tran ngoc quangTrần Ngọc Quang hành nghề Bác sĩ Y khoa tại bệnh viện Bình Dân đồng thời là Giảng Nghiệm viên tại Đại học Y khoa Sài Gòn trước năm 1975.
Tháng 4/1975 ông di tản sang Pháp và học lại chuyên khoa về xạ trị (radiothérapie) với môn chính là ung bướu (cancérologie).
Trưởng khoa xạ trị bệnh viện St Quentin (Pháp) từ 1981 tới 2006.
Hiện ông đang hưu trí tại Pháp.

 

Nhớ về bệnh viện Bình Dân

Trần Ngọc Quang

Sau 18 năm xa cách tôi trở về thăm Bệnh Viện Bình Dân vào cuối năm 1993, lúc Việt Nam mới mở cửa cho du khách và kiều bào về thăm gia đình. Tôi rời bệnh viện nầy lúc làm Giảng Nghiệm Viên tại Đại Học Y Khoa Saì Gòn ngày 26 tháng 4 năm 1975 vào buổi sáng, để rồi khuya đêm đó lên phi cơ C130 qua căn cứ Clark của Không Quân Mỹ bên Phi Luật Tân.
Mới vào cửa chánh tôi đã thấy những thay đổi, tôi không còn nhìn lại được khu Ngoại chẩn năm xưa, phòng 8 cấp cứu, khu giải phẩu của Thầy Hữu và khu Ung Thư của Thầy Hoành, nơi mà tôi làm việc khi xưa.
Bệnh Viện Bình Dân đối với tôi, và đối với nhiều sinh viên Y khoa vào thập niên 1960, là vùng "Đất Mẹ": từ năm thứ nhứt Y khoa tôi đã đi tập sự tại mỗi khu bệnh lý, từ khu Ngoài Da của Thầy Nguyễn Văn Út với các bệnh nhân thoa cả thân hình bằng màu tím bởi chất Violet de Gentiane, với các toa thuốc pha sulfate de zinc, sulfate de cuivre, lanoline, vaseline… đến khu Nhãn Khoa của Thầy Nguyễn Đình Cát với những câu như "trichasis", "đèn đâu? đèn đâu?" trước khi quyết định mổ "cataracte". Rồi đến năm thứ 3 Y khoa, khi trở lại những khu ấy với 3 sao thêu trước ngực, tôi đã được các đàn anh chỉ mổ orgelet, chalazion, chép những toa thuốc trị mụn, lang ben và học hỏi đưọc nhiều hơn tại khu Tai Mũi Họng, mà chúng tôi thường gọi là "Ô Rờ Lờ" vì các chữ tắc O.R.L. Tất cả anh em chúng tôi rất phục BS Trương Minh Ký khi thấy cắt amygdales lần đầu cho trẻ em.

