30-4  Nhìn lại chiến tranh

Trần Trung Đạo

thang tuThỉnh thoảng tôi đọc trong Internet một vài lá thư có nội dung bày tỏ thái độ không đồng ý của người viết đối với số chính sách của đảng và nhà nước, được gởi ra từ trong nước. Các tác giả của những lá thư đó tuy khác nhau ở tên họ, địa chỉ, nhưng chung dưới một tên gọi là "các cựu chiến binh lão thành".
Những lá thư như thế chắc không phải được viết bằng máy vi tính hiện đại như tôi đang sử dụng mà có lẽ bằng những cây viết có ruột cao su mềm, bơm mực bằng tay được cất giữ kỹ lưỡng từ lâu lắm. Nhìn vào tên tuổi và chức vụ, tôi biết các cụ thuộc thế hệ Điện Biên và không ít là người của thời mùa thu 1945 còn lại. Địa chỉ của các cụ tuy khác nhau nhưng giống như lá thư tập thể, phần đông sống trong các khu nhà cũng có tên chung là Khu Tập Thể.
Trong suốt bảy, tám mươi năm của đời mình, các cụ sống, làm việc và được rèn luyện để thừa hành chỉ thị của cấp trên chứ không quen đặt vấn đề, các cụ tập chịu đựng đau đớn chứ không được phép rên la. Và vì thế, viết một lá thư đã là một việc khó khăn, gởi lá thư đó đến các cấp đảng và nhà nước trung ương là một can đảm chưa từng nghĩ đến và phổ biến lá thư rộng rãi ngoài quần chúng quả thật là một hành động phi thường.
So với việc ôm ngọn tầm vông vót nhọn lao vào phòng tuyến thực dân trong những ngày còn trai trẻ, hành động viết lá thư gởi lên trung ương đảng ngày nay có thể còn nguy hiểm hơn nhiều. Những kẻ mà các cụ lo sợ sẽ trả thù, dèm pha, nghi kỵ không phải bọn thực dân mắt xanh, mũi lõ dễ phân biệt mà là những người cùng tổ chức, cùng đảng, cùng gọi nhau là đồng chí và ngay cả những kẻ còn thuộc hàng con cháu các cụ.
Tôi hình dung cái đêm các cụ tập trung nhau ở nhà một người nào đó trong nhóm để thảo lá thư, chắc phải bí mật, hồi hộp hơn cả giờ ra trận và xúc động hơn cả đêm cuối cùng bên cạnh vợ con trước ngày lên đường đi Lai Châu, Hà Nam, Hà Bắc không biết có ngày trở lại, của mấy chục năm về trước.
Các cụ lo sợ là phải. Những kẻ mà các cụ chống đối ngày nay, không những biết rõ nơi ăn chốn ở mà còn là người quyết định các chỉ tiêu lương thực, thực phẩm, tiền hưu trí, phụ cấp nhà ở của các cụ. Những kẻ đó không những nắm quyền sinh sát cho đoạn đời ngắn ngủi còn lại của các cụ mà cũng có luôn cả quyền xóa bỏ quá khứ mà các cụ vô cùng trân quý.
Tôi nghĩ đến các cụ và thương các cụ rất nhiều. Không phải sau khi đọc những lá thư được gởi từ các khu nhà tập thể, không phải sau khi đã ra được nước ngoài mà ngay cả từ thời mới lớn tại miền Nam trước 1975, hình ảnh các cụ vẫn rất đẹp trong lòng tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tất cả những người Việt Nam sống bên kia sông Bến Hải là cộng sản, trái lại tin rằng ẩn khuất sau đám mây đen độc tài đảng trị đó vẫn có những tấm gương sáng của lòng yêu nước chân thành.
Dân tộc nào trên thế giới cũng yêu thương và gắn bó với đất nước của họ, nhưng tôi vẫn có một niềm tin chủ quan rằng con người Việt Nam nặng lòng với quê hương đất nước nhiều hơn các giống dân khác. Bởi vì không có một đất nước nào, ở đó, mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi con đường đã được gìn giữ bằng một giá đắt như ông bà chúng ta đã phải hy sinh trong suốt dòng lịch sử.
Những ngày còn ở trung học, tôi thuộc lòng bài thơ “Nhà tôi” của Yên Thao và “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm. Cả hai bài thơ được đăng trong tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn, trong đó có những câu làm tôi rơi nước mắt:
Đêm buông xuống dòng sông Đuống
- Con là ai? Con ở đâu về?
Hé một cánh liếp
- Con vào đây bốn phía tường che
Lửa đèn leo lét soi tình mẹ
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng
Ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể
Những chuyện muôn đời không nói năng.
(“Bên kia sông Đuống”, Hoàng Cầm)
hay là:
Đêm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu buồn lấp lánh sao lưa thưa
Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắp tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi đấy bên trại thù quạnh quẽ
Nằm im lìm như một nắm mồ ma
Có còn không! Em hỡi một mẹ già?
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa.
(“Nhà tôi”, Yên Thao)
Tôi thường tự nhủ, nếu được sinh ra cùng thời với các cụ và có đủ can đảm, con đường đẹp nhất mà tôi chọn có lẽ cũng là con đường mà các cụ đã đi:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
(“Đất nước”, Nguyễn Đình Thi)
Sau 1975, nghe bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết trong thời chống Pháp, tôi cũng vô cùng cảm động:
"Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo, người mẹ nghèo trong áo rách, áo rách nên thương, áo rách nên thương, các con ra đi đã mấy chiến trường, mang theo cả tình thương của mẹ."
Trong hình ảnh nghèo nàn, đau xót đó đã toát lên một vẻ đẹp thiêng liêng của tình mẹ và tình đất nước.
Trong một buổi thảo luận với các bạn trẻ, tình cờ trùng hợp với thời gian Việt Nam đang kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ, một bạn đã hỏi cảm tưởng của tôi đối với những người ngã xuống trên phòng tuyến Điện Biên Phủ trên đường tấn công vào sào huyệt của tướng De Castries. Tôi đã trả lời người bạn trẻ rằng tôi rất có cảm tình và kính trọng những người chết trên đường đánh vào bộ chỉ huy của tướng De Catries.
Trả lời như vậy không phải vì tôi chưa suy nghĩ kỹ. Thật ra, từ khi biết nghĩ về đất nước, tôi đã suy nghĩ về cái chết của những người Việt Nam đó rất nhiều.
Khi nói cảm tình với những người chết khi tấn công vào Điện Biên Phủ không phải tôi không biết rằng trong thời điểm đó đã có mặt một chính phủ khác, hình thành như kết quả của hiệp ước Hạ Long 1948 và sau đó trong hiệp ước ký kết tại điện Élysée giữa Bảo Đại và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol năm 1949. Theo nội dung chính của cả hai hiệp ước, Pháp công nhận "nền độc lập" của Việt Nam. Thật ra, đó chỉ là chiếc bánh vẽ mà dân Việt Nam chẳng thể nào ăn được. Sử gia Phạm Văn Sơn ở miền Nam đã viết trong Việt sử toàn thư: "Nhưng sau 80 năm sống dưới quyền Pháp, nhân dân Việt Nam đã hiểu rõ người Pháp quá nhiều, lại nhìn vào Bảo Đại và thành phần chính của chính phủ Bảo Đại, nhân dân cũng hết tin tưởng, vì vậy mà cây bài quốc gia tức cây bài Bảo Đại không có hiệu quả."
Là một sĩ quan cấp đại tá, phụ trách phòng quân sử thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa, lẽ ra ông phải viết khác đi cho thích hợp với bối cảnh chính trị Việt Nam sau hiệp định Geneva, nhưng không, sử gia Phạm Văn Sơn đã có một cái nhìn sáng suốt. Ông viết từ trái tim yêu nước và viết cho hàng trăm năm sau chứ không phải để thoả mãn các nhu cầu chính trị nhất thời.
Đại tá Phạm Văn Sơn, người đã chết trong trại tù Vĩnh Phú năm 1980, đã ví các nỗ lực của thực dân nhằm tiêu diệt lòng yêu nước bền bỉ của nhân dân Việt Nam chẳng khác gì là việc "cầm dao chém nước", chẳng thể nào chẻ được lòng yêu nước của người Việt Nam.
Khi nói cảm tình với những người lính chết trên đường tấn công vào Điện Biên Phủ không có nghĩa tôi không biết rằng ông Hồ Chí Minh là một cán bộ của Đệ tam Quốc tế Cộng sản và những người lãnh đạo phong trào Việt Minh phần lớn là đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Lenin đã khẳng định cuộc cách mạng chống thực dân là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới và cũng chính Lenin cho rằng các nước thuộc địa lạc hậu có khả năng nhảy vọt lên chủ nghĩa xã hội mà không cần thông qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản. Ngay từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tư tưởng đó luôn luôn là tư tưởng chỉ đạo cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Tôi kính trọng và quý mến những người đã ngã xuống, đơn giản bởi vì họ là những người yêu nước.
Tình yêu họ dành cho nơi chôn nhau cắt rốn là một tình yêu thuần khiết và vô cùng trong sáng. Lòng yêu nước của họ không nhập từ đâu cả nhưng được hun đúc bằng xương máu từ nhiều ngàn năm lịch sử, lớn lên trong lời dạy bảo của cha và lời ru của mẹ.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 2 năm 2005 của đài BBC, nhà thơ Hoàng Cầm cũng đã xác nhận: "Lúc ấy tôi còn trẻ (đỗ tú tài năm 1940), tham gia cách mạng là vì tinh thần yêu nước chứ cũng không biết gì về các chủ nghĩa. Tôi viết các vở kịch mang chất lịch sử, xuất phát từ lòng yêu nước."
Một người như nhà thơ Hoàng Cầm, có bằng tú tài, một trình độ giáo dục được xem là cấp cao của thời bấy giờ, vẫn không biết gì về chủ nghĩa Mác-Lê thì hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu tâm hồn nông dân chơn chất Việt Nam khác làm sao hiểu được thế nào là duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, giá trị thặng dư, thời kỳ quá độ và họ chắc cũng chẳng quan tâm đến các ông Các Mác râu xồm hay ông Lê-nin trán hói là ai.
Tôi tin tuyệt đại đa số những người đã chết trong cuộc chiến chống thực dân là những người hy sinh cho độc lập, tự do đúng nghĩa. Họ ngã xuống cho thanh bình sớm được vãn hồi trên quê hương khổ đau và bất hạnh Việt Nam. Họ ngã xuống trong nụ cười, bởi vì ngay cả khi nhắm mắt lìa đời họ vẫn tin rằng họ đang chết cho tổ quốc, đang chết cho tương lai dân tộc như tổ tiên họ đã chết trên sông Bạch Đằng, trên bến Chương Dương, trong đầm Dạ Trạch, giữa núi rừng Yên Thế. Họ chết đi trong giấc mơ tuyệt đẹp về một đất nước tương lai, một đất nước của Hùng Vương thương yêu và giàu mạnh. Tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói rằng tất cả, đều tin như thế.
Tôi không tin một người Việt Nam nào có thể lấy thân mạng mình lấp vào ổ súng thực dân hay lấy thân mình làm đòn kê để khẩu pháo khỏi rơi xuống hố sâu chỉ để mong một ngày đất nước Việt Nam sẽ biến thành một thiên đường, ở đó con người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, muốn gì có nấy như đã khẳng định trong kinh điển Mác-Lê.
Không! Những nông dân Việt Nam yêu nước từ bỏ ruộng vườn ra đi theo tiếng gọi của non sông như một thời vang vọng từ Chí Linh, Lam Sơn, Bạch Đằng, từ bốn ngàn năm lịch sử. Họ đã từng ôm lấy nhau mà hát "Vì nước, ruộng nương anh để vợ anh cày, gian nhà tranh mặc kệ gió lung lay... Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá, miệng còn cười buốt giá chân không giày, thương nhau, ta nắm lấy bàn tay".
Không ai gần gũi với đất nước hơn là nông dân và cũng không ai yêu đất nước hơn người nông dân. Cả đời họ gắn liền với bờ ao, ruộng lúa. Họ đánh Tây chỉ vì một lý do đơn giản, để được sống thanh bình, tự do trong căn nhà tranh, bên bờ ao thửa ruộng của họ. Ý nghĩa của quê hương trong lòng người nông dân trong sáng như thế đó.
Và cho dù những người nông dân áo vải thô đó có tham gia vào đảng cộng sản đi nữa, việc tham gia của họ cũng chủ yếu là để được tổ chức hóa nhằm mục đích hợp đồng chiến đấu, đạt đến chiến thắng dễ dàng hơn mà thôi. Nếu họ sinh ra ở Quảng Nam họ sẽ gia nhập Việt Nam Quốc dân Đảng, sinh ra ở Quảng Trị họ sẽ gia nhập Đại Việt, sinh ra ở Cần Thơ, Vĩnh Long họ sẽ gia nhập Dân xã Đảng. Đó là trọng điểm của các đảng phái chống Pháp trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.
Trong ý thức đơn sơ của người dân Việt, các tổ chức chống thực dân là những chiếc phao họ bám để sang bờ độc lập. Người dân hiền lành ngày đó làm sao biết được con đường họ đi không dẫn đến độc lập, tự do, hạnh phúc mà dẫn đến nghèo nàn, lạc hậu, độc tài và làm sao biết được chiếc phao họ bám cũng là chiếc bẫy buộc chặt cuộc đời họ cho đến ngày nay.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng tôi nhìn lịch sử từ hướng con tim và bằng lý trí chứ không nhìn từ điện Kremlin, White House, khu Trung Nam Hải Bắc Kinh hay bằng những kiến thức và lý luận một chiều. Tôi học để hiểu rằng cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Đó là cuộc chiến giữa dân tộc Việt Nam bị trị chống lại thực dân Pháp bóc lột và nô lệ đất nước chúng ta. Cuộc chiến đó bắt đầu khi tiếng đại bác của tướng thực dân Rigault de Genouilly bắn vào Đà Nẵng năm 1859 chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược cho đến khi chúng rút ra khỏi Việt Nam vào năm 1954.
Trong gần một trăm năm đó, máu của hàng triệu người Việt Nam đã đổ xuống khắp ba miền, từ ruộng lúa Tiền Giang đến châu thổ sông Hồng, từ Côn Đảo đến Réunion, từ dải Trường Sơn trùng điệp đến núi rừng âm u Việt Bắc. Bên tai tôi như vẫn còn nghe tiếng hô "Việt Nam vạn tuế" của Nguyễn Thái Học, lời dặn dò của Phan Chu Trinh, tiếng gào thống thiết của Nguyễn An Ninh, lá thư viết bằng máu của Phan Bội Châu, giọng thơ hùng tráng của Lý Đông A, tiếng sóng Châu Giang vỗ vào thân xác của Phạm Hồng Thái.
Người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên.
Khoảng cách giữa thương nước và hại nước không phải là một chiếc cầu dài mà trái lại rất ngắn và mỏng như sợi tóc. Chiếc cầu nhận thức đó ngắn đến nỗi nếu chỉ bước thêm một bước nữa, một người yêu nước sẽ tức khắc trở thành kẻ bán nước.
Đó là thực chất của cuộc chiến gọi là "Chống Mỹ cứu nước" sau 1954 đến 30 tháng 4 năm 1975.
Nhiều người nhìn cuộc chiến Việt Nam như nhìn vào màu nước biển. Tùy theo thời gian và chỗ đứng của mỗi người, nước biển có một màu sắc khác nhau. Nhưng màu thật sự của giọt nuớc không thay đổi dù sáng, trưa, chiều, tối, trong bờ hay ngoài khơi. Tương tự, cuộc chiến Việt Nam đã được gọi bằng nhiều tên gọi: nội chiến, chống đế quốc, ủy nhiệm, đánh thuê v.v…, nhưng bản chất của cuộc chiến vẫn chỉ là một mà thôi. Như vậy, bản chất của cuộc chiến từ 1954 đến 1975 là gì?

