Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 06.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Từ điển văn học bộ mới
Phát hành đầu năm 2005, là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây 20 năm và có nhiều thay đổi cái nhìn mới, và cái mới nghiêm túc. Như những tác gỉa trước kia bị loại trừ, nay xuất hiện. Các tác gỉa dính líu đến vụ án Nhân Văn Giai Phẩm hầu hết đều có mặt, nhưng không có Thụy An, Phùng Cung.

Về những tác giả được khôi phục phải kể Phan Khôi được giới thiệu đầy đủ, súc tích, ngay cả giai đoạn Nhân văn Giai phẩm : " chủ nhiệm báo Nhân Văn, rồi các bài viết (...), vẫn với ngòi bút sắc sảo, rắn rỏi sẵn có nhưng ông đi ngược dòng đường lối văn nghệ của Đảng Lao Động Việt Nam lúc ấy, nên đã bị báo chí đương thời phê phán cùng với sự phê phán nhóm Nhân văn Giai phẩm nói chung ".
Người chấp bút danh mục này là Văn Tâm (1933-2004) cùng đã bị liên lụy trong vụ án Nhân văn Giai phẩm và bị treo bút trong nhiều năm.
(Đặng Tiến – Chimviet.free.fr)

Cửa thiền
Cửa thiền: nhà chùa.
Thiền là yên lặng. Nhà Phật lấy thanh tịnh làm gốc nên mọi sự về Phật đều gọi là thiền.

Chúng ta mất hết cả rồi sao?
Một trong 12 bài di cảo của Vũ Hoàng Chương đã được bà Đinh Thị Thục Oanh (vợ VHC) đính chính vào ngày 17 tháng 7 năm 1999. Chữ in nghiênglà đúng nguyên tác của tác giả.
Sáng chưa sáng hẳn tối chưa đành
Gà lợn om sòm cảbức tranh
Rằng vách có tai thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh
Dấu hỏi xoay quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thắm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đanh đóng vào xăng tiếng trả lời
Chúng ta mất hết cả rồi sao ?
Cả đến âm thanh một thuở nào !
Da trống tơ đàn ôi trúc phách
Đều khổ như khúc hát gầy hao
Đàn mang tiếng đáy mà không đáy
Mất hết rồi sao sợi nhớ thương
Tay phách từ lâu nay lạc phách
Không còn đựng mãi bến Tầm Dương.
(Thế Phong – Chiêu niệm bốn nhà văn Sài Gòn)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cho chừa mèo mả gà đồng
Tau đá một phát lòi tròng nghe con

Chữ và nghĩa
"Cường điệu", từ dùng sau 1975, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Để dịch từ "hyperbole" trong tiếng Anh.
Nó đồng nghĩa với "phóng đại", "thậm xưng". Biện pháp tu từ "phóng đại", vì thế, còn được gọi là "cường điệu", và "ngoa dụ". Ngoài ra, nó còn được gọi là "nói quá" ("overstatement"), ngược lại với biện pháp "nói giảm" (understatement) ở trên.
(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

Câu đối Tết
Cùng với chữ Hán, nhiều danh sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm. Đầu thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì 47 câu đối Nôm. Đây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vẫn phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co chân đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
vẫn còn một nổi buồn man mác. những o giờ mới được l
Theo Dương Quảng Hàm thì câu đối này của Nguyễn Công Trứ…
(Trích từ Văn Hóa Việt)

