Miệng đời

Peter Trần

Bất cứ một bài viết nào, hay bất cứ một sự kiện nào, luôn luôn có những phản ứng vừa tích cực vừa tiêu cực. Đọc hay nghe những lời “đàm tiếu” sau một bài viết, một sự kiện, sẽ thấy miệng lưỡi con người ta vô cùng lợi hại. Nó có thể ngọt như nước đường, cũng có thể cay chua như ớt như dấm, hay đắng nghét như lá sầu đâu! Nó có thể là cái phao cứu kẻ sắp chìm, và nó cũng có thể là một nhát đâm chí mạng kết liễu một mạng người!
Ta nên có thái độ, cách ứng xử nào, với miệng đời? Ở đây tui chỉ bàn chuyện nhỏ, chuyện đời thường, xảy ra quanh ta hằng ngày thôi. Còn chuyện lớn lao hơn, những triết lý cao siêu để giải thoát loài người, xin để cho các bậc vị vọng, uyên bác. Tui lấy thí dụ bài “BÌNH THƯỜNG hay TẦM THƯỜNG” (#chuyentaolao78, #binhthuonghaytamthuong) tui post gần đây. Phản ứng người đọc rất đa dạng: Khen, chê, và tẩy chay đều có!
Hôm nay đọc một trong những cmm của bài viết đó, tui nổi hứng, bật máy viết chơi ba điều bốn chuyện về những suy nghĩ chợt loé lên trong đầu mình. Cũng là viết chơi. Viết cho vui là chính.
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Mười Lúa vẫn còn tiếp tục “ở cữ” sau khi giải phẫu lột mắt cườm, cho nên rảnh, nhiều thời gian, và cũng sung sức lắm. Viết chừng nào chán mới nghỉ.

1. Khen
Nếu bài viết tâm đắc với người đọc, người ta sẽ thả likes, thả tim, và khen nức nở. Đó cũng là tâm lý và phản ứng rất tự nhiên, trừ một số ít người mắc bịnh “lãnh cảm” kinh niên. Một bài viết có hàng trăm cmm bên dưới, và người đọc không những đọc bài thôi, họ còn đọc luôn cả những cmm đó, rồi tưng bừng ý kiến ý cò này nọ, y như một buổi hội thảo “hàm thụ”, thì quả là một kỳ thú cho người viết và cả người đọc.
Tôi set up trang nhà của tui như một trang mini blog, cho nên có thêm phần “Insights” (dịch sao?) trong đó. Con số likes, comments, shares, là tiêu chuẩn của một trang FB bình thường. Insights đi xa hơn mức đó. Nó ghi nhận, phân tích, và cho thống kê rất chi tiết về phản ứng của người đọc. Nhờ vậy, tui biết được bài viết được người đọc “tương tác” tới mức nào. Điều đáng nói, là thường có rất nhiều người đọc, nhưng không bỏ lại dấu vết nào cho người viết biết. Nhiệm vụ của Insights là ghi nhận, phân tích, và cho người viết biết cả mấy thứ ẩn này: Đã hiện ra cho bao nhiêu người đọc, có bao nhiêu người phản ứng, có bao nhiêu người lặng lẽ chia tay, thậm chí có người nào “chướng mắt” người viết tới độ ấn nút “ẩn” luôn bài viết, để kiếp này đừng thấy nhau nữa,...
Dù tui không ưa cái thằng tóc quắn, có dzợ tàu cho lắm (nó ủng hộ thằng mắt hí; nó ủng hộ vua quì vừa lú vừa lẫn chuyên kiếm phiếu bằng thủ đoạn; nó lũng đoạn chính trị,...) nhưng tui cũng biết ơn nó đã đem cho nhân loại ngày nay một phương tiện vô cùng tiện lợi và hữu ích.
Mười lúa có thói quen ngủ sớm và dậy sớm. Nằm trên giường để “nướng”, là một cái khoái lạ lùng lắm, phải không? Người ta nói “một phút ngủ nướng sướng hơn ba giờ ngủ thiệt” mà! Mười Lúa đã qua cái thời trai trẻ, nằm “nướng” hết bề này, lăn qua “nướng” bề kia, hết còn biết thưởng thức cái khoái này rồi! Thay vì nướng, tôi mở FB lướt một vòng để “rửa mắt”! Mười Lúa gặp một bài viết nào tâm đắc, thì luôn để lại cho người viết một cái like, cho người viết biết lão có ghé ngang nhà thăm. Không thích thì không like kiểu “từ thiện”! Hứng chí hơn một chút thì tui bỏ lại một cái cmm cho thêm đậm đà tình tự. Chẳng chết thằng tây nào cả, ngược lại còn “tạo phước” nữa là đàng khác!