Bệnh Viện Bình Dân là Khối Giải Phẩu B của Trường Đại Học Y Khoa Saì Gòn, thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, dưới sự điều khiển của Thầy Phạm Biểu Tâm lúc đó vừa là Khoa Trưởng nên sự điều hành của khu giải phẩu và sự giảng dạy sinh viên phần lớn do Thầy Nguyễn Hữu đảm trách. Trong giới Y khoa Sài Gòn ai mà không biết Giáo Sư Hữu ? Hết học lâm sàng vào buổi sáng, chiều học Cơ Thể Học từ 17 giờ đến 19 giờ với Thầy trong 2 năm. Tôi còn nhớ rỏ bài đầu tiên về Ostéologie của lớp tôi là Os Frontal : Thầy vẽ trên bảng mà chúng tôi ở phía dưới chép không kịp vi vừa vẽ Thầy giảng qua micro treo trước ngực, đổi phấn màu lia liạ, lâu lâu lại "pha chè" vài câu như "vue cavalière là nhìn từ trên xuống chớ không phải nàng kỳ nữ cởi mình đâu nhé !" và cười trước một mình vì các sinh viên chưa kịp hiểu để cười theo: có khi Thầy kêu BS Nguyễn Ngọc Kính (dạy Ostéologie phụ Thầy) bằng "Le Kính" (đàn ông thì Le, đàn bà thì La!), có khi nói là "Kính Lặc" chúng tôi chưa hiểu thì Thầy cười một mình và vội đi làm chuyện khác, sau đó tụi tôi mới hiểu là Thầy "nói lái" theo kiểu miền Nam…. Những năm sau tôi học được nhiều về lâm sàng với Thầy Hữu, trên giường bệnh cũng như trên bàn mổ, nơi nào cũng học được với Thầy, mỗi lần có gì lạ hay điều gì phải cần biết thì Thầy dạy ngay. Khi Thầy mất tại Brest năm 2008 tôi đả đốt nhang và lạy tạ ơn Thầy trước linh cửu, đã dạy dỗ chúng tôi, nhờ vậy mà sau nầy ra hải ngoại chúng tôi có khả năng làm lại cuộc đời…
Từng đi thực tập tại khu chỉnh trực của Thầy Trần Ngọc Ninh nhưng tôi chưa bao giờ học được gì quí giá của Thầy, có lẽ lúc đó sự hiểu biết của tôi về y khoa còn quá kém, nhưng ngược lại tại khu Thầy Ngô Gia Hy khi mới là sinh viên năm thứ 3 tôi biết làm Béniqué với Bà Thái, một y tá già "nặng kí" nhưng rất nhiều kinh nghiệm về Tiết Niệu.
Không hiểu tại sao lúc sinh viên tôi ít xuống khu Ung Thư của Thầy Đào Đức Hoành, có lẽ là các buổi sáng khi đi tập sự Thầy Hoành đã lên phòng mổ, Nội Trú thì lên phụ Thầy nên trại buồn hiu.

bv binh danKhi tôi đậu kỳ thi tuyển Nội Trú tôi lại chọn về Bệnh Viện Bình Dân, khu Ung Thư và định mệnh đời Y nghiệp sau nầy của tôi đả định hướng vào lúc đó vì sau khi di tản qua Pháp tôi học bằng chuyên khoa Xạ Trị (Radiothérapie) mà môn chánh vẫn là Cancérologie. Trước đó tôi từng mong ước về làm Nội Trú với BS Trần Lữ Y và BS Nguyễn Thế Minh ở Bệnh Viện Nguyễn Văn Học nhưng anh Lữ Y lên làm Bộ Trưởng Y Tế vào 1965, tôi ngả về Khu Ngoại Khoa trong Bệnh Viện Chợ Rẩy vì trực nhiều đêm với Nội Trú Đinh Xuân Dũng và Nội Trú Văn Tần nhưng anh Nội Trú Hồ Tấn Phước (thường gọi là Phước Tóc Đỏ vì bị albinos) thuyết phục được tôi về Bệnh Viện Bình Dân, học hỏi được nhiều hơn với các Thầy vì ở Chợ Rẩy có quá nhiều bệnh nhân nên sau nầy mình sẽ thành "thợ mổ " mà thôi.

Thế rồi tôi chọn về với Thầy Đào Đức Hoành ở khu Ung Thư vào đầu năm 1967: tôi không biết Thầy Hoành nhiều, Thầy cũng không biết tôi trong đám sinh viên năm thứ 5 nhưng ngày qua ngày tình thầy trò nẩy nở, ngoài phẩu thuật ung thư, tôi kính phục Thầy Hoành nhứt là về đạo đức : khi mở lời thưa chuyện với Thầy Tâm hay Thầy Hữu, Thầy Hoành vẫn nói "Thưa anh , em …" tuy lúc đó Thầy là Giáo Sư Trưởng Khu vừa Trưởng Bộ Môn và Giám Đốc Bệnh Viện Bình Dân. Tôi cũng còn nhớ Thầy Hoành xưng "con" với Cụ BS Nguyễn Xuân Chữ, một người cách mạng và một đàn anh trên Viện Radium, đường Đoàn Thị Điểm.
Lúc đầu tôi ở chung phòng với anh NT Lê Vân Tuấn làm việc trong khu Nhãn Khoa, sau đó tôi đổi qua phỏng số 10, ngó xuống khu Chỉnh Trực và kế phòng ăn. Mổi tuần tôi phụ Thầy Hoành mổ bốn buổi sáng, buổi chiều tôi ngồi học trước cửa sổ phòng trên lầu 2 (lầu 1 là phòng mổ và phòng Hồi Sức) sau đó xuống đi contre-visite với ông Y Tá Trưởng người gốc Huế tên Nguyễn Văn Thịnh. Hè năm đó mùa hoa phượng nở rất đẹp và một cành phượng đưa bông đỏ chói rực rở vô tận phòng tôi. Có lẽ những năm tháng đó là những ngày đẹp nhứt của đời tôi, đến nay đả gần nữa thế kỷ nhưng tôi không bao giờ quên.