nguyen khuyen        tuxuong
Nguyễn Khuyến                 Nguyễn Công Trứ

Ý tại ngôn ngoại
Còn có ý ở ngoài lời nói, khiến cho người tự hiểu lấy.
Lời nói bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Thời của thu vàng một loáng hóa rừng phong hoang hồng, xao xác đến muôn trùng số mệnh con người hoa cỏ. Tôi có dịp lai rai sống với Bùi Trung Niên Thi Sĩ. Thưở ấy đói kinh. Người người tăng gia, nhà nhà sản xuất. Cuốc đào cả lề đường hè phố, vườn biệt thự, trồng luống khoai hàng sắn. Cày xới nát bộ não vì cái ăn, cái Ði – Ở. Tâm linh màu chì.
Một hôm chúng tôi đang đi long nhong gần nhà thờ Ba Chuông kiếm vài chung quốc lủi, Bùi Giáng bỗng nói: nè cha, ta về nhà chút đã. Tôi hỏi về mần chi. Ông bảo cho heo gà ăn chớ không tụi nó chết. Hóa ra thi sĩ cũng tăng gia sản xuất. Về nhà – trong hẻm, gần cổng xe lửa số 6 – đã thấy ngay trước hàng hiên có mấy con… heo đất, mấy con vịt nhựa – loại được khoét một đường rãnh trên lưng, để bỏ tiền tiết kiệm. Chúng được đặt trong rọ, hoặc úp bằng những cái rổ đàng hoàng, như heo gà thật. Bên con heo đất hãy còn mấy cọng rau tươi, nơi gà vịt nhựa có dăm hạt gạo vung vãi. Hỏi. Một người bà con nói nhỏ với tôi: “Phải chăm sóc cẩn thận, ảnh về thấy heo gà không có thức ăn ảnh khóc”.
Giai thoại này là hiển thị cuộc hí lộng đã dắt díu thi sĩ chơi với đồ nhựa vô tri. Ký gởi sự sống trên những “con-vật-không-có-sống-không-có-chết”, là lúc ông xấn tới tột đỉnh đất trời đổ lộn nguyên khê. Ông tỉnh táo trong một trạng thái đặt biệt của người điên. Ông sắp xếp cái Ðiên theo cách người tỉnh. Cái điên phần nào giúp ông siêu thoát.
(Bùi Giáng, những giai thoại tiêu biểu – Cung Tích Biền)

Ngọng ngẹo trong ngôn ngữ
Chúng ta gặp nhiều nhà thơ với chứng thác loạn ngôn ngữ, như thất điều ngữ pháp (dysgrammatisme) hay loạn phối hợp từ (dysphasie) như Bùi Giáng trong bài Hán hương u hương :
Âm u ô úc ôn tù niệm
Yếm ố ư uyên uyển tội từ
Thất điều ngữ pháp là dùng chữ vô nghĩa, những cặp chữ nói lái, bố trí từ hỗn loạn, không liên quan đến ngữ nghĩa, bất tuân cú pháp, bất chấp ngữ phạm.
(Trần Văn Tích – báo Sài Gòn Nhỏ)

Tục chen
Tục lệ nầy được tổ chức tại làng Nga Hoàng, huyện Võ Giàng tình Bắc Ninh. Hàng năm tục nầy được tổ chức tế hai vị Thành hoàng rất long trọng; sau đó thì tiến hành lễ rước hai vị thần từ miếu thờ đi chung quanh làng và sau cùng đưa về đình làng để hội tế. Sau khi tế lễ và ăn uống xong thì hội "chen" bắt đầu. Vị tiên chỉ trong làng là người điều hành hội chen. Những người tham dự theo từng cặp, đa số là nam nữ thanh tân; nhưng những ông già, bà cả cũng có thể tham dự buổi lễ chen nầy. Trong khi chen thì bên nam bắt đầu tấn công trước, từng đôi một chen nhau ôm lấy nhau và sờ soạng nhau, bất chấp cả lễ nghi, tôn giáo. Họ có thể làm bất cứ hành động gì mà không sợ phải bị vạ.
Đến ngày thứ nhì thì bên nữ tấn công trước và những hành động của họ cũng không hề e dè. Họ đưa nhau ra tận ngoài những cánh đồng hoang để chen nhau cho đến khi mệt nhừ thì cùng nhau trò chuyện, tâm tình.
Vì quan niệm hội chen là hành động tôn giáo cho nên ai nấy đều tham dự. Trong buổi lễ cuối cùng thì hội chen tổ chức ngay tại sân đình làng. Sau khi hoàn tất buổi lễ, thì đèn được đều được tắt hết và cuộc chen nhau bắt đầu với những thái độ sỗ sàng, táo bạo do từ hai bên, trước sự chứng kiến của cha mẹ họ khuyến khích thêm. Vì cho rằng những năm không tổ chức hội chen, dân làng nghèo đói, khốn khổ cho nên ngày trước hội chen tổ chức rất chu đáo và những đôi nam nữ tham dự được chuẩn bị từ trước; sau đó họ thường đi đến hôn nhân.
(Hội tết làng Xưa – Khuyết danh)