Trong các định nghĩa về chiến tranh, tôi vẫn đồng ý với định nghĩa của Karl von Clausewitz nhất, "chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương tiện khác" (War is the continuation of politics by other means). Và từ định nghĩa đó, nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, thay vì đi tìm nhãn hiệu quốc gia nào trên từng vỏ đạn, trên mỗi chiến xa hay thử nghiệm DNA, màu da, chủng tộc của từng xác chết, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và mục đích của cuộc chiến đã xảy ra trên đất nước mình, không phải trong thời chiến mà ngay cả trước và sau cuộc chiến.
Nói về mục đích chiến tranh, khoảng năm 1970, tôi có đọc một cuốn sách của giáo sư Nguyễn Văn Trung. Tôi không nhớ chính xác tên của tác phẩm nhưng nhớ rất rõ giáo sư đã dành nguyên trang đầu để viết mỗi một câu: "Nói cho cùng, cuộc chiến Việt Nam vẫn là cuộc chiến tranh ý thức hệ". Câu nói đó kích thích sự tìm hiểu của tôi rất nhiều về bản chất và mục đích của cuộc chiến Việt Nam mà các bên tham dự đang nhắm đến.
Ở miền Nam, chúng tôi lớn lên với nhiều câu hỏi và rất ít câu trả lời, trong khi đó, thế hệ trẻ miền Bắc lớn lên có tất cả câu trả lời chờ sẳn mà không cần đợi hỏi. Nếu ai hỏi một trăm em, hay thậm chí một ngàn em học sinh Việt Nam tốt nghiệp phổ thông về lý do của cuộc chiến tranh được mệnh danh là "giải phóng miền Nam", tôi tin người hỏi sẽ nhận về những câu trả lời giống hệt nhau, đó là "chống giặc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước".
Giặc Mỹ xâm lược?
Phải chăng vì "giặc Mỹ xâm lược" Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Tây Đức nên ngày nay các quốc gia này mới trở nên những nước giàu có nhất nhì trên thế giới.
Thống nhất đất nước?
Vâng, không một người Việt Nam nào muốn cắt đi phần da thịt của mình hay muốn đất nước mình phải chia đôi, chia ba, nhưng nếu để đổi sự thống nhất bằng sinh mạng nhiều triệu người dân vô tội, nhiều trăm ngàn người Việt Nam vẫn còn đang mất tích, hàng vạn cô gái Trường Sơn đã đánh mất tuổi xuân trong rừng sâu núi thẳm, một nền kinh tế đi sau nhân loại hàng thế kỷ, phải chăng là một giá nên đổi?
Độc ác như Kim Nhật Thành nhưng sau cuộc thử lửa 1950 đã không còn nuôi giấc mộng xâm chiếm Nam Hàn lần nữa. Bạo chúa cỡ Erich Honecker cũng chưa bao giờ dám nghĩ chuyện phiêu lưu thống nhất nước Đức bằng con đường võ lực.
Trước 1975, tôi nghe rất nhiều về quốc gia, cộng sản nhưng ai cũng bận đánh nhau, chẳng bao nhiêu người dành thời gian nghiên cứu kỹ càng và phổ biến rộng rãi về thế nào là quốc gia và thế nào là cộng sản. Một số không ít các nhà lãnh đạo miền Nam từng là sĩ quan trong quân đội Pháp hay đã phục vụ trong chính quyền thuộc địa Pháp nên cũng không thích nghe quá nhiều những mẩu chuyện khơi dậy lòng yêu nước chống thực dân và họ cũng không đặt nặng việc xây dựng một hệ ý thức quốc gia dân tộc nào hoàn chỉnh. Một số người được gọi là trí thức trong xã hội miền Nam thì xem việc chống chính phủ, chống Mỹ là một thời trang, mặc dù nhiều trong số họ ăn lương Mỹ.
Xã hội miền Nam trước 1975 hẳn nhiên không phải là một xã hội lý tưởng. Miền Nam có tham nhũng, có cậy quyền, có lũng đoạn, có độc tài, có tham ô, có lãng phí, nói chung có đủ các biến chứng tiêu cực của một đất nước vừa thoát ra khỏi ách phong kiến và thực dân. Nhưng đồng thời miền Nam cũng có các điều kiện và nhân tố cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị. Giống như việc trồng cây ăn trái, những hạt mầm dân chủ cũng phải được gieo, phân bón, tưới nước, chịu đựng nắng mưa, gió bão, truớc khi đâm chồi, nẩy lộc, đơm hoa và kết trái.
Mặc dù đang chập chững trên hành trình dân chủ hóa như thế, không có nghĩa là hàng triệu người lính miền Nam chiến đấu không lý tưởng. Một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng vĩ đại bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.
Trong suốt 20 năm từ sau 1954, nhân dân miền Nam, không có một con đường nào khác hơn là phải chiến đấu để bảo vệ quyền được sống trong một xã hội họ đã chọn lựa.
Phát xuất từ chính sách chia để trị của thực dân và hoàn cảnh trưởng thành, không ít nhà lãnh đạo miền Nam đã bắt đầu cuộc đời chính trị hay binh nghiệp trong hàng ngũ Pháp, nhưng giống như hàng triệu người dân miền Nam khác, họ đã chung lưng nhau chiến đấu để bảo vệ quyền được nói những điều họ nghĩ, quyền được sống nơi họ muốn sống, quyền đi nhà thờ, đi chùa họ chọn, quyền được hát bài hát họ thích.
Dù quá khứ khác nhau nhưng họ đều ngã xuống như những người yêu nước. Đừng quên, những người bị gọi là "Ngụy", là "theo Tây", "theo Mỹ" kia không chỉ phải bảo vệ miền Nam mà còn phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn để giữ từng cù lao, từng khoảng không gian của vùng trời, từng hải lý của vùng biển Việt Nam. Hạt cát Hoàng Sa vẫn còn đỏ màu máu của họ.
Thế nhưng, số phận các quốc gia nhược tiểu thì ở đâu và thời nào cũng vậy, nếu tương hợp với quyền lợi của đế quốc thì sống và ngược lại thì chết. Bởi vì mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam rất tương hợp với quyền lợi của Liên-Xô và Trung Quốc nên "vinh quang này thuộc về Đảng Lao động Việt Nam" như Lê Duẩn nói, trong lúc nhiều cấp lãnh đạo miền Nam phải tự sát hay sắp hàng đi vào tù bởi vì quyền lợi của nhân dân miền Nam (chiến đấu để bảo vệ và xây dựng các nền móng tự do dân chủ riêng ở miền Nam) không còn tương hợp với sách lược thế giới của tổng thống Richard Nixon.
Thật ra, không phải đợi đến khi tổng thống Nixon thay đổi đường lối chiến tranh mới dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam, chính sách của Mỹ tại Việt Nam đã thất bại ngay từ trong trứng. Đánh nhau với ba nước tiên phong và hùng hổ nhất trong khối cộng sản quốc tế (Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô) mà chỉ nhằm bảo vệ miền Nam Việt Nam thì sự thất bại là vấn đề thời gian mà thôi. Danh tướng Đức Erwin Rommel chẳng từng viết "Phòng thủ là tự sát" đó sao. Trong chiến tranh Đại Hàn, nếu quân đội đồng minh không đổ bộ Ichon, giải phóng Seoul, vượt vĩ tuyến 38, chiếm cả thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn, mà chỉ lo phòng thủ miền Nam thì số phận Nam Hàn chưa biết sẽ ra sao.
Sau 1975, chính bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã xác định cuộc chiến từ sau 1954 đến 1975 là chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản và tự do.
Trong diễn văn chào mừng chiến thắng vào đầu tháng 5 năm 1975, Lê Duẩn không còn che giấu tham vọng nhuộm đỏ cả nước Việt Nam khi tuyên bố: "Vinh quang này thuộc về Đảng Lao động Việt Nam quang vinh, người lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tiền phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Câu nói "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc..." đã trở thành một trong những câu khẩu hiệu phổ biến nhất trong thời kỳ đó.
Câu khẩu hiệu dài lòng thòng này đã làm tốn nhiều vải và mực nhất trong những năm mà người dân không có áo mặc sau 1975. Ngoài ra, trong tác phẩm được xem như là kinh điển, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, Lê Duẩn cũng nhiều lần khẳng định mục đích cuối cùng của cách mạng tại Việt Nam là đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội hiện đại (công nghiệp, nông nghiệp và khoa học kỹ thuật), tạo điều kiện vững chắc cho chủ nghĩa cộng sản khoa học trong tương lai.
Nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập vào năm 1930 cho đến nay, tuy khác nhau về chiến lược của mỗi thời kỳ và hoạt động dưới nhiều tên gọi (Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam) nhưng hoàn toàn nhất quán về tư tưởng và mục đích chính trị.
Người đọc sẽ thắc mắc, thế thì công sức của Đảng Cộng sản trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đầy gian khổ nhưng cũng rất vinh quang đó là gì?
Xin thưa, từ nhỏ tôi được dạy rằng khi giúp đỡ ai thì đừng cầu ơn phước, vì giúp người chỉ để mưu cầu lợi lộc riêng tư thì không phải giúp người mà chỉ là một hành động đầu tư trên sự khổ đau của kẻ khác mà thôi.
Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương cho đến 1954, giới lãnh đạo cộng sản đã chiến đấu trong hàng ngũ người Việt yêu nước, vâng, nhưng mục đích cuối cùng của họ không phải là độc lập dân tộc hay thống nhất đất nước. Bốn mươi năm, kể từ 1975, một khoảng thời gian đủ dài và một vết chém đủ đau để nhân dân Việt Nam ý thức ra rằng thống nhất đất nước chỉ là điều kiện tiền đề cho mục đích cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam.
Hành động đốt sách vở một cách không phân biệt, xóa bỏ mọi tàn tích văn hóa cũ, đổi tiền năm bảy lượt, bỏ tù hàng trăm ngàn người, đày đi kinh tế mới hàng triệu đồng bào là những bằng chứng hiển nhiên đến mức không ai còn có thể chối cãi được. Nếu chỉ đánh Mỹ để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, tại sao họ đã thi hành các biện pháp đầy đọa, trừng phạt, tẩy não vô cùng thất nhân tâm như đã làm sau 1975 đối với chính đồng bào máu mủ của mình.
Trong quan điểm đó, Đảng Cộng sản không có công trạng hay ơn nghĩa gì với dân tộc Việt Nam cả. Họ chỉ là những người cho vay lấy lãi nặng bằng máu xương của bao nhiêu thế hệ Việt Nam.
Hãy so sánh cách sống của những ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương đảng và cuộc đời của những người được gọi là "chủ nhân đất nước" đang lây lất dưới gầm cầu Long Biên để thấy cái mức lãi mà dân tộc ta phải trả cho Đảng Cộng sản Việt Nam cao đến bao nhiêu.

Bất cứ người Việt Nam có một chút kiến thức kinh tế, chính trị và nhìn lịch sử một cách khách quan phải công nhận rằng, nếu không có ý thức hệ cộng sản, Việt Nam không những vẫn là một dân tộc thống nhất mà còn có đời sống tự do, dân chủ, nhân bản và giàu mạnh gấp trăm lần hơn hôm nay.

Trần Trung Đạo


Bạn hỏi tôi có nhớ ngày 30 tháng 4?

Việt Nguyên

Ba mươi tháng tư. Bạn nhắc ngày ba mươi tháng tư lại đến. Lời nhắc nhở hay lời than thở?
Ba mươi tháng tư đến như tên khách lạ, không mời, không mong, không đợi, không chờ, đến nhà gõ cửa không hỏi, không chào. Ba mươi tháng tư, một nửa miền Nam cúi đầu dưới họng súng đi theo một nửa miền Bắc đau thương xã hội chủ nghĩa. Dãy Trường Sơn xương sống chuyển mình, Việt Nam gãy đổ, nước Việt chữ S trở thành hình con giun oằn oại.
Tháng tư, tháng của mùa xuân mà trời Sàigòn nóng như lửa, những chuyến máy bay di tản cất cánh hòa với bản nhạc “Giáng Sinh Trắng”, người Sàigòn chia ly đầu bừng bừng như trong “Mùa hè đỏ lửa”, người Mỹ lạnh lùng phản bội ra đi như tuyết mùa đông.
Bạn hỏi tôi có nhớ ba mươi tháng tư? Ngày còn trẻ mang nhiều ước vọng, chạy quanh Sàigòn nhìn những cảnh tang thương, người đi mang nỗi sầu trong tim kẻ ở lại đi trên đường với những giòng nước mắt âm thầm trên đôi mắt đỏ như màu máu. Sàigòn hỗn loạn, Sàigòn ngơ ngác đón xe tăng địch về với những gương mặt bộ đội ngớ ngẩn hỏi đường đến Dinh Độc Lập ngày Tướng Dương Văn Minh đầu hàng. Sàigòn với bản nhạc “nối vòng tay lớn” không giữ được ngưòi ra đi. Sàigòn với những anh hùng lỡ vận đốt chiến y chờ đợi một tương lai. Sàigòn với những người hùng cố thủ trên cao ốc, Sàigòn với những tiếng khóc uất ức của những người bị phản bội. Sàigòn với bản nhạc “nối vòng tay lớn” lừa dối người ở lại. “Rừng núi giang tay” đón những người không tim về thành phố!