Tôi ăn ở luôn trong bệnh viện tuy nhà cha mẹ ở quận 10 vì cuộc đời Nội Trú Bệnh Viện Bình Dân có những vui buồn cùng các bạn : anh Nguyễn Gia Khánh ở phòng 1, anh Phước Tóc Đỏ ở phòng 2 rộng lớn với anh BS Tăng Nhiếp nhưng thật ra anh Nhiếp chỉ lên thay đồ mà thôi, anh Huỳnh Minh Tòng, phòng cuối cùng là anh Lê Ánh với chị Hoàng gần phòng anh Lê Văn Tuấn. Cùng dãy với tôi là các anh Lê Quang Dũng, Nguyễn Thanh Thủy (hai rể phụ của tôi sau nầy !), Võ Thành Phụng, Trần Bình Chi, Nghiêm Đạo Đại và kế bên phòng tôi là anh Nguyễn Phúc Bình. Thức ăn thì do tên Được lo lấy gamelles đem từ bếp lên để trước mổi phòng, tên nầy lúc trước là bệnh nhân nhưng không hiểu sao xin được chổ làm nầy. Menu thì tụi tôi cho là "very bết" nên tôi có mời Thầy Hy lên chứng kiến vì lúc đó Thầy làm Giám Đốc, sau đó các bữa ăn được khá hơn nhưng rồi cũng trở lại "bết" vài tuần sau. Người mà tôi phục nhứt là anh Lê Quang Dũng, tuy than thở vì nói "ăn không đủ calories" nhưng vẫn vui vẻ và ăn ngọn lành mà còn gọi là "cơm đút lò Bình Dân" vì Dũng xào lại trên réchaud. Thường anh Dũng phụ mổ Thầy Tâm nên lúc nào cũng sau 13 giờ mới lên ăn. Người đi chợ cho bệnh viện là một Bà Soeur nên không bao giờ có thịt vào ngày thứ sáu, tôi sợ nhứt là phải ăn trưa trể vào ngày đó vì món cá chiên quá dở nên lúc nào tôi cũng thủ vài hợp cá mòi Sumaco của Maroc và thịt gà tây (turkey) của Quân Tiếp Vụ mỹ bán ngoài chợ trời, để làm cơm "đút lò" với Dũng ! Những tuần trực ngày thứ năm, có đêm mổ liên miên, sáng thứ sáu lại tiếp tục làm việc nên đến trưa thứ sáu mà không có đồ hộp thì …khổ lắm ! Tật ăn cá mòi Sumaco vẫn theo tôi đến nay, nhưng ở Pháp tôi đành thay thế bằng cá mòi hiệu khác vì không tìm đâu ra cá mòi Sumaco.
Khi trực thì có một bảng xanh đề "Nội Trú trực" trên cửa, lâu ngày giây đứt hoặc rớt đinh trên cửa nên tấm bản thường để dưới đất trước cửa phòng : điều vui nhứt của tôi trong tuần là sau khi uống "cà phê Tư Được" sáng hôm sau là đá tấm bảng ấy đến phòng bạn trực tiếp ngày hôm đó ! Lầu trực không có điện thọai, sợ reo hoài ngủ không đựơc mà phòng ở thì cũng không có điện thọai luôn, nên người y công già người Bắc phải lên lầu 2 gỏ cửa nào có bảng xanh và gọi "Ông Thầy ơi, có bệnh phòng 8 !" (phòng Cấp Cứu) hoặc "Ông Thầy ơi, phòng Hồi Sức mời gấp !" Có lần anh nào đá bảng xanh cho anh Nguyẽn Phúc Bình ở kế phòng tôi, nhưng vì bảng nằm giữa hai phòng nên ông y công gõ đại ở cửa phòng tôi vào hai giờ sáng nên bị tôi la và "nói tiếng Đức" một trận làm các bạn thức dậy luôn !
Lúc tôi làm NT thì Bệnh Viện Bình Dân không có bác sĩ đàn anh trực cùng vì sau hai năm internat phải trình diện nhập ngũ, chef phiên trực là một "Interne già " có nghĩa là sắp ra trường, nên chúng tôi nhiều trách nhiệm : có những trường hợp mình chưa bao giờ mổ nhưng khi mở một bụng bị vết thương vì đạn và gặp nhiều tổn thương, cũng phải ráng mà làm chớ biết kêu ai ? Chẳng lẻ kêu Thầy Tâm hay Thầy Hữu vào giữa đêm ?
Vào năm 1967, những phiên trực của tôi được tăng cường buổi tối với NT Phạm Huy Hoàng hoặc NT Trần Đông A từ Bệnh Viện Nhi Đồng qua nên chúng tôi "để dành" cho các anh ấy toàn những cas mà chúng tôi "chê" như parages, plaies multiples … và chọn những "cas ngon" như appendicite aigue, còn những cas khó thi dành cho anh Thủy ở phòng 8 ngày hôm sau sẽ coi với chị BS Hoàng !