Đượn
Đượn : dài thẳng tuột
(lưng đượn đượn)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thoại làng văn
Số phận của bản thân Thanh Tịnh buồn thật buồn nên ông hay nói chuyện vui, nói đùa. Có lẽ chính vì đời buồn quá nên ông phải cố cười cho quên đi. Ngồi với ông hôm ấy ở 4 Lý Nam Đế, ông kể tôi nghe nhiều chuyện vui. Tôi còn nhớ hai chuyện như sau:
Trong tập Những người thích đùa có một truyện không được dịch: “Có một anh muốn tự tử, dùng nhiều cách mà không chết được, vì mua phải toàn đồ rởm: dao rởm, thuốc độc rởm, giây thừng thắt cổ rởm. Có người mách cho một cách chết ngay, chết chắc chắn:
- Đọc báo Nhân dân liền ba ngày.”
Chuyện khác:
Ở khu phố ông người ta bắt được thằng chuyên ăn cắp xe đạp.
Họ bắt nó biểu diễn mở các thứ khoá. Các loại khoá ngoại tốt nhất nó đều mở được hết.
Họ hỏi nó:
“Khoá nào mày thấy khó mở nhất, không mở được?
Nó nói:
“Khoá Việt Nam. Vì xe khoá rồi vẫn đứng nhìn. Mà chính chủ nó cũng không mở được. Phải dỗ mạnh xe mấy cái mới mở được”.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Chữ Nho
Chữ “Nho” do chữ “nhân” (người) ghép với chữ “nhu” (cần dùng) có nghĩa là loại người cần dùng cho xã hội.
Chữ nhu còn có nghĩa là chờ đợi (người giỏi chờ lúc ra giúp đời)
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Buôn tảo bán tần
Tảo, tần là tên hai loại rau mọc ở dưới nước, ven bờ khe suối. Trong bài thơ "Thái tần" có câu:
Vu dĩ Thái Tần,
Nam gián chi tân
Vu bỉ Thái Tảo
Vu bỉ hàng lạo
Nghĩa là: Đi hái rau Tần, bên bờ khe phía nam, đi hái rau Tảo, bên lạch nước kia. Theo cách chú giải thì câu thơ trên ca ngợi người vợ hiền dâu thảo, chăm hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên. Trong văn hóa Trung Quốc, Tảo, Tần tượng trưng cho đức tính siêng năng, chịu khó, hay làm của người phụ nữ. Thành ngữ "buôn tảo bán tần" đã có trong Kinh Thi.
Ở Việt Nam, ý biểu trưng của tảo, tần cũng được xử dụng nhiều trong văn học cổ. Chẳng hạn:
Sớm khuya chăm việc tảo tần
Thờ cha kính mẹ đôi lần chẳng sai
(Phạm Tải - Ngọc Hoa)
Sau này, "Buôn tảo bán tần" được hiểu với nghĩa rộng hơn chỉ đức tính đảm đang việc nhà của người phụ nữ:
Cô Hai buôn tảo bán tần
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa
(Ca dao)

