Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 04.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


 Văn tế
Tự điển Tiếng Việt của Lê Văn Đức định nghĩa văn tế: văn cáo, văn chúc, tế văn đọc lúc tế một người chết để kể tính tình công đức người ấy và tỏ lòng kính trọng thương tiếc của mình. Một nghĩa nữa: bài văn tính cách khôi hài viết ở trường hợp đặc biệt. Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu cho rằng:
Văn tế là bài văn đọc lúc tế người chết (cũng có khi để tế sống) để kể tính nết, công đức của người ấy và bày tỏ tấm lòng kính trọng và thương tiếc của mình.
Một bài văn tế thường có các phần: lung khởi (cảm tưởng khái quát về người chết); thích thực (hồi tưởng công đức của người chết); ai vãn (than tiếc người chết); kết (nêu lên ý nghĩ và lời mời của người đứng tế đối với linh hồn người chết).
(Trần Minh Thương - Thể loại văn tế)

Quốc mẫu
Báo giới hiện nay ở trong nước gọi Hùng Vương là Quốc tổ.
Nhưng lại gọi Âu Cơ mẹ Hùng Vương đầu tiên là Quốc mẫu.
Mẹ lại sinh ra được ông nội à ?
(Cao Tự Thanh)

Sự khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn
Con gái
Con gái Hà Nội, da trắng, nói năng nhỏ nhẹ, gọi người yêu là anh yêu. Khi bạn đã yêu thì khó bỏ!
Con gái Sài Gòn da rám nắng, nói năng ngọt ngào, gọi người yêu là ông xã. Khó tán nếu muốn yêu!

Chó
Nên lưu ý là về chó, vốn từ vựng tiếng Việt rất dồi dào: ngoài chó, còn có khuyển, cẩu và cún. Không những dồi dào mà còn chi li: chó có nhiều loại khác nhau. Người ta phân biệt chó theo lông: chó mực, chó cò, chó phèn, chó luốc, chó mốc, chó đốm, chó vện, chó vá, chó xù, chó bông, chó mắm trê, chó lài, chó khoang, v.v…Phân biệt theo giống: chó tây, chó xi, chó ta, chó cỏ, chó sói, chó ngao, v.v... Phân biệt theo chức năng: chó cảnh, chó săn...
Sự phân biệt chi li đến độ người ta để ý và đặt tên chó trong một số thời kỳ nhất định. Ví dụ thời kỳ chúng rượn, chó đực được gọi là chó tháng bảy; chó cái được gọi là chó hoa vông. Chó điên có ba tên gọi khác nhau: chó điên, chó dại và chó ngộ (nhớ thơ Hoàng Cầm, trong bài “Bên kia sông Ðuống”: “Chó ngộ một đàn / Lưỡi dài lê sắc máu...)
Còn chó chết thì biến thành một... thứ con khác. Thành cầy, chẳng hạn. Nguyên thuỷ, chúng ta biết, cầy là tên của một giống chồn vừa ngọt thịt vừa thơm tho. Ở đây rõ ràng là một sự mạo danh. Người ta còn nói lái chữ “cầy tơ” lại thành “cờ tây”. Cũng chưa đủ. Người ta lại nói lái chữ con cầy thành “cây còn” và dịch ra chữ Hán để có một từ Hán Việt giả cầy là… mộc tồn! Cũng vẫn chưa đủ. Người ta còn gọi thịt cầy là thịt nai. Ðó là chưa kể có lúc người ta còn dùng cả tiếng Tàu nữa: hương nhục.
Như vậy, tổng cộng, lúc sống, chó có bốn tên: chó, khuyển, cẩu và cún; chết đi, chó lại có thêm sáu cái tên khác: cầy, cờ tây, mộc tồn, nai tơ, nai đồng quê và hương nhục.
(Nguyễn Hưng Quốc - Tiếng Việt: Cọp và Chó)

Đí gì
Đí gì : cái gì
(gọi mày là đí gì – chẳng có đì gì)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