Ba mươi tháng tư, bạn hỏi tôi có nhớ tháng tư?
“Tháng tư gãy súng”, tháng tư đồng minh phản bội. Tháng tư hy vọng của hòa bình không đến. Chiến tranh chấm dứt đón hòa bình giả tạo. Tháng tư bắt đầu những hận thù âm ỉ, kẻ thắng không giữ lời xem toàn miền Nam như kẻ thù truyền kiếp. Nước Cửu Long không rửa được hờn oán những thập niên dối trá sắp đến với miền Nam. Người vào trại học tập, kẻ ở nhà trong một trại giam vĩ đại không hàng rào kẽm gai, gia đình ly tán người người ái ngại. Dương Văn Minh đầu hàng, chính quyền cách mạng lên tiếng kêu gọi “hòa hợp hòa giải” quên hận thù xây dựng tương lai, lính bỏ súng đầu hàng đi vào trại giam.
Ba mươi tháng tư bắt đầu một dối trá. Lời hứa giả tạo đem lại hy vọng cho người ở lại như một viên thuốc cho người bệnh hấp hối. Ba mươi tháng tư bắt đầu cho một chính quyền cộng sản với chủ thuyết Mác Lê thay cho lúa gạo.
Ba mươi tháng tư, tôi đi bộ trên đường phố Sàigòn như một chứng nhân lịch sử sau khi chạy xe gắn máy ngừng trên đường Thống Nhất nhìn xe tăng “Giải phóng” tung sập cánh cửa Dinh Độc Lập. “Độc Lập” sập, “Nô lệ” đến, nô lệ cho chế độ cộng sản tiếp tục từ chế độ nô lệ ở miền Bắc từ 1954, Độc Lập sập báo hiệu cho những thập niên sau nô lệ cho “mô hình Trung Quốc” một đảng cộng sản lệ thuộc Trung Cộng. Tôi bỏ đi khỏi đường Thống Nhất sau khi chứng kiến “hoan hô cách mạng” dưới họng súng của những người dân sợ hãi đứng bên đường nhìn đoàn xe tăng.
Ba mươi tháng tư, tôi đi trên đường phố Sàigòn hỗn loạn mà lòng buồn như hoang đảo. Loa phóng thanh ồn ào trên những chiếc xe lam, những chiếc xe gắn máy. Bộ đội chưa thấy chỉ thấy quân “ba mươi tháng tư” ăn có làm cách mạng. Trộm cướp ngoài đường của một ngày vô trật tự trong khi bên trong Dinh Độc Lập đầy những người cách mạng ngớ ngẩn nhìn những tiện nghi tối tân. “Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”, dân hy vọng cách mạng sẽ đem đến trật tự mới. Nhưng những cảnh hỗn loạn, cướp trộm những nhà đã bỏ đi Mỹ, báo hiệu ba mươi tháng tư sẽ bắt đầu chiến dịch cướp hợp pháp lớn hơn qua chính sách đánh phá tư sản mại bản. Sàigòn hỗn độn với những người mặt lo lắng vội vàng bỏ đường phố về nhà. “Nhân dân vùng dậy làm cách mạng” chỉ là những lời tuyên truyền láo của chính quyền cho dân miền Bắc đang mơ dưới chế độ cộng sản trên hai mươi năm.
Tôi đi trên đường phố ngày ba mươi tháng tư 1975, qua cầu nước đục từ Gia Định về, bao nhiêu năm sau nước còn đục hơn nữa, ước vọng của dân nghèo ngày hôm ấy đón cộng sản về thành nỗi thất vọng lớn lao. Đi trên đường phố hỗn loạn, tôi chỉ nghĩ đến những cuốn sách đã đọc như “Từ thực dân đến cộng sản” của Hoàng Văn Chí, cuốn sách với những phân tích về chủ thuyết cộng sản thực hiện ở miền Bắc sau 1954 và thầm hy vọng tác giả đã nhận định sai. Đi trên đường phố hỗn loạn trong ngày lịch sử hôm ấy, nhìn những cửa hàng buôn bán, nghĩ đến những thương gia, điền chủ tôi chỉ mang một hy vọng những gì trong cuốn phim “Chúng tôi muốn sống” với tài tử Lê Quỳnh chỉ là những lời tuyên truyền sai của Việt Nam Cộng Hòa. Trong những nguời lính đã bỏ súng đầu hàng trong ngày ba mươi tháng tư có bao nhiêu nguời đã đọc “Trại Đầm Đùn” và rồi đây những năm tháng sắp đến, “cách mạng khoan hồng” có tạo ra những trại giam khủng khiếp trong thế kỷ thứ hai mươi sau hai mươi mốt năm hiệp định Genève?
Tôi đi trên đường phố Sàigòn ngày hôm ấy, một ngày trời nóng bức như mùa hè, nhớ đến Doctor Zhivago và Lara qua cuốn truyện của Boris Pasternak đã được làm thành phim, nghịch cảnh sẽ tạo ra bao nhiêu Zhivago trong Việt Nam Siberia lạnh giá? Đêm ba mươi tháng tư, nằm trong nhà nghe bộ đội nói chuyện ngớ ngẩn ngoài xóm với những danh từ Bắc cách mạng khó hiểu, tôi nhớ đến những người bạn, cùng ngồi với nhau trong quán nước, nhìn nhau nuôi một hy vọng cuối cùng trong một tháng tư với những người dân tị nạn bỏ chạy giặc trên quốc lộ số một: cộng sản Việt Nam sẽ có một bộ mặt như cộng sản Nga thay vì cộng sản Tàu. Hy vọng buồn cười : cộng sản Nga ít ác độc hơn cộng sản Tàu! Cách mạng của Stalin chỉ thanh trừng giết hại 60 triệu người thay vì cộng sản Mao giết hơn 100 triệu dân Trung Hoa. Những ngày tháng tư năm 1975, cùng nhìn nhau lo lắng qua những bản tin ngày “giải phóng Kampuchia” dân bị cưỡng bách bỏ thành phố, Nam Vang bỏ hoang với Khmer đỏ, dân Sàigòn chỉ còn hy vọng số phận của Sàigòn sẽ khác và rồi những hy vọng ấy cũng tắt dần những ngày sau 30/4/1975.
Tôi ở lại hơn hai năm sau ngày Việt Nam Cộng Hòa bị khai tử, chứng kiến những thay đổi của xã hội miền Nam trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa quá độ. Cuộc cách mạng bắt chước theo các thời kỳ của cộng sản Nga và Trung Hoa, đấu tranh giai cấp, vô sản hóa giai cấp tư bản và tiểu tư sản, công nông nhân làm chủ mặc dù lịch sử đã cho thấy hai cuộc cách mạng vô sản ở Xô Viết và Trung Hoa là hai cuộc cách mạng thất bại. Dựa trên tinh thần “Tư bản luận” cũ mèm của Karl Marx luận về nền kinh tế tư bản Tây phương thế kỷ thứ 19, đảng cộng sản Việt Nam không biết đến những tiến bộ xã hội và kinh tế cũng như căn bản của nền văn minh như nhà kinh tế hiện đại, Milton Friedman năm 1962 đã viết cuốn “Tư bản và tự do”: “Trong những nền văn minh tiến bộ vĩ đại trên thế giới tất cả những tiến bộ về kiến trúc, ấn loát, khoa học, văn chương, kỹ nghệ, nông nghiệp v.v…không hề đến từ chính quyền trung ương”.
Hai ngày kỷ niệm ba mươi tháng tư trong hai năm sau, miền Nam tiêu điều, Sàigòn hoang vắng, đường phố chói chang với cờ đỏ sao vàng, cờ càng đỏ ngày 30 tháng tư thì đời người dân càng ngày càng tang thương, sao vàng càng phất phới kinh tế càng vàng vọt dù rằng chính sách học tập của đảng và nhà nước hứa hẹn trong mười năm Việt Nam bằng Pháp (đảng ít ra cũng còn giữ sĩ diện không so sánh với kinh tế Liên Xô hay Trung Cộng hay một nước cộng sản Đông Âu!)
Đánh cho “Mỹ cút ngụy nhào”, nhà nước và đảng nhất định diệt tư bản qua chính sách đánh tư sản mại bản, tịch thu tài sản đuổi dân đi vùng kinh tế mới mà sự thật đằng sau là chính quyền cướp của, cướp đất của dân, chuyển tài sản về Bắc kể cả khối vàng 20 tấn đổ cho T.T. Nguyễn Văn Thiệu đã đem lên máy bay đi Mỹ.
Văn hóa giáo dục Mỹ ngụy phải thay đổi, trí thức là thành phần phản động đáng nghi ngờ. “Hồng thắm hơn chuyên” chính trị trên chuyên môn, bí thư đảng nằm khắp các cơ quan kể cả bệnh viện, trường học, một yếu tố làm hư hại đến chuyên môn mà sau này khi Tổng bí thư Gorbachev cải tổ việc đầu tiên ông làm là loại các bí thư đảng ra khỏi các cơ quan và hãng xưởng. Giáo dục xã hội chủ nghĩa đào tạo những chuyên viên kém, thiếu chất lượng nhưng đầy tính đảng: giả dối, nịnh bợ. Con người sống trong xã hội chủ nghĩa quá độ quên hết tình người, lễ giáo, đạp nhau mà lên, xô nhau mà đi. Con người đi ngược lại thuyết tiến hóa của Darwin “từ người trở về vượn”.
Đuổi dân đi vùng kinh tế mới để dạy dân bài học vô sản, cướp của cướp luôn cả phẩm giá con người dù rằng đảng lúc nào cũng hô hào xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và đổ tội cho Mỹ ngụy về các tội ác và mặt xấu của xã hội. Những giá trị vĩnh cửu bị phá hủy. Pascal nói “con người là con vật biết suy nghĩ”, trong thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa con người của các ông cộng sản đào tạo là những con vật không suy nghĩ.
Cai trị với quyền lực của họng súng và với sự cộng tác của những kẻ trở cờ ba mươi tháng tư, xã hội thay đổi như truyện “Cuốn theo chiều gió” của bà Margaret Mitchell thời chiến tranh Nam Bắc ở Mỹ. Xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ dùng đủ phương tiện cộng sản “cứu cánh biện minh cho phương tiện” khác với những lời khuyên đạo đức của triết gia Imanuel Kant “con người không nên bị xử dụng như là phương tiện để thoả mãn cứu cánh của kẻ khác!”

Không giết người trắng trợn, không đẩy dân ra khỏi thành phố cho giới truyền thông quốc tế thấy, đảng cộng sản lập ra các vùng kinh tế mới và các trại tù cải tạo. Dân miền Nam trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa quá độ ngơ ngác như anh chàng nông dân Moritz ra toà án quốc tế Nuremberg trong truyện “giờ thứ 25” của nhà văn Lỗ Ma Ni Vigil Georghiu: “trong bao nhiêu năm tôi không còn biết tôi là ai, tôi ở đâu”
Trong khi giới trí thức cố giữ phẩm cách của mình khi phải phục vụ chế độ mới, chế độ tự nhận giải phóng, trong những điều kiện mà hy vọng vào tương lai như ánh sáng le lói bên kia đường hầm thì các trại tù cải tạo mọc lên cùng khắp. Những người tin tưởng vào chính quyền bị lừa đi tù không tuyên án không thấy ngày về trong khi vợ con bị đày vùng kinh tế mới gia đình ly tán, con mất cha, vợ mất chồng. Chồng trong tù, vợ ở ngoài vất vả nuôi con, Người tù “được” cải tạo để trở thành những con người không còn suy nghĩ như tù nhân Ivan “ trong một ngày trong đời Ivan Denisovich” của Aleksander Solzhenitsyn. Trước 1975, người đọc tưởng Solzhenitsyn thêu dệt, CIA Mỹ “đầu độc” trí thức miền Nam qua các tác phẩm chống cộng, nhưng rồi những tù cải tạo ở miền Nam Việt Nam sau 1975 cũng giống như những tù khổ sai ở vùng Tây Bá Lợi Á của chính quyền Stalin, phản bội giai cấp công nhân trong khi toàn quốc hát bài quốc tế lao động “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”. Người tù bị đánh đập, bỏ đói, bị các “ăng ten” theo dõi, “vét sạch bát thức ăn, hài lòng khi đi ngủ sau một ngày lao động”. Người tù không biết khi nào được trả về nhà, bị chuyển từ trại tù này sang trại tù khác “anh không còn biết sống ở đâu dễ thở hơn, ở nhà tù này hay ở nhà tù kia!”
Thiên đàng cộng sản với những nhà tù cùng khắp ở Việt Nam không khác gì “Quần đảo ngục tù” của Nga được diễn tả bởi Solzhenitzyn qua 300,000 chữ. Cuối cùng thì những người tù bị tước đoạt tất cả không còn sợ chế độ cộng sản, điển hình là kỹ sư Bobynin và hàng nghìn người tù lương tâm Việt Nam khác. Bobynin trong “Tầng đầu địa ngục” đã vạch ngực ở trần nói với tổng trưởng an ninh Abukomov: “ông đã tước đoạt tự do của tôi lâu rồi và ông cũng không có khả năng để trả lại tự do cho tôi vì chính ông, ông cũng không có tự do. Ông chỉ mạnh khi nào các ông tước đoạt của người khác tất cả mọi thứ bởi vì khi một người khác bị lấy mất tất cả, người đó sẽ không còn ngại sợ các ông nữa, người đó lại được tự do”.
Sau hơn hai năm, hai ngày kỷ niệm ba mươi tháng tư của kẻ chiến thắng, tôi rời Sàigòn ra đi bằng thuyền, trở thành một trong hàng triệu thuyền nhân, cố quên đi chuyện cũ để lập lại cuộc đời mới trên đất mới như bao nhiêu triệu người Việt xa xứ. Năm đầu tiên ở Mỹ, tôi đến dự ngày ba mươi tháng tư do cộng đồng người Việt ở Portland Oregon tổ chức, sau gần một tháng định cư. Ngày tưởng niệm được tổ chức ở hội trường, đứng chào quốc kỳ hát quốc ca với lá cờ vàng ba sọc đỏ trong không khí trang nghiêm, nỗi xúc động lại đến với tôi như lần đầu nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới giữa sân trại tị nạn Pulau Besar khi bước chân lên đảo sau 42 ngày lênh đênh trên biển.
Các cộng đồng tị nạn những năm đầu còn nghèo nhưng đầy tình người, các buổi tổ chức trang nghiêm với những bài hát yêu nước, những bản nhạc chống cộng và những vở kịch dân tộc làm người tị nạn không thể quên quê nhà bỏ lại đằng sau. Những năm sau dù bận rộn với công việc của cuộc đời bác sĩ thường trú tôi vẫn ghé đến những ngày ba mươi tháng tư của cộng đồng New Orleans, rồi sau này định cư về Houston, những đêm ba mươi tháng tư của những giờ “còn chút gì để nhớ” và không thể quên được đêm ba mươi tháng tư 1975, một đêm không ngũ.
Những ngày ba mươi tháng tư của cộng đồng người Việt tị nạn trong những năm đầu, còn mang nặng dấu đau thương nhiều ý nghĩa. Những năm thao thức của những người Việt xa nhà, đợi tin nhà từng phút từng giờ qua những thông tin bị bưng bít và phương tiện liên lạc khó khăn, văn nghệ trong những năm này thể hiện tâm hồn người tị nạn với trái tim gởi về gia đình và quê hương bên kia bờ Thái Bình Dương.
Những đêm không ngủ thao thức theo nhịp đập của quê nhà. Một quê nhà rách nát với “Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công Lý, Đồng khởi vùng lên diệt Tự do”, người người tiếp tục rời bỏ Việt Nam ra đi bằng thuyền hay đường bộ qua Thái Lan. Trong chế độ không Tự Do và Công Lý mọi người mất hy vọng nhìn thấy ánh sáng bên kia đường hầm. Các trại cải tạo vẫn ở cùng khắp từ Nam ra Bắc, người tù không thấy ngày về sau khi bị đảng lừa “đem lương thực 10 ngày đi đường”.
Trong hai mươi năm đầu, những ngày kỷ niệm 30 tháng tư thay đổi theo tình hình chính trị. Các phong trào tranh đấu hải ngoại vùng lên trong khi tiếng nói của người dân trong nước càng ngày càng bị dập tắt. Khí thế tranh đấu vùng lên đôi khi đòi phương pháp bạo động mặc dù chính sách của chính phủ Hoa Kỳ không đổi, người Mỹ đã phủi tay khỏi Việt Nam với bàn tay phù thủy của Henry Kissinger qua hiệp định Paris 1973. Chính sách cấm vận thay cho giải pháp quân sự. Chính sách đoàn tụ giảm bớt con số thuyền nhân. Trong hai mươi năm cấm vận, kinh tế Việt Nam khó khăn nằm trên phao chết đuối nuôi sống một phần bởi những người Việt Nam yêu gia đình gửi về hàng tỷ Mỹ Kim dù biết một phần tiền sẽ rơi vào tay cán bộ. Chính sách nhà nước không thay đổi, càng sửa càng sai vì đi vào con đường sai lầm xã hội chủ nghĩa. Chính sách hòa giải của nhà nước cũng trước sau như một “tội các anh đáng chết, cách mạng khoan hồng”. Con đường cách mạng mờ mịt với kinh tế suy kiệt chỉ thấy ánh sáng khi Hoa kỳ bỏ cấm vận và sau đó là bang giao chính thức với Việt Nam năm 1995. Trong hai mươi năm, trong khi những người tù cải tạo phải chịu tội để trả những lỗi lầm của Hoa Kỳ thời chiến tranh của Johnson với Tướng Westmoreland thì tội ác cộng sản càng ngày càng chồng chất và thế giới làm ngơ dù sau này có cuốn “Sách đen” thay cho “Sách hồng” của cộng sản. Hai mươi năm đầu là thời kỳ đen tối nhất của đảng cộng sản, sau này chính cựu Thủ tướng Phan Văn Khải phải thú nhận, “hai mươi năm khó khăn nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ vì Việt Nam chỉ giao thương với khối cộng sản”. Tôi vẫn theo dõi những ngày kỷ niệm 30 tháng 4 mặc dù đôi khi không đồng ý cách tổ chức mỗi năm nhưng tinh thần trong 39 năm qua là tinh thần của những người Việt cao thượng theo phương châm không hận thù của người Mỹ “tha thứ nhưng không quên” (Forgive but not forget).
Mỗi ba mươi tháng tư tôi cầm viết như các bạn khác, viết về đề tài có dính líu đến 30 tháng tư, một ngày đau thương như vết thương không lành, có khi là bài viết về lỗi lầm của Tướng Westmoreland trong chiến tranh Việt Nam, có khi là bài về Kissinger và Nixon, có khi là cuộc cách mạng cải cách ruộng đất ở Trung Hoa và Việt Nam.v.v…Tôi chủ trương không nhắc lại ba mươi tháng tư mỗi năm, chỉ nhắc đến những đánh dấu quan trọng, năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm nhưng năm nay 39 năm, gần 30 tháng tư lời tuyên bố của ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao đặc trách Việt kiều, về hòa hợp hòa giải, đến Gia Nã Đại qua Hoa Kỳ ghé Houston: “Thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh” đã làm tôi phải cầm viết, viết lại những chuyện cũ nhàm chán nhưng cần thiết như tinh thần của nhà văn Klíma: sau khi cộng sản Đông Âu đổ vẫn phải viết những chuyện thời cộng sản để hậu thế đừng quên mà có thể mắc phải một lỗi lầm đáng tiếc một lần nữa.
Những người cộng sản Việt Nam cũng có óc khôi hài như Stalin, nhà độc tài khát máu đã nói: “một người chết là một thảm họa, triệu người chết là con số vô nghĩa”. Tháng 7 năm 2013, chủ tịch nhà nước Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ gặp T.T. Obama, cám ơn Hoa Kỳ đã chăm sóc cộng đồng Việt Nam, thiếu liêm sỉ ông Sang nhận vơ cộng đồng tị nạn, những người bị chế độ đuổi ra khỏi nước, là công dân của ông. Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn tuyên bố “thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh”, một thứ trưởng đặc trách người Việt hải ngoại thiếu trình độ hoặc ông quen nói một lời hai nghĩa của cộng sản, buột miệng nói “nạn nhân của chiến tranh giải phóng” nhưng ông kịp thời ngưng lại.