Tui đã khẳng định nhiều lần rằng tui viết không phải để “câu likes”! Viết kiểu câu likes sẽ có cách viết khác, mà người đọc không thể nào không nhận ra, phải không? Tuy nhiên, không ai phủ nhận, likes, cmm, Mỹ gọi là là feedbacks, là những động lực làm cho người viết phấn chấn, hăng hơn để viết tiếp. Những feedbacks theo chiều hướng tích cực, cho biết bài viết trúng tim đen người đọc. Feedbacks tiêu cực, giúp người viết biết cái dở của mình để lần tới viết ít dở hơn. Feedbacks kiểu “đâm hơi”, là thử thách trí tuệ, coi người viết có “cao tay ấn” để đối phó hay không (nói theo chữ nghĩa của các vị Bồ Tát nước Lỗ, là thử thách “trình độ lý luận”)!
Sống ở đời, không cần phải hơn thua tới bến làm chi. Tui khoái cái văn hóa Mỹ, cái loại văn hoá rất hào phóng lời khen, nhưng vô cùng keo kiệt với những lời chê bai. Dale Carnegie phán, đại khái vầy: “Lấy được lòng người khác là cả một nghệ thuật, chỉ có người có nội công thâm hậu mới làm được. Chọc cho chúng ghét, chúng lánh xa mình, thì đứa ngu, thằng khùng, con điên nào cũng làm dễ dàng, và bọn thất học đó luôn làm vậy!” Ghi chú: Nguyên văn thánh Carnegie viết hỏng phải vậy đâu nghen. Ai muốn kiểm chứng, thì tìm cuốn Đắc Nhân Tâm mà đọc. Chỉ khi qua tay diễn nghĩa, thêm mắm muối hành tiêu tỏi của Mười Lúa, nó mới ra “nông nỗi” đó thôi. Nhưng ý chính thì chạy đàng trời cũng không sai đâu! Ghi chú thêm phát nữa: Đắc nhân tâm hoàn toàn không phải là nịnh hót. Nó là cả một triết lý cao siêu của đạo làm người. Nịnh như cái thằng gì từng là “đô trưởng” xứ Lỗ, có cái bản mặt lúc cười giống y như mặt con trâu đực úp mặt vô cái tam giác của con trâu cái, rồi nghinh lên, khoe hết hàm răng mấy chục cái mọc vô trật tự, biểu lộ sự khoái trá vô tận, chỉ làm cho thiên hạ phát ói! Nó đi chăn kiến trong nhà đá rồi, phải không?
Tóm lại, tui cũng khoái nghe khen, và cũng không tiết kiệm lời khen với bất cứ ai, bởi vì nó luôn là những ly sâm bổ lượng mát rượi trong những buổi trưa hè nóng bức. Ai thích nước mía ép, có thêm miếng tắc vừa chua vừa thơm, của những ngày dung dăng dung dẻ dắt tay nhau, lòng rạo rực đến hồn phi phách tán với người thương, cái thời tuổi học trò, thì cứ đem ra mà ví thay ly sâm bổ lượng, để hồi tưởng cái “thời oanh liệt”, thì càng tốt! Gần đất xa trời, càng nên nhớ về quá khứ để bớt buồn, bớt chán, bớt... đủ thứ!

