NỮ ANH KIỆT BÙI THỊ XUÂN

Trần Khánh

Đọc sử nước nhà qua các vị anh hùng liệt nữ: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Ẩu, công chúa Bát Nàng... Khi các anh hùng nữ kiệt lâm bước đường cùng đều lấy cái chết tự vận để bảo tồn thanh danh khí tiết của mình. Riêng về bà Bùi thị Xuân một người đàn bà gan dạ, chí khí sắt đá, coi cái đau đớn cái chết như không. Người đàn bà như vậy, hỏi ở thế giới từ cổ chí kim có được mấy người?
Hồi thời Pháp thuộc nhiều người đem so sánh Nguyễn Huệ với Napoléon Bonaparte và Jeanne d’Arc với Trưng Trắc. Đọc rõ lại lịch sử thì Nã Phá Luân đệ I sao sánh bằng Nguyễn Huệ, cho tới chết Nguyễn Huệ chưa thua một trận nào, còn Jeanne d’Arc nhờ thần quyền thắng vài trận nhỏ rồi sau bị bắt và xử đốt, còn hai Bà diệt cả 65 thành trì của giặc rồi lên ngôi vua.
Vậy chúng ta sẽ đọc qua tiểu sử và sự nghiệp bà Bùi thị Xuân để mà tự hào được làm con cháu của bà, chỉ noi theo gương một phần thôi là danh dự lắm rồi.
Bà Bùi thị Xuân là con của Bùi Đắc Chứ, người thôn Xuân Hoà, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định (Đồ Bàn của Chiêm Thành, năm 1470 vua Chiêm Trà Toàn gây sự, vua Lê Thánh Tôn cử binh đánh hạ thành, đổi Đồ Bàn thành Hoài Nhân, chúa Nguyễn Hoàng đổi tên Hoài Nhân thành Qui Nhơn năm 1605, chúa Nguyễn Phúc Tần đổi Qui Nhơn thành Qui Ninh năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy lại tên Qui Nhơn năm 1741. Nguyễn Phúc Ánh phá thành Qui Nhơn đổi thành Bình Định năm 1799). Bà có sức mạnh và có sắc đẹp, nữ công khéo, chữ viết có hoa tay, nhưng bà thích võ nghệ hơn hết. Khi nghe kể chuyện bà Trưng, bà Triệu cỡi voi đánh giặc thì nao nức muốn được theo gương, không thích nghe chuyện phòng the ủy mị nhảm nhí. Lớn lên tự vẽ kiểu áo hiệp sĩ may mặc, cha mẹ bà chiều con không trách cứ, còn tiếng khen chê của thiên hạ thì bà không bận tâm.
Năm 12 tuổi bà Xuân còn học chữ ở trường, một bữa nọ bị bạn chế diễu bằng 2 câu đối :
Ngoài trai, trong gái, dưa cải dưa món.
Đối:
Đứng xuân, ngồi thụng, lá vong lá chóc.
Bà nghe qua tức giận đánh vào mặt mấy người đặt điều đối đáp rồi bỏ học chữ từ đó, ở nhà luyện võ.
Trước 12 tuổi bà học võ với người trong thân tộc. Về sau khi thôi học chữ thì có bà lão vô danh tới dạy võ từ đầu hôm tới khuya, suốt ba năm liền trừ những ngày mưa to gió lớn. Bà lão dạy quyền, dạy kiếm, dạy nhảy xa, nhảy cao. Đến 15 tuổi tài nghệ bà điêu luyện, bà lão nói lời từ biệt mà không cho biết danh tánh. Mấy hôm sau bà mất ở thôn An Vinh, chỉ được biết bà lão thuộc dòng giỏi võ.
Bà Xuân bắt đầu dạy võ cho bà con trong nhà rồi tới người lối xóm, lên tới hai ba chục người, trong số đó có một đệ tử xuất sắc là bà Bùi thị Nhạn.
Có một phú ông họ Đinh đến tặng con ngựa bạch để đền ơn dạy dỗ con gái mình, con ngựa to khỏe mạnh, bà tập cỡi ngựa trở thành kỵ mã, về sau theo phò Quang Trung bà dùng chiến mã ra trận. Một ông nghè tặng bà câu:
Bạch mã trì khu cổ chiến trường,
Tướng quan bách chiến thanh uy vương.
