vì văn chương trác tuyệt? Ngôn ngữ đầy sáng tạo? Bút pháp độc đáo? Tính cách nhân vật khác thường?
Hay là nó đã đặt ra những vấn đề về nhân quyền cốt tử, quan trọng, cấp bách?
Tôi xin lỗi quý vị, tôi đọc rất kỹ. Và tôi chẳng thấy có gì độc đáo cả!
Chỉ là một chuyện ngụ ngôn xách mé, nói bóng gió, chỉ trích chế độ cộng sản Liên Xô một cách gián tiếp, dè chừng, theo kiểu vừa chửi vừa che miệng.
Ngôn ngữ thì thông thường như kể chuyện cổ tích, tác giả thì cũng chỉ viết cho nó có cái cốt truyện để châm chọc chế độ độc tài xô-viết, nhân vật thì quá đơn giản.
Cỡ như con heo nọc thủ lĩnh tên là Napoleon mà tác giả muốn ám chỉ Stalin, lẽ ra phải được khắc họa một diện mạo “hầm hố” với ngôn ngữ, cử chỉ, hành động tàn độc, và xuất nhiều chiêu thức ghê gớm lắm, nhưng cũng chỉ là một con heo nọc làng nhàng.

Tôi thật sự thất vọng về tác phẩm TRẠI SÚC VẬT này. Nó chỉ đáng là một chuyện ngụ ngôn hạng bình dân (so với La Fontaine và Aesop). Và nhất là SO VỚI THỰC TẾ CỦA XÃ HỘI XÔ VIẾT THỜI ẤY.
Thời ấy, tức thời Stalin, phải được đặt tên là thời kỳ địa ngục của nhân loại.
-800.000 tù nhân bị xử bắn
-1.700.000 người chết ở trại tù Gulag
-389.000 chết do bị đuổi khỏi nơi cư trú
-Thảm sát Katyn tháng 5/40 giết 22.000 sỹ quan tù binh Ba Lan.
Sao không thấy nói gì trong tác phẩm Trại Súc Vật mà tạp chí Time bầu chọn là: “Một trong những sách hay nhất bằng tiếng Anh”, được dịch ra 68 thứ tiếng và bán được gần 700.000 cuốn trên khắp thế giới (đến nay thì chắc đã vượt qua con số 1 triệu cuốn rồi!)

Hiện tượng TRẠI SÚC VẬT là một thứ nhảm nhí trong nền văn học thế giới.
Trời ạ! Viết về Liên Xô dưới triều đại của tên đồ tể Stalin mà làng nhàng như Trại Súc Vật thì có khác nào viết về Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông mà chỉ nói chuyện Mao chơi gái, Mao suốt đời không tắm (chỉ dùng khăn ướt lau mình), không đánh răng (chỉ dùng xác trà chà răng), Mao bơi qua sông Dương Tử… trong khi ông ta giết hàng chục triệu đồng bào mình trong “Cải cách ruộng đất”, trong “Cách mạng Đại Nhảy Vọt” trong “Cách Mạng Văn Hóa Vô sản”…
Ối giời ơi! Viết về Liên Xô dưới triều đại Stalin mà làng nhàng như George Orwell thì chẳng khác nào viết về Kampuchia mà chỉ mô tả đền Angkor, vũ điệu Apsara, mắm bò hóc mà lờ tịt vị “anh hùng kiệt xuất” là Pol Pot, giết người bằng cán cuốc, những hố chôn tập thể, những vụ “cáp duồn” người Việt thả xác trôi sông nhiều đến nghẽn cả dòng chảy, và không hề nhắc đến cái địa ngục kinh hoàng là nhà tù Tuol Sleng với hàng ngàn sọ người chất đống.
*
Vì cớ gì một tác phẩm “xoàng xĩnh” như vậy lại được tô son điểm phấn, được tung hô vạn tuế quá đáng? Ta thử tìm cách lý giải xem sao?
Theo tôi chỉ có hai lý do:
1/Tác phẩm này ra mắt độc giả ngày 17/8/1945, chỉ còn 15 ngày nữa là thế chiến thứ 2 kết thúc (2/9/45). Lúc đó Liên Xô đang ở thế thượng phong, chia đôi thế giới với phương Tây và Mỹ. Giới truyền thông phương Tây nhìn thấy hiểm họa bành trướng, vì thế mà tác phẩm Trại Súc Vật trở thành một “công cụ tuyên truyền” chống cộng sinh động nhất. Họ vồ lấy nó và tung hô: “Đây là một trong những sách hay nhất bằng tiếng Anh” (Tạp chí Time). Đó là chưa kể những báo khác, những phương tiện truyền thông khác.
Quần chúng châu Âu, quần chúng Mỹ, đọc những bài báo ấy, nghe những chương trình phát thanh ấy, lập tức tin ngay và tìm đọc. Họ tìm đọc, mua đọc vì họ sợ Liên Xô bành trướng, họ sợ cộng sản. Nhất là dân châu Âu đang ở sát nách Liên Xô và đang chứng kiến  Đông Âu đang bị nhuộm đỏ.
Gần 700.000 cuốn sách được bán, có nghĩa là ít nhất gấp 3 con số ấy biến thành độc giả. Trên thế giới có lẽ chưa có một ông nhà văn “thường thường bậc trung” nào may mắn như George Orwell.
2/Trong số 700.000 độc giả ấy (có thể là gấp 3 lần) chắc chỉ chừng một phần ngàn người hiểu thế nào là một tác phẩm có giá trị văn học. Họ đọc vì hiếu kỳ, vì ghét và sợ cộng sản.
Và cho tới ngày nay, ở Việt Nam, cái tâm lý ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Chỉ mới vài ngày trước đây, đã có một cuộc họp gì đó giữa các ông quan trong ngành văn hóa, bàn về cuốn Trại Súc Vật.
Trong buổi họp, có vị giận dữ la lối “tại sao các đồng chí lại để một cuốn sách như vậy lọt ra ngoài xã hội?”. Vị khác thì hí hửng vì đưa được một tác phẩm hay ho như thế đến tay người đọc. Lại còn có người rất tự hào khoe khoang là đã qua mặt lãnh đạo để cấp giấy phép in cuốn Trại Súc Vật ấy. Họ không biết rằng đó chỉ là một sản phẩm mà chính George Orwell gọi là “un conte satirique” tức là một câu chuyện trào phúng viết đùa cho vui, chớ chẳng có văn chương khỉ gió gì, chẳng có giá trị gì.
Một cuốn sách ngụ ngôn chừng 50 trang, chỉ đáng cho trẻ con đọc, vẫn có thể tiếp tục làm mưa làm gió. Đó chẳng phải là điều tồi tệ và buồn cười lắm sao?

Ngày 8/2/2023
ĐÀO HIẾU

https://www.facebook.com/daohieuwriter

 

Đăng ngày 13 tháng 02.2023