Ai có làm NT ở Bệnh Viện Bình Dân mới biết "sợ các Bà Y Tá già !" Thật vậy, các y tá phần đông toàn là các y tá di cư hồi 1954 từ Bệnh Viện Phù Doãn ở Hà Nội vào và có Bà đã từng biết các Thầy hồi còn trai trẻ, biết Thầy Ninh hồi còn "Interne già " nên coi thường các sinh viên và các NT chưa vững tay nghề, nhứt là các NT Ủy nhiệm. Đặc biệt đối với tôi không bao giờ họ nói lớn tiếng hay quạu quọ có lẽ là vì tôi thường đùa và nói "tiếu lâm" với họ, sau nầy tôi rất thân mật với Bà Y… , một tay khét tiếng ở Bệnh Viện Bình Dân, làm Y Tá Trưởng tại khu Ung Thư.

Kỷ niệm không quên được ở Bệnh Viện Bình Dân đối với tôi là ngày trực mùng 2 Tết Mậu Thân năm 1968 : tôi dư biết các phiên trực từ đêm giao thừa đến mùng 3 Tết rất cực vì thiếu BS nhưng các trại đều trống bệnh nhân vì họ không chịu giải phẩu trước Tết nên củng đỡ phần nào. Các binh lính thường vào đêm giao thừa hay bắn lên trời, thay cho tiếng pháo, nhưng không nghĩ là đạn sẽ rơi xuống một nơi nào đó: gần giao thừa năm nào cũng nhập viện những bệnh nhân bị đạn rơi vào bụng hoặc vào ngực, nên phải giải phẩu ít nhứt đến ba bốn giờ sáng mới xong và thường để lại cho phiên trực sau những trường hợp cần giải phẩu nhưng không khẩn cấp lắm.