Thuyền nhân là nạn nhân của chế độ cộng sản. Ngày 30 tháng tư hàng nghìn người đã ra đi từ các bến cảng, trên những tàu chiến ra Đệ Thất hạm đội, những người ấy không được gọi là thuyền nhân. Những người ấy ra đi hoặc vì hốt hoảng hoặc vì đã biết cộng sản ở miền Bắc sau 1954, một số ngây thơ tin cộng sản trở về bị nhốt vào tù. Thuyền nhân là hàng triệu người đã sống trong chế độ cộng sản sau ngày 30/4/1975, bị từ chối quyền sống của con người, quyền công dân của nước Việt Nam, bị tước bỏ những tự do tối thiểu, bị tù cải tạo, bị đày đi kinh tế mới, những người ra đi vì tuyệt vọng nhưng can đảm để hy vọng vào một tương lai làm lại cuộc đời dù biết những hiểm nguy trên biển cả bão tố, hải tặc và công an biên phòng. Liên Hiệp Quốc xem thuyền nhân trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á là nạn nhân của chế độ cộng sản. Thuyền nhân đã đánh thức lương tâm thế giới. Hàng triệu người trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé trên đại dương mênh mông thê thảm hơn là hình ảnh trong truyện Khái Hưng “Anh phải sống” trên sông Hồng một ngày bão tố, và đánh thức lương tâm triết gia Jean Paul Sartre nguời đã lên án Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh thuyền nhân và tù cải tạo đã làm ca sĩ phản chiến Joan Baez thức tỉnh hối hận.
Thuyền nhân là nạn nhân của chế độ cộng sản, ở miền Nam thuyền nhân là nạn nhân của chiến tranh giải phóng, ngoài Bắc thuyền nhân ra đi sau 1975 là nạn nhân của chế độ nô lệ chủ nghĩa Mác Lênin. Năm 2004, thủ tướng Võ Văn Kiệt nói “Trong ngày 30 tháng tư có triệu người vui cũng có triệu người buồn”. Ông nói sau khi Việt Nam được xem là đã có sự đổi mới. Năm 1989 cộng sản Đông Âu sập, năm 1991 đến phiên Liên Xô sau khi Gorbachev dẹp đảng cộng sản. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói chuyện “đổi mới” nhưng đảng cộng sản Việt Nam như con cắc kè chỉ “đổi màu”, hệ thống bí thư đảng trong tất cả các cơ sở vẫn giữ không bãi bỏ như TBT Gorbachev đã làm. Năm 1995, Hoa Kỳ bang giao với Việt Nam, người Việt hải ngoại tiếp tục gởi tiền về, nhân tài các ngành hoặc về nước hoặc giúp đỡ các chuyên viên từ Việt Nam sang Hoa Kỳ du học, tất cả từ tấm lòng của những người Việt yêu quê hương. Việt Nam thay đổi về kinh tế, giao thương với các nước tư bản nhưng về mặt chính trị không thay đổi. Tiếng nói đối lập bị dập tắt. Văn chương phản kháng từ trong nước, những tiếng nói Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp.v.v… từ miền Bắc vạch rõ bộ mặt thiên đường cộng sản, họ không phải là nạn nhân của chiến tranh như ông Nguyễn Thanh Sơn nghĩ.
Gần hai mươi năm sau ngày bang giao với Hoa Kỳ, kinh tế Việt Nam được xem như là thành quả của cơ quan tiền tệ quốc tế và ngân hàng thế giới nhưng tham nhũng lan tràn, hố thẳm giàu nghèo càng ngày càng sâu. Câu nói của ông Võ Văn Kiệt ngày 30 tháng 4 phải là “30 tháng 4 có tám triệu đảng viên vui và hàng chục triệu người Việt buồn.”
Ông Võ Văn Kiệt đã nói “mỗi nước có một thể chế chính trị riêng”, ông nói đúng nếu thể chế chính trị ấy được người dân chọn. Đảng cộng sản vẫn độc quyền lãnh đạo điều 4 hiến pháp vẫn giữ, tiếng nói đối lập vẫn bị xem là tiếng nói của những kẻ theo âm mưu “tiến trình dân chủ hóa của Mỹ”, nghi ngờ ấy luôn luôn có trong đầu những kẻ lãnh đạo đảng ngay từ những phút đầu khi lập bang giao với Hoa Kỳ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo bước chân Trung Cộng: “bắt giữ những kẻ phạm pháp chứ không bắt giữ đối lập”, không vi phạm nhân quyền nhưng danh sách tù nhân lương tâm chồng chất ! Hai mươi năm sau ngày cấm vận được Hoa Kỳ bãi bỏ, chế độ cộng sản Hà Nội cảm thấy vững hơn nhờ “chính sách ổn định Đông Nam Á” của tiến sĩ Henry Kissinger. Chính sách hòa hợp hòa giải của đảng cộng sản Việt Nam vẫn là chính sách kêu gọi qui hàng, không đối thoại, như sau ngày 30 tháng tư 1975. Đảng và nhà nước không tiếp xúc công khai với người Việt nước ngoài chỉ gặp những kẻ xu nịnh chạy theo đồng tiền. Tổ chức tiệc ở Dinh Độc Lập cũ để chiêu đãi những Việt kiều hoặc không tim hoặc không óc, những con người duy vật. Năm nay, ông Nguyễn Thanh Sơn đại diện đảng kêu gọi đại hội Việt kiều hải ngoại ở Việt Nam nhưng đảng vẫn thờ bác Hồ, bác Mao, bác Stalin. Ông Hoàng Duy Hùng ở Houston tiếp xúc nhiều với các thành phần lãnh đạo đảng cộng sản đã học được tính khôi hài của cộng sản, ông nói các ông Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Minh Triết không còn theo cộng sản vì ông không thấy trên bàn thờ nhà các ông ấy có hình bác Hồ, bác Mác, bác Lê Nin, bác Stalin. Ông Hùng hiểu sai nghĩa thần thánh hóa, thần tượng hoá. Năm 1995, kỷ niệm hai mươi năm ngày 30 tháng 4, nhà báo William Safire đến Sàigòn gặp ông Phạm Xuân Ẩn và gặp thủ trưởng của ông Ẩn là ông Mai Chí Thọ một người cộng sản sắt máu. Ông Mai Chí Thọ đã cho thấy ông vẫn thờ cúng tổ tiên, những người cộng sản trước khi chết sợ đối diện với trời, trên bàn thờ ông không có hình Hồ Chí Minh hay Stalin. Ai bảo ông Mai Chí Thọ không phải là người cộng sản trung kiên?
39 năm sau ngày 30 tháng tư, tiếng nói đối lập bị đàn áp, chiến thuật của đảng cộng sản vẫn như cũ, trả tự do các người tù lương tâm luật sư Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Tiến Trung thì cũng như tha bác sĩ Nguyễn Đan Quế mấy chục năm trước.

Thế giới có thể bị lừa nhưng những người tranh đấu bất bạo động vẫn sẽ tiếp tục con đường kiên trì của họ. Nhà tranh đấu bất bạo động ở Palestine, ông Zwahre nói: “đấu tranh bất bạo động giống như rễ cây mọc trên đá, trông thì mềm nhưng rễ sẽ đâm vào đá để nước thấm vào lá và cây sẽ lớn vững. Đấu tranh bất bạo động cũng như vậy, sẽ xuyên thủng quyền lực cầm quyền”. Nghe như Lão Tử tân thời, không gì hơn sức nước mềm soi thủng mọi vật “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiên lợi vạn nhi bất tranh”.
Bạn hỏi tôi còn nhớ ngày 30 tháng tư?

Việt Nguyên

http://www.chinhnghia.com


Giây phút hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa

Vũ Ánh

Ba mươi năm trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm kịch lớn lao nhất cho cả một dân tộc mà tưởng như mới ngày nào. Giây phút chạy trên con đường Brookhurst để về nhà, thấy cờ Việt Nam Cộng Hòa bay phấp phới bên cạnh cờ Mỹ, liếc nhìn vào kính chiếu hậu thoáng thấy mái tóc đã bạc trắng của mình, chợt nhớ tới những kỷ niệm của 30 năm trước. Buồn và đau, dù trong những năm tháng trôi qua trên đất Mỹ vẫn cứ cố phải tạm quên để nhìn về phía trước, và để mưu sinh.
Cho đến nay, tôi vẫn không rõ là mình may mắn hay bất hạnh khi phải chứng kiến giây phút tắt hơi của chế độ tại Ðài Phát Thanh Saigon, nơi mà tôi và một số nhân viên còn lại vẫn làm việc theo lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh và chính phủ của ông cho đến giờ phút chót.
Big Minh nhận chức và thành lập chính phủ trong hoàn cảnh của một đám cưới chạy tang. Chính phủ của ông chỉ tồn tại hơn một ngày rưỡi. Trí nhớ của tôi qua 30 năm nay đã mòn mỏi sau bao nhiêu tang thương, nên chỉ còn ghi nhận được một vài nhân vật trong nội các lúc ấy mà tôi có dịp tiếp xúc hay nói chuyện qua điện thoại: Tổng Thống Dương Văn Minh, Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu, Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung, Thứ Trưởng Thông Tin Dương Văn Ba, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Thái Lăng Nghiêm, Bộ Trưởng Tư Pháp Trần Thúc Linh, Tổng Giám Ðốc CSQG, Luật sư Triệu Quốc Mạnh và Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội lần lượt thay đổi từ Tướng Lâm Văn Phát, Vĩnh Lộc và cuối cùng là Nguyễn Hữu Hạnh. Ba tổng tham mưu trưởng thay đổi nhau trong vòng một ngày rưỡi!
Từ mồng 1 tháng Tư, theo lệnh của vị Hệ Thống Trưởng cuối cùng của Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng (Không Quân), tôi đã ăn ngủ ngay ở trong Ðài Phát Thanh Saigon để ứng trực và điều động các biên tập viên làm công việc trong tình hình có biến động nhanh chóng như vậy. Tôi có trách nhiệm điều khiển một sở khá quan trọng trong ngành truyền thông lúc đó là sở Thời Sự gồm có bốn phòng: Phòng Phóng Viên, Phòng Bình Luận, Phòng Tin Tức (biên tập), Phòng teletype, Thư viện và Ban Thăm Dò-Trả Lời Thư Thính Giả. (trước 30/4/1975, chúng tôi mua tin thế giới của các hảng thông tấn AP, UPI, Reuters và AFP. Họ ráp đặt cho chúng tôi những máy viễn-ấn-tự tức teletype và gởi tin cho chúng tôi 24/24. Ngoài ra chúng tôi còn có nguồn tin từ Phòng Kiểm Thính của Ðài, tin mua của Việt Tấn Xã và tin của phóng viên trung ương và các thông tín viên ở các tỉnh gởi về. Sở Thời Sự còn được trao cho trách nhiệm vạch chính sách tin tức và kiểm thính những chương trình thời sự và văn nghệ của từ 8 đến 10 đài phát thanh vùng và địa phương). Có thể nói đây là cơ quan đầu não trong ngành truyền thông VNCH vì truyền đi những tin tức cùng các chương trình phóng sự, ký sự được truyền đi trong một thời gian nhanh nhất. Kể từ ngày 15-4-1975, nhân viên các Sở, Ban ngành khác trong Ðài đi làm việc đã bắt đầu thưa thớt do một số đang tìm đường để có một chỗ ngồi trên các chuyến bay của cơ quan DAO. Vị Tổng Giám Ðốc của tôi thỉnh thoảng mới ghé qua. Nhìn tới nhìn lui trong đài vẫn chỉ còn các biên tập viên, phóng viên, xướng ngôn viên, producers và những nhân viên điều khiển máy phát thanh là đi làm đều. Họ bình thản một cách đáng ngạc nhiên, tuy đôi lúc họ cũng có bàn tán về chuyện mất còn của Miền Nam Việt Nam.