5 Cửa Ô

5cuao

Trước thế kỷ 20, cửa ngõ vào Hà Nội có 16 cửa ô. Họ chỉ giữ 5 cửa ô có trạm gác, hào chông bao bọc là ô Chợ Dừa, Đống Mác, Cầu Rền, Cầu Giấy, Quan Chưởng. Nay chỉ còn Quan Chưởng.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Anh chị em cầm bút trong Nam thì chắc là số người thân với ông tất phải nhiều hơn, nhưng tôi không thấy cần dông dài. Chỉ xin chú ý đến những nhà văn các miền ngoài, nhất là ngoài Bắc. Ở đó, cái biết về các hoạt động văn học trên phần đất Nam Kỳ cũ rất là sơ sài. Theo sự phác giác của Nguyễn Văn Trung gần đây, bộ môn tiểu thuyết xuất hiện ở trong nam sớm hơn ngoài Bắc chừng ba, bốn chục năm. Vũ Ngọc Phan không hề biết; ông nói về Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn...như những người đi tiên phong, mà không kể đến những Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắc, Trương Duy Toản, Trần Chánh Chiếu v.v.. Sau lớp tiên phong, đến lớp nhà văn tiền chiến các cây bút trong Nam cũng không được chú ý bao nhiêu. Trong bộ Nhà văn hiện đại có 79 tác giả, gốc Nam Kỳ cũ được 4 người. (Ở hai quyển 4 và 5, nói về các bộ môn sáng tác, thì không có người Nam nào). Trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân có 46 tác giả, người Nam chỉ được một cặp ông bà Song Hồ. Sau l945, miền Bắc chỉ quan tâm đến những cây bút đã gia nhập vào hàng ngũ chính trị của họ. Thành thử sự kết giao của các tên tuổi Bắc Trung vừa kể với Bình-nguyên Lộc là trường hợp hiếm.
(Bình Nguyên Lộc: Một nhân sĩ trong làng văn – Khởi Hành)

Kẻ
Người Việt cổ sống nhờ nông nghiệp, săn bắn. Rồi đưa sản phẩm đến một mảnh đất có người ở để trao đổi, tiếng Hán gọi là “Kỳ”.
Sau gọi là Kẻ, có nghĩa là làng. Như Kẻ Mọc (làng Mọc), Kẻ Noi (làng Cổ Nhuế), Kẻ Mơ (làng Hoàng Mai, Bạch Mai).
Từ “kẻ” thường chỉ dùng trong ngôn ngữ dân gian, khi đặt tên các làng này thường được phiên âm bằng từ Hán: Cổ, Khả .
Như Cổ Loa: Kẻ Lủ, Cổ Bôn: Kẻ Bôn, Kẻ Giầy (là Phủ Giầy ở Nam Định) - Khả Lao: Kẻ Lao.
Từ kẻ được mở rộng phạm vi, dùng để chỉ một địa bàn rộng hơn. Như: Kẻ Quảng (tỉnh Quảng Nam), Kẻ Vinh (thành phố Vinh).
Sau này có tiền tệ, “kẻ” trở thành nơi mua bán, và dần dà được gọi là “Chợ”. Cuối thời Trần, Thăng Long đã được sử sách chép với tên “Kẻ Chợ” để phân biệt với Kẻ Sặt, Kẻ Noi ở vùng quê…

Đất lề quê thói
Ruồi sa, rắn đón: Đang ăn có ruồi sa vào bát là có bổng lộc. Gặp rắn bò ngược chiều và gặp ta là xấu. Vì bị… rắn cắn.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Biểu tượng tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa

cnlv

Người Việt hàng nghìn năm lịch sử đã duy trì tín ngưỡng phồn thực, thờ cơ quan sinh dục và hành vi giao phối.
Nhà mồ của người dân tộc Bana ở Việt Nam có hàng rào được trang trí bằng những bức tượng gỗ thể hiện các hình ảnh tượng trưng cho khả năng sinh sản của con người. Những bức tượng này thể hiện ý niệm, cái chết là một sự bắt đầu mới, người chết sẽ được phôi thai thành người khác.

cnlvHình tượng Linga (sinh thực khí nam) và Yoni (sinh thực khí nữ) là một vật thờ linh thiêng của người Chăm.
Linga và Yoni có thể đứng riêng, nhưng cũng có khi chồng lên nhau, biểu thị cho tính âm - dương kết hợp, tạo ra sự hủy diệt và tái sinh của vũ trụ.

