Hành phương nam  

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
        
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây

Hai câu thơ trên tôi góp nhóp từ anh bạn không thân quen cho mấy.
Ừ thì hãy đảo qua anh bạn quen nhưng không thân này một chút, anh Nam kỳ giuộc, tôi Bắc kỳ đặc, gặp nhau ở quán cà phê, hít thuốc lá và biết anh học sư phạm ban sử địa. Một ngày sau Tết, ghé nhà anh ở đằng cuối con ngõ đường Yên Đỗ. Nhìn ra sân có dăm chậu mai vàng đang nở rộ, va vào mắt xấp giấy nằm trên bàn có hai câu thơ trên.
Chưa kịp hỏi, thì ngày 30 tháng Tư ập tới.

Vậy mà đã 30 năm có hơn, năm thỉnh mười thỏang, tôi đọc được những bài sử của anh trên mạng lưới. Từ đấy tôi có những khúc mắc về việc anh…“hành sử” với các sử gia miền Bắc (như ông Tạ Chí Đại Trường) nên muôn hỏi cho ra nhẽ. Nghe anh qua đây làm một chuyến dối già, đến đón anh. Tôi hỏi dò mắc chứng gì ông ở lại mà không giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây. Gặp lại thấy ông có khuôn mặt lất phất khó hiểu…vừa phải thế nào ấy, tôi gọi anh là ông để giữ một khỏang cách nào đó. Ông quay sang tôi và lặng lờ:
- Tôi ở lại để làm nhân chứng cho một khúc quanh lịch sử.
Khó hiểu thật, tôi nhủ thầm vậy. Qua khuôn mặt phẳng lặng, ông lọ mọ tiếp…
Sông có bến đục bến trong, bên bồi bên lở. Dòng sông cứ miệt mài lở bên này bồi bên kia. Muốn đổi dòng phải đợi ba trăm năm, dòng sông Gianh vơi chiều dài của lịch sử cũng bằng những năm tháng ấy. Sông miệt mài chẩy từ thuở khai thiên lập địa đã chứng kiến, đã chuyên chở bao số phận của con người cùng đất trời.
        
Yên ba giang thượng sử nhân sầu xong, ông hỏi tôi còn hút thuốc không? Tôi trả lời tôi mua chiếc xe thổ tả này để…hun khói. Ông cười dín. Tan loãng theo khói thuốc nổi trôi với chiều thứ sáu từ sở làm về, cái đầu tôi bơ bả đến một cái quán nào đó?
Trở lại chuyện ông ở lại để làm nhân chứng cho một khúc quanh lịch sử. Vì biết ông ra Bắc…“làm việc” ngòai ấy. Tôi hỏi ông các sử gia Hà Nội nghĩ gì về với các sử gia Sài Gòn. Ông cười vu vơ đó là chuyện sau. Đang lái xe, mắt tôi vẫn bạ vào ông. Khóe mắt ấy cho tôi biết môi ông còn lay động sau câu nói. Tôi đẩy đưa đi tìm một quán rượu hay một tiệm ăn để dễ nói chuyện. “Cơm Tây chăng”. Ông lại cười, mắt cười theo. Cung cách ấy như thân quen từ lâu, từ ngày còn ngồi ở quán cô Hồng đườg Pasteur. Tôi chọn bàn gần lò sưởi để đốt lò hương cũ những chuyện sử học vừa qua của ông. Ông dục dặc
- Chuyện của lịch sử và đất nước. Về sử học, mình phải nghiêm chỉnh hơn. Trước sau cũng phải có một “dự kiến lịch sử”.
Người tôi thủng ra về câu “vọng văn sinh nghĩa” trên, đang ú ớ…Vừa lúc người tiếp viên mắt xanh tóc vàng nghiêng chai Beaujolais để ông thẩm định. Ông nói gì đó, gật đầu. Cầm ly vang lắc lắc cho nó…thở, ông thở ra, và nhấp một ngụm. Nhìn bình hoa giữa bàn mầu vàng như muốn giãy nảy lên vì hơi rượu, khói thuốc. Tôi bương bả với ông: bôn ba sang đây nhiều năm, mỗi lần thấy hoa đào nở trên báo Tết lại nhớ cánh mai vàng của miền Nam hai mùa nắng mưa rộ nở ở góc sân nhà ông năm nào.
Người bạn sử miền Nam hết nhìn tôi, nhìn hoa, khẽ đánh mắt một cái. Như miền Nam mưa đấy cũng nắng ngay đấy, ông nắng với mưa và …dự kiến thế này đây:
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên có công nhất trong cuộc Nam tiến vì có “dự kiến lịch sử” (từ của sử gia Hà Nội Trần Quốc Vượng) trong cuộc khai khẩn đất hoang miền Nam sau này. Vì để tồn tại, trước đó người Việt phải mở đường Nam tiến xuống phía nam theo bờ biển dọc theo dãy Hoành Sơn. Ấy là điều kiện sống còn của dân tộc, và đó cũng là vận mệnh lịch sử từ thế kỷ thứ X trải qua các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
 