Một bữa ra chợ bà Xuân thấy một thớt voi đứng ăn chuối cây, bà đến gần, voi lấy vòi cạ lên người bà có vẻ trìu mến, bà xin cỡi thử, voi co chân trước để bà leo lên mình, bà cỡi voi thấy dễ hơn ngựa, từ đó cái chí làm bà Trưng, bà Triệu thầm nung nấu và từ đó các chị em trong xóm lan ra tới làng tới huyện kế bên cũng tới xin thụ giáo.
Lớn lên bà càng xinh đẹp, đẹp một cách đoan trang, trai làng gần xa nghe tiếng ngưỡng vọng tìm xem. Có kẻ đến thấy diện mạo đã "run như run thần tử thấy dung nhan". Trong vẻ kiều diễm ấy lại có vẻ uy nghiêm với đôi mắt ánh hào quang chiếu sáng làm kẻ yếu bóng vía mất tinh thần, vì thế mãi tới năm 20 tuổi bà vẫn phòng không chiếc bóng.
Bà mẹ bà có ý lo ngại, bà nói: "Bà Trưng có chồng, chồng chết vì đại nghĩa, bà Triệu không chồng, có ai dám cười chê đâu". Một bữa bà cùng vài đệ tử vô rừng Thuận Ninh thuộc Bình Khê săn heo rừng, gặp một thanh niên đánh với mãnh hổ, thanh niên bị thương sắp lâm nguy được bà Xuân xông vô tiếp cứu cọp sợ bỏ chạy. Thanh niên ấy là Trần Quang Diệu, quê quán Ân Tín huyện Hoài Ân, nhà giàu, mồ côi sống tự lập.
Trần Quang Diệu lúc nhỏ học văn võ nhiều thầy, lớn lên vào núi Kim Sơn săn thịt, tình cờ thấy một ông lão đang nằm giỡn với một con cọp to. Con cọp nhảy tới vồ ông Diệu, ông lão hét con cọp dừng lại và hỏi danh tánh ông Diệu, sao dám đưa thân vào ổ cọp.
Diệu kể gia cảnh mình rồi xin cho theo làm đệ tử, ông lão nhận lời. Diệu về nhà giao vườn ruộng lại cho người em chú bác dặn lo làm ăn và cũng đừng tìm ông, chừng 5, 10 năm thì ông sẽ về thăm.
Lên Kim Sơn lão nhân đưa về nhà nuôi dạy. Lão nhân tên là Diệp Đình Tòng người thôn Vĩnh Thanh, huyện Tuy Viễn. Lúc thanh niên, lão giết chết tri huyện tham ô thời chúa Nguyễn Phúc Khoát bị truy nã, lão đem vợ con theo đến núi Kim Sơn lánh nạn, vợ con không chịu nổi lam sơn chướng khí nên lần lượt qua đời, nên không ai biết tông tích lão, gặp Diệu lão vui lắm.
Hai thầy trò sống trong rừng tập luyện võ, Diệu thích môn đại đao hơn, học cách đánh trên ngựa dưới nước. Thoắt đã năm năm, một hôm ông lão trao bảo đao của mình cho Diệu tặng làm kỷ niệm và sai Diệu chôn dấu các binh khí khác và nói: "Ta không còn sống lâu nữa, thầy mừng là đã truyền thụ hết đao pháp cho con, thầy chết rồi con chôn cất xong nên rời khỏi nơi đây để đi lập nghiệp đem sở học sở hành của mình ra giúp đời để khỏi phí phạm một đời".