2. Chê
Ai mà thích bị người khác chê bao giờ? Nhưng với người biết cầu tiến, hiếu học, thì lời chê rất cần thiết. Nghe người ta tán tụng mình tới mây xanh, tưởng bở, rồi tối ngày đi trên mây, có ngày té sặc máu họng! Phải biết nghe người ta chê mình ở chỗ nào, để biết điểm yếu của mình mà kiện toàn. Đời này có ai hoàn hảo?
Viết, với tui là một cái sở thích chớ không phải là một mộng ước, hay một nghề kiếm cơm. Cho nên có người chịu đọc, đã thấy vui rồi. Nhiều người đọc, niềm vui lớn. Ít người đọc, niềm vui nhỏ. Lớn nhỏ gì, hễ vui là được. Vui cho tới chết vẫn hơn là sống những ngày tháng nhàm chán, rồi cũng chết, phải không?
Viết mà bị chê lên chê xuống, cũng không làm tui chán nản để nghỉ viết. Tệ tới mức không còn ma nào muốn đọc, thì tui viết rồi tui đọc mình ên. Miễn vui, là được rồi. Cho nên chê hay khen nên coi nhẹ, nên coi nó như là một cơ hội để mình biết khả năng và cái khiếu viết của mình tới đâu thôi.
Tui ghi nhận có vài lời chê.
Lời chê tui thấy nhiều nhứt là tui viết dài, bài nào cũng dài thườn thượt! Không sai. Tui dài dòng lắm. Một bài viết 5000 chữ là thường. Bài chuyện tào lao nào cũng dài trên dưới con số đó. Vậy có nên viết ngắn cho vừa lòng người đọc không ta? Không! Why not? Đơn giản: Văn là người. Người sao văn vậy. Tui làm sao biến thành người khác cho được!?
Ngoài cái tật thích dông dài khó thay đổi, tui còn chủ trương: Hễ không nói, không viết thì thôi, mà nói chuyện gì phải nói tới tận gốc rễ, viết cái gì cũng phải có đầu có đuôi, viết hết ngọn ngành, để người nghe, người đọc, hiểu rõ 100% tui nói cái giống gì, viết chuyện gì. Mười Lúa nói con gà người ta nghe ra con vịt, thì tui thà làm người câm! Tui viết chuyện Tây, người ta tưởng chuyện bên Tàu, thì tui thà làm người mù chữ sướng hơn!
Vấn đề tui đặt ra và quan tâm khi nghe người ta chê bài dài, cũng không phải ở chỗ nó dài. Vấn đề là tại sao người ta không chịu đọc bài dài? Người ta không thích đọc bài dài, có nhiều lý do: Người làm biếng đọc, chỉ thấy bài dài là liếc chỗ khác dù chưa biết hay hay dở; người không có thì giờ nhiều; người chẳng quan tâm gì đến chuyện đọc để mở mang kiến thức; người không có sự kiên nhẫn; hoặc chỉ đơn thuần là người không thích dài, không cần biết lý do.... Gặp các thánh này, thì nên thua non, khỏi mất công lý giải, vì không ai có thể thay đổi được họ, hay làm vừa lòng họ được.
Nhưng gặp người không thích bài dài không phải thuộc “diện” vừa kể, thì mới là chuyện đáng quan tâm. Mình viết mà họ không muốn đọc, thì 100% là viết dở rồi! Coi Tam Quốc Chí diễn nghĩa dày cỡ nào? Coi Chiến Tranh Và Hoà Bình của Leo Tolstoi dày cỡ nào? Coi chuyện kiếm hiệp của Kim Dung bao nhiêu tập, tốn bao nhiêu giấy mực, mà người ta “ngốn” hết?.... Người ta mê say đọc quên ăn quên ngủ đó! Mình viết mà họ không chịu đọc, thì là viết dở chớ còn gì nữa! Chỉ có vậy. Đừng làm phách mà nghĩ người đọc không đủ “tầm” để hiểu mình viết cái gì! Đừng có cố gạt mình! Phải thực tâm nhận ra điều đó để ráng viết cho mạch lạc, viết cho hấp dẫn, viết cho người đọc chịu đọc, thì đó mới là việc nên làm.
Dĩ nhiên tui không bao giờ dám mơ ước mình được cái khả năng viết được như các bậc thày kia, nhưng ít nhứt, đó là suy tư để giúp mình thăng tiến. Không phải chỉ có chuyện viết, mà trong bất cứ lãnh vực nào, bất cứ công việc gì, những chê bai luôn là lý do để mình thăng hoa chớ không làm nhụt chí và buông bỏ.
Ngoài cái chuyện chê bài dài thường thấy, tui cũng đọc được một lời chê ngắn gọn vầy, ở nhà một người bạn share bài tui viết: “Dài thum thủm”! Tui cười trừ! Bài mình viết thum thủm thiệt sao ta? Thủm chỗ nào? Nếu anh ta chịu nói rõ thủm chỗ nào thì Mười Lúa cám ơn vô vàn. Nói khơi khơi vậy, ai mà biết đường rờ?