Đụt
Đụt : trú ngụ
(đụt mựa đụt nắng, đụt vào: núp vào
hui đụt vào ma nương nhờ)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Ngôn sử
Khi vừa tốt nghiệp cử nhân văn khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, hắn mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Thì giờ rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn “ngôn sử”.
Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt. Hắn bảo tôi :
- Bôn ba không qua thời vận. Mày xông xáo như thế mà cuối cùng lại chẳng ra gì so với tao. Chính mầy hơi bị nhỏ đấy. Chúng nó ăn hối lộ và buôn lậu, nhiều tiền bẩn quá phải mua nhà đất để tẩy, sau khi được tiền lùi vài trăm cây.
-Tiền lùi ?
- Đó cũng là một từ mới nữa. “Lùi” có nghĩa là tiền mà kẻ được lịch sự bớt cho, còn gọi là tiền lại quả, cũng một tiếng thời thượng mới. Nó được năm trăm cây nhưng lùi cho một trăm cây.
(Lượm lặt của thiên hạ - Web: bacdau.wordpress.com)

Đơm
Đơm ; dâng cúng
(đơm ma tế quỷ – đơm ông bà ông vải
Đơm quải: cúng tổ, cúng quỷ đơm ma)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Giai thọai làng văn xóm chữ
tuxuong

Cho hay công nợ âu là thế.
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời.
Tiền bạc phó cho con mụ kiếm...

Trong bài thơ Tự cười mình, Tú Xương đã “tự thú” về mình như thế. Con mụ ở đây là người vợ tảo tần của Tú Xương. Ông bà Tú sinh hạ được 5 người con. Trước một bà vợ đảm lược, gia - đình ở phố Hàng Nâu ấy, bà còn nâng giấc chăm sóc ông Tú với tấm tình chan chứa đức hy sinh nên ông đã viết hẳn một bài thơ:
Thương vợ
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.

Hành lạc từ
Tội gì ngàn năm lo
Có chó cứ làm thịt
Có rượu cứ nghiêng bầu
Được thua trên đời chưa dễ biết
(Nguyễn Du - bản dịch của cụ Lê Thước)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Hút thuốc không phải là ngầu
Hút thuốc là để đi...cầu đỡ hôi.
Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu
Khổng Tử đang dạy học trò, bỗng thấy người hơi oải, liền đứng dậy bước ra hòn non bộ. Ngó vào nơi xa vắng, mà tự nhủ lấy thân:
Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu,
Thoại bất đầu cơ bán cú đa.
Uống rượu mà gặp được người hiểu mình, thì dẫu nốc cả ngàn chung, cũng chẳng ăn thua gì hết cả. Còn trò chuyện mà gặp người tầm phào ba láp, thì dẫu nói nửa câu, cũng giống như chưa nói gì đó vậy. Ta, bởi mang tiếng là hiền sĩ. Chuyên nói chuyện nghĩa nhân, nên... thiên bôi thiểu chưa bao giờ có đặng. Thiệt là đáng tiếc!
Rồi một hôm, Khổng Tử đang uống rượu cần. Chợt có đứa trẻ ngồi ở lưng trâu tà tà qua trước ngõ. Mở miệng hát vang:
Thương lang chi thủy thanh hề,
Khả dĩ trạc ngã anh.
Thương lang chi thủy trạc hề
Khả dĩ trạc ngã túc.
Thương lang chi thủy nửa trạc nửa thanh
Túc túc anh anh cái gì cũng đặng.
Khổng Tử bỗng biến đổi sắc mặt và nói:
- Chân lý cuộc đời. Sao thằng này lại biết?
Rồi nghệch mặt ra mà suy nghĩ. Lúc ấy, có Mạnh tử đang hầu rượu gần bên, bất chợt thấy da mặt của thầy đang chuyển dần qua tái. Sợ hãi nói rằng:
- Lời của đứa trẻ chăn trâu. Hà cớ chi thầy phải ưu tư nhiều đến thế?
Khổng Tử như còn ở trong mơ, nên chẳng buồn đáp lại. Đã vậy còn thì thào tự nhủ lấy thân:
- Nước sông Thương lang nếu mà trong, thì ta dùng để giặt giải mũ. Nước sông Thương lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân. Còn nước sông Thương lang nửa đục nửa trong, thì giặt mũ rửa chân cái gì chơi cũng được...

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Bước chân ra đi, nó khóc mãi...khóc mãi...

(còn tiếp)