Big Minh nhận chức vụ vào trưa ngày 28-4 với Phó Tổng Thống là Thương Nghị Sĩ Nguyễn Văn Huyền, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, cựu Khoa Trưởng Luật Khoa giữ chức vụ Thủ Tướng. Khoảng 2 giờ trưa ngày 28-4, Lý Quí Chung (mới qua đời tại Việt Nam) điện thoại yêu cầu Hệ Thống Trưởng Hệ Thống Truyền Thanh sang họp tại văn phòng Tổng Cục Trưởng Truyền Thanh và Truyền Hình. Tôi điện thoại về nhà Thiếu Tá Thăng, không có ai bốc điện thoại. Buộc lòng tôi phải đại diện ông sang họp. Buổi họp kéo dài khoảng 15 phút. Chỉ thị duy nhất của ông vắn tắt có bấy nhiêu lời: “Tình hình nghiệm trọng, có nhiều phần trăm chúng ta phải đầu hàng, nhưng nhiệm vụ của truyền thanh và truyền hình là phải túc trực để nhận chỉ thị. Còn nước còn tát”. Sau đó ông Chung ra lệnh phải bỏ tất cả nhạc quân hành, những bản nhạc mà Viết Chung viết cho các đoàn cán bộ Xây Dựng Nông Thôn chúng tôi hay dùng làm nhạc nền, những bản nhạc của Cục Chính Huấn và thay vào đó bằng những nhạc phẩm nói về tình quê hương.
Có thể nói tình thế tuyệt vọng được phản ảnh qua hiện tình của “Tiếng Nói nước Việt Nam Cộng Hòa, phát thanh từ thủ đô Saigon” vào lúc đó. Chúng tôi còn khá đủ biên tập viên, phóng viên, kiểm thính viên và kỹ thuật viên teletype cần thiết để làm việc, nhưng các bộ phận yểm trợ không còn. Tôi cũng còn lại một vài nhân viên kỹ thuật viên lưu động trên đài trung ương. Bộ phận quan trọng nhất về kỹ thuật và đài dự phòng tại Trung tâm phát tuyến Quán Tre ở Quang Trung. Nhưng các phóng viên tại hai mặt trận Long Khánh và Long An thì không còn phương tiện gởi bản tường trình nào nữa kể từ 5 giờ chiều ngày 28/4.
Trước đó, Tổng Thống Dương Văn Minh đích thân gọi điện thoại vào Ðài Phát Thanh. Vẫn giọng hiền lành và dùng chữ “qua” làm ngôi thứ nhất, ông cho biết đã cử tướng LVP làm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội và yêu cầu tôi ghi một điện văn ngắn để loan báo trước khi văn thư chính thức đến đài được gởi tới Ðài vào sáng hôm sau. Ghi xong, Big Minh hỏi tên và tuổi. “Em còn trẻ, sao không tìm cách đi đi?”. Tôi trả lời vắn tắt: “Thưa Tổng Thống chẳng còn đường, tôi lại quen biết ít”. Ông lại hỏi tiếp: “Qua thấy tình hình không hy vọng gì. Cụ Huyền đang ở Tân Sơn Nhứt để thương lượng với họ (Cộng Sản), mặt trận Long Khánh tan rồi, họ đưa xe tăng và hỏa tiễn vào sát Saigon. Em liệu giữ được tiếng nói quốc gia trong bao lâu nữa”. Tôi đáp: “Chừng nào tôi còn được bảo vệ, chừng đó làn sóng phát thanh vẫn còn duy trì được tiếng nói quốc gia, thưa Tổng Thống”.
Khoảng 5 giờ 30, lực lượng cảnh sát dã chiến bảo vệ cổng ra vào phía góc Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phan Ðình Phùng báo cho tôi biết có sự xuất hiện mấy xe phóng thanh. Họ dùng loa phóng thanh nói chõ vào Ðài và tự xưng là lực lượng thứ ba yêu cầu chúng tôi “về với nhân dân” và để cho họ tiếp thu đài làm phương tiện dàn xếp một giải pháp với “cách mạng”. Viên đại đội trưởng CSDC giữ an ninh cho Ðài và bảo vệ chúng tôi lúc đó còn rất trẻ, cấp bậc đại úy, người Huế (Năm tháng dài dằng dặc đã làm tôi quên mất tên anh) rất cứng rắn. Anh đề nghị với tôi là cho vài đứa què để chúng tởn. Sau khi hội ý, chúng tôi đồng ý là dùng biện pháp mạnh. Viên sĩ quan cảnh sát trẻ hành động ngay: đầu tiên anh bắc loa cảnh cáo, sau đó là lựu đạn cay và những tràng đại liên 30 bắn rạp những ngọn cây trên đầu đám biểu tình. Họ chạy tán loạn, bỏ lại mấy chiếc xe. Viên đại đội trưởng CSDC với loa phóng thanh cầm tay nhắc lại nhiều lần: lần tới mà làm như vậy sẽ có người chết. Ðược báo động đại đội nhảy dù án ngữ tại sân Hoa Lư chuẩn bị đối phó với tình hình tương tự. Nhưng rồi suốt đêm đó cho tới sáng 30/4, đám người biểu tình đó “tởn” thật. Tôi nghĩ họ cũng chẳng muốn chết ở giờ thứ 25.

Buổi chiều 28 là buổi chiều có khá nhiều biến chuyển. Khoảng 6 giờ 30 chiều, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu yêu cầu chúng tôi có mặt tại Ðài Truyền Hình THVN9 ở ngã tư Hồng Thập Tự-Cường Ðể để thu hình và thu thanh lời yêu cầu của ông đòi chính phủ Hoa Kỳ rút hết lực lượng bảo vệ sứ quán Mỹ, các nhân viên và chuyên viên Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ. Ðó là lần cuối cùng tôi gặp Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu. Từ phòng thu hình ra, ông Mẫu không nói năng gì thêm ngoại trừ trả lời một câu hỏi của tôi về hiện tình. Ông nói thẳng: “Tình hình tuyệt vọng. Họ (những nhà lãnh đạo trước) đã làm nát bấy đất nước trước khi quá muộn để phía bên kia thương lượng với chúng ta. Việc yêu cầu Mỹ rút hết những người Mỹ cuối cùng ra khỏi Việt Nam chỉ để thành phố này không thành biển máu vô ích mà thôi”.
Tôi không nhớ hết những điểm giải thích của Thủ Tướng Mẫu nhưng những điểm chính trong lời lẽ của ông thì không thể nào quên được. Vì Ðài Truyền Hình và Ðài Phát Thanh chỉ cách nhau sân vận động Hoa Lư nên chúng tôi lội bộ về Ðài. Gặp Vũ Thành An vào tăng cường, tôi giao cuốn băng ghi âm cho anh yêu cầu hoàn chỉnh với nhạc hiệu và cho phát thanh cứ 15 phút một lần. Sau khi tắm rửa xong, tôi ghé qua phòng tin tức. Ðủ tám biên tập viên và chủ bút cho ca chiều. Ông H.C đưa tôi một bản tin của AP nói đến việc di chuyển của hàng không mẫu hạm chở trực thăng Midway ra khỏi Vịnh Thái Lan hướng về Việt Nam, tình hình đẫm máu tại Cambodia sau khi Khmer Ðỏ chiếm được Phnom Penh, cái chết của Sirik Matak, những vụ hành quyết và đuổi dân Phnom Pênh ra khỏi thành phố. Ông HC là một chủ bút rất giỏi và nhạy bén với tình hình. Lúc tôi còn học lớp huấn luyện phóng viên vô tuyến truyền thanh, ông chính là một người thầy tận tụy chỉ dẫn cho chúng tôi cách viết một bản tin, cách chuyển một bản tin từ tiếng Anh qua Việt ngữ, cách phỏng vấn và làm sao khi dự một cuộc họp báo xong chỉ 10 phút sau có một bản tin ngắn. Ông cũng đã từng dẫn chúng tôi tham dự cuộc họp báo của tướng Nguyễn Khánh và làm một mẫu để chúng tôi thấy: vừa nghe vừa khởi sự viết bản tin ngay trong phòng họp báo. Ông nói: “Muốn được như vậy cần có kiến thức thời sự và nắm bắt được điểm chính trong những lời tuyên bố tràng giang đại hải của người chủ trì họp báo”.
Khi tôi vừa xem xong bản tin AP, ông HC nói: “Chắc mất rồi bạn ơi. Nhưng thôi kệ mẹ nó. Hút một điếu thuốc lào không. Tao có trà nóng ngon lắm. Hồi chiều trước khi đi làm, vợ mới mua cho một ít bánh bía nhân hạt sen mới sang chứ”. Ðối với ông, trà và bánh đậu xanh hay bánh bía của người Triều châu là loại sang vì ông rất nghèo, lúc nào tôi cũng thấy ông túng thiếu cả. Chắc quí vị không thể hiểu được là một số biên tập viên vào cỡ đàn anh chúng tôi tại Phòng Biên Tập Ðài Phát Thanh không hút thuốc lá mà hút thuốc lào, bằng điếu bát và thuốc Cái Sắn. Những điếu thuốc lào đầu tiên trong đời tôi không phải bắt đầu từ trại cải tạo sau này mà bắt đầu từ việc gạ gẫm của ông HC khá lâu trước 30-4-1975.
Xuống dưới CLB để ăn một tô mì gói và uống một ly cà phê, tôi gặp tài xế Ðường. Ông nói ngay: “Tối nay không phải phiên trực của tôi, nhưng tôi vào đây ngộ nhỡ ban đêm ông cần dùng công xa”. Tôi hỏi Ðường: “Ông Thăng đâu, ông mang xe vào đây lỡ cần lấy gì cho ông ấy đi?”. Ðường cười: “Có lẽ sếp lớn không cần dùng xe đâu. Hồi hôm ông ấy lái chiếc Fiat của riêng ông ấy và nói tôi mang xe vào đây cho ông. Tôi là người chạy xe bạt mạng nhưng được việc trong trường hợp khẩn cấp”. Tôi nghĩ bụng khẩn cấp vào giờ phút này chỉ có chạy thôi chứ còn làm gì được nữa. Trong câu lạc bộ đầy lính nhảy dù và cảnh sát dã chiến. Họ bình thản hút thuốc và đấu láo, không hề chú ý gì tới chiếc giây thong lọng đang xiết dần vào cổ họ và chúng tôi. Trên tường từ chiếc radio, phát ra một giọng ca rất ngọt của Trần Văn Trạch:
“Chiều mưa biên giới Anh đi về đâu
Sao còn đứng mãi nơi giang đầu”