Vào Tết Mậu thân tôi trực với NT Lê Quang Dũng vào ngày mùng 2, "nhường" lại mùng 1 cho anh Nghiêm Đạo Đại. Ba tôi cho hay lối 6 giờ sáng là VC tấn công vào Saigon, lúc còn mê ngủ tôi lại nói với Ba tôi "làm gì có chuyện đó" vì Ba tôi đi Vũng Tàu phải đành trở về và thấy VC mặc đồ đen với AK trên tay, nhưng sau khi nghe radio thì tôi liền vô Bệnh Viện Bình Dân trước phiên trực 08 giờ sáng để giúp các anh em. Tôi thường vô bệnh viện bằng Vespa nhỏ loại 50cc qua ngả sau từ nhà xác và để xe gần cầu thang xoay để lên phòng cho nhanh. Vừa thay áo và bước xuống lầu 1 thì thấy bệnh nhân nằm la liệt dưới đất, dài theo hành lang của phòng mổ, các nhân viên phòng Hồi Sức phía ngoài cho biết là họ đang chờ để được giải phẩu! Tôi liền đi nhanh xuống phòng 8 (phòng Cấp Cứu) và nhân viên thấy tôi thì mừng rỡ vì họ dang tìm một Interne, tất cả bạn tôi đều bận trên phòng mổ. Tôi đi khám từng giường rất nhanh nhưng sau 5-10 phút thì liền lo âu vì gần như tất cả các bệnh nhân đều cần được giải phẩu! Suy nghĩ vài giây tôi liền quyết định phân loại ưu tiên để lên phòng mổ vì đã biết còn nhiều bệnh nhân đang chờ trên lấu 1.

Tôi đã bỏ chết nhiều người bằng cách nói láo với họ là "anh ưu tiên 1" khi đánh dấu ngoài hồ sơ số 1, có nghĩa là không ưu tiên : tôi còn nhớ cặp mắt đầy hy vọng của một anh lính cứu hoả bị thương đầu, plaie crânio-encéphalique, óc lòi chảy ra khi tôi tháo băng trên đầu. Chuyển đi Bệnh Viện Chợ Rẩy không được mà dầu có mổ đi nữa thỉ triển vọng sống cũng không có bao nhiêu. Những ưu tiên cấp bách thật sự là số 3, những trường hợp phải mổ gấp như nội xuất huyết ; những fractures ouvertes mà thường sách vở nói là khẩn cấp thì tôi đánh số 1 vì còn nhiều trường hợp khẩn cấp hơn nữa…

Cũng nên nhắc lại là sáng mùng 2 tại Saigon người dân mới biết VC tổng tấn công vì nhiều đường bị chận như đường lên Tổng Y Viện Cộng Hòa, Ngân Hàng Máu Gò Vấp. Lối hơn 9 giờ thì tôi mới vô phòng mổ để thay thế anh em, vừa lúc anh Nghiêm Đạo Đại ra khỏi phòng mổ với nét mệt thấy rõ. Anh y tá người bắc tên Nguyễn Văn Nam, nghe tiếng của tôi thì khoái và mừng rỡ lên vì hắn là instrumentiste của phòng B (phòng mổ của Thầy Hoành) mà lúc đó tôi là NT khu Ung Thư. Trong lúc các y công đem bệnh nhân ra và đem người khác vô, tôi liền coi hồ sơ và khám bệnh nhân sơ qua để rồi chận lại để đem vô một bệnh nhân trẻ lối 20 tuổi, mặt tái xanh vì nội xuất huyết với vết thương bụng vì đạn mà tôi mới cho chuyển lên từ phòng 8 với số ưu tiên 3. Anh Nam lấy "bandeau đặc biệt" của tôi từ trong tủ của phòng B vì tôi thường đổ mồ hôi trán, tránh rớt xuống trong champ opératoire, và phụ tôi mổ. Vì quen tánh của tôi nên hai thầy trò mổ rất nhanh và cứu được em thanh niên ấy, tuy vết thương khá nặng. Hai năm sau tôi rất ngạc nhiên khi thấy một cặp vợ chồng trẻ qua phòng mạch của tôi bên cầu chữ Y, tay cầm một cặp gà để tặng tôi vào dịp Tết : hỏi ra mới biết đó là thanh niên tôi đã cứu hồi Tết Mậu Thân, nay được miễn dịch và mới cưới vợ !…