Trên nắp thạp đồng niên đại 500 năm TCN tìm thấy ở Đào Thịnh (Yên Bái), xung quanh hình mặt trời với các tia sáng là tượng 4 đôi nam nữ đang giao hợp được thể hiện rất sinh động.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trăm năm trong cõi người ta.
Ai ai cũng phải thở ra hít vào.
Trăm năm trong cõi người nào.
Ai ai cũng phải thở vào hít ra.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Ngoài ra, Bình-nguyên Lộc còn được Nhất Linh chọn mời cộng tác vào tờ tạp chí ông chủ trươg ở Sài Gòn sau Genève. Năm 1952, mới từ Hương Cảng về Sài Gòn, Nhất Linh đã nhắn Bình-nguyên Lộc đến gặp mình tại nhà trọ bấy giờ ở đường Lê Văn Duyệt (Phỏng vấn của lê Phương Chi, Tin sách số 32, tháng 2-1965).
Người ta để ý thấy Nhất Linh mời Bình-nguyên Lộc cộng tác làm báo, nhưng Nhất Linh không đề cử Bình-nguyên Lộc vào Tự Lực văn đoàn, không đưa sách ông vào các nhà xuất bản Phượng Giang, Đời Nay, như đối với một số nhà văn khác lúc bấy giờ (Nhật Tiến, Linh Bảo, Nguyễn Thị Vinh, Duy Lam...). Tại sao vậy? Một cách đánh giá chăng? Chúng ta không có căn cứ đầy đủ để ức đoán. Hãy bằng lòng với một ghi nhận, một “để ý” vậy thôi.
(Bình Nguyên Lộc: Một nhân sĩ trong làng văn – Khởi Hành)

Đánh bồng
Đánh bồng : đánh bạn, họp bạn
danh bong

Con đĩ đánh bồng
(tranh Orger)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Văn tự
Thoạt kỳ thủy chữ dựa trên hình sự vật gọi là “văn”. Sau thêm âm gọi là “tự”.
Từ đó “hình” và “âm” nương nhau đẻ nhiều chữ và viết trên thẻ tre, trên vỏ cây gọi là “thư”.
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chợ
Hà Nội có 12 chợ lớn: chợ cửa Đông (Đồng Xuân), cửa Nam, chợ Huyện, Đình Ngang, Bà Đá, Văn Cử, Ong Nước, chợ Mới, Đông Thành, Yên Thọ và Yên Thái (Bưởi).
Chợ Đồng Xuân lớn nhất, ở ngay khu phố cổ, được lập vào năm 1804 và được Pháp tu bổ năm 1890. Lúc đầu có 5 vòm cửa và 5 nhà cầu dài 52m cao 19m, nay chỉ còn 3.

Viếng người thợ rèn
Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp ?
Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.
Tương truyền cụ Nguyễn Khuyến viếng một người thợ rèn bên láng giềng chết trẻ, để lại vợ trẻ con thơ . Và trong hai vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng: than, rèn, cặp, bễ, đe, loi …là những dụng cụ cần thiết trong nghề thợ rèn

Sự khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn
Tỏ tình
Khi bạn nói với một cô gái: “Thế em có yêu anh không?”
Con gái Hà Nội: “Nếu nói không thì sao?”
Con gái Sài Gòn: “Tại sao lại không nhỉ!”