Tôi không hiểu sao, lúc đó ca khúc này làm cho tôi chùng xuống và nghĩ bài hát hợp với hoàn cảnh của chúng tôi đến thế. Hai tài xế đồng thời là chủ nhân câu lạc bộ thấy tôi vội nói: “Không còn bàn, tôi bưng lên văn phòng cho ông. Bà xã mới nấu một nồi cháo gà. Sao giờ này ông còn ở đây?”. Tôi nói với ông là tôi đứng ở quầy ăn cũng được. Ông Hai hỏi: “Liệu còn hay mất”. Tự nhiên tôi sợ một lời xác định hay phủ định mà chính bản thân tôi cũng không biết rõ. Nhưng còn hay mất lúc này có là vấn đề gì nữa đâu. Chuyện quan trọng trước mặt là tất cả chúng tôi lính cũng như dân còn ở đây giữa khối người di chuyển, hốt hoảng tìm phương tiện ra đi như một đàn ong vỡ tổ. Chúng tôi cần được lãnh đạo. Tôi gần như bị tê dại giống như lần tôi tường thuật một vụ trực thăng vận tấn công vào mật khu Ðồng Bò (Tuy Hòa) năm 1967. Năm đó, việc đổ quân vẫn còn phải dùng loại trực thăng H-34. Trong đợt đổ quân đầu tiên, các phóng viên Việt Nam duy nhất chỉ có tôi và Bình (năm 1972 chết tại mặt trận An Lộc). Trước khi các trực thăng chở quân đến mục tiêu, các khẩu 12 ly 8 của địch đã bị các phi tuần AD-6 làm câm họng, nhưng địch vẫn còn bắn ra bằng súng cá nhân. Chiếc trực thăng vừa hạ thấp cao độ và là là trên ngọn cây thì anh chàng xạ thủ của khẩu đại liên 30 trên cửa phi cơ nằm vật xuống, máu tuôn xối xả, đồng thời thấy khói luồn vào than tầu. Tôi gần như không còn biết gì nữa, trong vài giây tôi như bị tê liệt hoàn toàn và ngay sau giây phút nhận thức rằng mình cầm chắc cái chết vì trực thăng bị trúng đạn, tôi bỗng tĩnh trở lại cùng với Bình giúp kéo người xạ thủ đại liên 30 vào trong thân tầu. Nhưng chỉ một phút sau, chiếc H-34 đáp được xuống an toàn, tuy bị shock gẫy bánh đáp, chúng tôi chỉ bị thương nhẹ và được những người lính xuống trước lôi ra khỏi thân tầu. Những sự tê dại toàn thân trước cơn nguy khốn đó thỉnh thoảng trở lại trong suốt đêm 28, ngày 29/4 và sáng 30/4.
Suốt đêm 28/4, tôi chỉ di chuyển giữa phòng tin tức và văn phòng tôi để nhận những bản tin mới nhất của các hãng thông tấn ngoại quốc, và dường như tôi chỉ thiếp đi nửa giờ. Lý Quí Chung chắc cũng không ngủ được nên ông ta liên tiếp gọi cho tôi. Ông còn than phiền là không tiếp xúc được cho Hệ Thống Trưởng của tôi lúc đó là Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng, người thay thế Thiếu Tá Phạm Bá Cát từ chức và xin trở lại quân đội từ Tháng Giêng 1975. LTT, Trưởng Khối Thời Sự và Chương Trình là một phóng viên đồng khóa với tôi còn rất trẻ cũng đã tìm đường thoát thân. Sáng ngày 28/4, tài xế Hai ra khỏi đài để mua thực phẩm cho CLB đã nhận ra chiếc Toyota của chính phủ cấp cho anh vất ở trước tiệm phở Trần Cao Vân. Ở cấp chánh sự vụ, duy nhất chỉ còn có tôi, vài trưởng phòng và một số nhân viên. Ngày 27-4, tôi đã cho phép các nhân viên hành chánh trở về nhà lo gia đình ngoại trừ ông phát ngân viên, vì ông giữ chìa khóa Quĩ Xã Hội của Ðài. Lúc đó, không ai còn trông chờ gì vào lương Tháng Tư. Chúng tôi cần dùng tiền quĩ xã hội để chi phí cho những việc khẩn cấp.
Các phóng viên thường xuyên có mặt trong Ðài lúc bấy giờ là Lê Phú Bổn, Yến Tuyết, Trần Nhật Cự, Phạm Mạnh Ðức và Phụ Tá Trưởng Khối Thời Sự Chương Trình Vũ Thành An. Các biên tập viên tin tức mỗi ca vẫn đầy đủ. Kỹ thuật viên, xướng ngôn viên, kiểm thính viên và nhân viên phòng viễn ấn tự vẫn cắt người đủ để cho bộ não của ngành thông tin tuyên truyền VNCH lúc đó không bị tê liệt. Hai ngày cuối cùng của chế độ, tất cả những chính sách tin tức và tuyên vận của VNCH gần hầu như tan hoang. Chúng tôi không biết bám víu vào đâu “để được chỉ huy”. Chưa bao giờ trong cuộc đời làm việc, chúng tôi cần sự chỉ huy đến thế. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi đành chỉ huy lẫn nhau mà thôi. Tôi áp dụng phương án khẩn cấp: loại bỏ tất cả những tin nào có thể gây hoang mang trong dân chúng khiến họ đổ vào Sứ quán Mỹ trên đường Thống Nhất và sân golf gần Tổng y viện Cộng Hòa vì những vụ đạp lên nhau và những vụ người di tản cố gắng trèo lên tường Sứ quán để tìm cách lọt vào trong bị TQLC Hoa Kỳ đánh trọng thương đã xảy ra. Trong những ngày cuối cùng, phải nói rằng các hãng thông tấn AP, UPI. Reuters làm việc rất hữu hiệu. Những bản tin chính họ phát đi giúp chúng tôi nhận ra ngay chiều hướng của tình thế: kế hoạch dùng các trung đoàn TQLC bảo vệ hành lang Saigon Vũng Tầu để di tản những nhân viên cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mà tính mệnh sẽ nguy hiểm nếu lọt vào tay Cộng Sản không thể nào thực hiện được sau khi có lời tuyên bố của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đòi Hoa Thịnh Ðốn rút toàn bộ nhân viên Mỹ ra khỏi Việt Nam.
Một ngày sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, chúng tôi đã được ghi tên vào một danh sách di tản nhưng lại được nói trớ đi rằng “danh sách để được tầu Singapore của chính phủ Lý Quang Diệu chở sang căn cứ Subic ở Phi Luật Tân”. Khoảng chín giờ tối 28, Chủ bút H.C đưa tôi bản phân tích của hãng thông tấn AP và nói: “Bọn Mỹ có thể sẽ phải áp dụng kế hoạch di tản khẩn cấp nhân viên Mỹ bằng trực thăng vào ngày mai ra tầu Midway lúc đó đậu cách Vũng Tầu có 40 hải lý và hai hàng không mẫu hạm và các khu trục hạm của Ðệ Thất Hạm Ðội cũng đang tiến sát Vũng Tầu”. Ông còn cho tôi xem một bản tin khác nói đến việc mất tuyến Long Khánh và Bộ Chỉ Huy của Tướng Lê Minh Ðảo rút về tới Biên Hòa. Bản tin cũng còn nói Sư Ðoàn 18 là sư đoàn duy nhất của VNCH còn chống trả khá mãnh liệt trên đường rút. Văn phòng trưởng của hãng thông tấn AP lúc đó là George Esper cũng gởi trên máy một bản tin rất dài về việc rút lui có trật tự của Liên Ðoàn 81 Biệt Kích và các Sinh Viên Sĩ Quan các khóa cuối cùng của trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt. Ông hỏi tôi: “Loan chứ?”. Tôi nói: “Có gì mà không loan nhưng sẽ phải viết rất khéo, tránh gây xúc động cho gia đình những đơn vị nào chưa biết số phận chồng con họ ra sao”. Vị chủ bút đầy kinh nghiệm này cười và nói: “Ðược cậu khỏi lo, đó là nghề của tao”.
Sở dĩ tôi nhắc lại chi tiết này để cho thấy rằng cho tới giờ phút hấp hối của chế độ, Ðài Phát Thanh Saigon vẫn là tiếng nói Việt Nam Cộng Hòa, tuy có người bỏ chạy nhưng không phải là tất cả. Những người được giao phó làm công việc chuyên môn của mình vẫn làm việc với một thái độ bình tĩnh và sáng suốt, chứ không phải là đã tan hoang như Văn Tiến Dũng viết trong cuốn “Ðại Thắng Mùa Xuân”, một cuốn sách viết hết sức cẩu thả và dựng đứng nhiều chi tiết.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 29/4 vừa mới chợp mắt một chút. Người thư ký trực với tôi, anh Bào báo cho biết có điện thoại của Tổng Thống Dương Văn Minh trong văn phòng Hệ Thống Trưởng, tôi chạy vào. Bên đầu dây bên kia tiếng Big Minh:
- Qua là Minh đây. Trong Ðài ai là người cao cấp nhất vào lúc này?
- Thưa Tổng Thống, không có ai ngoại trừ tôi, một số phóng viên, biện tập viên và nhân viên kỹ thuật.
- Qua hỏi để là hỏi thôi, giờ này họ bỏ đi hết rồi. Có tin tức gì mới liên quan đến Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ không trên những bản tin viễn ấn?
Tôi đáp không, ngoại trừ một bản tin rất ngắn của hãng thông tấn UPI cho biết mọi liên lạc giữa Tòa Ðại Sứ Mỹ và chính phủ Vũ Văn Mẫu bị cắt đứt. Hãng thông tấn AFP thì nói đến vai trò trung gian cuối cùng của Ðại Sứ Pháp Merillon và cựu tướng Vanuxem để tránh cho Saigon một cuộc đổ máu. Cộng quân đã kéo hỏa tiễn SAM vào tới Tân Uyên và sẵn sàng mở cuộc tấn công.
Tôi đặt một vài câu hỏi liên quan đến khả năng tử thủ của những tướng lãnh dưới vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Tổng Thống Minh chỉ nói: “Khả năng thì có đấy, nhưng giữ được trong bao lâu và sẽ chết bao nhiêu người”. Sau đó ông nhờ tôi chuyển lời cám ơn đến tất cả anh em trong Ðài đã cố gắng làm việc với ông trong giờ phút nghiêm trọng này.
Sáng 29/4, tôi vào phòng Hệ Thống Trưởng để tắm sau khi phòng vệ sinh cho nhân viên dưới lầu không có người bảo trì và quét dọn đã bị nghẹt. Nước lạnh làm giúp tôi tỉnh táo. Bước ra lan can, hút một điều thuốc lá. Cây hoa sứ ở phần tường ngăn tiếp giáp với đài cũ bị sập từ Tết Mậu Thân nở những bông đỏ chói cùng với những cơn mưa hè bắt đầu. Ðối diện với tôi là phòng phát thanh. Kiểm soát viên phát thanh Hoài An cũng thò đầu ra cửa cười toe toét: “Ê sao không về thăm nhà, tôi thấy ông ở đây hoài”. “Còn ông, sao không về?”. Tôi hỏi lại ông. Hoài An là một nhạc sĩ, nhưng ông lại làm kiểm soát viên phát thanh của phòng sản xuất và là một trong những thành viên cựu trào của hệ thống truyền thanh quốc gia. Hoài An hỏi:
- Ê, ngoài cái tớ biết rồi, còn tin gì cậu biết mà tớ đếch biết không. Nghe nói bọn nó pháo kích vào Tân Sơn Nhất dữ lắm, mẹ kiếp, coi chừng đây cũng lãnh quả. Ê này, sang đây tôi nói cho cậu cái này hay lắm.
Tôi xuống lầu để sang phòng phát thanh dù thừa biết cái hay lắm của Hoài An chỉ là chuyện bói toán, tử vi. Hoài An rất thích tử vi. Tuấn “râu” tức xướng ngôn viên Anh Tuấn xách túi “hồ lô” đựng quần áo ngủ trực đêm gặp tôi ở giữa cầu thang dẫn lên phòng phát thanh. Ông nói: “Tôi về xem nhà có gì không, rồi quay lại với cậu”.Tôi bắt tay ông rất chặt. Anh Tuấn là một kịch sĩ chuyên đóng những vai “độc”. Nếu ông thủ vai một tên đểu giả thì có thể khiến khán giả ở dưới ném cà chua vào ông. Tuy nhiên, cuộc sống ngoài sân khấu là một cuộc sống nghiêm túc và một xướng ngôn viên đóng góp khá nhiều vào việc hướng dẫn những xướng ngôn viên lớp sau, tuy rằng đôi khi cách nói năng của ông rất khinh bạc. Trên phòng phát thanh, có mặt đủ cả: chị Ngọc Sương, nữ xướng ngôn viên đàn chị từ trước khi tôi mới thi đậu vào khóa phóng viên và đang trong thời gian huấn luyện năm 1964, các chị Minh Tần, Song Hạnh (cũng là một diễn viên kịch truyền thanh), nam xướng ngôn viên Hồng Phúc (một kịch sĩ và diễn viên kịch truyền thanh) và Dạ Lan. Họ đùa giỡn như thường ngày và chuẩn bị thay ca vào 8 giờ sáng. Là những xướng ngôn viên, họ thừa biết tình hình nghiêm trọng như thế nào qua những bản tin mà họ phải đọc, nhưng dường như không ai tìm cách lo toan một chỗ ngồi trên những chuyến bay C-141 cất cánh từ Tân Sơn Nhất. Tại sao vậy? Cho đến mãi sau này tôi vẫn chưa có dịp hỏi họ xem điều gì đã khiến họ bình thản trước những sự đổi thay chính trị và quân sự mạnh mẽ đến như thế, hay họ coi biến cố chính trị nào thì cũng giống những cuộc đảo chánh mà mình đã trải qua. Trong thời gian huấn luyện và làm phóng viên tập sự năm 1964, tôi cũng đã từng chứng kiến cuộc đảo chánh do tướng Lâm Văn Phát và Dương Văn Ðức cùng một số tướng lãnh khác. Một số sĩ quan đánh chiếm đài phát thanh Quốc gia hùng hổ, súng lục cầm tay lên đạn nghe răng rắc, la hét lùa tất cả các nhân viên nhốt vào phòng tin tức. Nhiều nhân viên bị tát tai oan uổng, đến khi lực lượng Nhảy Dù đến giải tỏa, những sĩ quan binh lính thuộc phe đảo chánh bị còng tay đưa lên xe bít bùng trước mặt những người mới vài giờ trước bị họ đánh đập, mặt ông nào cũng cúi gầm. May cho tuổi trẻ của chúng tôi, cảnh chán chường này không còn được lập lại sau cuộc đảo chánh ngắn ngủi đó nữa. Vào những giờ phút cuối cùng của VNCH, tôi thường tự hỏi: không biết có phải những chính biến ấy có phải đã góp gió thành bão biến cố Tháng Tư này không?
Trong suốt buổi sáng 29/4, kho dự trữ của USAID tại Newport bị dân hôi của tràn vào phá vỡ. Họ chở hàng xe vận tải, thịt hộp, sữa bột, các loại thực phẩm khô và thuốc lá, máy truyền hình, radio, máy cassette đem bán dọc theo đường Ðinh Tiên Hoàng, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khoảng 10 giờ, tôi nhận được lệnh của Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung là sắp xếp để giảm nhân số trong đài, chỉ giữ lại một số rất ít nhân viên thật cần thiết thôi. Khoảng 11 giờ, một phóng viên chót của Ðài phải rút chạy theo sư đoàn 18 về đến Ðài. Anh cho biết rằng Bộ Chỉ Huy của Sư Ðoàn này đã về đến nhà máy xi măng Hà Tiên và đang củng cố các tuyến phòng thủ mới (Hải trước là quản đốc Ðài Ban Mê Thuột. Sau khi Ban Mê Thuột mất, tưởng anh đã bị Việt Cộng bắt làm tù binh, nhưng thực ra anh trốn được theo dân di tản. Tháng Ba, Hải đã về trình diện và tôi tạm sắp xếp cho anh công việc của một phóng viên. Trung tuần tháng Tư, Hải xin vào mặt trận Long Khánh của Sư Ðoàn 18 cùng với một số phóng viên khác).
Khoảng 2 giờ trưa 29/4, văn phòng Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu điện thoại cho biết Hoa Kỳ đã bắt đầu chiến dịch di tản những TQLC và nhân viên cuối cùng của Mỹ ra khỏi Việt Nam và yêu cầu tôi phối kiểm trên các bản tin viễn ấn. Vừa buông điện thoại, quay ra ngoài hành lang để xuống phòng viễn ấn tự thì trên không phận Saigon bốn chiếc Phantom F-4, loại chiến đấu cơ tối tân nhất của Hải Quân Hoa Kỳ đã gầm thét và bay khá thấp với tốc độc nhanh. Một vài chiếc còn vượt bức tường âm thanh gây ra những tiếng nổ lớn làm rung chuyển cửa kính trong các phòng của Ðài. Rồi các trực thăng CH-53, Chinook, UH-1B xuất hiện như những con chuồn chuồn khổng lồ. Ðầu tiên họ hạ thấp cao độ từ phía cầu xa lộ và đài phát thanh Saigon để đậu xuống sân trực thăng trên nóc Sứ Quán Hoa Kỳ. Nhưng không hiểu sao đó, họ đổi hướng hạ thấp cao độ từ phía Dinh Ðộc Lập để vào Sứ Quán và từ từ nâng cao độ ngay ở trên mái nhà của Ðài Phát Thanh Saigon.
Tôi gọi điện thoại cho ông Chung để báo là các bản tin của bốn hãng thông tấn mà Ðài mua đã xác nhận cuộc di tản bắt đầu. Ông ra lệnh cho tôi là bỏ tất cả những hiệu triệu nào “có tính chất súng đạn” đi, kể cả lời kêu gọi của Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu, phát nhạc “hòa bình” và làm những tin liên quan đến việc di tản. Bộ Trưởng Thông Tin Lý Quí Chung còn yêu cầu Ðài Phát Thanh Saigon viết một bản phân tích “hàm ý cho thấy Mỹ đã bỏ rơi VNCH, khuyến cáo dân chúng không nên hoảng loạn, chính phủ sẽ dàn xếp để Saigon tránh khỏi biển máu”. Ðây là một bản phân tích khó khăn nhất trong lịch sử của Ðài Phát Thanh Quốc Gia dựa trên lời hiệu triệu của Phó Tổng Thống Nguyễn Văn Huyền, người đã đại diện cho Tổng Thống Dương Văn Minh chống gậy vào căn cứ David để thương lượng với trưởng đoàn Cộng Sản trong Ban Liên Hợp Quân Sự 2 bên lúc đó là Hoàng Anh Tuấn từ chiều 28/4 (tôi sẽ đề cập đến chi tiết này trong bài viết khác vì tôi là người tiếp chuyện cụ Huyền khi cụ đến Ðài đọc bản hiệu triệu trấn an dân chúng). Khó khăn vì chưa ai viết phân tích mà chỉ để trấn an chứ không đưa ra được một luận điểm nào khác.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 29/4, nhân viên Phủ Tổng Thống đưa đến Ðài bản thông cáo của văn phòng Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân đội cảnh sát bình tĩnh và tuyệt đối tránh những hành động nổ súng vào máy bay của đồng minh, nhất là tránh những hành động có thể gây hiểu lầm hay gây thiệt hại cho dân chúng trong cơn hoảng loạn. Khoảng 7 giờ tối dường như các chuyến trực thăng di tản được tăng cường. Xuống phòng Tin Tức, tôi yêu cầu Chủ Bút ca đêm (bắt đầu từ 8 giờ tối) chỉ nên để lại chủ bút và hai biên tập viên. Nhưng họ cứ bịn rịn mãi cho tới giờ giới nghiêm không về nhà được và đến 8 giờ sáng hôm sau mới dần dần ra khỏi Ðài. Sau đó, có vài người lại quay trở lại với tôi.
Quá mệt mỏi, nên tôi ăn qua loa chút đỉnh ở dưới CLB rồi lên phòng dọn dẹp những hình cảnh cá nhân cho vào một cái túi. Tôi đứng ngắm bức hình chụp đứng cùng với tướng Vũ Văn Giai tại một đồi cát thuộc quận Hải Lăng, Quảng Trị vào năm 1969. Tôi không còn nhớ một sĩ quan nào đó trong Phòng Tâm Lý Chiến của Sư Ðoàn 3 chụp và phóng lớn tặng tôi vào kịp kỷ niệm ngày thành lập sư đoàn.