Người bạn sử miền Nam lụi đụi ngược dòng lịch sử…
Nhà tiền Lê, dọc theo dẫy Hoành Sơn, Lê Đại Hành chiếm Quảng Bình đến Đèo Ngang, rồi rút quân về. Nhà Lý, Lý Thường Kiệt mang quân vào tới tận Quảng Trị và ngừng chân ở đây. Như nhà tiền Lê, nhà Lý cũng không nghĩ đến việc mở mang bờ cõi. Sau vua Trần gã công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để mang về sính lễ hai châu Ô, châu Rí .
Ông đào xới đất đai, vật lên phong thổ chí…                                                       
Nhà Hồ đem quân đánh Chiêm Thành, lấy được đất Quảng Nam. Người Việt đã mở rộng lãnh thổ của mình xuống 3/5 đất đai Chiêm Thành. Chính sách di dân có quy mô của người Việt chỉ thật sự bắt đầu với họ Hồ. Hồ Hán Thương cho đào kinh dẫn thủy nhập điền ở đây, (Thuận Hóa) như thế đủ thấy về sự khai khẩn quốc thổ của nhà Hồ.
Công cuộc Nam tiến được tiếp nối với nhà Lê tới Bình Định, người Việt chiếm được 4/5 đất đai của Chiêm Thành. Chúa Nguyễn tiến quân xuống Phan Rang chỉ chiếm 1/5 lãnh thổ còn lại của họ. Thế đấy, thưa anh.
       
Đợi ông thông sử xong, mụ sử tôi rị mọ chuyện gì của lịch sử hãy trả lại cho lịch sử: nhà Hồ lập dinh điền sẵn ở Thuận Hóa và Quảng Nam cho...Nguyễn Hòang. Tiếp, Mạc Thiên Tứ dâng Hà Tiên và Châu Đốc cho nhà Nguyễn, nào khác gì họ Mạc làm cỗ cho ma sơi. Minh Mạng chỉ có công đặt tên cho ...Nam kỳ lục tỉnh.
(Năm 1832, Minh Mạng dùng 6 chữ cuối trong bài cổ thi 8 chữ để đặt tên cho 6 tỉnh miền Nam: Sáu chữ trong câu “Khoái mã gia biên vĩnh định an hà “ nghĩa là “phóng ngựa” vung roi giữ yên bờ cõi”. Vì vậy mới có Gia Định, Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên).
Nghe mụ sử tôi... diễn sử rồi nhưng làm như không xuôi rót, ông…rót ly vang làm cái ực, mắt ông vắt qua…hòn giả sơn mãi tận ở Hải Dương, đất khởi nghiệp của nhà Mạc:
Như anh biết đấy, qua giai thoại cụ An Nam lý học hữu Trình truyền giữa họ Mạc đối đầu với họ Trịnh. Mạc Mậu đến hỏi cụ ở khoảnh sân có hòn non bộ, cụ dậy: Cao Bằng tuy thiểu, khả năng sổ thế, ý là Cao Bằng tuy nhỏ nhưng dung thân được mấy đờị.