Nhân tiện nói ba cái vụ chê bai, nói luôn một trường hợp chê bai khác. Mười Lúa tuy chưa từng “nếm” qua chiêu này, nhưng thấy nó hoài trên mạng, khi người ta đọc bài viết hay nghe một câu phát biểu của một nhân vật nào đó. Cái câu: “Người hay rao giảng đạo đức, là người sống như LOL!”, có ai chưa từng nghe qua hay không?
Câu này mà ngồi mổ xẻ, thì tốn giấy mực và tốn nhiều năng lương lắm nghen. Tui ráng ngắn gọn vầy:
Thứ nhứt, khi viết, phải để ý chữ nghĩa mình dùng. Thêm hay bớt một chữ, thì nghĩa và mục tiêu sẽ biến đổi. Nếu viết “Mấy thằng lãnh đạo hay nói đạo đức, là những thằng sống như LOL!” thì khỏi cần thắc mắc chi, bởi vì nó xác định rõ ràng mình nhắm đến ai, và mức độ chính xác tới 100%. Không sai vào đâu, vì 100 thằng thì hết 101 thằng mang mặt nạ! Chúng nó được đào tạo từ một cái lò chuyên dạy những điều dối trá thì làm sao không gian xảo! Gian xảo từ thằng chúa đảng đến tên cắc ké! Tui nói sai thì chứng minh tui sai chỗ nào, chớ đừng có nhào vô chửi một câu mất dạy rồi chạy ra như chó sủa ma ban đêm nghen!
Thứ hai, khi mình phát biểu câu này, coi chừng “lạc đạn” trúng nhầm người tốt. Quí vị có biết các vị chân tu như các vị cao tăng, hay các ông cha bà phước, tối ngày họ làm gì, có biết công việc chính của họ, có biết bổn phận duy nhứt của họ là gì không? Là giảng đạo đức, là rao truyền, là phổ biến những giá trị đạo đức để giúp tín đồ sống tốt hơn. Nếu viết khơi khơi, viết trõng như vậy, chẳng phải quí vị hồ đồ, vô phép vô tắc, nếu không muốn nói là ăn nói mất dạy, khi gộp chung các ngài với loại người “sống như LOL” hết hay sao? Hãy cẩn thận! Chữ nghĩa phải biết xài đúng chữ, đúng lúc, đúng đối tượng!
Thứ ba, khi so sánh cũng nên cẩn thận coi hai vế có tương đồng hay không? So họ như súc sanh, như rắn độc, như hùm beo, như khỉ,... gì cũng được, nhưng đem cái LOL ra so sánh thì không ổn đâu!
- Cái LOL là thứ “linh thiêng” vì có một tộc nào đó, cũng ở nước Lỗ, tôn thờ nó nghen! Họ gọi nó là “thần LOL” đàng hoàng! Họ còn làm hình làm tượng, chở đi diễu hành khắp phố phường luôn!
- Nếu không mê tín tới mức đó, thì ít nhứt cũng biết nó là vật vô giá! Không có nó, loài người không tồn tại nữa!
- Từ ngàn xưa, có biết bao nhiêu vua chúa, công hầu khanh tướng, chết vì nó đó! Cũng có bao nhiêu ông vua vì nó mà bỏ cả ngai vàng. Gần nhứt là King Edward VIII, bác của nữ hoàng Elizabeth, vì một người đàn bà Mỹ, đã hai lần ly dị, mà thoái vị, bỏ ngôi, nhường cho cha bà, nhờ vậy, bà mới có cơ hội lên ngôi. Rồi thằng con của bà, Thái Từ Charles, nay là King Charles III,  vì mê cái đó của nàng Camilla mà mang rất nhiều tai tiếng, rồi bỏ vợ. Tui không có nói thêm đâu. Ông ta từng ước rằng mình có thể trở thành miếng băng vệ sinh để ngày đêm “che chở” cho cái “linh vật” của người tình Camilla. Hỏng tin tui? Đi hỏi Quang Caumuoi, sống ở Úc, một thần dân của ông vua Charles đệ III thì biết!
Ý tui, quí vị nên cẩn thận khi xài cái câu “ Mấy người hay rao giảng đạo đức đều sống như LOL” nghen!