Gần 36 năm qua rồi, ký ức đã mờ phai nhiều chuyện, nhưng tôi vẫn nhớ đến giây phút cuối cùng của tôi tại phòng làm việc mang đầy kỷ niệm ấy. Tôi thích bức hình, và ngắm nó mãi bởi vì chiếc nón sắt mà tôi đội bị thủng một lỗ ngang thái dương, chiếc quần trận bị rách toạc ngay đầu gối chân trái. Chiếc nón sắt ấy là của một người lính đã tử trận, văng ra trên bờ một giao thông hào ở Ðông Hà. Mưa nắng đã làm chiếc nón hơi bị sét. Ðầu năm ấy, khi di chuyển cùng với một đơn vị của Sư Ðoàn 3 trong cuộc hành quân ở Ðông Hà, tôi đã nhặt được chiếc nón sắt ấy và dùng nó cho đến năm 1972 là năm mà tôi đã không còn rong ruổi để tường thuật từ mặt trận nữa. Hình chụp đẹp và đầy tính nghệ thuật. Tháo bức hình ra khỏi khung và cuốn lại, tôi tính sẽ nhờ tài xế Ðường đưa về nhà sáng hôm sau, rồi góp mấy bản thảo các scripts phóng sự chiến trường mà tôi thích nhất, các bức hình tôi chụp tại San Clemente và Hoa Thịnh Ðốn cùng với các phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến và Lê Thái Tuế trong chuyến tháp tùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi xin viện trợ lần cuối cùng Tháng Tư năm 1973... cho tất cả vào trong một chiếc ba lô mà tôi đã mang theo đi các mặt trận suốt 5 năm. Sau đó, ngả lưng trên chiếc ghế bố trong góc phòng làm việc, tôi chìm dần vào giấc ngủ dù tiếng động cơ trực thăng vẫn ầm ầm suốt đêm trên đầu.
Người thư ký trực đánh thức tôi dậy vào quãng 7 giờ sáng. Ánh ban mai lọt qua khung cửa mở rộng khiến cho căn phòng tràn ngập bình minh. Tôi hỏi: “Có chuyện gì không?”. Anh đáp: “Êm ả quá, chúng ngưng pháo kích Tân Sơn Nhất rồi, không biết có chuyện gì đây. Ông xuống căng tin uống cà phê cho tỉnh. Phóng viên Lê Phú Bổn chờ ông dưới đó”. Bổn vừa gặp tôi đã nói: “Tiêu rồi anh, bọn nó về tới Hốc Môn và Phú Lâm”. Tôi hỏi: “Cậu lấy tin ở đâu?”. Bổn đáp “Ngoài phố họ đang nhao lên. Trên đường từ nhà tới đây, em thấy dân chúng ở ngoại ô bắt đầu tản cư vào Saigon. Bây giờ tính sao?”
Tôi giở “bựa”: “Tính mẹ gì nữa. Ngồi chờ cho nó siết cổ thôi”. Bổn lại hỏi: “Họ chạy hết sao anh còn ở đây?”. Tôi nói: “Vì những người còn ở lại đây, thế thôi”.
Cuộc di tản của Mỹ chấm dứt vào lúc tôi đang ngủ. Vũ Thành An bước vào CLB đã vội loan báo: “Xong hồ sơ rồi ông ơi”. An không hút thuốc lá, nhưng hôm ấy anh phì phèo điếu thuốc. Tôi nói đùa với anh: “Chẳng qua cũng là bài không tên cuối cùng thôi”. Chúng tôi uống cà phê, ăn mì gói, hút thuốc đến khoảng 9 giờ 30 (sáng 30-4) vừa định vào phòng tin tức thì thư ký trực hốt hoảng chạy từ trên lầu xuống: “Ông ơi, văn phòng Tổng Thống điện thoại xin cử người sang thâu băng hiệu triệu”. Vừa lúc ấy nữ phóng viên Yến Tuyết vào đài. Cô đòi đi theo kỹ thuật viên sang thu thanh nhưng tôi không cho. Tôi chỉ định Lê Phú Bổn và một kỹ thuật viên là anh Hồ Ổn sang Phủ Thủ Tướng, số 7 đường Thống Nhất, Tổng Thống Dương Văn Minh và Nội Các chờ họ ở đó.
Bổn thu thanh và mang vào Ðài vài phút trước 10 giờ sáng và chuyển lệnh của Tổng Thống: “Ðầu hàng rồi. Anh cho phát ngay, không cần hoàn chỉnh”. Tôi đưa cuốn băng cho Vũ Thành An. Nội dung cuốn băng chỉ dài chưa đầy 5 phút, trong đó Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi quân nhân, cảnh sát và các lực lượng bán quân sự “giữ vị trí, buông súng để bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”. Bản hiệu triệu này do chính Tổng Thống Dương Văn Minh đọc theo một script do chính ông viết trên một mảnh giấy nhỏ.
Nhưng cuốn băng chỉ phát được một lần vào lúc 10 giờ 15 phút sáng 30-4-1975. Lê Phú Bổn vừa ra khỏi đài thì Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội, vị Tổng Tham Mưu Trưởng thứ ba trong vòng hơn 1 ngày rưỡi từ phủ Thủ Tướng sang Ðài Phát Thanh sau khi đã ghé qua Ðài Truyền Hình. Tôi đón ông ở cổng. Tướng Hạnh nói ông sang tiếp nhận Ðài để trao cho phía “cách mạng”. Còn đang nói chuyện với tướng Hạnh thì một đoàn xe trờ tới. Khi chiếc Mercedes đen ngừng lại ở cổng ngoài, tôi thấy một người mặc quân phục tác chiến mầu cỏ úa của bộ đội CS, súng lục cầm trong tay, tiếp theo là Tổng Thống Dương Văn Minh, và một người khác cũng mặc quân phục mầu cỏ úa, cũng súng lục cầm tay. Tổng Thống Dương Văn Minh đi giữa hai người này, phía sau có nhiều cán binh mang AK-47. Rồi đến những chiếc xe jeep lùn khác của quân đội VNCH cũng đến đậu trước Ðài phát thanh. Từ trên xe bước xuống là một đám thanh niên, thiếu nữ, trang phục dân sự nhưng trên tay phải của mỗi người đều có đeo băng đỏ. Tôi nhận ra ngay Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Cao Thị Quế Hương, Nguyễn Hữu Thái, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, và Hà Huy Ðỉnh thì cầm chiếc máy quay phim, ký giả Mỹ Don Luce, một phóng viên đeo thẻ của Ðài BBC và một người của hãng thông tấn AP, dường như là George Asper (lâu quá, không chắc chắn lắm), và hai thu hình viên của phía Cộng Sản. Ông Hạnh yêu cầu tôi lên phòng phát thanh trước (họ vẫn sợ có thể bị phục kích?) Lên tới phòng phát thanh, Tướng Hạnh yêu cầu mở cửa phòng vi âm lúc đó đang đóng vì không phải là giờ đọc tin. Viên sĩ quan đi bên cạnh Tổng Thống Dương Văn Minh lớn tiếng yêu cầu mọi người bình tĩnh, không được kháng cự vì kháng cự cũng vô ích. Ông ta nói: “Tổng Thống của các ông đã bị bắt”, và quay lại đẩy Big Minh vào phòng vi âm và nói: “Các anh thua rồi, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chứ còn gì nữa mà bàn giao”. Cuốn băng thứ hai mà dân chúng miền Nam được nghe từ 11 giờ ngày 30/4/1975 trở đi chỉ khác cuốn băng đâu tiên ở điểm “đầu hàng vô điều kiện" thay vì "bàn giao chính quyền trong vòng trật tự”.
Sau đó tôi hỏi tướng Hạnh: “Tôi có thể ra khỏi đài được chứ?”. Ông Hạnh nói: “Anh hãy về nhà ngồi đợi lệnh của Ủy Ban Quân Quản”. Tôi bước xuống cầu thang thì phóng viên Yến Tuyết từ phòng làm việc chạy ra. Vừa ra đến cổng thì thấy xe của Thiếu Tá Nguyễn Văn Thăng do tài xế Ðường lái chạy vào. Trên xe có cả vợ ông Thăng, chắc họ không kiếm được chỗ đi. Ông Thăng còn mặc bộ đồ bốn túi bằng vải ka-khi vàng. Tôi nói: “Họ đầy ra ở trên đó, Thiếu tá còn vào đây làm gì, quay xe ra ngay đi”. Ðường thấy vậy mở cửa xe và đẩy vội tôi và Yến Tuyết lên, vọt nhanh ra khỏi cổng.
Ra đến đường Hồng Thập Tự, Ðường quay lại hỏi: “Ði đâu ông?”. Tôi lắc đầu và không nói gì nữa, vì “phim” đã cháy thực sự.

Vũ Ánh

http://www.quocgiahanhchanh.com


 Vài cảm nhận về Ba mươi tháng Tư... oan!!!

Trần Khải Thanh Thủy

Hơn mười năm trước, tôi viết "cảm nhận 30-4″ để “Thành kính phân ưu” với một thể chế chưa hoàn toàn Độc lập, Tự do mà Dân chủ đầy mình của Việt Nam Cộng Hòa, cũng là bày tỏ sự tiếc nuối khôn cùng cho một viên ngọc quý của đất nước bị bàn tay lông lá, thô bạo bẩn thỉu của Cộng sản cướp mất... Như câu ca của người Việt.

Tiếc quả hồng ngâm đem cho chuột vọc.
Tiếc người ngọc đem cho ngao vầy.

Tiếc tài sản Miền Nam xây dựng, cho Cộng sản cướp phá tan tành.

Kẻ chiến thắng là những anh Bộ đội cụ Hồ - theo định nghĩa vô cùng chính xác của người dân Miền Nam khi đó : “Những kẻ theo lệnh cụ Hồ, đi bộ vào Nam suốt 6 tháng đường trường để đội của ra Bắc”. Thực chất những anh Bộ đội này chỉ là công cụ để lãnh đạo Cộng sản phát động cuộc chiến tranh chống Mỹ, cướp nước. Đảng bảo đi là đi, bảo đánh là đánh, bảo buông súng đầu hàng, nộp mạng cho Tàu Cộng là buông ( 64 Chiến sĩ trên đảo Gạc Ma) hoặc bảo nã súng vào trường học, khu trung tâm đông người hay dân làng vô tội là… nã không thương tiếc ( xem “hố chôn người ám ảnh” của Trần Đức Thạch), hệt những con rối bị giật dây, cốt chỉ để nhận về một ngày hai vắt cơm ôi, và lý tưởng bị đầu độc đến cùng cực, đúng như câu nói của danh nhân thế giới về cuộc chiến tranh Việt Nam :“Thiết kế các cuộc Cách mạng là bọn sát nhân. Thực hiện các cuộc Cách mạng là bọn cuồng tín, và thừa hưởng thành quả Cách mạng là bọn lưu manh”.
Sài Gòn bị thất thủ - những Người quân tử (Việt Nam Cộng Hòa) đã bị những kẻ tiểu nhân ( Việt Nam Cộng sản) đánh cho què cẳng, phải lê lết ra biển tìm đường tẩu thoát và trở thành thuyền nhân, tị nạn Cộng sản khắp thế giới, hoặc chịu cảnh thân tàn ma dại trong các trại học tập, cải tạo trong chế độ mới. Cái gọi là “ Thống nhất đất nước” của lãnh đạo đảng đã thành công ngoài sức tưởng tượng, đó là thống nhất sự khổ sở, nghèo đói của gần 60 triệu đồng bào Việt Nam với nhau, theo lời bài hát mà tôi nhanh chóng thuộc làu khi lần đầu đặt chân lên “Thành phố mang tên Bác” : “ Đi ta đi giải phóng Miền Nam, đi đến khi nào, người dân không còn cái quần thì ta còn chiến đấu quét sạch chúng sinh, lời Bác sui dại bên tai. Chiến đấu cho đến ngày Nam Bắc nghèo bằng nhau”.

Hoặc : Chiến đấu cho đến ngày Nam Bắc hòa niềm đau” ( thay vì niềm vui).

Xưa nay đối thoại bằng bom đạn là cuộc đối thoại ngu xuẩn nhất. Chính vì sự ngu xuẩn của lãnh đạo Cộng sản mà bom rơi đạn nổ suốt 21 năm trường, để lại đủ mọi di họa cho dân, nước sau thời hậu chiến.

Hơn tháng trời ở lại Hòn ngọc Viễn Đông, chứng kiến cảnh 30 thứ tang của đồng bào Miền Nam (trong đó có những người anh em ruột thịt máu mủ của mình). Từ đốt sách, đổi tiền, đánh tư sản mại bản, đi kinh tế mới v.v... trở thành vết thương nhức nhối, làm tổ, kết kén trong hồn tôi bao năm sau đó, để rồi hơn 10 năm trước, trong một lần trả lời phỏng vấn của anh Đinh Quang Anh Thái ( phóng viên báo Người Việt ), vết thương đã bật mủ trào ra, tuôn rơi trên trang viết.

Bây giờ ngày 30-4 lại sắp tới. Đang kỳ nghỉ Xuân, tôi ngồi trước màn hình vi tính, lòng mênh mang bao suy nghĩ mông lung. Liệu 30-4 lần này có gì đổi thay ? 41 năm trời qua, lượng đã đủ biến thành chất chưa ? Những bàn tay cáu bẩn giật ngọc đã chịu buông ngọc quý ra chưa hay vẫn như lời người xưa nói : “Tiếc viên ngọc quý để cho Ngao vầy”. Bao giờ lũ chó ngao to lớn, hung hãn chết đi để Ngọc quý được mài lại, sửa sang trở nên lung linh sáng đẹp như tên gọi xưa : Hòn ngọc Viễn Đông ?

Câu hát trong lời bài hát của tác giả Lê Hữu Phước :” Vùng lên ! Nhân dân Việt Nam anh hùng !Vùng lên ! Xông pha vượt qua bão bùng…Vận nước đã đến rồi. Bình minh chiếu khắp nơi”... có kịp đến trong dịp 30 -4 này không ? Đường gai góc 41 năm qua, trải trên bao thân xác trôi dạt ngoài biển thẳm và trong các trại cải tạo, khu kinh tế mới…bao giờ nở thành những đóa hoa Dân chủ giữa lòng Dân tộc, và được đặt trang trọng trước mộ của những người con hy sinh vì Tổ quốc ? Bao nhiêu câu hỏi day dứt trong đầu, trong khi cái gọi là thời cơ đã đến. Chỉ cần “Nhân Thiên hợp nhất”( lòng người và lòng trời hòa làm một) là Việt Nam có thể thành Miến Điện thứ hai. Ngược lại không biết tận dụng và vận dụng triệt để cơ hội có một không hai này thì bao giờ thời cơ mới chín muồi ? Người dân còn bị…cuốc da, móc thịt, moi tủy, đè đầu, cưỡi cổ đến bao giờ ?