Cóc lại đòi đi guốc, tôi được thể rách chuyện…ít lâu sau, cụ Trạng cũng chống gậy ra khoảnh sân, cũng ngắm hòn giả sơn, nhìn đàn kiến…"leo núi" bầy kế cho Nguyễn Hoàng: Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân. Nhà chúa xin Trịnh Kiểm vào trấn thủ Thuận Hóa. Tôi ngay đơ với ông thay vì Mạc Mậu, cụ Trạng…xúi bậy Nguyễn Hoàng ngược lên Cao Bằng thì lịch sử đã rẽ qua khúc quanh khác, thì ông và tôi không có đất lêu bêu ở miền Nam sáng nắng chiều mưa.
Thêm một lần, làm như không nghe thiên cổ chi mê tôi đang theo bước chân phù lãng nhân trong cõi ngu lạc trường. Rút điếu Craven “A” mang từ bên nhà qua để đó, mắt ông vắt ngang cái đàn dương cầm, một nhạc công ngồi đấy đang chơi nhạc. Ông nói nhạc Jazz của người da đen nghe ai oán Nam Ai, Nam Bình như dân Chàm mất nước, nào khác gì vọng cổ với Dạ cổ hoài lang. Ấy vậy mà họ (Tố Hữu) xuống câu sề “tắt đèn” cải lương và hát bội của người miền Nam.
       
Tôi ngẫm nguội há lại có cái lý ấy sao? Nay thêm các sử gia miền Bắc bênh vực cho nhà Hồ, nhà Mạc (hay chính họ) để mất đất cho Tàu. Vì theo họ việc Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, việc giành lấy ngôi vua (ông Hồ và Bảo Đại) một triều đại phong kiến đã suy tàn là hợp quy luật, là lẽ tất yếu của lịch sử.
Làm như có thần giao cách cảm nên hay biết những gì mụ sử tôi đang bối rối như sư đẻ, ông nhìn ra ngoài cửa sổ và bỗm bãm qua khói thuốc...
Thì như anh đã hỏi các sử gia Hà Nội nói gì về với các sử gia Sài Gòn…Chuyện là từ vị tiến sĩ đầu tiên của miền Nam là cụ Hàn lâm viện biên tu Phan Thanh Giản mà sử gia miền Nam bị vạ lây. Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trần Huy Liệu đã bôi nhọ trí thức và sử gia miền Nam: ”Tất nhiên khi chép sử kiện Phan Thanh Giản cắt đất dâng cho xâm lược Pháp, trí thức và sử gia miền Nam đã vô liêm sỉ coi đó không phải là chuyện phản quốc”.
       
Mụ chữ tôi chưa kịp hiểu “Hàn lâm viện biên tu“ là gì. Ông hẻo mọn thêm…
Để xây dựng chế độ họ ’’bài bản’’ theo triều đại phong kiến nhà Nguyễn cũng đốt sách tàn dư của Ngụy quyền. Theo ai đó đó: ’’Nào có khác gì nguyên mẫu của Gia Long, Minh Mạng đốt sạch nhà Tây Sơn”. Ngoài ra theo Đại Nam chính biên liệt truyện, chúa Nguyễn Phúc Khoát dành vùng Thủy Xá và Hỏa Xá để ‘’cải cách’’ và ‘’tạo dựng’’, để tập trung người Chàm mất đất. Vì vậy hai chữ... ‘’cải tạo’’ hay ‘’ngụy’’ (từ Nguỵ tây chỉ nhà Tây Sơn) họ vay mựợn từ nhà Nguyễn. Với lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng (Gertrude Stein), nên không thể không nhắc đến sử kiện Minh Mạng sai Trương Minh Giảng đánh Cao Miên. Bắt nữ vương Ang Mey và bầu đoàn thê tử cận thần quan lại đưa ra Bắc cải tạo cho tuyệt hậu hoạn (tại khu đất chùa Bà Đanh ở Hồ Tây, nguồn Tạ Chí Đại Trường). 
Đợi ông thông sử như thông khói xong, tôi ăn như cũ ngủ như xưa…
Lịch sử là cuộc tái diễn không ngừng với 210 năm sau (tính từ thời Nguyễn Phúc Khóat), đoàn người thất trận từ phương Nam bị đưa ngược về phương Bắc, nơi sơn lam chướng khí bên dẫy núi Hoàng Liên Sơn để cải tạo. Ở đây tù binh Ngụy quân, Ngụy quyền bỏ xác lại không phải là ít bên sườn núi đìu hiu hút gió.
    