Đêm mùng 2 Tết Mậu Thân đường Phan Thanh Giản đen như mực, không một tiếng động, tôi nhận xét như thế trước khi trở vô phòng mổ để giải phẩu tiếp. Khi sắp đóng phúc mạc lại (péritoine) thì có tiếng hô là "Việt Cộng vô tới bệnh viện rồi !", tôi hỏi có thật không thì người y công trả lời là thấy một VC ôm AK ở phòng nhận bệnh, tay chân tôi rụng rời nhưng vẫn bình tĩnh nói với anh y tá Nam là hãy may thành bụng lại cho nhanh hơn. Sau đó tôi nghe tiếng hỏi ngoài hành lang : "Ai là trưởng phiên trực đêm nay ở đây?", tôi liền ra khỏi phòng mổ và ngạc nhiên khi nhận ra là BS Trần Lữ Y, Tổng Trưởng Y Tế lúc đó, bụng mang một cây Smith & Wesson, loại 5 viên nòng cụt, đi cùng 2 cận vệ mang Kalachnikov mà mình quen gọi là AK-47 ! Khi nhận ra tôi "anh Ba" liền hỏi (chúng tôi thường gọi lén anh BS Trần Lữ Y bằng "anh Ba Lụi") : "Tụi em hiện giờ thiếu những gì ?" Tôi liền trả lời là thiếu máu, trụ sinh Péni- Strepto, và plasma vì tôi chỉ mổ với Lactated Ringer's mà thôi. Tôi đi cùng với anh Lữ Y xuống kho thuốc và anh lấy một cục phấn ký tên trên cửa trước khi nạy cửa kho để chúng tôi vào lấy những gì cần thiết.

Chiều mùng 2 có Thầy Tâm vô tăng cường, vẫn nói chuyện nhỏ nhẹ với bệnh nhân và nhận lãnh những bệnh khó, hay đi từng phòng mổ hỏi thăm và ra tay phụ giúp chúng tôi. Khuya hôm đó tôi lên phòng riêng trên lầu 2 ngủ được một giấc ngon lành, không biết bao lâu nhưng đủ để lấy lại sức và trở xuống lầu 1 mổ tiếp. Mùng 3 Tết thì nhiều Thầy và Nội Trú trở vô nhiệm sở nên ít bối rối, tôi phụ Thầy Ngô Gia Hy mổ bên phòng A liên tục nhiều cas, Thầy vẫn muốn có đủ dụng cụ nhưng Bà y tá Điền hấp đồ không kịp nên Thầy mổ mà miệng cứ lẩm bẩm "khó quá, khó quá!"…
Sau này vào tháng 8 năm 2004 Thầy bị bạo bệnh, tôi là học trò chính tay mình chữa trị Thầy tại Bệnh Viện Pháp-Việt
tại Sài Gòn và tôi có nhắc lại kỷ niệm năm xưa, Thầy bùi ngùi cảm động và nói : "Mới đây mà đã gần 40 năm rồi" và Thầy tặng tôi một đèn veilleuse, tới nay tôi vẩn giữ trong phòng ngủ… Từ mùng 3 đến mùng 7 Tết, bệnh viện có gần đầy đủ nhân viên và BS để hoạt động. Trong những ngày qua, có nhiều lúc tôi ngủ ngồi trong phòng mổ trong thời gian chờ bệnh khẩn vừa mổ xong chuyễn ra phòng và bệnh mới đem vào. Phần lựa bệnh (triage) có BS Nguyễn Quang Huấn, cựu Y Sĩ Phó Tổng Y Viện Cộng Hòa vừa biệt phái qua đảm trách, nhưng bệnh viện hết lương thực phải ăn cơm với hột vịt muối, đến mùng 7 thì Bà Soeur đi chợ lại nên các bửa cơm trở lại gần như bình thường. Trong những ngày ấy tôi học được nơi Thầy Trần Ngọc Ninh và Thầy Tâm sự bình tĩnh trước những trường hợp khẩn cấp: thầy Ninh xưa nay rất khó khi trải champs trước khi mổ, thưòng đòi hơn hai hộp khăn, nay chỉ vừa trải 4 khăn là Thầy đã cầm dao rồi. Vừa mở phúc mạc, tôi chưa kịp hút máu thì Thầy đả thò tay vô bụng và làm exploration liền. Thầy bình tỉnh, ít nói và mổ rất nhanh. Thầy Tâm thì vẫn mổ như mọi ngày, chậm rải, từ từ nhưng chính xác, không cử động nào thừa, và rất "mát tay" vì sau khi ra phòng Hồi Sức các bệnh nhân của Thầy phần lớn tình trạng đều tốt đẹp và ít biến chứng.
Năm 1969 với sự đề nghị của BS Trần Lữ Y, Cục Quân Y chấp thuận cho các Nội Trú Thực Thụ được hoãn dịch một năm để phục vụ trong các bệnh viện công với tư cách Y Sĩ Thường Trú (Médecins Résidents) nên tôi may mắn được chọn trong nhóm Nội Trú đó. Có anh còn cao tay ấn nửa, là "tình nguyện thi rớt" năm thứ 5 để kéo dài thêm đời Nội Trú như anh Võ Thành Phụng, còn anh Nghiêm Đạo Đại nhờ một dịp may được hoãn dịch thêm 2 năm nữa nhưng vì tử vi chỉ có số "Văn" nhưng không có số "Võ" nên sau khi trình diện trên Quang Trung lại bị giải phẩu vì tai nạn lưu thông và trở về đời sống dân sự.

