Một kỷ niệm vui

Võ Kỳ Điền


Ảnh chụp từ trái: Luân Hoán, Trần Gia Phụng (áo xanh lợt), Võ Kỳ Điền, Song Thao (Toronto, 5 - 2005)

Buổi tiệc tối hôm đó được tổ chức trong một đại sảnh khá lớn, hình như để kỷ niệm mấy chục năm thành hôn của cặp đôi vợ chồng giáo sư Đoàn Phế, một bạn thân tôi. Tiếng nhạc rập rình vang vang lẫn với tiếng nói chuyện khách khứa ồn ào huyên náo cả căn phòng rộng mênh mông, sáng chói ánh đèn, đầy vẻ sang trọng quí phái. Đây là buổi tiệc đầu tiên tôi tham dự khi đến cư ngụ ở thành phố Toronto nầy, một vùng nói tiếng Anh. Tôi đã sống ở thành phố Montréal trên hai mươi mấy năm rồi, cái gì hầu như cũng quen thuộc. Montréal một thành phố của Canada, thuộc vùng nói tiếng Pháp đầy vẻ hiền hòa bình yên. Cho đến khi đến cư ngụ tỉnh bang nầy, tất cả đều mới lạ đến bỡ ngỡ. Khung cảnh lạ, bạn bè lạ, ngôn ngữ lạ, nói chung cái gì đối với tôi cũng mới, cũng lạ hết trơn...

Những khách ngồi quanh chiếc bàn tròn nầy đều là những cặp vợ chồng khá lớn tuổi, tất cả ăn mặc đẹp đẽ tươm tất, chào hỏi nhau trịnh trọng. Vì tôi lại là người khách lạ, trên bàn không một người quen, nên không ai bắt chuyện. Tôi lại là người kém giao thiệp, nói năng không khéo nên cũng không biết nói gì với các khách lạ cạnh bên nghe cho được, đành im lặng. Mãĩ cho đến khi một ca sĩ sau khi hát xong một bài giúp vui, từ trên bục bước xuống đến ngồi cạnh bên thì tôi mới có dịp chào hỏi. Ca sĩ nầy được ban tổ chức giới thiệu là người khá nổi tiếng trong tỉnh bang, cùng tên với tôi nhưng khác họ. Dĩ nhiên tôi mới nghe danh ông lần đầu. Ông ta còn trẻ lắm, chừng ba mươi là cùng. Vóc dáng chững chạc thanh nhã, mắt sáng môi tươi thuộc hạng khá đẹp trai. Sau khi chào hỏi, tôi buộc miệng khen ông thật lòng:
- Ông có giọng ca tuyệt đẹp, ấm áp, làn hơi mạnh, đầy nội lực.
Thiệt ra, về âm nhạc kiến thức tôi chỉ biết có bấy nhiêu. Có học nhạc hồi nào đâu mà biết nhiều hơn nữa!

Không biết những lời khen của tôi hay dở như thế nào, mặt ông sáng ra và nói lời cám ơn. Tôi nhìn kỹ lại thì thấy dáng vẻ ông chân tình lắm và ông cũng khen lại tôi:
- Ông cũng vậy, tôi rất thích đọc các bài ông viết.
Nghe ông nói, tôi như mở cờ trong bụng, không ngờ ở nơi xa xôi nầy, lại có người danh tiếng tài hoa như ca sĩ nầy lại biết tới việc viết văn của mình. Tôi viết đã trên hai mươi mấy năm nay, hầu như ít người biết, và cũng chưa bao giờ được nghe ai khen trực tiếp một tiếng, đây mới là lần đầu, không sướng sao được. Tôi cố kìm lại bình tĩnh, rất cảm động cám ơn ông và thú nhận:
- Tôi viết ít, bài viết không có bao nhiêu, được ông ở phuơng xa đọc tới là quí lắm.
Nào ngờ nghe qua những lời khiêm tốn của tôi, ông lại khen tiếp :
- Thỉnh thoảng đọc các bài viết của ông, tôi học hỏi được rất nhiều, ông có những khám phá mới lạ mà ít có nhà văn nào có được...

Trời, những câu tôi đã viết, có phải là câu văn? Mà nếu được gọi là câu văn thì với những công trình đã xuất bản, tôi có thể là nhà văn chưa? Làm sao biết được. Tôi có ông bạn là nhà văn Hồ Trường An, có lần trong một bài viết đã nói "có người được gọi là nhà văn mà sưốt đời không viết nổi một câu văn!".
Sao nói gì kỳ lạ vậy, nghe mà đâm hết hồn. Kể từ khi nghe được ý kiến nầy của bạn, tôi rất dè dặt khi bàn đến chuyện thơ văn. Theo tôi hiểu thì chuyện thơ văn là chuyện của nghệ thuật, cũng như thiền trong Phật giáo vậy, đó là chuyện không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì). Không thể nghĩ bàn mà mình đem ra bàn tới bàn lui thì... không biết ra sao nữa.

Tuy vậy chuyện viết văn làm thơ, đâu phải chỉ có mình tôi, rất nhiều bạn có cùng sở thích nầy mà. Cứ coi như một trò chơi trong cuộc đời nầy, như đá banh, bơi lội, câu cá, đi du lịch...
Viết văn làm thơ là trò chơi văn chương của người có đi học.  Có làm thì phải có chơi chớ, vui thôi mà.

Ngày xưa nhà thơ Trần Tế Xương cũng đã từng nói: “nhập thế cục bất khả vô văn tự, chẳng hay ho cũng húng hắng một vài câu”.
Trong câu nầy tôi thích nhứt chữ "ho". Tiếng Việt mình thật tuyệt diệu, muốn hiểu sao cũng được hết. Hay là hay là giỏi mà thêm chữ ho vô lại là dở, kém, như trong câu nói "bài đó mà hay ho gì". Nhưng “hay ho” trong câu thơ thi sĩ đã muốn dùng cái nghĩa là hay. Chữ "ho" được thêm vô khéo quá. Vì “ho” nên mới "húng hắng“, dùng chữ được tới như vậy, thi sĩ Trần Tế Xương quả đúng là thiên tài!

Trở lại câu chuyện, tôi và ông bạn khen qua khen lại khiến cho buổi tối vui vẻ, ấm áp, rồi lan man qua nhiều đề tài khác. Tôi nói năng nhiều hơn và hội nhập được với bạn bè xung quanh. Như vậy cho đến tối hôm đó, sau mấy chục năm chơi trò chơi chữ nghĩa, tôi có thể tạm yên tâm, ít ra những gì mình viết, có được... một người thưởng thức, khen ngợi thật lòng, cũng là quí và an ủi lắm rồi..
***

Mấy ngày sau, giáo sư Đoàn Phế có dịp gặp lại vị ca sĩ nọ. Giáo sư có hỏi:
- Hôm trước thấy hai bạn nói chuyện gì mà coi vui quá, bộ hai anh đã quen với nhau trước?
Được ca sĩ trả lời:
- Chỉ biết tiếng chớ chưa quen. Tình cờ gặp nhau trong buổi tiệc, vui lắm.

Giáo sư Đoàn Phế vì biết rất rõ cả hai bạn mình, trong bụng thắc mắc nên hỏi tiếp:
- Vậy người anh gặp và nói chuyện hôm đó anh có biết là ai không?

Và được ca sĩ trả lời:
- Sao không biết, nhà văn Trần Gia Phụng chớ ai, cả Toronto nầy ai cũng biết ảnh hết trơn mà.

le 14 juin 2023
Brossard, Québec
Võ Kỳ Điền  



Đăng ngày 22 tháng 06.2023