Đợi tôi ngập ngụa trong cõi mụ mị rồi, ông ngược dòng lịch sử…
Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chettha II, mối duyên này giúp cho dân làm ăn được dễ dàng ở Thủy Chân Lạp (tức miền Nam). Tuy trên danh nghĩa là đất Chân Lạp, (Phù Nam cũ) nhưng thực sự là đất vô chủ bởi lẽ từ nhiều thế kỷ, vì sự suy yếu chiến tranh liên tiếp với Xiêm, vùng đất đây hoàn toàn hoang vu.
Vào đến miền Nam, quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (thời Nguyễn Phúc Chu) đặt doanh trại ở vùng đất chùa Cây Mai. Trước khi người Việt đến, vùng này chỉ có vài mươi nóc nhà người Miên-Môn. Mặc dù lúc đầu, người Việt sống cách biệt với họ, nhưng chính mảnh đất nhỏ bé ấy đã khởi đầu hình thành một Sài Gòn cho mai hậu. (xem tr 4)
Làm như có gì suy nghĩ lung lắm rồi ông rối chữ chẳng đâu vào đâu...
Có hai danh nhân dưới thời nhà chúa ấy là Đào Duy Từ lập lũy Trường Dục. Và nhà sư Thích Đại Sán, quê ở Giang Tây, đến Phú Xuân theo lời mời nhà chúa đã nhắc đến địa danh Vạn lý Trường Sa (Hòang Sa, Trường Sa – xem tr 4)  trong tập Hải ngoại kỷ sự.

Khi không ông cổ lỗ rị mọ:
- Bây giờ tên Sài Gòn đã đi vào …cổ sử rồi, cũng…lịch sử lắm chứ nhỉ, thưa anh.
Người bạn sử miền Nam vừa nói, ánh mắt vừa như cắt ngang những đường phố Sài Gòn, có những con đường mang tên vua chúa nhà Nguyễn đã khuất vắng. Vì bây giờ tên Sài Gòn đã đi vào cổ sử, mụ chữ tôi để hồn đi hoang, ngồi lúi húi như cóc nhảy ở quán cóc bên đường…ngước nhìn lên tên đường không còn nữa ta thấy tên ta những bảng đường, đời ta sử chép cả ngàn chương…ta thấy hình ta những miếu đền (Mai Thẳo).

Ngồi như con gọng vó đã lâu, khi rày tôi mới đơm chuyện…       
Tôi ăn măng nói mọc ăn cò nói bay về đoàn tuỳ tùng hơn 1000 người cùng Nguyễn Hoàng khai sơn phá thạch cả chục ngàn dặm đường. Qua bao chông gai lội sông vượt suối qua mấy chục cái cầu, và 5 cái đèo. Qua đèo Ngang tới Quảng Trị, trên con lộ sinh tử cả mấy trăm năm trước còn âm vọng đâu đây những ám ảnh chông gai, ngại ngùng ở Hồ Xá nhớ em anh cũng muốn vô, sợ Truông Nhà Hồ, ngại phá Tam Giang. Từ dẫy Trường Sơn tới biển Đông chỉ đo được 40 cây số, nhìn bản đồ như cái cổ họng thắt lại đến nghẹt thở giữa hai miền Nam Bắc. Nghẹt thở hơn nữa là Mùa hè đỏ lửa 72, chính nơi chốn đây là chiến địa giữa Bắc quân và Nam quân với cổ lai chinh chiến khứ nhân hồi và cổ thành Quảng Trị đã trở thành phế tích.
       