Giai thoại làng văn
Đọc hồi ký của Tô Hoài ta cũng thấy có cái đặc biệt. Tác giả viết như tiểu thuyết, xáo trộn thời gian, không cần ngày tháng.
Cuốn Cát Bụi Chân Ai ? của ông được nhiều người khen là khá, trung thực, can đảm nhưng khi viết về vụ Nhân Văn Giai Phẩm ông chỉ nói phớt qua tới các bạn văn của ông nhưng tránh né không nói tới số năm khổ nhục trong tù mà họ đã trải qua.
Trong lúc xã giao gập nhau ở sở làm, đám tiệc tùng người ta tay bắt mặt mừng, văn hoa, lịch thiệp. Nhưng khi hoạn nạn, nghèo túng hay tù đầy con người mới lộ chân tướng của mình. Với nhà văn Tô Hoài thì không thế mà lộ ngay cả khi chiến thắng, lúc hòa bình. Cái đoạn mà Tô Hoài viết về Phan Nhật Nam, nhà văn Việt Nam Cộng Hòa đối nghịch với ông cũng đáng được kể lại.
Phan Nhật Nam theo phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa ra Bắc chứng kiến cuộc trao trả tù binh Mỹ; khi trở lại Sài Gòn nói rằng lúc tới sân bay ngoài Bắc ông không thấy một nhà văn miền Bắc nào có mặt. Tô Hoài trả lời trong Cát Bụi Chân Ai? như sau:
”…Rõ hồ đồ, Nguyễn Tuân và ông đây từ sáng sớm đã uống bia Trúc Bạch trong quầy nhìn ra đám tù binh giặc lái áo xanh lá cơi, cổ đeo tràng hạt gộc tre, sắp hàng chui vào bụng máy bay. Và xem mày ngọ nguậy lên xuống, giơ máy ảnh…”.
Trong văn chương nếu có đả kích nhau thì cũng dùng những câu nhã nhặn, nếu cần thì chua cay mặn chát thôi, đều tỏ ra là con người có văn hóa (theo lối nói của Hà Nội) mà ít khi xách mé, hằn học. Đằng này Tô Hoài đã không còn bình tĩnh khi tự tôn xưng mình là ông và gọi đồng nghiệp bằng mày khi cùng Nguyễn Tuân lén lút nấp ở phía trong như hai kẻ gian phi rình dập.
Con người cộng sản Tô Hoài dù có viết đi, viết lại cũng không còn giữ được bình tĩnh nữa, chân tướng cũng lộ ra. Còn đâu cái văn phong duyên dáng của những Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, O Chuột, Quê Người của một thời xa xưa.
(Đặng Trần Huân - Không có xe nằm nhà đọc hồi ký)

Địa danh xưa
Phố Tràng Thi : hay Trường Thi nằm ở bắc của trường thi Thăng Long, nơi đây xưa kia là thi Hương ba năm một kỳ.
Thư Viện Trung Ương bây giờ chính là địa điểm của Nhà Thập Đạo, nơi các sĩ tử trong các kỳ thi đến xin dấu nhật trung và nộp quyển.
(Từ phố Tràng Thi đi ra phố Kim Mã tới Ô Cầu Giấy nằm trên quốc lộ 1 để lên Sơn Tây).

Con sống mống mang
Sống là tiếng cổ từ đời Lý và có hai nghĩa:
Giống đực: gà trống hay gà sống.
Người cha: con sống mống mang là con làm điều ngang trái, cha chịu trách nhiệm.
(Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)

Địa danh xưa

pho trang tien

Phố Tràng Tiền – 1915 (tên cũ: Paul bert)

Phố Tràng Tiền: nếu so với 36 phố phường Hà Nội thì mới chỉ có từ thời nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn lập phố Tràng tiền để đúc tiền kẽm, tiền đồng phục vụ cho triều đình. Ngoài phố Hàng Đàn làm võng kiệu, long đình cho triều đình xưa, còn có những phố chuyên phục vụ cho quan lại như phố phố Mã Vĩ bán mũ áo cho các quan chức và phường chèo; phố Hàng Bài làm hài cho các bà lớn và những người đồng cốt; phố Hàng Bạc bán đồ trang sức...

Mười bốn năm tròn hết số thì thôi
Từ thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ thứ 19, suốt 200 năm là một chuỗi biến cố đẫm máu. Hết cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, đến cuộc tương tranh Nguyễn – Tây Sơn. Từ lúc anh em Tây Sơn khởi nghĩa, vua Quang Trung lập nên một triều đại huy hoàng, nhưng khá ngắn ngủi:
Vua Quang Trung
Ðầu cha lấy làm đuôi con
Mười bốn năm tròn hết số thì thôi
Tương truyền đây là một câu sấm ứng vào việc triều Tây Sơn mất nghiệp sau 14 năm. Chữ “tiểu” ở trên đầu chữ Quang, (Quang Trung) và ở chân chữ Cảnh (Cảnh Thịnh).
Một câu ca dao khác, cũng cùng ý nghĩa:
Cha nhỏ đầu con nhỏ chân
Ðến năm Nhâm Tuất (1802) thì thân chẳng còn
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)

 

(còn tiếp)