Mấy ngày sau thầy mất, Diệu cắp đao xuống núi đến Vĩnh Thanh. Nghe tin Nguyễn Nhạc mở sòng bài ở Kiên Mỹ, hôm Diệu đánh cọp ở Thuận Ninh là hôm Diệu ở Hoài Ân vào Kiên Mỹ để gặp Nguyễn Nhạc, hôm ấy không mang theo đao nên suýt chết vì cọp, bị thương, nhờ Bùi thị Xuân cứu kịp nên toàn mạng. Bà Xuân đưa Diệu về nhà Nguyễn Nhạc ở Kiên Mỹ. Nguyễn Nhạc và bà Xuân đã từng nghe tiếng nhau nhưng chưa có dịp gặp. Nhờ cọp đưa duyên mà nên nghĩa nên tình. Nguyễn Nhạc đứng ra làm mai và đứng chủ hôn để cưới Bùi thị Xuân cho Trần Quang Diệu.
Từ đó vợ chồng Diệu-Xuân hợp tác với anh em ông Nhạc mưu đồ đại sự cùng với Nguyễn Thung, Võ Xuân Hoài, Võ Đình Tú, Võ văn Dũng, Trương Mỹ Ngọc... Nguyễn Nhạc giao trách nhiệm về:
- Quân sự: Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú.
- Kinh tế, tài chánh: Nguyễn Lữ, Nguyễn Thung và Bùi thi Xuân
- Dân sự (hành chánh, ngoại giao, tuyên truyền): Võ văn Hoài, Trương Mỹ Ngọc.
Lúc khởi nghĩa bà Xuân được phong Đại tổng lý.
Dưới cờ nữ đại tướng Xuân có mấy phó nữ tướng xinh đẹp tài cao: Bùi thị Nhạn, Trần thị Lan, Nguyễn thị Dung và Huỳnh thị Cúc.
Bùi thị Nhạn vai cô bà Xuân nhưng được bà Xuân đào tạo thành tài là một nữ kiếm khách, kết duyên với Nguyễn Huệ sau khi bà Phạm thị Liên qua đời.
Trần thị Lan là vợ của đô đốc Nguyễn văn Tuyết.
Nguyễn thị Dung kết duyên với Trương Đăng Đô một danh tướng.
Chỉ có Huỳnh thị Cúc độc thân theo phò tá bà Xuân đến cùng.
Năm bà họp thành được người đời xưng tụng là Tây Sơn Ngũ phụng thư. Cùng với Thất hổ tướng (Võ văn Dũng, Võ Đình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn văn Tuyết, Lý văn Bưu, Lê văn Hưng, Nguyễn văn Lộc) và Lục kỳ sĩ (Võ Xuân Hoài, Nguyễn Thung, Trương Mỹ Ngọc, La Xuân Kiều, Triệu Đình Thiệp, Cao Tắc Tựu). Kết lại thành "Tây Sơn Thập bát cơ thạch" làm nền móng dựng nên nhà Tây Sơn.
Năm 1778 thành Qui Nhơn tu sửa làm hoàng thành, Nguyễn Nhạc xưng đế hiệu Thái Đức, phong chức anh em tướng tá, bà Xuân được phong Đại tướng quân, tự hiệu Tây Sơn nữ tướng, quản đốc mọi việc quân dân trong thành, tuần sát vùng Tây Sơn trong tay bà có 4 lữ đoàn nữ binh cùng với bà Trần thị Lan làm phụ tá.
Bà Xuân còn huấn luyện voi do người Thượng tặng và một phần mua, hoặc cống phẩm hoặc chiến lợi phẩm. Lúc điều khiển bà dùng cờ đỏ làm hiệu lệnh.
Trận đánh quân Xiêm ở Rạch Gầm Xoài Mút, Mỹ Tho đầu năm 1785 có mặt Trần Quang Diệu, Bùi thị Xuân, Võ văn Dũng, Đặng văn Trấn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ.
Lúc nội bộ lủng củng Trần Quang Diệu bị nhóm Trần văn Kỷ tâu lên vua Cảnh Thịnh vời về để ám hại. Diệu đóng binh ngoài thành nhưng không phụng mệnh. Nhà nước sợ hãi phải nhờ đến nữ tướng thuyết phục. Vì bà là vợ Diệu vừa là chị em chú bác với Bùi Thái hậu, đã góp phần trong sự tạo dựng nhà Tây Sơn trong ba triều đại Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, bà lo bảo vệ hoàng thành và nội cung với 5000 nữ binh và 200 thớt voi. Thỉnh thoảng bà theo chồng ra trận như năm 1785 đánh với Xiêm quân, Quang Trung năm thứ hai vì quốc vương Lào không chịu nạp lễ cống, Trần Quang Diệu đem một vạn quân đi vấn tội, bà Xuân lãnh tiên phuông đến Vạn Tượng chỉ xáp chiến một trận là hạ ngay được thành, chiến thắng này vang danh tới Gia Định và Bắc Hà. Nguyễn Ánh rất sợ uy danh vợ chồng bà.