Tình nghĩa Thầy trò lại sâu đậm hơn trong năm ấy. Bệnh Viện được cơ quan USAID và phái bộ AMA giúp đỡ nhờ BS Norman Hoover, nên có dụng cụ phòng mổ khá đầy đủ, và cũng nhờ cô Sally Maxwell, một y tá người Mỹ tóc vàng mắt xanh, nói tiếng Việt khá giỏi. Sally chú ý nhiều về dụng cụ giải phẩu của phòng BS Giám Đốc, lúc đó là Thầy Hoành, nên quen rất thân với tôi. Sally có tên Việt Nam là Hồ Chí Liên, cháu của Bác Hồ ! Có vài buổi chiều tôi chở Sally dạo bờ sông Saigon và dạy ăn hột vịt lộn với uống la ve 33, cô thường mua đồ PX dùm tôi sau nầy và khi gia đình tôi tị nạn tại Camp Pendleton bên California, Sally sẳn sàng làm sponsor cho gia đình tôi qua Falls Church bên Virginia, nếu cần.
Sau 4 năm bị động viên, tôi trở về Bệnh Viện Bình Dân với tư cách Y Sĩ biệt phái vì trúng tuyển Giảng Nghiệm Viên Trường Y Khoa Sài Gòn và làm việc thêm 2 năm nữa với Thầy Hoành. Lúc đó, Bệnh Viện mới xây khu nhà mới phía sau và khu Ung Thư được dọn vào. Cây phượng vỹ năm xưa đả bị đốn mất. Nhiều khuôn mặt trẻ thay thế các bạn cũ đã đi nhập ngủ. Bệnh Viện vắng bóng Thầy Hữu vì Thầy đã tránh thời cuộc và đã di cư qua Brest. Thầy Tâm có vẻ gìà đi và trầm lặng hơn. Phong trào huấn luyện các Giảng Nghiệm Viên qua Mỹ nhiều hơn nhưng bệnh viện không còn không khí như xưa nữa.

bv binh dan  Bs Văn Tần ngày nay

Khi trở lại thăm Bệnh Viện Bình Dân vào năm 1993, ngoài BS Văn Tần làm Phó Giám Đốc, tôi không còn quen ai trong bệnh viện, từ y sĩ đến y công. Tôi lang thang đi dọc theo các hành lang tìm lại những kỷ niệm xưa nhưng rất buồn vì không còn dấu vết gì thời sinh viên, luôn cả khu nội trú mà khi xưa tôi đả trải qua những năm tháng đẹp nhứt của đời tôi. Tôi lặng lẽ rời bệnh viện dưới ánh nắng chiều và sau đó không bao giờ muốn trở lại đó nữa.

Trần Ngọc Quang
Paris, tháng 7 - 2011