Qua đèo Hải Vân đến Quảng Nam, đất khởi nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Nguyên với lớp di dân tiên khởi từ Huế, có 4 hạng khác nhau : Đầu tiên là những lính thú đi mở nước về phương Nam. Hạng di dân thứ hai bị lưu đày tới Quảng Nam là tội đồ. Hạng di dân thứ ba vì sợ trả thù của triều đại trước, họ phải đổi họ và chạy trốn vào đây. Hạng thư tư di dân vì nghèo khổ. (thời nhà Hồ, di dân phải thích vào cánh tay tên hai nơi hoang địa sắp đến là đất cũ của Chiêm Thành, là Chiêm Động, Cổ Lũy tức Quảng Nam, Quảng Ngãi).
Thời chúa Nguyễn Phúc Tần, tội đồ bị thích dấu ở trán vì mang án lưu viễn châu (châu xa) nên bị đưa tới Mỏ Xòai. Nhà chúa khuyến khích dân Thuận Quảng và đưa tù binh bắt được trong cuộc chiến với chúa Trịnh vào Mỏ Xòai khẩn hoang lập ấp ở vùng đất mới. Sử cũ ghi năm 1665 có độ 1000 người vào lập nghiệp ở vùng đất mới này. Thời chúa Nguyễn Phúc Khóat, tội đồ lưu ngoại châu (châu xa gần biên giới) bị đày đến biên giới Miên.

Khởi đầu chúa Nguyễn Phúc Tần đưa dân vào Quảng Ngãi, đất này được gọi là “Ngũ Quảng lưu dân”. Họ mở đất lập làng xã vì ngỡ sẽ an cư lạc nghiệp, sau lại khăn gói gió đưa vào Nam. Con đường cái quan hình thành từ Quảng Trị tới Cà Mau. Càng xuống phía Nam, đất đai rộng, thời tiết dễ chịu, con người càng thoáng rộng hơn. Theo cuộc di dân với ngôn ngữ, có câu: “Giọng Thanh Hoá là giọng miền Bắc…phải đi. Giọng Bình Thuận là giọng miền Nam…sắp sửa”. Con đường cái quan không thênh thang cho các quan vi hành, mà là con đường mòn, di dân phải phạt cỏ chặt cây để khai quang lối đi. Họ leo núi băng rừng ngập những chông gai, họ trèo đèo lội suối đầy gian nan. Vì suơng lam chướng khí nên bị bệnh tật, kiệt sức. Vì vậy một số người đã bỏ xác lại bên đường.

Tôi khoe mẽ với ông tôi có công... “khai phá, khẩn hoang” ra tiệm ăn được…hút thuốc lá này. Như chuyện di dân khai phá Bà Rịa và Sài Gòn dưới đây…
Theo tôi, người có công trong cuộc Nam tiến không phải Nguyễn Phúc Nguyên (đời chúa thứ 2). Mà là Nguyễn Phúc Tần, (đời chúa thứ 4) ông bãi chiến với Đàng Ngòai để quay về phương Nam. Sau khi đưa dân vào Quảng Ngãi, lại tiếp tục cho di dân vào khai phá đất hoang ở Mỏ Xòai (Bà Rịa). Đồng thời cho Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên vào khai khẩn làm ăn ở Thủy Chân Lạp để có Mỹ Tho và Biên Hòa.
Vua Chân Lạp nhận làm phiên thần hàng năm cống nạp đầy đủ. Sau Chân Lạp có loạn,  Nguyễn Phúc Tần đem quân sang giúp theo yêu cầu của Chân Lạp. Sau khi nhà chúa dẹp loạn phong cho Nặc Thu làm Chính vương đóng đô ở Long Úc (Chân Lạp), Nặc Nộn làm Phó vương đóng ở Sài Côn (Sài Gòn) hàng năm triều cống.
Chuyện Sài Gòn sau này thuộc về ta (xem ở dưới) là lẽ đương nhiên. Chuyện tôi muốn đưa ra hai dữ kiện: Một là nhà chúa lâm bịnh nặng cho gọi con là Nguyễn Phúc Thái đến bên giường bảo rằng: "Bình sanh ta ra vào chỗ gian hiểm để bảo tồn xứ sở. Con nối ngôi phải sửa nhân chính để giữ an bờ cõi". Vì thế chúa Nguyễn Phúc Thái lập Hải đội Hoàng Sa, hàng năm từ Quảng Ngãi ra tuần tiễu quần đảo Hoàng Sa. Hải đội Bắc Hải từ Bình Thuận có nhiệm vụ tuần tiễu đảo Côn Lôn, Phú Quý và quần đảo Trường Sa.
Hai là theo Đại Nam thực lục tiền biên ca tụng Nguyễn Phước Tần như sau:
"Bây giờ trong cõi vô sự, thóc lúa được mùa, chúa công sửa sang, không xây đài tạ, không gần thanh sắc, giảm nhẹ thuế má, trăm họ vui vẻ, đều khen là đời thái bình".
Ăn ngay nói thật, trước 75, tôi ăn phở gà ở đường Hiền Vương. Ấy thế mà tôi không hay...Hiền Vương là tôn danh của....chúa Nguyễn Phúc Tần.
 