Vua Quang Trung mất, bà thọ lệnh phò ấu chúa, nhưng vua Cảnh Thịnh nghe gian thần Bùi Đắc Tuyên cấu kết nhau làm bức tường thành ngăn cách với nhà vua, lúc có việc mới nhờ đến bà.
Năm 1801, Nguyễn Ánh kéo quân ra Phú Xuân, thất thủ vua Cảnh Thịnh phải thân chinh, nữ tướng Xuân chỉ huy đoàn nữ binh theo hộ giá, quân Tây Sơn thua to bà phải tả xông hữu đục mới cứu kịp nhà vua rồi đem cung quyến chạy ra Bắc. Nguyễn Ánh sai Lê Chất đuổi theo, bà truyền nữ binh phò vua đi trước, còn bà quay lại tượng binh cản hậu quân nhà Nguyễn, nhờ vậy nhà vua và đoàn tùy tùng thoát hiểm.
Qua tháng 11/1801 nhà vua đem ba vạn binh đến Linh Giang đem theo nữ tướng Bùi thị Xuân với 5000 quân quyết lấy lại thành trì đã mất. Đánh lũy Trần Ninh và Đầu Mâu kiên cố quá, quân trên thành dùng đại bác và lăn đá, quân tấn công chết rất nhiều. Vua Bửu Hương (Cảnh Thịnh đổi) định rút lui. Bùi nữ tướng không chịu xin được đốc chiến. Bà nhận thấy chỗ có súng bắn thì không có đá quăng mà súng thì bắn xa và không liên tục, người đứng dưới chân thành súng bắn không trúng. Nên nữ tướng nương theo tiếng súng nhảy từng loạt đến chân thành chuyền vai nhau trèo lên thành, binh Tây Sơn ùa vào theo chiến pháp chuyền vai đánh xáp lá cà. Một trận kịch chiến kinh hồn, thành sắp phá xong thì có tin thủy binh ở Nhật Lệ bị đánh tan. Quang Toản hốt hoảng lui binh, bà phải mở đường máu tháo quân, tới Linh Giang, quân Tây Sơn không còn sức chống cự, bà phải một phen xông tên đạn để đưa Quang Toản qua sông. Đến Nghệ An đoàn tùy tùng chỉ còn vài trăm, nữ kiệt mình đầy thương tích. Nữ tướng Huỳnh thị Cúc sát cánh bên bà lúc công thành cho đến lúc lui qua sông. Sáng hôm sau bà Cúc cùng 10 nữ binh về thành mình ướt đẫm máu. Vừa trông thấy bà Xuân, bà Cúc chạy tới ngã vào lòng rồi tắt thở.
Khi đại binh Nguyễn Ánh kéo quân ra Bắc, các tướng binh Tây Sơn thua chạy tơi bời. Trần Quang Diệu bị phù thủng đi không nổi nên bị bắt cùng với Võ văn Dũng. Lúc đó bà ở Diễn Châu cấp tốc đem binh đến Giáp Sơn cứu chồng và các tướng. Qua sông Thành Chương bị quân Nguyễn chận đánh, nữ tướng cùng đoàn nữ binh tận lực nhưng vẫn kém thế vì quân Nguyễn vây quá đông, các tướng bị bắt trở lại, chỉ có Võ văn Dũng chạy thoát đến Nông Cống bị dân địa phương bao vây bắt nữa, còn Trần Quang Diệu kiệt sức bà phải lo bảo vệ chồng nên không rảnh tay chống cự, vợ chồng đều bị bắt hết.