Nhắc đến chuyện ngoại tình của đức vua Charles III bên xứ Ăng-Lê, tui lại nhớ đến một chuyện ngoại tình được kể trong Kinh Thánh của Catholic. Tui dông dài chút chuyện này, rồi quay lại chủ đề, OK?
Trong ba năm đi rao giảng, Chúa Giê-su “kỵ rơ” nhứt, là đám Phariseu. Phariseu là ai? Là các Thày thông luật, là các thày tư tế, là những vị đạo sĩ rường cột trong đạo Do Thái. Có thể nói họ là “tinh hoa” của dân Do Thái thời đó. Họ được trọng vọng, được xá lạy nơi công cộng, được “ngồi chiếu trên” ở những vị trí quan trọng nhứt trong mọi buổi tiệc tùng, hội họp. Họ thuộc rành luật Mose tới từng chấm từng phẩy. Ngày ngày họ mặc áo thụng, ngồi trên ghế cao ở các Hội đường, để giảng dạy luật lệ và đạo đức cho dân chúng. Vậy mà Chúa ví họ như những cái mả sơn phết màu mè, được xây dựng “hoành tráng”, nhưng bên trong thì dòi bọ lúc nhúc, thúi bum! Chúa gọi họ là loài rắn độc! Chúa vạch trần tội ác của họ bất cứ khi nào có dịp. Chúa Giesu cực kỳ không ưa bọn giả hình!
Trong câu chuyện “Người đàn bà ngoại tình”, có một người đàn bà bị họ bắt quả tang đang ngoại tình, họ đem đến trước mặt Ngài để “gài độ” hãm hại ngài. Theo luật Mose, đàn bà ngoại tình sẽ bị ném đá bể đầu, nát óc, không còn hình hài, cho tới chết (đàn ông không thấy có hình phạt nào cho cùng một tội). Ác quá!
Nếu Chúa Giesu biểu họ đem ném đá theo luật, họ sẽ la làng lên rằng thì là, ông chuyên rao giảng yêu thương, tha thứ này nọ, nhưng ông cũng ác có thua ai đâu! Nếu Chúa biểu tha cho bà này, họ sẽ có cớ để buộc tội Ngài coi thường lề luật của tổ tiên.  
Người Công Gíao, và ai có đọc qua câu chuyện này, đều biết câu trả lời của Chúa: “Ai trong các ngươi sạch tội, thì hãy ném viên đá đầu tiên vào người đàn bà này!”. Sau đó, Chúa ngồi xuống, lấy ngón tay viết gì đó trên đất. Viết hoài hỏng thèm ngước lên coi có đứa nào cầm viên đá ném vào người phụ nữ kia không? Rồi từng người lần lượt rút lui, tuyệt nhiên không có thầy thông luật hay bất cứ người dân ngu khu đen nào dám cầm đá lên. Câu chuyện tiếp theo với cái kết cục, với lời nhắn nhủ của Chúa: “Cô hãy về và đừng phạm tội nữa!”
Điều tui muốn viết hổng phải chỗ này, vì ai cũng biết rõ: Chúa nhân từ, sự tha thứ, đừng lên án kẻ có tội khi mình cũng tèm lem tội,... Tui muốn viết đến một chi tiết rất nhỏ, không ai thèm để ý, đó là: Chúa viết cái gì dưới đất mà khiến cho đám Phariseu phải rút lui có trật tự? Chúa đâu có cần đôi co với họ, cũng không cần giảng giải, lý luận, chứng minh chuyện đúng sai của lề luật chi! Chỉ ngồi viết chơi xuống đất, mà họ tẽn tò, quê độ, rút hết! Chính những thứ Ngài viết mới làm họ uỷnh cà ná, chớ chưa chắc gì cái câu “ai vô tội thì hãy ném viên đá đầu tiên đi” của Ngài đâu! Con người dù có tội, cũng chối phăng, cho tới khi người ta đem hết tang chứng như nhân chứng, vật chứng, thì mới chịu nhận tội. Câu nói đó chưa đủ áp phê để họ nhận mình có tội đâu! Vậy, những gì Chúa viết dưới đất mới là yếu tố quyết định. Lý giải vậy có logic không? Yes!