Qua thời chúa Nguyễn Phúc Chu (đời chúa thứ 6) lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (Gia Định). Cuối cùng là chúa Nguyễn Phúc Khóat (đời chúa thứ 8) được Mạc Thiên Tứ dâng đất Hà Tiên, kể từ đó (1757) nước Việt ta mở rộng đến mũi Cà Mau.
Đến trần ai khoai củ này đây, mụ chữ tôi lạc hoa lưu thủy về mảnh đất mới của những người trăm năm cũ với bất đăng cao sơn, bất lâm thâm cốc, bất tri địa chi hậu...
Nếu lấy mốc thời gian từ chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Khoát với 8 đời chúa, sau 146 năm, đất nước được mở rộng từ Quảng Trị đến Cà Mau. Nếu lấy 25 năm là một thế hệ, đã có 7 thế hệ di dân hòa nhập với người Miên, người Chàm ở Tây Ninh, Châu Đốc và người Minh Hương để có giọng nói người Lục tỉnh. Người di dân, thêm người Mạ, người Stiêng (tài liệu Pháp: cuối thế kỷ 19, người Mạ, người Stiêng sống ở thung lũng Donai gần Biên Hoà) để có giọng nói đặc thù người Sài Gòn.
  
Bởi mọt sách ăn giấy của tha nhân đã lâu, mụ chữ tôi dón chuyện…
Vì phong thổ chí khác nhau, trong khi người Bắc kỳ tôi sống co cụm thì người Nam kỳ sống phóng túng, dám ăn dám xài, ăn uống xả láng. Hết tiền mai…tính. Bắc kỳ tôi...tính tới tính lui lối sông này có thể bắt nguồn từ thuở vi dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềng khó đi, tới khi có được ruộng đồng chó chạy đổ mồ hôi hột là…“phẻ” rồi. Thế nên họ rất…bốc: Thà một phút huy hòang rồi chợt tắt, còn hơn là le lói suốt trăm năm. 
Với đặc thù của người miền Nam mang khí khái 108 anh hùng lương sơn bạc trong Thủy Hử nên rất ngang tàng, khí phách. Có thể vì từ xa xưa là những người giang bạt kỳ hồ nên họ có phong cách giang hồ hảo hán. Với phong thái trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, trọng nhân nghĩa, kẻ bất nhân bất nghĩa khó dung thân ở vùng đất này: Với người miền Nam thì: “Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim”.

Nho táo xong, bởi gia dĩ uống rượu mẻ bát thiên hạ, tôi ngầy ngà nữa...
Vào miền Nam lạ nước lạ cái, lưu dân tứ phương tám hướng là những người xa lạ không quen biết, họ trở thành...“bà con một xứ”. Từ bà con tứ xứ, biểu hiện...“tứ hải giai huynh đệ” là thích…nhậu. Bởi thế sau những ngày cầy sâu cuốc bẫm, chặt cây đốn gỗ trên rừng, chài cá trên sông, họ cần có bầu bạn để buồn vui với bà con bởi mang cái tâm thái vui cũng…nhậu, buồn cũng…nhậu. Vì vậy họ có thể nhậu ở bờ ruộng, ven rừng, bến sông... không say không về. Hoặc giả ở bến sông thì…nhậu tới bến.
Đến chuyện hậu sự, tôi lộng ngôn hí địa về thần hoàng bản thổ…
Là lưu dân ra đi bỏ lại mồ mả tổ tiên ở Đàng Ngòai, mang cái tâm trạng cố hương nan khứ hậu nan quy. Vì vậy vào đến miền Nam, với phép vua thua lệ làng, họ không theo chiếu chỉ của vua nhà Nguyễn quy định thờ tổ tiên: Vua thờ lục tổ, các quan đại phu thờ tam tổ, thứ dân chỉ được thờ nhất tổ (thờ ông nội). Họ thờ thêm tổ tiên của họ ở Đàng Ngòai tức “cửu huyền thất tổ”. Cửu huyền là chín thế hệ: cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu chắt, chít. Thất tổ là bảy đời: cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ và cao tổ .