62 năm trước, hồ chủ tịt - cha đẻ của đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Nhật Pháp bắn nhau và cơ hội của chúng ta” làm nên ngày 2-9 lịch sử ( thực chất là ngày Tổ quốc khánh kiệt) thì hiện tại “Trọng Dũng đã đánh nhau và cơ hội của dân đen”.

Theo đúng quy luật của một đảng cướp : Đầu tiên là cướp chính quyền từ tay Nhân dân, sau đó là cướp trắng tài sản của đối phương : Từ kho vũ khí Long Bình, sân bay Tân Sơn Nhất, vịnh Cam Ranh đến thềm lục địa v.v... , rồi chuyển sang cướp tài sản, tiền vàng của giới nhà giàu, dưới chiêu bài “đánh tư sản mại bản”. Tiếp theo là cướp sạch mồ hôi nước mắt của dân qua các vụ đổi tiền để cào bằng mọi giai tầng xã hội thành…bần cố nông, ‘quanh năm “no cậy nước”, suốt đời ‘ấm nhờ da’. Khi đã sạch sành sanh mà vẫn chưa đầy túi tham thì bán tài sản Quốc gia, tài nguyên thiên nhiên của đất nước, từ rừng đầu nguồn, các bãi biển, vỉa than, đất hiếm v.v... cho Tàu Cộng, Nhật Bản và Nam Hàn. Tiếp đến là cướp đất cướp nhà của người dân - biến họ thành những anh Pha, chị Dậu trong “tắt đèn” và “bước đường cùng” của Ngô Tất Tố và Nguyễn Công Hoan trong xã hội phong kiến - vốn tử tế gấp triệu lần Xã hội Chủ nghĩa.

Khi nước đã nghèo, dân đã kiệt, không còn gì để cướp nữa thì quay sang cướp chức vị, tiền bạc của cải của nhau. Đây chính là cơ hội “41 năm có một” của những con giun bao nhiêu năm qua đã bị xéo quằn.

Hãy xem cuộc chạy đua gấp rút của những kẻ thắng cử Nguyễn Phú Trọng cùng phe nhóm với những kẻ…thua cử Nguyễn Tấn Dũng và tay chân. Có thể nói trong lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ có tiền lệ khắc nghiệt đến thế. Cho dù sự thắng thua đã rõ thì kẻ thua vẫn được phép ngồi lại điều hành cho đến giữa hoặc cuối năm. Vậy mà bất chấp luật lệ, bè nhóm Nguyễn Phú Trọng đang ép sát ván Nguyễn Tấn Dũng phải rời bỏ ngai vàng quyền lực trước ngày mồng 1 tháng 4 này. Tất nhiên cả Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang, những kẻ từng dính máu ăn phần cũng phải chịu chung số phận. Ra đi đầu không ngoảnh lại, dù sau lưng lấp lánh ánh kim tiền.

Bộ tứ : Trọng lú, đại ngu, vô phúc, kim Nghêu( trong Nghêu Sò, Ốc, Hến), đang hí hửng ra mắt Quốc dân đồng bào trong dịp 30-4 oan sắp tới...

Những kẻ thua… cử, tuy thua về quyền lực, nhưng không thua sự cùn cằn, liệu có ngoan ngoãn bỏ đi ngay cho các đồng chí lãnh đạo mới lên thay, hay tiếp tục dằn mặt, sát phạt nhau : Hoặc cố cùng liều thân, ngồi ì đến cuối năm 2016, hoặc làm một kẻ “anh hùng khi tắt gió”, thu hết sức cùng lực kiệt để tập hợp Công an, côn đồ băng nhóm xã hội đen, xã hội đỏ ( Quân đội) làm một cuộc đảo chính, lật ngược thế cờ thì sao? Đó chính là điều làm Trọng lú điên đầu lúc này. Dù sao thì dưới con mắt người dân, Trọng lú đã quá già để làm lãnh đạo rồi. Lẽ đời, ai cũng biết : “Đất sinh cỏ, già sinh tật”, lãnh đạo cái thân không xong, nói gì lãnh đạo đất nước ? Một cái đầu tàu sau 73 năm vận hành bằng chủ nghĩa Mác Lê thì ọp ẹp già nua cũ kỹ và kệch cỡm thô bạo đến mức nào ? Làm sao kéo nổi con tàu Việt Nam ra khỏi ngõ cụt của sự đói nghèo, lạc hậu, thủy, hỏa, đạo, tặc (đầy đường) ?

Bao nhiêu năm qua “dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng”, con tàu Việt Nam luôn “ôm chặt đất anh hùng”. Hàng trăm toa cồng kềnh phía sau, từ Kinh tế, Giáo dục, Khoa học kỹ thuật, Văn hóa nghệ thuật v.v... đều bị rỉ sét, nứt toác, đen ngòm. So với thế giới chỉ còn là đống phế thải khổng lồ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân chỉ giỏi làm tình chứ làm chủ tình hình đất nước sao nổi ? “Xem mặt mà bắt hình dong” : “Những người con mắt lá răm, nụ cười hàm tiếu đáng trăm tiền”... Mắt lá răm theo quan niệm dân gian là mắt đĩ. Đĩ trong chốn làng chơi còn kiếm được cả trăm quan tiền để xây gác tía, nhà lầu, quần hồng, áo lụa, lên xe xuống ngựa, nữa là đĩ nhốt chung trong một bồ…Chính trị ? Theo gương Nguyễn thị Hằng trước đó, chuyên dùng đàn anh làm ván bắc cầu để nhảy xa. Nhảy từ Thanh Hóa ra Hà Nội, từ bụng máy bay ( khi còn là dân quân, du kích, chuyên nằm ngửa, giương súng chờ máy bay Mỹ bay qua để nhằm thẳng bụng chim khổng lồ mà bắn), nhảy lên ghế Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Từ cô thanh nữ thất học ( tốt nghiệp lớp 7 phổ thông) lên địa vị Tiến sĩ Kinh tế…Tất nhiên còn nhảy qua vai anh hùng Ngô thị Tuyển để đi báo cáo thành tích tại các nước Xã hội Chủ nghĩa, vác 2 hòm đạn nặng 90 ký lô gam lên trận địa băng băng…Nếu không vì “cầu” đồng hương, đồng sàng, đồng mộng ( Lê Khả Phiêu) bị sập giữa chừng vì tội đi đêm với Trung cộng, dịch cột mốc biên giới Việt Nam - Trung quốc từ đỉnh núi xuống sườn núi làm mất 720 ký lô mét đường biên, thì với đôi chân dài nhún nhảy, Nguyễn thị Hằng còn leo lên chức Phó chủ tịch nước thay Trương Mỹ Hoa từ lâu. Nay đến lượt Ngân, theo kinh nghiệm dân gian nói : “Những cô dong dỏng ống giang, một đêm giết sạch cả làng trai tơ”… Kể từ ngày “giải phóng” đến nay, cái ống giang dong dỏng cùng đôi mắt lá răm của Ngân đã “giết” bao nhiêu “trai trơ” thuộc làng Trung ương( trong Bồ chính trị) để leo lên chức Chủ tịch Quốc hội như hiện tại ?

Chủ tịch nước Trần Đại Quang có biệt hiệu là “đại ngu” từ hồi học phổ thông. Hết cấp 1, cấp 2, cấp 3 trường làng, trường huyện, thành tích học tập của Quang lúc nào cũng đội sổ, để lại trong xã hội Việt Nam những câu nhận xét của bạn bè cùng trường, cùng khóa, cùng niên và tất nhiên cùng tuổi khi đó ( từ 1950 đến 1953) :

- Đ.m thằng này ngu éo tưởng được, không biết sau này mày làm gì mà sống ? Chỉ một điều ngu đã đủ khổ rồi, mày còn đại ngu nữa thì…không khéo tay gậy tay bị khắp nơi ăn mày thôi con ạ. Cũng may, thay vì không thể đu dây thi thố vào các trường Đại học Bách khoa, Y, Dược, Sư Phạm v.v... Quang lại có lý lịch “vấy bùn’ : Ba đời củ chuối măng mai, chân đất, mắt toét. Suốt ngày, dù nắng cháy da hay “mưa phùn ướt áo tứ thân”, ông bà nội ngoại và bố mẹ Quang đều “chân lội xuống bùn, tay cấy mạ non” nên được xét vào Đại học an ninh - vốn có số điểm chuẩn thấp nhất Miền Bắc khi ấy( từ 8-12 điểm 3 môn). So với các trường Đại học khác là 16-24 điểm. Ngay cả việc sửa năm sinh từ 1950 - thành 1956 để “trẻ hóa lãnh đạo”, giữ ghế lâu dài, cũng bị bạn bè một thời nhận định : Đ.m, thằng ấy sao mà ngu thế, có sửa năm sinh cũng chỉ vài năm thôi chứ, ăn gian hẳn 6 năm, sao mà qua tai mắt nhân dân được ? … Nhờ sự ngu dốt, lì lợm và lòng trung thành vô hạn với đảng Cộng sản vĩ đại của mình, Quang trở thành Bộ trưởng Bộ công an, mà phương châm triệt để hữu hiệu là : dùng Côn đồ, băng đảng xã hội đen để giữ gìn an ninh trật tự cho xã hội đỏ dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng sản. Rồi nhờ thời Công an trị mà lại một lần nữa : “Ghế cao ngồi tót sỗ sàng” lên Chủ tịch nước, tha hồ ban phát đặc quyền đặc lợi cho bọn công an dưới trướng.

Kẻ cuối cùng trong bộ tứ triều Đình khóa 13 mới, là Nguyễn Xuân Phúc. Theo sách “ma y thần tướng” của Trung Hoa miêu tả :

Mặt tày lệnh, cổ tày cong.
Kỳ hình dị tướng thì lòng gian tham.

Bản mặt Phúc (người cổ to, mặt phèn phẹt) hoàn toàn ứng nghiệm với kinh nghiệm dân gian mô tả: Vừa ghẻ lạnh, vô cảm, vừa tròn ung ủng như cái đĩa tráng men. Mới ngoài sáu mươi mà tóc trên đầu đã rụng gần hết, mồm thì bèn bẹt như miệng cá tra đang đói phân. Ngắm diện mạo vừa đần độn, vừa gian manh, vừa lạnh lẽo, cô hồn lại đầy ác ý, nham hiểm của y, bất kể người dân có lương tri nào cũng ngán ngẩm thở dài : “Ôi, Xuân phúc cho đảng còn vô phúc cho 92 triệu người Việt Nam chúng ta. Chưa kể cả núi tiền của, nhà cửa của hắn ở Việt Nam, Mỹ và các ngân hàng ngoại quốc.
Cả bộ tứ, hội tụ đủ bốn đức tính mà người dân đúc kết : “Nhất dốt nhì tham, tam ngông, tứ độc”… làm sao đủ tiêu chuẩn mà ngồi ngai vàng quyền lực trước 1 /4 đây ? Vì vậy, tại Quốc hội khóa 13, vẻn vẹn 19 ngày, bên thắng cử đã vạch ra các kế hoạch yêu cầu bên thua cử phải thực hiện bằng được. Cụ thể.

- Thay cái đít teo tóp của chủ tịt quốc hội khóa 13 cũ - Nguyễn sinh hèn bằng cặp mông ngây thơ hớn hở của nữ Chủ tịch Quốc hội khóa 13 mới - Nguyễn Kim Ngân.

- Đá đít chủ tịt nước Trương tấn sâu để kê ghế cho Chủ tịch nước mới Trần đại ngu.

- Bãi bỏ hoàn toàn chức vụ và vai trò của tưởng thú Nguyễn tán dóc để Nguyễn vô phúc lên thay…

Toàn bộ kịch bản công phu này sẽ được lũ quân sư quạt mo ( phe cánh của lú) đạo diễn cực kỳ gấp rút, không kém phần trơ trẽn để che mắt nhân dân và đè bẹp Điều 87 của bản Hiến pháp năm 2013. Bằng mọi cách phải phế truất các đồng chí cũ trước khi tổng thống Obama sang Việt Nam. Nghĩa là phải lôi đủ những tội lỗi xấu xa của các đồng chí ấy ra mà truy tố, kết án theo kế hoạch “đả hổ” của Tập Cận Bình. ( Nếu có mệnh hệ gì đã có “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” bên cạnh thâu tóm, chỉ đạo triệt để, để các đồng chí cũ dù có ý định thân Mỹ cũng chỉ còn…bó chiếu. com) . Điều này tưởng khó mà lại dễ vì dân gian nhận định “bới bèo ra bọ” còn được, huống hồ giữa trung ương với nhau, bới giòi ra bọ, bới sâu giữa một tấn sâu, trương phình, phì nộn vì ăn bẩn, ăn tạp, trong khi nền kinh tế đang suy sụp tận đáy. Vốn ODA , tức “ông đây ăn”, đã bị Dũng tranh thủ cơ hội vay vô tội vạ và tiêu vung tàn tán, không có khả năng trả nợ, nên bị ngân hàng Quốc tế đóng cửa, từ mặt. Ngân hàng trong nước thì trống không. Bí mật in tiền hết lần này lần khác khiến tiền mỗi ngày một hóa giấy…

Tất cả chỉ còn vướng mắc ở điều 87 : “Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu Chủ tịch nước”.

Không thể trơ mắt ếch , mặt ngay tàn tán để chứng kiến các đồng chí cũ ngồi lại đến tận lúc tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sang để bị láng giềng nhắc nhở. Bè lũ Lú và phe cánh mới, chỉ còn giúp các đồng chí cũ đi du hí bằng cách chơi trò du côn, bỏ qua quy định của hiến pháp 2013, mời các bác đi luôn cho rộng chỗ, đỡ vướng mắt…

Dù Trọng lựa chọn cách nào đi chăng nữa, và bè lũ Dóc, Sâu, Hèn( Dũng, Sang, Hùng) phản ứng ra sao, cũng tạo ra một sự nhốn nháo quyền lực, là cơ hội có một không hai cho người dân vùng lên theo câu nói dân gian : “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi …cắn”, vấn đề người dân có biết đứng lên hoặc đứng theo cách nào mà thôi ?

Trong tôi văng vẳng lời hát của bà con dân oan tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng năm nào:
Vùng lên dân oan Việt Nam đói nghèo.
Vùng lên xông pha vượt qua lũ giòi.
Thề cứu lấy xác mình, thề tay bo đến cùng,
Cầm đơn, chung sức xốc tới.
Diệt hết lũ cướp ngày.
Diệt tan quân độc tài.
Người dân oan khuất biết bao lâu rồi...

Hy vọng sau ngày 30-4 năm nay, lịch sử sẽ sang trang. “Ba mươi thứ tang” mà đảng Cộng sản gây cho dân nước sẽ trở thành “Tang gia bối rối” cho chính chế độ Cộng sản đương thời.

Sacramento, spring break 2016.
T.K.T.T

 

Đăng ngày 28 tháng 04.2016