Tui nghe kể rằng, có một LM, bậc Thày, là giáo sư dạy Kinh Thánh, đã nói nửa đùa nửa thiệt với học trò của ngài rằng: “Chúa đang viết: Thày thông luật tên A, ngày tháng năm này đã dở trò con heo với một người đàn bà dưới gốc cây vả; Thày thông luật B, hôm kia đã cùng con vợ của ông hàng xóm C vào nhà nghỉ D; Thày thông luật Đ, tuần trước nói gạt vợ đi công tác, nhưng kỳ thực là dẫn vợ của thằng bạn tên E đi du lịch,...”
Mấy thầy Phariseu khi liếc nhìn những dòng chữ có tên mình trong đó, có cả ngày giờ, cả hoành độ tung độ của địa điểm phạm tội, thì dù có uống mật gấu cũng không dám cầm viên đá lên! Chúa cao tay ghê chưa?
Chúa không ngừng “sửa lưng” những tên Nhạc Bất Quần này, nhưng Ngài lại dạy dân chúng: “Hãy nghe và thực hành những điều họ giảng dạy, nhưng đừng có bắt chước việc họ làm.” Nói cho dễ hiểu: Họ xấu, kệ họ! Họ dạy điều hay lẽ phải, họ dạy đạo đức, cứ nghe họ, mà thực hành những điều đạo đức tốt lành đó. Đừng theo gương của họ.

3. Tẩy chay
Đây là mức độ cao hơn chê bai. Tẩy chay không phải lúc nào cũng trúng, hay luôn luôn sai. Gặp những bài viết vô duyên, bất nhân, vô nhân tính, bất kể dài hay ngắn, người ta tẩy chay, là chuyện rất rất rất nên làm. Thí dụ như cái con nhỏ biên tập viên của cái đài mắc ôn nào đó ở xứ Lỗ, đã viết một câu ngắn ngủn về cơn bão vừa qua, bị thiên hạ chửi tắt bếp! Loại người vô cảm, không có não như vậy, cần tẩy chay, cần dạy dỗ cho nên người, là chuyện ngàn lần đáng làm. Hình ảnh cái đám phóng viên chụp hình cười cợt, khoái trá, trong một buổi họp báo về một sự kiện thương tâm, cũng phải tẩy chay, phải chửi một trận tơi bời hoa lá, để dạy cho chúng nó thành người, là vô cùng cần thiết!...
Bài BÌNH THƯỜNG hay TẦM THƯỜNG của Mười Lúa, hoàn toàn đầy thiện chí xây dựng, phá bỏ những cái tệ nạn của bọn đàn ông, có gì mà phải bị tẩy chay? Vậy mà bị tẩy chay! Mười Lúa ghi nhận vài cái tẩy chay.
Thứ nhứt, có một người bạn cho biết, anh ta share bài của ML trên một group, bị thằng Mark lắc đầu, với lý do nó “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”!
Co.n b.à nó! Vi phạm chỗ nào? Đả phá tệ nạn, cổ võ cho một xã hội văn minh, cổ võ cho nam nữ bình đẳng, bài trừ bạo lực, bài trừ tệ nạn “tứ đổ tường”, tẩy chay cái kiểu làm ăn đểu giả “tăng tương tác” gì đó, hay phê phán lối sống ảo,...  là vi phạm tiêu chuẩn của tụi bay? Tiêu chuẩn ccc gì vậy?
Thứ hai, Mười Lúa thấy Insights cho biết có một người ấn “ẩn” bài viết này. Cái này thì chịu thua. Họ không thích, không muốn thấy thì họ chọn cho ẩn. Đó cũng là một hình thức tẩy chay, nhưng quá kín tiếng, ai mà biết lý do?
Thứ ba, tẩy chay bằng cách unfriend, và quyết liệt nhứt là block. Cái này thì Insights không cho biết. Mười Lúa biết, là bởi vì sau mỗi bài viết đều có rà lại coi con số trong friend list có giảm không. Giảm vài người thì mình hiểu họ chia tay mình. Đây cũng là bình thường, không có gì phải nói. Tui vẫn âm thầm unfriend hay thậm chí block những người mình không thể nào chịu nổi họ. Không cùng đường thì không đi chung! “Đồng sàng dị mộng”, làm sao có hạnh phúc, phải không?
Trường hợp tẩy chay thứ nhứt, có thể đoán ra lý do khá dễ. Tui viết “chạm nọc” đứa nào, thì đứa đó sẽ nhột! Mấy người kinh doanh bán “likes”, tăng tương tác này nọ, làm sao ưa tui cho dzô? Mấy người sáng say tối xỉn, rồi hành hạ vợ con; mấy người bán vợ đợ con để đỏ đen thâu đêm suốt sáng; mấy người hút xách; mấy người “hào hoa phong nhã” gái gú phòng nhì phòng ba,... làm sao ưa nỗi Mười Lúa khi đọc bài đó? Cho nên nọ dùng cái kẽ hở “report” để “cáo gian” người viết cho thằng Mark nó ra tay bịt miệng người viết! Bọn này chơi bẩn! Người xấu chơi bẩn bằng những trò hèn là chuyện thường xảy ra, có gì lạ!
Dài rồi. thế nào cũng có người đã chê dài rồi! Thôi, Mười Lúa kết luận vài câu rồi nghỉ.