Vừa đốt lò hương cũ xong, vừa lúc ông đội cái mũ “phớt” (feutre) lên đầu.
Thêm một lần biệt hữu thiên địa phi nhân gian tạm hiểu là ta có một cõi riêng không người, vì làm như ông đang sửa soạn cho một chuyến đi xa. Khi không tôi có linh cảm người bạn sử miền Nam muốn vê với cửu huyền thất tổ của ông ở Đàng Ngòai. Tôi đóan chừng ông sẽ ngừng chân ở Quảng Trị của…thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Tôi nhìn thấy ánh mắt ông vắt ngang dòng sông Bến Hải đang lặng lờ với nước chảy đôi dòng: Dòng sông sau 30 năm, nước vẫn tiếp tục trôi đi ở giữa dòng có một giải phân cách tự trăm năm.
Cùng cảm hoài nhất thốn thổ với ông, tôi cảm thấy thanh thản ở cái tuổi hiểu được cuộc đời là dòng sông đã gần đến cửa biển. Mà biển là tàng thức chứa chấp mọi nhân sinh. Thời gian trên những dòng sông chính là những mảnh đời. Trong một khỏanh khắc khác, mắt ông vắt qua một khỏang không gian, thời gian nào đó mà ông đã từng hoài bão của người miền Nam bị mất đất: mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự, giầy cỏ, gươm cùn ta đi đây…

***
Thời gian vỗ cánh như quạ bay, một ngày tôi đặt bút xuống với những dòng chữ đây, người bạn sử của miền Nam không nắng thì mưa không còn nữa! Năm cùng tháng tận, rũ bỏ mọi quá khứ dù có mặt hay không có mặt. Đất khách quê người qua bóng ngả đường chiều, mụ chữ tôi ngụp lặn về những nơi chốn khuất nẻo từ độ mang gươm đi mở cõi, trời nam thương nhớ đất Thăng Long  (Huỳnh Văn Nghệ)
Với cuộc Nam tiến mấy trăm năm trước, thêm 60 năm sau nữa, trong đó có hai lần di cư. Trong tâm thái hoài cố nhân với bất tri hà xứ thị hương nhân, với người bạn quen nhưng không thân lắm, tôi đang bước theo những vết chim di của người bạn sử miền Nam qua bài văn sử Hành phương nam này. Sau 75, trong cái tâm thái mỗi năm hoa đào nở lại nhớ cánh mai vàng của mảnh đất không mưa thì nắng. Người viết bài văn sử lễnh đễnh ngược về năm 54, là Bắc kỳ đặc, trộm nghĩ nếu không có chúa Nguyễn Phúc Tần xuôi Nam, thì chẳng có thẻo đất nào để người viết có chỗ làm nơi chốn dung thân với những năm tháng xưa cũ u ẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn khuây...

Thạch trúc gia trang
Giáp Ngọ 2014
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(sửa chữa 2017, 2020)

Nguồn: Tường Vũ Anh Thy, Viên Linh, Phan Khoang, Tô Hoài, Phạm Trung Tùng, Trần Nhuận Minh, Hồng Trung, Lâm Văn Bé, Thái Văn Kiểm, Nguyễn Đức Hiệp, Trần Gia Phụng, Trần Khánh.


 

Đăng ngày 15 tháng 05.2020