Trần Quang Diệu, Bùi thị Xuân, Võ văn Dũng...bị đóng cũi giải về Nghệ An. Dọc đường Võ văn Dũng phá cũi thoát thân, Bùi thị Xuân không nỡ bỏ chồng đành ở lại cùng chịu chết.
Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh trở về Phú Xuân đem theo vua tôi nhà Tây Sơn ra xử.
Tất cả võ tướng đều bị trảm quyết, voi dày, Trần Quang Diệu bị lột da, hầu hết đều giữ bản sắc anh hùng, không sợ hãi cầu xin, hiên ngang chịu chết.
Đặc biệt nữ anh kiệt Bùi thị Xuân, Nguyễn Ánh nghe danh nên muốn xem mặt và thẩm vấn đôi điều.
- Ta với Nguyễn Huệ ai hơn?
Bà thản nhiên đáp: "Nói về tài ba thì tiên đế ta bách chiến bách thắng, hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ. Còn ông bị đánh phải trốn chui trốn nhủi phải cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng. Còn về đức độ thì tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà đối với kẻ trung thần thất thế như đã đối với Nguyễn Huỳnh Đức, tôi của ông. Còn ông đối với bậc nghĩa liệt đã hết lòng vì chúa thì khác, chẳng nghĩ ai có chúa nấy, ai thích kẻ tôi trung của người tức là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém cũng rõ như ban ngày và ban đêm. Nếu tiên đế ta đừng thừa long sớm thì dễ gì ông trở lại đất nước này."
- Nếu ngươi có tài sao không giữ nổi ngai của Cảnh Thịnh?
Nữ kiệt đáp: "Nếu có thêm một nữ nhi như ta nữa thì cửa Nhật Lệ dễ gì mà lạnh. Cửa Nhật Lệ không để lạnh thì ông cũng khó mà đặt chân lên đất Bắc Hà."
- Ngươi có muốn xin ân xá không?
Bà đáp: "Ta đâu có sợ chết mà phải chịu nhục hạ mình."
Trước khi bị hành hình, người ta làm nhục bà, đem bà về Bình Định lột hết quần áo, cột bà đứng trên tù xa đẩy đi khắp phố phường. Dân Bình Định biết tin, không ai bảo ai, khi xe nữ kiệt đi tới thì nhà ở hai bên đường đều đóng cửa, những ai lỡ bước trên đường hoặc họp chợ đều ngoảnh mặt tránh xa. Xe đến Đập Đá nơi dệt lụa thì những tấm lụa bay tung lên xe phủ lấy thân bà.
Sau đó đưa bà trở về Phú Xuân để hành hình. Các con bà bị giết trước, bỏ mấy người con nhỏ vào bao bố đánh nát thây. Người con gái lớn thì cho voi xé xác, thấy voi đến người con gái sợ la lên: "Mẹ ơi cứu con với!"
Bà hét lớn: "Con nhà tướng không được khiếp nhược". Người con gái liền nhắm mắt thọ hình, không kêu la rên rỉ.
Rồi tới phiên hành hình bà, trói bà để nằm ngửa trên cỏ. Trống giục ba hồi, một con voi đầu đàn hung hăng chạy tới giơ chưn toan đạp. Bà trợn mắt hét lên, con voi sợ thối lui. Nài giục bước tới nhưng voi cũng không dám tiến tới. Lấy giáo đâm voi sợ bỏ chạy. Hình phạt voi dày không kết quả lại dùng cách khác "điểm nhiên đăng".
Họ lấy vải nhúng sáp nóng quấn khắp người bà rồi đem cột đứng vào trụ sắt dựng ngoài trời, châm lửa đốt, lửa cháy phừng mà bà vẫn bình tĩnh không biến sắc. Mọi người xem đều xúc động, chung quanh im lặng chỉ còn nghe tiếng lửa reo, bỗng một tiếng nổ suỵt, sọ đầu nữ kiệt nóng vỡ, một vệt khói xanh bay vút lên cao. Khí thiêng bà đã về thần.
Một hình phạt nhất quán cổ kim, một cái chết vô tiền khoáng hậu, một vị nữ anh hùng nhất thế gian.

Trần Khánh

Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ"

Đăng ngày 15 tháng 09.2016