Phàm làm người sống trên đời, nên quan tâm đến xã hội mình đang sống một chút. Nghe thấy điều hay lẽ phải, đừng tiếc lời khen để khích lệ. Nghe thấy những điều chướng tai gai mắt, cũng phải biết can đảm tẩy chay, lên án để thay đổi nó. Một xã hội tốt đẹp hơn sẽ là một môi trường tốt để ương giống, để con, cháu, chắt, chút, chít của mình lớn lên một cách lành mạnh và hạnh phúc. Có ai muốn chúng sinh ra trong một môi trường toàn rác rưởi không? Không muốn, thì hãy ra tay dọn. Hãy bỏ ngoài tai miệng đời. Hãy quay lại “cắn” những kẻ chê mình “tài khôn”, “nhiều chuyện”, “ lo chuyện bao đồng”,.... Những kẻ vô tâm đó mới đáng bị lên án chớ không phải những người có tâm đâu.
Cứ nghe lời tốt đẹp dù cho nó phát ra từ những cái miệng thúi của bọn Phariseu! Bọn Nhạc Bất Quần đang giảng đạo, kệ họ. Cứ nghe và thực thi những điều tốt đẹp họ dạy. Hãy nghe lời dạy  của Chúa Giesu cách đây hơn 2000 năm: “Đừng bắt chước những việc họ làm!” là được rồi.
Mười Lúa không phải là một kẻ đạo hạnh chi cả. Trong cuộc đời dài đã gần 70 năm, không ít lần Mười Lúa phạm sai lầm, và phải hối tiếc hoài. Nói theo từ ngữ con nhà đạo, lão là Giu-dà (tên của đồ đệ Giu-đa, bán Thày để lấy 30 đồng bạc) chớ chưa là thánh! Cho dù có đạo hạnh được chút đỉnh, thì cũng không bảo đảm Mười Lúa có còn đạo hạnh hoài cho tới chết được hay không, bởi vì cám dỗ của ma quỉ luôn vây quanh, và con người thì luôn yếu đuối. Cho nên, nếu lỡ Mười Lúa có viết, có khuyên nhủ ai làm điều tốt này kia kia nọ, thì cứ “mắt nhắm mắt mở”, nghe lão đi! Đừng bao giờ dùng cái câu “Người hay giảng đạo đức, thường sống như LOL!” mà “chơi” Mười Lúa! Tui mà cắn lưỡi chết, sẽ không còn ai viết chuyện tào lao cho mấy người đọc giải sầu nữa đâu!
9 oct.2022
Peter Tran

https://www.facebook.com/peter.tran.77582

 

Đăng ngày 18 tháng 10.2022